bài đáng đọc : " THIÊN ĐƯỜNG SÁCH '/ Phạm Công Luận / tphcm -- trích: Lê Thiếu Nhơn Blog
Thiên đường sách
Thời gian trước 1975, dân mình thích đọc nhưng đa số thuê sách đọc rẻ hơn nhiều, thấy hay quá thì đi mua, muốn lưu giữ thì chịu mất cọc lấy luôn cuốn sách. Đó là tình trạng chung của dân đọc sách.
THIÊN ĐƯỜNG SÁCH
PHẠM CÔNG LUẬN
Sách chia người đời ra hai nhóm: người đọc sách và người không đọc sách. Ở đây là chuyện của người đọc sách.
Hồi tôi còn nhỏ, không rõ nơi khác ra sao chứ riêng trong xóm tôi không mấy nhà có sách trong nhà. Lê la từ nhà này sang nhà khác, tôi chỉ mong tìm ra cuốn sách nào đó để mượn và ít khi có. Vài ông trong xóm có đọc báo nhưng sang nhà tôi để mượn đọc rồi trả. Năm 1975, những người phụ trách “bài trừ văn hóa độc hại” chừa xóm tôi ra, chỉ tìm sách “độc hại” trong các xóm có nhiều nhà khá giả. Họ tin xóm lao động của tôi không mấy nhà có sách lưu trữ. Nhờ vậy, nhà tôi giữ lại được hơn trăm cuốn sách.
Tôi có những kỷ niệm về sách hồi nhỏ, đã kể trong mấy bài viết về sách. Có chuyện chưa kể là có lần tôi và ông anh cùng đọc chung cuốn “Mơ thành người Quang Trung” của Duyên Anh thì bất ngờ bị ba dùng roi quất vào mông cả hai mấy roi đau điếng vì tội “ham đọc sách, làm biếng học”. Hai anh em tôi vùng dậy, không hiểu vì sao bị quy tội như vậy (dù hai anh em cũng… làm biếng học, nhưng đứa học trò nào chẳng thế!). Đó là thời gian khoảng sau năm 1969, chuyện làm ăn khó khăn và ba tôi rơi vào trạng thái trầm cảm. Ông cũng thích đọc sách, nhưng tâm trạng bất an đã trở thành cơn nóng giận. Đối với ông chuyện cơm gạo mới là quan trọng dưới mái nhà. Sau này tôi nghĩ như vậy, chứ lúc đó chỉ có tâm trạng uất ức của thằng nhỏ chín tuổi.
Đó là kỷ niệm buồn duy nhất liên quan đến sách. Gần như sách chỉ mang đến niềm vui, giúp tôi vượt qua cuộc sống buồn tẻ, lại tạo nên những gì tôi đang có.
Có vài nhà văn mà tôi thích đọc về cuộc đời nhiều hơn văn chương của họ. Đó là ba nhà văn Hemingway, Nhất Linh và Nguyễn Hiến Lê. Hai ông trước, cuộc đời phiêu bạt của họ rất đáng ngưỡng mộ. Hemingway từng chiến đấu như người lính và phóng viên chiến trường chống độc tài ở Tây Ban Nha, lại cuốn hút phụ nữ vì điển trai, viết sách đa dạng đề tài, nhiều cuốn chỉ đọc tựa sách thôi đã thấy mê như Những ngọn đồi xanh châu Phi, Hội hè miên man, Bên con sông và dưới vòm lá cây… Đàn ông nào hồi còn trẻ cũng muốn được như Hemingway, đẹp trai, viết hay, lang bạt khắp nơi, có những mối tình sôi nổi. Nhất Linh cũng có cuộc đời phiêu bạt, ông không chỉ viết văn giỏi mà còn làm báo giỏi, vẽ đẹp, tên tuổi lừng lẫy ở thời kỳ rất sôi nổi về văn chương của miền Bắc, sống có lý tưởng, đã chọn cái chết rất bất ngờ và quyết liệt.
Riêng đối với nhà văn Nguyễn Hiến Lê, tôi kính trọng sự chuyên tâm làm việc của ông, khối lượng kiến thức ông truyền bá qua các cuốn sách dịch, từ sách nghiên cứu cho đến tiểu thuyết, nhưng tôi thích nhất bộ hồi ký của ông và vài tập tùy bút. Qua tùy bút Nguyễn Hiến Lê, luôn có vẻ đẹp của sách vở và thú vui đọc sách. Điều đó âm thầm cổ vũ tôi, khi còn là đứa bé có phần hướng nội, thích giao du trong vòng hẹp và chọn đọc sách là thú vui lớn nhất.
Tôi bắt đầu thích đọc Nguyễn Hiến Lê từ cuốn “Mười câu chuyện văn chương”, đọc năm 14 tuổi năm 1975 khi chiến tranh đang diễn ra dồn dập. Tôi hứng thú đọc đoạn văn Nguyễn Hiến Lê kể chuyện sách nửa thế kỷ trước, khoảng những năm 1930, ở Hà Nội “ngoài mấy cuốn Truyện Kiều, Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên, Thạch Sanh. Phạm Công Cúc Hoa … chỉ còn mỗi một loại là truyện Tàu. Thuê được một cuốn truyện Tàu (ở hiệu Cát Thành, đầu phố Hàng Gai – Hà Nội) thì phải đọc cho xong (100 trang khổ lớn chữ Romain 10) trong hai ba ngày và cả nhà, đủ ba thế hệ, xúm lại nghe một người đọc dưới ngọn đèn ba dây”.
Chú bé Nguyễn Hiến Lê là người đọc cho mọi người nghe và thích thú với vai trò đó, vì được cả nhà cưng, được ngồi ở giữa quấn mền giữa mùa đông, có bình nước bên cạnh để nhấp giọng và một dĩa lạc rang, hoặc vài món ăn khác. Chú thích thú quan sát vẻ mặt mọi người, khi sắp hết truyện thì ai nấy nửa hân hoan nửa tiếc rẻ. Những chuyện kết thúc có hậu khiến mọi người rất thích. “Đọc tới chữ Chung, mọi người hân hoan đi ngủ ngon lành để đón những giấc mộng đẹp toàn những cảnh vinh quy bái tổ, giai nhân tài tử dạo gót huê viên”.
Sau này lên trung học, tôi có nhiều bạn bè thích đọc sách hơn hồi học mấy lớp dưới. Hai năm sau 1975, hầu như không còn mấy đứa có sách trong nhà. Để cho bạn vui, tôi mang sách từ nhà ra cho bạn mượn và số sách đó mất dần, không mấy người nghĩ đến chuyện trả lại.
Hồi thập niên 1990, tôi thường đến thăm nhà văn Sơn Nam trên đường Lê Văn Duyệt gần cầu Bông hay ghé nhà trọ nơi ông ở tạm tại Gò Vấp. Ở đâu tôi cũng thấy quanh ông luôn có sách, đa số là sách in thời Pháp thuộc, một số in trước 1975. Tôi đọc lời tâm sự của ông về sách: “Nhà tôi sách khá nhiều, thêm sách về dân tộc học, mỹ thuật, lịch sử, tôn giáo, vân vân. Chồng chất đầy nhà, nhịn ăn mà mua. Để thấy người xưa và người đương thời đã làm những gì, làm tới đâu. Lắm khi đọc không thấy ích lợi gì hết, đâu phải quyển nào cũng gợi âm vang ngay trong truyện mình đang viết hoặc sắp sửa viết. Nhưng cần thiết, để củng cố bản lĩnh, tỉnh táo hơn. Sự ích lợi rất gián tiếp. Đó là thứ phân hữu cơ cần thiết” (trong cuốn Dạo chơi). Ông Sơn Nam không sưu tầm sách quý như ông Vương Hồng Sển, sách với ông để đọc, để nghiên cứu và tôi thích quan điểm này của ông.
Có lần, tôi được “xem” một cuộc triển lãm sách báo, một cuộc triển lãm thật hấp dẫn ở một tiệm sách gần chợ Bến Thành. Ở đó, trong hơn một giờ, chủ nhân dẫn người xem đi vòng quanh và giới thiệu từng góc triển lãm. Bắt đầu từ dưới nhà bày sách và tự điển, có đủ các thứ sách quý tưởng không còn thể tìm đâu thấy. Những bộ sách rất xưa, in từ năm 1805 cũng còn đủ. Có đủ bộ của thi sĩ Tản Đà với tất cả sự nghiệp trứ tác. Có một tủ bày riêng sách của các ông Nguyễn Văn Ngọc, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh. Hai bên tủ kính đẹp nhứt, một bên dành cho những sách của Thống chế Pétain, một bên dành cho sách và bút tích của bác học Trương Vĩnh Ký.
Ở giữa, bày những sách in đẹp, bằng giấy láng, giấy bouffant, giấy dó, loại sách quý nầy được bày riêng ra một bàn. Bên phía tủ trong, người ta thấy có những cuốn sách về Nguyễn Du, những cuốn Kiều xưa và nay, có những cuốn in ở bên Paris từ hồi 1906 đến nay còn giữ được. Có cả những bản Kiều chữ nôm in bằng tay, rất cũ. Trên lầu là chỗ trưng bày báo chí và tranh ảnh của các người có công với quốc văn, quốc ngữ. Trên tường treo đủ hình, từ những lớp xưa như cụ Chu Mạnh Trinh, cụ Yên Đỗ, cụ Dương Khuê, cụ Phan Thanh Giản, cụ Tôn Thọ Tường, nhà bác học Trương Vĩnh Ký, rồi đến ảnh các người lớp thứ nhì như các ông Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Đông Châu, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Văn Tố, Lê Dư,… sau mới đến các lớp văn sĩ như Thiếu Sơn, Nguyễn Công Hoan, nhà tiểu thuyết Khái Hưng, nhà phê bình Trương Tửu, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, cùng đủ mặt các văn sĩ, các văn đoàn.
Cuộc triển lãm có sáng kiến đáng khen là có treo một bức bản địa đồ văn học Việt Nam, cho người xem thấy được cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Công Trứ là người Hà Tĩnh, Ngọc Hân Công Chúa quê ở Thăng Long, cụ Trương Vĩnh Ký, cụ Đồ Chiểu,… quê quán ở đâu, nhìn qua biết ngay. Về sách báo và tạp chí bày hai bên tường, có đủ các loại báo xưa nay, từ tờ báo đầu tiên là Gia Định Báo, đến những tờ tạp chí văn hóa đầu tiên như Nam Phong, Đại Việt tạp chí, Đông Dương Tạp Chí,… cho đến báo ngày nay. Đặc biệt giữa phòng, có một bàn lớn bày bút tích của vài nữ sĩ, văn sĩ.
Đây là lần xem triển lãm… trong mơ của tôi. Cuộc triển lãm này có thật nhưng đã tổ chức từ năm 1942, gần 80 năm trước và do nhật báo Sài Gòn thời ấy tường thuật lại, rất chi tiết khiến người đọc thích thú, tiếc là mình không phải khách đến xem thời đó. Ông Nguyễn Khánh Đàm, em trai nhà văn Nguyễn Tuân, chủ tiệm sách đã tổ chức cuộc triển lãm sách này, xứng đáng là chuẩn mực cho các cuộc triển lãm sách báo sau này. Nhiều quan chức Pháp cùng các vị Trương Vĩnh Tống, Hồ Biểu Chánh, các thân sĩ Nam Kỳ cùng các nhà viết báo Nam Bắc đã đến dự khai mạc.
Điều đáng ghi nhận là vị thế của sách báo đã được trân trọng từ rất lâu, thời mà báo chí tiếng Việt có lịch sử chưa tới 80 năm từ Gia Định báo và chữ quốc ngữ còn đang phát triển.
Khi còn sống, ba tôi nói bây giờ sách rẻ so với giá sinh hoạt nên người ta không coi trọng. Hồi ông còn trẻ, đồng tiền kiếm khó khăn, sách là món đồ mà ai dư giả ít nhiều mới dám mua. Người bình dân thích đọc thì mua mấy cuốn truyện Tàu tuồng cải lương cổ mỏng chỉ 16 hay hơn 20 trang để đọc đã là phong lưu. Nhà nào có tủ sách trên trăm cuốn là ngon lành. Ai mê sách thì ráng để dành mua truyện Tàu nguyên bộ, đọc đi đọc lại, quý như vàng, để trong tủ kính. Thời gian trước 1975, dân mình thích đọc nhưng đa số thuê sách đọc rẻ hơn nhiều, thấy hay quá thì đi mua, muốn lưu giữ thì chịu mất cọc lấy luôn cuốn sách. Đó là tình trạng chung của dân đọc sách. Còn sách học bằng tiếng Pháp thì mắc, nhiều người vì không có tiền mua sách giáo khoa từ Pháp gửi qua mà không dám thi vào cấp học cao hơn.
Mùa dịch bệnh phải ở trong nhà thường xuyên, tôi thấy mình và cả nhà đọc được nhiều hơn. Trong trạng thái nhàn tản và quấn quýt bên những người thân yêu, chúng tôi cùng nấu ăn, dọn dẹp nhà và lục lọi tủ sách do bận bịu không viếng thăm thường xuyên, thấy có nhiều cuốn sách mua ở các chuyến đi chưa kịp đọc. Trong cái tĩnh mịch của cái xóm nhỏ đang mùa cách ly, tôi nhắc đến câu viết của nhà văn Argentina, Jorge Luis Borges cho con trai khi chúng tôi đang ở phòng thư viện: “Tôi luôn luôn tưởng tượng rằng Thiên đường sẽ giống như một thư viện”.
Con trai tôi, một đứa mọt sách, mỉm cười.
PHẠM CÔNG LUẬN
---------------------------
phải không?!”.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ