đọc thêm (2) : " ông TỔNG BIÊN TẬP Khổng Lồ " / Đào Hiếu / tphcm -- trích: BBC NEWS Tiếng Việt 8/ 4/ 2009>
Ông Tổng biên tập khổng lồ
- Nhà văn Đào Hiếu
- Viết cho BBCVietnamese.com từ Sài Gòn
Khi tôi còn làm việc ở nhà xuất bản Trẻ có lần ra Hà Nội chơi, ở khách sạn. Bữa nọ, điện thoại reo, có giọng lảnh lót của cô sếp:
-Anh còn ở Hà Nội không? Em cũng đang ở Hà Nội. Ra xin "duyệt kế hoạch đề tài" nhưng gặp trục trặc ở Cục xuất bản. Hiện giờ chỉ có anh là người duy nhất giúp được em việc này thôi.
Tôi thấy lạ. Vì tôi chỉ là một biên tập viên quèn. Nàng là "phó giám đốc". Cỡ như nàng mà còn bó tay, sao tôi có thể giúp được?
Hẹn gặp ở quán cà phê, nàng nói:
-Em đem ra một danh sách dài, mấy trăm cái "tựa sách", nhưng có hơn một chục cái không ghi chú "nội dung" vì thế Cục bắt bổ sung mới chịu duyệt.
* Đoạn văn trên đây người ngoài nghề đọc, có lẽ hơi khó hiểu. Vậy xin giải thích thêm:
Một bản thảo muốn được nhà xuất bản cấp giấy phép, phải được Cục xuất bản "duyệt kế hoạch đề tài". Kế hoạch đề tài thực ra chỉ là danh sách các "nhan đề sách" (ví dụ như Đợi em mùa lá rụng, Vĩnh biệt tuổi ô-mai, Phấn đấu theo gương anh Lê Văn Tám, Vụ án đêm giao thừa...). Đính kèm theo những nhan đề này là vài dòng tóm tắt nội dung bản thảo, ví dụ như "Vụ án đêm giao thừa" thì phải được ghi tóm tắt: "một tiểu thuyết hình sự ca ngợi chiến công của các chiến sĩ công an..." nhờ những dòng chữ ấy mà các quan chức trong Cục xuất bản "yên tâm" về phần nội dung tư tưởng của bản thảo, và có thể ký duyệt trong vòng 16 phút hàng trăm bản thảo mà họ chưa hề nhìn thấy bao giờ.
Các cán bộ trong ngành xuất bản như chúng tôi ai cũng rất buồn cười về chuyện duyệt kế hoạch đề tài kiểu ấy vì nó "hình thức" nó "chiếu lệ", nó quan liêu và nó giả dối. Có những bản thảo anh đọc đi đọc lại vài ba lần còn chưa hiểu rõ thâm ý của tác giả, sao anh có thể sẵn sàng bật đèn xanh cho một bản thảo chỉ vì vài dòng tóm tắt mơ hồ?
Các quan chức trong Cục cũng biết điều đó nhưng họ vẫn làm việc trong nhiều chục năm nay, vẫn có trụ sở, có phẩm hàm, có chức danh, có lương bổng, xe pháo mã đủ bộ.
Người trong ngành đều nói đó là một cơ quan thừa, một cái "cục" thừa, chẳng dùng được vào việc gì. Cái "cục" ấy cũng chẳng đem đi bón cây được. Rõ khổ!
*
Trở lại quán cà phê. Cô phó giám đốc năn nỉ tôi:
-Giúp em đi. Chuyện này em không thể nhờ người ngoài được. Họ sẽ chê cười, sẽ đồn đại, quê lắm! Tôi bảo sếp đưa cho tôi cuốn sổ tay và một cây bút bi. Rồi bảo sếp ngồi đợi. Cấm cười. Tôi viết lia lịa. Tôi "phịa" ra mười hai cái nội dung của mười hai cái nhan đề bản thảo mà tôi không hề biết nó từ đâu đến? Của ai? Do tay đầu nậu nào bỏ vốn? Xong việc, coi đồng hồ đúng 31 phút.
*
Nhưng nói như thế không có nghĩa là chính quyền Việt Nam coi nhẹ việc kiểm duyệt nội dung sách. Sở dĩ Cục xuất bản làm việc chiếu lệ như vậy là vì họ hiểu rằng việc kiểm duyệt (thường được gọi một cách âu yếm là "biên tập") bản thảo trước khi in đã được các nhà xuất bản thực hiện rất chặt chẽ. Đó là chưa kể tác giả phải tự kiểm duyệt trong lúc viết vì anh ta hiểu rằng nếu mình viết sơ xuất thì tác phẩm sẽ bị loại ngay từ vòng biên tập.
Trong quá trình biên tập, biên tập viên cũng phải tự nhắc mình: coi chừng để lọt lưới sẽ bị kiểm điểm, làm bản giải trình và phải đích thân đi giải trình cho cơ quan chủ quản, cho cục xuất bản, hoặc mất lao động tiên tiến (có nghĩa là mất tiền thưởng trong các dịp lễ Tết), nếu nặng hơn có thể phải ra tòa, bị đuổi việc. Trong suốt 25 năm làm cái nghề gác cổng cho Đảng tôi cũng đã bị kiểm điểm, bị giải trình, bầm dập nhiều lần.
Viết đến đây lại nhớ anh Huỳnh Bá Thành, cố tổng biên tập báo Công an TPHCM, một người bạn cũng ở trong phong trào sinh viên chống Mỹ ngày xưa.
Năm ấy thấy tôi sống vất vả quá, anh bảo tôi làm "ngoài giờ", phụ anh sửa bài. Có lần báo anh có một sơ xuất gì đó, anh bị thành ủy gọi lên nhắc nhở, khi trở về, anh nói oang oang trong cuộc họp (có tôi dự):
-Các anh chị biết tôi đã nói gì với thành ủy không? Tôi nói: Thời chế độ cũ, báo chí Sài Gòn phần lớn là đối lập. chính bản thân tôi thường vẽ tranh châm biếm ông Thiệu và gọi ông ta là Sáu Thẹo mà họ cứ cười. Bây giờ tất cả các báo đều của Đảng. Nhà báo chúng tôi ai cũng theo Đảng, nịnh Đảng muốn chết vậy mà hở một chút là phê bình kiểm điểm. Các anh thật quá đáng!
Một người khác là nhà thơ châm biếm nổi tiếng, cũng là đảng viên, gốc sinh viên tranh đấu, từng là cán bộ có cỡ của một tờ báo lớn của TPHCM, bữa kia anh nhậu với tôi, kể:
-Có thằng nhà báo Pháp gặp tao, nó hỏi: "Việt Nam hiện nay có mấy tờ báo và tạp chí?" Tao đáp: "Có chừng 700." "Ô, thế thì báo chí Việt Nam thật là phong phú." Tao nói: "Coi vậy mà không phải vậy. Vì có 700 tờ báo nhưng chỉ có một ông tổng biên tập."
Thằng Tây nó cười gần chết.
*
Vậy có thể nói các Ban biên tập báo, nhà xuất bản chính là những "sát thủ" của những bài báo và những tác phẩm văn học "đi chệch lề bên phải" của Đảng không?
Câu trả lời là không.
Vì các nhà báo, các biên tập viên, thậm chí các ông tổng biên tập hay giám đốc nhà xuất bản cũng chỉ là những kẻ biết vâng lời cấp trên. Và theo cách nói của cố tổng biên tập báo công an Huỳnh Bá Thành thì họ cũng chỉ là những người "suốt đời nịnh Đảng" để giữ cái ghế của mình, giữ nồi cơm của mình mà thôi. Họ không có chọn lựa nào khác. Hoặc anh làm việc trong ngành báo chí xuất bản thì anh phải cầm cái kéo, cái đục để "cắt xén" "đục bỏ" "vứt sọt rác" những gì trái ý Đảng, hoặc anh không thích các ngành ấy thì anh nghỉ việc, đi làm chuyện khác.
Tôi cũng vậy thôi. Khi tôi làm cán bộ biên tập nhà xuất bản Trẻ tôi cũng cắt xén, đục bỏ như ai. Đôi khi nổi máu giang hồ cho lọt lưới vài quyển (như tập thơ của Nguyễn Quốc Chánh và năm ba cuốn gì đó không còn nhớ) thì cũng bị làm kiểm điểm, bị phê bình, làm giải trình gởi ra Cục xuất bản... không dưới một chục lần!
Ngay cả những vị tổng biên tập có quyền thế dường ấy nhưng thực chất cũng chỉ là những kẻ "sai vặt" của cái ông Tổng biên tập khổng lồ mà anh bạn nhà thơ, tôi vừa kể trên đây, đã từng khép nép gọi tên.
ĐÀO HIẾU
(Tp. HCM)
------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ