bài liên quan họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc: " TRỊNH LỮ, kẻ tài hoa "/ Lê Hồng Lâm -- TTO [tuoitreonline]
Trịnh Lữ, kẻ tài hoa
TTCN - Vài năm gần đây, Trịnh Lữ được biết đến với tư cách là một dịch giả uy tín qua một số bản dịch văn chương có giá trị trong đời sống văn hóa đọc.
Từng là phóng viên, biên tập viên tiếng Anh của Đài Tiếng nói VN (*), từng sang Mỹ làm việc gần 15 năm cho các dự án truyền thông và giáo dục của Liên Hiệp Quốc, từng là họa sĩ có nhiều cuộc triển lãm tranh ở New York, Trịnh Lữ còn là một nhà thiết kế nội thất mang phong cách tối giản, một nghệ sĩ piano nghiệp dư, một nhà văn với những truyện ngắn đậm chất hoài cổ và mang một chút hơi hướng thiền...
Giới thiệu về Trịnh Lữ (tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội), dịch giả Dương Tường nói ngắn gọn “đấy là một người tài hoa trong một gia đình trí thức - nghệ sĩ Hà Nội có nhiều người tài hoa”. Còn Trịnh Lữ thì luôn nhắc đến cha mình (ông Trịnh Hữu Ngọc) như một người thầy lớn, người ảnh hưởng đến con, cháu trong gia đình từ cách sống, sự lựa chọn nghề nghiệp và cả tư duy nghệ thuật.
Người thầy lớn
Câu chuyện về cuộc đời của ông Trịnh Hữu Ngọc qua hồi tưởng của Trịnh Lữ như một bộ phim tiểu sử với nhiều tình tiết hấp dẫn. Trịnh Hữu Ngọc sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bắc Giang, bố làm nghề thợ hàn sống rày đây mai đó.
Mẹ chết sớm, năm mới chín tuổi cậu bé Trịnh Hữu Ngọc đã lên tàu vào Nam tìm cha. Cậu gặp cha tại xưởng Ba Son, rồi vừa làm vừa tự học trong môi trường này; sau đó làm nghề thầy ký trong Sở Bưu điện Sài Gòn. 19 tuổi, Trịnh Hữu Ngọc lấy vợ, sinh con đầu lòng và quyết định ra Hà Nội học vẽ vì không chịu được cuộc sống công chức tẻ nhạt. Thi vào Trường Mỹ thuật Đông Dương thời kỳ đầu, Trịnh Hữu Ngọc vừa học vừa phụ giúp ông Nam Sơn (người tham gia sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương cùng với họa sĩ Pháp V.Tardieu).
Trong môi trường nghệ thuật này, ông gặp họa sĩ Nguyễn Thị Khang (nổi tiếng về tranh lụa, với nhiều tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN), người cũng từ bỏ nghề giáo ở quê để ra Hà Nội học vẽ. Vì sự đồng điệu về nghệ thuật cũng như tâm hồn, bà Khang nhận lời về làm vợ thứ của ông Ngọc. Điều đặc biệt là hai bà vợ của ông Trịnh Hữu Ngọc chung sống một nhà cho đến già, mỗi bà sinh cho ông sáu người con...
Những năm 1940 - 1954, ông Trịnh Hữu Ngọc mở xưởng thiết kế đồ gỗ, nội thất ở Hà Nội (người đầu tiên khai phá lĩnh vực này) và nhập toàn bộ máy móc, dây chuyền sản xuất từ Pháp về.
Sau 1954, ông biến xưởng mộc thành trường dạy vẽ. Xưởng thiết kế nội thất và dạy vẽ của ông rất nổi tiếng thời đó. Được nhiều bạn thân là nghệ sĩ, trí thức lúc đó như Trần Duy Hưng, Nhữ Thế Bảo, Tôn Thất Tùng... giới thiệu, ông Trịnh Hữu Ngọc rất được Bác Hồ tín nhiệm. Nhiều bức tranh của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc được chọn làm quà tặng các chính khách, bạn bè nước ngoài khi họ đến thăm VN. Ông còn được mời thiết kế nội thất cho chiếc chuyên cơ AN 24 của Chính phủ cùng nhiều khách sạn du lịch, nhà nghỉ...
Với các con, ông Ngọc không chỉ dạy vẽ mà còn mời một nghệ sĩ piano, một giáo viên người Anh về dạy đàn và ngoại ngữ. Trịnh Lữ kể: “Cha tôi là một người theo trường phái lãng mạn và cổ điển. Với ông, học vẽ là học quan sát, rèn luyện tính trung thực và phải luyện tập thường xuyên thì đôi tay mới theo kịp khối óc. Ông luôn coi thiên nhiên là một người thầy và tìm thấy ở thiên nhiên sự mẫu mực. Ông luôn dạy chúng tôi “vẽ như một cách tu thiền”. Sự tu luyện trong hội họa cũng giống như sự tu luyện trong thiền. Có như vậy mới mở được “tuệ nhãn” của người họa sĩ”.
Lớn lên trong môi trường ấy, hầu như các anh chị em của Trịnh Lữ đều phát triển thiên hướng nghệ thuật. Các cô con gái Trịnh Thị Ánh, Trịnh Thị Nhàn, Trịnh Thị An, Trịnh Thị Nhân, Trịnh Ngọc Anh đều trở thành nghệ sĩ piano, còn đi theo con đường hội họa của cha có Trịnh Hữu Trí, Trịnh Thị Nhã, Trịnh Tú (họa sĩ của báo Lao Động)...
Riêng Trịnh Lữ sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Mỏ - địa chất lại quyết định thi vào ban tiếng Anh của Đài Tiếng nói VN. 15 năm ở đài, ông là phóng viên từng đi tác nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới, sau đó chuyển sang làm biên tập các bản tin quốc tế. Năm 1987, Trịnh Lữ và gia đình chuyển sang Mỹ sinh sống khi ông nhận làm việc cho Quĩ dân số của Liên Hiệp Quốc. Năm 1990, ông được học bổng theo học chuyên ngành truyền thông tại Trường ĐH Cornell. Chính núi rừng, thác nước, sông suối tuyệt đẹp xung quanh ngôi trường này đã khiến ông cầm cọ vẽ trở lại.
Trịnh Lữ kể: “Những ngày mùa đông lạnh giá, tôi thường lái xe vào rừng, rồi vừa ngồi trong xe vừa vẽ. Một mình trước thiên nhiên tươi đẹp, những ký ức về cha tôi lại hiện về thật rõ nét và tôi thường vẽ những tranh sơn dầu khổ lớn theo phong cách cổ điển của ông. Mấy năm học Cornell, năm nào tôi cũng triển lãm tranh tại một số gallery ở đây”.
Trịnh Lữ từng được tờ Ithaca Journal viết bài giới thiệu và trao giải “Nghệ sĩ của năm”. Sau khi tốt nghiệp Trường Cornell, ông trở lại với công việc của một chuyên gia truyền thông cho Liên Hiệp Quốc và có rất ít thời gian đụng đến giá vẽ.
Năm 2002, sau 15 năm bôn ba ở xứ người, Trịnh Lữ và vợ quyết định trở về Hà Nội sống. Con trai ông, Trịnh Hữu Tuệ, là tiến sĩ về ngôn ngữ tại Đức và hiện là giảng viên ĐH tại nước này. Cô con gái Trịnh Minh Tuệ đang học chuyên ngành thiết kế tại ĐH Yale của Mỹ.
Mở những cánh cửa nhìn sang nền văn hóa khác
Công việc dịch thuật văn chương đến với Trịnh Lữ từ một sự tình cờ và đưa ông sang một lối rẽ thú vị dù năm 1978, ông đã từng dịch cuốn Chuyện hêu của Billy Borker cho NXB Tác Phẩm Mới. Khi trở về nước, Trịnh Lữ được nhóm làm sách Nhã Nam nhờ chuyển dịch cuốn Cuộc đời của Picủa Yann Martel. Vốn sống và làm việc 15 năm ở nước ngoài cộng với những kiến thức sâu rộng được gia đình truyền dạy từ bé đã giúp Trịnh Lữ dịch Cuộc đời của Pi nhanh chóng và đầy cảm hứng.
Bản dịch với những chú giải đầy công phu về các thuật ngữ liên quan đến tôn giáo và văn hóa phương Tây cho thấy sự làm việc cẩn trọng của dịch giả. Sức hấp dẫn của cốt truyện, những giá trị văn chương giàu tính ẩn dụ khiến Cuộc đời của Pi nhận được rất nhiều sự đồng cảm, đặc biệt từ bạn đọc trẻ với rất nhiều trao đổi trên các diễn đàn khác nhau. Cuộc đời của Pi đã nhận được giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2004.
Thành công ấy là động lực để Trịnh Lữ tiếp tục công việc tay trái ấy dù ông còn rất nhiều dự án phải làm cho Liên Hiệp Quốc và Phòng Thương mại Việt - Mỹ. Trong vòng chưa đầy ba năm, ông đã kịp cho ra đời thêm các bản dịch: tiểu thuyếtCon nhân mã ở trong vườncủa nhà văn Brazil Moacyr Scliar,Truyện ngắn Úc(in song ngữ Anh -Việt), Hội họa Trung Hoa qua lời của các vĩ nhân và danh họa của Lâm Ngữ Đường (được xem là “cuốn sách cái” cho những ai tìm hiểu về hội họa Trung Hoa), tập phóng sự điều tra Bí mật chôn vùi, sự thật tàn bạo của nhóm ba phóng viên tờ Blade (giải Pulitzer năm 2004) và là đồng dịch giả với Hoàng Hưng trong tuyển tập 15 nhà thơ Mỹ đương đại.
Ông cũng đã hoàn thành thêm hai bản dịch sắp xuất bản: Utopia - nhân gian ảo mộng của tác giả người Anh Thomas Moore và Rừng Na Uy của nhà văn Nhật Haruki Murakami, cuốn trước là một tác phẩm cổ điển được người đọc châu Âu xem là “cuốn sách nhỏ vĩ đại”, cuốn sau là một tác phẩm đương đại về giới trẻ và cả hai đều có sức cuốn hút lớn đối với hàng triệu bạn đọc ở nhiều nước. Sự đóng góp của Trịnh Lữ với những tác phẩm dịch có giá trị là một nỗ lực rất đáng ghi nhận khi mà đời sống dịch thuật trong nước có nhiễu loạn như hiện nay.
Về công việc dịch thuật, Trịnh Lữ cho rằng điều quan trọng nhất là người dịch phải nhận ra đúng giọng (voice) của tác giả và tinh thần của tác phẩm. Giỏi tiếng Anh và tiếng Việt mới chỉ là điều kiện bắt buộc dịch giả nghiêm túc nào cũng phải có, song để có một bản dịch vừa hấp dẫn, lôi cuốn vừa chính xác so với bản gốc đòi hỏi một vốn kiến thức sâu rộng, sự xúc cảm trên từng con chữ và sự hiểu biết về nền văn hóa bản địa trong tác phẩm ấy. Nói cách khác, dịch văn chương không chỉ là dịch một tác phẩm đơn thuần mà là mở một cánh cửa giúp bạn đọc nhìn sang những nền văn hóa khác.
Đó cũng là lý do khiến Trịnh Lữ đề xuất một số bản dịch nên in song ngữ và đã được thực hiện trong bản dịch 15 nhà thơ Mỹ đương đại và gần đây là tập Truyện ngắn Úc. Sau khi hoàn thành “công trình” Truyện ngắn Úc(phải gọi như thế mới chính xác nếu biết ông đã mất rất nhiều công sức để thương thảo về bản quyền với từng tác giả để hoàn thành bản dịch này), Trịnh Lữ đã được Đại sứ quán Úc tại VN tín nhiệm đề xuất tuyển dịch sang tiếng Anh một tập truyện ngắn của 20 tác giả đương đại VN để phát hành ở Úc.
Chưa hết, Trịnh Lữ dự định viết một cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, và rất có thể sẽ viết nó bằng tiếng Anh. ./.
----------
(*)- từng dịch và thuyết minh cho bộ phim tài liệu Mỹ 13 tập về chiến tranh VN Một thiên lịch sử bằng truyền hình.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ