" Linh Hồn Lạc Loài "/ tâm bút TRẦN THỊ BÔNG GIẤY [ 1950- / Mỹ -- forwarded by TTBG / Nov., 10, 2022 .
| 22:39, 11 thg 11, 2022 (5 giờ trước) | |||
LINH HỒN LẠC LỐI
(Tâm Bút TTBG)
[]
Thứ Năm Nov. 10, 2022
Tôi có nhiều nỗi buồn, mà, sâu đậm nhất là lòng thương nhớ đứa con gái nhỏ thân yêu. Sáng nay, cô Phú trong nhà đem biếu một tô rau xào. Tôi đang đói (chợt nhớ suốt ngày hôm qua chẳng bỏ gì vào bụng!), chưa kịp thú vị thì đã nghe cô nói: “Em gặp Âu Cơ trên xe lửa”, vậy là cơn đói tan biến ngay!
Nỗi đau Âu Cơ lắng chìm theo Âm Nhạc từ ba tháng trước, bây giờ sống lại mãnh liệt, y hệt hôm sinh nhật Oct. 9, vừa quệt nước mắt vừa viết ra ca khúc Đường Một Chiều ghi nhớ ngày con chào đời.
Cứ đi lui đi tới quanh phòng hồi lâu, chẳng thể tập trung đầu óc vào điều gì. Ban sáng viết xong lời hát Cung Đàn Dang Dở (hoàn tất phần nhạc tối hôm trước), tưởng vui vui trong bụng, nào ngờ trạng thái bấn loạn trở về theo hình ảnh Âu Cơ. Dạo trước cũng có lần nghe con dâu kể: “Anh San gặp Âu Cơ trên xe lửa nhưng nó ngoảnh mặt không chào”. Con dâu nói thêm: “Như vậy Mẹ cũng nên yên lòng vì Âu Cơ khỏe mạnh và vẫn đi dạy.”
Với vô số nỗi buồn đè nặng trái tim; vậy mà lạ, trên các con chữ viết ra và bây giờ là giòng nhạc phổ cho LĐCường, tôi có cách che giấu rất tài tình những nỗi u uẩn của mình. Độc giả đọc tôi, tinh ý lắm mới nhận thấy, đàng sau những con chữ mượt mà là “sự làm việc điên cuồng như một thái độ tự tử chậm.”
Bữa nay cũng vậy. Nỗi đau Âu Cơ bùng dậy rồi cũng phải dẹp xuống tức thì. Thời gian còn ít quá, cả thời gian sống lẫn thời gian làm việc, không nên phí phạm. Cứ cầm bằng như kiếp này duyên mẹ con đã hết! Tôi vẫn chờ nó nhưng cũng không bao giờ tin nó trở về (ngày nào còn anh con rể đứng sau lưng!)
Cũng đành!
Ngồi vào đàn lục lại một bản nhạc làm mẫu dạy học trò năm ngoái; ghi đâu ra đó lên giấy kẽ hàng cho Lê Đức Cường. (Hai tháng ở VN, không có dương cầm, cây violon chẳng đem về, nên âm nhạc tạm đi chơi chỗ khác!). Bây giờ phải tranh thủ viết.
Điều che giấu nội tâm qua văn chương, lúc này được chôn vùi kỹ trong âm nhạc.
Bài Linh Hồn Lạc Lối ý thơ buồn, nét nhạc lạ, xót xa mà không ủy mị trong tính cam-đành-chấp-nhận-Định-Mệnh-
Ở đây vẫn là chia xẻ lời thơ cùng độc giả TRƯỚC KHI gửi về Vũng Tàu cho Lê Đức Cường khoác lên người nó chiếc áo Rumba nhún nhẩy dưới ngón guitar độc đáo của người nhạc sĩ cá chất u uất trầm trầm.
*/ Tuần trước, Chung, cậu em Berlin, và hôm qua, Phan Diên hỏi “Thế nào là sự khác biệt giữa tác giả ca khúc và người làm hòa âm?”
Tôi giải thích: “Ca khúc giống như một thai nhi được người mẹ chăm sóc kỹ càng từ trong bụng cho đến khi chào đời. Người làm hòa âm ví như một cô mụ đón đứa nhỏ khỏi lòng người mẹ. Nếu gặp cô mụ mát tay thì mẹ tròn con vuông, đứa nhỏ được mặc cho áo đẹp. Còn gặp cô mụ dở hoặc ít lương tâm, đứa nhỏ có thể bị xấu, khăn tả lôi thôi, nhiều khi còn bị chết non vô duyên vô cớ. Cho nên, vai trò người hòa âm quan trọng chẳng kém tác giả ca khúc; có khi còn hơn nữa. Hoặc ngược lại, người làm hòa âm giỏi mà gặp một ca khúc dở thì nhiều khi chẳng muốn làm.”
(Tôi thêm):
“Lê Đức Cường thuộc mẫu người làm hòa âm bằng đam mê âm nhạc, điều này không phải dễ tìm trong giới âm nhạc VN hiện nay.”
*
* *
(Lời thơ bài Linh Hồn Lạc Lối):
*/ Buổi sáng ra vườn nghe chim hót
Trên cành cao những tiếng hoan ca
Buổi sáng một mình ngồi thổn thức
Trước nấm mộ tình vừa đắp hôm qua
*/ Ngày xưa rồi tiếp nối ngày sau
Thời gian hờ hững trôi qua mau
Đông đi Xuân đến không ngừng nghỉ
Đôi vai gầy run rẩy canh thâu
*/ Đêm tàn ngày sang luân chuyển mau
Tháng năm tiếp nối đớn với đau
Đầu cúi mắt mờ chân bước chậm
Biết tìm đâu con đường trở về?
*/ Buổi sáng lặng lờ nhìn mây xa
Chim trên cành vẫn tiếng hoan ca
Trời cao xanh thắm nào soi thấu
Một linh hồn lạc lối suốt đêm qua.
[]
Trần Thị Bông Giấy
(Ghi vội, thứ Năm Nov. 10, 2022 10:33 PM)
[]
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ