Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

nguyệt san BỘ BINH THỦ ĐỨC [ Quân lực VNCH] / Trần Hoài Thư -- blog Phạm Cao Hoàng

MONDAY, MARCH 5, 2018

 TRẦN HOÀI THƯ / Nguyệt san Bộ Binh Thủ Đức



Một

Những trang giấy nào hôm qua còn mờ nhạt bởi mồ hôi, bụi, và mưa Tăng Nhơn Phú. Có ai kể là sau khi khóa chúng tôi mãn, khoá đàn em nhận trách nhiệm săn sóc nguyệt san Bộ Binh, đã xem mục Nhật Ký Quân Trường là mục thường xuyên phải có. Cảm động lắm khi họ theo ta, tiếp tục viết lại những suy nghĩ, tâm tư trên từng chặng đường gian khổ. Họ theo ta, cũng như ta đã theo khóa đàn anh tiếp tục một truyền thống có sẵn. Chính truyền thống đã mang lại niềm vinh dự. Bởi vậy mới có những người từ muôn phương trở lại để gặp lại bạn bè cùng khoá mà kể lại bao nhiêu điều, bao nhiêu chuyện dưới mái trường. Cái truyền thống của Thủ Đức cũng giống như các trường đào tạo quân đội khác, cũng đàn anh gắn alpha cho đàn em. Cũng cuối năm là hành quân cuối khoá, cũng trốn trại về phố và cũng bị nhốt vào trại kỷ luật... Nhưng có lẽ ở trên đồi Tăng Nhơn Phú này, có một truyền thống mà chắc là không có trường nào có. Cái truyền thống miễn đi bãi vào ngày thứ tư kể từ sau khoá 24 của chúng tôi, dành đặc biệt cho những người sinh viên sĩ quan biên tập viên của tờ nguyệt san Bộ Binh Thủ Đức.

Gắng nhớ. Gắng trở lại một khoảng thời gian nào cách đây hơn ba mươi năm. Trí não đã hao mòn, sao lòng ta vẫn còn bồi hồi tha thiết. Những người muôn năm cũ. Chợt một Phạm Văn Bình loé lên, người thấp, da đen ngâm. Anh là thầy giáo. Một Trịnh Kim Đồng hợp cùng Lưu Trung Khảo, hai cây bút chủ lực về biên khảo. Trịnh Kim Đồng thì đã chết. Chết trên đỉnh đồi Mười thuộc tỉnh Bình Định. Anh cùng Sư đoàn 22 BB với ta. Anh bị quả đạn trái sáng rơi trúng vào đầu. Còn ai nữa. Còn Nguyên Sa, Cao Thoại Châu, Luân Hoán, Phạm Hoàng, Phan Thảo Trang. Còn có Trịnh Cung lo phần hình thức. Còn có cả Ý Yên, người sĩ quan huấn luyện... Đó là những tên tuổi rất quen thuộc. Và chúng tôi đã góp lại, cấy mạ, ươm phân bón, để nguyệt san Bộ Binh trở thành một tạp chí có tầm cỡ.

Chúng tôi đã biến mồ hôi thành chữ nghĩa. Và chữ nghĩa đã được chuyển tới không những cho chúng tôi mà còn cho những người thân nhân của chúng tôi. Chính tờ báo đã làm chỗ đứng của Thủ Đức càng lên cao. Có lẽ nhà trường đã nghe được tiếng vang. Bằng chứng là nhà trường cho phép chúng tôi được miễn đi bãi vào ngày thứ Tư để lên họp tại Khối Chiến Tranh Chính Trị hay để có thì giờ hơn dành cho việc sáng tác.

Bây giờ giữa trời đất mênh mông này, làm sao tìm lại những tờ tạp chí cũ. Làm sao có được những bài Nhật ký quân trường của một thời để bỏ vào trong tập sách này gọi là một hoài niệm yêu dấu. Làm sao để ta có thể đập lại nhịp tim của một thời khi ta đi dây tử thần, vượt sông, leo núi, gắn Alpha hay đứng gác trung nghĩa đài. Vàng bạc châu báu nào có thể đổi lại những trang sách xưa. Những trang sách đầy mồ hôi và gian khổ, nhưng cũng đầy lửa của niềm tin và lửa của da thịt em. Những trang sách mang theo bè bạn đã một thời hiện diện bên ta, viết dùm ta, làm thơ dùm ta, chuyên chở nỗi lòng dùm ta.

Bây giờ đã hơn ba mươi năm từ ngày rời Thủ Đức, ta đang khốn khổ hành hạ trí não để nhớ về một thời. Muốn nổi khùng chạy đông chạy tây, tìm hoài trong trí nhớ già nua một vài câu thơ của Cao Thoại Châu được anh sáng tác trong trường lính nhưng đành bất lực. Nhà thơ vẫn còn sống ở trong nước, nhưng những bài thơ một thời đã mất trước anh như tất cả những người viết văn làm thơ của miền Nam trước 1975.

May mà trái tim cứ kêu gọi thúc dục.  Ta đang viết lại đây, tim nhé. Ta đang viết lại đây, hỡi Thủ Đức, hỡi các bạn bè ta, và hỡi những người đã yêu mến văn ta nhé. Viết mà rưng rưng. Ta đã đánh mất cây viết Canon, cái phần thưởng sinh viên sĩ quan báo chí xuất sắc của khoá dành cho ta rồi. Và bây giờ những ngón tay tê buốt của tuổi già đã báo cái cơ nguy sắp bỏ bút rồi. Hở, ta sẽ sống ra sao, hở?


Hai
  
Vậy mà, cuối cùng, tôi đã có tờ báo ấy. Tôi đã có nó, bằng xương bằng thịt, bằng giấy bằng những trang chữ, với những tên tuổi, những bút hiệt quen thuộc dạo nào.

Cám ơn vô vàn Cornell. Cám ơn thư viện Mỹ đã gìn giữ một di sản hiếm hoi.  Thủ Đức gọi ta về là đây. Thủ Đức trên những trang giấy, cái bìa, những trang hình, những tấm ảnh. 

Và thật là kỳ diệu làm sao. Nó lại phát hành vào thời điểm khi khóa 24 của tôi ở vào giai đoạn 1. Thủ Đức có biết bao nhiêu khóa, có biết bao nhiêu số báo phát hành. Thử tính mỗi khóa có 9 số. Nhân lên.
Làm sao mà không kỳ diệu cho được.


Để ta có thể thấy lại những bạn bè hay tên tuổi quen thuộc hiện diện bên ta dưới cùng một mái nhà chung của định mệnh. Này là Nguyên Sa với bài thơ Phần Thưởng, Cao Thoại Châu với bài Tưởng niệm Trần Như Liên Phương, và bài thơ Chín cổng quân trường, Mê Kung (Phan Nhự Thức) với bài thơ Mùa Xuân trên cao xa, Ý Yên với bài thơ Điểm vượt sông, Hồ Minh Dũng với truyện ngắn Đêm hội kiến tình yêu, Phạm Văn Bình với bài thơ Bài học vỡ lòng cho con, Luân Hoán với ba bài thơ “Ngợi ca tình đồng đội”, “Đêm xuống tóc”, “Mùa xuân nhớ nàng”, Chu Tân với thơ và truyện ngăn,Trần Quí Sách (tức Trần Hoài Thư)  với Nhật Ký Quân trường... 

Khó có những tên tuổi này hội tụ trên cùng một tạp chí như ở đây. Không có đàn anh đàn em. Không có bút trẻ bút già. Không có lớn nhỏ. Không có kẻ này viết bài thì phải có nhuận bút, kẻ khác thì không. Tất cả đều bình đẳng. Tất cả đều nghỉ ngày thứ tư, ngày dành riêng cho những sinh viên trong ban biên tập nguyệt san.

- bìa nguyệt san Bô Binh Thủ Đức Xuân Đinh Mùi 1966

Tôi lật từng trang rất cẩn thận, sợ tờ giấy sẽ rạn vỡ vì quá cũ. Những trang nhật ký quân trường của Mê Kung khóa 23 là những trang cuối vì khóa sắp mãn. Nhưng có những trang nhật ký  khác tiếp tục của Trần Quí Sách.

Những trang chữ dù có khi mờ nhạt hay ố vàng nhưng ở đó chúng lóng lánh màu hoàng kim. Từ những giọt mồ hôi vàng trên vầng trán. Từ những tháng ngày được tập huấn nhục. Từ những gian khổ chia nhau.

Tờ báo không được nhắc nhở như tờ Văn, Bách Khoa, Khởi Hành v.v... Bởi nó là nội san không hơn không kém. Nhưng nếu nói về chất lượng ai dám nói nó không xứng đáng là tờ báo có chất lượng cao. Ngay khóa 24 Thủ Đức của tôi đã có những tên tuổi rất quen thuộc như Nguyên Sa, Lưu Trung Khảo, Cao Thoại Châu, Luân Hoán, Phạm Văn Bình, Lâm Chương v.v... Nó là tờ báo học trò thật, nhưng học trò lính, chứ không phải học trò văn chương.


Những trang cuối cùng có tất cả 16 tấm ảnh chụp sinh hoạt quân trường. Một tấm hình làm tim tôi đau thốn là tấm hình dưới đây với lá cờ vàng ba sọc đỏ rủ xuống trước Trung Nghĩa Đài.


Tấm hình nhắc tôi nhớ lại đêm cuối cùng, bồng súng đứng trước Trung Nghĩa Đài. Hai người một ca. Găng tay trắng. Dây biểu chương. Chiếc nón cát két chụp xuống mắt. Quai nón vòng quanh cằm. Đèn sáng thấy hình người sinh viên sĩ quan bắn cung. Tại sao ta lại muốn khóc. Không kèn, không trống, không điếu văn, không chiêu hồn tử sĩ. Chỉ có gió đêm. Gió của mùa hè năm 1967. Gió giữa một vùng đồi lửa cát. Hồn tử sĩ gió ù ù thổi. Những người đàn anh của ta. Họ cũng đã một lần bồng súng đứng nghiêm như ta. Đêm mùa hè, trời trong, càng về đêm trời càng sao sáng. Ta đang đứng nghiêm nhưng con tim ta thì đang gọi. Hỡi người đàn anh, xin phù hộ cho người đàn em này. Gió càng về khuya càng lạnh. Cả một quân trường đang ngủ. Không, có những kẻ đang thức. Như ta, như khoá đàn em của ta.

Bởi vì họ thật sự gánh thêm những tai ương mới. Họ không được may mắn. Và Trung Nghĩa Đài này, không phải được dành ra để tưởng niệm khoá đàn anh, mà cả khoá đàn em của ta. 5 sinh viên sĩ quan khoá 25 đã chết vì bị mìn sau khi rời khỏi cổng số 9 chỉ cách đây không lâu.

Đêm cuối cùng, có ta là đứng canh cho người đã khuất. Trên bầu trời đen tối, giữa muôn vàn tinh tú kia, thỉnh thoảng một vài vì sao băng. Từ một chấm nào giữa cõi bao la, vì sao bỗng xẹt nhanh, từ đông sang tây từ nam qua bắc, từ cao xuống thấp. Hay là lúc này có những người đàn anh của ta đã tử trận, và linh hồn của họ đã rời khỏi vì sao định mệnh của họ rồi.

TRẦN HOÀI THƯ
_____________________________

THƠ TRÍCH TỪ
NGUYỆT SAN BỘ BINH THỦ ĐỨC
XUÂN ĐINH MÙI 1966

BÂNG KHUÂNG  
thơ Phương Triều

Năm em mười bốn tuổi
Anh trở về thăm quê
Tóc em đầy hoa nắng
Và hay ngồi bâng khuâng
Anh đùa: “này cô bé,
Bao giờ mời tôi sang,
“Uống mừng em xuất giá
Để tôi chúc: đá vàng ?”.

Em cười : “Kỳ quá chú !
“Ai mà thèm lấy chồng 
“Người  ta còn đi học
“ Chú này thiệt lạ hông.!”

Năm em mười sáu tuổi
Anh lại về quê thăm
Bây giờ em đã lớn
Và hay ngồi trầm ngâm
Anh lại đùa : “Cô bé,
“Bao  giờ cô lấy chồng
“Cho tôi say một bữa
“Và cô hết ngồi mong?.
Em thẹn hồng đôi má:
“Chú ghẹo người ta hoài
“Nói chuyện gì lãng quá
“Ai thèm cho chú... say !”.
Càng thẹn em càng đẹp
Anh thấy thương quá chừng
Sao em gọi bằng chú
Biết anh buồn lắm không?
Anh đâu có lớn tuổi
Mới hăm lăm... xuân xanh
Nên không thèm làm chú
Chỉ muốn gọi bằng... anh !

Năm em 18 tuổi
Anh lại trở về  thăm
Thấy nhà em rộn rịp
Bỗng nhiên anh lo thầm.
Gặp nhau, em mừng rỡ:
“Anh về đúng lúc ghê !
“Ngày mai em ... xuất giá
“Và theo chồng về quê !”
.

Hết gọi anh bằng chú
Thì em đi... lấy chồng
Làm “chú” buồn thơ thẩn
Thuyền ai đã qua sông !


CHÍN CỔNG QUÂN TRƯỜNG
thơ Cao Thoại Châu

thứ hai này nhớ em buồn vỡ mắt
ước làm chim bay qua cổng quân trường
qua cánh đồng có lúa mạ xanh non
những mái nhà đỏ tươi ngói mới
muốn bay lên từ tối tăm hiện tại
phải qua cổng nào em chọn cho anh

ký ức anh phai mờ như bụi đóng
áo ngả mầu ba lô mũ sắt
và giấc ngủ vẫn rình trên mắt
và tương lai như một góc phòng
mà bóng đêm đã lấp dần ánh sáng
như tận cùng ước muốn đời ta

chín cổng này kín như cuộc đời
cổng nào đưa anh về saigon
thăm lần cuối những gì còn lại
những điêu tàn trong bộ mặt hôm nay
anh nối chín cổng thành một đường dài
khuôn mặt anh với nụ cười méo mó
của những người đang chết quanh ta
anh sống đó xòe tay bưng mắt
chỉ giùm anh đường vào tương lai
chỉ giùm đi em đường vào giấc ngủ
của bóng đêm hoàn toàn bình yên
của quê hương sau cơn khủng khiếp
mỗi con người trong kiếp lưu vong

em có biết anh đang nghĩ gì không
nỗi nhớ thương nổ trong hồn anh đó
em có biết anh đang nghe gì không
những xao xuyến mọc trong hồn anh đó
và đời anh ngày ngày tan rã
dây xích vô hình quấn chặt châu thân

chín cổng quân trường thản nhiên lạnh lùng
tưởng như mắt của người tình hờn dỗi
và trái tim anh là cổng số mười
vẫn nhọc nhằn mang theo dấu hỏi
anh đi vào buổi sáng
anh đi vào buổi chiều
đi vào những giấc mơ bất tận
và mọi người rồi cũng đi vào mùa xuân
đó giả thiết của những ngày giông bão.

CAO THOẠI CHÂU

----------------------------------------------------------
trích từ TRANG VHNT PHẠM CAO HOÀNG
==================================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ