" Như nụ cười buồn / Cao Mỵ Nhân [ 1939 - / Mỹ -- trích: Cao Mỵ Nhân Blog ( Mỹ )
Như Nụ Cười Buồn
Cao Mỵ Nhân
Cuối thập niên 60 thế kỷ trước không biết có phải là thời cực thịnh của nhạc Vũ Thành An không, nhưng tôi biết nhạc sĩ Vũ Thành An đang nổi tiếng lắm.
Nếu như ở đô thành Sài Gòn, Chợ Lớn, nhạc sĩ Vũ Thành An giữ điểm 10 thì ở miền Trung đẹp tươi… của tôi, ông mới đạt 7, 8 thôi.
Đó là tôi kể một cách bàng quan, không phải nhạc ông không đáp ứng tâm tư, tình cảm khách mộ điệu, mà miền Trung luôn luôn dựa lưng trên nỗi chết ở sát nách Trường Sơn nên những bài nhạc tác động được tinh thần lính tráng đa phần phải mang âm hưởng lính như nhạc Trần Thiện Thanh, Nhật Ngân, Duy Khánh, v.v..
Vì thế có một kỷ niệm mà tôi vô cùng ngỡ ngàng trong chuyến công tác tới một đơn vị kia ở tiểu khu Quảng Tín.
Phái đoàn gồm đại diện khối BĐPT và khối CTCT QĐI/QKI.
Vị đại uý thuộc BĐPT độ gần năm chục tuổi, mang bảng tên trên áo trận chữ Thiện.
Ông Thiện mới từ trung ương ra miền địa đầu giới tuyến, tính tình rất vui vẻ, luôn nở nụ cười với chiến hữu chung quanh.
Phái đoàn nêu trên chia nhau nói chuyện với cử toạ là giới quân nhân trẻ trung sắp lên đường ra tiền tuyến. Tới lượt vị diễn giả phần hành BĐPT được giới thiệu là đại uý Vũ Tích Thiện, ông phải làm sao đưa nội dung chiến đấu vào bảo vệ lãnh thổ như lời Tông Tông tôi nói: Phải giữ từng tấc đất không để rơi vào tay Cộng sản.
Sau vài lời sĩ quan Tâm lý chiến tiểu khu Quảng Tín nói sơ qua vài câu mở đầu, đại uý Vũ Tích Thiện vào đề vân vân, đoạn ông cười rất lạc quan: Anh em trẻ trung thế này, chắc là thích nhạc trẻ lắm, thế anh em có nghe nhạc Vũ Thành An không?
Chẳng thấy ai trả lời, ông vẫn vui vẻ hỏi tiếp: Anh em có biết Vũ Thành An là ai không?
Hội trường vẫn im lặng. Sự thực không phải là không có người biết, nhưng câu hỏi đó đặt ra để làm gì. Nó không phù hợp với không khí chiến tranh, chưa kể làm lũng đoạn hậu phương, nơi cần được ổn định để nâng cao tiềm năng chiến đấu ngoài tiền tuyến như phương châm của tổng cục CTCT.
Do đó, đã có vài anh năng nổ cười đúng nghĩa chữ… bạt mạng, đứng lên trả lời: Vậy đại uý nói Vũ Thành An là ai? Đã thắng trận nào, hay anh dũng hy sinh từ khuya rồi?
Sự thực còn kèm theo vài lời rất lính nữa. Đại uý Vũ Tích Thiện có vẻ… ngượng ngùng. Đại tá tham mưu phó CTCT QĐI/QKI phải lên cứu bồ nhà vì đại tá CTCT hôm đó là trưởng đoàn thăm viếng:
Tôi xin đỡ lời đại uý Vũ Tích Thiện, ông có lòng giới thiệu với anh em người con trai của ông là nhạc sĩ Vũ Thành An thôi. Lâu nay nhạc của Vũ Thành An rất được giới trẻ như anh em hâm mộ.
Để thư giãn không khí, đại tá tham mưu trưởng – trưởng phái đoàn pha trò: Này đại uý Thiện, ông có thuộc bài nào của công tử Vũ thì trình bày cho anh em nghe đi, phải không anh em?
Thế là không khí vui nhộn hẳn lên.
Sau vụ đó, đại uý Vũ Tích Thiện vẫn lạc quan, yêu đời và yêu người, vì Vũ Thành An vẫn liên tiếp có những bài không tên để đời.
Rồi cuộc đổi đời 30 – 4 – 1975, tất cả phải đi tù cải tạo. Cuộc sống cứ vần xoay theo cái kiểu bất như ý mọi người.
Khoảng vài năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, bỗng tôi nhớ ra câu chuyện ngày theo phái đoàn CTCT tới tiểu khu Quảng Tín khi tình cờ gặp lại đại uý Vũ Tích Thiện ở Sài Gòn.
Vẫn nụ cười không thay đổi trên môi, đại uý Thiện nói: Này cô, Vũ Thành An nó sắp được về rồi đấy, tôi sẽ bảo nó đến thăm cô nhé.
Tôi hỏi tại sao ông biết tin về của nhạc sĩ con trai ông? Ông trả lời: Ai trước khi về gia đình cũng được thông báo chứ.
Chúng tôi nói chuyện trong căn nhà nhỏ giữa một ngõ hẻm ở đường Phan Đình Phùng cũ.
Chỉ ít ngày sau, một buổi sáng, tôi nghe tiếng xe đạp két ngoài cửa nhà. Nhìn ra thấy một trung niên còn rất thanh niên, quần jean, áo sơ mi sọc nhỏ mờ, giày ba ta, dáng cao ráo nên đôi chân đẩy xe đạp thật trẻ trung, đặc biệt là nụ cười tươi tắn y như nụ cười của đại uý Vũ Tích Thiện.
Tôi biết ngay là ông cụ Thiện vẫn có ý muốn Vũ Thành An tới thăm tôi, vì sao quý vị biết không?
Vì chuyện xưa tích cũ thôi. Trong chuyện phái đoàn ngày nào trước 30 – 4 – 1975 ở Quảng Tín nêu trên, tôi đã binh vận được một chàng lính vốn yêu văn nghệ, thích ca hát lên trình bày một bài không tên chẳng biết số mấy của Vũ Thành An. Bài có câu quấn quít hay vấn vít… tà áo gì đó.
Để rồi bắt đầu cho cả một chương trình phụ diễn văn nghệ bỏ túi thật hào hứng trước khi phái đoàn về lại Đà Nẵng, thủa đã xa xưa…
Nhạc sĩ Vũ Thành An vô nhà cười nhiều hơn là nói, ai mới ra tù chẳng vậy.
Phòng khách nhà tôi thì nhỏ nhưng trang trí khá mỹ thuật, có cái đàn piano của hai đứa con gái và cái đàn ghi ta của hai đứa con trai, để làm… của thôi chứ tụi nhỏ chơi đàn thì vẫn gọi là sơ đẳng…
Vũ Thành An lấy cây ghi ta rồi ngồi ngay ở chiếc ghế sát ngoài cửa ra vào, lại cười rồi hỏi: Chị muốn nghe bài gì nào?
Tôi trả lời bài nào cũng được, thế là cuộc độc tấu tây ban cầm cứ liên tục, thật là quý hiếm được chính tác giả trình bày cả lời hát cho nghe nữa.
Tôi kể lại cho hai cô bạn độc thân đều cấp đại uý, cũng đã ra tù, cùng trung tâm với tôi nghe về nhạc sĩ Vũ Thành An. Một cô là đại uý nữ quân nhân, một cô là đại uý biên tập viên Cảnh sát Quốc gia.
Hai cô đương nêu có rất nhiều phương tiện sinh sống, làm chủ một quán cà phê đồng thời làm chủ một quán bán đồ nhựa như xô, thau, gáo múc nước, ly uống nước, v.v. ở chợ Bình Tây.
Hai cô ấy muốn được quen nhạc sĩ Vũ Thành An. Tôi bèn hỏi Vũ Thành An có thể dạy nhạc cho quý cô đó không.
Nhạc sĩ Vũ Thành An cười nói: Học nhạc làm gì, tôi có thể dạy Anh văn cho các cô ấy, vì thế nào cũng xuất cảnh phải không?
Đúng rồi, cả hai cô đó đang muốn vượt biên.
Thế là nhạc sĩ Vũ Thành An đã tới nhà hai cô đương nêu ở quận 5 Chợ Lớn, ngôi nhà cao ráo, cửa sắt, không xa hai cửa hàng cà phê và đồ nhựa như nói trên với lương tiền là 5.000$ một tháng.
Một ngày kia, cô T. trong hai cô tới nhà tôi cho hay: Ông Vũ Thành An đi đâu không đến dạy, để con D. (là cô thứ hai) cằn nhằn quá, chị đi tìm ông ấy đi.
Trời, tôi ăn cái giải gì trong việc này chứ. Thầy trò thì trực tiếp tìm kiếm. Hơn nữa, T. với D. mới có xe honda dễ chạy đó đây chứ tôi đi xe đạp mệt chết. Tôi mặc hai cô học Anh Văn của nhạc sĩ Vũ Thành An.
Thời gian sau nữa thì T. cho hay là nhạc sĩ Vũ Thành An đã được một yếu nhân mời đi vượt biên rồi. Yếu nhân ở đây là phái nữ yếu đuối, chứ không phải nhân vật quan trọng nào.
Nay nhạc sĩ đã trở thành tu sĩ, cuộc đời ông như cánh đồng hoa nở ngàn phương, nhìn đâu cũng thấy sắc màu rực rỡ, quả là nhạc sĩ được ân sủng của Thượng đế cao vời, nụ cười xua tan bóng tối, không còn khổ lụy như lời nhạc thủa nào chất ngất buồn thương…
CAO MỴ NHÂN
---------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ