Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017



Tuesday, 8 July 2014
Nguyễn đình Thi [ 1924- 2003 Hanoi]




(...)


Nguyễn đình Thi [1924- 2003 Hanoi]

Nguyễn đình Thi 
(epaint by phan nguyên)


một tác phẩm' văn học trong nhà trường' do Ts Mai Hương+ Phương Ngân sưu soạn. 
(Nxb Văn hóa- Thông tin hà Nội xb.)
NGUYỄN ĐÌNH THI/ TÁC GIẢ- TÁC PHẨM






Nguyễn Đình Thi
từ thơ ấu đến bài thơ 'đất nước'

hồi ức Nguyễn Đăng Mạnh


Tôi đã viết 2 bài thuộc chân dung văn học về Nguyễn Đình Thi :

- Nguyễn Đình Thi như tôi đã biết
- Từ lần gặp ấy tôi đã hiểu thêm Nguyễn Đình Thi

nay, tôi kể thêm mấy mẩu chuyện khác về anh.


Nguyễn Đình Thi từ thời thơ ấu đến bài thơ ' Đất nước '.


Người ta thường nói Nguyễn Đình Thi sinh ở Luang Prabang (Lào). Nhưng chính Nguyễn Đình Thi lại nói vơi tôi, anh sinh ở Phong-xa-lỳ. Anh nói rất cụ thể, hồi ở với tôi ở Đà nẵng, tháng 7 năm 2000.

Bố anh là một nhân viên bưu điện sơ cấp bị điều sang Lào, phụ trách một trạm bưu điện ở Phong-xa-lỳ, ở đây, ông lấy con gái một Việt kiều, vốn là một đầu bếp, người [ở làng] Đông thái, Đức thọ, Hà tĩnh. Ông này trốn sang Lào, vì có ính vào vụ Hà thành đầu độc. Dân ở đây rất lạc hậu, một dân tộc thiểu số của lào, gọi là Phù nọi . Dân Phù nọi ăn cả đất, Thi từng bắt chước họ ăn đất.

Phong-xa-lỳ là một khu vực quân sự (territoire militaire ). Toàn là lính tây, lính ta, lính khố xanh [garde indigène], khố đỏ [tirailleur], và tù chính trị. Xa nước, nên từ nhỏ NđT hay nghĩ về đất nước. hay tưởng tượng về đất nước. Nhưng đất nước trong tâm trí cậu bé là thế : một đám tù chân xiềng , tay xích, lính giải đi làm cỏ-vê hàng ngày. 

Thi lên 6 tuổi, bố thấy con sắp thành dân Phù nọi đến nơi, muốn đưa về nước. Rất may mắn, 1930, bố anh được điều về Việt nam. Mẹ anh thường cưỡi ngựa. Bà cưỡi ngựa, đi hàng trăm cây số. Bóng bà đi ngựa leo dốc còn in mãi trong trí nhớ anh sau này - anh nói đó là một hình ảnh rất nên thơ.

Gia đình anh về nước, đi từ Phong-xa-lỳ, qua Luang Prabang, Tà-khẹt về Hà nội. Lần đầu anh nhìn thấy ô- tô, anh gọi là cái nhà biết đi. Lúc đầu gia đình anh ở Hà nội, phố Bạch mai. Sau đi hải phòng, rồi lại trở về Hà nội. Anh tự thấy là một chú nhãi Hà nội, thuộc đủ ngõ ngách, phố xá của Hà nội.

Gia đình NđT không phải trí thức. Không biết chữ Hán, coi như ngoại đạo đối với văn học. Trong đám sách vở nghèo nàn của bố, anh chỉ được đọc và nhớ có một câu thơ của bà huyện Thanh quan:' Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi' . Sau này, ngẫm lại cuộc đời mình, anh thấy đời anh cũng chỉ là ' Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi'. Ngoài ra, có được đọc một bản dịch Những người khốn khổ/ Victor Hugo. Cảm động nhất là đoạn Jean Valjean tìm Cosette. Cosette trong đêm tối mù mịt, xách xô nước, tự nhiên thấy nhẹ bỗng đi. Té ra Jean Valjean xách hộ. Anh nghĩ, suốt đời chỉ mong xách hộ nước cho một đứa bé nghèo. 

Anh biết rất ít văn học Việt nam. Mãi sau này mới đọc Đoạn tuyệt, Nửa chừng xuân, đến 30 tuổi mới đọc Tam quốc, Thủy hử. Không biết chữ Hán, không biết Thơ mới, không biết Tự lực văn đoàn, không cảm được cái hay của ngôn từ chữ Hán. Không thích viễn phố bằng bến xa, nghe gợi nhiều hơn, không thích lâm tuyền, thích nói suối xa. Cho nên làm thơ ngoài luồng Thơ mới, ngoài luồng Tự lực văn đoàn, cảm thấy thế nào cứ làm như thế, điếc không sợ súng.

(Nghe nói lại NđT như thế, Nguyên Ngọc không tin, cho là Thi nói dối. Nguyên Ngọc dứt khoát không tin ở sự thật thà của NđT). 

Nguyễn đình Thi rất thích cảnh rừng núi - anh nói thế - vì anh đã ở Phong-xa-lỳ, nên về sau lên Việt bắc thấy quen thuộc như đã biết từ bao giờ rồi. Mẹ NđT là một người đàn bà rất đảm. Khi gia đình ở Hải phòng, bố anh lại bị điều vào Saigon-Chợlớn, bà không theo vào. Bà mở một xưởng làm kẹo bột. Về Hà nội cũng làm kẹo, đi kháng chiến, bà trồng hẳn một đồi sắn. NđT nói : 



' Bà ghê lắm, giỏi lắm ! ' ( thế mà, hình như bà mù chữ). 



Ở Hải phòng, anh chứng kiến Nhật đổ bộ. Anh nói ' Nhục lắm ! Nó đi đâu cũng ra hiệu hỏi nơi nó đi '. Anh lớn lên vào lúc cuộc đại chiến thứ 2. Nhật vào. Phong trào Việt minh. Thời thế đặt ra những câu hỏi lớn. Nguyên Hồng gọi là thời kỳ đen tối (1940- 45). Theo NđT , đây là thời kỳ trắng đen, thật giả lẫn lộn. Vì thế dễ lầm lẫn ( Nguyễn công Hoan + Nguyễn Tuân đã lầm lẫn )- phải suy nghĩ tợn. Suy nghĩ về đời, về đất nước, về sự sống, về chân lý, vể đường 

đi ... Cho nên, NđT thích đọc và viết triết học. Anh viết Kant năm 1942, lúc 18 tuổi. Tiếp đó là nhạc, mãi sau mới làm thơ và viết văn.

Như thế, NđT đi từ triết đến nhạc, rồi mới đến thơ văn. Thơ văn có cấu trúc nhạc. Ông bố NđT ngày xưa có chơi đàn nguyệt, đàn bầu. Còn anh thì tự học nhạc , chỉ bằng một cái đàn mandoline và một cuốn nhạc phổ thông. Có một buổi học nhạc [với] một mục sư. Nói chung là tự học.


Từng chứng kiến cảnh mất nước từ ở Lào, rồi cảnh Nhật vào hải phòng, đến hiệp định 6/3, lại chứng kiến Pháp kéo vào từ Hải phòng, theo đường số 5.
( Trường Chinh giao nhiệm vụ cho NđT đi đả thông đồng bào 2 bên đường số 5: không đón tiếp, mặc nó, nhưng không gây sự ).

Vì thế, được làm chủ đất nước, NđT thích nằm ngửa ở sân trường, nhìn trời xanh không biết chán. Sau này nhớ lại ' Trời xanh đây lả của chúng ta ! '. 

Kháng chiến, NđT có chuyện buồn : 2 người thân mất ( vợ + cô em vợ định gả cho Thi) cộng thêm nỗi đau đất nước bị dày xéo.

Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Giây thép gai đâm nát trời chiều




THƠ NGUYỄN ĐÌNH THI



Anh nói, 8 năm kháng chiến, mới viết được 2 cấu ấy. Khắp nơi giặc chăng giây thép gai : hành quân ở Bắc giang, nhìn lên đồi cao thấy giây thép gai in trên nền trời đỏ như máu . Hành quân liên miên, đi ngày, đi đêm, Toàn đi bộ, một ngày có khi 50 cây số, từng qua vùng thượng Lào , ' Ngày nắng cháy, đêm mưa dội '- cứ thế đi dưới trời mưa . Vì thường hành quân đêm, nên, có 2 hình ảnh rất ấn tượng đối với anh : lửa và sao. Lửa đốt sưởi lúc nghỉ chân. Không phải đèn mà lửa :



Ngôi sao nhớ mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh

Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây



NHỚ / THƠ NGUYỄN ĐÌNH THI



Đến chiến dịch Điện biên phủ, lính đi trong chiến hào ngập nước, có khi tới ngực. Mặt mũi đen nhẻm, vì, chỉ có bùn và khói súng, cười răng trắng xóa, từ bùn vụt lên ,' Rũ bùn đứng dậy sáng lòa '. 



Nguyễn đình Thi nói : ' Nguyễn Tuân rất thích hình ảnh này. 

Còn chị Mộng Tuyết gặp anh lần đầu, kêu lên :

' A anh rũ bùn đứng dậy sáng lòa' đấy à ! '

Bài thơ Đất nước làm ở Việt bắc từ 1948. Ghép 2 bài thơ kháng chiến với nhau. Sau, bẵng đi, đến 1955 mới làm tiếp ở Thái nguyên - xã Phú minh, bên sông Cầu ( làm tiếp bài thơ ' Đất nước' và bắt đầu viết tiểu thuyết ' Vỡ bờ' ). Anh nói, bài Đất nước kết cấu theo âm nhạc. Chủ âm a từ mở bài, thân bài đến kết bài :

Tôi nhớ những ngày thu đã xa
... Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
... Nước Việt nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa

thơ  NGUYỄN ĐÌNH TH

(................................................)
* tạm lược khoảng 8 trang A4. [BT]. 


***

Năm 2000, tôi vào Sài Gòn. Một buổi sáng, tôi ngồi uống cà-phê với anh Hoài Thanh ( cán bộ giảng dạy đại học Sư phạm Sài Gòn ) , ở một quán vỉa hè đường Nguyễn Du - thấy Nguyễn đình Thi đứng ngay gần đấy. Anh đứng trông ra đường, chắc đang đợi xe đến đón đi đâu đó. Tôi gọi anh và mời anh uống cà-phê.

Hoài Thanh nói :
' Trông bác vẫn trẻ lắm !'.
NđT trả lời :
' Tôi lúc trẻ người ta bảo là già. lúc già người ta lại khen là trẻ.' 

Hỏi anh về sức khỏe, anh nói bị tuần hoàn não.

Khi anh ốm nặng (2004), tôi có đến thăm anh. Hôm ấy, anh vừa được uống cổ linh chi, một thứ thuốc quý hiếm, được coi là thần dược. Người khỏe lại hẳn. Chân tay co duỗi thoải mái. Anh thử biểu diễn cho tôi xem, có vẻ vui và tin tưởng lắm Chị Tuệ Minh chăm sóc anh. Anh nói nhỏ với tôi :' Anh đến thăm tôi thế này là quý hoá lắm ! '. Rồi anh giới thiệu tôi với chị Tuệ Minh.

Vậy mà, chỉ mấy ngày sau, anh qua đời 

***

Về sáng tác và nhất là về con người Nguyễn đình Thi, kẻ khen không ít, người chê cũng nhiều. Điều ấy chắc anh biết rõ. Nhưng, anh không bao giờ thanh minh, không bao giờ tự bào chữa.

Hoàng Ngọc Hiến * cho đó là một chỗ rất được của Nguyễn đình Thi .


LÁNG HẠ 1-1-2008.
Nguyễn Đăng Mạnh
----

* ... Duy có 2 người tôi rất quý trọng ... Hoàng ngọc Hiến và Phạm Luận. Hoàng ngọc Hiến, tôi đã viết ở trên rồi. Còn Phạm Luận, tôi thấy chỉ càn nói một câu : ' đấy là môt đấng trượng phu quân tử của thời hiện đại ., một cốt cách đường hoàng, một phong thái thung dung, thật sự coi thường danh lợi ' . (NđM] 















Tình Không Biên Giới

hà đình nguyên



Từng được đánh giá là một trong những bài thơ tình hay nhất của thời kháng chiến chống Pháp, “Nhớ” của Nguyễn Đình Thi (1954) và được nhiều thế hệ yêu thích, nhưng ít ai biết lồng trong bài thơ là một chuyện tình cảm động và kỳ lạ…

Nguyên văn bài thơ “Nhớ” như sau:

Ngôi sao nhớ ai mà ngôi sao lấp lánh?
Sao sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hong đêm lạnh?
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn mây…
Anh yêu em như yêu đất nước
Vất vả đau thương trong trắng vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn…
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ núi
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”.

Một bài thơ tình được viết trong thời kỳ đất nước chiến tranh, bài thơ không hề viết riêng cho ai và cũng mang tâm trạng chung của mỗi chiến sĩ trên bước đường chiến đấu.

Nhưng nếu chúng ta biết được hoàn cảnh ra đời của bài thơ thì sẽ thấy sự tinh tế của tác giả khi “mượn cái chung để thổ lộ tình riêng”.

Vâng, Nguyễn Đình Thi đã sáng tác bài thơ này để gửi đến “người yêu thiêng liêng” của mình:

Nhà báo – nhà thơ người Pháp Madeleine Riffaud.

Tiếng sét giữa 2 con người tài – sắc

Họ gặp nhau tại Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới Berlin (1951, lúc đó còn là nước CHDC Đức).

Chàng trai tài hoa 27 tuổi Nguyễn Đình Thi lúc đó đã nổi tiếng, tác giả của hai ca khúc Diệt phát xít và Người Hà Nội, đồng thời là Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc kiêm Ủy viên Thường vụ Quốc hội.

Nguyễn Đình Thi nổi bật trong đoàn đại biểu Việt Nam bởi vóc dáng cao lớn, đẹp trai, nói tiếng Pháp lưu loát với nhiều tư duy triết học.

Thời điểm đó (1951), cuộc chiến tranh chống Pháp đang đi vào giai đoạn khốc liệt, quân đội Việt Namđã lớn mạnh và đang chiến thắng dồn dập…

Bởi thế, đoàn đại biểu Việt Nam ở liên hoan trên luôn là tâm điểm chú ý của đại hội, nhất là của giới truyền thông, báo chí quốc tế…

Trong số các nhà báo có mặt ở liên hoan này, có một con người “đặc biệt nổi trội”, đó là nữ nhà báo người Pháp Madeleine Riffaud, từng là đội viên du kích chống phát xít Đức.

Nữ du kích đầu tiên hạ sát một sĩ quan Nazi giữa lòng Paris.

Bị Gestapo bắt năm 1944.

Bị kết án tử hình, lúc chỉ còn 6 ngày nữa là bị hành quyết thì được giải cứu thành công.

Năm 1946, Madeleine được nước Pháp phong tặng danh hiệu anh hùng và được thưởng huân chương Bắc Đẩu bội tinh, phần thưởng cao quý nhất của nước Pháp.

Madeleine còn là tác giả của tập thơ Con ngựa đỏ từng được trao giải văn chương Pháp.

Thời điểm tham dự Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới Berlin 1951, Madeleine là đảng viên đảng Cộng sản, và là phóng viên Báo Nhân Đạo (thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Pháp).

“Tài” như vậy, nhưng “sắc” cũng không hề thua kém:

Madeleine có vóc dáng thanh mảnh, thướt tha, khuôn mặt thanh tú với cặp mi cong vút nổi bật với làn da trắng hồng và những lọn tóc đen nhánh…

Đôi trai tài, gái sắc gặp nhau và một “coup de foudre” (tiếng sét ái tình) đã giáng xuống.

Thoạt đầu, khi mà “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” bởi phải ý tứ, giữ gìn tác phong khi đang thực hiện nhiệm vụ “quan hệ quốc tế” nhưng qua những biểu hiện nụ cười, ánh mắt – nhà văn lịch lãm người Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hikmet (khách mời của đại hội) đã tạo nhiều điều kiện để họ được gần gũi nhau hơn…

Mối tình chung thủy xuyên lục địa

Sau kỳ liên hoan đại hội này, họ vẫn duy trì mối tình “xuyên lục địa” bằng thư tín.

Nhà thơ Huy Cận trong bài Thương và nhớ bạn Nguyễn Đình Thi (Văn nghệ, số 17 – 18 năm 2003) đã kể rằng:

“Cuối năm 1951, một hôm tôi nhận được bức thư của chị Ma-đơ-len Ri-phô gửi cho anh Thi, nhờ tôi chuyển.

Ngoài phong bì có đề

“Xin mở xem thư và nhớ học thuộc lòng càng tốt, để đọc lại cho anh Thi nghe, nhỡ mà thư có thể trôi mất hoặc ướt khi qua suối qua đèo”.

Tôi mở thư ra đọc, bắt đầu bằng hai câu ca dao Việt Nam:

“Ông tơ ghét bỏ chi nhau
Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”


“Đôi ta làm bạn thong dong
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng”

tiếp theo là thư bằng tiếng Pháp.

Cuối tháng anh Thi mới gặp tôi, tôi đọc cả bức thư cho anh Thi nghe rồi mới giao thư…”.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, anh chính trị viên tiểu đoàn 30 tuổi khi vượt lên đỉnh đèo Pha Đin có đốt những cành cây khô, sưởi ấm và sáng tác bài thơ Nhớ với chú thích “Tặng M.” (tức Madeleine), và cả:

“Chúng ta như hai ngôi sao
Hai đầu chân trời lấp lánh
Trong không gian mênh mông xa nhau
Chiều chiều cùng sánh lên ánh sáng
Không tắt bao giờ”…

Khoảng năm 1955, 1956 Madeleine Riffaud qua Việt Nam liên tục.

Đôi tim yêu lại tìm nhau, sưởi ấm cho nhau.

Và tưởng như giữa họ đã không còn có gì ngăn cách (trước đây ông Thi đã có vợ và 3 con, sau đó vợ ông mất trong chiến khu).

“Tưởng như” thế thôi, nhưng ở vào hoàn cảnh lịch sử lúc đó, hai người mang hai quốc tịch, không phải cứ muốn lấy nhau là được.

Họ được khuyên “tốt nhất cứ mãi là bạn tình!”.

Đành phải chấp nhận lời khuyên ấy dù cả hai đều thấy day dứt, tiếc nuối…

Riêng ông Nguyễn Đình Thi, khi thấy sức khỏe của mình ngày một yếu đi, ông đã ôm một chiếc cặp cũ kỹ và căng phồng đến giao cho người con thứ, dặn:

“Sau khi bố mất mới được mở ra.
Tùy con định liệu…”.

Ông mất ngày 18.4.2003, người con y theo lời dặn, đã mở chiếc cặp cũ: ngồn ngộn những thư từ, ảnh chụp, những bài báo được cắt dán…

Từ những lá thư đầu tiên, chiếc phong bì, tấm bưu thiếp đầu tiên đến những tập nhật ký dày cộm như tiểu thuyết được ghi bằng một thứ chữ nhỏ li ti…

Hầu hết đã ố vàng, mốc meo.

Đó là những gì mà nhà văn Nguyễn Đình Thi và nữ ký giả Madeleine Riffaud trao đổi với nhau hơn nửa thế kỷ…

Một điều thật đáng trân trọng bởi Nguyễn Đình Thi và Madeleine chưa từng là chồng vợ, thế mà “Người đàn bà Pháp” đã có một sự thủy chung kỳ lạ.

Dằng dặc ngần ấy năm, đến giờ Madeleine vẫn ở vậy!

Ở Paris, trong căn hộ của người đàn bà độc thân ấy có riêng một căn phòng dành để hồi tưởng những kỷ niệm của hai người suốt hơn nửa thế kỷ:

Choán hết bức tường là ảnh chân dung Nguyễn Đình Thi được phóng to bằng cỡ người thật, la liệt dưới tấm chân dung ấy là những kỷ vật của một thời yêu nhau trong xót xa…

Madeleine Riffaud, từ yêu một con người ViệtNam, chị đã dành hết tình cảm cho đất nước ViệtNam, ủng hộ cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, chị đã nhiều lần vào tận chiến trường miền Nam vào những giai đoạn chiến tranh khốc liệt.

Nhiều bức ảnh hiện nay vẫn còn trưng bày trong nhiều bảo tàng chụp chị ở chiến trường trong bộ quân phục, hoặc bộ bà ba đen quấn khăn rằn, nón tai bèo bên những chiến sĩ trẻ hoặc các má của “Đội quân tóc dài”.

Mỗi đợt qua “chia lửa” với Việt Nam, Madeleine lại có những tác phẩm nổi tiếng, đánh động dư luận thế giới.

Ngoài ra, chị còn dịch qua tiếng Pháp và giới thiệu tiểu thuyết Mặt trận trên cao của Nguyễn Đình Thi ở Paris (1968).

Cho đến trước năm 1987, thỉnh thoảng Madeleine vẫn sang thăm Việt Namvà “cố nhân”…

HÀ ĐÌNH NGUYÊN

























Nguyễn Đình Thi & Tố Hữu
ở Chiến khu Việt Bắc












nhà văn Tô Hoài & Nguyễn Đình Thi











họa sĩ Đinh Cường, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, & Nguyễn Đình Thi
1987






















Trở về



Danh sách Tác giả

Chân dung Văn nghệ sĩ

Emprunt Empreinte






MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.

MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.

[]


  ---------------------------------
  trích 1 phần từ blog phan nguyên
   ==================
















0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ