Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

đọc thêm (2) : " Trần Nhật Thu [ i.e. Trần Viết Hỷ 1945- 2008 ] - giã biệt' Hoa Hồng Gió Mặn" / Lê Thiếu Nhơn (tphcm) -- nguồn: báo Sức Khoẻ & Đòi Sống

 

Trần Nhật Thu - Giã biệt hoa hồng gió mặn

LÊ THIẾU NHƠN

03-11-2008 5:09 PM | Văn hóa – Giải trí

18 giờ 15 phút ngày cuối cùng của tháng 10/2008, nhà thơ Trần Nhật Thu đã từ giã dương gian tại nhà riêng, sau một thời gian dài bị hành hạ bởi bệnh khớp và bệnh gan. Cuộc đời 64 năm của ông có nhiều bôn ba, nhiều lận đận nhưng ông vẫn ân cần sống, ân cần viết.

18 giờ 15 phút ngày cuối cùng của tháng 10/2008, nhà thơ Trần Nhật Thu đã từ giã dương gian tại nhà riêng, sau một thời gian dài bị hành hạ bởi bệnh khớp và bệnh gan. Cuộc đời 64 năm của ông có nhiều bôn ba, nhiều lận đận nhưng ông vẫn ân cần sống, ân cần viết. Tôi quen Trần Nhật Thu hơn một thập niên, chưa bao giờ thấy ông thù hằn với ai, ông lúc nào cũng nhã nhặn và nhiệt tình. Cư ngụ cùng thành phố, nhưng phải thú thật ông và tôi ít có dịp trò chuyện thân tình, lần gặp nào cũng vội vàng. Thế nhưng, hầu như bao giờ tôi cũng thấy trên chiếc xe đạp be bé phù hợp với dáng người thâm thấp của ông, luôn có những cuốn sách mới, có khi là sách của ông mà cũng có khi là sách của bạn bè nhờ ông chăm sóc hộ bản in. Trần Nhật Thu luôn bận bịu, vì ông không biết cách từ chối bất kỳ ai, nhất là những người có ham muốn sáng tác. Tôi đã từng chứng kiến ông cẩn thận chỉnh sửa rồi nắn nót viết lời tựa cho tác phẩm của những tác giả vô danh. Sự chân thành ấy không nhiều lắm trong nhịp sống Sài Gòn hối hả hôm nay.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, Trần Nhật Thu đã có tập thơ Nơi giáp mặt in chung với Cảnh Trà và Quang Huy. Ngay khi đất nước vừa thống nhất, ông rời quê nhà Quảng Bình vào miền Nam và làm việc tại báo Văn Nghệ TP. HCM đến tuổi nghỉ hưu. Suốt hơn 30 năm lập thân ở Sài Gòn, cả 8 tập thơ của Trần Nhật Thu đều đăm đắm viết về cố hương. Mảnh đất Đồng Hới gian nan cứ cháy bỏng từng ngày trong tâm hồn ông: "Biết giờ này mảnh vườn mẹ còn không? Nơi chùm ổi ta về chưa kịp hái. Biết giờ này con đường xuống nhà em. Cỏ tóc tiên có còn xanh trở lại?"

Trần Nhật Thu không cao giọng ngoài đời, nên càng nhỏ nhẹ hơn trong thơ. Những nỗi nhớ niềm thương khắc khoải của ông cứ lan dần ra theo giọng điệu mềm mỏng như khoảng lặng xa ngái một câu hò xóm chài ven biển Nhật Lệ: "Mưa, mưa hoài có ướt áo em không? Đường đi trơn, nhớ bấm chân, kẻo ngã. Em búi gọn tóc lên, đừng để bay như thế. Đừng để bay như thế, nỗi buồn ơi...". Thơ Trần Nhật Thu cứ dung dị như vậy. Đó là những lời thầm thì của một người thấu hiểu vẻ đẹp mộc mạc giữa lam lũ.

Đối với Trần Nhật Thu, hai hình ảnh trở thành biểu tượng ám ảnh là "hoa" và "gió". Hoa sinh ra vì gió, hoa vật vờ vì gió, hoa nổi chìm vì gió, và hoa hồi sinh cũng vì gió. Tên những tập thơ của Trần Nhật Thu đều được liên kết bằng hoa và gió, từ Mùa bão và hoa muống biển in năm 1977 và Hoa hồng gió mặn in năm 1986, cho đến Từ những bờ hoa gió thổi về in năm 1998. Thơ Trần Nhật Thu thủ thỉ đỡ lòng người Quảng Bình: "Em mới về, em chớ ngạc nhiên. Đất khắc nghiệt phải sinh tầng lá nhọn" cũng như chấm phá dáng người đi qua những đồi cát mịt mù với cánh tay thay mái chèo khá ấn tượng: "Gió truyền thuyết thổi suốt chiều thương nhớ. Tay dẻo mềm em chèo cạn cùng anh".

     Nhà thơ Trần Nhật Thu sinh ngày 15/7/1945 tại Đồng Hới, Quảng Bình, mất ngày 31/10/2008 tại TP. HCM. Các tập thơ đã xuất bản: Mùa bão và hoa muống biển, Gặp gỡ mùa gió chướng, Hoa hồng gió mặn, Từ những bờ hoa gió thổi về, Trên những nẻo đường chiến tranh... Ngoài ra ông còn có các tập văn xuôi Con mắt của cánh buồm, Truyền thuyết biển, Ở Sài Gòn bỗng gặp bông bí vàng.

Ngoài vài bút danh để viết báo, nhà thơ Trần Nhật Thu còn ký tên Phan Thuận Thảo cho cuốn biên khảo Tục lệ cưới gả, tang ma người Việt xưa tái bản rất nhiều lần. Lâu nay tôi cứ nghĩ Trần Nhật Thu là tên thật của ông. Ngờ đâu, khi ông qua đời rồi, ngồi với người em trai của ông ở đám tang, tôi mới biết Trần Nhật Thu cũng chỉ là bút danh, còn trên giấy khai sinh là Trần Viết Hỷ. Có lẽ cái tên gọi do bố mẹ đặt đã trở thành định mệnh, với Trần Nhật Thu thì chỉ có chuyện "viết" mới mang lại cho ông điều "hỷ". Dù đã nghỉ hưu, Trần Nhật Thu vẫn rất say mê nghề nghiệp. Những năm gần đây, bệnh tật dồn dập khiến ông đi lại rất khó khăn, nhưng mỗi ngày ông vẫn cặm cụi leo cầu thang cơ quan đại diện báo Sức khỏe & Đời sống tại TP. HCM để được thỏa chí làm việc. Có lần tạt vào thăm, tôi hơi ái ngại nhìn từng bước chân nặng trĩu của ông. Vậy mà đọc những bài viết của ông ở mục "Áo trắng đèn đỏ" thì tôi không thể nào nhận ra sự mỏi mệt nào.

Bệnh tật không thui chột được lòng yêu nghề, yêu người của nhà thơ Trần Nhật Thu, nhưng tuổi trời cho ông đã khép lại. Vĩnh biệt ông, tôi bỗng nhớ những dòng bộc bạch của ông. Tôi tin chỉ cần đọc đoạn trích này, những ai chỉ mới "văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình" cũng ít nhiều hình dung được những trắc ẩn mong manh trong nhà thơ Trần Nhật Thu: "Đi qua đạn bom, có những đêm dưới hầm sâu tối tăm, bên ngọn đèn dầu tù mù tôi đọc, tôi học và nhận ra một điều: Những cuốn sách đã cứu sống tôi, đã giúp tôi vượt lên số phận. Đọc và học một cách không hệ thống, ngắt quãng bởi tiếng bom, giữa cái chết và cái sống. Cuộc đời đã dạy tôi sống, dạy tôi làm người và viết những dòng văn thơ đầu tiên. Tôi cũng không ngờ mình đi vào cái nghiệp dĩ này. Càng đi nó càng đày đọa và làm khổ mình... Trách ai bây giờ, chỉ tự trách mình không chọn một con đường khác, con đường vai u thịt bắp chẳng hạn, cầm lấy cây bút làm gì?"

Sài Gòn, đêm 1/11/2008
Lê Thiếu Nhơn

===========

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ