vài bài mới phổ biến trên blog Phạm Cao Hoàng -- blog Phạm Cao Hoàng
TUESDAY, JUNE 19, 2018
638. DUYÊN : Giời ở trên cao
- chân dung Duyên, sơn dầu trên bố, 18"x24"
(Trương Vũ thực hiện tháng 10.2017.)
(Trương Vũ thực hiện tháng 10.2017.)
Nhớ Cậu (con cháu gọi là Ông)
giỗ năm thứ 4, May 2017.
Ông có giọng Bắc rất cổ xưa, gọi Giời thay vì Trời, không đổi. Cũng chả cần đổi làm gì vì miền Bắc cứ đau đáu trong tim ông với những kỷ niệm ứ lòng. Khi có dịp chia sẻ với những người cùng thời, cùng làng quê cũ, cô Thoa, cô Năng, cô Lục, chị Lộc, chú Nguyên. Riêng với chú Nguyên, những ngày chú còn sống chung với gia đình khi đến Mỹ tỵ nạn, căn nhà nhỏ ở Byron Center, Michigan. Khi kể chuyện, ông say sưa bằng giọng khàn khàn, với đôi mắt sâu, sáng đẹp và một trái tim... tự lúc nào đã hòa nhịp theo tiếng nhạc của lòng ông.
Thưở sinh thời, ông thích làm vườn cùng tôi. Các con cháu của ông, ai cũng yêu hoa. Khi ông không nhiều sức khỏe như xưa, mỗi khi về thăm tôi hay rủ ông ra vườn, ông tỉa hoa. Tôi dọn dẹp những bình, những lọ hoa mà các anh chị em tôi mua biếu ông, để lỉnh kỉnh đầy sân nhỏ. Mỗi cái chậu hoa đều giữ giùm ông kỷ niệm, kỷ niệm gần đến kỷ niệm xa, ông về đến Nam Định lúc nào, không biết...
Ông biết tôi yêu hoa, mê làm vườn không kém ông. Điều đó làm ông vui lắm. Khi hai người có cùng chung ý thích, sao như chung chí hướng, khỏi lý giải, chỉ cảm nhận, cả lối sống cho đến cách làm việc, cách xử lý trong đời sống. Khi mất ông rồi, tôi thấy mình hụt hẫng... Ở tuổi nào, mồ côi cha cũng như kẻ lạc đường. Con út sắp làm đám cưới, chúng tôi không còn được gọi ông hỏi: ông ơi! ngày nào là ngày tốt? để nghe ông nói điều giản dị: luôn thương yêu nhau, ngày nào cũng tốt cả.
Có nhiều lần tôi mê say làm việc cùng ông hàng giờ trong khu vườn ở Milpitas, nơi không một chiếc lá khô nào dám lạc loài vào khu vườn nhỏ xíu, sạch sẽ, đầy hoa, nhiều nhất là hồng vàng...cho đến khi Bà gọi, ông ơi, vào đi ông, không lại cảm nắng... Thường, cả hai đều yên lặng, thi thoảng ông và tôi trao đổi vài câu: ông thăm hỏi về các cháu, tôi hỏi về sức khoẻ ông bà...(chuyện theo kháng chiến, suýt bị đấu tố và nhà nội bị Tây đốt, tôi chỉ được nghe qua những mẫu chuyện ông chia sẻ với bạn hay chú bác cùng thời.) Vậy mà, trong trái tim tôi, khu vườn ấy, đã ngập tràn hạnh phúc...
Vẫn biết sinh lão bệnh tử là lẽ Giời, sao thương quá, tiếc nhớ quá... ông ơi!
DUYÊN
may 19, 2017.
MONDAY, JUNE 18, 2018
SATURDAY, JUNE 16, 2018
635. thơ PHẠM CAO HOÀNG: Cha tôi
- mương dẫn thủy bắt nguồn từ đập Đồng Cam (Phú Yên)
Photo by Phạm Cao Hoàng - tháng 9.2017
và bài thơ tôi viết đêm nay
là bài thơ sau bốn mươi năm
kể từ hôm vượt đèo Ngoạn Mục xuống Sông Pha
chạy ra Tuy Hòa
trở vô Sài Gòn
và nhận tin cha tôi đã chết
ông qua đời khi chiến tranh kết thúc
để lại trần gian nỗi nhớ khôn nguôi
để lại đàn con trên quê hương tan tác
để lại trong tôi vết thương mang theo suốt cuộc đời
bốn mươi năm rồi con vẫn nhớ, cha ơi!
ngày mùa đông cha mặc áo tơi ra ruộng
ngày nắng lửa cha gò mình đạp lúa
những sớm tinh mơ cùng đàn bò lầm lũi đi về phía bờ mương
rồi mùa thu cha đưa con đến trường
con thương ngọn gió nồm
mát rượi tuổi thơ những ngày đầu đi học
đi ngang qua Duồng Buồng (*) bọn nhỏ trong thôn vẫn thường trêu chọc:
chiều chiều ngọn gió thổi lên
học trò Thầy Bốn chẳng nên đứa nào
thương cha một đời lận đận lao đao
cầm lấy chiếc cày để tay con được cầm cuốn sách
thương chiếc áo cha một đời thơm mùi đất
thương đất quê mình thơm mãi mùi hương
rồi mùa thu cha đưa con đến trường
con thương những con đường
cha đã dẫn con đi về phía trước
con vẫn còn đi sao cha đành dừng bước
bốn mươi năm trời con thương nhớ, cha ơi!
PHẠM CAO HOÀNG
March 22, 2015
-------------------------------------------------------------------------------------
trích từ TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHẠM CAO HOÀNG
-------------------------------------------------------------------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ