nhớ XÓM LÁCH và SÀI GỎN hồi nhỏ khi ở Thủ Dầu Một về / tạp văn: ĐINH CƯỜNG -- nguồn: Phạm Cao Hoàng Blog.
kỷ niệm 4 năm, hoạ sĩ đinh cường qua đời
(1939- 7.1. 2016 virginia/ usa)
nhớ XÓM LÁCH và SÀI GÒN
khi ở Thủ Dầu Một về ...
đinh cường
ở Sài Gòn, hồi nhỏ, nghĩ lại tôi nhớ gì anh biết không đêm khuya vắng người, ra vòi nước phông-tên tắm mấy ngọn đèn khuya thu hút rất nhiều con gián bay quanh và rơi lộp độp đầy đường, bò ngổn ngang ...
luôn ở trần trụi mắc chiếc quần xà lỏn đen cũng có khi chạy patin lướt tới lướt lui trên con đường vắng -- đường trước Xóm Lách lúc ấy mang tên Charles de Gaulle một vị tướng rất hách của Pháp -- những chiếc phông-tên (*) cũng là của Pháp làm nên nước lúc nào cũng chảy mạnh -- mấy bà đem thau quần áo ra giặt, thanh niên ra gánh nước 1, 2 giờ sáng quanh chiếc phông-tên lấy nước -- Sài Gòn ngày nhỏ của tôi - ở Xóm Lách với mùi sình đen láy .
sau này Thanh Tâm Tuyền có viết Đêm Xóm Lách Mịt Mùng và có nhiều văn nghệ sĩ di dư từ Hà Nội vào đến ở -- tôi còn nhớ Châu Trị một thời viết truyện ngắn -- sau này nhập ngũ lên Pleiku.
có mấy cô gái Hà Nội da trắng học trường Trưng Vương mùa nước lụt phải xắn ống quần cao mà lội, dắt chiếc xe đạp theo.
ở đó nhà tôi -- có căn gác gỗ -- thời trung học hay họp nhau học toán hay học luyện thi tú tài -- có mấy cô bạn ở Gia Long học ké -- nay nơi chân trời góc bể nào -- có nhớ những chiều mưa nhìn qua cửa sổ nhỏ -- hơn một nửa thế kỷ rồi -- nhớ Sài Gòn là nhớ cái xóm nghèo thân thiết ấy ...
và cả chiếc hủ tíu mì. cà phê bí-tất đổ ra đĩa uống của chú Ba nằm ngay ngã ba trên con đường dốc vào xóm với ngọn đèn manchon Xóm Lách của tôi ngày nhỏ -- khi gia đình dọn từ Thủ Dầu Một về ...
Virginia, Sept 5, 2015
đ.c.
***
lời Thằng Phải Gió
- vậy là bài này viết trước khi hoạ sĩ qua đời vài tháng.
- bây giờ Xóm Lách khác xưa nhiều lắm, ấy là nói về đường Trường Sa mới mở, chạy quanh một đoạn kênh Nhiêu Lộc . ( từ chân cầu Phú Nhuận (quận 1) chạy sang phường 7 quận 3).
-mỗi sáng, tôi tập thể dục, đi bộ tư chân cầu Phú Nhuận tới cầu Trương Minh Giảng, đi qua Nhà thờ Công giáo Xóm Lách, nay đã ra mặt tiền -- kỷ niêm Mừng Chúa Giáng sinh 2019 vừa qua , Nhà thờ chăng đèn suốt dọc đường , ánh sáng đủ mầu thật bắt mắt, tạo một cảnh quan đẹp rực rỡ ...
-- nhưng, có người nằm ngủ trên băng ghế luân chuyển , áo mưa mầu tím phủ kín mít từ đầu đến chân, hẳn là một đàn ông, đôi dép dưới băng ghế rất to. Từ trước Giáng sinh đến nay, người ấy có chuyển ghế nằm; nhưng vẫn là chiếc áo mưa mầu tím quen thuộc -- chẳng lẽ đó là một homeless đúng nghĩa, thật vậy sao?
- vẫn còn có hàng đàn chim bồ câu + chim sẻ ríu rít mổ thóc, do một phụ nữ, khoảng trên dưới 50, từ tinh mơ đã xách giỏ rắc lúa trên lối đi , ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm-- cho tới hôm nay, vẫn không để lũ chim tứ xứ trông chờ.
- và,
một cụ đội mũ, ăn mặc chỉnh tề, chống gậy tới chỗ tôi đang tập, lên tiếng:
- năm nay ông bao nhiêu nhỉ?
- tôi bước vào tuổi 88, sinh năm 1932".
-vậy là ông thua tôi 10 năm , tôi sinh năm 1922 ".
- " 99 tuổi mà còn đi đứng vững chãi, đó là ơn phước Trời ban cho cụ !".
- bà nhà tôi mất dăm năm nay, tôi sống với con cháu ở Cổng số 6 Trương Minh Giảng, sáng nào tôi cũng đi bộ 1 tiếng, bạn bè chết hết cả rồi -- mới đây thôi một ông bạn già tuổi mới trên 70 không còn đi bộ với tôi nữa, hỏi ra mới biết ông ta đã" ra đi" rồi
. Chán thật! "
- mỗi sáng, tôi vẫn còn nhìn thấy bóng ông cu 99 tuổi lẽo đẽo một mình chống gậy đi bộ quanh kênh .
- cảm ơn Trời!
và,
- mỗi lần đi qua Nhà thờ Công giáo Xóm Lách trên đường Trường Sa sạch đẹp -- tôi nhớ hoạ sĩ Đinh Cường, có một thời từng được trải nghiệm , với "mùi sình đen láy" của Xóm Lách xa xưa ... --. [ nay : phường 7 /quận 3/ tp. HCM].
Sài Gòn, January 5, 2020
t.p.g.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ