Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

pilots of 518 [VNAF] after a mission over North Vietnam terrority  --(ảnh; minh họa]


THƯ GỬI NGƯỜI BẠN PHI CÔNG  [PHI ĐOÀN 518 VNAF]

                                                    trần thị bông giấy


                                                                  Trần Thị Bông Giấy và nhà văn  Vũ Thư Hiên [1933-  ]
                                                                                   (ảnh do TTBG cung cấp)


12:44 AM, Thứ Ba April 24/2017

       Anh Phúc thân,

Lúc nãy đang viết cho anh, bỗng thấy tối tăm mày mặt, mồ hôi toát ra đẫm trán, nên vội ngưng. Đó là hiệu quả tác hại của viên thuốc giúp cơ thể thư giãn mà ông bác sĩ vừa cho sáng nay. Ngày mai tôi sẽ quẳng chúng vào thùng rác hết vì sợ quá.

Bây giờ đã tỉnh, 12:44 khuya, viết tiếp cho anh.

Tất cả những dữ kiện anh gửi (kể cả cái video clip của ký giả Don Harris quay buổi sáng cuối cùng 29/4/1975 từ sân thượng khách sạn Palace Sàigòn) đều là những tư liệu quý giá về một giai đoạn lịch sử rất tang thương của đất nước.

Tôi không biết diễn tả sao cho trọn cảm nghĩ mình ngoài hai chữ “ngậm ngùi” cho Miền Nam đã mất, cho anh, cho tôi, cho tất cả những con người cùng thế hệ chúng ta.

Đó có lẽ cũng là nguyên nhân khiến tôi không bao giờ cảm thấy gần gũi hay bằng lòng với nước Mỹ (biểu lộ, chính là cách sống và suy nghĩ "luôn bơi ngược dòng"của tôi mấy chục năm ở Mỹ). Cũng không dễ dàng “tha thứ” cho nước Mỹ trên chỗ đứng nương nhờ đất khách hiện nay của gần hai triệu người VN.

Đã rất lâu rồi, tôi tự rút vào cái xó câm lặng cô đơn để nghiền ngẫm hai chữ “ngậm ngùi” vừa nói.

Ngậm ngùi, khi thấy tất cả chung quanh đều thật đáng thương trong số phận bị bật tung khỏi gốc rễ quê hương.

Ngậm ngùi, như một đoạn viết trong 'Nước Chảy Qua Cầu': “Mỗi con người Việt Nam trong suốt cuộc đời đã phải trải qua vài lần chinh chiến. Bà mẹ Âu Cơ kiếp nào vụng tu nên đàn con cháu cứ phải gánh nạn khổ đau. Chẳng trách ai được. Chỉ biết ngậm ngùi cho bao lớp người đã ngã. Và còn bao lớp người sẽ tiếp tục ngã theo đây?”

Không biết nói sao cho anh hiểu, dù rất mong (những người như) anh hiểu. Có cái gì rất tuyệt vọng trong tôi mấy chục năm qua mỗi khi nghĩ về lịch sử VN khởi đi từ thời Pháp thuộc. Tôi thấy tự giận mình đã không chịu sống hài lòng, thoải mái (như đại đa số người Việt hải ngoại). Và cũng giận mình không sao tẩy xóa trong tim nỗi tủi nhục “là công dân của một đất nước đã từng bán đứng Miền Nam VN.”

Anh, tôi, [cựu hoa tiêu vận tải C.130] Đặng Văn Âu, ông Phan Nhật Nam và tất cả bạn bè, người thân chúng ta đều chỉ là nạn nhân theo những gì gọi là Lịch Sử. Chỉ điều "khác" rằng, cái đau khổ của tôi (luôn của anh, anh Âu…) là không muốn bẻ cong cây bút và tâm hồn mình.

Dạo mới lớn, sắp tốt nghiệp trường Nhạc, tôi được nghe một lời chỉ dạy của ông thầy mình theo học từ khi còn nhỏ: “Con hãy luôn luôn ngửng đầu lên trong mọi hoàn cảnh, dù đau thương đến đâu chăng nữa. Nếu không, cuộc đời sẽ đạp con như đạp một con kiến, và ngay chính con cũng không biết rằng mình đang bị chà đạp.”

Lời ấy nằm luôn trong ý nghĩ như một thứ kim chỉ nam quý báu.


Chính cái “ngửng đầu” đó làm mình khổ; càng khổ hơn bởi vì không thể “cúi đầu” trước những kẻ theo đóm ăn tàn sau lưng các Sử gia Olivier Todd (tác giả cuốn Cruel avril: 1975: La chute de Saigon; NXB R. Laffond, Paris, 1987), Lệ Lý Hayslip (cuốn Heaven & Earth, xuất bản 1993)... bóp méo vặn vẹo mọi Sự Thật trong các quyển sách viết về lịch sử và quân đội Miền Nam.

Chọn bước trên con đường Văn Chương cũng là một cách “vâng theo lời dạy” của ông thầy cũ. Đó là con đường cô đơn, lắm chông gai và nhiều thù địch NẾU muốn giữ cái Tâm lương thiện.

Tôi tự biết mình chỉ là hạt bụi trong thế giới văn chương lớn rộng, nên không có nhiều cao vọng. Bể học bao la, bơi được chút nào trong đó cũng là điều quý. Những đề tài tôi viết chỉ là chuyện đời thường, bất cứ ai cũng đều có thể gặp trong cuộc sống riêng họ. Trong Văn Chương đã có Lịch Sử. Lịch sử dân tộc lại là điều dày vò tâm não tôi nhất trên những giòng chữ từng tuôn chảy nhiều năm.

Sự trăn trở của anh phơi bày trong bản văn 'The Last Mission', hay các lá thư gửi tôi, cũng là một dạng thức khác của con đường chữ nghĩa. Và như đã nói, anh cũng không tránh được số phận “cô đơn” theo những gì anh đã và còn sẽ viết ra.

Những dòng viết “chuyện đời thường” của tôi mang tính mềm mại uyển chuyển mà (như anh thấy) còn không được nhiều đón nhận. Huống hồ các dòng viết anh mang tính lịch sử sắt đá, làm sao có thể “địch nổi” với những dối trá của các "sử gia" đời bây giờ?

(xin anh đừng buồn theo điều tôi vừa nói).


Con người thời hiện đại hình như chẳng màng đến gì ngoài hai chữ vật chất? Nhất là trong xứ Mỹ, phải chạy đua từng chút thời giờ mới mong sống được. (cơ hồ trong 'Nước Chảy Qua Cầu', tôi đã viết tư tưởng này trong một lá thư gửi Hạnh?).

Cái thuở thong dong của thế hệ mình và các thế hệ xưa, vừa đi vừa đọc sách, đã chỉ còn trong các giấc mơ!


Tôi biết vậy. Nhưng cũng KHôNG Vì BIếT VậY mà vứt bỏ hết chữ nghĩa để chạy đuổi theo vật chất.


Có một câu ghi chú của Dostoievski được tôi luôn luôn nghiền ngẫm:

“Phải hiểu sâu xa rằng Tài Năng cần sự đồng tình, thông cảm. Nhưng NẾU chỉ ngồi chờ và nhìn những gì bạn hữu xúm lại quanh bạn, chẳng bao lâu bạn sẽ chỉ thực hiện được những thành quả tồi tàn nhất. Họ sẽ không ban cho bạn sự thưởng lệ trên những ý tưởng mà bạn đã phải tranh thủ suốt qua công trình khó nhọc, tự quên thân mình, đói khát và những đêm mất ngủ. Những điều như vậy chỉ được họ nhìn với sự khinh dễ. Họ sẽ không khuyến khích hay an ủi bạn; không nhìn thấy những gì tốt và thật bên trong con người bạn. Tất cả điều họ làm chỉ là vạch ra những khuyết điểm của bạn với niềm vui thú ác tâm.”

Sự quay lưng với tất cả văn giới hải ngoại đã khởi sinh từ “điều nhận ra” đó.

Cái thế giới tôi đang úp mặt không chất chứa những đua chen giành giật, cho nên tôi có rất nhiều thì giờ và cơ hội để nhìn lại mình và những gì mình cho là THẬT. Lịch Sử dân tộc cũng được gom trong cái 'Thật đó'.

Với tôi, điều cần thiết không phải là sự đón chào của số đông độc giả theo kiểu những nhà văn được lancer rầm rộ. Tôi chỉ cần số ít hiểu rõ những gì tôi muốn chia xẻ. Mà cái số ít này, lại cũng là “thật ít” đó anh.
Tuy nhiên không vì vậy mà tôi để cùn cây viết, hoặc bẻ cong ngòi bút.
Một cây gỗ lim đáng quý rất nhiều so với một rừng gỗ tạp.

Phần anh, theo nhận thức riêng tôi, những phơi bày trăn trở của anh về một thời đoạn đau buồn của quê hương chính là thứ gỗ lim ấy. Nó nằm đó, còn đó, và càng lúc càng vững chắc gốc rễ hơn theo với Thời Gian.
  
Anh lại còn may mắn (hơn tôi) bởi những gì anh suy nghĩ, cũng đã được những tay viết chuyên nghiệp người Mỹ đọc đến bằng sự hiểu biết sâu sắc riêng của họ. Không gọi rằng thỏa mãn, nhưng rồi tất cả cái gì Thật đều cũng ló mặt hết mà thôi.


                                                ***
Mới ngày hôm qua, tôi có được nghe từ đài RFI bản tin ngắn như sau:
Căn biệt thự rất đẹp mà Victor Hugo lưu trú 15 năm lưu đày, nằm trên quần đảo Guernsey, nước Anh, nơi ông đã cho chào đời nhiều tác phẩm lớn, trong có Les Misérables-- đang bị xuống cấp dữ dội, phải cần đến 2 triệu Euro để trùng tu lại”;

cái tin lại phải làm tôi suy nghĩ vớ vẩn.
Victor Hugo là nhà văn lớn của một đất nước luôn hãnh diện về nền văn học huy hoàng của họ… vậy mà đã phải có lời kêu gọi quyên góp của City de Paris để mong trùng tu căn-nhà-bảo-tàng-Hugo hiện hữu cách đây gần hai thế kỷ… thì với biết bao nhà văn lớn-nhỏ của các xứ sở ít may mắn hơn, số phận chữ nghĩa của họ sẽ ra sao?


Rõ ràng mọi sự đều Vô Thường trong cái lãnh đạm đến khắc nghiệt của Thời Gian, anh Phúc ạ!

Dù vậy, sự “vẩn vơ tư tưởng” theo căn nhà của Victor Hugo đã khiến tôi tự thấy mình khổ mà không khổ; tầm thường mà không tầm thường trên con đường đã chọn bước đi.
  

                                                 ***

Nói thật đáng tội, tôi không ưa nước Mỹ, nhưng phải nhận, liên hệ tới cuộc chiến VN, cũng còn rất nhiều người Mỹ thật đáng cho tôi kính trọng; ví dụ như tác giả bài 'The Last Mission' đã viết lại lời kể của anh. (cho đến ngày hôm qua, tôi vẫn tưởng chính anh là tác giả). Xin gửi lời cảm ơn rất nhiều đến ông ấy.

Và cũng cảm ơn anh theo đoạn thư gửi tôi:
Lẽ ra bài The Last Mission này đã được in trong sách USA/VNAF A-1 SKYRAIDER UNIT OF THE VIET NAM WAR từ năm 2011, nhưng chỉ vì một ông Thiếu úy của Phi đoàn 514 ở Houston lếu láo rằng ông cùng với chiếc Tinh Long 07 thả bom, và cũng bị SA-7 bắn nhưng ông né được (tài thế!); còn chiếc Tinh Long 07 bị bắn rơi.

Mặc dù tôi có đoạn video của ký giả Don Harris chứng minh rằng trên vùng trời Tân Sơn Nhất buổi 29/4/1975 ấy, ngoài chiếc Tinh Long 07 thì chẳng có bất cứ chiếc phi cơ nào khác nữa; ông Byron Hukee, một người trong ban biên tập quyển này, cũng đã hỏi tôi:


"Một sự thật nhưng có hai câu chuyện khác nhau, tao phải tin ai?"


Tôi cảm thấy quá nhục nhã và xấu hổ, không muốn tranh cãi nên lấy lại bài T'he Last Mission 'này.”


Hoan hô anh!

Ít ra danh dự một người lính VNCH phải là như thế trước người Mỹ, nhất là Mỹ trong làng Văn, làng Báo có đầu óc, chữ nghĩa! Chính anh đã “rửa mặt” giùm cho anh chàng phi công bên Houston ấy; và cũng là “rửa mặt giùm” cho một triệu quân nhân Miền Nam cam đành thua trận vì sự quay lưng của người Mỹ trong trận chiến cuối cùng tháng 4/1975.


                                               ***

Anh biết, tôi và Âu Cơ rất mê bộ phim 'Band of Brothers'. Nhất là Âu Cơ, xem đi xem lại đến gần như thuộc lòng từng tập, ngưỡng mộ, khâm phục thật nhiều tính cách huynh đệ của các người lính trong quân đội Đồng Minh thời Đệ II Thế Chiến. Nó hỏi tôi về chiến tranh VN, tôi đáp: “Tình bằng hữu của các người lính trong QLVNCH còn hào hùng và đáng cảm động hơn.”

Phần tôi, khi xem các phim, cũng lại “ngậm ngùi” nhớ về các người tình, người bạn đã tử trận trên nhiều chiến trường Miền Nam sôi động; luôn cả cái Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa có đầy tên tuổi các chàng trai chết trẻ.

Nói thế để anh biết rằng dấu ấn về cuộc chiến Bắc-Nam ghi khắc rất đậm trong tâm hồn tôi ngay từ khi mới lớn. Những lời ca của Hồng Hạnh trong các lần trình diễn chung từ Sàigòn lên tới Dalat (“Em hỏi anh bao giờ trở lại? Xin trả lời: Mai mốt anh về!”...), vẫn là câu tôi tự ngậm ngùi cho chính mình và nhiều cô gái cùng thế hệ với tôi.
   

                                                ***
Mong biết được hạnh phúc giữa anh và Hồng Hạnh vuông tròn, suôn sẻ sau mấy chục năm cách biệt. Tất cả đều là quá khứ, thương nhau không hết ở cái hiện tại, chẳng nên trách cứ gì nhau những chuyện đã qua theo với ý nghĩ “mọi thứ chỉ là Định Mệnh!” mà thôi.

Ít hàng “tâm bút” gửi anh.

 Thân mến,
 trần thị bông giấy.
[]

-- [ cựu] đại úy phi công Trần Văn Phúc, phi đoàn 518, người đã bay các phi vụ bảo vệ thủ đô Sàigòn sáng ngày 29/4/1975, những giây phút cuối cùng của cùng. (TTBG).

(trích từ Newvietart.com/ (France)


-----------------------------------------------


lời dẫn của Thế Phong:


-Nhận thư Trần thị Bông Giấy từ San Jose;. Thật vui! . Nhìn nét chữ vẫn bay bướm như xưa. Và, có lần tôi nói đùa: 
           " chữ Nàng bay bướm quá/  số Nàng số đào hoa/  cứ như lời Thầy dạy/  Nàng sẽ khổ tới già". 


                                              " Trưa nay giờ Saigon nhận được thư viết tay của
                                                                                    nữ văn sĩ Trần thị Bông giấy gửi từ San Jose ..." (TP)



                                                                                                                                                         trái qua:
                                                                                             --  Hoàng Vũ Đông Sơn [1939- 2014 saigon]
                                                                                              -- Trần Thị Bông Giấy + Âu Cơ  (con gái BG).
                                                                                              -- Thế Phong.  
                                                           ( chụp bên bờ hồ Xuân Hương Dalat/ 2000)
                                                   
" Sáng nay (Cali, May 7/ 2017)  ngồi đọc lại từng chữ trong các bài 'Thế Phong với những tiếng cười chua cay và ngạo nghễ', lại thấy nhớ anh+ anh [Hoàng Vũ] Đông Sơn cùng các mùa hè Dalat;.  Khởi đi từ năm 2000 quá chừng chừng!
Vậy mà đã 17 năm trôi qua!  Vật đổi sao dời, người còn kẻ mất, buồn quá!
(...)
BG [Bông Giấy] vẫn đang làm việc dữ dội (như muôn thuở) nhưng lúc này cô đơn càng thêm dữ dội.  Sức khỏe xuống nhiều vì nhiều buồn phiền gặp phải. Hổm rày gửi cho anh bài viết về anh chàng phi công Trần văn  Phúc, chắc anh có nhận? [check mail  không thấy bài này] . Viên đại úy này là chồng của nhân vật HẠNH trong NCQC [Nước chảy qua cầu]; sau bao nhiêu năm tìm BG; bây giờ Hạnh và BG mới liên lạc được.
Lại cũng nhớ đại úy Phúc gửi các tài liệu về Không quân [VNAF] với ý muốn nhờ BG "giải oan" cho ông  Kỳ 
[ Nguyễn cao Kỳ] và các anh phi công thời 1975; BG mới ngóc đầu dậy được sau suốt một tháng nằm mọp, vì tinh thần và thêm xác KHÔNG còn MUỐN trỗi dậy.  Cũng từ ông Phúc mà một lời nhắn của nhà-thơ nhà-báo,nhà-phê-bình-văn-học (tên Nguyễn Mạnh Trinh) khá nổi tiếng ở Nam Cali được trao đến BG xin "mua NCQC [Nước chảy qua cầu] và 2 tập " Một truyện dài  không có Tên". BG đáp" Đã tuyệt bản". (Vì không muốn dây dưa với họ. Xong, lại nghĩ," phải cho tụi Nam Cali biết rõ về vụ Đặng Văn Nhâm và ' Nữ Nhân Ngư'  ra sao"; nên gửi tặng anh kia (qua tay ông Phúc) nguyên bộ" Điệu máu cuối cùng của con Thiên nga".
BG đang bắt đầu viết về Uyên Thao. Uyên Thao ngày càng bị thiên hạ công kích dữ lắm vể 'Tủ sách Tiếng Quê Hương'; nên BG cũng thấy bất bình giùm cho ảnh. Chỉ mới được  hai bài thì không muốn viết tiếp. Nhưng cho dẫu có viết tiếp về Uyên Thao thì giọng văn chắc cũng không thật sự hứng thú như từng viết về Thế Phong cách đây 12 năm (mà bây giờ BG đang đọc lại từng chữ với sự rung động trong tim).
Thăm anh chị và cả nhà.
Anh em cũ còn ai nữa đâu anh.
BG
(ký tên) 


            TB (...)


            ---------------------



   uyên thao [ i.e. vũ quốc châu 1933 -   ] -- (ảnh: internet) 
                             "BG đang bắt  đầu viết về Uyên Thao. Uyên Thao ngày càng bị công kích dữ lắm về                                                                                                   'Tủ sách TIẾNG QUÊ HƯƠNG'; nên BG cũng thấy bất bình giùm 'ảnh' ..." 


                                                 trái qua, trên xuống:
        -- cựu hoa tiêu phản lực Lê Bá Định (không đi H.O., hiện ở Saigon)
 + Thế Phong (cựu airman VNAF, hiện ở Saigon)
-- cựu hoa tiêu  vận tải C.130 Đặng văn Âu (hiện ở Mỹ)
--  cựu hoa tiêu Võ Ý ( hiện ở Mỹ)
(ảnh: TẬP THƠ TRUYỆN KHÔNG QUÂN THỜI CHIẾN (Saigon 1974)

    " ...Anh, tôi [cựu hoa tiêu C.130] Đặng văn Âu, ông Phan Nhật Nam và tất cả bạn bè, 
người thân; chúng ta chỉ là nạn nhân ..." (TTBG)
Nước chảy qua cầu được chuyển ngữ  River of Time
 (English version by Trần Thy Hà) 


một truyện dài không có tên/ trần thị bông giấy
 ( tập 1+ tập 2  -- trọn bộ 994 trang).

"... cũng từ ông Phúc; mà một lời nhắn của  ... 
 xin mua  Nước chảy qua cầu'+ Một truyện dài không có  tên
-- BG đáp" đã tuyệt bản "... (TTBG )

                                                      "... Xong lại nghĩ" phải cho tụi Nam Cali biết rõ về vụ 
                                                                  Đặng Văn Nhâm  và 'Nữ Nhân ngư' ra sao; nên gửi tặng
                                                                 anh kia (qua tay ông Phúc)nguyên bộ' Điệu múa cuối cùng
                                                                                    của con Thiên Nga".   (TTBG)
                                                               =================================================





0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ