Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2022

" có một ông SƠN NAM người Anh "/ Huỳnh Duy Lộc -- source : SAIGON nhỏ ( Mỹ )

 

Có một ông “Sơn Nam” người Anh

Share:
Share on facebook
 
Share on twitter
 
Share on linkedin
 
Share on telegram
 
Share on whatsapp
Ông “Sơn Nam người Anh” Tim Doling, người đang gián tiếp “dạy” giới quản lý và hoạt động văn hóa Việt Nam bài học về giữ gìn di sản (historicvietnam.com)

Nếu nhà văn-nhà văn hóa Nam Bộ Sơn Nam còn sống, có thể hình dung cảnh tượng thú vị khi ông Sơn Nam đàm đạo cà kê chuyện Sài Gòn xưa với một “ông Tây”: Tim Doling. Nói tiếng Việt sõi như tiếng mẹ đẻ, Tim Doling đam mê văn hóa kiến trúc Việt Nam, đặc biệt Sài Gòn. Ông rành rẽ từng hẻm hóc Sài Gòn. Ông nói vanh vách lịch sử nhiều di sản kiến trúc Sài Gòn. Ông biết nhiều chuyện Sài Gòn xưa còn hơn cả người Sài Gòn chánh gốc. Chẳng biết “kiếp trước” ông có “nợ nần” gì với Việt Nam không mà bây giờ ông yêu mến xứ sở này, với tình yêu hệt như ông Sơn Nam, hệt như mọi người Việt…

Vài nét về “ông Tây-Sơn Nam”

Tim Doling sinh ngày 1 Tháng Hai 1956 ở Bristol, Anh. Ông lấy bằng thạc sĩ (master) về lịch sử Trung cổ xứ Wales từ University of Wales Aberystwyth; khởi đầu sự nghiệp bằng việc điều hành các nhà hát và trung tâm nghệ thuật ở Coleraine (Bắc Ireland), Horsham (Anh) và Hong Kong. Sau đó, ông thực hiện nhiều dự án văn hóa ở châu Á, châu Phi và châu Âu cho tổ chức UNESCO, Hội đồng Anh (British Council) và Visiting Arts. Năm 1996, ông lập gia đình với một phụ nữ Việt Nam. Từ đó, ông mê mệt Việt Nam và dành hết thời gian để nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt.

Tim Doling đặc biệt quan tâm kiến trúc phong cách thuộc địa Pháp ở Hà Nội và Sài Gòn. Được sự giới thiệu của kiến trúc sư Mel Schenck, ông nghiên cứu kiến trúc hiện đại với những công trình kiến trúc ở Sài Gòn từ thập niên 1950-1970. Ông còn thực hiện dự án quản lý nghệ thuật ở ba trường đại học tại Hà Nội do Quỹ Ford tài trợ. Ông cũng lập ra các trang web như Visiting Arts Cultural Profile, historicvietnam.com, trong đó trang Chân dung văn hóa Việt Nam, Cambodia và Lào nhận được nhiều khen ngợi. Công trình nghiên cứu của Tim Doling đã thể hiện ở những quyển sách: The railways and tramways of VietnamExploring Quảng Nam, Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng and Tam KỳExploring HuếNorth East Việt Nam, Việt Nam Arts Directory; North West Việt Nam

Một trong những công trình nghiên cứu của Tim Doling

Các tác phẩm trên cho thấy sự hiểu biết của Tim Doling về Quảng Nam, Đà Nẵng, Hội An, Huế và Sài Gòn, trong vài trường hợp, còn hơn cả cư dân lâu năm của những tỉnh, thành này. Tài liệu ông tham khảo gồm sách, báo ở Thư viện Khoa học Tổng hợp (Sài Gòn) và Trung tâm Lưu trữ tài liệu thời thuộc địa ở Aix-en-Provence (Pháp). Ông từng làm khách mời trong nhiều chương trình truyền hình về lịch sử và di sản Việt Nam như SBS Australia, DMCom Media, Discovery Channel…

Đọc sách Tim Doling mới thấy ông già người Anh này không hổ danh là một “ông Sơn Nam da trắng”. Vốn kiến thức giàu, sự hiểu biết rộng sâu, và thái độ làm việc trên tinh thần khoa học ở những công trình biên khảo của ông có thể khiến không ít “nhà văn hóa học” ở Việt Nam ngày nay che mặt xấu hổ. Tim Doling thậm chí khiến chính quyền và “các nhà quản lý văn hóa” ở Việt Nam cũng thẹn khi ông bày tỏ sự tiếc nuối trước việc đập phá di tích Sài Gòn xưa đã và tiếp tục được thực hiện với một thái độ ngu dốt đến kinh ngạc. Dưới đây là vài nghiên cứu của Tim Doling về đô thành Sài Gòn (trích)…

Nhà thờ Đức Bà, ngôi nhà thờ được cho là ở kilomet số 0 của Sài Gòn

Nhà thờ Đức Bà, còn gọi là Nhà thờ lớn, là nhà thờ Công giáo lớn nhất ở Sài Gòn. Ý tưởng xây dựng một nhà thờ bằng gạch đã có rất lâu, trước khi nhà thờ Thánh nữ Marie Vô nhiễm (ở vị trí Tòa án Nhân dân quận 1 trước đây) xây bằng gỗ (đã có trước đó) bị mối mọt làm hư hỏng. Tuy nhiên sau khi nhà thờ này bị tháo dỡ vào năm 1874, chính quyền vẫn chưa có đủ kinh phí để xây một ngôi nhà thờ mới nên Thống đốc Nam Kỳ phải cho tổ chức những thánh lễ trong phòng khánh tiết rộng lớn trong Dinh Thống đốc xây bằng gỗ trên đường Taberd (đường Nguyễn Du hiện nay).

Năm 1876, chính quyền Đông Dương tổ chức một cuộc thi quốc tế để chọn bản thiết kế đẹp nhất. 18 bản thiết kế được chấp nhận và người giành chiến thắng là một kiến trúc sư ở Paris tên Jules-Louis Bourard. Thống đốc Nam Kỳ Victor Duperré đã đặt viên đá đầu tiên xây cất nhà thờ mới vào ngày 7 Tháng Mười 1877 trước sự chứng kiến của Giám mục Isodore Colombert. Công việc xây cất được giao cho Công ty Bunard, kéo dài suốt ba năm. Mảnh đất trên đó nhà thờ được xây cất đã gây ra lắm vấn đề cho các kỹ sư xây dựng, và vấn đề càng nghiêm trọng vào năm 1877, khi người ta phát hiện một hồ nước ngay dưới nền móng của công trình nhà thờ.

Vào lúc này việc cung cấp nước cho cư dân Sài Gòn gặp nhiều khó khăn nên việc phát hiện một hồ nước ngay dưới nền móng nhà thờ đã được nhiều người cho là “một ân sủng của Thiên Chúa”. Cuối năm 1877, nước của hồ nước bên dưới nền móng nhà thờ được dẫn và bơm lên một tháp nước đầu tiên được dựng lên ở giao lộ của đường Sohier và đường Catinat nối dài (nay là đầu đường Võ Văn Tần) để cấp cho cư dân. Cuối cùng, ngày 11 Tháng Tư 1880, ngày Chúa Nhật lễ Phục sinh, Thống đốc Nam Kỳ Charles Le Myre de Vilers và Giám mục Isodore dự lễ khánh thành nhà thờ.

Ngôi nhà thờ lộng lẫy rất được người dân Sài Gòn yêu thích cho đến một ngày người ta phát hiện nó bị nghiêng một bên. Trong tạp chí du lịch Tour du Monde năm 1893, nhà báo Pierre Barrelon cho biết “một trong hai tháp của nhà thờ bị sụt lún nên nhà thờ ở Sài Gòn có hai ngọn tháp không đều nhau giống như Nhà thờ Đức Bà ở Paris”. Người ta vội vã tìm cách khắc phục, nhưng tình trạng vẫn không khả quan hơn nên suốt thời kỳ Pháp thuộc, nhiều người vẫn chế nhạo “Nhà thờ nghiêng ở Sài Gòn”.

Chính phủ đã chi 2.5 triệu franc, được cho là “sự hoang phí điên rồ”, để xây ngôi nhà thờ bằng gạch đỏ trên nền móng đá hoa cương đen dài 91 m và rộng 35.5 m. Bên trong nhà thờ có 56 cửa sổ được kiến trúc sư Lorin de Chartres lắp kính màu vẽ những nhân vật và cảnh trong Kinh thánh. Hai tháp chuông ở mặt tiền nhà thờ có sáu cái chuông bằng đồng được đúc năm 1879 tại Pháp, có tiếng vang xa tới 10 km. Năm 1892, hai ngọn tháp bằng thép được xây thêm…

Vào ngày 10 Tháng Ba 1902, Toàn quyền Paul Doumer chủ trì lễ dựng bức tượng đầu tiên trước nhà thờ. Bức tượng – do Edouard Lormier thiết kế và do xưởng Maison Barbedienne chế tác – là bức tượng đồng Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) cầm tay Hoàng tử Cảnh, và từ lúc ấy công trường trước nhà thờ được gọi là Công trường Pigneau de Béhaine. Bức tượng Pigneau de Béhaine được tháo dỡ vào những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 và công trường được đặt tên lại là Công trường Hòa Bình…

Bưu điện Sài Gòn

Bưu điện đầu tiên của thành phố Sài Gòn chỉ là một tòa nhà đơn sơ được xây dựng trong những năm đầu của thời kỳ thuộc địa ở nơi sau này là bót cảnh sát trên đường Catinat (số 164 Đồng Khởi hiện nay), nhưng sau khi Nhà thờ Đức Bà được xây dựng, người ta thấy là Sài Gòn cần có một bưu điện lớn hơn. Trái với điều thường được kể cho du khách, Bưu điện Sài Gòn (L’Hôtel des Postes) không phải là một công trình kiến trúc của công ty Gustave Eiffel và công ty này cũng không có đóng góp nào về bản thiết kế hay xây dựng.

Bưu điện Sài Gòn, được xây từ năm 1886 tới năm 1891, là công trình của kiến trúc sư hàng đầu Nam kỳ là Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892). Ông cũng là người thiết kế Văn phòng của Thống đốc Nam kỳ vào năm 1881 (nay là trụ sở Sở Thông tin-Truyền thông ở số 69 đường Lý Tự Trọng); Tòa án Nhân dân ở số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa; Sở Hải quan số 2 Hàm Nghi hiện nay; và Dinh Thống đốc Nam kỳ (về sau là Dinh Gia Long) ở số 65 Lý Tự Trọng hiện nay.

Bưu điện Sài Gòn được xây theo kiến trúc nền Đệ Tam Cộng hòa (1870-1940) của Pháp, được trang trí với motif pha trộn Tân-Baroque với những nét bản địa. Đặc biệt các cửa sổ được trang trí với những tấm bảng mang tên những nhân vật nổi tiếng, phần lớn là nhà khoa học và nhà triết học có đóng góp cho sự phát triển điện lực, truyền tin và viễn thông như Zénobe Théophile Gramme, Samuel Morse, René Descartes, Benjamin Franklin, Pierre-Simon Laplace…

Tạ Dương Minh, người lập ra chợ Thủ Đức

Được thành lập vào năm 1879-1880, ngôi chợ lâu đời này hình thành nhờ công sức của một thương nhân người Hoa tên Tạ Dương Minh. Theo các tài liệu lịch sử, Tạ Dương Minh, biệt danh là Tạ Huy, đã lánh nạn sang Việt Nam sau khi tham gia công cuộc “phản Thanh phục Minh”. Người ta không biết nhiều về Tạ Dương Minh, chỉ biết rằng ông đã tham gia cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Quốc.

Khi sang Việt Nam, ông định cư ở Linh Chiểu Đông và lập ra ngôi chợ ở vị trí của chợ Thủ Đức ngày nay. Trước đây, người ta cho rằng chợ Thủ Đức được đặt tên theo quan trấn thủ nổi tiếng tên Đức (quan trấn thủ Đức) và Tạ Dương Minh đã lấy tên này đặt cho chợ. Tuy nhiên dòng chữ khắc trên bia mộ Tạ Dương Minh ở phường Linh Chiểu cho biết rằng ông còn được gọi là “Tạ Huy, tức Thủ Đức”. Điều này cho thấy, ngoài biệt danh Tạ Huy, ông còn có tên Thủ Đức, và ngôi chợ đầu tiên ông lập ra được mang tên ông.

Một góc chợ Thủ Đức xưa (manhhai|flickr)

Điều đáng buồn là cả hai di tích liên quan Tạ Dương Minh đều xuống cấp trầm trọng. Một trong hai di tích là ngôi nhà số 9 đường Hồ Văn Tư ở phường Trường Thọ, từng được coi là Đền thờ Tạ Dương Minh, vốn là ngôi nhà bằng gỗ của dòng họ Tạ, được xây cất lại bằng gạch vào năm 1930 theo kiến trúc thời thuộc địa. Tuy nhiên đến năm 1984, chính quyền địa phương tiếp quản ngôi nhà này, chuyển nó thành một nhà trẻ và nhà nuôi trẻ mồ côi trước khi bỏ phế vào giữa thập niên 1990.

Từ năm 1984, người dân địa phương thờ phụng Tạ Dương Minh trong một đền thờ tạm là Đình Linh Đông số 28 đường Chương Dương, phường Linh Chiểu. Khi tạ thế năm 1889, Tạ Dương Minh được an táng ở nơi hiện nay là Khu phố 4 phường Linh Chiểu. Mộ của ông nằm trong khuôn viên 112 m2 được bao bọc bởi những bức tường thấp, có một tấm bia khắc chữ Hán: “Đây là mộ phần của Tạ Huy, tức Thủ Đức, tiền hiền của làng Linh Chiểu Đông của Đại Nam. Ông tạ thế ngày 19 tháng 6 Âm lịch và các viên chức trong làng đã lập mộ ông vào tuần trăng thứ hai của năm 1890”.

Trụ sở USIS

Vào thời kỳ người Mỹ bắt đầu can dự tình hình Việt Nam, chính sách của Mỹ chủ yếu tập trung vào những chương trình văn hóa, giáo dục nhằm hỗ trợ Chính phủ Ngô Đình Diệm; và dấu tích những chính sách này là tòa nhà lớn sơn màu xám ở ngã tư Hai Bà Trưng-Lý Tự Trọng ngày nay. Thoạt đầu mang số 82 Hai Bà Trưng, ngôi nhà có sức hút đặc biệt này được xây dựng vào đầu thập niên 1950 và được người Mỹ dùng làm trụ sở Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ (United States Information Service-USIS).

Người thiết kế tòa nhà là kiến trúc sư Pháp Arthur Kruze. Theo một báo cáo của Hoa Kỳ vào năm 1956, “Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ đặt trụ sở ở một tòa nhà ba tầng ngay ngã tư gần khu trung tâm Sài Gòn, cách Đại sứ quán Hoa Kỳ một dặm. Tất cả các phòng đều có gắn máy điều hòa không khí. Cơ sở hạ tầng gồm có một thư viện ở tầng trệt, với 50 ghế ngồi, phòng phát thanh, biên tập phim và thu thanh. Diện tích khuôn viên tòa nhà là 33,454 m2”.

Thư viện Abraham Lincoln tại góc đường Nguyễn Huệ (manhhai|flickr)

Ngày 22 Tháng Mười 1957, ngôi nhà ở số 82 Hai Bà Trưng là một trong ba cơ sở của Hoa Kỳ ở Sài Gòn trở thành mục tiêu tấn công của Việt Cộng. Năm 1962, USIS chuyển đến nơi hiện nay là Khách sạn Rex, với một thư viện mang tên Abraham Lincoln. Tòa nhà số 82 Hai Bà Trưng trở thành cơ sở phụ. Năm 1964, Thư viện Abraham Lincoln chuyển về đường Lê Quý Đôn ở quận 3; và năm 1965, khi những đơn vị chiến đấu đầu tiên của Hoa Kỳ sang Việt Nam, trụ sở USIS ở Khách sạn Rex chuyển thành Văn phòng hỗn hợp về hoạt động công chúng (Joint US Public Affairs Office-JUSPAO). Từ ngày ấy, trụ sở cũ ở số 82 Hai Bà Trưng được gọi là JUSPAO 2. Sau Hiệp định Paris 1973, tòa nhà số 82 Hai Bà Trưng chuyển thành một tòa nhà của thường dân.

Biệt thự số 60 Võ Văn Tần

Lịch sử ngôi biệt thự ở số 60 đường Võ Văn Tần – trước kia là số 60 đường Testard (sau đó đổi thành đường Trần Quý Cáp) – vẫn còn nhiều bí ẩn, nhưng người ta cho rằng nó được xây cất bởi một nhà kinh doanh rượu vang giàu có người Pháp. Về sau, ngôi biệt thự là nhà của ông Nguyễn Phúc Ưng Thi (1913-2001) và vợ ông – những người lập ra Khách sạn Rex. Cuối thập niên 1950, vợ chồng ông Ưng Thi cho các chỉ huy quân sự của Hoa Kỳ tá túc ở đây. Ngôi biệt thự trở thành nơi ở và làm việc của hai vị chỉ huy Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự (Military Assistance Advisory Group-MAAG) là trung tướng Samuel T. Williams (Tháng Mười Một 1955 – Tháng Chín 1960) và trung tướng Lionel C. McGarr (Tháng Chín 1960 – Tháng Bảy 1962).

Biệt thự số 60 Trần Quý Cáp trước 1975 (manhhai|flickr)

Năm 1962, khi MAAG sáp nhập vào Bộ Tư lệnh Viện trợ Quân sự Việt Nam (Military Assistance Command Việt Nam – MACV), vị chỉ huy MAAG chuyển trụ sở đến tòa nhà mới ở số 121 Trương Định, trong khi ngôi biệt thự số 60 Trần Quý Cáp trở thành nơi ở của các vị chỉ huy MACV nối tiếp nhau là Đại tướng Paul D. Harkins (Tháng Hai 1962 – Tháng Sáu 1964); Đại tướng William C. Westmoreland (Tháng Sáu 1964 – Tháng Bảy 1968); Đại tướng Creighton Abrams (Tháng Bảy 1968 – Tháng Sáu 1972) và cuối cùng là Đại tướng Frederick C. Weyand (Tháng Sáu 1972 – Tháng Ba 1973). Ngày nay biệt thự số 60 Võ Văn Tần thuộc sở hữu một công ty du lịch


==============



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ