Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

đọc thêm : " cuộc triển lãm ' đáng nể' của hoạ sĩ Khánh Trườntg "/ Đằng Giao -- trích: nguoi-viet.com> ( Mỹ )

 Monday, November 7, 2022

Cuộc triển lãm ‘đáng nể’ của họa sĩ Khánh Trường

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Năm 2000, tôi bị ‘stroke’ lần đầu, tay trái không được linh hoạt như trước. Năm 2002, tôi bị lần nữa, tay phải bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 2003, tôi bị lần thứ ba, lần này, tôi đi không được nữa. Nhưng tôi chưa bao giờ ngưng viết văn và sẽ không bao giờ ngưng vẽ.”

Họa sĩ kiêm văn sĩ Khánh Trường nói trong buổi triển lãm “Khánh Trường, hội họa, văn chương và bằng hữu” hôm Thứ Bảy, 27 Tháng Mười, tại hội trường Việt Báo, Westminster.

Đã có thời gian, họa sĩ phải nhờ vợ lấy băng keo dán cọ vào tay để ông vẽ vì cầm bị rớt hoài.

Vài người trong số đông bạn bè đến, vừa thăm, vừa thưởng lãm tranh Khánh Trường là các họa sĩ Trịnh Cung, Cao Bá Minh, Ann Phong, Trương Đình Uyên, Ái Lan, Chính Mung và Lam Thúy.

Họa Sĩ Trịnh Cung nhìn quanh, gật gù vắn tắt: “Về màu sắc, Khánh Trường quả là người có tài.”

Họa Sĩ Trương Đình Uyên nói: “Tôi rất thích theo dõi những chuyển hóa trong tranh Khánh Trường. Có thời, tranh anh đầy vật dục nhưng theo thời gian, ý niệm này thăng hoa thành một cái gì đó cao cả hơn, thanh thoát hơn.”

Độc giả xin chữ ký Khánh Trường. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Văn sĩ Nhã Ca tươi cười đi giữa đám đông, ân cần chào người ngày, niềm nở hỏi người kia. Khi hỏi bà nghĩ gì về buổi triển lãm, bà mỉm cười: “Tôi rất vui được thấy những buổi họp mặt thân mật như bữa nay. ‘Rứa’ là đủ rồi.”

Không chỉ có bạn bè tham sự buổi triển lãm, nhiều người chưa có dịp kết bạn với Khánh Trường cũng đến ngắm tranh chật phòng.

Bà Trương Như Yến, cư dân Newport Beach, nói: “Hơn mười năm trước, tôi rất thích lối viết văn của ông qua cuốn ‘Hợp Lưu.’ Dần dần tôi mới biết ông còn vẽ tranh nữa. Hôm nay, đến đây, tôi thấy rất thích cách chọn màu của ông nữa.”

Vừa ngắm tranh, bà vừa trầm trồ: “Họa sĩ Khánh Trường có một bố cục rất vững chắc. Từ tranh mô tả đến tranh trừu tượng, ông phối màu một cách hết sức ‘cao tay.’”

Bà mỉm cười một cách bí mật: “Tôi đã ‘chấm’ được một bức tranh rồi. Chiều nay hoặc sáng mai tôi sẽ quay lại với con gái tôi rồi quyết định mua luôn.”

Ông Terry Nguyễn, ở Westminster, cho biết dù không rành về lối vẽ trừu tượng, ông vẫn rất thích ngắm tranh. “Tôi rất thích bức ‘Bát Nhã.’ Dù không hiểu gì cả nhưng mắt không rời được. Lạ lùng ghê!”

“Bát Nhã” là bức tranh sơn dầu tả mặt trăng khuyết trong vòng tròn mờ ở góc trái, phía trên và ngọn núi nhỏ ở góc phải, phía dưới trên nền xanh nhạt.

“Gãy Vỡ,” bức tranh được họa sĩ vẽ ngược. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Họa Sĩ Khánh Trường giải thích: “Khi vẽ bức này, tôi muốn nói lên thuyết ‘sắc tức thị không, không tức thị sắc’ của nhà Phật. Mặt trăng, lúc thấy, lúc không. Đêm rằm thì ai cũng thấy rõ ràng. Còn đêm ba mươi thì dù không thấy đâu cả, tôi vẫn biết chắc là bên trong nàn đêm thăm thẳm kia, vẫn có mặt trăng. Còn ngọn núi kia cũng thế. Hôm nay mình nhìn thấy nó, nhưng rồi mai kia, mốt nọ, có thể, núi không còn ở đó nữa. Thế nhưng, biết đâu vài ngàn năm sau, ngay tại chỗ đó lại sẽ có một ngọn núi khác. Hôm nay, cái còn, sẽ là cái mất, trong lúc cái mất, sẽ là cái trở về.”

Rất mong có dịp được hỏi rằng cái lẽ vô thường có là bất diệt không.

Em Nicholas Đoàn, ở Long Beach cho biết em theo cha là một nhiếp ảnh gia đến đây. “Tuy nhiên, em rất thích được ngắm tranh ở đây. Có những bức trừu tượng quá, nhưng em vẫn tìm được một thử thách là tìm hiểu ý nghĩa của nó. Cha em dạy em là luôn luôn tìm hiểu là đằng sau hình ảnh rõ ràng trước mắt, có ý nghĩa gì sau lưng không,” em nói.

Nhìn bức tranh tên “Gãy Vỡ,” tả cảnh hai vợ chồng bất đồng ý kiến, người nhìn hướng này, người kia hướng khác, em nhận xét: “Cái chén, cái dĩa bể nứt nhưng chưa lìa hẳn ra. Cái ghế gãy một chân, nhưng tuy chỉ có ba chân mà vẫn không đổ xuống. Vậy là nó phải tượng trưng cho một cái gì đó.”

Ngẫm nghĩ một lát, em nói như reo: “Như vậy rất có thể họ sẽ không ly dị. Rất có thể họ còn cơ hội để hàn gắn.”

Vừa ngắm, vừa bàn tranh Khánh Trường. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Rất nhiều người thích bức tranh to lớn này với họa pháp mạnh mẽ đầy nam tính của ông.

Họa sĩ nói: “Tôi vẽ bức này sau khi bị ‘stroke’ và phải nhờ Oanh (vợ ông) dán cọ vô tay. Đây là bức tôi phải vẽ ngược. Nghĩa là vẽ từ dưới lên trên. Rồi đến phần phía trên, vì cao quá mà tôi phải ngồi xe lăn nên phải nhờ lật ngược lại. Phần trên này, tôi vẽ ngược hoàn toàn theo nghĩa đen.”

Ngồi trên chiếc xe lăn, bên cái bàn trưng bày những thành tựu văn chương của mình, ở góc căn phòng treo đầy tranh sơn dầu của mình, nhà nghệ sĩ đa tài Khánh Trường tươi cười giữa tiếng reo vui chào hỏi của bạn bè. Khuôn mặt thanh tú với những nét nhẹ nhàng của một người đàn ông đầy cảm tính toát ra nét nghệ sĩ dễ mến, nhưng ánh mắt ông lộ ra sự kiên cường, không khuất phục nghịch cảnh.

Ông phải đi lọc máu ba ngày mỗi tuần. Ngoài ra, ông nói không được rõ ràng vì bị ung thư thanh quản. Chưa hết, ông còn bị loét bao tử nặng.

Vậy mà trên môi, trong ánh mắt và trên toàn khuôn mặt ông luôn sáng ngời vẻ yêu đời.

Tranh ông, từ trước hay sau khi bị tai biến mạch máu não đều mang đầy nét tinh tế với những sắc màu hài hòa uốn lượn bên nhau, như vũ khúc tưng bừng mạch sống.

Muốn coi tranh hay đọc sách Khánh Trường, liên lạc: alexkhanhtruong@yahoo.com. (Đằng-Giao)


Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ