bài đáng đọc: " Mộc ở Melbourne "/ Lê Thị Huệ / Mỹ -- trích: Lê Thị Huệ Blog .
photo: Huy Le, Melbourne
Lê Thị Huệ
Mộc ở Melbourne
tản mạn
gửi Thái Xuân
Nửa đêm đi ngang cửa sổ vườn nhà em ở Melbourne tôi ngửi thấy mùi ngọc lan. Chợt như nhớ lâu rồi mình đã quên hương ngọc lan. Ngọc lan hoa đêm thoang thoảng hương tình. Thuở nhỏ bầy chị em chúng tôi thường len lén tương tư hoa ngọc lan trong đêm tối ở ngôi nhà nhỏ của Mẹ Cha.
Bầy con gái nằm chung giường. Hát đồng ca trên chiếc giường mộc do cha tôi thiết kế.
Mộc đối với tôi là ký ức của những lá gỗ vừa bào ra còn tràn ngập mùi thơm của gỗ thị tươi thắm thiết thịt da cây lá hương rừng rú.
Thuở nhỏ bầy con gái chị em tôi thường ngồi chờ Cha bào những thanh gỗ dày và mới. Do ông có thú vui thích sáng chế bàn ghế giường tủ xinh xinh này nọ cho các con. Những phiến lá mộc cong cớn mỏng tanh từ bàn tay nghệ sĩ của Cha bào thín ra. Chúng móc vào nhau như không muốn rời xa nhau. Chúng uốn éo thả thân thả phận ngắn dài xuống sàn nhà. Chị em chúng tôi vơ lấy cho vào bâu áo cánh. Rồi tụm nguyên bâu đưa lên mũi hít hà hương mới từ lòng gỗ mát tứa ra . Ui chao là thơm tho dịu ngọt mềm mại và thanh tân mùi lá mộc.
Cô bé trong tôi ngày đó có khi nhìn những thanh gỗ màu hồng nâu mà Cha nâng niu trên tay lòng gợn lên một nỗi xao xuyến. Ông thường nâng những khúc gỗ lên trên tầm mũi. Hít một hơi. Nheo mắt và ngắm mặt phẳng của gỗ . Nghía những con mắt của gỗ. Rồi ông đặt xuống bàn bào. Ngồi thừ người một lát. Ông sờ qua sờ lại những vân gỗ có màu chìm hay màu loang. Trước khi đưa chiếc bào lên cứa vào da thịt những thanh gỗ.
Ngày đó tôi giương mắt nhìn hoạt cảnh của Cha diễn trước các lát gỗ mà có khi thầm nghĩ. Chắc gỗ phải đớn đau khi bị bào cứa vào trên thân thể. Những lá gỗ ùa ra thành bầy đàn chúng thì đẹp nhưng chắc cũng đau.
Đẹp nhưng Đau.
Tôi ghé Melbourne vào căn nhà Thái Xuân. Cô em gái yêu theo chồng xa chị xa em . Cả bầy 6 chị em đều ở Bắc California . Chỉ mỗi Lê Thị Thái Xuân trôi sang tận xứ Melbourne Úc Châu sống cùng chồng và con.
Bao nhiêu nơi du lịch khắp địa cầu tôi đều là tín đồ của khách sạn. Tôi ghiền sự trống vắng và thích được một mình ở những khách sạn nhỏ. Tôi từ chối ở nhà ai dù ai có mời . Nhưng lần này ghé bến Melbourne tôi chui tọt vào căn phòng cuối vườn nhà em.
Thế mới có màn nửa đêm mở cửa đi ngang vườn ngửi mùi ngọc lan mà thấy lòng dậy lên nỗi nhớ nhớ thương thương ...
Nhà em là một cái kén dày và ấm. Thời đại tôi lần khân thiếu dần tổ ấm. Con gái bây giờ thích đi xa và thưởng thức sự độc lập và không muốn hy sinh cho kẻ khác. Con gái bây giờ thích ích kỷ sống cho mình trước . Đàn bà bây giờ có khuynh hướng muốn phá tổ ấm để tìm kiếm xây dựng một cái tôi cho riêng mình.
Tạo dựng tổ ấm đòi hỏi sự cộng hưởng của các thành viên . Một mô hình tha thiết mời gọi.
Kiểu cổ điển thì có người trong gia đình phải hi sinh những thú sống riêng . Em gái tôi là người hi sinh đời mình cho chồng và các con
.
Để khi bước vào nhà em là tôi như trú ngụ vào một tổ ấm mà tôi không muốn rời.
Em nướng cá tươi lóc rút hết xương rồi rưới hành mỡ đậu phụng rang với rế rau diếp cá và húng quế hái trong vườn Melbourne cho chị cuốn bánh tráng. Em đặt mẹ chồng già 94 tuổi trong chiếc giường nệm êm ái sạch sẽ. Em tắm rửa lau chùi thân thể bà. Em đút cơm cháo cho bà nội. Miệng em luyên thuyên cười nói. Thái Xuân, em là cô tiên diu hiền mà Cha Mẹ chúng mình gửi đến trần gian làm quà tặng lành. Em Thái Xuân tôi nổi tiếng xinh đẹp nhất bầy con gái nhà ông Lê Nghĩa .
-hai chị em Thái Xuân và Lê Thị Huệ, 1972
Mẹ tôi mất sớm . Bầy con gái chúng tôi mồ côi mẹ. Có đứa xa mô thức sống của mẹ . Có đứa sống như Mẹ
Bây giờ dà dà tôi bỗng thấy khi gần em tôi như ngửi được hương ấm của Mẹ lan tỏa. Ở cạnh Thái Xuân xứ xa Melbourne mà có cảm tưởng tìm được gần đến Mẹ ở một nơi nào đó trên thiên đàng.
Mùi hương ngọc lan ở ngôi vườn nhà Thái Xuân làm cho tôi ra đứng giữa vườn thút thít nửa đêm vì thương em và nhớ Mẹ nhớ Cha.
Không có đức tính nào vĩ đại hơn hy sinh. Hi sinh là viên ngọc tình cảm vĩ đại nhất trên đời . Người hi sinh là dâng hiến không điều kiện đời mình tình mình cho Kẻ Khác. Một đòi hỏi khắc nghiệt khủng khiếp.
Tôi chỉ biết khựng lại và khiếp đảm ngưỡng mộ đức hi sinh . Tôi chỉ biết nhận ơn hi sinh của những kẻ ban phát . Tôi ngửi mùi hương nhà em Thái Xuân tỏa ra từ lòng hi sinh cả cuộc đời của em, để tạo dựng một mái ấm giữa lòng đô thị Melbourne .
Đêm đêm tôi ngủ ở cửa nhà em để ngửi thấy hơi ấm của một mái gia đình mài mộc ra những lá gỗ thơm hương hạnh phúc.
Em cho tôi mùi áo mẹ . Em tặng tôi hương thơm lá mộc của cha.
Ở Australia tôi gặp lại những người bạn như vợ chồng Kim Ngân Văn Khoa Việt Văn đại học Đà Lạt, vợ chồng Thu Oanh nữ trung học Trinh Vương Quy Nhơn, vợ chồng Kim Hảo Saint Paul Đà Nằng . Những chân trời xa giờ kéo lại gần. Tình cờ mà những cặp đôi này đều là những mối tình bất hũ thời thanh xuân nổi bật là các nàng lĩnh tụ lớp nữ. Các chị bạn tôi đều là những đởm lược nhan sắc. Nhà cửa họ khang trang đề huề. Các nàng đều là những gương hi sinh vĩ đại xây dựng được tổ ấm của họ. Không ai li dị. Cuối đời vẫn ôm eo nhau. Con cái học hành đàng hoàng, công ăn việc làm ổn, lập gia đình nối tiếp sinh con đẻ cái. Đời bình thường như vậy đòi hỏi gì hơn!
Ở đây tôi nhìn thấy các Thị Kim Ngân, Thị Thu Oanh, Thị Thái Xuân, Thị Kim Hảo những gương hi sinh vĩ đại nhiệm mầu. Các Thị Việt Nam này đã hi sinh bằng cấp, hi sinh nghề nghiệp, hi sinh thời gian, để dệt kén mái ấm cho chồng và các con . Nhà của các chị em là những tổ ấm đúng nghĩa. Là quê nhà cho chồng con quay về. Là vòng tay thân yêu mà các con họ thương nhớ khi rời xa.
Tôi được Kim Ngân và chồng đãi cho món cá đù béo nước Australia cuốn bánh tráng với nước mắm vắt chanh hái trong vườn nhà thơm ơi là thơm . Ở Canberra tôi ăn no cành hông những chiếc bánh bèo xinh xinh của Thu Oanh và anh Đỗ Anh Dũng thủ khoa Anh Văn Đại Học Đà Lạt. Người chỉ cho tôi trong vườn có loài hoa hồng toét tên tiếng Anh gọi là Naked Ladies . Còn chị Hảo và anh Hùng thì chở tôi ra biển Melbourne cho tôi ngửi được mùi của biển địa phương hả hê cơn thèm đi biển của tôi
Mấy ngày ở thủ đô Canberra Úc vợ chồng Lâm Công Tâm và Kim Ngân tặng tôi chuyến đi xem triển lãm ở bảo tàng viện National Museum Autralia. Cuộc triển lãm có tên “Feared + Revered. Feminine Power Through The Ages” . “Sợ Hãi + Kính Trọng. Nữ Quyền Qua Các Thời Đại”. Các tượng và tranh cổ như bức Venus, tượng Sekhmet, tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Đức Mẹ, tượng những cái lồn, ảnh những nữ lãnh tụ giết đàn ông vv … Không có tượng nào của Việt Nam, như tượng Hai Bà Trưng chẳng hạn.
Tôi thích thú đi xem cuộc triển lãm hiếm hoi ấy như người được trúng số du lịch kỳ này.
Bước ra khỏi bảo tàng viện tôi chợt nghĩ. Phần lớn các tượng trưng bày thành tựu quyền lực của đàn bà muốn chứng tỏ sức mạnh thể xác và sức mạnh quyền thế của phái nữ . Ban tổ chức muốn gửi thông điệp về một thứ quyền lực của giới nữ. Theo họ quyền lực thành tựu do lòng thờ phượng của đám đông + sex power.
Những người đàn bà bạn tôi trong bài viết này là tỷ tỷ đám đông đàn bà nhân loại hy sinh đời mình để dâng tặng cho đời sự “An Lành + Bình Thường”. Không có trong thành phần mà ban tổ chức cuộc triển lãm muốn chọn làm đại diện.
Sống đời “An Lành Bình Thường” là thứ giá trị vĩ đại nhất trên tất các giá trị vĩ đại khác của nhân thế. Sự Hy Sinh của các bạn tôi là sự biểu hiện chất keo đãi lọc và tạo dựng nên sự “An Lành Bình Thường” của số đông nhân loại. Những người đàn bà hy sinh đời mình cho chồng cho con là những chiến sĩ chiến đấu và bảo vệ một giá trị thông thường của nhân loại: Hãy Sống Một Đời An Lành BìnhThường.
“Sống Đời-An Lành-BìnhThường” là một giá trị cao quý thường bị rẻo giá, bị nhân loại coi thường. Không ai màng tặng cho nó một tấm huy chương.
Để sống được một đời an lành bình thường đôi khi rất khó. Có khi phải phấn đấu khủng khiếp lắm mới đạt được nó.
Những bà bạn bình thường của tôi ở “Down and Under” “Dưới và Thấp” (một tên khác của nước Úc) với bó đuốc hi sinh thì phất cao đường gươm gìn giữ trái đất một đời bình an tầm thường cho nhân loại, từ tảo thiên lập địa cho đến nay.
Hy sinh là đức tính rất mộc. Rất trần. Rất ngọc.
Có những thế sống trong đời mà người ta cảm, đâm đầu vào, mà sống. Những lực sống lôi kéo chúng ta vào đấy. Như khi chúng ta yêu. Hi sinh là một thế sống mà con người lao vào đấy sống đến có thể tử vong, có thể liệng cả tâm hồn, thân xác, và cuộc đời theo nó.
Đẹp nhưng Đau.
Khổ đau thua thiệt nhất trần gian là đức Hy Sinh.
Bông hoa đẹp nhất rực rỡ nhất của cuộc đời là cánh hoa Hy Sinh.
Thái Xuân. Em làm chị nhớ hơi ấm của Mẹ những khi cả bầy con gái rúc vào người Mẹ yêu chỉ để ngửi làn da kẻ sinh ra mình đã banh đời ra hy sinh cho chồng và các con đến chết giữa lúc tuổi đời còn dương năm.
Tự nhiên bóng dáng lui hui của chồng Xuân cưa mấy miếng gỗ để đặt thành một cái kệ nhỏ trên bếp nhà em làm chị nhớ đến Cha và những lá mộc thời tuổi thơ của chị em mình.
Chị đứng trong đêm tối ngửi ké mùi hương ngọc lan vườn nhà Xuân. Nghĩ đến những người đàn bà đã hi sinh đời mình cho chồng con. Chỉ biết thốt lên một mớ chữ ngợi ca đức tính hy sinh của những người đàn bà như Thái Xuân, như Kim Ngân, như Thu Oanh, như Kim Hảo …
Muốn nói lời tri ân đến đám đông bình thường nhân loại đã đem thân mình đốt đuốc thành ánh sáng Hi Sinh cao cả, chiếu rọi vào cõi dương trần đầy gớm ghiếc do lòng ganh ghét, bản tính ác độc, tính ích kỷ, cũng của đám đông nhân loại chúng ta thế đấy.
Hi Sinh là loài hoa Vạn Tuế! Là thứ ánh sáng cao thượng ngời ngời tuyệt vời nhất của nhân loại.
một số ảnh tượng được chụp lại từ cuộc triển lãm
“Feared + Revered. Feminine Power Through The Ages”
“Sợ Hãi + Kính Trọng. Nữ Quyền Qua Các Thời Đại”
ở National Museum Autralia, thủ đô Canberra, Úc
từ tháng 12-2022 cho đến tháng 8-2023.
1 Tượng Sekhmet, Egypt, about 1391–1353, trước Chúa Giáng Sinh.
2 Tượng thần vệ nữ nổi tiếng Venus, Rome, Italy, 100–150
3. Tượng Nữ Hoàng Trong Đêm ‘Queen of the Night’ Iraq, about 1750 trước Chúa Giáng Sinh,
4. Biểu tượng Kali tác phẩm của Kaushik Ghosh, India, 2021
5. Tượng Phật Bà Quan Âm, China, khoảng năm 1260
6. Tượng Đức Mẹ Hài Nhi Virgin and Child, France, khoảng năm 1275–1300
7. Tượng Sheela-Na-gig, Ái Nhĩ Lan,
"Sheela-Na-gig" nổi tiếng biểu tượng cái "lá đa" của phụ nữ Âu Châu.
Tượng xuất hiện vào thế kỷ 12 ở Ái Nhĩ Lan
8. Tượng mẹ đất Rapa Nui, Chile, Nam Mỹ, khoảng năm 1250 - 1500
Lê Thị Huệ
Melbourne, Australia cuối tháng Hai, 2023
============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ