' một trời đại học một trời văn khoa '/ tạp bút: Lê Văn Nghĩa -- nguồn: 'sài gòn khâu lại mảnh thời gian / nxb trẻ tp hcm 2019
một trời đại học
một trời văn khoa
...
nhà văn lê văn nghĩa [ 1953 -- ]
lê văn nghĩa
năm 1973, lợi dụng 'chính sách' ghi danh tự do, lọ mọ thế nào đó tôi vẫn trở thành sinh viên ban triết tây của trường Đại học Văn khoa -- thuộc Viện Đại học Sài Gòn -- trường Đại học Văn khoa giống như Luật và Khoa học cho phép sinh viên tự do ghi danh, không phải qua một cuộc thi tuyển nào. Vì vậy có nhiều sinh viên Luật cũng là sinh viên Văn khoa và ngược lại. Có lẽ vì Bộ Giáo Dục thời Việt Nam Cộng Hoà đánh giá "Văn khoa là một phân khoa có tầm quan trọng đặc biệt. Chính phân khoa này thể hiện được các sắc thái thuần tuý dân tộc, soi sáng được truyền thống dân tộ, mới duy trí và tiếp tục vun xới bồi đắp cho nền văn hoá dân tộc được vững bền và ngày thêm phong phú. Chỉ ở Văn khoa mới tìm thấy được những gì thuần tuý Việt Nam. Giúp bạn sống một cách nhân bản hơn, gắn bó với quê hương nhiều hơn. "Đậu tú tài 2, thích mơ mộng, văn chương thì cô, cậu tú có thể ghi danh dự bị vào một trong 7 ban như Văn chương Việt Nam, Triết, Sử, Địa, Nhân Văn, Pháp Văn, Anh Văn. Học Văn khoa, sinh viên hiểu rằng mình sẽ luôn là người sống với văn chương hay chữ nghĩa, không thể nào làm giàu được với tấm bằng cử nhân sau khi có 4 chứng chỉ (ngoài chứng chỉ dự bị) và khi tốt nghiệp, họ chỉ có thể đi dạy học hoặc làm ở những ngành hành chánh, ngoại giao, thư viện ... . Và "tệ" hơn là làm nhà thơ, nhà văn, viết báo.
Trước đó, khi còn là học sinh trung học, tôi đã nghe đến trường Đại học Văn khoa với những tên tuổi thi nhân, nhà văn lớn của Sài Gòn -- là giáo sư của trường như Giản Chi, Đông Hồ, linh mục Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Đỗ Khánh Hoan, Lý Chánh Trung, Lê Ngọc Trụ, Phạm Việt Tuyền, Trần Trọng San, Lê Tôn Nghiêm, Vũ Quốc Thông, Vũ Khắc Khoan, Lê Xuân Khoa ... trong 71 giáo sư đang dạy tại đây (năm 1966), cộng với 27 giáo sư nước ngoài. (*). Những cái tên làm rực rỡ cho nền văn hoá miền Nam lúc đó nếu được hân hạnh một lần diện kiến, chắc tôi sẽ nhớ đời. Rồi những truyền tụng như thầy Đông Hồ-Lâm Tấn Phác gục chết trên bục giảng, thầy Vũ Khắc Khoan với mái tóc bồng bềnh và lừng khừng nghệ sĩ, thầy Nguyễn Văn Trung với cặp kính cận minh triết những nhận định khi đưa vào triết học, thầy Kim Định như đạo sĩ tu tiên trong chiếc áo dài trắng ... . Tôi ước mơ mình được trở thành văn sĩ nên cánh cổng trường Văn khoa trở nên một khát vọng trong tôi là "Một trời đại học một trời văn khoa" (Đông Gồ) . Mỗi ngày, trên đường đi đến trường Pétrus Ký, đi ngang ngôi trường Y khoa Đại học đường đồ sộ hay ngôi trường láng giềng -- Khoa học Đại học đường, tôi đều không ham. Thằng con trai bắt đầu biết hát"em tan trường về", trong tôi chỉ có mơ trường Văn khoa với nhiều nữ sinh viên đẹp nhất Sài Gòn, trong những chiếc áo dài duyên dáng, Ngô Đình Lệ Thuỷ ( ái nữ của ông Ngô Đình nhu), ca sĩ Thanh Lan, Hoàng Oanh ... chẳng phải là sinh viên trường Văn khoa đó sao! . Cũng chẳng lạ lắm vì trường Văn khoa năm nào cũng có nhiều nữ sinh viên hơn nam sinh theo học. Số liệu thống kê cho biết năm tôi ghi danh vào trường thì có 5004 nữ trong số 8271 tân sinh viên . Bởi vậy nên có câu"ca rao"hơi buồn một chút cho các chàng trai Văn khoa: "Trai khôn tìm vợ Văn khoa? Gái khôn tìm chồng Chính trị kinh doanh".
-----
(*) - theo "Chỉ nam Sinh viên Đại học Sài Gòn" năm 1966 và 1973.
Đến khi tham gia phong trào sinh viên học sinh năm 1970 , thật là ngược đời trai, khi tôi đặt bước chân vào cổng trường Văn khoa, trong tư thế của một học sinh tham gia xuống đường, chứ không phải là sinh viên đi học. Đứng từ ngoài cổng đường Cường Để trông vào, trường Văn khoa đồ sộ như một luỹ thành vì vốn là một thành của lính thời Pháp, rồi là thành Cộng hoà thời chính quyền Ngô Đình Diệm. Dù trông to và đồ sộ nhưng cơ sở vật chất không đủ cung ứng nhu cầu cho đông đảo SV. Trước đó, trường được đặt tại đường Nguyễn Trung Trực nơi là nhà tù thời xưa mà nhà thơ Đông Hồ gọi là "kiếp tử địa sầu thành". Nhà thơ viết: "Này đây là hình ảnh ngôi trường Văn khoa: ở đây, ngang dọc trên lối thông còn những phiến gạch son tàn nứt nẻ, ngày xưa chắc là ở trong mái trong tường ngục thất ...". Năm 1967 trường mới dọn về địa điểm mới, trông khá bề thế nhưng Văn khoa chỉ có 2 giảng đường lớn, một giảng đường nhỏ và độ gần 10 phòng học. Để giải quyết phòng học cho SV, nhà trường phải tự xây thêm những phòng học nhỏ thuộc loại tiền chế gồm 7 phòng, mái lợp tôn ngay cổng ra vào(bây giờ dãy nhà tiền chế không còn nữa). Muốn đi lên "khi thượng lưu văn khoa"3 tầng (khối nhà A hiện nay) vào các giảng đường sinh viên phải đi lên một cầu thang lộ thiên từ dưới nền sân đất. Nếu từ dưới sân, không cần lên giảng đường vội, thì sinh viên quẹo qua tay phải vào Hội quán Văn khoa để uống cà phê, đá chanh, để chơi 'ping pong' và ăn cơm trưa tại đây. Tuy chật hẹp như vậy nhưng trường lại có một thư viện khá rộng rãi và yên tĩnh, có độ 20.000 sách, gồm nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Việt, Hán thuộc đủ loại văn chương, triết học, sử, địa, khoa học, mỹ thuật, nhân
văn ... , với khoảng 200 chỗ ngồi, mở cửa sáng lẫn chiều. Thật là"Đại học Văn khoa rực rỡ/ Bình minh sáng ngập nắng hồng/ Lòng giấy xôn xao hồn chữ/ Văn chương quốc ngữ trưởng thành."
(thơ Đông Hồ).
Dù là dân học văn chương, đầu óc có mơ mộng thế nào chăng nữa, nhưng tinh thần dân Văn khoa luôn hừng hực khí thế đấu tranh cho hoà bình và thống nhất đất nước. Có phải do người Văn khoa được tiếp cận, hun đúc nhiều về lịch sử, về văn hoá, truyền thống của dân tộc nên dễ dàng dị ứng với tất cả sự ngoại lai áp đặt từ ngoại nhân. Sài Gòn trong những ngày rực lửa của năm 1970, Văn Khoa cùng với Đại học Dược Khoa, Trung tâm Nông Lâm Súc(bây giờ gọi là Đại học Nông Lâm) là vùng tam giác nóng bỏng thường xuyên nổ ra những cuộc diễn thuyết, những cuộc biểu tình. Có những lúc sinh viên học sinh làm chủ cả con đường Cường Để trong cả ngày. Tại trường Văn Khoa những ngày này, tôi gặp được nhạc sĩ Tôn Thất Lập, hí hửng 'dụ khị' được nhạc sĩ sinh viên Trần Long Ẩn mua tập bài hát tranh đấu -- trong đó có bài hát nổi tiếng Người Mẹ Bàn Cờ, do anh phổ nhạc của Nguyễn Kim Ngân. Rồi Trương Quốc Khánh, tác giả Tự Nguyện gầy gò, nếu không nhờ cặp mắt kính cận thị nặng độ, thì gương mặt anh như một công tử búng ra sữa ... . Đúng là sinh viên Văn Khoa đã đóng góp sở trường văn thơ của mình vào phong trào văn nghệ sinh viên học sinh tranh đấu. Rồi nào, là những lãnh tụ sinh viên, như Hạ Đình Nguyên, Trương Tấn Nghiệp, Huỳnh Ngọc Hội. Nào đâu thiếu những bóng hồng văn khoa trong rừng phi tiễn , như chị Nguyễn Thị Yến -- mà nhà văn Thu Bồn đã sử dụng hình ảnh để xây dựng nhân vật nữ chính trong Mắt bồ câu rừng phi tiễn, chị Võ Thị Bạch Tuyết , nữ chỉ huy chiến dịch đốt xe Mỹ, chị Trần Thị Ngọc Dung, chị Tô Thị Thuỷ và còn nhiều anh chị khác nữa; mà tôi không nhớ hết ... .
Nơi đây đã có cuộc triển lãm, văn nghệ do Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tổ chức, với sự tham dự của tổng hội Sinh viên Huế, Cần Thơ, Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn . Trong cuộc triển lãm này sinh viên Bửu Chỉ (Huế) giới thiệu bức tranh sơn dầu khổ to đầu tay của anh rực rỡ lửa, hình ảnh của sinh viên học sinh miền nam đang phá xiềng nô lệ. Rồi trong đêm ấy, chúng tôi được thưởng thức hoạt cảnh Sưu cao Thuế nặng do đoàn Văn nghệ sinh viên học sinh Sài Gòn biểu diễn. Từng đoàn người phu khuân vác thất thểu đi trong tiếng nhạc, lời ca "Mỗi buổi sáng ba đi đến bến tàu/ Chở hàng chở xuống vác cho mau/ Những bao hàng nặng không bằng thuế/ Ba vác bao giờ hết khổ đau" làm nhói lóng người ngồi xem. Đặc biệt, tong đêm văn nghệ đó, chúng tôi được thưởng thức tài nghệ của sinh viên Võ Quê (Huế) độc diễn kịch thơ Giọt máu ta một biển hoà bình do chính anh sáng tác. Võ Quê trong vai một người tù đang dùng ý chí nội tâm để vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt của gông cùm, tra tấn. Ở đoạn cuối vở kịch, khi anh thét lên câu thơ " giọt máu ta một biển hoà bình", như khẳng định một ý chí sắt thép và gục xuống ; thì cả hội trường vang lên tràng vỗ tay dài như chia sẻ sự đồng cảm.
Rồi có dịp trở lại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vào những ngày đầu thu năm nay, mới thấy được sự thay đổi về cơ ngơi xây dựng của trường. Hơn 40 năm qua, ngôi trường Văn khoa ngày xưa, Đại học Tổng hợp, Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày nay đã tạo được biết bao nhân tài cho cả nước. Những người bạn đồng khoá của tôi năm 1973, co`1 người đã là giáo sư-tiến sĩ tiếp tục ở lại trường truyền thụ kiến thức nhân văn, truyền thống dân tộc, với định hướng "Giáo dục toàn diện -- khai phóng-- đa văn hoá cho những thế hệ kế tiếp. Người Văn khoa xưa kia khi về trường hôm nay trong dịp lễ kỷ niệm 60 năm, vẫn tưởng mình là 'Thằng sinh viên ngày ấy, không hề lạc lõng; có chăng chỉ là bỡ ngỡ về cơ ngơi rộng lớn, khang trang, về những bóng cây ngày xưa trong sân trường, cái sân đất đầy rêu, đọng những vũng nước sau cơn mưa đêm, giờ không còn nữa; về những tà áo dài, tiếng hát những đêm không ngủ trinh nguyên em Văn khoa ngày xưa ấy ... . Và, không chỉ như vậy, hình ảnh và lời giảng của các thầy"Giàu sang nền đại học/ Xinh đẹp nếp Văn khoa/ Son tươi lòng thế hệ/ Son tươi lòng sử kinh" (*) vẫn đâu đây trong tâm hồn và tri thức của người sinh viên Văn khoa -- người giờ đây đầu đã bạc nào thua ai ... ./.
------
thơ Đông Hồ.
l.v.n.
(trang 343 -- 350 ' Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian' ) .
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ