Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

' họa sĩ trịnh hữu ngọc trong "hồi tưởng nguyễn đình đăng " -- source: https://nguyendinhdang.wordpress.com/

15/09/2015

Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (trong hồi tưởng của Nguyễn Đình Đăng)

Gần đây, liên quan đến công việc, tôi mới có dịp tiếp cận với tranh của ông Ngọc. Ông là cha đẻ của ông Trịnh Lữ.

Một bài ở dưới là của Nguyễn Đình Đăng. Viết từ năm ngoái.

GIAO' s blog

---

Những bức chân dung cũ


Nguyễn Đình Đăng

Trong lần về Hà Nội vừa qua tôi có dịp lục lại các tranh và ký hoạ cũ của mình, trong đó có chân dung hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912 – 1997), một số người thân quen của gia đình ông và gia đình tôi.

Gia đình ông Ngọc và gia đình tôi vốn quen biết nhau từ lâu. Thời niên thiếu, tôi từng học tại lớp vẽ của hoạ sĩ Nguyễn Thị Khang – vợ thứ hai của ông Ngọc, và học piano bà Trịnh Nhật Ánh – con gái ông Ngọc. Bộ ghế salon hiệu Memo trong phòng khách nhà tôi được sản xuất tại xưởng đồ gỗ của ông Ngọc tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm (1940 – 1954).

Tôi tới “lều vịt” vẽ chân dung hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc bằng sơn dầu cách đây 28 năm (năm 1986). “Lều vịt” là tên ông Ngọc gọi túp nhà sàn của ông tại Tây Hồ – nơi ông dọn đến ở sau khi biệt thự của ông tại 108 phố Quan Thánh bị bom Mỹ ném sập.
IMG_0195
Nguyễn Đình Đăng
Chân dung hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1986)
sơn dầu trên canvas
Trong dịp đó, tôi đã được hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc cho xem một số tranh ông vẽ và đọc một số bài tham luận (như tuyên ngôn) ông viết về thiền và hoạ. Ông còn nấu mì cho tôi ăn. Ông vẽ nhiều phong cảnh, bằng sơn dầu lên một thứ nền do ông tự chế bằng vải xô dán trên bìa mềm, cỡ nhỏ (có lẽ khoảng A4 hoặc A3). Lớp sơn được vẽ mỏng, trong, và nhẹ nhàng khiến tranh ông nom gần như tranh màu nước. Vẻ yên tĩnh và mộc mạc toát lên từ các bức phong cảnh. Tranh vẽ xong được ông bỏ tất cả trong một cài hòm bằng sắt tây.

Sau đợt vẽ chân dung ông Ngọc, tôi có nói chuyện với hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn về tranh ông Ngọc. Thế rồi tôi và ông Đoàn đã tới “lều vịt” thăm ông Ngọc và đề nghị ông cho mở triển lãm cá nhân tranh của ông. Ông cười và nói: “Chúng mày làm gì đủ chỗ bày! Bày hết chỗ này phải cả cái chợ Đồng Xuân!

Cuối cùng, triển lãm cá nhân của hoạ sĩ – thiền sư Trịnh Hữu Ngọc đã được mở tại 16 Ngô Quyền (Hà Nội) vào khoảng năm 1988 trong khi tôi đang ở Nga. Một số người chứng kiến có kể lại rằng tại buổi khai mạc triển lãm cá nhân đầu tiên và duy nhất của mình ông Ngọc đã xúc động bật khóc.
*
IMG_0098
Nguyễn Đình Đăng
Chân dung bà Tăng Ngọc Loan (1982)
ký họa chì
Tôi ký hoạ chân dung bà Tăng Ngọc Loan – vợ cả của hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc vào tháng 2 năm 1982. Vào thời gian này bà Loan sống với gia đình bà Trịnh Nhật Ánh – con gái ông Ngọc và bà Loan. Bà Ánh từng dạy piano tại trường Âm nhạc Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu và nguyên là cô giáo piano của tôi. Thời đó gia đình bà Ánh ở trong cùng một số nhà với gia đình tôi tại Hà Nội. Chúng tôi quen gọi bà Loan là cụ Trang, theo tên con gái đầu của bà Ánh là Mai Trang, hiện giảng dạy piano tại nhạc viện Sài Gòn. 

Cũng vào tháng 2 năm 1982 tôi còn ký hoạ bà Trịnh Thị Nhàn tại 108 Quan Thánh, trong khi bà Nhàn tập piano chuẩn bị lên đường sang Nga. Năm đó bà Nhàn được trường Âm nhạc Việt Nam – nay là học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam – cử sang Moskva dự cuộc thi piano quốc tế mang tên Tchaikovsky. 
nhan1
Nguyễn Đình Đăng
Chân dung nghệ sĩ piano Trịnh Thị Nhàn (1982)
ký hoạ chì
nhan2
Nguyễn Đình Đăng
Chân dung nghệ sĩ piano Trịnh Thị Nhàn (1982)
ký hoạ chì
IMG_0095
Nguyễn Đình Đăng
Nghệ sĩ piano Trịnh Thị Nhàn (1982)
ký hoạ chì
IMG_0094
Nguyễn Đình Đăng
Nghệ sĩ piano Trịnh Thị Nhàn (1982)
ký hoạ chì
Bà Trịnh Thị Nhàn là con gái hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc và hoạ sĩ Nguyễn Thị Khang và là em gái ông Trịnh Hữu Tuấn tức dịch giả Trịnh Lữ. Năm tôi 13 tuổi, trong một lần đến thăm bà Khang, tôi được ông Trịnh Hữu Tuấn ký hoạ chân dung. Tài vẽ không cần dùng tẩy của ông Tuấn đã kích thích tôi vẽ chân dung từ đó. Sau này tôi đã mang theo bức chân dung ông Tuấn vẽ sang Nhật.
Dang1971
Trịnh Hữu Tuấn (Trịnh Lữ)
Chân dung Nguyễn Đình Đăng (1971)
ký hoạ chì than
*
Mùa hè 1980, năm tôi 22 tuổi, Moskva đăng cai Olympic, vì thế chúng tôi được nghỉ tới 3 tháng để giải phóng ký túc xá lấy chỗ cho khách dự thế vận hội. Tôi có dịp về thăm Hà Nội sau 4 năm xa nhà. Trong 3 tháng hè tại Hà Nội hầu như ngày nào tôi cũng ra phố vẽ phong cảnh. Đội một cái mũ lá để che nắng, mặc một bộ quần áo bộ đội, và chân đi dép cao su, tôi đạp xe đèo hộp đồ vẽ lang thang đi vẽ cảnh tại Hà Nội và ngoại ô. Một lần trong khi đạp xe dọc theo phố Lê Thái Tổ, tôi gặp một bạn nữ trước học cùng lớp tại cấp 3 phổ thông đang xách làn đi mua đồ tại giao tế Bờ Hồ (cửa hàng bán đồ cho người ngoại quốc và gia đình các “quan lại” bản xứ trong thời kỳ bao cấp), bạn này nhảy giật lùi ra phía sau và kêu lên: “Đi Liên Xô về mà trông như thế này à?
IMG_0166
Nguyễn Đình Đăng
Tự họa (1980)
sơn dầu trên cardboard, 35 x 50 cm
Trong mùa hè đó tôi đã vẽ chân dung bố mẹ tôi và chân dung bé Mai Xuân Quỳnh (năm đó mới 9 tuổi) – cháu ngoại hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Xuân Quỳnh – hiện là nghệ sĩ violin tại Sài Gòn – là con gái thứ hai của bà Trịnh Nhật Ánh.
IMG_0160
Nguyễn Đình Đăng
Chân dung Mai Xuân Quỳnh (1980)
sơn dầu trên cardboard, 35 x 50 cm
Hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc đặc biệt thích hai bức chân dung tôi vẽ bố mẹ tôi vào tháng 6. 1980 bởi theo ông, trong bức chân dung vẽ bố mình, ngồi ghế salon hiệu Memo được sản xuất tại xưởng của ông Ngọc, tôi đã lột tả được tính cách và tâm trạng của “ông Nam”. Còn bức chân dung vẽ mẹ tôi toát lên một tình yêu và một sự hiền dịu của “bà Chín”. Thể hiện được cái tinh thần của người mẫu, hay rasa – theo tiếng Sankrit của Ấn Độ – đó chính là thành công cao nhất của nghệ thuật vẽ chân dung.
dad&mom
Nguyễn Đình Đăng
Chân dung bố (trái) và mẹ (phải) (1980)
sơn dầu trên cardboard, 35 x 50 cm
Vào năm 1982 tôi đã ký hoạ chân dung Bảo Trâm, cháu nội của ông Trịnh Hữu Ngọc, con gái hoạ sĩ Trịnh Trí. Bức ký hoạ này được vẽ bằng phấn tiên (pastel) trên giấy.
IMG_0157
Nguyễn Đình Đăng
Chân dung Bảo Trâm  (1982)
ký họa pastel
Cũng vào năm 1982 tôi còn làm một số ký hoạ bằng phấn tiên và vẽ một chân dung bé Thu Nga bằng sơn dầu. Đan Thu Nga là con gái của ông Đan Thụ – đạo diễn điện ảnh và bà Trần Thu Hà – giáo sư piano tại học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Bà Hà là chị cùng mẹ khác cha với nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn. Bà Hà chơi thân với bà Trịnh Nhật Ánh – con gái hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Tôi vẽ chân dung bé Thu Nga trong những lần cô bé tới chơi với hai con gái bà Ánh. Tôi gửi bức chân dung sơn dầu vẽ bé Thu Nga cùng với bức chân dung tôi vẽ chị tôi tới triển lãm mỹ thuật thủ đô tháng 10. 1982. Bức chân dung chị tôi được chọn treo. Một người Thụy Điển đã mua bức chân dung này ngay tại triển lãm. Bức chân dung bé Thu Nga không được chọn treo và có lẽ nhờ vậy mà tôi hiện vẫn còn giữ.
IMG_0081
Nguyễn Đình Đăng
Bé Thu Nga (1982)
sơn dầu trên cardboard, 35 x 50 cm
*
Bây giờ cụ Ngọc, cụ Loan và cụ Khang đã thành người thiên cổ. Bố tôi cũng đã qua đời cách đây 5 năm. Một số tranh tôi vẽ vào thời kỳ này đã bị hỏng do bảo quản không tốt, sau hai – ba chục năm lay lắt tại Việt Nam, trong khí hậu nóng với độ ẩm nhiều khi lên tới 95%. Chỉ có ký ức là vẫn tươi mới như ngày hôm qua. Ký ức, như Elias Lieberman(1883 – 1969) từng nói, đó là tất cả những gì chúng ta thực sự sở hữu.
7. 03. 2014
NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

https://nguyendinhdang.wordpress.com/2014/03/08/nhung-buc-chan-dung-cu/


----------------------------------------------------------------------------------
trích lại từ : https://giaovn.blogspot.com/ 
---------------------------------------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ