Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

' KHÁNH TRƯỜNG [ 1948- / Mỹ / Nguyễn Minh Nữu ( Mỹ ) -- trích : trang VNT Phạm Cao Hoàng ( Mỹ ) -- Monday, November 7, 2022 .

 


MONDAY, NOVEMBER 7, 2022

2663. NGUYỄN MINH NỮU Khánh Trường, nhìn từ xa.

Nhà văn/Họa sĩ Khánh Trường

 

Ngày 18 tháng 10 năm 2022. Tạp chí Ngôn Ngữ số 22, số viết về tác giả Khánh Trường, một nhà văn, họa sĩ, nhà báo, người biên tập văn học đã phát hành. Chắc là khi dự trù công việc này, Ban Biên Tập Ngôn Ngữ đã kín đáo không báo cho Khánh Trường biết, nên khi  nhận được tạp chí, Khánh Trường đã ghi trên facebook lời  cám ơn ngạc nhiện :

-Trời đất! Bạn zàng Luân Hoán và bằng hữu gần xa định "tế sống" tôi hay sao mà mần một số NN đặc biệt về tôi?

Nói đùa để che dấu cảm động đang dâng trào trong lòng. Phải, tôi cảm động lắm, không ngờ một tên bán trời không mời thiên lôi là tôi lại được các bạn rộng lòng ưu ái.

Cảm ơn, bằng hữu gần xa, nhiều bằng hữu thân gần tôi đã gặp, có người chỉ quen trên fb chưa từng diện kiến, có người "văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình", cảm ơn, cảm ơn.

Trong lời cám ơn chung này, Khánh Trường nói tới những người viết về Ông mà chưa từng diện kiến, chỉ làm bạn trên facebook, “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” thì đây,  tôi là một người như thế , và bài viết này là một bài như thế.  Xin gửi lên đây để cám ơn anh Luân Hoán và BBT Ngôn Ngữ đăng bài, và gửi tới anh Khánh Trường một người tôi quý trọng mà chưa một lần trò chuyện. Thân quý.

 

Trong một cuộc phỏng vấn của Nguyễn Mạnh Trinh, Khánh Trường nói về mình như thế này: “... Ngày xưa tôi đại lượng, trượng phu, can đảm, ăn ở đúng đạo nghĩa như một tên du đãng/ Ngày nay tôi hèn nhát, hẹp hòi, nhỏ mọn, láu cá và thù vặt như một nhà văn...”

Tôi đặc biệt yêu thích câu này, mặc dù thực sự không hoàn toàn đồng ý với ông về cả hai định nghĩa: Du Đãng và Nhà Văn. Không đồng ý nhưng lại yêu thích câu nói đó, vì tôi nghĩ, lại biểu lộ một tính cách khác của ông mà ông không nhắc tới trong cả hai định nghĩa đó là thẳng thắn (đến sỗ sàng) và khiêm cung (một cách rất tự cao). Tôi nghĩ đến Khánh Trường như một hảo hán hành hiệp giang hồ bằng bút và cọ.

Tôi định cư ở Hoa Kỳ thật muộn. Cuối năm 1995. Phải đến năm bảy năm sau mới ổn định đời sống và trở lại ham muốn từ thời thanh niên là viết lách. Năm 2002, sinh hoạt văn học nghệ thuật hải ngoại vẫn còn rất sôi động. Ngay tại Virginia, có tới ba nhà sách: Thế Hệ, Anpha và Minh Văn (so với bây giờ, năm 2022, cả tiểu bang Virginia không có một nhà sách nào tồn tại, có chăng chỉ là vài cái bàn nhỏ bày bán báo tuần, tạp chí, nằm khép nép bên trong các cửa hàng bán Phở, bán Tạp hóa). Từ những nhà sách này, với cái lương của người mới định cư, tôi đã tìm đọc một số tạp chí văn học xuất bản từ California, Canada, Pháp và bắt đầu làm quen với các tên tuổi mới. Trong đó bộ sách tôi dành dụm và mua được là 20 năm văn học Việt Nam hải ngoại 2 tập, 1400 trang, soạn chung bởi Khánh Trường, Cao Xuân Huy, Trương Đình Luân. Hai cuốn, mỗi cuốn dày hơn hai lóng tay, bìa màu vàng đậm và nâu. Giấy màu vàng, mỏng và kỹ thuật in ấn thật đẹp. Bộ sách này tôi giữ suốt mười mấy năm và rất trân quý, cho đến năm 2016, mới trao tặng lại cho chị Phan Thị Lệ, lúc đó là Giám Đốc nhà xuất bản Phương Nam ở VN, với mục đích giúp chị thêm tư liệu để tìm hiểu về văn học hải ngoại. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác trong một sơ kết văn học, đã đánh giá công trình này rất cao:

20 năm văn học Việt Nam hải ngoại 1975-1995 do nhà xuất bản Đại Nam chủ trương. Cao Xuân Huy, Khánh Trường, Trương Đình Luân thực hiện, in 2 tập dày 1600 trang khổ lớn, quy tụ 158 tác giả gồm cả văn, thơ, phê bình, họa, nhiếp ảnh, với lời nhận định chung của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc. Số tiền bỏ ra thực hiện công trình này dĩ nhiên là rất cao, công phu thực hiện cũng cao không kém, dù chỉ có vài ba người. Những ai muốn sưu tầm văn liệu cho việc nghiên cứu về sau phải cảm ơn nhà xuất bản Đại Nam và nhóm thực hiện, vì sưu tầm được 1600 trang tư liệu như thế không phải dễ. Người đọc muốn tìm hiểu thành quả hai mươi năm văn học hải ngoại, thấy bề dày của bộ sách, cũng phải cảm phục tâm huyết của những người cầm bút lưu vong. Những ai muốn phủ nhận nền văn học ấy, chắc phải cảm thấy lương tâm bất an.”

Tôi biết Khánh Trường là từ thời điểm đó, và từ tác phẩm đó. Sau đó biết thêm về người sáng lập và điều hành tạp chí Hợp Lưu. Khi tôi tìm đọc tạp chí Hợp Lưu, thì lại là thời điểm Khánh Trường bị tai biến mạch máu não, khi hồi phục, hai chân bất khiển dụng ông phải ngồi xe lăn và giao việc thực hiện cho một người khác. Thế là cái cơ hội làm quen, và cộng tác gì đó không còn giữa tôi từ cực Đông và Khánh Trường từ cực Tây của một quốc gia quá rộng, cách nhau hơn 6 giờ bay.

Khánh Trường là tên thật, sinh năm 1948 ở Quảng Nam, trước khi nhập ngũ, ông có một tuổi thiếu niên dữ dội, khi nhập ngũ vào binh chủng Nhảy Dù, lại là những ngày tháng kiêu hùng và sống bạt mạng. Bị thương và giải ngũ năm 1972. Định cư ở Hoa Kỳ năm 1988 và sau đó năm 1991, chủ trương tạp chí Hợp Lưu. Khánh Trường kể về tuổi thơ của mình:

“ Năm 13 tuổi tôi bỏ nhà đi hoang. Vì miếng ăn, tôi sa chân vào một xóm điếm ở Đà Lạt. Hàng ngày, cùng vài đứa trẻ trang lứa, tôi ra đứng đầu các con hẻm chào hàng, dắt mối. Khách hàng thời điểm ấy hầu hết là lính tráng, lúc nào cũng say sưa nghiêng ngả và dữ dằn bạt mạng. Xóm gồm nhiều ổ điếm, mỗi ổ là một căn hộ có gác lửng. Phòng khách tầng dưới, cũng là nơi ăn ở của chủ, tức “Má hai, Má ba”, theo tên gọi của giới giang hồ. Trên gác chia làm nhiều “buồng”, mỗi “buồng” cách nhau bằng một tấm “ri-đô” vải nhựa. Tối, tôi ngủ ở một trong các “buồng” này, nếu vắng khách, còn trống, sau một ngày đứng mỏi rã hai chân ngoài đầu các con hẻm, miệng không ngớt léo nhéo những lời lẽ mời chào thô tục. .... Qui Nhơn thủa đó là một căn cứ quân sự của Mỹ, thành phố đầy lính tráng và gái điếm. Bar rượu mọc san sát dọc bờ biển, đúng như thơ Nguyễn Bắc Sơn: “Mai này đụng trận ta còn sống / Về ghé sông Mao phá phách chơi / Chia bớt nỗi sầu cùng gái điếm / Đốt tiền mua vội một ngày vui.” Ban ngày, tôi cùng thằng bạn lê la hết quán này đến quán khác. Thằng bạn đánh giày, tôi “danh giá” hơn, với cây chì than và tập croquis, tôi gạ, ký họa nhăng cuội các khuôn mặt đỏ gay men rượu của các chàng GI và phấn son lòe loẹt của các chị đượi. Hẳn nhiên vào thuở đó những tấm ký họa của tôi chả đẹp đẽ hay ho gì, nhưng trong cơn say, giữa tiếng nhạc bập bùng và da thịt đàn bà, một hai đô la đỏ (loại tiền dành riêng cho lính viễn chinh Mỹ) bố thí cho một thằng oắt con bản xứ, thật chẳng đáng chi.”

Những tự sự như vậy, cho chúng ta hiểu nghiệp dĩ lớn nhất (và tới cả cuối đời) của ông là Hội Họa, không tốt nghiệp từ trường lớp nào, nhưng đắm mình vào nỗi đam mê mà ông thường mô tả là “Tôi Thích” đã đưa ông đi vào các sáng tạo kỳ ảo và thấm đẫm dục tình. Đi vào văn học cũng bằng hội họa, khi khởi đầu là họa sĩ trình bày và vẽ bìa cho nguyệt san Văn Học (thời Nguyễn Mộng Giác làm chủ nhiệm) nảy sinh ý tưởng muốn thực hiện một tạp chí văn học với đường hướng mới, ông đã không thuyết phục được nhóm chủ trương, nên quyết định ra riêng thực hiện tạp chí Hợp Lưu:

Tôi sống 10 năm trong môi trường Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tai đã nghe, mắt đã nhìn và đọc khá nhiều, quả thực, dưới chế độ ấy tự do ngôn luận, tự do sáng tạo bị giới hạn. Nhưng không phải vì thế không có những thành tựu đáng ca ngợi. Tôi đủ tỉnh táo nhận ra, giữa mênh mông cát sạn, vẫn lấp lánh những hạt vàng. Văn học nghệ thuật đích thực, bằng nhiều cách, vẫn có thể nẩy lộc đâm chồi. Đất đai càng khắc nghiệt càng sản sinh những kỳ hoa dị thảo hiếm quý. Trường hợp này gần như quy luật ở mọi nơi, mọi thời. Chức năng lớn nhất của một nghệ sĩ đích thực là biết phân biệt được chân giả. Biết, để loại trừ cái cần loại trừ, nuôi dưỡng cái cần nuôi dưỡng. Dù tài năng hữu hạn, nhưng, cả đời, tôi mong được làm một nghệ sĩ đích thực, sống, suy nghĩ và hành động như một nghệ sĩ đích thực.”

Từ 1987 đến nay, trải dài suốt 35 năm sống với Hội Họa, Biên Khảo, Thơ, Truyện và báo chí, Khánh Trường đã ghi dấu tổng kết: 100 tác phẩm hội họa màu, 100 tác phẩm hội họa in đen trắng. Tuyển tập truyện ngắn, 2 tập, 1400 trang. Các tiểu thuyết Nắng Qua Đèo, Xuyên Giấc Chiêm Bao, Có Kẻ Cuồng Điên Khóc, Bãi Sậy Chân Cầu, Dấu Khói Tàn Tro, Tịch Dương, Chuyện Bao Đồng, tạp văn.  Các tập thơ: Đoản Thi, Ai Điếu Những Cuộc Tình Gãy.

Thực hiện 20 Năm Văn Học VN Hải Ngoại 2 tập, 1400 trang, soạn chung với Cao Xuân Huy, Trương Đình Luân.

Thực hiện 44 Năm Văn Học Hải Ngoại 7 tập, 4000 trang, soạn chung với Nguyễn Vy Khanh, Luân Hoán.

Sáng lập tạp chí văn học nghệ thuật biên khảo Hợp Lưu và nguyệt san Thời Nay.

Đã có nhiều người viết về Khánh Trường qua các lãnh vực Hội Họa, Truyện, Thơ và Biên Khảo, lại cũng có những bài phỏng vấn, trò chuyện rất thẳng thắn như bài  của Lê Quỳnh Mai (Phụ trách chương trình Văn Học Nghệ Thuật đài Tiếng Nói Việt Nam - băng tầng 103 3FM - Montréal, Canada) hay những kỷ niệm ghi nhận suốt thời gian thực hiện Hợp Lưu của Trần Vũ. Đó là những bài hay, sâu sắc và rất tường tận về những tính cách, quan niệm đời sống, và nhiều dấu ấn của một Khánh Trường ngang tàng, thẳng thắn bộc trực, và rất cá biệt rồi.

Bài viết này, từ một người chưa từng có gặp gỡ hay chuyện trò với Khánh Trường. Mối liên hệ rất mong manh là bạn trên Facebook, mà Facebook của Khánh Trường là một Facebook mở, nơi đó ông ghi lại những suy nghĩ ngắn, những bất chợt nhớ, những cảm xúc đột ngột. Nhưng đó lại là nơi tôi có nhiều chia sẻ sâu lắng với ông ở cái tuổi đời tương tự, ở những cái chung bất ngờ từ xa xưa, và cả những loanh quanh nghĩ ngợi khi cô quạnh.

Có lẽ lần được cộng tác duy nhất với ông, chính là khoảng thời gian 2018, khi ông manh nha ý định thực hiện bộ 43 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại, và dự tính khai sinh tạp chí Mở Nguồn.  Bộ sách đồ sộ phải hai năm sau mới thực hiện được và đổi tên thành 44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại với 7 tập , dày 4000 trang. Và tạp chí Mở Nguồn không thực hiện được vì những lý do không rõ. Nhưng dõi mắt từ xa, đọc, ngấm ngầm chia sẻ cảm xúc với ông, tôi càng kính trọng và yêu mến ông hơn. Đây là những điều tôi ghi nhận:

Một, cuộc đời chìm nổi sóng gió đã đến với ông như một vốn sống hết sức phong phú, những dòng chữ ông viết xuống dù là tiểu thuyết, truyện ngắn, chuyện bao đồng, chuyện tào lao gì nữa, vẫn là những dòng khốc liệt, bạo dạn, cảm động và chân thực về những mảng sống ông đã từng trải. Thực sự là tôi thấy có mình trong đó, bàng bạc từng đoạn của một thời đã qua, những buồn, vui, đau xót, khổ ải và hạnh phúc từng muốn ghi lại mà không làm được, đã có người ghi lại hay hơn, và hấp dẫn hơn.

Hai, sáng kiến tìm một cái nhìn chung về văn học, hợp lưu một dòng chảy: “Tôi đủ tỉnh táo nhận ra, giữa mênh mông cát sạn, vẫn lấp lánh những hạt vàng. Văn học nghệ thuật đích thực, bằng nhiều cách, vẫn có thể nẩy lộc đâm chồi. Đất đai càng khắc nghiệt càng sản sinh những kỳ hoa dị thảo hiếm quý. Trường hợp này gần như quy luật ở mọi nơi, mọi thời. Chức năng lớn nhất của một nghệ sĩ đích thực là biết phân biệt được chân giả. Biết, để loại trừ cái cần loại trừ, nuôi dưỡng cái cần nuôi dưỡng. Dù tài năng hữu hạn, nhưng, cả đời, tôi mong được làm một nghệ sĩ đích thực, sống, suy nghĩ và hành động như một nghệ sĩ đích thực.” Con đường ông chọn tất nhiên là có người ủng hộ và có người chống đối. Tôi ủng hộ điều này, và kính trọng thái độ rạch ròi đó.

Ba, bằng sức lực còn lại có bao nhiêu sử dụng bấy nhiêu cho niềm đam mê nghệ thuật, bao gồm cả Tranh và Chữ, tôi gọi là niềm đam mê, nhưng ông hay sử dụng chữ “Tôi Thích”. “Tôi thích thì làm, không thích thì không làm”. Nhưng cụ thể là cái “Tôi Thích” đó đã kéo dài hơn 60 năm của cuộc đời, liệu có thể nào Không Thích nữa được sao. Từ trên xe lăn, những ngón tay vẫn bông đùa với sắc màu, vẫn tung tăng với con chữ dù càng lúc càng yếu đi, chỉ còn sử dụng được một ngón suốt mấy chục năm qua. Sự kiên trì và nghị lực của một con người thật đáng ngưỡng mộ, kính phục và muốn học theo.

Bốn, là điều ông không nói ra, nhưng lại là điều tôi tâm phục nhất đó là người (trong ba người) đầu tiên thực hiện bộ sách sưu tập và giới thiệu 20 Văn Học VN Hải Ngoại ngay từ 1995, nghĩa là chỉ sau 20 năm mất nước. Và tiếp theo đó lại cũng là người (trong ba người) thực hiện tác phẩm đồ sộ nhất hải ngoại 44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại. Câu hỏi đặt ra không ai trả lời, nhưng ai cũng hiểu câu trả lời là: Ông và nhóm chủ trương đã muốn ký thác đời sau điều gì khi cất công thực hiện tác phẩm lớn lao đó.

Sau chót, về phía mình, là một người kém hơn ông vài tuổi, qua Mỹ rất trễ và biết về Khánh Trường chỉ hoàn toàn toàn do những gì đọc được. Nhưng rất yêu quý tính cách con người và tài năng của ông qua những dòng chữ viết.

Là một người kết bạn với ông trên Facebook, thầm lặng theo dõi từng status của ông qua những buồn, vui, chán chường, phấn kích, cợt nhả, khao khát… xin kết thúc bài này bằng một lời tâm sự của ông, mà tôi nghĩ như một tâm huyết gửi đời:

“Những năm trên dưới hai mươi, tôi xem văn chương là một thứ đạo, những cuốn sách, những thi phẩm không khác kinh thánh, các nhà văn, nhà thơ ngang bằng các giáo chủ. Tôi mê văn chương, tôn sùng những người tạo ra nó.

Bước vào tuổi trung niên, say mê vẫn còn, nhưng bình tĩnh hơn, chừng mực hơn.

Cho đến khi phần lớn đời mình gắn liền với sách vở như nghiệp dĩ, văn chương, ban đầu tôi viết vì nhu cầu nội tâm, muốn tỏ lộ những buồn vui đau đớn hài mãn… qua chữ nghĩa, trước tiên cho mình, thứ đến cho người, với mong muốn sẻ chia.

Thế rồi tháng năm qua đi, tuổi đời chồng chất, cái viết vì nhu cầu nội tâm đã cạn, cũng có nghĩa cái viết dần dà trở thành nghề, viết vì thói quen, viết vì phải viết.

Cho đến hôm nay bệnh tật, già, viết để chống trầm cảm và chống bệnh mất trí nhớ, viết để qua ngày đoạn tháng, chờ lên đường. Không còn đam mê, không còn ham muốn bất cứ điều gì, từ tiếng tăm đến nhu cầu thân xác. Nói cách khác, mọi chuyện đều nguội lạnh.” 

Lời tâm sự của những ngày tháng Tám năm 2022 này của Nhà Văn Họa Sĩ Khánh Trường, sao thiết tha và đắng lòng quá đỗi.

 

Nguyễn Minh Nữu

13 tháng 9 năm 2022

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ