LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM / Thế Phong ( kỳ thứ VI) ( 28-05-2022 ) -- trích: Việt Văn Mới ( Paris)
LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM
KỲ THỨ VI.
THAY LỜI DẪN
Lược Sử Văn Nghệ Việt Nam của nhà văn Thế Phong gồm 4 tập, đã được in 2 tập: Tập 1 NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN 1930-1945, bản in ronéo đầu tiên ở Sài Gòn gồm 100 cuốn vào năm 1959. Bản tái bàn cuả NXB Vàng Son in 3000 cuốn ở SàiGòn vào năm 1974. Bià cuả họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi được chụp in lại trên đây , do một trong những NXB vô danh ở Mỹ in lậu ở California sau 1975 và Tập 4 : Tổng Luận đã chuyển ngữ A BRIEF GLIMPSE AT THE VIETNAMESE SCENE (from 1900 to 1956) và 2 tập 2 & 3 nói về văn nghệ kháng chiến, nhà văn hậu chiến 1900 - 1956 (văn nghệ quốc gia hay văn nghệ của VNCH) chưa bao giờ công bố trên văn đàn, mặc dù đã được lưu trữ tại một số thư viện TRONG NƯỚC (Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM, Thư viện Khoa học Xã hội Tp.HCM) và NGOÀI NƯỚC như ở Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Boston, Ithaca-New York, SIU, IOWA vv..hoặc ở Pháp, Đức, Úc..
VÀI DÒNG TÂM SỰ NGƯỜI VIẾT SÁCH
Viết sách biên khảo hay phê bình, giá trị nhiều hay kém có thể nằm trong vài ý kiến dưới đây: Lập trường người viết phải có trước khi tìm kiếm tài liệu. Ấy là đã phải kể tới kiến thức, học và đọc; khả năng và tâm hồn văn nghệ nhạy cảm của người viết phê bình.
Lại cần kinh nghiệm, nhỡn quan nhìn, phải được chế biến theo lập luận người viết càng nhuyễn, sách càng phong phú. Không thể coi sách tương tự như cours nhà trường, làm thành gọi là biên khảo, phê bình văn học. Cũng như étude, non-fiction, fascicule, étude critique sur critique phân minh rõ ràng.
Tài liệu dồi dào, nhưng tài liệu nào chưa đọc, không nên bao biện. Người viết không định ý, lập luận; hẳn tài liệu phong phú dồi dào đi nữa; cuối cùng người viết chết theo với tài liệu sưu khảo được. Nhớ tới Nguyễn Hiến Lê trong một sách biên khảo bàn về tài liệu, nhất là tìm tài liệu văn học, sử học Việt Nam khó gấp bội phần khi sưu tập tài liệu tương tự ở nước ngoài. Ý kiến thật xác đáng. Nước ta triền miên khói lửa, và tầm mức thẩm định giá trị tài liệu văn học chưa được sử dụng đúng mức, công bằng.
Cộng đời sống thấp kém, ít thời giờ đọc sách, mua sách, bảo tồn sách, nên tủ sách văn học Việt Nam cần cho người viết sử dụng còn ở tình trạng rất thiếu thốn.
Khi viết bộ sách này, khích lệ tôi nhiều nhất phải kể tới một người: đó là anh Nguyễn Đức Quỳnh. Ông nhắn nhủ tôi rằng: “tài liệu nhiều chưa chắc đã là một yếu tố thành công, còn phải dám làm, dám nhận trách nhiệm”.
Đôi khi, chính kẻ dám làm lại liều lĩnh và dám biết mình ngu. Như vậy, chắc chắn tôi biết trách nhiệm khi viết sách. Cảm ơn một lần nữa nhà văn lão thành Nguyễn Đức Quỳnh, ông bạn văn tiền chiến vong niên. Nữa, cho tôi xin cảm ơn thêm vài tấm áo vải lao động: như anh chị Hai Nụ ở Xóm Chùa (Tân Định) làm nghề thợ thêu. Anh chị nuôi sống tôi hai năm trời: cơm và nhà ở. Nhà thuê vào năm viết bộ sách là một trăm năm mươi đồng. Tiền cơm bốn trăm đồng. Chưa hết, ông già Lịch bán thuốc lá, cũng ở đây; cho tôi chịu khoảng hai ngàn đồng tiền thuốc lá. Thuốc lá Ruby khoảng sáu đồng một bao. Sáu tháng liền, tôi chỉ đi ra tới ngõ; xa hơn là 147B Trần Quang Khải (Sàigòn 1) tới tiệm cho thuê sách Đức Hưng. Nơi này đủ gần hết tác phẩm tiền chiến, giấy dó Hàn Thuyên, mướn đem về đọc để làm tài liệu viết. Một người bạn nữa anh Lung cũng ở Xóm Chùa ngập nước, có một tủ sách khá lớn. Anh cho mượn và tôi sử dụng một cách sở hữu chủ. Anh từ miền Bắc vào Nam lâu, có viết báo tài tử, một người thật chân tình. Phải chăng chân tình này làm tôi cảm động, khi nghe kể đoạn đời anh tham gia kháng chiến ở Nam Bộ bị Pháp cầm tù. Đời tù đầy thêm kinh nghiệm sống, đời quất ngọn roi phũ phàng bao nhiêu, nạn nhân chịu nổi hờn đau sẽ sống lâu hơn; sau thì người ấy sẽ được liệt vào bậc tốt nhất xã hội trên mọi phương diện.Và một bạn học cũ Hà Nội : Tạ Văn Tài đạp xe đạp thăm tôi để khích lệ - trước khi anh đậu hai thủ khoa Văn chương và Luật khoa Sài Gòn rồi sang Mỹ du học.
THẾ PHONG
BỘ LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM 1900-1956
gồm 4 tập:
1). NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN 1930 -1945
2). NHÀ VĂN KHÁNG CHIẾN 1945 -1950 gồm hai phần:
a). NHÀ VĂN KHÁNG CHIẾN CHỦ LỰC 1945-1950 viết theo lối tuyển tập thơ văn kháng chiến, viết về: Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tố Hữu, Quang Dũng, Văn Cao, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Hữu Thung, Hoàng Lộc, Yên Thao, Nguyễn Đình Thi vv... Các chiến sĩ văn nghệ như: Vô Danh, Hà Minh Tuân, Lê Minh, Vũ Linh, Nguyễn Trinh Cơ, Đình Quang, An Bá Đảm, Quốc Chính, Nguyễn Xuân Hòe, An, Lưu Hương, Chính Hữu, Minh Tiệp, Phùng, Hà Khang, Kim Lân, Siêu Hải, Nguyễn Công Mỹ vv... b). Nhà văn miền Nam 1945 –1950: Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Thẩm Thệ Hà, Vũ Anh Khanh, Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc, Hoàng Tấn, Bình Nguyên Lộc, Hoàng Tố Nguyên, Quốc Ấn, Sơn Khanh, Vũ Xuân Tự, Hợp Phố (nữ), Phi Vân, Nguyễn Bảo Hóa(78) v.v...
3). NHÀ VĂN HẬU CHIẾN 1950 - 1956.
Bùi Xuân Uyên, Tạ Tỵ, Xuân Nhã (nữ), Hoàng Chu Ngạc, Triều Đẩu, Trúc Sĩ, Phan Phong Linh, Bạch Diện, Mai-Lâm-Nguyễn-Đắc-Lộc, Nguyễn Tố, Văn Thuật, Mặc Thu, Nguyễn Ái Lữ, Kỳ Văn Nguyên, Nhị Lang, Thanh Nam, Huy Quang, Nguyễn Thiệu Giang, Thi Thi Tống Ngọc, Nguyễn Hoàng Quân, Hiệp Nhân, Thùy Linh, Thanh Bình, Vĩnh Lộc, Nguyễn Thạch Kiên, Hà Bỉnh Trung, Hoàng-Lan, Quốc Ân, Hoài Linh, (1 và 2) Kim Dung, Hiền Nhân, Đoàn Thu, Hoàng Công Khanh, Sao Mai, Nguyễn Minh Lang, Văn An, Thanh Hữu, Huy Sơn, Đinh Hùng, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Hoàng Phụng Tỵ, Hoàng Song Liêm, Hoài Việt, Trần Nhân Cư, Huyền Giang, Băng Sơn, Vân Long, Song Hồ, Lê Đình Chân, Mặc Đỗ, Phạm Việt Tuyền (Thanh Tuyền), Lê Văn Hòe, Phạm Văn Sơn, Hoàng Như Mai, Huyền Chi, Hoài Minh, Thanh Thuyền, Hồ Đình Phương, Tạ Ký, Xuân Huyền, Thanh Thanh, Tùng Long (nữ), Quỳnh Hương (nữ), Thiếu Mai - Vũ Bá Hùng (nữ), Minh Đăng Khánh, Tạ Quang Khôi, Tường Hùng, Kiêm Minh, Uyên Thao, Tô Kiều Ngân, Nguyễn Hoài Văn, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Nguyên Sa, Mai Thảo, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo,(nữ) Triều Lương Chế, Phạm-Thái –Nguyễn-Ngọc-Tân, Vũ Khắc Khoan, Chấn Phong, Hư Chu, Hồ Hán Sơn, Phan Lạc Tuyên, Đỗ Tấn, Hoàng Trúc Ly, Nguyễn Văn Cổn, Hoàng-Nguyên-Bùi-Khải-Nguyên, Cung Trầm Tưởng, Hà Liên Tử, Kiên Giang - Hà Huy Hà, Chế Vũ, Thế Viên, Diên Nghị, Huyền Viêm, Phan Minh Hồng, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Năng An, Hoàng - Thu - Đông (Hoàng Trọng Miên), Diên Hương, Thanh Nghị, Kiêm Đạt, Hồ Nam– Vương-Tân, Nghiêm Xuân Hồng.
4) TỔNG LUẬN 60 NĂM VĂN NGHỆ VIỆT NAM 1900 -1956 (NAM VIỆT NAM)
Tổng luận văn nghệ Việt Nam từ đầu thế kỷ đến 1960. Người viết bộ sách cô đọng tóm tắt bốn tập dẫn giải ở trên. Người đọc không có thời giờ hoặc cần có quan niệm tổng thể chỉ cần đọc tập này thôi. Bản Anh ngữ của Đàm Xuân Cận: A brief glimpse at the Vietnamese literary scene 1990 - 1956 (Đại Nam Van Hien Books) Phụ lục bộ sách in thêm một cuốn nữa .Hiện tình văn nghệ Nam Việt Nam 1957 -1961(79) , để độc giả theo dõi được tổng quát bình diện văn nghệ Nam Việt Nam, diễn biến qua nét chính yếu sinh hoạt văn nghệ qua các nhóm: Đại Học và Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Nam Châu, Lê Tuyên, Lê Thanh Châu, nhóm Văn Hóa Á Châu, Chủ tịch giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Lê Xuân Khoa,v.v…. Văn Hóa Vụ (Cơ quan văn nghệ chính phủ Ngô Đình Diệm với Nguyễn Mạnh Côn, Hoàng Trọng Miên, Phan Du,v.v… Nhóm Sáng Tạo, Trung tâm văn bút Việt Nam V.N. (PEN) với Nguyễn Thị Vinh, Thanh Lãng, Tường Hùng, Duy Lam, Nguyễn Hoạt; nhóm Văn Hóa Ngày Nay do Nhất Linh chủ trương với Nhật Tiến, Duy Lam, Thu Vân,v.v… và cuối cùng Khép với bức thư người viết trình bày lý do viết bộ sách. Khi viết tôi mới 24 tuổi. Tự nhận rằng nhầm lẫn sơ sót không thể không có. Chủ quan có, nhưng nhớ rằng chủ quan nào mà anh diễn dịch trong tác phẩm? Chủ quan viễn kiến hoặc chủ quan hẹp hòi, ao tù, bè nhóm? Khi sách xuất đầu lộ diện, tôi không muốn nhìn thấy cảnh này, như Vũ Ngọc Phan ra mắt Nhà văn hiện đại; thì một L.H.V. viết bài phê bình trên báo Thanh Nghị rất hay, xác đáng lại không dám ký tên thật. Nhưng điều đau đớn, sau hai chục năm, tôi đây đến sau vẫn biết rằng, người viết ký tên tắt kia chính là Lê Huy Vân. (Bạn học cùng lớp với Nguyễn Hiến Lê). Tôi cho đó đê hèn đáng yêu nhưng không nên có. Một lối phê bình câm nín yên lặng nữa, đểu cáng đáng yêu hơn: mưu mô im lìm – Pháp gọi là: le critique très impitoyable c’est taire. Như vậy không được, một tác phẩm phê bình văn học ra mắt; hay thì khen hay; dở phải chê dở! Sự khen và chê ấy quan thiết ở chỗ đúng cảm quan người viết ở mức độ đúng nhất, không ngụy trang, mưu mô. Tôi cúi đầu trước cử chỉ đó và trong đời chỉ đón nhận thái độ đó. Khi tôi dự định làm văn sĩ, tôi cần đọc nhiều tác phẩm đàn anh, bạn văn trong nước, cả đến quốc tế. Để làm gì? Xin thưa, để xem tác phẩm nào hay hoặc dở, những gì người ta đã và chưa nói tới. Học hỏi và quyền chê khen theo quan niệm đúng nhất của tôi lúc đó. Hoặc như V.Biélinsky(80) , tác giả phê bình văn triết luận nổi tiếng số một của Nga đã chẳng nói: “...Làm sao nghi ngờ hả? Các anh quay lưng không thèm nhìn hả, lại bịt tai không thèm nghe sao? Kệ xác các anh! Không quan tâm tới. Các anh đọc hay không, với tôi không cần thiết. Tại sao à, cuối cùng ai cũng có tự do. Ngoài ra, làm sao tôi phải mặc cả với anh kia chứ? Vậy thì anh bạn ơi, đừng giận nhé! Bằng lòng hay không bằng lòng, các anh vẫn phải đọc. Không đọc, vậy thì anh đọc cái gì mới được chứ? Anh bạn ơi, nếu cho phép tôi, thì tôi bắt đầu nói đây này"…. Sự thật! Sự Thật! Chẳng có gì hơn là sự thật”
Nói theo đàn anh V.Biélinsky, thì xin thưa với các Ngài, sự thật tôi nghĩ, tôi trình bày như thế đó.
THẾ PHONG
♣♣♣
PHẦN THỨ NĂM
Tiết 1. – Khái quát về các nhà văn độc lập.
Tiết 2. – Tiểu thuyết phóng sự: TAM LANG - VŨ BẰNG
Tiết 3. – Tiểu thuyết tâm tình: NGUYỄN XUÂN HUY - NGUYỄN VỸ - NGUYỄN KHẮC MẪN - ĐỖ THÚC VỊNH - CẨM KHÊ - MỘNG SƠN - THANH CHÂU.
Tiết 4. – Tiểu thuyết tự sự: THIẾT CAN - NGUYỄN VĂN XUÂN
Tiết 5. – Tiểu thuyết dã sử: NGUYỄN TRIỆU LUẬT - LAN KHAI - PHAN TRẦN CHÚC - TRÚC KHÊ
Tiết 6. – Kết luận về các nhà văn độc lập viết sơ lược.
________________________________________________
KHÁI QUÁT VỀ CÁC NHÀ VĂN ĐỘC LẬP VIẾT SƠ LƯỢC.
Sau khi lướt qua tài sản tinh thần các nhóm, nhà thơ điển hình, sơ lược; bây giờ đến phần nhận định các nhà văn độc lập. Nhà văn độc lập không ở một nhóm nào nhất định, dầu đôi khi cộng tác với cơ quan nhóm, nhưng không tham gia đường lối, sinh hoạt văn nghệ chung. Tác phẩm của họ mang nhiều nhãn hiệu nhà xuất bản khác nhau. Nếu đứng trong nhóm nào, thì chỉ là lẻ tẻ; không thể so sánh với Tự Lực văn đoàn hoặc Hàn Thuyên được.
Tuy nhiên, sản phẩm tinh thần nhà văn vẫn nhất định nằm trong một khuynh hướng rõ rệt.
Trong phần năm, chúng tôi bàn sơ lược, tổng quát nhìn văn nghiệp mỗi nhà văn sơ lược. Phần sau, phân tích tỷ mỷ nhà văn điển hình qua các khuynh hướng. Tỷ dụ, khi nói về ngành tiểu thuyết phóng sự: Tam Lang, Trọng Lang, Vũ Bằng; chỉ nhắc đến một nhà văn phóng sự điển hình Vũ Trọng Phụng là đủ. Bởi lẽ, nếu không chọn nhà văn điển hình cho một khuynh hướng nào, không thể nào trong một lần nói hết nhà văn đầy đủ chi tiết; hơn nữa với các nhà văn sơ lược; theo chúng tôi, không cần thiết nói đầy đủ như nhà văn điển hình. Lẽ, có viết hằng chục cuốn sách nói về một nhà văn không tiếng tăm gì cũng chẳng ích lợi gì, phải dành chỗ cho nhà văn điển hình xứng đáng. Ấy điển hình sơ lược; quan niệm, ý nghĩ của tôi khi viết bộ sách này, về nhà văn một thời qua đi, gần như bỏ nghề hay bị tê liệt, ít sáng tạo đi nữa. Chẳng hạn xu hướng tâm tình tiến bộ: trong số những nhà văn như Nguyễn Xuân Huy, Nguyễn Vỹ (còn là nhà thơ, nhưng không mấy tiếng tăm), Đỗ Thúc Vịnh, Nguyễn Khắc Mẫn, Mộng Sơn–Tôi chọn hai nhà văn cùng khuynh hướng ấy điển hình là Ngọc Giao và Thuỵ-An-Hoàng-Dân. Hoặc nói về Nguyễn Công Hoan điển hình cho loại tả chân xã hội phong kiến, Lê Văn Trương điển hình cho lối viết truyện trường giang và nhân vật có tính chất anh hùng rơm. Sau cùng, Tô Hoài điển hình cho lối văn đặc biệt là nhân cách hóa tả loài vật ….
Phê bình tổng quát, không chú trọng chi tiết nhỏ, chắc chắn chúng tôi hoặc các bạn đều có quan niệm riêng, có lối riêng nhìn cùng nhận xét. Chẳng hạn Trương Chính viết phê bình, nhìn với lối thán phục toàn diện như một người nhìn lên; còn Hoài Thanh nhận định một cách tùy hứng; Thiếu Sơn cùng chung ý nghĩ với Trương Chính có kiến thức rộng và kinh nghiệm nhận định vững vàng. Vũ Ngọc Phan vượt tất cả những nhà phê bình trong giai đoạn ấy, ông viết tỷ mỷ về bất cứ nhà văn nào và bàn dài giòng. Cho rằng như vậy không thể có lối nhìn tổng quát, hệ thống hóa được một di sản văn chương quá lớn, mênh mông. Muốn hướng dẫn du khách thăm vườn hoa, theo tôi phải có hệ thống khoa học phân chia rành mạch. Và giới thiệu bông hoa chúa của mỗi loài hoa, bông hoa đẫy đà vượt trội mà thôi – ấy là nhà văn điển hình cho mỗi khuynh hướng vậy. Tiết 2
TIỂU THUYẾT PHÓNG SỰ
1. TAM LANG (1900 – 1986)
Tam Lang tên thật trong đời Vũ Đình Chí. Nhà báo ban đầu, rồi chuyển sang viết phóng sự. Còn là tác giả tập phóng sự Tôi kéo xe (1935), Đêm sông Hương (1938), Lọng cụt cán (1939), Người ngợm (1940)... Tiền chiến viết cho Đông dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh, Trung Bắc tân văn, Thực Nghiệp dân báo…. Sau tiền chiến, ông cộng tác với nhiều báo ở Hà Nội. Năm 1951 chủ bút nhật báo Giang Sơn, phụ trách tòa soạn Tia Sáng đặc san, Ngô Vân chủ nhiệm. Năm 1954, di cư vào Nam là một trong những chủ nhiệm nhật báo Tự Do.
Tác phẩm của Tam Lang đều là phóng sự tiểu thuyết. Tập Tôi kéo xe chỉ có giá trị tương đối khi so sánh với tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng. Đặc tính phóng sự Tam Lang châm biếm, nhạo đời, răn đời, không độc ác. Phê bình Tam Lang, Vũ Ngọc Phan khen văn chương và ý nghĩa của ông lịch lãm, nhân vật tư tưởng bác ái; viết trong Nhà văn hiện đại:
“...Tư tưởng thật là luân lý, nhưng tư tưởng thật là bác ái, bao giờ cũng có cái khuynh hướng bênh vực hạng người nghèo khó, kém hèn, mà bênh vực vì lẽ phải, vì nhân đạo, chứ không xen lẫn một ý chính trị nào…”
Hiện Tam Lang không còn sáng tác được một tác phẩm văn chương nào tương đối giá trị; hoặc để tiếp nối cho sự nghiệp văn nghệ. Sự viết của ông bây giờ, như Thiếu Sơn; chỉ là kiếm cơm độ nhật, qua những bài báo đôi khi có chút giá trị hàng ngày(48) .
2. VŨ BẰNG (1913 -1984)
Tiểu sử.
Sinh năm 1913 ở Hà Nội. Bắt đầu viết văn năm 17 tuổi, đầu tiên báo An Nam tạp chí của Tản Đà. Sau viết cho các báo Trung Bắc tân văn, Công dân, Ích hữu,… và làm thư ký tòa soạn cho các báo Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san vv... Còn hay ký biệt hiệu Tiêu Liêu, Hoàng Thị Trâm, Lê Tâm v.v…
Tác phẩm đã xuất bản:
Một mình trong đêm tối (1937), Chuyện hai người (1940), Tội ác và hối hận, Để cho chàng khỏi khổ một mình trong đêm tối (1941), Cai…. Sau tiền chiến cho xuất bản Thư gửi cho người mất tích (dịch truyện Stephan Zweig) Tân Dân 1950), Khảo về tiểu thuyết (Phạm Văn Tươi 1955), Hạnh phúc lứa đôi (Thế Giới 1956) dưới bút hiệu Y sĩ Lê Tâm, viết sách vệ sinh cho lớp tiểu học, luận đề Hồ Xuân Hương (Cây Thông Hà Nội, 1950). Dưới bút hiệu Hoàng Thị Trâm viết tiểu thuyết Chớp bể mưa nguồn, Nghệ thuật làm mẹ, Mỗi tháng chỉ có năm ngày thụ thai, Các cô gái dậy thì nên biết, Trẻ, Đẹp, Sống lâu, sáu quyển sau này do Thế Giới xuất bản…. ở Sài Gòn sau 1954 Đời đơn giản dưới bút hiệu Vũ Bằng, dịch–(Phạm Văn Tươi xuất bản 1956; dưới bút hiệu Tiêu Liêu dịch tác phẩm Stephan Zweig Hai mươi bốn tiếng trong đời người đàn bà (Thanh Bình 1953).v.v...
Truyện của ông không đặc sắc, không bản sắc riêng. Ngoài tư tưởng tầm thường tả cảnh với pha tình yêu cụp lạc, gây cấn, éo le, đoạn văn ướt át, có thể tìm thấy đầy rẫy trong nhiều truyện hạ cấp khác. Duy tập phóng sự tiểu thuyết Cai khá hơn cả; tiêu biểu cho sự nghiệp văn chương đó là thiên hồi ký đặc sắc anh chàng nghiện rồi cai thuốc. Ông còn viết nhiều truyện ngắn đăng trên báo Tiểu thuyết thứ bảy của Vũ Đình Long, từ năm 1949 trở đi, như Đoàn kết thân ái (T.T.T.B, số 4), Trong đất Hà (số 3). Ất, khúc ngâm trong đất Hà phóng sự nói về sinh hoạt Hà Nội trong ngày đầu tiên khói lửa, gọi tắt là trong Thành.
Tính chất phóng sự trong văn chương Vũ Bằng không linh động, truyện ngắn không có lập ý cao, bố cục như phân tích nhân vật về tâm lý, hình tượng sống không xuất sắc. Những truyện chọn dịch sau tiền chiến Thư gửi cho người mất tích, tương đối giá trị, viết trong lập trường nhà văn ở Thành ủng hộ kháng chiến. Một lối truyện ngắn khác là truyện động tác, ba bốn chữ lại một gạch nối, Vũ Bằng tự trạng cho là một khám phá mới của đời văn chương đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy; lại chính cóp nhặt giấu xuất sứ của Marchak, nhà văn Nga viết văn trước ông đăng trong tập truyện ngắn chọn lọc Xô Viết có tựa Domaine Russe (Thế giới Nga).
Về biên khảo, ông là người có học hỏi chịu tìm hiểu nghiên cứu. Tuy nhiên đọc sách có nhiều loại người có thể tiếp nhận, chẳng hạn đọc coi người viết sách là thầy, thứ hai coi người viết sách là bạn, mới nói đến loại người thứ ba, đọc sách để làm tài liệu tham khảo để vượt… Vũ Bằng viết sách biên khảo chưa biết chế biến những gì học được vào biên khảo, hiểu biết bản thân vẫn chỉ là một loại étalage de connaissances (tạm dịch: bầy hàng tri thức bất khả dụng) mà thôi. Khảo về tiểu thuyết tương đối giúp ích cho người không có vốn sinh ngữ hoặc cho ai nói chung, ít khảo cứu có thể coi như là tài liệu tìm hiểu văn học văn chương Tây Phương. Tài liệu này đã cho đăng trên Trung Bắc Chủ Nhật vào năm 1941 - 1942, sau tiền chiến in lại thành sách.
Nhiều sách dưới biệt hiệu khác, chỉ là mánh khóe kiếm cơm tầm thường, chép dịch tài liệu ngoại quốc (Trẻ, Đẹp, Sống lâu, Vệ Sinh lớp Ba), một lối kiếm cơm hạ đẳng của nhà văn trốn tránh nhiệm vụ, và không có tinh thần bao nhiệm tác phẩm. Mặc dầu nhà văn có nhiều biệt hiệu; nhưng tinh thần sáng tác phải được coi như một.
Về tiểu thuyết, Vũ Bằng chỉ là một nhà văn dưới mức bình thường, trung bình kém.
TIỂU THUYẾT TÂM TÌNH TIẾN BỘ
1. NGUYỄN XUÂN HUY
Sinh ngày 15-7-1915 ở Nam Định. Viết cho các báo Đông Tây, Phụ Nữ Thời đàm, Nhật tân, Tân thiếu niên, Hà Nội Báo v.v… Là nhà văn của tuổi trẻ, chuyên viết chuyện lớp người mười bảy, mười tám, chớm vào hội thanh xuân yêu đương. Tác phẩm: Nắng đào 1939, Duyên Bích Câu 1940, Thềm nhà cũ 1941, Người tráng sĩ áo lam 1949, Nghệ thuật làm việc (dịch), Ông Già trong động Kỳ Lân 1941, Truyện Thiếu Sinh 1941, Viết và Sống (khảo luận văn chương 1941, Rosa Luxembourg (dịch) 1945, Người đàn bà chống lại thế giới (dịch) 1946… Sau tiền chiến, một vài cuốn tái bản lại như Nắng đào, Viết và Sống, Duyên Bích Câu…
Nguyễn Xuân Huy là nhà văn tuổi trẻ, thanh niên thiếu nữ thường được dùng làm nhân vật chính trong hầu hết truyện của ông. Ngưỡng cửa nhà trường dùng làm bối cảnh, phía sau là mối tình lãng mạn trong trắng, ngây thơ (Nắng đào). Hình tượng sống nhân vật trong truyện Nguyễn Xuân Huy có vốn sống, văn linh động, chau chuốt, nhẹ nhàng, tình tiết mơ mộng nên thơ (Duyên Bích Câu), Truyện mượn cốt truyện cổ viết lại theo sự dàn xếp của tác giả. Nguyễn Xuân Huy là nhà văn thành công vào bậc nhất ở tiền chiến với truyện dã sử Duyên Bích Câu. Chúng tôi chưa thấy ai có thể có giọng văn mơ màng, đôi khi ẩn hiện, lịch lãm hơn văn chương Duyên Bích Câu. Nội dung không cần bàn đến, đó là một truyện hay lấy từ đề tài cổ văn.
Về thơ, lối diễn tả bóng bẩy hờn mát, giẫn dỗi rất đáng yêu trong bài Giận nhau, in trong truyện Nắng đào. Thơ, văn Nguyễn Xuân Huy làm cho người đọc sống lại với mối tình rất nên thơ thuở mới vào đời khiến nhớ đến loại truyện của Tourguenieff như Mối tình đầu. Tất nhiên khía cạnh sống Nguyễn Xuân Huy không sâu rộng bằng nhà văn cổ điển Nga. Đọc văn ông, cảm giác thật khoan khoái, thở phào, nằm trên giường nhìn ra ánh nắng non trưa, nghe tiếng gà sao xác, giàn hoa bên cạnh lung lay theo gió, có mái đầu xanh ẩn đâu đó hiện tâm tình. Ông là nhà văn nổi tiếng đã đạt được lối văn tươi mát trẻ trung hồn nhiên.
Trích từ:
GIẬN NHAU
Hôm nọ em biết học
Khiến cho anh bất bình
Khẽ đánh em cái thước
Vào bàn tay xinh xinh
Anh nhiếc em “biếng lười”
"Rắn mặt" cùng "khó dạy"
Rồi lệ em chan hòa
Rồi lòng anh tê tái…
Giận anh em ủ rũ
Từ hôm đó mà đi!
Anh hỏi em không đáp
Anh cười, em ngoảnh đi
Chơi “Đi trốn đi tìm”
Em không chơi với nữa
Khăn đào em đang thêu
Cho anh, em bỏ dở
Hôm nay em đã cười
Nũng nịu đến “xin lỗi”
Được để anh làm cao
“Sao em không giận mãi”
(Trích Hương xuân)
NGUYỄN XUÂN HUY
2. NGUYỄN VỸ (1912-1971)
Sinh năm 1912 ở Quảng Ngãi. Là thi sĩ tác giả vần thơ Bạch Nga hai chữ và có in thơ bằng tiếng Pháp. Tác phẩm tiểu thuyết của ông: Đứa con hoang (1938), Người yêu của Hoàng Thượng (1938), Thi Sĩ Kỳ Phong (dưới biệt hiệu Lệ Chi, Chiếc bóng (1944)vv... Sau tiền chiến in Chiếc áo cưới mầu hồng, Hoang vu (thơ), Tuấn Chàng Trai Đất Việt (nhiều tập) vv...
Thơ của ông tầm thường, lối thơ đề xướng sớm rơi vào quên lãng. Truyện của ông đồng chất văn chương Vũ Bằng, gây cấn, éo le; đôi khi lại ưa diễn tả cụp lạc như kỳ tình trinh thám (Thi sĩ Kỳ Phong); đôi khi pha chất anh hùng rơm của Lê văn Trương. Sự nghiệp của ông chỉ được câu thơ, trong bài Thơ gửi cho Trương Tửu khiến cho người đời còn nhắc đến tên ông “nhà văn Việt Nam khổ như chó”(49) . Nói theo lối phê bình Hoài Thanh, thì Nguyễn Vỹ là “người có chí cao mà tài mọn”. Sự nghiệp của ông chỉ một giá trị nhỏ, căn cứ qua lối thơ hai chữ Sương rơi… Nếu Diệu Anh là người bình thơ cho Nguyễn Xuân Sanh, thì Trương Tửu cũng vậy; với Nguyễn Vỹ, một lối gà nhà bình luận). Sau tiền chiến, ông chủ trương báo hàng ngày Dân Ta và tập san văn chương tạp lục Phổ Thông. Ông chết trong một tai nạn xe hơi trên đường Sài Gòn Mỹ Tho năm 1971.
3. NGUYỄN KHẮC MẪN (19??- 19??)
Là nhà văn đứng trước ngưỡng cửa tiền chiến 1944 -45, như Nam Cao, Trần Đăng, Nguyễn Dân Giám; nổi tiếng muộn màng khởi điểm cách mạng bùng nổ, thời đoạn tranh tối tranh sáng. Khoảng thời gian ấy, người ta quên lãng bài thơ hay của Nguyễn Dân Giám, ý thơ dệt bằng máu xương, tình yêu, hoặc mẫu chuyện tình tương tự. Trong số người không may ấy, còn có Trần Cư, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao…(50)
Nguyễn Khắc Mẫn là nhà giáo dùng tài nguyên rung cảm đời sống gõ đầu trẻ, viết văn. Nhân vật chính truyện của ông đều là cậu giáo mới ra đời, hoặc dậy học ở thôn trang hay tỉnh lỵ, yêu đương, mơ mộng như Lòng cha (NXB Người Bốn Phương), Nỗi lòng (NXB Người Bốn Phương). Ông viết phóng sự như Đồng tiền hai mặt (hai tập, phóng sự hồi ký), Mẹ tôi ( Đại Học Thư Xã xuất bản). Kin Lảu(51) , truyện bối cảnh đường rừng nói về thú uống rượu cần với thiếu nữ Thái (NXB Đời Mới 1944).
Nhân vật chủ động là cậu giáo trong tiểu thuyết như đã phân tích, mang nhiều hình tượng đời sống gõ đầu trẻ. Nói khác đi, nếu chúng ta đã khảo sát tác phong, lề lối sống của cậu giáo, bó buộc phải đọc văn ông; vì nếp sống điển hình phản ánh rất sát thực trạng xã hội thời đó. Văn phóng sự tiểu thuyết trong Đồng tiền hai mặt không xuất sắc lắm.
Ông là nhà văn tâm tình tiến bộ, văn truyền cảm, lãng mạn khổ đau. Nhân vật, bối cảnh có hình tượng sống, đem kinh nghiệm cuộc đời bản thân vào văn chương. Có thể coi Nguyễn Khắc Mẫn là nhà văn nổi tiếng muộn màng của giai đoạn giao chế độ, trước giờ khởi điểm cách mệnh.
4. ĐỖ THÚC VỊNH (1920- )
Sinh năm 1920 ở Hà Đông. Tác phẩm đầu tay Bóng tre xanh, giải thưởng văn chương Alexandre de Rhodes. Sau tiền chiến tái bản lại ( Nguyễn Đỗ, Sài Gòn 1956), Lê Kim Hà Ích (truyện dịch, Người Việt Tự Do xuất bản 1956), và mấy cuốn sách luận đề giáo khoa như Hồ Xuân Hương…(NXB Bốn Phương, 1955).
Trong Bóng tre xanh, tác giả đả kích bọn quan lại, phong kiến, nêu thực trạng dã man tục tảo hôn thôn quê Bắc Việt. Cuốn tiểu thuyết mang nhiều vết tích đời sống nông thôn ở tiền chiến.
Tuy không có chiều sâu điển hình cho trào lưu văn hiến, nhưng ở một khía cạnh nào đó (tục lệ tảo hôn, phong kiến áp bức), Đỗ Thúc Vịnh là nhà văn tương đối tương đối giá trị trung bình.
5. CẨM KHÊ (19?? -19??)
Tác giả tiểu thuyết Chân trời mới (Tân Dân,1941). Tả lại một mối tình nhà nho trải qua nhiều ngang trái, chế độ giao thời giữa đạo lý Đông Phương và sự xâm nhập Tây Phương. Nội dung bình cũ rượu cũ, diễn đạt được tâm tư người của thiên đường đã mất (paradis perdu). Là nhà hoài vọng quá vãng, tuy không điển hình như Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Chu Thiên... song là một nhà văn giá trị trung bình.
6. MỘNG SƠN (1916 -1992)
Tên thật Vũ Thị Mai Hương. Vào làng báo từ 1933, viết cho Việt Nữ, Đàn Bà v.v… Vợ nhà văn biên khảo Nguyễn Uyển Diễm cùng chủ trương NXB Vỡ Đất ở Hà Nội từ 1950. Nữ văn sĩ tác giả: Văn học triết luận, (nhận định phê bình văn học, Đại Học Thư Xã 1944). Tương đối sách này giá trị, sau tiền chiến, cho xuất bản tiểu thuyết Vượt Cạn (Thế giới, 1953) gồm toàn truyện nói về tâm trạng sản phụ. Cuộc đời nghèo khổ sản phụ bị quên lãng, hậu cảnh cho con vì nghèo nàn, tình tiết cảm động, thương tâm, rút ra một thực trạng sống ở hậu chiến. Tập bút ký có giá trị trên hai phương diện: nội dung xúc tích và văn thể có kỹ thuật của tiểu thuyết gia. Sau Thụy An Hoàng Dân về văn; bà là nhà văn nữ giới có giá trị.
7. THANH CHÂU (1912- )
Tên thật Ngô Hoan. Sinh năm 1912 ở Thanh Hóa. Học qua Trường tiểu học Thanh Hóa, Trung Học Vinh, sau ra Hà Nội học Tú tài. Bỏ dở Tú tài Pháp rồi viết truyện ngắn cho Tiểu Thuyết Thứ Bảy, từ 1933, viết cho Phổ Thông bán nguyệt san vv... Giai đoạn kháng chiến, Thanh Châu từng là chủ tịch một xã thuộc tỉnh Thanh Hóa, cán bộ chính trị quân đội (VNDCCH). Sau 1954 công tác tại báo Văn Nghệ (Hà Nội)
Các truyện ngắn: Trong bóng tối (1934), Người thầy thuốc (1938), Tiểu thuyết: Sám Hối Nửa Đêm (1940), Bóng Người ngày xưa (1941), Cùng một ánh trăng (1942), cuốn tiểu thuyết dài đặc sắc của ông, trong vai họa sĩ Phan và một nhân vật nữ, người đàn bà xấu trở thành vợ tốt, đề tài khác lạ, cách diễn đạt hình tượng mới, văn phong một nhà văn có tài. Truyện ngắn Hai sắc hoa Ti gôn (1937) nói về nhân vật Lê, họa sư Lê Chất, người lấy máu vẽ các cô gái đẹp, đề tài tranh cãi với những bài thơ T.T. KH sau này.(52)
TIỂU THUYẾT TỰ SỰ:
THIẾT CAN – NGUYỄN VĂN XUÂN (54) (19??- 19??)
Tên thật Nguyễn Văn Xuân, viết truyện tự sự, nhưng không phải là tự luận (tự sự có luận đề). Giọng văn trong Dã Tràng thật cảm động, tác phẩm xuất bản: Dã tràng (1939), Cát bụi (1940), Trinh nữ (1941). Ba tác phẩm trên, duy có Dã tràng đặc sắc, tiêu biểu cho văn nghiệp. Cái tôi Nguyễn Đức Quỳnh còn ẩn thể, cái tôi Nguyên Hồng dám dùng ngôi thứ nhất, và cái tôi Thiết Can tự sự ẩn thể qua nhân vật mang tên Đông, trái với Xuân. Ngay trong trang đầu, Thiết Can tự trạng:
“… Tôi có một người cô. Cô tôi đã chết rồi. Tôi chỉ biết thương người sau khi đã chết. Hỡi ơi! Nhớ đến cô, đứa cháu bất hiếu có công viết thiên lịch sử này, lịch sử một đời khổ hạnh của cô, lịch sử hết thảy những bậc “gái già” đáng kính và đáng thương…”. Charles Dickens với David Copperfield, tự truyện này khiến ông nổi tiếng là văn hào Anh. Nhờ đọc cuốn này mà Maxime Gorki viết Thời Thơ Ấu của tôi, và Thời thơ ấu của tôi sau Club des livres ở Pháp tái bản nhan đề mới là Kiếm sống. Những thiên tự sự (pages autobiographiques) rất cảm động của Panaðt Istrati như Mes départs, Le pécheur d'éponge (Những bước đầu của tôi–Người câu bọt bèo) làm cho bao tâm hồn rung động. Ở nước ta có vài nhà văn viết tự sự; chưa đạt được kỹ thuật tương tự, nhưng đã có một đời với chất liệu rất sâu. Thường thường truyện tự sự do chính khách, văn sĩ nổi danh mới có can đảm tự trạng. Chúng ta đã say sưa với thiên hồi ký Ma vie (Đời tôi) của Léon Trotsky (3 tập, Rieder xuất bản), bây giờ chúng ta thử nhìn vào tự truyện ở Việt Nam xem sao? Đã phân tích về Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyên Hồng, bây giờ đến Nguyễn Văn Xuân.
Alfred de Musset nói: "Muốn viết tự sự, điều kiện đầu tiên là phải có cuộc sống thực (Confession d'un enfant du siècle, Lời thú tội của đứa con thế kỷ). Musset diễn tả hình tượng sống chân thành nhất, bao gồm cả phần sung sướng như đau khổ, mà đau khổ nhiều mới hay viết tự truyện. Cũng không nên quên phần xấu xa bỉ ổi (theo luân lý thời đó quan niệm) thì mới nói đến tự sự giá trị hay không? Cái tôi Nguyễn Đức Quỳnh hay cái tôi J.J. Rousseau còn ẩn thể, lược bỏ sự thực, chưa thể lấy đó căn cứ tiểu sử ngoài cuộc đời. Cái tôi Saint Thomas thần thánh hóa; cái tôi Ernest Renan nghệ thuật hóa cái dở; cái tôi Nguyên Hồng thành khẩn lại chưa có sự đãi lọc cao. Cuối cùng cái tôi Thiết Can, tương đối làm cho người đọc nhìn được nỗi thương tâm nội ẩn vô cùng sâu xa. Nhân vật chính Dã Tràng là Đông. Đông, nhân vật ngoài đời lêu lổng, chơi bời, từ tính lười biếng, ăn bám gia đình như ký sinh trùng không hề dấu diếm. Bà Ký, người đàn bà buôn bán đảm đang, gánh vác công việc gia đình, quên cả tuổi xuân, quên thời vàng son nhất, tình duyên, và cho đến lúc chết đi; không một người đàn ông nào qua dời tiễn chân tới mộ. Bà Lợi Ký biết lo cho các cháu, cả đến người thân thuộc khác hoàn toàn là ký sinh trùng: hút sách, nghiện ngập, phóng đãng.
Văn của Thiết Can cảm động, hấp dẫn, nội dung xúc tích, thương tâm. Nhưng ở Thiết Can không có bối cảnh xã hội rộng lớn để cho người đọc còn có mức biết mà so sánh như uyên nguyên sự phóng đãng của Đông. Kể ra là điều đáng tiếc cho thiên tự sự. Muốn đạt được giá trị tất không thể quên lãng điều này. Bi kịch Thiết Can còn đôi chút nên thơ, theo Vũ Ngọc Phan thì tương tự vẻ nên thơ của Willon, khi chàng thi sĩ này thảo mấy vần thơ về người xử giáo – lại tưởng tượng rằng mình cũng sắp bị treo cổ cho quạ rỉa phân thây.
Đọc văn Thiết Can, nhất là: "Dã Tràng, để hiểu một dòng đời của một gia đình sa sút và mẫu người như bà Ký có trong xã hội Việt Nam ở tiền chiến, một người đàn bà hoàn toàn hy sinh, có lòng tốt cao độ...”(Vũ Ngọc Phan)
TIỂU THUYẾT DÃ SỬ:
1. NGUYỄN TRIỆU LUẬT (19??-19??)
Nhà văn dùng sử liệu để viết truyện dã sử, không thể bỏ qua Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc, Lan Khai,... Đó là nhà văn có lối viết truyện đặc sắc, hấp dẫn thể loại này. Thể văn này dùng dĩ vãng nói lên thực tại, hoặc giáo huấn, hoặc chống lại trật tự xã hội đương thời. Một Bồ Tùng Linh với Liêu Trai chí dị, cùng ý nghĩa. Nước ta vào khoảng năm 1930 cho đến 1945, bao điều đáng nói, cảnh khổ một dân tộc bị thống trị cuối thế kỷ trước đến bây giờ ở độ bùng sôi. Bao nhiêu đề tài có thể khai thác, mà không dễ gì người ta có thể công khai phỉ báng; nên mượn xưa nói nay, mượn thế dương đông kích tây, đó là viết truyện dã sử vậy. Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc, Lan Khai... đều bị chết cách thảm thương, hoặc bị phe cộng sản đệ tam thủ tiêu, hoặc do tình địch ám hại; nhưng hoàn toàn vì lý do chính trị. Tác phẩm của ông như Hòm đựng người, Rắn báo oán (1941), Bà Chúa Chè (1938), Loạn kiêu binh (1939), Ngược đường Trường thi (1939), Chúa Trịnh Khải (1940), v.v…
Kỹ thuật viết, tôi nói đến bố cục và xây dựng truyện thì vững; nhưng văn thể luộm thuộm không chú trọng về sử dụng văn thể. Trong ba nhà văn dã sử này, chỉ Lan Khai giá trị ở phần văn chương thôi. Trong Bà Chúa Chè, không thấy ông tưởng tượng thêm một hình ảnh nào khác với giòng lịch sử; chép đúng đà tiến hóa, có cái khác thêm một vài tiểu tiết. Trong Bà Chúa Chè cho trích những câu thơ Pháp, lại chua thêm tiếng Pháp giảng giải, chỉ là trò khoe chữ; khiến người đọc có cảm tưởng ông không phải là nhà tiểu thuyết Việt Nam viết truyện dã sử Việt Nam. Truyện lấy cơ sở ở giai đoạn lịch sử chuyển biến, không hoàn toàn vô căn cứ như truyện dã sử Phan Trần Chúc. Cái hay Nguyễn Triệu Luật, đã dùng tài liệu lịch sử Hoàng Lê Nhất Thống Chí làm nền tảng xây dựng truyện dã sử hay và xác đáng. (Ngô Tất Tố dịch).
Nguyễn Triệu Luật, nhà văn dã sử tài năng. Với nội dung truyện thì bố cục chặt chẽ, còn văn thể ít giá trị văn chương.
2. PHAN TRẦN CHÚC (1905 – 1945)
Phan Trần Chúc viết tiểu thuyết dã sử, tác phẩm đã xuất bản: Lê Hoan, 1939, Sau Lũy Trường dục, 1942, Hồi chuông Thiên Mụ, Thẩm Hoàng Cung (NXB Tân Dân) và những cuốn biên khảo: Vua Hàm Nghi (1935), Vua Quang Trung (1940), Triều Tây Sơn (1942), Văn chương Quốc Âm về Thế kỷ 19, (1944)vv...Năm 1945, nhà xuất bản Chính Ký ở Hà Nội tái bản tác phẩm của ông như Hồi chuông Thiên Mụ, Vua Lê Chiêu Thống (di cảo in lần thứ nhất), Vua Quang Trung, Vua Hàm Nghi (Hà Nội tái bản 1952-53) v.v…
Về tiểu thuyết cuốn Sau Lũy Trường Dực bố cục vững vàng, giải quyết lối thoát nhân vật hay viết hấp dẫn, đặc sắc. Tới Hồi chuông Thiên Mụ cũng là truyện truyền cảm, hấp dẫn; nhưng văn thể hơi rườm rà, lôi thôi, viết như truyện Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách (văn thể). Nói thế, không có nghĩa hoàn toàn chê bai, đả kích các nhà văn có công đầu với văn chương Việt Nam.
Truyện của ông đề cao nghĩa dũng, tình yêu chân thật, đả phá tác phong hủ bại thư lại phong kiến. Nhưng ông không là nhà văn thúc đẩy cách mạng với giọng văn căm hờn, vì bất công vua chúa với nghĩa dũng nhân vật chống lại nhau; kết cục bao giờ cũng thỏa hiệp. Có thể là vua trọng dụng nghĩa sĩ đó, vì hiểu nhầm; hoặc có một trung gian sẽ điều đình cho nghĩa sĩ trở lại hợp tác. Điều ấy, minh chứng trong hầu hết các tiểu thuyết của ông, như Hồi chuông Thiên Mụ chẳng hạn. Nên khép ông vào nhà văn cải cách hơn là thúc đẩy cách mạng gián tiếp.
Về biên khảo, tuy nghiên cứu công phu, song chưa có thái độ lập luận, mà thường ra nhà văn biên khảo dựa vào căn bản nào đó để nhận định vấn đề. Sử liệu cần phải giải thích, điều ấy đòi hỏi lập trường người viết. Nói thế muốn đến hai cuốn Vua Hàm Nghi, Lê Chiêu Thống, Vua Quang Trung. Nhưng cũng nhờ tài liệu đó, yêu thêm nhân vật anh hùng một cách rất tiểu thuyết, còn tài liệu không giá trị bằng cuốn Vua Quang Trung Hoa Bằng (Hoàng Thúc Trâm) hay cuốn Lý Thường Kiệt Hoàng Xuân Hãn. Đôi khi Phan Trần Chúc lại tiểu thuyết hóa biên khảo, điều này không hợp với tài liệu lịch sử (fait historique).
Nhận định sự nghiệp văn chương Phan Trần Chúc, Vũ Ngọc Phan đưa ra ý kiến sau đây:
“… Trong các sách của Phan Trần Chúc chỉ được ở cái đặc sắc là lối nghị luận. Lối nghị luận của ông bao giờ cũng sáng sủa. Nếu muốn tìm giá trị họa chăng đó là những giá trị của ông.
“Còn những tài liệu ông dùng, phần nhiều không được chắc chắn, nên ông không thể tránh được những điều không có trong một cuốn sử. Chắc chắn người ta còn nhớ cái lối văn của Phan Trần Chúc khi ông còn viết Ngọ Báo, Việt Báo rồi Tân Việt Nam. Lối văn ấy là một lối văn cộc lốc tương tự lối văn Hoàng Tích Chu ở báo Đông Tây hồi xưa. Một lối văn mạnh và cứng, nhưng không bao giờ tránh được những cái ngây ngô gần như dịch không thoát một câu tiếng Pháp. Chính lối văn ấy, Phan Trần Chúc đã không bỏ được, trong khi viết những trang lịch sử ký sự, làm cho người đọc phải lấy làm lạ rằng ở miệng cổ nhân sao lắm khi lại thấy những lời quá mới, quá ngây ngô đến thế…”
TRÚC KHÊ (19?? – 19??)
Tên thật Ngô Văn Triện. Tác phẩm đã xuất bản: Cao Bá Quát (1940), Nguyễn Trãi (1941)vv… Là nhà nho có học, căn bản, viết văn không sáng sủa, cách viết biên khảo thiếu mạch lạc, lập luận không rành mạch. Ông dịch Truyền kỳ mạn lục và còn là tác giả Phạm Đình Trọng, Trần Thủ Độ, Tang thương ngẫu lục.v.v...
Ông chuyên khảo về cuộc đời, tư tưởng danh nhân Việt Nam, và là nhà biên khảo ở mức giá trị trung bình.
3. LAN KHAI (1906 – 1945)
Tiểu sử:
Không gì hơn, tìm hiểu tiểu sử Lan Khai, bằng cách đọc lại một đoạn văn truy niệm của nhà văn Ngọc Giao viết trong đặc san Hương Cúc Mới (55) . Đó là bài Gác lạnh khêu đèn nhớ cố nhân. Đọc bài ấy, chúng ta thêm tài liệu về cuộc đời hai nhà văn nổi tiếng trong văn đàn Việt Nam: Lan Khai và Vũ Trọng Phụng. Từ cái chết bi thảm phe cầm quyền khi ấy hạ sát người quốc gia lập trường khác họ, triệt tiêu nhà văn nổi tiếng Khái Hưng chẳng hạn. Một Thạch Lam với đời sống thường hàng ngày, tâm tư sâu kín, với văn chương, nếu không có bạn thân như Thế Lữ, chúng ta khó nhận định được hành động, thái độ nhà văn buổi sinh thời. Hiểu vậy, dễ nhận giá trị bài của Ngọc Giao viết về Lan Khai:
“…Lan Khai chết vào giữa mùa thu tại Tuyên Quang, một ngày loạn rừng. Học trò của anh đã trả công ơn giáo hóa của thầy bằng cách bỏ sư phụ vào rỏ lợn, phó cho sông Lô Giang vùi cuốn. Thật là bi thảm. Nhưng dù sao tôi vẫn không nỡ tin con người tài hoa thế lại chết thảm thương như vậy. Đã nhiều lần, những ngày lưu lạc miền Việt Bắc, tôi thường hỏi về tin anh mỗi khi gặp các bạn văn công tác ghé qua quán nước của tôi đựng ở sườn đồi. Những tin thâu lượm về cái chết của Lan Khai đều không rõ rệt, kể rằng hồi ấy anh bị bắt vì đã từ Tuyên xuôi Hà Nôi, đệ lên chính phủ Trần Trọng Kim một chương trình quân sự rồi lại hội kiến với ông Phan Kế Toại… kể rằng người Nhật hồi đó quý trọng Lan Khai ở vùng Tuyên Quang nên người ta (C.S.) lập hồ sơ khai tử anh hồi ấy. Quân Nhật lui nhanh quá, không kịp đưa liên lạc cho anh nên tác giả Ai lên phố Cát, đã đành bó tay chịu trói trong một cuộc loạn rừng mà hổ báo, trốn loạn như nhau cả. Các bạn văn đều hoài nghi về trường hợp hành hình tiểu thuyết gia lâm tuyền và lịch sử Lan Khai. Nhưng sau cùng tôi đã có dịp gặp người đàn bà tang chế qua đường một buổi chiều tắt nắng lưng đồi hoang quán gió. Người quả phụ đã khóc kể lể cái chết thê thảm của chồng: “quả thực xác anh đã gửi vào mồ sông Lô đỏ sóng, ngày từ ngày binh đao chưa khởi sự bốn phương trời (…)” Tôi không thể quên Lan Khai là một nhà văn nhiều tình cảm lại đa sầu. Ngồi với tôi ở tòa lầu báo quán Hàng Bông của ông Vũ Đình Long, anh thường bỏ bút đứng lên ra tựa vầng trán nóng vì suy tưởng vào hàng song sắt lạnh mà khi nghe thấy tiếng kèn đám ma dưới đường. Anh thờ thẫn nghe tiếng khóc dưới những làn mũ áo, tiếng kèn như bi ai trước những đầu người phủ khăn đen.
Con một vị túc nho có dự vào Đông Kinh Nghĩa Thục, Lan khai là đệ tử cửa Khổng sân Trình. Anh có giọng đọc thơ như một khóa sinh thời mực tàu giấy bản. Nếu bảo rằng Hồ Xuân Hương có tử vi trong Thiên hình, Thiên diện độc dục, thì trong cung mệnh của Lan Khai phải có đào Hồng sương. Khúc đó là những dâm tính đứng cạnh văn tính làm cho các tài tử văn nhân kim cổ thành bất tử. Lan Khai không cần nhớ tuổi mình, anh thèm được trẻ, được yêu, được sống. Anh khát tình như hoa nhài chờ sương gió nở. Anh thèm sống nghĩa là thèm viết, và luôn luôn anh gõ vào chai rượu hát đùa với văn hữu quanh đèn: “Phải có danh gì với núi sông...” Lan Khai sinh năm 1906 và mất năm 1945. Chết bất đắc kỳ tử).
2. Tác phẩm và khuynh hướng. – Lan Khai viết chuyện đường rừng, biên khảo, dã sử. Tác phẩm đã xuất bản: Ai lên phố Cát, Chiếc ngai vàng, Cái hột mận, Gái thời loạn, Người hai bóng, Trang, Tiếng gọi của rừng thẳm, Bóng cờ trong sương mù, Hồng Thầu, Cưỡi đầu voi dữ, Tiếng khóc trong sương, Cánh buồm thoát tục, Đỉnh Non Thần, Cô Dung, Lầm Than (phỏng theo La Mère (Người Mẹ) của Gorki; không đề xuất). Bức thư người không quen (dịch), Ai tình và sự nghiệp, Mực mài nước mắt, Tình người muôn dặm, Truyện đường rừng, Suối Đàn, Rỡn sóng, Bạch Đằng, Tôi nhân hay nạn nhân, Tội và thương, Nàng, Lê Văn Trương (phê bình), Vũ Trọng Phụng (phê bình) Treo bức chiến bào, Cơn ác mộng v.v... Tác phẩm cuối cùng là Mực mài nước mắt (Đời Mới, xuất ban 1944) nói về bi thiết của đời làm văn.
Qua danh mục ông sáng tác nhiều, sung sức, tiểu thuyết dã sử và biên khảo. Về phê bình, ông chưa tạo được một địa vị phê bình; vì quan niệm phê bình vị tình anh em còn nể nang, chưa lý luận, phân giải đanh thép, thích đâu khen đó thiếu phần nhận định khoa học. Nghĩa là cái tôi phiến diện trong chủ quan thô thiển thiên lệch khi phê phán văn chương.
Tiểu thuyết dã sử Ai lên Phố Cát, cuốn truyện giá trị nhất của Lan Khai trong loại dã sử tiểu thuyết.
Truyện đường rừng, Lan Khai có chỗ đứng đặc biệt trong văn đàn, ông viết loại này thật đặc sắc. Những quyển ấy là Tiếng gọi của rừng thẳm, Suối đàn. Ông cho người đọc hiểu thêm đời sống người Việt miền núi, qua hình tượng, cảm xúc vui buồn, phong tục tập quán đặc biệt. Tử cử chỉ, thái độ, y phục; Lan Khai biểu hiện qua lời văn sâu sắc, quan sát tận tường, văn thể thoát và tả xen tình ái rất nên thơ. Tâm lý người Việt miền núi, ông không bỏ sót tục lệ của họ, hoặc lứa thanh xuân yêu nhau hình tượng riêng biệt. Nghệ thuật diễn đạt tâm lý nhân vật truyện, ông không cho người đọc truyện thấy tưởng tượng hão huyền, bia đặt. Lan Khai dẫn người đọc du lịch trong xứ sở đèo heo hút gió, qua bản đàn mơ mộng, điệu nhạc mê ly. Lan Khai còn viết chuyện xã hội, cảnh lầm than, nói về cảnh khổ dân Việt qua Lầm than. Ông mượn cả giọng và nội dung tương tự, nhân vật trong Người Mẹ của Maxime Gorki. Có điều nghi vấn, giữa hoàn cảnh bị thống trị, tại sao Pháp lại để cho cuốn sách lột trần cảnh sống cơ cực lớp người bị thống trị, phản ánh trong cuốn truyện in được? Nguyên tác là của nhà văn xã hội Maxime Gorki.
Lan Khai còn viết những bi thiết cuộc đời đau thương nhà văn, nói chung trong Mực mài nước mắt. Phải chăng cảnh khổ nào đi đến cao độ, sẽ toát ra văn chương bằng nhiều lối, can đảm phủ nhận luân lý xã hội để viết tự truyện, hoặc ẩn thể. Mực mài nước mắt giá trị về nội dung, cả đến văn chương cũng lưu loát. Có dịp bàn về Lan Khai trong một cuốn sách khác, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này chi tiết hơn.
Lan Khai viết truyện phong tục miền quê, thợ thuyền trong truyện vừa không dài lắm Cô Dung. Ông viết với giọng văn dài giòng, đôi khi tác giả lại nhẩy vào giải thích.
Tóm lại Lan Khai mượn cốt truyện, giọng, hơi Maxime Gorki; nhưng Lầm than là cuốn truyện phỏng dịch nhiều công sáng tạo của Lan Khai.
Truyện dã sử, ông đã rất xuất sắc trong Ai lên Phố Cát. Về truyện đường rừng Tiếng gọi trong rừng thẳm và Suối Đàn. Vũ Ngọc Phan nhận định về giá trị văn chương và nội dung của Lan Khai: “Nét bút của Lan Khai phần nhiều đơn giản. Vẽ cảnh đường rừng, tả những tính tình chất phác thực của cô gái Mán, những trận gió rung cây, những rừng vàng, cỏ tía nét bút của ông rất thích hợp”. Nhưng truyện của Lan Khai, như loại đường rừng, xã hội như chúng ta vừa bàn ở trên còn lưu lại và làm tăng trưởng danh tiếng nhà văn Lan Khai mãi mãi. Chúng ta có thể nói rằng Lan Khai khai thác truyện đường rừng trước tiên và nổi nhất trong số đó có cả Thế Lữ, tác giả Vàng và Máu. Ta hãy tưởng tượng từ cảnh ngây thơ, chất phác cô gái mạn ngược, Lan Khai tả cho chúng ta nghe, đẩy tham dự cùng sống trong cảnh núi rừng, thâm sơn cao cả, huyền bí, mơ mộng thật hấp dẫn và huyền diệu! Ông biết tận dụng bối cảnh núi rừng, khai thác, vận dụng mọi khả năng biểu hiện tâm tư thầm kín người sơn cước sống ở Lạng Sơn. Ngoài ra góp vào bình diện văn nghệ chúng ta khung cảnh mới lại, một nét nhìn mới về mạn núi non heo hút; sự kiện mở đầu cho một giai đoạn truyện đường rừng. Một Lan Khai dã sử, truyện đường rừng; một Vũ Trọng Phụng với Giông tố, Số Đỏ lên án một xã hội nô lệ, một Đôi bạn của Nhất Linh hun đúc cách mệnh; thì Lan Khai phơi bầy ẩn ức xã hội, sinh hoạt dân nghèo trong Lầm than với giọng văn căm hờn thúc đẩy gián tiếp cách mạng.
KẾT LUẬN VỀ CÁC NHÀ VĂN ĐỘC LẬP ĐIỂN HÌNH.
Chúng tôi trình bày với bạn đọc về nhà văn đọc lập viết sơ lược qua phóng sự tiểu thuyết, tâm tình tiến bộ, dã sử, tự sự vv... Lối văn bay bướm hội thanh xuân mới bước vào ngưỡng cửa đời, chúng ta kể đến Nguyễn Xuân Huy, lối văn khai thác một khía cạnh sống cậu giáo tỉnh ly trong văn Nguyễn Khắc Mẫn, cùng thời còn có thêm Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Dân Giám, Nam Cao... Đồng thới với Nguyễn Khắc Mẫn, đó là những nhà văn nổi tiếng muộn màng. Rồi từ thành thị về phong tục nông thôn, Đỗ Thúc Vịnh qua Bóng tre xanh; chúng ta còn được sinh hoạt nông thôn sau năm 1940. Từ đó, bắt qua ngành tự truyện, Thiết Can với Dã tràng, kể lại sự hối hận đứa cháu bạc bẽo, phóng túng bạc đãi đối với người cô ruột. Và dã sử, truyện đường rừng, Lan Khai đã cho chúng ta một âm hưởng không khí huyền bí đầy thơ mộng trong Ai lên Phố Cát, Suối Đàn, Tiếng gọi trong rừng thẳm.
Phần thứ sáu, chúng tôi dành nhà biên khảo, phê bình. Sẽ tìm hiểu nhà văn phê bình như Hoài Thanh, Thiếu Sơn, Trương Chính; hoặc các nhà văn học khác như: Nguyễn Đăng Thục, Kiều Thanh Quế, Doãn Kế Thiện, Nhượng Tống, Phan Văn Hùm, Hoàng Xuân Hãn và Lê Thanh vv...
Phần thứ bẩy sẽ phân tích chi tiết nhà văn điển hình cho mỗi khuynh hướng. Vũ Trọng Phụng, ngôi sao sáng trong các tinh tú hội tụ xung quanh: Trọng Lang, Tam Lang, Vũ Bằng. Một Thụy-An-Hoàng-Dân, Ngọc Giao điển hình nhà văn tâm tình tiến bộ. Đến Ngô Tất Tố với lối văn phóng sự hoài cảm dĩ vãng bao trùm Trúc Khê, Chu Thiên; sau cùng Nguyễn Công Hoan đại diện lối văn phân tích tình yêu giai cấp, tả chân phong kiến. Cuối cùng Tô Hoài đại diện một chiếu ngồi không ai thay thế: truyện thôn quê có một khía nhìn đặc biệt: loài vật được nhân cách hóa, Từ chú Vện, chú bồ câu, chú mèo...sống chung quanh ta.
KHÁI QUÁT VỀ CÁC NHÀ VĂN BIÊN KHẢO, PHÊ BÌNH.
Sau Phạm Quỳnh, nhà phê bình đầu tiên trong nền văn học Việt Nam ở giai đoạn nền móng đến năm 1930 là Thiếu Sơn. Ông cho xuất bản cuốn Phê bình và Cảo luận; và cách đó chín năm sau, một nhà phê bình nữa, ông Trương Chính với cuốn Dưới mắt tôi. Hai năm sau lại Hoài Thanh xuất đầu lộ diện bằng tác phẩm phê bình giới thiệu trích dẫn thơ Thi nhân Việt Nam 1931- 1942. Sau hết là Vũ Ngọc Phan ra đời với bộ sách phê bình lớn Nhà văn Hiện đại (5 tập, Vĩnh Thịnh Hà Nội tái bản) phê bình tổng hợp văn thơ hiện đại. Mặt khác, Trương Tửu, Lan Khai viết về đời văn nghiệp mỗi nhà văn riêng rẽ.
Phê bình, đòi hỏi sức học vững vàng, lập trường rõ rệt, kinh nghiệm nhận định, hơn nữa còn phải có óc sáng tạo. Nhận thấy đó là những yếu tố căn bản nhà phê bình, Vũ Ngọc Phan vẫn là nhà phê bình văn học đáng được lưu ý hơn cả. Lối phê bình tuy tỷ mỷ, so sánh kỹ lưỡng, biết chế biến sự hiểu biết vào phê phán. Tuy nhiên có hai điều còn mắc phải; theo thiển ý chưa thể tránh ít nhiều thiên tình cảm (phê bình Tư Lực văn đoàn hoặc Tô Hoài còn vị nể). Ngành phê bình thúc đẩy văn nghệ diễn tả tốt, nếu phê bình đứng đắn, thì người được phê bình phải coi như một vinh dự. Còn sự im lặng có mưu mô, đó là cảnh tượng rất đáng thương tâm! (le critique impitoyable, c’est taire).
Còn các nhà văn biên khảo tiền chiến như: Phan Văn Hùm, Kiều Thanh Quế, Nguyễn Văn Tố, Doãn Kế Thiện, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đăng Thục, Lê Thanh, Mộc Khuê (Ba Mươi Năm Văn Học V.N.) Doãn Kế Thiện viết đời danh nhân thành đạt (homme illustré) qua Danh nhân Việt Nam, kể tiểu sử thuở thiếu thời. Thái độ này cần được phát triển, nhờ loại sách ấy thanh niên thiếu nữ học tập cuộc đời đau khổ, vật lộn đấu tranh hướng thượng (cho nghề về sau). Đó là kinh nghiệm làm vững lòng tin căn bản cho vĩ nhân bước vào chông gai cuộc đời sau này. Thái độ J.J Rousseau ở ngày sinh thời bị trục xuất sang Anh lánh nạn, nhờ triết gia David Hume bao bọc; Charles Dickens thuở niên thiếu khổ nhục; Stendhal bị cha mẹ bỏ rơi cấp dưỡng sống lang bạt ở Ba Lê; Maxime Gorki thuở niên thiếu đầy nước mắt… chẳng hạn vậy. Nên khi xét về Doãn Kế Thiện, với lý do tại sao ông không tả danh nhân ngoại quốc, vì lẽ muốn cho người đọc thông cảm danh nhân Việt Nam gần hơn. Vĩ nhân thế giới, từ Đông qua Tây, ít ai có buổi thiếu thời may mắn cả. Picasso hay Modigliani cũng thế, bao hình nhục đời vùi dập. Modigliani đã phải tự tử, Van Gogh cùng trường hợp, Picasso phải gạ bán rẻ tranh cho bà chủ quán, đó là lần thứ hai ông đến Paris; vì nghèo khổ Renoir tự tử hụt bên bờ sông Seine; bởi nước băng đông lại.
Ngoài nhóm Hàn Thuyên ra, các nhà văn biên khảo ít tự gây được thế đứng và phô diễn thật sự lập trường một cách rộng lớn. Người viết triết luận tiền chiến chỉ sao chép lại vốn triết Đông hoặc Tây, ít có ai vượt được hoặc tạo cho bản thân một chủ nghĩa triết học riêng biệt.
NHỮNG NHÀ VĂN PHÊ BÌNH.
1. THIẾU SƠN (1908-1978)
Tên thật Lê Sĩ Quý. Sinh năm 1908 ở Hải Dương, hiện còn sống ở miền Nam(56) . Đầu tiên, làm ở sở Bưu điện, gặp Phan Khôi, và được Phan Khôi khuyến khích ngay ban đầu. Viết cho báo Nam Phong, 1927, Phụ nữ tân văn (1931), Đại Việt (1943), Nam Kỳ thời báo (1943), Justice (1945-1949)… Tác phẩm xuất bản: Phê bình và Cảo luận, Phan Khôi viết tựa (Hà Nội 1933). Người bạn gái (Hà nội 1942), Đời sống tinh thần (tiểu luận). Câu chuyện văn học 1945, Giữa hai cuộc cách mạng (Mạch Sống, Sài Gòn 1947)v.v..
Chỉ có giá trị tiền chiến, nếu muốn xét giá trị văn nghiệp Thiếu Sơn. Lối phê bình không hệ thống và xen kẽ lập trường, thái độ thô thiển vào phê phán văn chương. Phương pháp phê bình không logique, như nhà viết tựa Phan Khôi nhận định. Lối phê bình thô thiển, tùy hứng (critique vulgaire et spontanée. Ở buổi đầu kể cũng là giá trị. Ở Nga, một Biélinsky viết phê bình văn học sau tập hợp tất cả bài phê bình in trong cuốn Textes philosophiques choisies (Tạm dịch: Tuyển tập triết luận), được sùng bái như anh hùng bình diện văn nghệ Nga trước cách mạng Tháng Mười. Và sau này cũng còn giá trị bất biến. Nào là Saint Beuve, Benjamin Constant, Thánh Thán, Tư Mã Thiên sử gia phê bình Trung Hoa, R.M. Albérès của Pháp chỉ ngoài ba mươi tuổi đã là phê bình gia nổi tiếng có hạng.
Thiếu Sơn, một tông đồ Phan Khôi, hết lời thán phục bậc thầy; thì ở đây ông không có thái độ vượt như một Auguste Comte đối với Saint Simon, một Marx với Hegel, J.P Sartre với Kierkegard, cho nên không dám nhân định thẳng thắn. Có lẽ vì kiến thức so với thầy chưa vượt nổi? Phê bình Phạm Quỳnh mới mẻ, Nguyễn Bá Học cứng dắn, Hy Đình có duyên, Phan Khôi thâm thúy e lệ. Đây không phải là tả tính tình một nhân vật được phê bình, đây là viết nghị luận, danh từ thảo luận (mots pour debats). Xét giá trị Phan Khôi coi ông có công đầu phê bình văn học Việt Nam. Thì xếp ông vào hạng người công đầu (précurseur). Ông còn viết truyện Người bạn gái. Hoặc truyện viết về sau này, không có gì đặc sắc. Ở mức bình thường không có lập ý mới, văn và tư tưởng trong khuôn sáo ước lệ.
Hậu chiến, ông không xuất bản tác phẩm nào; chỉ an hưởng địa vị bằng nhiều bài báo giá trị hồi ký, ít giá trị thực thể. Giá trị của ông chỉ ở tiền chiến, nếu đường hiện tại đến đây vẫn căn cứ trên bài báo đăng tải trên nhật báo và báo tạp lục Phổ Thông của Nguyễn Vỹ xuất bản ở Sài Gòn thập niên 60.
2. TRƯƠNG CHÍNH (1918- )
Từ 1930-1940, các nhà phê bình đầu tiên: Trương Chính, Phan Khôi, Thiếu Sơn… qua cuốn Dưới mắt tôi, Trương Chính phê bình nhận định gom lại trong định đề: không phân giải và trích dẫn. Đó cũng là lối viết rất mới thời Trương Chính, nội dung phê bình có phương pháp khoa học, biết nhìn ưu khuyết điểm mỗi nhà văn. Một danh ngôn Trung Hoa: “Biết cái dở một người thân yêu, biết cái hay của kẻ địch” hẳn Trương Chinh biết manh nha áp dụng khi phê phán. Tuy nhiên vẫn bị rơi vào trường hợp mà Vũ Ngọc Phan đưa ra phê bình gắt gao:
“...Cây bút phê bình của Trương Chính tuy đã có phương pháp nhưng chưa được sâu sắc, ông thấy đâu hay khen đó, thấy dở đâu chê đó; rồi lại khen, khi chê ông nói trùm lắp tất cả làm cho người ta có cảm tưởng ông phá đổ tất cả những gì ông vừa xây dựng để lại xây những cái vừa bị phá đổ...” Vũ Ngọc Phan ẩn thể đả kích Trương Chính không có nét nhìn tổng quát, hoặc gọi là nhìn viễn ảnh (perspectives). Không những Trương Chính mắc phải mà chính Vũ Ngọc Phan không có ý định này khi viết sách phê bình văn học Nhà văn hiện đại. Trương thiên về thẩm mỹ văn học nhiều hơn chú trọng nội dung tư tưởng tác giả trong tác phẩm, ôm ấp trong nhân vật, mà các nhà phê bình Tây phương làm trái lại. Từ Saint Beuve đến R.M. Albérès, cũng vẫn định đề ấy làm mực thước nhận định giòng tâm tư tác giả bị phê bình. (tác phẩm khác của ông Những bông hoa dại. (tiểu luận 1941).
3. HOÀI THANH – HOÀI CHÂN. (1909 –1982)
Tên thật Nguyễn Đức Nguyên, tác giả tuyển thơ phê bình thi nghệ Thi nhân Việt Nam 1932 –1941. Hoài Thanh chuyên viết phê bình khảo luận. Lối nhận định phê bình giới thiệu sơ lược, tùy hứng thái quá, nên chỉ giá trị tương tự Mộc Khuê khi viết biểu nhất lãm Ba mươi năm văn học V.N. Tác phẩm Hoài Thanh có giá trị tài liệu văn học để người sau dựa vào đó làm căn bản phê bình. Và Mộc Khuê cũng có ích cho con mắt lớp sau nhìn hệ thống tổng quát bao trùm diễn tiến bình diện văn học tiền chiến. Trong sách, Mộc Khuê còn đề cập đến vấn đề diễn tiến quá trình báo chí.
Hoài Thanh bênh vực lập luận của ông ngay khi vào đề viết:
“...Nếu trong quyển này ít khi tôi nói đến cái dở, bạn hãy tin rằng không phải vì tôi không thấy cái dở. Nhưng tôi nghĩ rằng dở thì không tiêu biểu cho cái gì hết. Đặc sắc mỗi nhà thơ chỉ ở trong những bài hay. Thỉnh thoảng có nói đên cái dở cũng là cốt cho nổi cái hay mà thôi..." (trang 392, Thi Nhân Việt Nam, Nguyễn đức Phiên xuất bản lần hai, 1941-42, Huế).
Nói như Hoài Thanh, ở con mắt nhà phê bình theo thẩm mỹ quan; không nhìn tư tưởng và tổng quát, chúng tôi nhận rằng ý kiến trên là một ý kiến khá độc đáo. Ông là nhà phê bình tùy hứng, phóng túng, không theo hệ thống nào, khuynh hướng nào. Điều này có sự tai hại lớn, là không có sự so sánh diễn tiến sự nghiệp mỗi tác giả được phê bình; mà ở ngoài đời văn nghiệp có sự diễn tiến ấy. Từ chối cái xấu cũng là ca tụng cái tốt, nhưng tính xấu là sự kiện thành hình có cũng như cái hay. Tôi muốn nói đến nội dung hai thứ so sánh liên quan với nhau mà Vũ Ngọc Phan lại hiểu theo nghĩa của ông cho rằng Hoài Thanh muốn giải thích che lấp cái dốt bản thân lối phê bình của Hoài Thanh là một mắt ông viết:
“...Phê bình rặt cái hay, cái đẹp trái với lối phê bình của Nguyễn Văn Tố, là lối chỉ trích vụn vặt...”
Trở lại vấn đề này, hãy nhớ André Gide và Stephan Zweig viết về Dostoievskð không hề nói đến cái dở đại văn hào Nga, mà lại nói được hết tư tưởng tác giả, một tông đồ biết giải thích cái hay theo mắt nhà văn nhiều thẩm mỹ quan; một nhà phê bình nắm được đường lối tác giả, qua con mắt nhìn viễn ảnh tổng quát. Vũ Ngọc Phan sai ở điểm đó chăng? Cái khác giữa Hoài Thanh và nhà văn Pháp, Đức kia; là Hoài Thanh nhìn phiến diện và các vị kia lại có lối nhìn tổng hợp.
Thi Nhân Việt Nam giá trị cuốn tuyển tập thi ca (anthologie) như Pháp, Nga thường thực hiện; giới thiệu tác giả nói khuynh hướng sơ lược, tác phẩm không nặng nhiều phê bình, giải thích; như thế cũng có giá trị chung là bồi đắp cho văn học sử thêm tài liệu văn học. Nói chung, so sánh tác phẩm Hoài Thanh với cuốn phê bình văn học Vũ Ngọc Phan, thì Thi nhân Việt Nam không còn giá trị tổng quát.
Vũ Ngọc Phan nhận định về Hoài Thanh như sau:
“...Còn điều này nữa, mà tôi nhận thấy ở đoạn cuối trong quyển hợp tuyển của Hoài Thanh, đó là lời rào trước đón sau, giống như những bài báo trong một vụ tuyển cử, mà người viết muốn ngăn đoán những sự công kích ào ào. Thí dụ, việc gì một nhà biên khảo lại phải viết những câu như thế này “Có người thơ tuyệt đẹp mà đối với tôi lại toàn những cử chỉ rất mực xấu xa. Họ phũ phàng, họ nhỏ nhen”. Dù ông có viết thêm “Nhưng thôi tôi nói ra làm gì?”nhưng ông cũng đã nói ra rồi, những thời này chỉ là những lời rào đón. Tất cả những lời nhỏ to ấy, theo tôi chỉ nên thu gọn một ít trong bài tựa, vì nó không có tính cách vĩnh viễn và không hợp với quyển khảo luận thi ca...”
Thật xác đáng và lý thú biết bao với lời phê luận tuyệt vời của Vũ Ngọc Phan!
NHỮNG NHÀ VĂN BIÊN KHẢO
PHAN VĂN HÙM (1902 –1946)
Phan Văn Hùm sinh năm 1902 ở Búng, Lái Thiêu (Nam Phần). Là con trưởng một gia đình trung lưu ở Thủ Dầu Một. Gia đình có ba anh em: bà Phan Thị Năm và ông Phan Văn Hóa. Phan Văn Hùm đứng trong lập trường đệ tứ với Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, nên bị Cộng sản đệ tam thủ tiêu vào năm 1946. Phan Văn Hùm có họ gần xa với Đồ Chiểu, một nhà ái quốc miền Nam, ngay từ hồi Pháp mới đặt chân lên đất nước. Sau khi Phan Văn Hùm đậu bằng Thành Chung ra Hà Nội theo học Công Chính. Tốt nghiệp, trở về Nam Bộ làm vườn, không ra làm việc quan. Năm 1929, vì là bạn Nguyễn An Ninh, thực dân lấy cớ vụ lộn xộn ở cầu Bến Lức bắt giam ông đưa vào Khám Lớn Sài Gòn. Năm 1933, ông qua Paris du học, đậu cử nhân triết học, tốt nghiệp ở Sorbonne. Về nước, ông đứng trong hàng ngũ những nhà ái quốc tranh đấu như: Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch… xuất bản báo La Lutte và Đồng Nai. Năm 1937, Phan Văn Hùm lại bị vào tù vì một bài báo trên La Lutte. Năm 1942, ra tù ông bị đưa đi quản thúc ở Tân Uyên, Biên Hòa. Tác phẩm đã xuất bản: Biện chứng pháp, Phật giáo triết học (Tân Việt 1941), Vương Dương Minh (Tân Việt 1944), Nỗi lòng Đồ Chiểu… và bài khảo cứu giá trị đăng trên các báo Tri Tân, Thanh Nghị. Tác phẩm Ngồi tù Khám lớn (Bảo Tồn, 1929) lên án thực dân qua thiên hồi ký tả cảnh cực khổ trong khám với giọng văn căm hờn. Cho rằng: vào tù tinh thần sẽ nát như tương hay sẽ cứng dắn như đồng, dẫn lời Nguyễn An Ninh: “En prison le coeur se brise ou se bronze”.
Phan Văn Hùm, nhà học giả ái quốc, uyên thâm, có lập trường chính trị rõ rệt, giàu lòng yêu nước, muốn giải thoát dân tộc thoát ách nô lệ. Tác phẩm Phan Văn Hùm là sách có giá trị cho người đọc hiểu thêm triết-học-chính-trị, bồi bổ, làm giàu vốn hiểu biết. Mặc dầu Phật giáo triết học hoặc tác phẩm Vương Dương Minh được viết theo lập trường đệ tứ.
Phan Văn Hùm qua đời, nhưng cuộc đời cách mệnh làm gương sáng mẫu mực thế hệ sau. Một Tạ Thu Thâu, cùng một ý nghĩa danh nhân (homme illustré); ngoài ra, ông còn là nhà biên khảo văn học giá trị có công với văn học sử.
2. HOÀNG XUÂN HÃN (1909 –1996)
Sinh năm 1909 ở Hà Tĩnh. Từng là Bộ Trưởng Quốc gia Giáo dục vào 1945 trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Tốt nghiệp trường Bách Nghệ, đậu Thạc sĩ khoa học. Ông viết khảo cứu, lịch sử. Tác phẩm xuất bản: La Sơn Phu Tử (Minh Tân Paris), Danh từ khoa học (Minh Tân, Paris), Lý Thường Kiệt I, II (Sông Nhị, Hà Nội), Hà Thành thất thủ (Sông Nhị xuất bản), Thi Văn Việt Nam (sách biên khảo giáo khoa), Chinh Phụ Ngâm bị khảo (Minh Tân, Paris)v.v…
Tiền chiến thì Hoàng xuân Hãn chưa nổi tiếng về biên khảo, mà chỉ nổi tiếng về là nhân tài học giỏi, như Ngụy-Như-Kontum, Nguyễn Mạnh Tường, Lê Văn Thêm vv... Hồi ấy Phạm Huy Thông còn nổi tiếng thi sĩ, ngoài danh tài thạc sĩ triết học. Trần Đức Thảo nổi tiếng đỗ đầu triết lý hiện tượng luận, tông đồ rất xuất sắc Husserl. Và triết gia hiện đại Pháp Merleau Ponty đậu thứ hai. Trần Đức Thảo tối ưu chiếm danh dự (triết gia gà nhà cùng chuồng, Merleau Ponty là philosophe chevronné của nhóm Existensialisme Jean Paul Sartre. Hoàng Xuân Hãn, Trần Đức Thảo cùng biên khảo, Trần Đức Thảo sau cho xuất bản Triết lý đi về đâu?, nhưng giá trị văn học Hoàng Xuân Hãn nhiều hơn.
Năm 1945, Hoàng Xuân Hãn tham gia trong chính phủ Trần Trọng Kim và cho xuất bản những cuốn sách giá trị như Danh từ Khoa học. Người ta biết ông hơn từ dạo đó, nhất là vụ đưa Việt ngữ vào Đại học đầu tiên làm chuyển ngữ thay Pháp văn.
La Sơn Phu Tử, cuốn sách giá trị với người đọc muốn tìm hiểu thái độ xử thế con người chính trị bị hoàn cảnh xã hội xô đẩy vào đường cùng chế độ giao thời. La Sơn Phu Tử là trung thần nhà Lê chịu ơn lộc nhiều giòng vua. Khi Quang Trung đại thắng mời ra cộng tác, ông từ chối, tuy nhiên vẫn giúp ý kiến đến đời vua Cảnh Thịnh. Khi Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà, lấy hiệu Gia Long mời ông ra làm quan; vẫn không nhận và sau chết già trên núi.
La Sơn Phu Tử có tên từ dãy núi La Sơn, thái độ vô vi La Sơn thoát thai từ thuyết Lão Trang. Nên người viết sách ghi lại gương anh hùng cũng có tính chất vô vi đó.
Là cuốn sách nhiều tài liệu, hình ảnh, rất ích lợi, làm giàu tư tưởng cho những ai đa mang trường hợp nan giải có lối thoát. Sách chia làm 25 chương. Chương 1 đến 7 nói về quãng đời thư sinh La Sơn. Chương 7 đến 9 đời quan trường và từ quan. Chương 10 quan trọng nhất bàn về tư tưởng thái độ sống La Sơn ẩn dật ở núi Thiên Nhạn. Chương 11 đến 18, giai đoạn giao thiệp cộng tác với Quang Trung và Cảnh Thịnh. Chương 19 giao thiệp với Nguyễn Ánh và chương 20 với Bảo Hưng, chương 21 qua đời. Chương 22 nói về thơ văn và số học, tâm lý ,chính kiến ,tổ tiên, gia thế. Chương chót 25 gồm phụ lục và ấn tín, lưu bút Quang Trung. Tác giả sưu tầm tài liệu phong phú, lập luận viết khách quan trong chủ quan định hướng, nói chung. Ông có lập luận riêng chẳng hạn mang tâm trạng hòa hợp với anh hùng, cùng mang tư tưởng riêng vào sách. Ngày xưa Bùi Kỷ, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng phê bình truyện Kiều mang tâm trang giải oan ám ảnh (obsession), Hoàng Xuân Hãn còn tìm được chính bản Hạnh Âm thi cảo của La Sơn Thi Kinh Giải Âm và thư vua Quang Trung kèm theo ấn tín và trò chuyện như trao đổi với La Sơn. Sự kiện này chỉ tìm thấy ở nước văn hóa cao như văn hóa Pháp. Người dân Pháp nhặt được mảnh lưu bút Victor Hugo cũng đem đến thư viện Hugo gom góp. Văn hóa Tàu xưa đến kẻ sĩ nước ta không dám dùng chữ thánh hiền làm điều bậy bạ, không dẫm chân lên chữ Nho mỗi khi gặp ngoài đường. Lần đầu tiên ở nước ta, Hoàng Xuân Hãn làm được việc rất ích lợi, thật vĩ đại. Như khảo sát vấn đề nào dốc hết tâm đến tài liệu ấy. Rất có thể tác giả khác viết hay hơn Hoàng Xuân Hãn, nhưng tài liệu đến giờ này khó hơn được ông.
Danh từ khoa học, giải nghĩa danh từ không hẳn là tự điển, vì không có định nghĩa, hay nói khác đi, là người soạn sách sáng chế danh từ. Tài liệu này không dịch ở Bách Khoa từ điển nào của Pháp hay ngoại quốc. Danh từ Khoa học ở phần trên là danh từ khoa học lấy ở tiếng Pháp theo vần thứ tự abc…
Danh từ Khoa học soạn công phu, đó là cuốn sách ý niệm sơ khởi về khoa học, cần nhiều sáng kiến, mở rộng khả năng nghiên cứu. Soạn giả mất nhiều công phu, bắt đầu ông từ ngày sang Pháp du học rồi dạy học, trải qua nhiều kinh nghiệm đúc kết hoàn thành. Tác giả đề cao dân tộc Việt, qua lời vào đề, nghĩ về tiền đồ tổ quốc tin tưởng dân tộc mình không thể có mặc cảm và thua sút, từng qua bốn biển năm châu, tin tưởng ở dân tộc sẽ có nhiều người tài giỏi. Phương pháp viết sách hướng dẫn, giáo huấn, mở rộng con mắt tìm hiểu cho người đọc. (trên lãnh vực khoa học nên dùng danh từ khoa học)
Cuốn Chinh phụ ngâm bị khảo, ông đưa ra ý kiến đối lập với tài liệu văn học sử có sẵn. Thái độ này coi như tiến bộ, dù sai hay đúng; chứng minh kẻ viết muốn vượt, và đính chính sự kiện chưa hoàn hảo, bồi đắp nền văn nghệ phong phú hơn. Tất nhiên, chủ quan tột độ khi làm việc này. Cùng tìm hiểu nguyên do, tài liệu đối lập này với tài liệu cũ đúng hay không? Thì Bạch Diện, tác giả truyện dã sử Nguyễn Thái Học trả lời Hoàng Xuân Hãn qua Chinh Phụ Ngâm bị khảo với nhận xét đanh thép, đầy thuyết phục(57) :
“...Ông Hoàng Xuân Hãn chưa có bằng chứng rõ rệt trong tay, mới chỉ được ông Huy Chiêm gửi một bản sao bằng chữ La-tinh mà đã quả quyết rằng bản Chinh Phụ Ngâm hiện đương được mọi người truyền tụng (ông Hãn gọi là bản A) là của ông Phan Huy Ích, như thế e nông nổi quá.
Chẳng những ông Hoàng Xuân Hãn mà cả đến ông Đông-Châu-Nguyễn-Hữu-Tiến năm 1926, cũng cho rằng bản Chinh Phụ Ngâm (bản A, theo sự sắp đặt của ông Hãn) là của ông Phan Huy Ích, ông Đông Châu cũng căn cứ vào bức thư của một người cháu họ Phan. Người ấy cho biết cả một bài thơ ngẫu tuật bằng chữ nho bảo rằng cụ tổ mình làm sau khi dịch bản Chinh Phụ Ngâm của ông Đặng Trần Côn; bài thơ ấy như sau:
Nhân mục tiên sinh Chinh Phụ Ngâm
Cao tình dật điệu bá từ lâm
Cận lai khoái trá tương truyền tụng
Đã hữu thôi sao vi diễn âm
Vận luật hát cùng văn mạch túy
Thiên chương tu hướng nhục thanh tầm
Nhàn trung phiên dịch thành tân khúc
Tự tín suy minh tác giả tâm
Ông Đông Châu đã dịch ý bài thơ ấy như sau:
"...Ông Đặng Trần Côn người Nhân Mục làm ra bài Chinh Phụ Ngâm bằng chữ Hán, từ điệu cao kỳ đã truyền bá ở chốn từ lâm, ai cũng truyền tụng lấy làm khoái trá lắm, đã có người thổi sáo diễn ra ca nôm, nhưng theo về âm luật thì dịch sao cho hết được cái tinh túy trong mạch văn, vậy phải theo thiên chương và hiệp với âm nhạc mà diễn ra mới được. Nay nhân buổi đã dịch thành khúc mới chắc tin rằng suy minh được bụng dạ tác giả...”
“Tuy có bài thơ ấy, song cũng chưa dám đoán bản Chinh Phụ Ngâm là của ông Phan Huy Ích nên ông Đông Châu đặt ra một nghi vấn: “xem bài thơ trên đó truyền lại đủ chứng tỏ rằng "Chinh Phụ Ngâm" khúc bấy lâu nay vẫn truyền do bà Đoàn Thị Điểm diễn nôm, dễ thường không phải, mà chính là cụ Phan Huy Ích diễn ra đó chăng?”
“Ông Đông Châu đặt nghi vấn như vậy là phải. Vì một bức thư với một bài thơ của con cháu họ Phan gửi đến chưa có thể là một bằng chứng xác thực rằng Phan Huy Ích là dịch giả bản Chinh Phụ Ngâm. Về phần tôi; tôi cho rằng có lẽ ông Phan Huy Ích đã sao chép lại bản Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn Thị Điểm, vì ông thấy là bài văn hay mà còn con cháu của ông sau này ngộ nhận là của ông Phan Huy Ích chăng?(58) Bà Đoàn Thị Điểm sinh năm Ất Dậu (1705) tức là năm Chính Hòa thứ 29 cuối đời vua Lê Hiến Tông, còn ông Phan Huy Ích sinh năm Canh Ngọ (1750) tức là năm Cảnh Hưng thứ mười một đời vua Lê Hiến Tông. Như vậy là bà Đoàn Thị Điểm sinh trước Phan Huy Ích 45 năm. Bà Đoàn Thị Điểm mất năm Kỷ Tỵ (1749) năm Cảnh Hưng thứ 10 tức là bà mất trước năm ông Phan Huy Ích xuất sinh.
Đối với ông Phan Huy Ích bà Đoàn Thị Điểm là bậc tiền bối, vậy có thể rằng bản di văn của bà Đoàn Thị Điểm đã được ông Phan Huy Ích sao lại vào tập sách của ông? Ngày xưa, các nhà nho khi làm được bài thơ bài văn không khi nào tự mình đem khắc và in ra, nghĩa là không công bố sản phẩm văn chương của mình mà chỉ để cho người nhà hoặc bạn bè ngâm đọc với nhau thôi. Những khi, người nào thấy bản văn hay chép lại để giữ trong nhà. Vậy ông Phan Huy Ích cũng là người chép lại bản Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn Thị Điểm vì thấy là bản văn hay hoặc có khi ông Phan Huy Ích cũng phỏng theo bản chữ Hán của ông Đặng Trần Côn mà dịch lại rồi ông làm bài thơ kia chăng? Về sau này con cháu của ông không hiểu, nhận ngay bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm.
Còn một điều đáng lấy làm lạ rằng ông Phan Huy Chiêm, từ năm 1926 đến 1952, sao không đem bằng chứng đưa cho ông Đông Châu và ông Hoàng Xuân Hãn để chứng minh bản Chinh Phụ Ngâm (bài A) là của cụ tổ mình? Ông Chiêm chỉ gửi thư bản sao chữ La-tinh. Đáng lẽ ông Hoàng Xuân Hãn nếu không được diện kiến ông Phan Huy Chiêm đem chụp ảnh di cảo của ông Phan Huy Ích để xét đoán cho đúng. Chưa có bằng chứng đích xác, ông Hoàng Xuân Hãn đã quả quyết ngay bản Chinh Phụ Ngâm (bản A) là của ông Phan Huy Ích, là ông Hãn đã mắc một cái sai nhầm lớn.
KHÔNG THỂ GÁN BẢN B LÀ CỦA BÀ ĐOÀN THỊ ĐIỂM
Đã mắc cái nhầm lớn vì không đủ bằng chứng xác thực, ông Hoàng Xuân Hãn còn mắc một cái nhầm lớn hơn nữa là ông gán bản Chinh Phụ Ngâm (bản B) là của bà Đoàn Thị Điểm. Bản này kém hơn bản A và không được truyền tụng nên ít người biết đến. Ông Hoàng Xuân Hãn căn cứ vào chữ nữ giới mà quả đoán rằng bản B này là của bà Đoàn Thị Điểm. Cái nhầm của ông Hoàng Xuân Hãn càng tỏ rõ hơn, khi ông đem chụp ảnh hai trang bản viết cũ Chinh Phụ Ngâm ấy. Theo ảnh, thì cuối bài Hán văn có hai chữ nữ giới (chữ giới và răn) ông Hãn ghép ngay với bản văn nôm (bản B) rồi cho là của bà Đoàn Thị Điểm. Chúng tôi cho rằng người nào đó nhận thấy bản Chinh Phụ Ngâm chữ Hán của ông Đặng Trần Côn là một áng văn hay, liền chép lại, rồi lại chép một bài văn, thơ, hay ca răn con gái ở trang sau, nhưng trang trước (cuối bài Hán văn) còn thừa giấy, lại đặt cái nhan đề nữ giới nghĩa là răn con gái.
Bài nữ giới có thể là bài cổ văn Nàng Ban Chiêu, vợ Tào Thê Thúc đời Hậu Hán, người ta nhận thấy là bài văn có ý nghĩa, cũng chép tiếp vào đó. Chúng tôi không hiểu rằng ông Hoàng Xuân Hãn vô tình hay hữu ý ghép hai tờ giấy, một chữ Hán, một chữ nôm vào với nhau rồi đem chụp ảnh.
Tai hại nhất là ông Hoàng Xuân Hãn đã nhầm chữ giới và răn ra chữ giới là cõi. Trong cổ văn Trung Hoa không có chữ nữ giới (giới là cõi). Chữ nữ giới này do người Nhật Bản đặt ra sau hồi duy tân, cũng như những danh từ cách mạng, kinh tế và nhiều danh từ khoa học. Hơn nữa, nếu người ta muốn đề tên tác giả hay dịch giả , thì hai chữ tên thường đặt ngay dưới nhan đề Chinh Phụ Ngâm.
Do sự nhận xét ấy, chúng tôi quyết đoán rằng ông Hoàng Xuân Hãn đã nhầm nhiều trong việc tìm tác giả Chinh Phụ Ngâm bản A và đem râu ông nọ cắm cằm bà kia của ông Phan Huy Ích. Chúng tôi cũng cho là nghi vấn chứ chưa dám tin hẳn để mọi người khác là nhầm. Một cái nhầm đã lâu ngày, đã nhiều người mắc, không thể nhất đáp cải chính ngay được.
Cũng như xưa nay ta vẫn nhận cụ Tổ mình là Hùng Vương, về sau có người tìm ra chỗ nhầm ở chữ Hùng với chữ Lạc, biết rõ ràng cụ tổ mình là Lạc Vương chứ không phải Hùng Vương, nhưng vẫn quả quyết giữ thuyết Hùng Vương.
Về tên họ Hai Bà Trưng xưa nay các vị chép sử sách vẫn chép là Trưng Trắc và Trưng Nhị; nhưng có người lại tìm ra chính danh hiệu hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị, vì nhà bà chuyên nghề chăn tằm, trứng con ngài thường gọi là trứng trắc và trứng nhì; nên người nhà đặt tên hai bà theo tiếng gọi thông thường của giới bình dân. Đằng này ông Hoàng Xuân Hãn không bằng chứng cụ thể là quả đoán, tất không tin được. Vậy cuốn Chinh Phụ Ngâm của ông Hoàng Xuân Hãn không có giá trị khi ông võ đoán bản Chinh Phụ Ngâm vẫn được truyền tụng là của ông Phan Huy Ích…”
Ông Bạch Diện đã nhận định rõ ràng; đưa bằng chứng cụ thể, hệ thống hóa vấn đề; như vậy đã cho người đọc nhận đâu là giá trị Chinh Phụ Ngâm bị khảo của Hoàng Xuân Hãn. Đó chỉ là một trong những chứng liệu nhầm lẫn của ông. Nhìn chung văn nghiệp, ông Hoàng Xuân Hãn vẫn có giá trị với Lý Thường Kiệt, Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca; cao nhất là La Sơn Phu Tử và Danh từ khoa học. Ông góp một phần không nhỏ trong ngành biên khảo văn học ở giai đoạn giao thời và hậu chiến sau này.
3. NGUYỄN ĐĂNG THỤC (1909 – 1999)
Sinh năm 1909 ở Nam Định. Thuở nhỏ học ở tỉnh nhà từ năm 1927. Đến 1934 xuất ngoại sang Paris học, đậu kỹ sư hóa học.
Năm 1945 về nước chủ trương tờ báo Duy Nhất ở Nam Định. Cách mạng bùng nổ, ông viết chung cuốn Văn hóa và cách mạng với Đào duy Anh (nhà làm tự điển nổi tiếng bậc nhất, rất công phu trong lịch sử tự điển Việt Nam) Hồ Hữu Tường, Đặng Thái Mai. Ông theo kháng chiến, tản cư ít lâu, rồi trở về thành sớm. Có một thời uy quyền, cánh tay mặt phe Tổng Trấn Bắc Phần, do Pháp đặt hệ thống chính quyền bù nhìn ở đất Tề. Năm 1953, ông chủ trương báo Văn Hóa Tùng Biên. Năm 1954 chủ nhiệm nguyệt san Văn Nghệ Tập San (Sài Gòn) và giữ chức Khoa Trưởng Văn Khoa (Đại học Văn Khoa) nhiều nhiệm kỳ.
Từ Duy Nhất, Văn Hóa Tùng Biên, Văn Nghệ Tập San hay tác phẩm biên khảo của ông đã xuất bản đều chủ trương lập luận:
Tinh thần truyền thống dân tộc (mission mellénaire)
Tổng hợp đạo học và khoa học.
Kết luận về văn hóa Đông Phương (nhất là Trung Hoa và Ấn Độ vẫn là trung tâm văn hóa nhân loại). Tác phẩm đã xuất bản: Văn hóa và cách mạng (viết chung 1945), Tinh thần Khoa học và Đạo học (Hà Nội 1953), Dân tộc tính (Văn hóa vụ xuất bản, Sàigòn 1954), Lịch sử Triết học Đông Phương I và II , và còn đang tiếp tục xuất bản tiếp trọn bộ như in trong mục lục là 7 tập (1956).v.v...
Khái niệm về văn hóa dân tộc, Nguyễn Đăng Thục duy trì khai thác vốn cũ dân tộc, vẫn là điều thiết yếu của tư tưởng nhân sinh quan dân tộc, nói riêng; Đông Phương, nói chung. Với nhân loại, khuynh hướng nhận thức đạo người và đạo Trời, hành động và tri thức, lý trí với tình yêu. Đây là đoạn văn gần như tuyên ngôn Nguyễn Đăng Thục và đồng thuyền. Với nhân sinh quan ấy, ông vẫn đeo đuổi phục vụ cho đến nay:
"...Dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử sống trên giải đất ở giữa hai khu vực lớn của hai dân tộc tối cổ văn minh là Trung Hoa và Ấn Độ. Tiếng Ấn Độ China gần đây các nhà địa lý đặt tên cho giải đất chữ S này không phải chỉ có nghĩa địa lý mà còn có ý nghĩa lịch sử nữa. Về sinh lý thì trong máu người Việt Nam ngày nay có cả giòng máu người phương Bắc tràn xuống lẫn lộn với giòng máu người phương Nam tràn lên. Về tinh thần vì văn minh Trung Hoa có tính cách đại đồng thực tiễn đã ảnh hưởng sâu sa vào văn hóa và xã hội Việt Nam, đồng thời văn minh Ấn Độ có tính cách tâm linh cao siêu đã làm cho nguồn sống nội tâm của cá nhân Việt Nam. Phàm những thời đại cường thịnh trong lịch sử đều là thời mà dân tộc Việt Nam đã thực hiện được thế quân bình thích ứng trong giữa hai tinh thần văn hóa, đã thống nhất được cái tinh túy của hai nguồn sinh lực, hai khuynh hướng đặc biệt của tư tưởng nhân loại là khuynh hướng nhân sinh và khuynh hướng nhận thức đạo người và đạo trời, hành động và trí thức, lý trí với tình yêu. Thời đại mà nhà Trần, dân khí hùng dũng, tinh thần độc lập cực cao, ấy là nhờ trong nước trên dưới đoàn kết lý tưởng duy nhất đã tuần tự kết tinh ở nội giời bằng bao công phu Phật học và Hán học từ Đinh Lý trở về, biến thành một nguồn nội lực của dân tộc vô cùng mãnh liệt và phát tiết ra hành động cương quyết và tự tin. Đấy là chứng minh rõ rệt khi giao thông trên thế giới chưa được giải quyết một cách rộng rãi mà thế giới chỉ là thế giới từng châu, thì dân tộc Việt Nam đối với thời gian và không gian đã thực hiện được nhiệm vụ lịch sử của mình một cách xứng đáng, vì dân tộc ấy tuy bé nhỏ, ở vào một hoàn cảnh địa lý eo hẹp, nhưng một khi đã tìm thấy thế quân bình của mình do tình thế địa lý và lịch sử ngầm định ủy thác, thì nó đã chiến thắng vẻ vang với những thế lực cản trở lớn lao là chừng nào! Cho hay chúng ta không lo về những thế lực cản trở con đường tiến thủ sống còn của ta, mà chúng ta chỉ nên lo lắng trước giai đoạn tiến hóa của thế giới hiện thời: năm châu chằng chịt những mối tương quan về văn hóa, kinh tế, chính trị chúng ta tìm được thế quân bình mới để kết tinh cái tinh thần duy nhất làm nội lực động cơ, cũng như xưa kia Lý Trần tổ tiên chúng ta đã thực hiện thì lo gì không chiến thắng những điều kiện bất lợi nó cản trở…”
Bản tuyên ngôn về tinh thần dân tộc truyền thống của Nguyễn Đình Thục bao gồm đầy đủ: nguyên tắc, tương quan quốc gia, xã hội, thế giới uyên nguyên tiến hóa văn hóa dân tộc. Một Bakounine từng chủ trương panslavisme(62) đại đoàn kết dân tộc giòng giống Slaves để tạo một uy thế thống nhất trước khi hành động, có nguyên tắc và triết thuyết rõ ràng. Đó cũng là một điều muốn phát huy của Nguyễn Đăng Thục, tuy không như Bakounine ở triết thuyết, song đường lối thể hiện giống nhau ở dàn bài thực hiện. Ông chủ trương một thứ giao hòa panthéisme Đông Phương, Tây Phương, và lấy trọng tâm văn hóa tinh túy Đông Phương đi đôi với phương lược hành động khoa học kỹ thuật Tây Phương.
Xét văn thể bản tuyên ngôn về đường lối, như khảo và phê một thuyết nào, căn bản là phải sáng gọn, rành mạch, hệ thống, hành văn, sáng sủa; có thế người đọc mới dễ lĩnh hội. Chúng ta từng thấy một Bertrand Russell (triết gia Anh được Nobel viết cuốn Histoire de la philosophie occidentale (Lịch sử Triết học Tây Phương, Gallimard xuất bản), một Benoit P. Hepner viết về Bakounine; một Auguste Cornu viết về Essai de critique du marxiste (Lý luận về phê bình chủ nghĩa Mác xít). Lối trình bày mạch lạc, hoặc Hồ Thích, Trần Độc Tú, Lý Lập Tam, Lỗ Tấn… đều cùng ý nghĩa ở việc xây dựng triết thuyết. Nguyễn Đăng Thục chưa có lối trình bày mạch lạc, hành văn tối nghĩa, rườm rà; chính lẽ ấy người đọc không dễ dàng lĩnh hội ý tưởng của ông.
Tinh thần Khoa học, Nguyễn Đăng Thục muốn dung hòa Âu Á, qua văn hóa. Và như bản tuyên ngôn, luận đề ấy là phần chính yếu trong cuốn sách này. Bộ Lịch sử Triết học Đông Phương I là Lịch sử Triết Học Trung Hoa (I,II) biên khảo diễn tiến lịch sử triết học, tài sản triết lý qua nhiều khuynh hướng: Khổng Mạnh, Dương Chu, Mặc Tử… để người đọc thấu triệt tổng quát triết Đông.
Hai tập trong bộ sách chưa đủ để nhận xét tổng quát; tuy nhiên với phương pháp và nội dung trình bày (tài liệu ông viết căn cứ vào hai nhà tân triết học Trung Hoa như Phùng Hữu Lan và Hồ Thích) tiến bộ hơn Tinh thần Khoa học và bản tuyên ngôn bảo thủ đăng trên báo Duy Nhất. Phương pháp làm việc của ông nhiều công phu, lý luận, lập trường dựa vào dân tộc truyền thống, hòa hợp nhịp nhàng, văn khảo luận hấp dẫn không kém lối viết triết Bertrand Russell. Từ câu văn dài lê thê, thiếu mạch lạc, dài giòng, tối nghĩa ít có trong Lịch sử Triết học Đông Phương I,II.
Ông là nhà biên khảo triết học chuyên khảo triết Đông Phương với vốn học hỏi uyên thâm. Và nếu một dân tộc phát triển hùng mạnh, dựa trên nhiều khuynh hướng triết học; thì giá trị Nguyễn Đăng Thục đã có. Ông phát huy vốn văn hóa dân tộc so sánh hòa đồng Tây Đông, quân bình xã hội quốc gia, dung hòa tinh túy văn hóa Đông Phương và khoa học kỹ thuật Tây Phương. Qua đời ở Sài Gòn năm 1999.
4. LÊ THANH (1913 – 1944)
Tên thật Nguyễn Văn Thanh. Sinh năm 1913, mất 1944. Viết cho báo Tri Tân của Nguyễn Văn Tố. Tác giả Cuộc phỏng vấn các nhà văn. (Đời mới 1943) Trương Vĩnh Ký (1943), Văn học Việt Nam; đăng trên báo Tri Tân, Thân thế và Văn chương Tú Mỡ (1942), Sóng rợn sông Đà (nói về tư tưởng và thi nghiệp Tản Đà) đăng trên báo Tin Văn của Thái Phỉ (1941-42)... Những sách của ông viết về văn học Việt Nam cũng như phỏng vấn chỉ giá trị ở khía cạnh tài liệu; còn hệ thống viết phiến diện không được như Vũ Ngọc Phan. Một Kiều Thanh Quế cùng ý nghĩa, tuy tay nghề viết lách cao hơn so với Lê Thanh viết Văn học Việt Nam, cũng không bằng lối viết tính sổ văn nghệ ở Ba Mươi Năm Văn Học của Mộc Khuê (Tân Việt, xuất bản 1944). Nhưng không vì thế mà chúng ta có thể quên tài liệu phỏng vấn văn học, ở tuần chiến, xác đáng về tư liệu phong phú của Lê Thanh.
5. KIỀU THANH QUẾ (1914 – 1947)
Ông còn một bút hiệu nữa Tô Kiều Phương viết về Học thuyết Freud (Tân Việt xuất bản), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam (Đời Mới, xuất bản 1943), Phê bình văn học (Tân Việt)...và nhiều báo ký bút hiệu Kiều Thanh Quế đăng trên tạp chí Tri Tân. Nhận định khái quát về tài liệu văn học và phê bình văn học của Kiều Thanh, ông có con mắt nhìn tổng quát cho người đọc thấy biểu nhất lãm diễn tiến văn học Việt Nam. Tuy nhiên tài liệu, lập luận viết chứng tỏ giá trị hơn Lê Thanh, Mộc Khuê. Cuốn Triết Học Freud chưa thể cho người đọc một khái quát, nắm được tư tưởng nhà phân tâm học rõ ràng. Ông viết không theo dàn bài nhất định, tùy hứng, có khi đang nói về tiểu thuyết, bỏ nửa chừng gián đoạn kể tiếp về cuộc đời, công việc làm; chứng tỏ ông chưa hệ thống hóa một cách khoa học. Người đọc sách Freud có thể hiểu qua người viết, như Daniel Lagache với La Pschycanalyse (Phân tâm học) (PUF, loại Que sais je?); nhưng với Kiều Thanh Quế, nói riêng, hay nhà biên khảo tiền chiến khác nói chung, chưa ai viết về vấn đề này khúc triết, dễ hiểu cho người đọc có một khái quát. Kiều Thanh Quế là nhà văn biên khảo giá trị, gốc ở Nam Phần đứng sau Phan Văn Hùm.
Những ngày cuối cùng, ông ẩn mình trong triết thuyết đạo Phật, bằng cách gõ mõ cầu kinh tại gia. Rồi ông bị Pháp bắn chết trong cuộc hành quân sau năm 1945 ở Biên Hòa.
6. DOÃN KẾ THIÊN (1891 – 1965)
Ông còn biệt hiệu Sở Bảo. Tác phẩm đã xuất bản: Hà Nội cũ (1934 đến 1944), Danh nhân Việt Nam (Đời Mới, 1943), Văn phạm Chữ Hán (Mai Lĩnh xuất bản). Cuốn giá trị tiêu biểu cho văn nghiệp là Danh nhân Việt Nam. Ông viết về cuộc đời Trạng Bùng, Nguyễn Văn Giai, Hoàng Sầm, Nguyễn Đình Giản, Võ Duy Thanh, Ngô Thời Nhiệm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ. Giá trị cuốn sách như đã bàn trong tiết khái quát về nhà văn biên khảo; có ảnh hưởng lớn lao với thế hệ thanh niên tìm hiểu tinh thần chịu đựng cũng như cuộc đời ngoại hạng danh nhân, để tạo cho một lòng tin dũng tiến. Nói như vậy, giá trị Doãn Kế Thiện đã đạt. Mẫu danh nhân rất cần để huấn luyện cho người hôm nay còn vô danh, ngày mai là anh hùng, một chút máu ngang tàng Lý Thường Kiệt, một chút kiêu sa của kẻ thừa tài bất mãn Cao Bá Quát, một chút dũng cảm chí lớn như Quang Trung, một chút tài hoa văn chương Nguyễn Du, một sức chịu đựng Nguyễn Công Trứ, một sáng kiến viễn ảnh Nguyễn Trường Tộ và v.v… thì hẳn rằng văn hóa văn nghệ, đó là khí giới truyền bá, là gạch nối lịch sử.
7. NHƯỢNG TỐNG (1897 – 1948)
Sinh năm 1897 ở Nam Định, viết báo Thực Nghiệp Dân báo... Còn có bút hiệu Hoàng Kiếm Thu. Tên thật Hoàng Phạm Trân. Có chân trong Việt Nam Quốc Dân Đảng, một trong người đồng lao cộng tác việc chủ trương làm cách mệnh chống Pháp. Ông viết báo, viết văn, dịch sách. Tác phẩm đã xuất bản: Lan và Hữu (1940), Sử Ký Tư Mã Thiên (Tân Việt, 1944, dịch trích diễm), Tây Sương Ký (biên chú), Ngư tiều Vấn đáp dịch với Phan Văn Hùm (nguyên tác Đồ Chiểu), Đại Việt Sử Ký dịch của Ngô Sĩ Liên (Tân Việt) Nguyễn Thái Học (Tân Việt 1949) thơ, Ly Tao dịch thơ Khuất Nguyên, Đỗ Phủ… (Tân Việt 1944), Trang Tử Nam Hoa Kinh (Tân Việt 1945) v.v…
Sử Ký Tư Mã Thiên, cuốn sử ký của sử gia Trung Quốc, xuất thân hoạn quan vì lý do đả phá phong kiến. Ông đã hy sinh cuộc đời chỉ để viết vào thiên sử ký, lập trường sử gia biểu hiện sử, chép lịch sử diễn tiến dân tộc Trung Hoa theo quan niệm biểu hiện, tôn trọng sự thật, không khuất phục thế lực kim tiền, nhỡn quan của người đứng về phe bị thống trị.
Như một thiên-truyện gần mang tư tưởng chống đối phong kiến và lòng phục vụ sử học của Tư Mã Thiên đam mê tột bực. Quách Mạt Nhược đã linh động hóa tiểu sử thành truyện, không hẳn là tiểu sử chính truyện, song ông viết điển hình tiêu biểu một phần nói về tư tưởng, cuộc đời Tư Mã Thiên. Nhượng Tống như đa số nhà văn tiền chiến khi biên dịch một tác phẩm ngoại quốc không làm công việc giới thiệu tư tưởng và cuộc đời, xuất sứ trong giai đoạn lịch sử nào, nên người đọc bỡ ngỡ và không hiểu thêm được tác giả đã đành và nguyên do tại sao người dịch lại làm công việc ấy. Ở những nước văn hóa cao như Pháp chẳng hạn, bất cứ tác phẩm dịch nào ít bỏ sót định luật căn bản ấy. Bây giờ bàn về nghệ thuật dịch Nhượng Tống. Dịch trích diễm, văn thoát, giới thiệu cho độc giả một quan niệm tổng quát về sử học, văn học Trung Hoa, một dân tộc mà chúng ta đã bị đô hộ ngót một nghìn năm, lẽ tất nhiên thâm nhập văn hóa ảnh hưởng mạnh đời sống người Việt Nam. Đọc Sử Ký Tư Mã Thiên, phái tân học ít am hiểu Hán học hiểu đại quan sử học cách xử thế cao nhất Trung Hoa qua bộ môn. Quan niệm nhân sinh hôm nay không thể chối cãi sự thoát ly triết lý Trung Hoa, nếu có, chỉ là vấn đề dung hòa quan niệm sống giữa hai nền văn minh Đông Phương điển hình Trung Hoa và Âu Phương. Nhượng Tống có lối hành văn thoát, dễ hiểu, mạch lạc, sáng sủa. Còn tác phẩm dịch, theo chúng tôi, chưa được mỹ mãn lắm; vì dịch đôi khi là phản, hơn nữa cách dịch thơ của Khuất Nguyên qua Ly Tao thật khó hay để lột được nguyên tác. Tác giả bị giam trong tù ngục, tương tự Cervantès, Dostoievskð. Dịch thơ Đỗ Phủ thì Nhượng Tống cùng ý nghĩa tuyển chọn khi dịch thơ Khuất Nguyên.
Năm 1948, ông bị ám sát ở Hà Nội vì lý do chính trị. Là nhà văn biên khảo có công dịch thuật, nhà cách mệnh yêu nước có công với lịch sử Việt Nam. (Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930). Văn học Việt Nam cũng chịu ơn ông, bởi thêm những dịch phẩm vô cùng giá trị vào buổi đầu thế kỷ.
KẾT LUẬN VỀ NHÀ VĂN BIÊN KHẢO, PHÊ BÌNH
Nhìn vào lịch trình biên khảo tiền chiến, phải công nhận rằng, nhà phê bình văn học, và biên khảo rất ít, và tác phẩm thực giá trị không nhiều cho lắm. Có lẽ một phần khuyết điểm lớn, nhà văn biên khảo nói riêng, văn nghệ sĩ Việt Nam, ít có cơ hội phát triển loại sách khó có độc giả này. Ngoài ra, còn một số nhà biên khảo có thái độ tự cao, tự phụ, ếch ngồi đáy giếng.
Đành rằng có Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn, Phạm Huy Thông, Phan Văn Hùm, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Đức Quỳnh (Hàn Thuyên); nhưng ít quá, đó là chúng ta nói về phe tân học từ giai đoạn 1930 trở đi. Còn nhà uyên thâm Hán học như Nhượng Tống. Và Vũ Ngọc Phan chịu nghiên cứu, học hỏi, có công với văn học sử Việt Nam qua bộ phê bình Nhà Văn Hiện Đại. Nhận thấy rằng giá trị Hoàng Xuân Hãn, hay Trần Đức Thảo (Hiện tượng luận và Chủ Nghĩa Mác) so sánh giá trị đúng xác, ai có công hơn trong văn học sử Việt Nam thì đa số không phải là Trần Đức Thảo vv... Trương Tửu có công lớn với văn học Việt Nam qua những biên khảo, dù là nhà văn và nhà biên khảo ở trong nước tự học.
Đành rằng làm thơ phải thiên bẩm, một thi tính không cần căn bản học vấn cao vẫn có thể là thi sĩ nổi tiếng, thi bá. Verlaine của Pháp lên chín tuổi đã bài thơ mang hình ảnh xã hội, giáo đường, tình yêu, cuộc đời; như người có vốn sống kinh nghiệm. Nào có ai nghĩ được rằng tài năng có từ thuở tác giả còn là cậu bé không? Nguyễn Bính hay Chế Lan Viên, học vấn có là bao; nhưng về thi nghiệp của họ, với khởi điểm bột phát thiên bẩm thi tính, họ bắt đầu từ năm lên chín và mười hai.
Nhưng là nhà văn biên khảo, phê bình văn học, không những có tài, năng khiếu, khả năng viết lại cần vốn học hỏi. Cũng không cho rằng kẻ học cao có thể làm văn học tốt, bởi lẽ sự học hỏi ở nhà trường như hiểu biết trường đời để tạo thành văn phẩm rất khác nhau. Ehrenbourg văn sĩ có danh của Nga được Staline quý hơn sư đoàn thiện chiến, hẳn lãnh tụ này biết được sức mạnh tinh thần ngàn cân trong văn học. Và đoàn kỹ sư tâm hồn được đặt ra từ đấy. Hoặc Maxime Gorki nghèo nàn từ thuở mới ra đời, bao nhiêu phen va chạm oan nghiệt, xã hội thối nát cũ Nga Hoàng (Tsar), cơm không đủ ăn, làm phu đắp đường không đủ sống, đi bán hàng thì ăn cắp nến của chủ để đọc sách ban đêm kiếm tiền vào đại học Kazan (Xin nói rõ, chương trình đại học ngoại quốc mở rộng, không như ở các nước bị thống trị hoặc nước mới tiến). Đại học đường cuộc đời giúp Maxime Gorki trở thành văn hào trên thế giới. Một Victor Hugo, Émile Zola, Anatole France chỉ có sức học tú tài, thi không bao giờ đậu, nhưng là văn sĩ Pháp tài danh. Anatole France mở tự điển ra học trước khi ăn cơm, nói chung thì nên hiểu rằng, nhà văn thiên tài vẫn phải học liên tục. Một trí thức có căn bản học hỏi không ngừng cũng khó trở thành nhà văn; nếu không thiên bẩm. Sự khác nhau đó là năng khiếu và tài năng.
Về phê bình, ngoài Phan Khôi, Trương Chính, Hoài Thanh, Thiếu Sơn v.v… thì Vũ Ngọc Phan là nhà phê bình vững chãi nhất; biển học mênh mông; vốn sống chỉ là thước để đo. Vì thế đã có lần Kiều Thanh Quế nhắc lỗi nhỏ về Vũ Ngọc Phan không đọc hết các sách, mà vẫn phải phê bình như là biết hết:
“…Lối phê bình thiếu sáng tác, ta có thể bảo lối phê bình của Vũ Ngọc Phan đã dùng viết mấy cuốn Nhà văn hiện đại. Ví dụ như việc phê bình bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim, họ Vũ chỉ mất công lặp lại lời phê bình của Phan Khôi cùng những lời đáp lại của Trần Trong Kim thôi ...(59) ”
Ngoài ra, một nước bị thống trị như chúng ta, vào thời Pháp, một Hàn Thuyên, qua những tác phẩm khảo cứu có tinh thần hướng thượng, sức học uyên bác, chứng tỏ là họ là nhà văn chịu học hỏi. Trương Tửu là điển hình trong sự tự học này. Ngoài ra, Nguyễn Đức Quỳnh, Phạm Ngọc Khuê, Đặng Thái Mai, Lương Đức Thiệp... vẫn chịu học hỏi cả khi nghiên cứu; sau nữa phải kể đến nhà biên khảo Lê Văn Siêu(60) , ban đầu chỉ là một thứ ouvrier (thợ công nghiệp).
Trước 1930, Phạm Quỳnh là học giả có tiếng, có công trong văn học sử Việt Nam chỉ bắt đầu với sức học Brevet Ier cycle (bằng Thành chung); nhưng sự hiểu biết uyên bác, tự học tạo vốn học siêu đẳng, viết và nói tiếng Pháp, diễn thuyết ở Paris cho chúng ta thêm nhận định: sự học cần cù không ngừng phát triển với khối óc thiên bẩm.
Tình trạng biên khảo tiền chiến với sự phát triển tác phẩm biên khảo giá trị, dịch phẩm quý giá, một khi nhìn lên như Pháp từng dịch hàng triệu cuốn sách giá trị, qua nhiều thứ tiếng, qua nhiều ngành; thì quyết định ở nhà văn sau này ở hai điểm: có khối óc sáng tác, thiên bẩm văn thi tính và tự mình phải khai triển vốn căn bản hiểu biết. Khổ công cũng là một sự kiện quan trọng trong việc phát huy nghề nghiệp.
Văn hóa phát triển, thì đời sống tinh thần, vật chất, sẽ làm chúng ta rạng rỡ với thế giới, với quốc gia có tên trên bản đồ chưa bao giờ biết và nghe đến hai tiếng Việt Nam.
THẾ PHONG
CÒN TIẾP ..
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ