Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

đọc thêm: " Cược đời & sự nghiệp của nhạc sĩ Vũ Thành An " [ 1943- / Oregon -- trích : https://nhacxua.vn >

 Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Vũ Thành An 


NIỆM QUÂN


 Nhạc sĩ Vũ Thành An là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc trữ tình miền Nam trước năm 1975. Cùng với những nhạc sĩ cùng thời là Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, nhạc sĩ Vũ Thành An thuộc thế hệ những nhạc sĩ tài năng cùng sinh vào thập niên 1940 và đã mang lại một luồng gió mới trong sinh hoạt âm nhạc miền Nam từ thập niên 1960..

 Nhắc đến nhạc sĩ Vũ Thành An, người ta nhớ ngay đến Những Bài Không Tên nổi tiếng gắn liền với sự nghiệp của ông, đã trở thành bất hủ trong lòng người yêu nhạc Việt suốt hơn nửa thế kỷ qua.

 Nhạc sĩ Vũ Thành An sinh năm 1943 tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Dù không phải là một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng cha Vũ Thành An (vốn là một quân nhân) thường làm thơ và rất đam mê âm nhạc, nên ông vẫn nuôi ước vọng con cái có thể trở thành nghệ sĩ. Được cha trao truyền niềm đam mê, nên ngay từ nhỏ Vũ Thành An đã rất mê âm nhạc. Khi được khoảng 7-8 tuổi, Vũ Thành An được cha mua cho cây đàn mandoline và ông đã mày mò tự học theo sách vở để chơi cho bằng được. 

 Năm 1954, gia đình Vũ Thành An di cư vào Nam. Việc đầu tiên mà người cha làm khi đưa gia đình vào đến Sài Gòn là đổi tên cho cậu con trai từ Vũ Thành (tên khai sinh lúc nhỏ) thành Vũ Thành An khi làm lại giấy khai sinh với nguyện vọng tên con trai có thể đứng đầu mọi danh sách như lời ông:  

“Nếu con đi thi thì cậu muốn được nghe tên con đầu tiên khi công bố kết quả!”.

Ban đầu Vũ Thành An được gửi vào trường tiểu học Nguyễn Tri Phương. Ông chuyển qua nhiều trường khác như trung học Hồ Ngọc Cẩn, Chu Văn Anh. Trần Lục, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo,…

 Nổi tiếng nhất trong số này là trường Trần Lục, vốn là một trường được chuyển vào Sài Gòn từ miền Bắc theo làn sóng di cư, cũng là nơi nhà thơ Du Tử Lê và nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng từng theo học.

 Thời gian học trung học, nhạc sĩ  Vũ Thành An từng là một trong những cây văn nghệ của lớp. Ông tham gia nhiều chương trình kịch nghệ, thơ ca của trường, của lớp. Đây cũng là giai đoạn Vũ Thành An được học âm nhạc với nhạc sĩ Chung Quân (tác giả bài Làng Tôi) cùng nhiều đồng môn như nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên và Đức Huy. Ngoài ra, Vũ Thành An còn tự mua sách và guitar về để mày mò tự học. Chính vì lý do này mà các sáng tác của Vũ Thành An sau này đều trên đàn guitar.

 Năm 1959, khi còn đang học trung học, Vũ Thành An mày mò sáng tác ca khúc đầu tay nhưng bị thầy là nhạc sĩ Chung Quân chê nên ông đem cất, không đưa ra phổ biến dù rằng ông vẫn yêu thích giai điệu của bài nhạc này. Dù vậy ông vẫn không hề bỏ cuộc, mạnh dạn đến gõ cửa nhà nữ ca sĩ thần tượng, là người bằng tuổi nhưng đã rất nổi tiếng là Thanh Thúy để tặng cô những ca khúc vừa viết, với hy vọng cô sẽ hát nhạc của mình. Dù nữ ca sĩ chưa bao giờ hát những ca khúc đó, nhưng khi gặp mặt Vũ Thành An, cô đã rất vui vẻ trò chuyện và nhận những ca khúc mới toanh đó của cậu học trò mới 16-17 tuổi..

 Năm 1963, sau khi thi đậu tú tài, nhạc sĩ Vũ Thành An được linh mục Trần Đức Huynh, giám đốc trường Trần Hưng Đạo giúp đỡ, cho dạy lớp đệ thất tại trường để có tiền tiếp tục học đại học. Đến cuối năm 1963, Vũ Thành An được nhận vào làm phóng viên tại Đài Phát Thanh Sài Gòn, phụ trách chương trình sinh viên, phát sóng hàng tuần trên đài. Thời gian làm chương trình sinh viên, Vũ Thành An bắt đầu quen biết và có mối quan hệ yêu đương sâu sắc với một người đẹp hơn tuổi con nhà khá giả, là xướng ngôn viên cho chương trình, người đã trở thành nguồn cảm hứng để ông viết những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp: Tình Khúc Thứ Nhất, Em Đến Thăm Anh Đêm 30 và Bài Không Tên Cuối Cùng.

 Năm 1965, khi Vũ Thành An đang là sinh viên năm nhất của trường Luật, ông vừa đi học vừa đi làm tại đài Phát Thanh và được chuyển sang phòng Biên Tập, làm việc chung với nhà văn – nhà thơ Nguyễn Đình Toàn, là người đã dẫn dắt ông đi vào làng nghệ thuật. Cũng trong năm này, nhạc sĩ Vũ Thành An hoàn thành ca khúc có thể xem là nổi tiếng đầu tiên trong sự nghiệp của mình là Tình Khúc Thứ Nhất với phần lời do nhà thơ Nguyễn Đình Toàn viết. Về hoàn cảnh sáng tác ca khúc bất hủ này, Vũ Thành An kể lại rằng lúc đó cô người yêu của ông muốn ông viết một ca khúc để kỷ niệm cuộc gặp gỡ của 2 người.

 Vào một buổi chều mùa xuân năm 1965, trên chuyến xe từ Vũng Tàu về Saigon, một dòng âm thanh vang lên trong đầu nhạc sĩ, ông viết vội giai điệu với câu đầu tiên là: Bài ca anh hứa cho em bấy lâu nay vẫn còn dang dở… Khi đến sở làm, Vũ Thành An hát cho Nguyễn Đình Toàn nghe, và nhà thơ này nói là để ông viết lại lời giúp. Sau đó Tình Khúc Thứ Nhất đã ra đời: “Tình vui theo gió mây trôi Ý sầu mưa xuống đời Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi Mấy tuổi xa người”.

 Nhà thơ Nguyễn Đình Toàn cũng chính là người hát lần đầu tiên ca khúc này trong chương trình Văn học nghệ thuật của Đài phát thanh Sài Gòn. Đó có thể xem là một màn ra mắt được coi là khá thành công của chàng nhạc sĩ trẻ Vũ Thành An. Sau lần đó, Nguyễn Đình Toàn đề nghị Vũ Thành An cùng cộng tác làm các chương trình nhạc chủ đề nổi tiếng trên đài phát thanh Sài Gòn, trong đó nhạc sĩ Vũ Thành An phụ trách phần việc mời các ca sĩ, nhạc sĩ, điều phối công việc thu thanh cho chương trình, còn nhà thơ Nguyễn Đình Toàn soạn nội dung và script.

. Chính từ chương tình này, Tình Khúc Thứ Nhất được trau chuốt và thăng hoa với giọng ca “vàng mười” của nữ danh ca Lệ Thu, trở thành ca khúc được yêu thích và mến mộ, đưa tên tuổi Vũ Thành An tiến sâu vào làng nhạc. Click để nghe Lệ Thu hát Tình Khúc Thứ Nhất trước 1975 Sau Tình Khúc Thứ Nhất, nhạc sĩ Vũ Thành An viết thêm hai ca khúc Em Đến Thăm Anh Đêm 30 và Bài Không Tên Cuối Cùng cho mối tình trắc trở không thành của mình với người đẹp xướng ngôn viên. Mối tình lệch tuổi này đã bị ngăn cấm từ cuối năm 1965 do hoàn cảnh gia đình 2 bên không tương xứng. Họ chia tay sau khoảng 2 năm bên nhau. 

Năm 1967, nhạc sĩ Vũ Thành An nhập ngũ theo lệnh động viên của chính quyền, học khóa 25 trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Thời gian học tại đây, ông đã trải qua cuộc tình sâu sắc thứ 2 của mình và ghi lại bằng ca khúc Bài Không Tên Số 2. Ngoài ra thời gian này ông còn cộng tác với Đài phát thanh quân đội để thực hiện chương trình Vũ Thành An. Đây cũng là thời gian ông sáng tác ca khúc những ca khúc nổi tiếng khác trong sự nghiệp, đó là bài Lời Tình Buồn, phổ từ thơ một người bạn đồng khóa là Chu Trầm Nguyên Minh, Bài Không Tên Số 3 dành cho một “người bạn” mà ông đã đánh mất trong đời, và Bài Không Tên Số 4 dành cho một nữ đồng nghiệp mà ông rất thân thiết ở đài phát thanh.

. Suốt trong những năm ngoài đôi mươi, nhạc sĩ Vũ Thành An đã trải qua nhiều mối tình và đều phải chia ly với cùng một lý do gần giống nhau, đó là bị ngăn cấm vì khoảng cách giàu nghèo

. Cho đến năm 1969, ông gặp và yêu một nữ sinh, và cũng là người sau đó là vợ ông. Nhạc sĩ Vũ Thành An viết lại trong hồi ký: “Khi có em bên cạnh, anh cảm thấy bình yên. Anh đã quá mệt mỏi với những cuộc tình đã qua, cho nên muốn đến với em và cùng em xây dựng gia đình. Em có nhiều nét đặc biệt lắm. Giọng nói em thật êm đềm, nhỏ nhẹ. Khi cười em chỉ chúm chím môi chứ không cười hẳn. Nhưng đối với anh, nét cười đó thật duyên dáng, quyến rũ. Hình ảnh em ra khỏi lớp học ban đêm trong chiếc áo dài ngày đó, bây giờ anh vẫn còn nhớ như in. Anh hiểu vì sao anh đã si mê em. Chúng ta quen nhau và rồi em đã đồng ý về với anh để cùng “chia nhau nghèo khó, quên lo tương lai mịt mờ”.” Mối tình thơ mộng đó được ông ghi lại trong Bài Không Tên Số 5: “Quấn quít vân vê tà áo Run run đôi môi mở chào Tiếng nói thơ dại ngày đó .Bây giờ mộng đời bay cao” 

Sau đó không lâu, nhạc sĩ Vũ Thành An viết thêm 4 ca khúc không tên số 6,7,8,9 và số 1 để phát hành đủ 10 bài trong tập nhạc Những Bài Không Tên. Từ đó tên tuổi Vũ Thành An được biết đến rộng rãi hơn trong làng nhạc, nhạc của ông được hát và được phát khắp nơi từ đài phát thanh, đến các quán cafe, vũ trường,…

 Cuối năm 1969, Vũ Thành An được đạo diễn Hà Thúc Cần mời đảm nhận một vai nhỏ trong phim Đất Khổ, quay tại Huế, cùng với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khi đó như Trịnh Công Sơn, Kim Cương, Lê Thương,… 

Tại đây, Vũ Thành An để ý và có những kỷ niệm đẹp với một cô gái Huế xinh đẹp – người đã cho ông niềm cảm hứng để thời gian sau này viết ca khúc mang tên Tình Xưa Gái Huế, được đánh số là Bài Không Tên Số 13. Sau khi đoàn phim trở về Sài Gòn, nữ nghệ sĩ Kim Cương đã giới thiệu Vũ Thành An tham gia bộ phim Chiếc Bóng Bên Đường (phát hành năm 1973) diễn xuất cùng với hai nghệ sĩ nổi tiếng khi đó là Kiều Chinh và Thành Được. Nhạc sĩ Vũ Thành An trong phim Chiếc Bóng Bên Đường.

 Năm 1971, nhạc sĩ Vũ Thành An tốt nghiệp trường Đại học Luật. Ngoài sáng tác nhạc, ông tiếp tục cộng tác với các đài phát thanh và đảm nhiều nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội và chính quyền Sài Gòn. Có thể nói, trên con đường quan lộ và cả trong sự nghiệp âm nhạc, Vũ Thành An đã sớm đạt được những thành tựu mà nhiều người mơ ước. Năm 1973, khi mới chỉ tròn 30 tuổi, Vũ Thành An đã đảm nhận chức Trưởng ty thông tin Gia Định

. Sau đó, ông còn trải qua nhiều vị trí khác như: Trưởng khối văn hoá (tương đương Giám đốc khối), Trưởng khối chương trình, Trưởng khối phân phối kế hoạch hệ thống truyền thanh của Đài phát thanh Sài Gòn (1974). Nhưng cũng chính vì nắm giữ nhiều vị trí truyền thông quan trọng của chính quyền cũ như vậy nên sau năm 1975, Vũ Thành An bị đưa đi cải tạo suốt 10 năm ở miền Bắc, từ năm 1975 đến năm 1985 mới được thả ra. 

Trong thời gian ở tù, một bước ngoặt lớn đã đến với cuộc đời Vũ Thành An là ông bắt đầu tìm hiểu và gia nhập Thiên Chúa giáo bằng một lễ rửa tội ngay trong nhà giam do những người bạn tù khác thực hiện cho ông. Thời gian này, ông cũng bắt đầu sáng tác Thánh Ca và Nhân Bản ca. 

Năm 1984, khi đang ở trại Nam Hà, ông quyết định ký giấy ly hôn để vợ hoàn thành thủ tục để đưa con đi định cư ở Hoa Kỳ. Chia tay nhưng họ vẫn trân trọng những ký ức đẹp về nhau, một thời tình nghĩa vợ chồng đã cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm, từ gian khó đến vinh hoa ngắn ngủi. Năm 1985, nhạc sĩ Vũ Thành An ra tù, trở lại Sài Gòn nhưng đã không còn gia đình. 

Đang lúc chán chường, mệt mỏi, ông gặp được người phụ nữ định mệnh của đời mình, là người vợ thứ 2. Bà tên là Nguyễn Thị Vân, nhỏ hơn ông 3 tuổi. Khi gặp ông, bà đã trải qua một đời chồng với một sĩ quan pháo binh. Sau khi kết hôn với chồng đầu được 5 năm thì ông chồng hy sinh, bà ở vậy một mình nuôi dạy 2 người con suốt 15 năm thì gặp nhạc sĩ Vũ Thành An.

 Cảm phục người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, chịu thương chịu khó, Vũ Thành An ngỏ lời xin cưới sau 1 năm quen biết. Hai người dọn về ở chung được 5 năm thì di cư sang Mỹ vào năm 1991. Mối tình với người vợ thứ 2 (và gắn bó hạnh phúc với nhau cho đến hiện tại) được nhạc sĩ Vũ Thành An ghi lại trong ca khúc Đời Đá Vàng, hoàn thành năm 1993 tại Mỹ, nói về những giông tố cuộc đời mà cả hai người đã phải trải qua trước khi gặp được nhau: Có một lần mất mát, mới thương người đơn độc Có oằn mình đớn đau, mới hiểu được tình yêu Qua dầm dề mưa tuyết, mới vui ngày nắng về Có một thời khóc than, mới hiểu đời đá vàng.

Trên đất Mỹ, nhạc sĩ Vũ Thành An tiến hành viết lại lời thứ 2 cho những bài không tên nổi tiếng của mình (gọi là Bài Không Tên Trở Lại). Dựa trên giai điệu cũ, ông muốn thể hiện những cảm nhận khác, tâm trạng khác của mình, sau khi đã trải qua những biến cố đau thương nhất của cuộc đời. Đặc biệt trong số đó là Bài Không Tên Cuối Cùng, ông đã viết phần lời mới để rũ bỏ đi những lời than trách với người tình cũ ở trong phần lời đầu tiên. Cụ thể đó là: Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, Đúng hay sao em? Được ông sửa lại: Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, Đúng đấy em ơi! Câu hỏi đã được thay bằng lời khằng định, bởi vì ông cho rằng năm xưa nếu 2 người thành đôi lứa thì chắc gì đã thoát ra được quãng đời khổ đau… 

Sau thời gian đầu khó khăn mưu sinh trên đất Mỹ, năm 1996, Vũ Thành An đăng ký học chương trình Cao Học Thần Học của Tổng giáo phận Portland, Oregon. Cũng từ năm này, ông ngưng viết tình ca mà chỉ tập trung sáng tác Thánh Ca và tham gia các hoạt động công giáo. 

Ngày 23/11/2002, Vũ Thành An được phong chức phó tế vĩnh viễn – Một chức phận trong giáo hội công giáo, dưới linh mục, phụ giúp các công việc cho linh mục và nhà thờ như phục vụ bàn thánh, làm việc bác ái, mở quỹ từ thiện giúp đỡ mọi người,…

 Tại Việt Nam, từ sau năm 1975, nhạc của Vũ Thành An bị cấm suốt 40 năm đến năm 2014 mới được cấp phép biểu diễn trở lại. Hãng phim Phương Nam đã được cấp phép phát hành độc quyền 21 ca khúc của Vũ Thành An gồm 10 bài không tên và một số bản nhạc nổi tiếng khác của ông như: Em Đến Thăm Anh Đêm 30, Đời Đá Vàng,..

  Sau sự kiện này, Vũ Thành An bất ngờ sáng tác trở lại sau 20 năm ngưng viết nhạc, chỉ chú tâm vào các công việc của Công giáo. Năm 2017, Vũ Thành An được trở về Việt Nam tham dự một số đêm nhạc mang tên ông tại Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng,… 

Cũng trong dịp này, ông ra mắt cuốn sách Chuyện Tình Không Tên kể về những mối tình và âm nhạc của ông, cùng CD Vũ Thành An 74 – Chuyện Tình Không Tên. Tính đến nay, Vũ Thành An đã có khoảng trên 100 sáng tác. Về cuộc sống cá nhân, ông có cuộc sống hạnh phúc với người vợ thứ 2 và các con riêng của bà tại Mỹ. Ông cũng có chuyến trở về Việt Nam thứ hai vào năm 2019 để tham dự các đêm nhạc. Đặc biệt, thời gian sau này, mỗi khi trở về Việt Nam, xuất hiện trước công chúng, Vũ Thành An đều mặc cổ áo trắng đúng với chức phận của mình trong giáo hội Công Giáo.


  NIỆM QUÂN

( Bản quyền bài viết của nhacxua.vn)



Bạn đang sao chép nội dung của nhacxua.vn. Nếu sử dụng cho blog cá nhân, vui lòng ghi rõ nguồn nhacxua.vn kèm theo link bài viết. Nếu là website, kênh truyền thông hoặc liên quan đến thương mại, vui lòng liên hệ trước để được đồng ý. Mọi hình thức vi phạm bản quyền nội dung để kiếm tiền thông qua MMO đều sẽ bị report đến Facebook và Adsense.



----------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ