chúc thư văn học của Nhất Linh: "CÁI CHẾT định sẵn"/ bài viết: nguyễn văn lục -- honviet.vanhocvietnam.org/
Nhất Linh[ i.e. Nguyễn tường Tam [1906- 07-07-1963]
better known by his pen name NHẤT LINH was a Vietnamese writer, editor and publisher in colonial Hanoi. --Wikipedia Cái chết của Nhất Linh
Nguyễn Văn Lục
Lời thưa của tác giả.
Bài viết lần đầu của tôi về cái chết của Nhất Linh đã có nhiều ý kiến phản bác. Tôi ghi nhận và hiểu tại sao. Đụng đến Nhất Linh là đụng đến một giá trị đã được bảo kê. Nhưng tôi cứ lấy tâm thành,vận dụng lý luận biện chứng và biện minh dựa trên cứ sự nhân chứng và tâm bệnh lý cũng như pháp lý trong tiến trình suy nghĩ của tôi. Nhưng vẫn viết trong niềm kính trọng Nhất Linh. Điều mà ông Nguyễn Tường Thiết trong thư trả lời tôi cũng nhìn nhận như vậy.
Đối với tôi thế là đủ rồi.
Bài viết lần thứ hai này, tôi có bỏ phần viết về nhóm TLVĐ cũng như phần viết về nhà văn Nguyễn Thị Vinh để cho nội dung bài viết được nén chặt{condensed} hơn và tránh lời qua tiếng lại xét ra không cần thiết. Nhưng quan trọng hơn, tôi bổ sung thêm phần chứng từ có tính cách pháp lý dựa trên cuốn sách của Ủy Viên Chính Phủ, trung tá Lê Nguyên Phu, cuốn: Trong bóng tối lịch sử, chưa xuất bản. Bằng cách trích dẫn tóm tắt.
Nếu tin vào những điều ông UVCP đã viết, luận chứng pháp lý xem ra có giá trị thuyết phục không nhỏ.
Ngoài ra, tôi cũng trích dẫn thêm cuốn sách:"Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm của tác giả Vĩnh Phúc. Nội dung phần trích dẫn cho thấy chế độ ông Diệm tương đối không có thù oán gì với Nhất Linh. Và nếu làm chính trị thủ đoạn thì ba năm trời{từ 1960-1963},mạng sống Nhất Linh nằm trong tay họ, điều gì tồi tệ nhất có thể xảy ra? Họ đã không làm".
Có thể những điều tôi viết ra chưa hẳn được mọi người đồng ý. Nhưng tránh quy chụp. Đó là điều mà tôi mong đợi nhất.
Đã hơn nửa thế kỷ kể từ khi Nhất Linh quyết định đưa chúc thư văn học này ra trước công chúng.Qua chúc thư này, có nhiều điều nay cần được nhìn lại và quả thực là không thừa khi tôi làm công việc này.
Và sau đây là nội dung bản chúc thư.
Trong hương trầm của đêm 30 tết và mắt mờ đi vì thương cảm những người cũ đã khuất hoặc mất tích, tôi nghĩ tới những nhân tài mới khả dĩ đem lại một nguồn sinh lực rồi rào hơn làm cho Tự Lực thay đổi luôn và mới trẻ mãi, tôi có mấy lời cảm xúc này và cũng là chúc thư luôn thể, với một bài thơ gởi các anh em cũ (bất cứ ở khu nào) và mấy nhân viên tương lai của Tự Lực Văn Đoàn. Trong bảy tám nhà văn mới chọn lọc được trong hai năm nay, tôi thấy có ba nhà văn chắc chắn xứng đáng, là nhân viên Tự Lực Văn Đoàn và tôi tin anh Đỗ Đức Thu cũng như mấy anh mất tích sau này trở về, cũng như tôi sẽ bỏ phiếu bầu một khi ba nhà văn đó có đủ một số sáng tác để sự quyết định có căn cứ. Ba người đó là Nguyễn Thị Vinh, Tường Hùng và Duy Lam. Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm những việc mình đã làm, tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự Lực Văn Đoàn và công việc sáng tác. Nhưng Tự Lực Văn Đoàn không thể ngưng lại ở số người cũ và đứng yên, người qua, nhưng đoàn phải mới và tiến mãi. Ngoài sự cố gắng của anh em cũ còn lại, tôi mong những nhà văn tương lai, trước và sau khi gia nhập cũng đem hết tâm hồn và khả năng để làm rạng rỡ tên tuổi của đoàn mình, coi mình với đoàn là một, giữ được tinh thần cố hữu trước kia đã sáng tỏ giữa anh em quá cố: giúp đỡ nhau, đùm bọc lấy nhau, cùng nhau sát cánh để phụng sự văn nghiệp và đoàn mình, nghiệp văn dù chung một kiếp người, đoàn văn cùng chung tiếng để mãi tới kiếp sau. Đã bảy năm tôi mới lại có dịp làm thơ và thơ tôi vẫn không hay nhưng lòng và ý thành thực là đủ rồi:
Tự lực, vườn văn mới trổi lên
Bỗng dưng thời thế đảo huyên thiên
Thương dăm lá cũ vừa rơi xuống
Mừng mấy mầm tươi vụt nhú lên
Mạch cũ, nhựa non rồn rập chảy
Vườn xưa, hoa mới điểm tô thêm
Người qua, sách mọt, đời thay đổi
Tự lực, danh chung, tiếng vẫn truyền
Nhất Linh
2 giờ sáng mồng một tết, năm Quý Tỵ
14/02/1953
Đây là một chúc thư mà lời lẽ chân tình chan chứa cảm xúc. Ngậm ngùi nhớ tiếc. Người ấy ngồi một mình, nghĩ lại đời mình, bạn bè, kẻ còn người mất, nghĩ tới tương lai Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ), thành quả duy nhất đạt đuợc trong đời một nhà văn sáng chói một thời. Không khí chúc thư cho ta có cảm tưởng như thể của một người sắp ra đi, muốn nhắn nhủ lại. Vì thế mọi chuyện từng chữ, từng câu trong lá chúc thư vỏn vẹn một trang này chứa đựng tâm tư, nỗi lòng thương nhớ bè bạn xa gần, cũ cũng như những hoài bão, lòng mong đợi của Nhất Linh.
Cái chết định trước của Nhất Linh
Đây là phần quan trọng nhất, mục đích của bài viết này, đi tìm nguyên nhân, lý do nhà văn, lãnh tụ chính trị Nhất Linh vì sao đã tự tử.
Trong bản chúc thư ở trên đã có điềm dự báo về cái chết không tránh khỏi của ông sau này. Những giọt nước mắt trong bản chúc thư này là những giọt nước mắt tiễn đưa của 10 năm sau? Tất cả như là hành trình tâm linh của một người, của một thân phận dẫn dần tới cái chết như một thứ định mệnh đã an bài. Không xảy ra cách này thì cũng xảy ra cách khác. Và sự chọn lựa cái chết vào ngày song thất 7 tháng 7, 1963 là một chọn lựa chủ ý như một thứ suicide intentionnelle theo Tây Phương hay theo nghĩa Nghiệp, Karma theo Đông Phương.
Khi nói về cái chết của Nhất Linh, dư luận thường kết luận một cách rõ ràng, minh bạch, dứt khoát: ông chết để phản đối chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Vì thế cái chết đó là một bản án chính trị dành cho chế độ Ngô Đình Diệm.
Đáng nhẽ Nhất Linh không có lý do gì phải chết, nhưng vì muốn phản đối chế độ đó mà ông quyết định tự tử, một hình thức phản kháng tối hậu. Một người đã mang cái chết của mình ra thì hầu như không còn lời gì có thể biện minh hay nói khác được.
Và giả dụ rằng không có vấn đề phản đối chế độ Ngô Đình Diệm thì hẳn Nhất Linh đã vẫn còn sống? Đó là câu hỏi căn nguyên, nền tảng xác định ý nghĩa cái chết đó. Ý nghĩa trong sáng và không một gợn mây nghi ngờ nằm ở chỗ đó, đánh giá cũng ở chỗ đó.
Mọi người, mọi giới đều coi việc Nhất Linh tự tử là một hành động vì lý tưởng, dám đem thân mình, sự sống đời mình thách thức cả một chế độ, không chịu khuất phục và không chịu để cho chính quyền độc tài thời đó xét xử ông. Không ai nói khác được, không ai có thể nghi ngờ sự trong sáng về cái chết đó? Giấy tờ chúc thư còn để đó. Nó biểu tượng cho một lý tưởng và không khác gì ngọn lửa Thích Quảng Đức trước đó không bao lâu đã góp phần làm suy sụp nhanh chóng nền đệ nhất cộng hòa.
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, kể từ ngày 7 tháng 7, năm 1963, ngày mà Nhất Linh tuẫn tiết đến nay, dù xác thân Nhất Linh nay chỉ là nắm tro tàn nguội lạnh, tôi không muốn tin như thế. Tôi vẫn muốn đi tìm ý nghĩa đích thực của cái chết ấy.
Vì nói về cái chết của một người là nói về một bí nhiệm. Phải đâm thủng được bức màn bí nhiệm ấy để hy vọng thấy được những khe hở còn che đậy. Công việc không phải là dễ. Mỗi cái chết tự nó là một thông điệp của người chết gửi người sống, một ý nghĩa.
Ở trong triết học, tự tử mang ý nghĩa từ chối đời sống vì không tìm thấy trong đời sống một ý nghĩa gì khả dĩ để tiếp tục sống nữa.
Tự tử như vậy là một chọn lựa tối hậu khi không còn có chọn lựa nào khác. Nhất Linh đã tự tử. Sự chọn lựa đó phải chăng do những biến cố thời cuộc chính trị của những năm 1963 hay là một chọn lựa tiền định, tiềm ẩn? Thực tế, ông đã để lại một thông điệp 72 chữ mà nhiều người có thể lập lại một cách thuộc lòng như: Đời tôi để lịch sử xử. Nhưng lịch sử là ai? Ai xử? Xử như thế nào? Đã xử chưa? Và lịch sử có phải là ngày hôm nay không? Hay là câu chúc thư trên thực ra phải hiểu như sau: Đời tôi, để tôi tự xử?
Phải chăng đó chỉ là cách nói của ông? Phải chăng điều căn bản, không chối cãi được ở đây là ông đã tự chọn một cái chết cho mình mà những sự việc xảy ra trong năm 1963 đã được sắp xếp, tính toán trước như một điều không thể khác?
Có không, giữa ông Diệm và ông Nhất Linh, một sự đố kỵ về cá tính, về lý tưởng? (…) Có không, sự oán hận vì đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm bỏ quên, nhục mạ? Việc một hai tờ báo thân chính chế diễu, gọi Nhất Linh là nhà văn viết truyện khiêu dâm là chủ trương của người cầm quyền? Nhất Linh đã gán cái trách nhiệm chết yểu của tờ Văn Hóa Ngày Nay là do sự ngấm ngầm chống phá của chính quyền Ngô Đình Diệm không cho nhà phát hành Thống Nhất phát hành báo Văn Hóa? Tất cả những vấn đề này, chúng tôi sẽ bàn kỹ trong một số báo đặc biệt về tờ Văn Hoá Ngày Nay. Theo lời bà Nguyễn Thị Vinh viết lại:
Thật sự, cho đến bây giờ, tôi chưa hề nghe ai trong giới báo chí nói chính phủ Ngô Đình Diệm đóng cửa tờ Văn Hoá Ngày Nay. Tình cờ, may mắn thay, tôi đã tìm được một tài liệu, một mảnh giấy nhỏ kèm trong Văn Hoá Ngày Nay số 9 do một thân hữu, anh Nguyễn Thế Toàn ở Hoa Thịnh Đốn gửi cho trong đó có lá thư cáo lỗi độc giả của nhà văn Nhất Linh. Nhà văn Nhất Linh cho biết, vì lý do sức khỏe, ông đã bỏ dở nửa chừng công việc và do đó số báo đó cũng như những số sau có quá nhiều sơ sót và lỗi lầm như đăng bài trùng hợp, đăng cùng một bài trên hai số báo liên tiếp… Tôi có hỏi thẳng anh Duy Lam về việc này. Anh cho biết, ông Nhất Linh có tâm sự và cho biết do những khó khăn về tài chánh nên phải đình bản tờ báo.
Việc đã rõ là bà Nguyễn Thị Vinh đã viết không đúng sự thật. Nếu báo bị đình bản thì hẳn đã có Nghi Định hẳn hoi chứ? Và nếu như thế thì cắt nghĩa làm sao sự chết yểu của Hiện Đại, Thế kỷ 20 cũng trong thời kỳ đó? Dù mọi người hiểu rằng Hiện Đại, Thế kỷ 20 đóng cửa vì hết tài trợ. Tóm lại, VHNN đình bản vì thiếu tài chánh và nhất là lý do sức khỏe của Nhất Linh.
Nhìn lại nhóm những người trí thức đối lập trong nhóm Caravelle thì hơn phân nửa là những người đã từng cộng tác với ông Diệm. Sự chống đối không khỏi có những yếu tố riêng tư trong đó. Nhiều người đã bị bắt, riêng Nhất Linh lại được miễn trừ. Khi hai phi công ném bom dinh TT Ngô Đình Diệm mà theo nhiều người, đã có tay trong để biết giờ giấc trong dinh. Nhưng đến phút chót, một quả bom của phi công Nguyễn Văn Cử đã không nổ. Vai trò ông Nhất Linh trong vụ ném bom này như thế nào? Làm chính trị đối lập thì khác. Nhưng dính dáng vào một vụ mưu sát thì nếu có bằng chứng rõ rệt tịch thu được trong nhà Hoàng Cơ Thụy, chính quyền nào cũng có thể mang ra xử tội. Không thể đổ trách nhiệm cho lịch sử được. Mật vụ há không biết sao. Họ có làm ngơ được không? Chính quyền dù dân chủ cách mấy cũng sẽ không làm ngơ trước việc mưu sát này. Thất vọng chồng chất thất vọng mà những người chung quanh Nhất Linh đều nhận thấy.
Có thể nói cuộc đời Nhất Linh lúc đó chồng chất những thất bại. Những giấc mơ không thành. Bằng chứng trong bức hình vẽ chân dung Nhất Linh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí còn dang dở vì sau đó họa sĩ Trí bị đi tù. Khi trở về, ông Nguyễn Gia Trí định vẽ tiếp thì Nhất Linh không cho. Ông đòi để nguyên vì cho rằng:
Bức họa dang dở giống như cuộc đời của ông.
Nó là một tác phẩm chưa hoàn tất.
Thất bại của ông thì nhiều, trải dài trong suốt cuộc đời làm chính trị khiến ông bị căn bệnh trầm uất triền miên. Depressive psychosis với ba giai đoạn phát triển tuần tự của bệnh từ Suicidal ideation, suicidal planning và cuối cùng sucidal attempt. Từ ý tưởng sang kế hoạch và sau cùng là thi hành.
Bệnh tâm thần của Nhất Linh là có thật. Nhưng ít ai trực tiếp nói thẳng ra. Không muốn nói ra và còn muốn giấu giếm. Phủ nhận tình trạng tâm bệnh của Nhất Linh không phải là một cách thế tôn trọng ông. Tôn trọng ông, chính là nhìn nhận con người toàn diện{l’homme en totalité}con người -ở -đời, có những hoàn cảnh đặc thù của chính ông.
Đó mới là tôn trọng.
Thứ nhất: Ám ảnh tự tử luôn luôn lẩn quất trong truyện của ông trong hai phần ba cuộc đời. Đó là giai đoạn suicidal ideation.
Ngay từ khi còn làm báo Phong Hóa, Tú Mỡ đã ghi nhận như sau:
“Tâm thần bị giao động nhiều, gần như bệnh. Cần phải đi dưỡng bệnh.”
Đó là những dấu hiệu có tính cách tiên báo trước.
Bệnh càng ngày càng trở nên trầm trọng theo thời gian vì ông mang gánh nặng trên vai của một kẻ sĩ, của một người trí thức sống trung thực, có lòng với đất nước và vì sự kỳ vọng của mọi người. Nếu ông không phải một trí thức, không có cái tâm của một kẻ sĩ, có thể ông đã không bi quan như vậy.
Ông đã thất vọng về sự bất lực của ông.
Trong những bài viết bàn về cái chết của Nhất Linh, tôi thấy chị Thụy Khê đã ra khỏi những lối suy nghĩ định sẵn và tới gần được Nhất Linh nhất qua những gì ông đã viết. Trong bài viết này, tôi muốn trình bày ý nghĩa việc tự tử này trong sự truy lùng hiện trạng con người, vấn đề tâm thần và lịch sử cuộc đời của Nhất Linh qua từng những chi tiết nhỏ, qua những nhận xét xem ra rời rạc mà khi nối kết lại với nhau, tôi nghĩ chúng ta có thể hiểu được phần nào cái chết bi kịch ấy. Tìm hiểu để tôn trọng con người ấy và những lựa chọn không tránh được của ông. Cái mà ông nói tới như định mệnh con người, định mệnh đời ông, cái Karma của đời ông.
Trong phạm vi văn chương, ông đã gửi gắm gì trong những truyện của ông? Trong truyện Người quay tơ, truyện đầu tay của ông, phương cách làm chính trị, làm cách mạng của Nhất Linh rất lãng mạn, rất tự hủy. Làm chính trị có nghĩa là hy sinh mạng sống. Làm cách mạng đồng nghĩa với chết. Thật vậy, trong truyện, Người quay tơ, người đọc không biết đích thực ông tú đã làm gì, đã chống đối chính quyền thực dân Pháp ra sao. Chỉ biết ông bị đi tù Côn đảo và đã hy sinh. Cũng vậy, Dũng đã nghĩ về Thái như sau:
Anh Thái đi như vậy để làm gì? Chẳng qua không biết làm gì nữa thì liều lĩnh.Thế giới của Dũng là chấp nhận sự bất lực, sự bế tắc và chấp nhận cái chết như một hành vi cao cả và đáng sống nhất như một thoát ly: Cái chết của Thái đối với Dũng chỉ là một thoát ly?, vì thế tôi không sợ chết, vì đất mát lắm.
Ám ảnh về cái chết, về sự tự hủy như một cứu cánh đời sống, ám ảnh ông, bàng bạc trong các tác phẩm của ông, rỏ rệt nhất là trong truyện Bướm Trắng.
Có điều gì liên hệ giữa văn chương đến cuộc đời? Dĩ nhiên thế giới truyện và cuộc đời không phải lúc nào cũng trùng khớp. Nhưng qua văn chương, người ta vẫn có thể biết được chỗ ẩn náu của nhà văn. Những ám ảnh về tự tử trong truyện có thể dẫn đường cho việc giải thích việc tự tử của ông sau này, vào năm 1963 hay không? Chính vì thế, ông đã không muốn cho con cái trong nhà đọc Bướm Trắng khi còn nhỏ. Trong truyện, nhân vật Trương biết mình không còn sống bao lâu nữa đã có những ý nghĩ đen tối là tự tử. Nhân vật Trương nghĩ rằng:
“Cách tốt nhất là nhồi một viên đạn nhỏ vào trong sọ. Tạch một cái, thế là hết. Ngọt như mía lùi. Lý luận thêm: Hèn nhát thì không bao giờ tự tử được, mà có can đảm như trời cũng không thể tự tử được. Tự tử được hay không là ở cảnh chứ không phải ở người.”
Tóm lại, Nhất Linh nhà văn có phải là một con người tâm trí bình thường khi quyết định việc tự tử, kết liễu đời mình nhằm chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm? Hay đó là một hành vi, hay một quyết định sáng suốt của một người biết mình phải làm gì? Hậu quả của sự đau buồn, nỗi cô đơn vì cái chết yểu của Thạch Lam, của Khái Hưng. Nhất là cái chết của Hoàng Đạo, một người em, một đồng chí cách mạng. Nguyễn Tường Bách viết lại như sau:
“Song tại đây, một sự mất mát và đau buồn vô tận cho chúng tôi đột ngột tới, đó là cái chết của anh Hoàng Đạo trên một chuyến xe hỏa từ Hồng kông về tháng 8/1948. Đặc biệt là đối với Nhất Linh, vì hai anh em gần gụi nhất từ nhỏ, và từng sát cánh mật thiết trong sự nghiệp văn hóa, cách mạng”
(Tưởng nhớ anh Nhất Linh, Nguyễn Tường Bách, trang 65, sách Nhất Linh, nhiều tác giả).
Rồi sự thay đổi lập trường chính trị của Nguyễn Tường Bách cũng như sự rạn nứt hệ phái Quốc Dân Đảng với Vũ Hồng Khanh, Tự Lực Văn Đoàn tan đàn rã gánh, thất bại trong việc ký hiệp ước sơ bộ rồi lang thang thất thểu chạy sang Tàu. Rồi sự thất vọng khi làm bộ trưởng ngoại giao dưới chính phủ Hồ Chí Minh và làm nhân vật đối lập dưới thời Ngô Đình Diệm. Bấy nhiêu nỗi thất vọng, chán chường về chính trị có đủ đưa đến quyết định quyên sinh của Nhất Linh hay không?
Bà Nguyễn Thị Vinh, một người rất gần với Nhất Linh đã nhận xét về con người của ông như sau:
“Hằng ngày, tôi ít dám nói chuyện với anh, bởi vì trên gương mặt anh toát ra một vẻ nghiêm khắc, trầm lặng, rất buồn bã. Ánh mắt luôn luôn như nhìn về một cõi xa xăm, mọng lên nỗi chất chứa u sầu. Tới nỗi tôi có cảm tưởng, nếu có một tiếng động dù nhỏ, bất chợt vang lên, cũng đủ làm cho các màng nước trong mắt anh oà vỡ. Cặp môi anh có lúc rung rung như đang nói truyện với ai đó, vô hình, đôi khi lại thoáng nét nhẹ, thật nhẹ, như mỉm cười.”
(trích Nhất Linh và Xóm Cầu Mới, Nguyễn Thị Vinh, trong Nhất Linh, nhiều tác giả, trang 88).
Đó là thái độ, cung cách của người mắc bệnh tâm thần. Nhất Linh nhất định không thể là một người tâm trí bình thường lúc cuối đời. Ông có vấn đề. Vấn đề của chính ông. Không ai có thể làm gì cho ông được. Ông rơi vào cô đơn và tuyệt vọng. Từng ngày, từng năm tháng sắp tới. Về tâm linh, ông đã chết dần và ông chết từng ngày.
Ông Trương Bảo Sơn, chồng bà Nguyễn Thị Vinh cũng nhận xét như sau:
“Phải chăng việc mất hai người em thân yêu như mất hai cánh tay đắc lực, đã làm cho Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam xót xa đau lòng khiến nhiều đêm ông đã âm thầm khóc một mình và chán nản, ngưng làm chính trị mất ba bốn năm trời, ẩn cư ở núi rừng Đà lạt?”
(trích Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh, trong Nhất Linh, nhiều tác giả, trang 73)
Triệu chứng tâm thần đã rõ. Chừng ấy nhận xét của những người thân thiết của ông nghĩ đã đủ chưa? Nó dẫn đưa ông đến ý tưởng quyên sinh. Không thiết sống nữa.
Ông Nguyễn Tường Bách là một thầy thuốc đã nhận xét về hiện trạng tinh thần của anh mình như sau:
“Sự tang tóc này khiến cho bệnh suy nhược thần kinh của Nhất Linh càng nặng thêm. Một ngày năm 1950, tôi ra Hồng Kông , chỗ anh ở trên một sườn đồi, bên cạnh một suối trong… anh cũng đồng ý về nước với quyết tâm sẽ không tham dự hoạt động chính trị nữa, ít ra trong giai đoạn này.”
(Tưởng nhớ anh Nhất Linh, trích dẫn như trên).
Nhận xét hiện trạng tâm thần của Nhất Linh như thế kể đã rõ rệt. Và nếu ông có tự tử thì còn có điều gì để ngạc nhiên nữa.
Như vậy việc tự tử của Nhất Linh do tình trạng suy nhược thần kinh đã là nguyên nhân thúc đẩy đến cái chết không tránh được.
Cái chết đã định trước. Đã tính toán. Đã dự liệu. Đã không muốn sống. Ông đã tính toán, đã dự liệu như thế nào?
Đó là giai đoạn hai, giai đoạn suicidal planning. Như lời của bà Nguyễn Thị Thế:
“Có lần tôi hỏi thẳng anh, họ đã tha cho anh không bắt, vậy anh có tự do rồi, anh muốn làm gì thì làm, sao anh còn ngại. Anh trả lời, cô không hiểu tôi, tôi chỉ ngồi đây đợi hai năm nữa thôi. Anh nói đến đây thì chị Tam ở dưới nhà lên nên anh lại không nói gì nữa. Riêng tôi về sau cứ mãi băn khoăn về câu anh nói chờ hai năm nữa là ý nghĩa ra sao. Vào một hôm trước ngày 7 tháng 7, các con tôi lên thăm anh Tam về cho biết bác có trát đòi và chắc bác ra tòa xử ngày mai, và chắc họ sẽ kết tội bác phá rối trị an và bỏ tù bác chứ không tha đâu. Tôi vội lên thăm anh Tam ngay. Tôi thấy hai con mắt anh sáng ngời, vẻ mặt hồng hào.”
(trích Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, Nguyễn Thị Thế, trang 158).
Những lời bộc bạch tự nhiên của bà Thế chứng minh rằng những suy nghĩ về nguyên do đưa đến cái chết của nhà văn Nhất Linh là ông đã tự chọn một cái chết cho mình mà thời điểm 1963 chỉ là điểm chung cuộc. Trước hay sau, ông sẽ tìm đến cái chết đó như một giải thoát hơn là một thái độ phản kháng về chính trị.
Khi đặt cho mình những câu hỏi về cái chết này, tôi có trao đổi ý kiến với nhà văn Duy Lam. Anh cũng đồng ý với tôi là: Cái chết của nhà văn Nhất Linh là một cái chết định sẵn. Nó đã bị chi phối, ảnh hưởng hay thúc đẩy bởi một động lực tâm lý, một quá trình đời sống với gánh nặng quá khứ chán nản và tuyệt vọng của một người không còn làm chủ được đời.
Phải công bằng với lịch sử để trả lời những câu hỏi này.
Tôi nghĩ rằng những tiết lộ của Nguyễn Tường Thiết, con trai nhà văn, đã giúp chúng ta trả lời hai câu hỏi trên.
“Nhất Linh thường viết trong đêm khuya khoắt. Những khi giật mình thức giấc nửa đêm tôi thường thấy, qua khe cửa, đèn trong phòng ông còn bật sáng. Có đêm lũ chúng tôi lòm còm bò dậy vì còn tiếng khóc trong phòng cha tôi. Tiếng khóc lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần không kìm hãm được. Lũ chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau… Không ai có thể đoán biết ông khóc cái gì, ngay cả mẹ tôi cũng không thể nào biết được. Nhưng sự khám phá này đã gieo vào tuổi thơ của tôi một ấn tượng mạnh mẽ, rằng cha tôi là một người cô đơn và đau khổ. Ngoài ra những giấc mơ kỳ lạ và kinh hãi cũng được tôi hình dung thấy qua giấc ngủ của ông, qua cách ông trằn trọc ú ớ trong đêm.”
(Nhất Linh cha tôi, Nguyễn Tường Thiết, trang 19)
Những tiếng khóc về đêm khuya khoắt là dấu hiệu một tình trạng bệnh trầm cảm, cô đơn và tuyệt vọng.
Thoạt đầu tiên khi làm báo, ông lấy tên báo là Tiếng cười. Nhưng cả cuộc đời ông chỉ là những tiếng khóc.
Đọc tiếp những trang hồi ký của Nguyễn Tường Thiết thật không cầm nổi xúc động. Nhưng cũng cho thấy rằng, Nhất Linh đã chuẩn bị cái chết của mình một cách chu đáo, từng chi tiết một.
Đó là giai đoạn suicidal attempt.
Đến Nguyễn Tường Triệu, con trai ông, ở cạnh ông cũng bị ông qua mặt, bị ông đánh lừa trước mặt, chỉ 15 phút là xong. Chẳng khác gì: Chỉ tạch một cái là xong.
Nhiều lúc ông thật bình thản, đón nhận cái giờ đã đến.
Như ông từng nói từ năm 1951: "Tôi mà tự tử thì chẳng ai biết tôi dùng loại độc nào". (trích bài viết Nhất Linh, người định nghĩa sống và chết, Lưu Văn Vịnh, trong Nhất Linh, nhiều tác giả, trang 177).
Tôi có thể đến đây dám chắc rằng, ý định tự tử đã bám dính vào ông, nhất là ở giai đoạn chót cuộc đời ông. Và ông đã có kế hoạch để tự hủy mà không ai biết được.Từ kế hoạch tự tử sang đến chỗ thực hiện chỉ là một bước nhảy: Bước nhảy từ cõi sống vào cõi chết. Cần một triggering factor, le facteur déclenchant, chỉ cần một động lực để nhảy, để… lảy cò.
Thần chết đã đến gõ cửa rất lâu trước ngày 7 tháng 7, 1963. Nó đã đi theo ông như một định mệnh, như một cái nghiệp không tránh được. Ông mới chỉ bị gọi ra tòa. Thế là xong. Ông chỉ chờ có thế. Đó là thời điểm để ông có đủ can đảm thực hiện nếu không muốn nói là ông mong đợi nó đến. Cái trát đòi ra tòa là một facteur déclenchant. Nó đã đến nên mắt ông tươi sáng hẳn lên, mặt ông hồng hào.
Ông sống làm gì nữa? Vào tù ư? Để chịu nhục? Để kéo dài sự cô đơn và tuyệt vọng? Chỉ có cái chết giải thoát ông.
Cái chết đã định trước từ lâu. Biến cố 1963 chỉ là giọt nước tràn đầy ly.
Ông Ngô Đình Diệm chỉ là người chịu trách nhiệm đưa ông Nhất Linh ra toà.
Nhưng trách nhiệm giết ông Nhất Linh, chính là bạn bè ông, những người đồng chí của ông, những người nước mắt tiễn đưa ông. Tất cả vô tình đã giết ông, vì đã đặt tất cả trách nhiệm lịch sử lên đôi vai ông mà thực sự ông không thể chu toàn được. Vì trước sau, tựu chung ông Nhất Linh chỉ là một nhà văn với tinh thần nhạy cảm, ông không phải là một chính trị gia có bản lĩnh, đởm lược như mọi người kỳ vọng. Nhưng làm sao ông có thể nói thật về điều này với mọi người khi ông còn sống.
Nhưng một người mà cả cuộc đời làm chính trị thất bại, đến phút cuối cùng, ông trở thành kẻ chiến thắng bằng chính cái chết của mình.
Lịch sử quả là trớ trêu và oan nghiệt.
Dù sao, chết như Nhất Linh chứng tỏ ông là kẻ sĩ của cả một thời đại văn học. Thời đại Nhất Linh như ông từng cân nhắc viết:
Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm những việc mình đã làm, tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự Lực Văn Đoàn và công việc sáng tác.
Trong số những nhân vật bị bắt, có nhân vật quan trong như một thứ biểu tượng thống lãnh và uy tín hàng đầu. Đó là ông Nhất Linh.Trước đây không lâu, tôi có viết một bài nhan đề: Trường hợp Nhất Linh, một cái chết định trước. Trong đó tôi cho rằng Nhất Linh mắc bệnh tâm thần, bị ám ảnh thường trực ý muốn tự tử. Và cơ hội đã đến trong dịp bị gọi ra tòa về vụ đảo chánh hụt 11/11/1960. Có rất nhiều ý kiến phản bác.
Nay là cơ hội cho tôi có dịp khẳng định lại một lần nữa để nhận ra suy diễn của tôi không phải là vô bằng cớ mà có căn cơ đứng đắn, có cơ sở lý luận và có chứng liệu thực tiễn.
Theo như ông Trần Văn Bang trong bài viết Bệnh tật và cái chết của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, đăng trên Tân Văn, số 13, trang 67 (trích lại trong tập san Văn, số 156, 15/06/1970) như sau:
“Ngày 06/07/1963, ông nhận được giấy đòi phải trình diện tại Tiểu đội Hiến Binh, 635 Nguyễn Trãi và được bỉết sáng 08/07/1963 phải ra tòa. Ông đã có ý định tự tử để có tiếng vang trong quần chúng hầu thúc đẩy cuộc cách mạng chống Ngô Đình Diệm. Ông đã chuẩn bị cái chết và đã viết di ngôn từ sáng chủ nhật 07/07/1963, theo ý ông, tự tử ngày “song thất” là đem cái nhục cho họ Ngô.”
Ý nghĩa cái chết của Nhất Linh dù nhân danh một lý tưởng cao đẹp thế nào đi nữa thì cũng không thể bỏ qua tình trạng suy sụp tinh thần của Nhất Linh lúc cuối đời đến độ chỉ muốn chết.
Bệnh tật gắn liền với cái chết đó dù có chúc thư hay không có chúc thư
Những người thân cận, gần gũi nhất của ông như bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, hay con cháu như Thế Uyên (mẹ Thế Uyên là em gái Nhất Linh) viết về tình trạng tâm bệnh của ông có nói khác gì tôi đâu? Thế Uyên viết về người bác của mình:
“Thỉnh thoảng ông lên cơn loạn trí, đứng trước nhà đường Lý Thái Tổ, móc giấy tờ trong ví đưa cho mọi người, miệng nói lảm nhẳm: ‘Lấy hết đi, xin các ông lấy hết đi. Đừng áp chế tôi.’ Tội nghiệp các người thân hết sức lo lắng. Chỉ riêng mẹ tôi sau một lần chứng kiến cơn loạn thần kinh về nói riêng với tôi, ‘Bác điên khôn ghê, chỉ thấy bác đưa vứt giấy tờ lẩm cẩm, chẳng thấy bác vứt tiền cho mẹ con mình tiêu.”
Còn theo bác sỹ Nguyễn Hữu Phiếm thì Nhất Linh có bệnh thần kinh suy nhược (neurasthénie). Ông đã bị ám ảnh tự sát (obsession par le suicide). Cũng theo bác sỹ Phiếm, Nhất Linh cũng đã uống thuốc ngủ tự tử khi ông trốn ở đường Lê Thánh Tôn. Chính bác sỹ Phiếm chữa chạy, rửa dạ dày, chích thuốc Strycnhine. Số lượng thuốc ngủ hồi ấy vì ít, nên ông bình phục ngay và vài hôm sau ông lại đi họp Hội Văn Bút.
Nói tóm lại, trước khi tự tử Nhất Linh đã bị tinh thần suy nhược, chúng tôi không dám phê bình tính cách tranh đấu tiêu cực của ông. Nhưng đứng về phương diện y học, thì tự tử với tính cách tiêu cực chứng tỏ là Nhất Linh đã bị khủng hoảng tinh thần.
(trích dẫn như trên).
Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm đã chứng thực Nhất Linh có tâm bệnh và bị ám ảnh tự tử. Ông viết được mà tôi dẫn chứng viết lại thì nhiều người không đồng ý.
Chúng ta phải cắt nghĩa thế nào về ý nghĩa hai lần tự tử của Nhất Linh? Giả dụ lần thứ nhất, khi ông tự tử ở đường Lê Thánh Tôn mà chẳng may không cứu kịp thì phải gán cho cái chết đó ý nghĩa gì? Và tại sao lần sau, nó lại mang ý nghĩa tầm vóc lịch sử.
Và nếu ngày nay, người ta biết rằng mọi chính biến chính trị, tôn giáo ở Việt Nam có bàn tay CIA nhúng vào, những ý nghĩa cao đẹp đó có còn thuần chất nữa hay không? Lịch sử sẽ phải xử như thế nào cho công bằng? Chính biến ấy do CIA cài đặt, xúi giục thì chính nghĩa còn hay không? Nay biết rõ CIA nhúng tay vào thì “Đời tôi để lịch sử xử” sẽ có ý nghĩa như thế nào?
Bằng cớ pháp lý
Theo lời ông Lê Nguyên Phu “khi Phan Quang Đán lên đài phát thanh, chửi rủa nhục mạ chính quyền môt cách thô lỗ, nhưng lúc bị bắt ra tòa thì mềm như con bún, thái độ ươn hèn khiếp nhược. Còn trường hợp Nguyễn Tường Tam lại khác hẳn. Nguyễn Tường Tam có tư cách hơn. Sở dĩ tôi nhắc đến Nguyễn Tường Tam là muốn nói rõ cho hậu thế biết về cái chết của ông và nguyên nhân đã đưa ông đến cái chết ấy”. {trích lược tóm nội dung cuốn sách của ông Lê Nguyên Phu}
Nguyễn Tường Tam bị điều tra sơ khởi tại Nha Cảnh Sát, nha an ninh quân đội và thẩm vấn sau cùng tại tòa án quân sự đặc biệt. Sau đó đại tá Lê Văn Khoa, ủy viên chính phủ phóng thích ngay.Trong biên bản do chính đại tá Lê Văn Khoa thẩm vấn, Nguyễn Tường Tam khai thực sự không biết gì nội vụ, không căng biểu ngữ, không rải truyền đơn chống chính phủ trước Dinh Độc Lập. Những sự việc này hoàn toàn do đám em út của ông, Trương Bảo Sơn, Nguyễn Thành Vinh, Vĩnh Lợi, Trần Tương, v.v… tự động làm ra, ông ngăn không nổi…
Nhưng trong bài viết: Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh. (trích Talawas.org/ ), Trương Bảo Sơn lại viết:
“Ở đây, tôi xin mở dấu ngoặc để nói về việc làm truyền đơn trong vụ biến cố này. Khi thảo truyền đơn, trong danh sách những người ký tên, chúng tôi đã để tên Nguyễn Tường Tam lên đầu, rồi mới tới tên các cụ Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Trần Văn Văn, Nguyễn Xuân Chữ… Ông Tam đã sửa lại để tên sau tên ông Chữ. Trước sự ngạc nhiên của tôi, ông giải thích: “Anh đừng quên người ta vẫn nói người Nam của người Nam. Mình là người Bắc di cư, phải lưu tâm và tôn trọng điều đó.”
“Ông còn thỉnh cầu đại tá Lê Văn Khoa đừng đem y (chữ dùng trong tòa án) đối chất với đám thuộc hạ của ông. Thỉnh cầu này được ghi rõ ở đoạn cuối biên bản thẩm vấn. Đại tá Lê Văn Khoa chấp nhận lời thỉnh cầu nên trong hồ sơ không có biên bản đối chất, mặc dầu các thuộc hạ của ông Nguyễn Tường Tam khai ngược lại là đã hành động theo lệnh của ông. Các thuộc hạ của Nguyễn Tường Tam đều bị đại tá Lê Văn Khoa tống giam, chỉ một mình Nguyễn Tường Tam được tại ngoại hầu tra. Do đó các thuộc hạ của ông đều tỏ ra bất bình và bất mãn với ông, nhất là Trương Bảo Sơn vừa cay đắng vừa oán hận, chỉ trích Nguyễn Tường Tam đủ điều, nào là phản bội anh em, nào là thiếu tư cách lãnh đạo. {trích dẫn tóm tắt Lê Nguyên Phu}.
Nhưng Trương Bảo Sơn trong bài viết của ông lại viết khác như sau: “Cuộc đảo chánh thất bại, các đồng chí của ông Tam bị bắt gần hết. Ngoài ra ông Diệm còn cho bắt giam hết các nhân sĩ và lãnh tụ đảng phái và giáo phái khác, không trừ một ai,” nhưng… trừ Nguyễn Tường Tam!
Sao có sự lạ lùng như vậy?
• Phải chăng vì Ngô Đình Diệm kính nể Nguyễn Tường Tam?
• Phải chăng Ngô Đình Diệm cho rằng đã chặt hết tay chân của ông Tam đi rồi thì ông Tam không làm gì được nữa?
Về mối liên hệ giữa ông Diệm và ông Nhất Linh có như nhiều người tưởng lầm là hiềm khích và thù oán? Xin trích dẫn lại ý kiến của ông Trần Kim Tuyến về vấn đề này trong sách Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm như sau: “Theo bác sĩ Tuyến, khi còn ngồi tại chức, ông có hứa với các chính khách bị bắt sau cuộc đảo chánh hụt 1960 rằng họ được thả về là xong, không còn phải lo lắng gì nữa, ngoại trừ những trường hợp như bác sĩ Phan Quang Đán thì không kể. Nhưng có điều tai hại là hồi đó người Mỹ cũng như người trong nước cứ lầm tưởng rằng các chính khách bị bắt vì đưa ra tuyên ngôn Caravelle, mà không phân biệt rằng họ bị bắt vì có tên trong danh sách mà công an tịch thu được ở nhà ông Hoàng Cơ Thụy. Ngoài ra, cũng có dư luận nói rằng một số chính khách bị bắt vì ông Hoàng Cơ Thụy không liên lạc để hỏi ý kiến họ, mà cứ đặt bừa tên họ vào danh sách nội các sẽ thành lập sau khi cuộc đảo chính thành công…Một phần,ông Nhu, ông Diệm tức giận vì người Mỹ gây áp lực, cố tình tạo rối ren bằng cách moi móc những chuyện đó. Một phần vì cái thế lấn lướt lộng hành càng ngày càng tăng của bà Nhu, tạo ảnh hưởng đối với anh em ông Diệm, nhất là với ông Nhu. Bị thúc đẩy nên hai ông quyết định đưa các chính khách ra tòa vào một thời điểm rất bất lợi cho chính phủ. Có thể nói rằng có nhiều phần chắc là quyết định do ông Nhu hơn là ông Diệm.”
tổng thống VNCH Ngô đình Diệm [ 1901- 1963]
(ảnh: Internet)
Phần ông Tuyến tìm cách gỡ rối cho các chính khách bằng cách nhờ sự giúp đỡ của ông Lê Nguyên Phu. “Những người đã ngấm ngầm giúp các chính khách là Trung Tá Lê Nguyên Phu, Ủy viên chính phủ trong tòa án quân sự đặc biệt. Ông Lê Nguyên Phu đồng ý và hứa với ông Tuyến sẽ ngầm giúp các chính khách bằng cách tha bổng hay xử những bản án rất nhẹ. Do đó, trong phiên tòa ngày 13 tháng 7 năm 1963, các vị nhân sĩ thuộc nhóm Caravelle đềuđược tha bổng hết. Còn các quân nhân và chính khách dính líu đến cuộc đảo chánh nhẩy dù, có người bị án tử hình, có người bị án chung thân khổ sai, có người được tha bổng. Nhưng án tử hình chỉ xử cho những người vắng mặt mà thôi. Đó là sự đồng ý ngầm của ông Ủy viên chính phủ Lê Nguyên Phu với ông Trần Kim Tuyến. Tuy nhiên, với tư thế là UVCP, ông Lê Nguyên Phu đã đóng kịch trước tòa án, có vẻ gắt gao và mạt sát bị cáo.Cho nên có một số người bị chạm tự ái, và để tâm thù, sau này còn mạ lỵ ông thậm tệ. {Trích Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm, Vĩnh Phúc, trang 320-323}.
Tiếp theo nội dung sách của ông Lê Nguyên Phu: “Lá thư của ông Trương Bảo Sơn tố cáo Nhất Linh được Giám Đốc khám đường Chí Hòa đệ trình tòa Đặc biệt và được lưu giữ lại trong hồ sơ. Tôi đến thay đại tá Lê Văn Khoa, tôi lưu giữ lá thư trong hồ sơ mà không cho chuyển đi chỉ vì thiện ý”.
“Tôi quyết định đăng đường xét xử vào phiên tòa ngày 05/07/1963.Theo thủ tục pháp lý, một can phạm bị truy tố về một tội đại hình, nếu được tự do tạm như trường hợp của Nguyễn Tường Tam, phải bị câu lưu 3 ngày trước phiên xử. Nhưng đối với Nguyễn Tường Tam, tôi không cho thi hành thủ tục này. Tôi viết thư mời Nguyễn Tường Tam (chứ không phải ra trát đòi) đến gặp tôi tại tòa án quân sự đặc biệt. Tôi cho biết vụ binh biến 11/11/1963 sắp được đăng đường xét xử và yêu cầu ông ngày đó nhớ đi hầu tòa. Đối với ông, tôi không cho tống đạt trát đòi hầu tòa (có thể tác giả quên là nhân viên tòa án vẫn gửi trát tòa như thường lệ) cũng như không câu lưu thân thể (Prise de corps) trước ngày xử án.”
“Thật là một sự dễ dãi chưa từng có trong phạm vi thủ tục pháp lý. Sau cùng ông hỏi tôi: Ông ủy viên có thể giúp tôi thêm một chút nữa được không? Tôi xin ông ủy viên giúp tôi tránh khỏi phải đối chất với bọn đàn em thuộc hạ của tôi”.
Tôi trả lời: “Điều ông yêu cầu thực sự ngoài quyền hạn của tôi, bởi vì hồ sơ đăng đường, trước tòa chỉ có ông chánh thẩm là người duy nhất điều khiển phiên xử và có quyền quyết tối hậu mọi thủ tục pháp lý. Tôi vì ông sẽ không xin đối chất, nhưng nếu luật sư biện hộ cho thuộc hạ của ông yêu cầu đối chất, tôi sợ ông chánh thẩm khó lòng từ chối. Vì vậy mà tôi không thể hứa chắc về điều này. Tôi phải tôn trọng ông chánh thẩm trước tòa.”
“Nghe xong, Nguyễn Tường Tam trở nên ray rứt, băn khoăn vô hạn. Ông cúi đầu suy nghĩ… Ông luôn trở lại vấn đề đối chất và nhiều lần nhắc nhở tôi cố gắng giúp đỡ ông.”
“Lúc tiễn ông ra cửa, tôi thấy ông đi thất thểu, nhưng tôi không nghĩ rằng vì vấn đề đối chất này mà ông phải tự tử sau đó”.
“Lúc được tin ông qua đời, suy nghĩ kỹ lại, tôi mới nhận rõ điều ông yêu cầu là một điều tối quan trọng đối với ông. Ông không muốn đối diện với bọn đàn em và đối chất với họ trước tòa, vì đó là một điều sỉ nhục, mất thể diện trọng đại…”
“Cho nên chỉ còn một lối thoát duy nhất để tránh đối chất là tự tử. Lối thoát này đã giúp ông bảo tồn danh dự và tư cách lãnh tụ, nâng cao nhân phẩm cá nhân và có thể đưa ông vào lịch sử.”
“Sau đó, các phiên tòa tiếp diễn xử 19 quân nhân hiện diện, 34 dân sự và 7 quân nhân vắng mặt.
Riêng ông Nhất Linh đã không còn nữa, công tố quyền đương nhiên bị tiêu diệt, nhưng bản án vẫn còn đó”
Hết phần tóm tắt bài viết của ông Lê Nguyên Phu về Nhất Linh.
Tôi chấm dứt bài viết ở đây và để bạn đọc tự mình chọn lựa một quyết định thích hợp theo đúng như nguyện vọng của Nhất Linh: Đời tôi để lịch sử xử.
Lịch sử là lúc này đây hay một lúc nào khác?
Bài toán về cái chết của ông coi như đã được giải đáp một phần nào trong lời thú nhận chót của ông. Điều chắc chắn là ông đã chết sung sướng và có thể mỉm cười nơi chín suối. Bên dòng suối, bên những giò lan rừng. Đó mới là chỗ để ông về vì đã đem lại cho ông những phút thư thái nhất, được sống với con người thật của mình mà lúc sống ông đã không có được.
Phần phụ chú
1. Thư của Nguyễn Tường Thiết
Thân gửi anh Nguyễn Văn Lục,
Tôi đã đọc xong bài Chúc thư Văn Học của anh. Nếu chỉ để ý đến khía cạnh tìm những sai sót trong bài như anh yêu cầu tôi thì tôi không tìm thấy lầm lỗi nào, vì bài anh viết khá công phu, dựa trên những tài liệu đã công bố hoặc những nhân chứng sống. Tôi chỉ có ý kiến riêng của tôi như sau:
Một người đã chết, khi chết mang theo tất cả những niềm bí ẩn của họ. Không ai có thể biết được sự thật hoàn toàn. Người đời chỉ có thể suy đoán. Trường hợp ông cụ tôi cũng vậy. Nhưng có một điều tôi tin chắc rằng ông cụ mong muốn được người đời hiểu rằng ông, (tôi) tự huỷ mình để cảnh cáo những người chà đạp lên mọi thứ tự do như ông đã viết trên giấy trắng mực đen. Ở cương vị một người con tôi có bổn phận phải hỗ trợ cho lòng mong ước đó của ông. Và trên quan điểm này tôi không thể đồng ý với nội dung bài viết của anh.
Tuy nhiên, ở mặt khác, vì ông cụ tôi đã là người của văn học, của lịch sử, nên tôi tôn trọng tất cả những ý kiến khác tôi về việc tìm hiểu những nguyên nhân làm nên cái chết của ông cụ, thứ nhất là việc tìm hiểu ấy không làm giảm đi lòng quý trọng và ngưỡng mộ đối với người đã khuất, như tôi đã thấy ở anh, trong bài viết.
Thân ái,
Nguyễn Tường Thiết
--------
2.- Thành phần xử án vụ 11/11/1960 gồm:
– Chánh thẩm: Đại tá Huỳnh Hiệp Thành.
– Phụ thẩm dân sự: Ông Đoàn Văn Bích, Phó Đô Trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn.
– Phụ thẩm quân sự: Thiếu tá Ngô Mạnh Duyên.
Nguyễn văn Lục [ 1938- ]
tác giả bài viết |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ