đọc thêm (1) : " nhà thơ Trần Nhật Thu - người giao liên không còn đưa thư nữa "/ Vũ Ân Thy -- nguồn: sggp.org.vn>
Thứ Bảy, ngày 12 tháng 3 năm 2022
Nhà thơ Trần Nhật Thu - người giao liên không còn đưa thư nữa
Sau ngày đại thắng 30-4-1975, Đài Phát thanh Giải Phóng (cơ quan thường trú đài Tiếng nói Việt Nam) số 7 Nguyễn Thị Minh Khai là địa chỉ gần như duy nhất tại TPHCM dành cho cánh báo chí và văn nghệ sĩ lui tới. Và khu chung cư 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa là phòng trọ cho cánh văn nghệ sĩ cả nước đến thành phố. Một trong những nơi nhiều khách miền Bắc và miền Trung nhất là căn hộ của Trần Nhật Thu.
Thu đã là “người giao liên” từ hồi ở Đồng Hới, Quảng Bình, nay vẫn còn thói quen đưa đón bạn bè văn nghệ sĩ. Hồi đó ai cũng nghèo, nhưng nhà Trần Nhật Thu đông khách hơn vì Thu quen nghề, vợ anh, chị Thuận lại vui vẻ và luôn quý khách văn của chồng.
Chúng tôi làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam cũng lấy nhà Trần Nhật Thu làm trạm liên lạc. Không hiểu sao, nhà Thu luôn có trà ngon, rượu ngọt. Đói thì được ăn, khát thì có nước, có rượu. Cần đi đâu thì Thu dẫn đường. Nhiệt tình, thỏa mãn các yêu cầu của bạn văn, Trần Nhật Thu được anh em gọi vui là “người giao liên”.
Trần Nhật Thu là người con của vùng đất lửa Quảng Bình thời chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược. Nhưng TPHCM và vùng đất Nam bộ đã là nơi hình thành nên một Trần Nhật Thu. Nói đúng hơn là từ năm 1976, do điều kiện thuận lợi anh in được sách và… viết nhiều hơn. Anh sinh ngày 15-7-1945 tại Đồng Hới. Năm 1964, anh đi thanh niên xung phong. Công tác tại Hội Văn Nghệ Quảng Bình và sau 1975, về công tác tại Tuần báo Văn Nghệ TPHCM.
Trong vòng 30 năm, Trần Nhật Thu xuất bản 6 tập thơ, 2 tập truyện, và 5 tập sách biên khảo, chân dung văn học… Nhưng người đọc nhớ nhất đến thơ Trần Nhật Thu. Thơ Thu nhẹ nhàng, tha thiết và duyên dáng. Như tính cách của anh, rụt rè, khiêm nhường…
Làm gì, ở đâu, quê hương Bình Trị Thiên nói chung và Quảng Bình nói riêng luôn gắn bó với anh. Khi gia đình anh chuyển về ở 662/93 Bùi Đình Túy, phường 12, quận Bình Thạnh, Trần Nhật Thu bỗng như người ở ẩn. Bạn bè ít gặp anh. Anh lại bệnh tật liên miên… Và để rồi 18 giờ 15 phút ngày 31-10-2008, anh lặng lẽ ra đi ở cái tuổi sung sức, chín muồi của một nhà thơ.
Nghe tin anh mất, tôi đang ở xa thành phố. Nhớ anh viết gởi đôi dòng, nhờ chị Thuận, vợ anh; cháu Nhi, Linh, Hoài, các con anh, thắp hộ nén nhang thơm, mà nhủ thầm, rằng chúng tôi nhớ anh lắm đấy, nhà thơ Trần Nhật Thu ơi!
Vũ Ân Thy
Lễ nhập quan và lễ viếng nhà thơ Trần Nhật Thu lúc 22 giờ ngày 31-10 tại tư gia số 662/93 Bùi Đình Túy, phường 12, quận Bình Thạnh. Lễ động quan vào lúc 11 giờ ngày 2-11-2008 và sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang TPHCM (Củ Chi). T.Vy ========== |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ