Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

Thứ ba, 13/2/2007 | 08:58 GMT+7
|

Nguyễn Đình Thi với Madeleine Riffaud

Không lâu sau sự kiện tìm thấy mộ người vợ đầu ở chiến khu Việt Bắc, một chiều thật lạnh, Nguyễn Đình Thi tìm đến nhà người con trai, nhà văn Nguyễn Đình Chính. Trĩu bên tay ông là một chiếc cặp da đã cũ kèm lời dặn: Khi nào bố mất, con hãy mở ra… Những thứ trong này tùy con định liệu. 

XUÂN BA




              
Dans Les Maquis "VietCong"/ Madeleine  Riffaud

                                                  Madeleine Riffaud  [1924-  ] +  thủ bút   -- (   Internet)
  
Rencontre entre la journaliste Madeleine  Riffaud et le President Hồ Chí Minh  en 1966  .
( ảnh+  lời chú thích::  báo Nhân Dân)

Madeleine Riffaud  qua  ký họa Pablo Picasso
(Internet) 




Sau bốn mươi chín ngày mất của bố, Nguyễn Đình Chính giở chiếc cặp cũ ấy ra mà bàng hoàng! Hàng nghìn thư từ, ảnh chụp, những bài báo cắt dán… Hầu hết đã ố vàng, mốc meo. Phần lớn là bút tích mà nhà văn Nguyễn Đình Thi và nữ ký giả Madeleine Riffaud trao đổi với nhau hơn nửa thế kỷ. Từ những lá thư đầu tiên, chiếc phong bì, tấm bưu thiếp đầu tiên. Những dòng trao đổi vội trên cái vỏ bao thuốc lá xé vội, những lá thư dài hàng chục trang. Những tập nhật ký dày cộm như tiểu thuyết được ghi bằng một thứ chữ nhỏ li ti chi chít được ngoáy tới mức nom như chữ tượng hình!
Và bây giờ, không biết là lần thứ mấy, tôi ngồi với nhà văn Nguyễn Đình Chính, bên chúng tôi là chiếc cặp da màu vàng đã bợt bạt và câu chuyện chắp nối cùng Nguyễn Đình Chính có cơ hồ làm một chiều đông Hà Thành đâm ra ngắn lại?
Năm 1951, Nguyễn Đình Thi được chọn đi dự Đại hội Liên hoan sinh viên thế giới tổ chức tại Berlin, Cộng hòa dân chủ Đức. Có lẽ là chuyến xuất ngoại đầu tiên của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Khi đó ông 27 tuổi nhưng là Ủy viên Thường trực Quốc Hội. (như Ủy viên thường vụ Quốc hội bây giờ). Lại là một trong những người chủ chốt lãnh đạo mặt trận văn hóa văn nghệ. Danh khi ấy trong giới văn nghệ sĩ nước nhà đã nổi như cồn với hai ca khúc Diệt phát xít và Người Hà Nội.
Và như tiền định, trong đại hội này Nguyễn Đình Thi đã gặp Madeleine Riffaud. Có lẽ nhô nhỉnh lên trong đoàn đại biểu Việt Nam dự Festival khi ấy là cái dáng cao to đẹp trai làu làu tiếng Pháp, ứng đối trôi chảy với lối hùng biện mang tư duy triết học sắc sảo trên nhiều diễn đàn trong đại hội của Nguyễn Đình Thi. Đoàn Việt Nam luôn được vây bọc bởi các nhà báo và khách mời đặc biệt. Khó mà lẫn và luôn nổi trội là vóc dáng thướt tha, mái tóc buông lửng đen lánh, cặp mi cong lẫn làn da trắng muốt của nữ nhà báo Pháp Madeleine Riffaud. Nhưng trên cả nhan sắc là thần tượng của một thế hệ thanh niên: là đội viên du kích chống phát xít Đức. Bị Gestapo bắt năm 1994. Bị kết án tử hình. Chỉ còn 6 ngày nữa là bọn phát xít sẽ mang đi hành quyết thì Madeleine Riffaud được du kích giải cứu thành công. Năm 1946, Madeleine được Nhà nước Pháp phong tặng danh hiệu anh hùng và được thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh, phần thưởng cao quý nhất của nước Pháp. Madeleine lại là đảng viên Đảng Cộng sản[ Pháp], hàng loạt bài viết đủ mọi thể loại nhưng mạnh nhất là phóng sự chính luận của Madeleine với tư cách phóng viên báo Nhân Đạo, cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Pháp và thành tích chống phát xít đã khiến chị rất nổi tiếng! Ngoài danh hiệu anh hùng nước Pháp một chiến sĩ cộng sản kiên định, Madeleine còn là một nhà thơ tài năng. Tập thơ Con ngựa đỏ của Madeleine từng đoạt giải văn chương Pháp quốc. Chao ôi! sự gặp gỡ của đôi trai tài gái sắc là tất yếu như là thứ biện chứng của anh hùng với thuyền quyên vậy! Tình yêu rất cần sự chứng kiến nhưng là với ai và với từng giai đoạn nào khác kia, còn lúc này Nguyễn Đình Thi vô cùng sợ trước những ánh mắt tò mò săm soi… Quan hệ đúng mực giữ nghiêm kỷ luật… Kỷ luật lúc đi, trên đường đi đã được quán triệt. Nhất là với mình lại là cương vị lãnh đạo?! Nhưng những ngày đam mê và gấp gáp với cả ngặt nghèo ấy, Nguyễn Đình Thi đã tìm ra lối thoát bằng sự gặp may. Nhà thơ nổi tiếng Nazim Hikmet người Thổ Nhĩ Kỳ là khách mời đặc biệt của đại hội sau nhiều buổi gặp chung với đoàn Việt Nam đã không giấu mối thiện cảm của mình đối với Nguyễn Đình Thi. Vốn là người lịch lãm từng trải lấn tinh tế, Nazim Hikmet lọc ngay được thứ tình cảm không biên giới vĩnh hằng của nhân quần đang ám trên gương mặt chàng thi sĩ trẻ Việt Nam. Và ông đã chắp nối cho cặp trai tài gái sắc Nguyễn Đình Thi – Madeleine Riffaud! 
Nhà văn

Mối tình nồng thắm ấy cho mãi đến 1955, 1956 mới có nhiều ngưòi biết bởi những cuộc thăm liên tiếp của Madeleine Riffaud đến Hà Nội! Chuyện loang ra. Mặt bằng dư luận khi đó đã chắp cánh cho không ít những đố kỵ hẹp hòi, đồn thổi kể cả ác ý làm Nguyễn Đình Thi nhiều lúc hụt hẫng chới với. Nhưng hình như trong lĩnh vực này, Nguyễn Đình Thi ít khi bại? Ông đã găp may : Hai người đều độc thân. Rằng người đẹp của ông Thi thuộc về phe ta!... Nhưng có lẽ ít ai biết được đồng chí Trường Chinh là một trong những người thuộc tính Nguyễn Đình Thi nhất. Thuộc nhưng có lẽ cũng chả có hiệu ứng nào đáng kể nếu như người thuộc và thông cảm ấy lại không ở vào vị thế và cương vị đặc biệt! Những thông tin cần thiết đã đến với Bác Hồ trước khi Bác Hồ tiếp chuyện nữ ký giả Madeleine Riffaud! Với tư cách phóng viên nổi tiếng của báo Nhân Đạo, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một anh hùng giải phóng dân tộc của nước Pháp bây giờ lại làm nhiệm vụ viết bài về công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nứoc nhà của Việt Nam, Madeleine Riffaud ngẫu nhiên trở thành mối quen biết thân tình với nhiều vị lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam, đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Madeleine Riffaud được Bác Hồ coi như con gái.
(danh họa Picasso từng nhận Madeleine là em gái mình. Một lần Madeleine nhận được một món quà sinh nhật độc đáo. Đó là chân dung Madeleine do chính tay Picasso bỏ nhiều thời gian vẽ tặng). Cũng như nhiều trường hợp khác, Bác Hồ luôn quan tâm đến đời sống hạnh phúc riêng tư của nhiều người khác, nếu có điều kiện… Mối tình của Nguyễn Đình Thi và Madeleine Riffaud khiến Người quan tâm và xúc động.

Nhưng … Không bao lâu, nhà văn Nguyễn Đình Thi và ký giả Madeleine Riffaud qua một kênh đặc biệt đã nhận được một lời khuyên từ Bác Hồ kính yêu.
Hai người cứ là bạn tình mãi là tốt nhất. Nếu cưới nhau thì cô ấy phải sang ở hẳn bên Việt Nam với chú. Nếu như vậy thì Đảng CS Pháp mất một cán bộ trung thành tận tụy và báo Nhân đạo mất đi một ký giả tài ba …
Có lẽ là những người cộng sản trung thành và là cán bộ tốt của Đảng, và lý do gì nữa chăng mà hai người đã chấp thuận lời khuyên ấy! Mặc dù cả hai đều không ít những day dứt với luyến tiếc! Có lẽ cũng trích ra đây những tâm sự của nhà văn Nguyễn Đình Thi với con trai sau sự kiện ấy hàng chục năm.
… Mãi sau này khi đã thực sự hiểu tính tình cô Madeleine rồi thì bố mới hiểu trọn vẹn được lời khuyên ấy của ông Cụ. Thì ra ông Cụ quá hiểu tính tình của của cô Madeleine. Nếu cô Madeleine sang Việt Nam thì Đảng và Nhà nước ta không thiếu gì một công việc thích hợp để bố trí cho cô ấy. Nhưng ông cụ tinh lắm. Ông cụ đã nhìn thấy trước tất cả…
Nhưng ông con Nguyễn Đình Chính càng thêm phục Ông Cụ bởi ngoài những lẽ trên, có lẽ Ông cụ đã thấy trước cả cái vẻ trăng hoa tiềm tàng ở người cha của mình!? Có điều Ông Cụ chả nói ra đấy thôi!
Vậy là cứ nối dài mãi ra bao nhiêu là thương nhớ. Và cứ mãi xa tầm với của Nguyễn Đình Thi, một trí thức lớn, một nhà báo tài danh dũng cảm. Ngoài sự đồng điệu nhiều điều, bà còn nổi trội ở phong thái luôn độc lập suy nghĩ. Bất cứ xứ sở nào xảy ra chiến tranh nô dịch thuộc địa của thực dân Pháp thì ngay lập tức Madeleine có mặt với tư cách là một chiến sĩ! Khó tính được những lần bà chết hụt ở Marốc, Algeria... Bà từng bị bắn gãy chân... Một nhà văn, một trí thức châu Âu nổi tiếng đã viết về bà thế này: “Bà là thiên sứ bay đến những miền đất khổ đau ấy để chuộc lại phần nào những lỗi lầm, để lau những vết bẩn thực dân vấy lên khuôn mặt nước Pháp”. Và ở Việt Nam thiên sứ Madeleine Riffaud đã nhiều lần vào chiến trường miền Nam vào những giai đoạn chiến tranh ác liệt. Những bộ quân phục, chiếc mũ tai bèo chiếc mũ cứng, các kiểu xe đạp mà bà sử dụng còn lưu lại trong tập ảnh chụp đã ố vàng kia... Những bài phóng sự nóng hổi không khí chiến sự và giàu chất văn được tập hợp trong cuốn Ba tháng trong rừng rậm một thời từng làm thế giới ngạc nhiên sững sờ trước Việt Nam đau thương và chiến thắng! Có người đã chia xẻ với nhà văn Nguyễn Đình Chính rằng, bài thơ Lá đỏ trước khi được Hoàng Hiệp phổ nhạc thì riêng cái tứ của nó đã đượm thứ hồn cốt của thi sĩ Nguyễn Đình Thi khi nghĩ về đôi vai mềm của Madeleine Riffaud thấp thoáng nơi bom đạn ác liệt ở chiến trường miền Nam? Nguyễn Đình Chính không phản đối… Những bức thư gửi từ Paris hoặc từ một thủ đô nào đó trên trái đất về Hà Nội cho bốn bố con Nguyễn Đình Thi, Madeleine bao giờ cũng có các câu Lễ, Chinh, Như yêu quý… Trước năm 1987, Madeleine thi thoảng còn sang Việt Nam. Mỗi lần như thế, bà đều nói Nguyễn Đình Thi đưa bà đến thăm ba người con của ông. Người ta nói những người yêu nhau nhất là vợ chồng thường hay giống nhau bởi sự đồng cảm hoặc chịu ảnh hưởng của nhau hay là một cái gì na ná… Nguyễn Đình Thi và Madeleine chưa từng là chồng vợ thế mà đã lây nhiễm cái cốt cách Á Đông ấy bao giờ vậy? Cái tính trội của cốt cách Á Đông ấy, bây giờ cùng với những biến động, những xáo trộn đó bỗng trở thành gen lặn, thành cái gì đó như cổ tích?! Đó là sự thủy chung kỳ lạ, dẫu bởi tìm trong vốn cổ cũng khó kiếm mà chỉ có thể dùng từ huyền thoại để gọi nó thôi! Dằng dặc ngần ấy năm, đến giờ Madeleine vẫn ở vậy! Sau khi Nguyễn Đình Thi mất, bà Madeleine có viết một bức thư dài 7 trang cho nguyễn Đình Chính. Trong đó bà có nhờ ông tìm cho bà một chiếc nhẫn bạc mà bà đã trao cho Nguyễn Đình Thi từ năm 1951. Bà nói theo phong tục xa xưa của nước Pháp, bà muốn nhìn lại nó… Bà viết như vậy trong thư… Tôi cũng như bạn độc đang đợi cái ngày nhà văn Nguyễn Đình Chính đi Pháp công cán việc gì đó sẽ tiện thể ghé qua chỗ bà Madeleine. Gần đây có người sang bên đó, Nguyễn Đình Chính có hỏi thăm thì được biết dạo này bà rất yếu. Nước Pháp tôn vinh bà và đang gấp rút hoàn thành một bộ phim tư liệu về người anh hùng của nhân dân Pháp. Một tổ chức ở Pháp đã cử người sang gặp nhà văn Nguyễn Đình Chính để đề nghị xin được mua lại tất cả những gì cất giữ trong chiếc cặp da cũ kỹ kia. Nhà văn Nguyễn Đình Chính bán nó với giá năm con số ngoại tệ mạnh hay khi bà Madeleine mất, ông sẽ hóa nó (để bên kia thế giới hai ông bà sẽ nhận lại được) như có ý kiến đồn thổi này nọ! Nguyễn Đình Chính đang dùng dắng một chuyến đi Pháp bởi hiện thời ông đang rất bận… Tôi thử mường tượng trong những ngày bận bịu bộn bề công việc của chuyến đi Pháp sắp tới, nhưng thể nào mà nhà văn Nguyễn Đình Chính lại chả lui tới căn hộ của bà Madeleine Riffaud mà thuở bé ông chưa bao giờ bước tới cũng như chưa bao giờ đặt chân đến kinh thành ánh sáng này. Trong căn hộ của người đàn bà độc thân ấy, cứ như hồi ức của Nguyễn Đình Thi là có một căn phòng dành riêng mà ở đó choán hết bức tường là tấm chân dung Nguyễn Đình Thi phóng to bằng cỡ người thật như giới hội họa hay điêu khắc thường nói là tỉ lệ 1/1. Và la liệt dưới tấm chân dung ấy là những kỷ vật lưu lại biết bao kỷ niệm của hai người hơn nửa thế kỷ. Rồi người con trai của Nguyễn Đình Thi, ngồi trước bà Madeleine, hai tay sẽ trĩu chiếc cặp cũ kỹ kia… Rồi thế nào bà chủ nhà cũng lại cảo thơm lần giở trước đèn một lần hay nhiều lần những kỷ vật ấy! Những thư từ tranh ảnh, nhật ký… liệu có đi theo bà sang bên kia thế giới hay được phép quay trở về cái xứ sở mà trước khi yêu đất nước ấy bà đã yêu và mãi mãi sẽ yêu một người?
Có lẽ phải nhanh nhanh lên nhà văn Nguyễn Đình Chính ơi!
Đông năm Tuất
XUÂN BA
(nguồn: Văn Nghệ)


                                                           ---------------------------------
                                                              trích lại từ VNEXPRESS
                                                      ====================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ