đọc thêm (2) : " phan nguyên, fractus & những người bạn ở paris '/ Trịnh Cung [ i.e. Nguyễn Văn Liễu 1938 - Mỹ -- tr1ich: https://damau.org>
phan nguyên, fractus & những người bạn ở paris
Phan Nguyên và Trịnh Cung tại một cà phê
góc Ngô Đức Kế – Nguyễn Huệ, SG 2019
Vì sao tôi viết
Viết về hội hoạ của một hoạ sĩ nào đó đã là khó với tôi, lại càng rất khó khi viết về tranh của một hoạ sĩ là bạn mình như Phan Nguyên.
Nhưng, ngoài vẽ tôi còn một cái nghiệp khác là thích viết về những suy nghĩ và cảm nhận của mình về nghệ thuật nên không tránh khỏi những va chạm khách quan và chủ quan. Và cũng có lẽ, đối với Việt Nam, rất ít hoạ sĩ viết về những vấn đề về lãnh vực sáng tạo nghệ thuật do họ ngại hoặc không thể. Tôi cũng đồ rằng bên Tây, giới hoạ sĩ cũng vậy dù họ có văn hoá phê bình, văn hoá thảo luận hay tranh cãi cởi mở và sôi động hơn Việt Nam và các nước thuộc dòng văn hoá phương Đông. Nhưng hình như trên cả thế giới cho đến hôm nay cũng chỉ có mỗi một Salvador Dali đã dám làm công việc chấm điểm cho từng hoạ sĩ thành danh và đồng thời với ông.
Vâng, tại sao không và lý do nào để cấm kỵ? Và sự khác biệt khi một người cùng chuyên môn đưa ra những nhận định về tác phẩm của một đồng nghiệp? Đó là sự khác biệt rõ ràng giữa người ngoại đạo và kẻ có đẳng cấp trong nghề. Không giỏi võ làm sao biết những đường quyền cước nào là tuyệt kỹ?
Hội hoạ dễ xem hay khó, nó không chỉ phụ thuộc vào cảm xúc mà còn phải biết các tính năng của chất liệu và các kỹ năng khác thường của những tài hoa ngoại hạng. Trường hợp thi sĩ Apollinaire viết về Tranh Lập Thể của Picasso hay học giả Thái Bá Vân viết về tranh Bùi Xuân Phái và nhà văn Đặng Tiến viết về hội hoạ Đinh Cường, tuy là người “ngoại đạo” nhưng tất cả họ đều có nền tảng kiến thức và sự gần gũi rất đặc biệt với những nghệ sĩ mà họ am hiểu thật sâu sắc.
Phan Nguyên, Espace inconnu (1995)
technique mixte, 100cm X 100cm
Tình bạn
Trở lại với Phan Nguyên, tôi quen anh từ trước lần đầu tôi thăm Paris năm 1994. Lần đó, năm 1989, Phan Nguyên về Sài Gòn, anh đến thăm tôi và sau đó anh cùng hoạ sĩ Đinh Cường và tôi làm một chuyến giang hồ Đà Lạt. Thủa đó, tôi vừa trở lại giá vẽ được vài năm, cuộc sống rất khó khăn. Được ai đó từ Pháp hay Mỹ về thăm và mua một hai bức tranh là vui vô hạn. Phan Nguyên là một trường hợp như thế. Tôi vẽ một chân dung Phan Nguyên ngậm tẩu – vì sự hấp dẫn của khuôn mặt rất Parisien của anh – bằng sơn dầu khổ nhỏ để kỷ niệm. Phan Nguyên sau đó mua một chân dung tôi tự hoạ cũng bằng sơn dầu trên bố khổ nhỏ với số tiền khoảng 50 USD và tặng thêm cho tôi một chỉ vàng!
Trịnh Cung, Phan Nguyên và Đinh Cường tại nhà một gia đình người
dân tộc Lạt, gần núi Lang Biang, Đà Lạt 1989
Vài năm sau, tôi gặp lại Phan Nguyên ở Paris mùa thu năm 1994. Anh sống trong một ngôi nhà thuộc vùng ngoại ô yên tĩnh và nên thơ, Seine-et-Marne, cách Paris 30 km. Lúc này Phan Nguyên sống nhiều thời gian cho vẽ tranh sau khi rời khỏi việc dạy học.
vẽ Phan Nguyên tại nhà Đinh Cường 1989
Không có nhiều thời gian với Phan Nguyên vì tôi không có mấy điều kiện tốt để đi lại giữa một Paris rộng lớn và xa lạ. Hơn nữa, tôi phải dời chỗ ở liên tục vì người bảo lãnh tôi sang Pháp đã đột ngột buộc tôi phải dời đi khỏi nhà anh ta, trong lúc tôi hoàn toàn không chuẩn bị trước sự thể này có thể xảy ra vì thơ ngây tin vào những bảo đảm trong thư mời cho chuyến đi này. May thay, tôi cũng có vài bạn quen cũ gốc Saigon như chị Sifani, hoạ sĩ Lê Tài Điển, chị Thuỵ Khuê và nhà phê bình thơ Đặng Tiến, nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến, nhà văn Mai Ninh, chị Bác sĩ Bích Đào… Các bạn ấy đã thay nhau cho tôi chỗ tá túc hoặc những sự giúp đỡ khác trong lúc cấp bách. Và sau cùng tôi được Đặng Tiến đưa về nhà anh ở Orleans, cách Paris 100 km. Ở đây, tôi đã có những ngày êm đềm và tiện lợi để sống và sáng tác trong một căn gác nhìn xuống sông Loire thơ mộng chảy dịu dàng giữa hai bờ lau lách. Nguyệt và Tiến, hai vợ chồng đã dành cho tôi những chăm sóc đặc biệt từ bữa ăn cho đến du ngoạn vùng sông Loire, nơi có nhiều di sản văn hoá và lịch sử Pháp như các lâu đài, mộ của thiên tài hội hoạ Leonardo da Vinci, v.v.
với danh hoạ Lê Phổ tại Paris 1994
Và chỉ trong vòng hơn một tháng ở đó, trong căn gác có cửa sổ nhìn xuống sông Loire vắt ngang thành phố Orleans như một giải lụa xanh, tôi đã vẽ được mười bức sơn dầu trên bố khổ trung bình và nhỏ. Anh Đặng Tiến đã tổ chức một cuộc triển lãm những bức tranh này tại Maison du Vietnam trên đường Cardinal Lemoine, Paris, để giới thiệu với kiều bào trước khi tôi về nước. Cuộc triển lãm này đã diễn ra rất thành công và đầy xúc động. Tôi đã khóc vì sung sướng được đông đảo người Việt tại Paris và những thành phố lân cận đến xem và mua tranh. Họ phần lớn là trí thức và văn nghệ sĩ, dù khác biệt nhau về chính kiến do họ đến định cư ở Pháp từ nhiều giai đoạn lịch sử Việt Nam khác nhau (càng du học sớm càng thiên tả – thiên tả là trào lưu tư tưởng ảnh hưởng rất lớn đối với trí thức trẻ khắp thế giới không riêng Việt Nam từ sau khi Karl Marx đưa ra Tư Bản Luận), nhưng tất cả đều bỏ qua những khác biệt ấy để cùng đến với đêm hội hoạ của tôi, hội hoạ của một hoạ sĩ “trẻ” của Saigon trước 1975 lần đầu được đặt chân đến Paris sau gần 20 năm nếm trải đủ mùi vị của một xã hội Việt Nam cộng sản.
với danh hoạ Vũ Cao Đàm tại xưởng vẽ
của ông, Pháp 1994
Trong việc vẽ được số tranh này, ngoài vợ chồng Tiến – Nguyệt như đã nêu còn có sự ưu ái của anh chị Thuỵ Khuê – Tiến Luyện đã tặng màu dầu và vải bố cũng như đã cho tôi một chuyến đi dài từ Paris xuống Marseille để được tận mắt xem các tác phẩm của Marc Chagall và Giacometti, và nhất là được gặp nhà danh hoạ Vũ Cao Đàm ngay tại nhà ông cũng là một phòng triển lãm riêng nằm ngay trong một con phố núi thời Trung Cổ mà hai bên toàn là phòng triển lãm và con đường rộng chỉ đủ cho một chiếc xích lô. Kỷ niệm với chị Thuỵ Khuê thật nhiều và khó quên như những hôm lưu lại nhà chị ở số 13 Place d’Italie, nơi tôi được gặp cố nhạc sĩ Phạm Duy và được hạnh ngộ các danh hoạ Việt Nam thế hệ mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Võ Lăng và Phạm Tăng.
với danh hoạ Phạm Tăng trong một tiệm ăn
ở Paris 1994
Những fractus của Phan Nguyên
Trở lại với Phan Nguyên, sau chuyến đi này, tôi không gặp lại Phan Nguyên một thời gian dài cho đến khi anh giã từ Pháp để về sống hẳn ở Saigon với một tình yêu mới và một quán cà phê trên đường Lê Thánh Tôn vào khoảng năm 2003.
Cũng chính tại quán cà phê này, tôi lần đầu tiên ngắm những fractus của Phan Nguyên. Những “mảnh” với hoà sắc sinh động, nóng bỏng, bùng lên năng lượng của một người rất nung nấu những hoài bão cho sáng tạo.
Phan Nguyên, không đề trong loạt Fractus 2000
Mỗi một “mảnh” của Phan Nguyên là một tuôn trào, một tột đỉnh của mỗi lần xuất tinh. Trong hầu hết những fractus của Phan Nguyên tôi hầu như không tìm thấy sự tĩnh lặng, thanh thản nào như vẻ bên ngoài của con người đã sinh ra chúng mà tôi đã ít nhiều gần gũi và trò chuyện. Phan Nguyên, từ hằng chục năm qua và mãi về sau, anh là một kiểu mẫu của sự thân thiện, phi thái độ và chín bỏ làm mười. Điều này hoàn toàn khác với sự sinh động, nảy lửa, sóng cuộn trong bút pháp hội hoạ rất nhất quán trong các fractus của anh. Điều này làm nên phong cách hội hoạ Phan Nguyên, một phong cách rất riêng. Đây là điều rất khó khăn để có được nếu không muốn nói là quan trọng nhất đối với một hoạ sĩ. Thật vậy, nó còn quan trọng hơn so với việc đứng về phía một trường phái lẫy lừng nào hay đạt được sự tinh xảo của kỹ năng hội hoạ.
Phan Nguyên, không đề trong loạt Fractus 2000
Trong hầu hết các bức fractus, Phan Nguyên dùng tương phản giữa đỏ và xanh hoặc thay đỏ bằng vàng hoặc nâu, trong đó đỏ, vàng hay nâu luôn luôn mạnh và lấn át nhất, cho thấy cảm xúc của tác giả luôn dâng trào mãnh liệt nóng bỏng. Dù mỗi ký hiệu trong từng bức tranh có mang những hình tượng gợi hình là những cánh hoa hay sấm sét, cánh chim hay giọt nước cũng không mang thông điệp nào cho sự êm đềm hay một điệu ru. Tất cả cho thấy một bùng nổ, một khoảnh khắc rùng mình của tột đỉnh rung động hoặc trong một sát na giẫy chết trước cơn bão ác mộng, điều này cho thấy giữa vẻ ngoài và nội tâm của Phan Nguyên có sự khác biệt, thậm chí như nước với lửa.
Phan Nguyên, Fractus V34
Người ta thường động bên ngoài và tĩnh bên trong, nhưng Phan Nguyên thì ngược lại. Đó cũng là hai mặt của đồng tiền mà ở mỗi con người vẫn thường biểu hiện. Tranh hay văn, nếu không hoàn toàn phản ảnh con người đã tạo ra nó, thì ít ra cũng phải là một phần ẩn mật của tâm hồn tác giả. Và như vậy, tôi đã tìm thấy ở Phan Nguyên qua những fractus của anh, một Phan Nguyên mà tôi cảm thấy rất gần gũi, rất thú vị.
Bolsa, tháng 9 – 2021
TRỊNH CUNG
*Xem thêm tranh Phan Nguyên tại trang Facebook của hoạ sĩ.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ