Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2018

"nguyễn tất nhiên & các bài thơ của ông "/ Nguyễn Mạnh Trinh [1949- ] -- trích từ: htttps://ngo-quyen.org/


tựa chính," Đề tài Giáng sinh trong thơ của một thi sĩ'/ Nguyễn Mạnh Trinh





                                                       nguyễn tất nhiên & các bài thơ giáng sinh của ông
                                                                                                   nguyễn mạnh trinh


nguyen_manh_trinh-content
Nguyễn Mạnh Trinh , tác giả bài viết
" Nguyễn Tất Nhiên & các bài thơ của ông"


Viết về các văn thi nhạc sĩ qua đề tài Giáng sinh tuy tạo nhiều thích thú nhưng khó có có thể đầy đủ được. Thực ra có rất nhiều thi, văn, nhạc sĩ có những tác phẩm về ngày lễ này rất hay và độc đáo nhưng chúng tôi vì bài viết có hạn nên chỉ đề cập đến một vài tác giả tiêu biểu mà thôi. Nhưng điều cốt tủy là chúng tôi muốn chia sẻ với cuộc đời, với thời tiết, với nhân loại những tâm tư và ý nghĩa của ngày Chúa sinh ra đời. Và tất cả đã thể hiện trong những tác phẩm xuất hiện có thể từ thời tiền chiến, thời kỳ hai mươi năm văn học miền Nam hoặc văn học ở hải ngoại…
Có người đã nhắc nhở đến nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên và các bài thơ về Giáng sinh của ông.
Trong không khí của ngày Noël năm nay, có lẽ chúng ta cũng nên nhắc lại những bài thơ ấy. 
Nguyễn Tất Nhiên có những bài thơ rất lạ. Hình ảnh của Chúa và Đức Mẹ được nhà thơ xử dụng phương cách độc đáo, chuyên chở được tình cảm một cách dễ thương. Từ “Vì tôi là linh mục” đến “Chuông mơ”, rồi "Em hiền như ma soeur” đến "Hai năm tình lận đận”, thơ và nhạc hình như đã bổ túc cho nhau để làm nổi bật hơn cá tính của người thơ. Thuở sinh thời, ông thường bực bội vì nghĩ rằng độc giả chỉ biết đến Nguyễn Tất Nhiên qua những bản nhạc mà ít để ý đến cốt tủy là chính những bài thơ của ông. Những bài thơ mà ông cho là biểu hiện rõ nét thi ca của ông. Những câu thơ tràn đầy nhạc tính và cũng chan chứa thi tính...
Nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc và đã làm ông nổi tiếng.
Như bài thơ nhan đề “Nguyện làm cây thánh giá” đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn số Giáng sinh năm 1972 và sau đổi thành “Hai năm tình lận đận“ và Phạm Duy phổ nhạc. Bài thơ ấy có đoạn như sau:
“... em bây giờ có lẽ
toan tính chuyện lọc lừa
anh bây giờ có lẽ
nên làm người tình thua
nhà thờ chuông đổ chậm
tượng Chúa gầy hơn xưa
Chúa bây giờ có lẽ
Rơi xuống trần gian, mưa
(dù sao thì Chúa cũng
một thời làm trai tơ
dù sao thì Chúa cũng
làm đàn ông… dại khờ)
anh bây giờ có lẽ
thiết tha hơn tín đồ
nguyện làm cây thánh gía
trên chót đỉnh nhà thờ
cô đơn nhìn bụi bặm
làm phân bón rêu xanh
(dù sao cây thánh giá
cũng được người nhân danh)
hai năm tình lận đận
em đã già hơn xưa.” 
Chỉ có hai năm lận đận cuộc tình thôi mà nhà thơ bắt “em” già đi thì hơi ác! Nhã Lan khi đọc thơ và nghe nhạc, cảm giác hơi khác nhau. Ở thơ, có một điều gì buồn buồn, nhẹ nhàng và hơi chút mỉa mai. Còn ở nhạc, thì có vẻ ngây thơ lãng mạn hơn.
Với tôi, khi đọc thơ, lại cảm vì những chi tiết rất đời thường nhưng lại tạo được nét mới lạ. Từ trước tới giờ, có lẽ chưa có ai có ý nghĩ như Nguyễn Tất Nhiên: dù sao thì Chúa cũng / có một thời... trai tơ / dù sao thì Chúa cũng / làm đàn ông dại khờ. Chính cái nét ngang ngang khác người ấy làm bài thơ sinh động. Còn khi nghe nhạc thì cảm giác khác hơn. Cái nét ngang ngang tinh nghịch ngầm không giống ai ấy biến dạng đi. Và thay thế là cảm giác của sự trẻ trung đầy nét lãng mạn. Đó là nhận xét thô thiển của riêng tôi, khi đặt mình vào vị trí người thưởng ngoạn…
Có một tập thơ của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên mà hình bìa là hai tháp giáo đường cao vút với bức tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp. Đó là tập thơ Chuông Mơ mà Nguyễn Tất Nhiên xuất bản vào dịp Giáng sinh năm 1999. Bài thơ mà nhan đề được chọn cho tập thơ là bài thơ gửi về cho người xưa còn ở Việt Nam:
“chiều nay em còn mảng tóc mai chuong_mo_bia_truoc_small-content
hay đã lao tâm luống bạc rồi
chiều nay vừa đến giờ tan học
hay vừa buông cuốc chặm mồ hôi?
Chiều nay em bước trên quê hương
Chắc tóc không còn óng ả chuông
Chắc chuông không mượt nâng tà tóc
Chắc tóc và chuông đã… đoạn trường!
Chiều nay em trên quê hương
Chắc Chúa chẳng nhìn như mọi hôm
Bởi vì mắt Chúa và em đã
Lóng lánh vùi chôn lệ ngấn lòng
Áo trắng cả sân trường trắng
Tan học trong đời anh thẩn thơ
Đời anh quên, nhớ, quên, nhiều lắm
Chiều chiều xứ Mỹ cũng chuông mơ.”

Thơ Giáng Sinh của Nguyễn Tất Nhiên chắc còn nhiều lắm. Nhiều bài thơ khác như “Em hiền như ma soeur”. “Vì tôi là linh mục”... và cũng được phổ nhạc thành những bài hát mà chưa bị thời gian làm cho phai phôi…

* * *

Thơ tình Giáng sinh còn có bài nào khác của thi sĩ khác làm tôi thích thú. Tôi có đọc một bài thơ của nhà thơ Trần Vấn Lệ. Ngày Giáng sinh, giở đúng bài ”Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình yên dưới thế cho người tôi thương” thì đúng là thích hợp quá rồi còn gì!!! Cái nhan đề gợi lại một điều gì tuy quen mà lạ, tuy dài mà ngắn. Nó gợi lại một giây phút của hai người tình nhân xưa sau hai mươi năm gặp lại trong ngày Giáng sinh. Chỉ có như vậy, nhưng ngôn ngữ giản dị, tự nhiên như những lời kể chuyện và nhất là man mác trong đó nỗi niềm hoài vọng. Hoài vọng một thời đã qua. Hoài niệm mối tình đã lỡ...
Bài thơ gồm 14 đoạn mỗi đoạn 4 câu. Khá dài nhưng là một truyện kể của một người đã luốn tuổi nhưng vẫn còn vương vấn mối tình xưa khi gặp người tình cũ. 
“ngày này năm ngoái nhớ không em?
Mình gặp nhau qua một cái nhìn
Mười bảy năm trời trên đất Mỹ
Vẫn là ánh mắt tối Noël
ôi em kinh ngạc trông mà tội
anh cũng tội gì cứ đứng run?
Em vẫn là em cô gái nhỏ
Và anh vẫn vậy, lính băng rừng
Hai mươi năm cũ như cơn mộng
Mười bảy năm trời một tiếng kêu
Rất khẽ. Bởi lòng hai đứa nghẹn
Dù đêm ròn rã tiếng chuông reo
Lạy Chúa cho con gặp lại người
ôi lời anh thốt giống em thôi
Đưa tay muốn nắm mà không được
Đối diện trời ơi lỡ hết rồi
Lỡ hết rồi em! Lỡ hết anh
Em mừng sao mắt lệ long lanh
Anh mừng mắt chớp sau làn kính
cảm tạ trời! Con đã đứng im
dăm ba câu hỏi như bè bạn
em tiếp đường em, anh bước lui
mình gặp nhau đây không ước hẹn
tình cờ em nhỉ chuyện vui vui
chuyện vui tình ý ai không biết?
Thôi giả đò em nhé, Chúa thương
Anh giả đó than hoàn cảnh khổ
Để em dìu dịu ”mắt Tây phương”
Bài thơ đôi mắt người Sơn Tây
Em chép ngày xưa ”kính tặng thầy”
Anh nhắc một câu mà nuốn khóc
Một năm đằng đẵng mắt còn cay!”

Sau một năm kể từ giây phút gặp gỡ ấy, người thơ vẫn còn cảm xúc. Và đến tối Noël năm sau, thì cảm giác ấy lại càng rõ nét.
”Hồi năm ngoái đó với bây giờ
anh giật mình như tỉnh giấc mơ
trọn tối Noël nhìn ảnh Chúa
tưởng chừng đôi mắt của người xưa
em nhớ hay là em đã quên
lạy trời em mãi mãi bình yên
anh làm thầy giáo rồi đi lính
lết tới quê người đạn trúng tim
thôi lỡ rồi em lỡ hết rồi
đường Em đi tới – Con Đường Vui
đường anh trở lạnh đêm năm ngoái
gục xuống quỳ ôm Chúa ngậm ngùi
tha hương kỳ ngộ, ôi lòng Chúa
xin hãy vì người con mến thương
chấp nhận những điều con khấn nguyện
cho nàng hạnh phúc ở nhân gian
em ơi anh tắt từng cây nến
hai chục năm mờ bóng cố nhân
chuông giáo đường vang, tim Chúa đập
đường Em đi tới rộn ràng xuân
đường anh trở bước trăng soi sáng
vẫn bóng trăng rằm quá khứ xưa
đôi mắt Sơn Tây thời lãng mạn
dụi hoài cứ ướt những câu thơ...”

* * *
Có một bài thơ khá nổi tiếng của một nhà thơ người miền Nam Bộ. Bài thơ ấy cũng được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Huỳnh Anh và nhạc sĩ Anh Bằng. Một bài thơ mà thành hai bản nhạc. Đó là bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” bài thơ của Kiên Giang Hà Huy Hà.
Nhà thơ khi ăn mừng thượng thọ 81 tuổi đã mang bức di ảnh của người xưa để công bố một hình bóng nàng thơ áo tím, một nhân vật có thực của đời mình và là một hình bóng thân yêu trong bài thơ. Theo bài viết đăng trên web-site của nhà văn Lê Thiếu Nhơn thì nàng thơ của Kiên Giang Hà Huy Hà (tên thật là Trương Khương Trinh) là bà Nguyễn Thúy Nhiều, người bạn học của chàng hay đi ngang qua nhà thờ mỗi khi xem lễ với tà áo tím. Hà Huy Hà đã mang hình ảnh ấy vào thơ với cảnh giáo đường, với chuông nhà thờ. Và ông cũng lồng vào khuôn cảnh một thời tao loạn để có cảnh tử biệt sinh ly. Thơ Kiên Giang Hà Huy Hà rặc ròng âm hưởng Nam Bộ, có lúc thật giống với thơ Nguyễn Bính nhưng cũng có khi y khuôn như những câu ca dao của miền sông nước Cửu Long. Về khuynh hướng chính trị, Kiên Giang thiên cộng trong thời kỳ trước năm 1975 và là một người được chế độ Cộng sản cho tham dự vào các sinh hoạt văn chương sau 1975 nhưng dường như chẳng có đãi ngộ nào đáng kể mặc dù được xưng tụng là có hơn 60 năm phục vụ nghệ thuật cho cách mạng. Lúc đến tuổi hưu ông phải bán đi căn nhà nhỏ bé của mình và sinh kế cũng khá chật vật.
Bài thơ khá dài. Đoạn mở đầu:
“lâu qúa không về thăm xóm đạo
từ ngày binh lửa cháy quê hương
khói bom che lấp chân trời cũ
che cả người thương nóc giáo đường
mười năm trước em còn đi học
áo tím điểm tô đời nữ sinh
hoa trắng cài duyên trên áo tím
em là cô gái tuổi băng trinh
quen biết nhau qua tình lối xóm
cổng trường đối diện ngó lầu chuông
mỗi lần chúa nhật em xem lễ
anh học bài ôn trước cổng trường
thuở ấy anh hiền và nhát quá
nép mình bên gác thánh lầu chuông
để nghe khe khẽ lời em nguyện
thơ thẩn chờ em trước thánh đường...”
 Tình yêu rồi cũng phai phôi. Nàng áo tím đi lấy chồng. Chàng nghe ròn rã chuông xóm đạo như tiễn nàng vu quy. Rồi sau đó chiến tranh, và nàng áo tím ngày xưa đã thành chiến sĩ và chết dưới bóng cờ.
Và kết cuộc: 
”Hoa trắng thôi cài trên áo tím
mà cài trên cỗ nắp quan tài
điểm tô công trận bằng hoa trắng
hoa tuổi học trò mắt thắm tươi
xe tang đã khuất nẻo đời
chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu
từ đây tóc rũ khăn sô
em cài hoa trắng trên mồ người xưa.” 
Nhưng, đó là bốn câu thơ cuối của bài thơ đầu tiên. Về sau này, người chồng của bà Thúy Nhiều ghen tức khi bà này đặt tên con đầu lòng bằng tên ghép của hai người: chính bà và người thơ ngày xưa. Bản sau của bài thơ, Kiên Giang Hà Huy Hà sửa lại đoạn kết bài thơ là :
“Lạy chúa con là người ngoại đạo
nhưng tin có Chúa ở trên trời
trong lòng con giữa màu hoa trắng
cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!”

Thơ Kiên Giang ngôn ngữ chất phác, những bài thơ như Xe Trâu hay Hoa Trắng Thôi Cài Trên Aó Tím nhờ sự hồn hậu bình dân biểu lộ tính tình của người dân Nam Bộ nên đã có vị trí trong thi ca Việt Nam…

* * *
Tức cảnh sinh tình tôi cũng có làm vài bài thơ về Giáng sinh của đời mình. Trong đó, có bài thơ làm khi vừa từ đảo đến Mỹ định cư:
Vào thương xá giọt nhạc rơi
Giờ thánh tẩy, chợt cõi đời bù hao
Từ khi gươm súng vẫy chào
Ngẩn ngơ tiền kiếp lao đao bóng hình
Soi gương mù mịt nhân sinh
ngọn thông đèn thắp nỗi mình ở đâu?
Đứng bên hang đá u sầu
Thấy cây thập giá nỗi đau hình thành
Tượng Mẹ giọt lệ long lanh
Hồng ân thiên cổ trên cành còn treo
Chiếc xe đò cũ qua đèo
Nghe sương khói chạnh cuối chiều bâng khuâng
Đứng trên đỉnh dốc phong trần
Áo cơ hàn cũ thế thân vẫn vừa
nhạc rơi ẩm sáng lạnh trưa
Giáng sinh tôi, quạnh đêm mưa ngang đầu.
Nói về mình đã kỳ mà nói về thơ của mình lại kỳ cục hơn. Đại khái bài thơ này chỉ là tâm sự của một người sắp bước chân vào một cuộc sống mới và sẽ phải gánh nặng trong tâm một quá khứ có từ những thời gian đã qua của đời mình…
Một bài thơ khác, ghi lại một thời gian khác một kỷ niệm khác. Giáng sinh ở Sài Gòn. Bài thơ đã để lại từ một thành phố đầy ắp trong trí nhớ những kỷ niệm.

1
Hãy xuống đường và mặc áo mới.
Chiếc áo ngày Chúa bị đóng đinh
Còn khô vệt máu

Hãy xuống đường và xưng tội
Thân phận Việt Nam.
Âm như dao sắc
Thánh ca xoáy tròn
 cấu da nỗi đau có thực.

2
Giáng sinh ở Sài gòn
Con phố không còn gió
Ngọn cờ ủ ê.
Lặng lẽ.

Giáng sinh ở Sài Gòn
Thắp trong mắt mỗi người ngọn nến nửa đêm
Đầu mang vòng gai buốt
Hân hoan hành xác mình

Giáng sinh ở Sài gòn.
Mọi người đi ra đường
Cầm trái tim
Làm vũ khí.

Lời đồng dao của quỉ
Bắt đầu chuông báo tử mùa xuân.

3
hát cho rõ tiếng guốc nàng.
Hai mươi năm trẻ dại
Hát và thở ký ức chàng
Thác reo lũng gió
Hát và vỗ tay thế kỷ chúng ta.
Khúc hoan ca thinh lặng
Hát và long lanh hạt lệ
Giáng sinh ba mươi năm trí nhớ.

4
bây giờ nửa đêm
phơi khô dây hạnh phúc
ngọn nắng phai phai
ru tôi tóc sợi.

Bây giờ ở Sài gòn
Tôi trốn vào đám đông
Mặt nạ che tông tích
Tự hỏi có phải là dòng sông
Trôi qua những ấu thơ tinh nghịch
Cánh cửa khuya đóng lại bình minh.

5
Giáng sinh ở Sài gòn
nhớ ly cà phê gạo rang đắng chát.
Cho cũ một ngày.
Ngọn đèn dầu nhỏ tăm tối
Sao không thắp hỏa châu
Sân ga không tàu đợi

Giáng sinh ở Sài gòn.
Ngực khan đám đông đau
Than vừa ngún
Bếp đỏ lửa rồi bè bạn ta ơi

Giáng sinh ở Sài gòn
Sống lại chính chúng ta
Hàng hàng lớp lớp
Tôi phục sinh anh phục sinh
Từ dòng máu giọt

t NGUYỄN TẤT NHIÊN…


Nguyễn Mạnh Trinh



---------------------------------------------
t rích từ  https://ngo-quyen.org/
----------------------------------------------




0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ