Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

đọc thêm (1) : " Nguyễn Thị Hoàng : " tôi từng tuyệt vọng vì VÒNG TAY HỌC TRÒ bị chê "/ Hà Thu -- nguồn: https://vnexpress.net/

 

Nguyễn Thị Hoàng: 'Tôi từng tuyệt vọng vì Vòng tay học trò bị chê'


HÀ THU


Nguyễn Thị Hoàng nói khi "Vòng tay học trò" xuất bản năm 1966, bà từng tuyệt vọng vì sách bị nhận xét "đồi trụy".

Trong buổi giao lưu với độc giả Hà Nội hôm 18/4 nhân tái bản sách, nhà văn nói tác phẩm được viết sau khi bà gặp biến cố ở Nha Trang (Khánh Hòa), phải vào Sài Gòn mưu sinh, rồi cuối cùng lại lên Đà Lạt (Lâm Đồng), với mong muốn gột rửa những nỗi đau, làm lại cuộc đời.

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Ảnh: Nhã Nam.

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Ảnh: Nhã Nam.

Năm 1964, khung cảnh nên thơ ở Đà Lạt, những con người hồn hậu nơi đây tạo xúc cảm cho bà đặt bút viết tác phẩm đầu tay dưới bút danh Hoàng Đông Phương, đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa. Nhân vật chính của truyện là cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm và cậu học trò Minh. Ở độ tuổi hai mươi xuân sắc, cô giáo Trâm rời Sài Gòn hoa lệ, đến Đà Lạt tìm kiếm sự yên bình. Khi gặp Minh, sự đồng điệu trong tâm hồn cô giáo trẻ và cậu trò mới lớn đã kéo hai người lại bên nhau, khiến cuộc đời họ thay đổi. Cuộc tình của họ đan xen cảm xúc trong sáng và khao khát nhục dục.

Tác phẩm lần đầu xuất bản năm 1966, trở thành "quả bom" chấn động văn đàn miền Nam. Nhiều tờ báo lúc ấy nhận xét cuốn sách "đồi trụy". Vì nhân vật chính có một số điểm tương đồng với bà, nhiều người đánh đồng cuộc đời bà với cuộc đời Trâm.

Bà cho biết: "Thời điểm ấy, một vài câu chữ của tôi gây ra hiểu lầm. Thực tế, tôi viết sách với tâm thế hoàn toàn trong sáng. Vài năm sau đó, tôi mới lấy chồng và biết đến chuyện đàn ông đàn bà. Khi tác phẩm bị bôi đen, tôi tuyệt vọng, như thể mình bị vùi dập, dìm chết đến nơi. Thế nhưng, tôi không thể gục ngã bởi con đường này còn dài. Người đương thời có thể hiểu sai về tác phẩm nhưng biết đâu thế hệ sau hiểu đúng. Tôi học cách thản nhiên sống, tập trung sáng tác".

Theo tác giả, độc giả yêu thích Vòng tay học trò bởi hai yếu tố - ngôn từ và tư tưởng. Thông qua câu chuyện về nhân vật nữ khát khao đi tìm cuộc sống mới, bà lồng ghép những vấn đề về xã hội đương thời. Thời đó, chỉ trong vài tháng, sách tái bản bốn lần, đưa Nguyễn Thị Hoàng trở thành tên tuổi gây chú ý với độc giả, văn giới.

Cuốn sách Vòng tay học trò do Nhã Nam tái bản, giá bìa 165.000 đồng. Ảnh: Nhã Nam.

Cuốn sách "Vòng tay học trò" do Nhã Nam tái bản, giá bìa 165.000 đồng. Ảnh: Nhã Nam.

Sau Vòng tay học trò, Nguyễn Thị Hoàng được các nhà xuất bản đặt viết các tác phẩm kế tiếp. Từ năm 1966 đến 1975, bà cho ra đời 30 tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn, gồm các tác phẩm như Trên thiên đường ký ức, Tuổi Saigon, Vào nơi gió cát, Cho những mùa xuân phai, Mảnh trời cuối cùng... Nhà văn nói bà viết nhiều vì áp lực nuôi con nhỏ. Sau đó, Nguyễn Thị Hoàng ngừng viết 15 năm vì cuộc sống bất ổn, trước khi trở lại vào năm 1990 với tập ghi chép Nhật ký của im lặng.

Dịp này, ngoài Vòng tay học trò, Nguyễn Thị Hoàng và Nhà sách Nhã Nam chọn tái bản thêm ba cuốn khác là Tiếng chuông gọi người tình trở về, Tuần trăng mật màu xanh và Cuộc tình trong ngục thất, chung bối cảnh những năm đầu 1970. Riêng cuốn Một ngày rồi thôi lấy bối cảnh những năm 1950 trường nữ sinh Đồng Khánh ở Huế - nơi Nguyễn Thị Hoàng từng học.

Nguyễn Thị Hoàng nguyên quán ở Quảng Trị, sinh năm 1939 tại Huế, thân sinh bà làm Tổng Giám thị trường Quốc Học Huế từ năm 1930. Bà theo học tại Tiểu học Đoàn Thị Điểm và Trung học Đồng Khánh (Huế) đến năm 1956 thì vào Nha Trang. Năm 1960, bà vào Sài Gòn theo học Đại học Văn Khoa, Đại học Luật khoa rồi dạy học ở Đà Lạ

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ