thơ tình hồ chí bửu, 'thơ như đùa mà sự thật là như vậy' / bài viết: mang viên long (việtnam) -- www.newvietart.com/
T hi ca có mặt cùng lúc với loài người, tuy hình thức bày tỏ ở mỗi thời kỳ không giống nhau. Có lẽ, những bài ca dao, đồng dao truyền khẩu của mỗi vùng miền trên thế giới, là sự hình thành sớm của Thi ca. Nếu tính từ Hómèros (khoảng thế kỷ thứ 7 trc CN) thì sự hiện diện của Thi ca bên đời sống đã hơn hai ngàn tám trăm năm! Nhiều nghiên cứu cho thấy thơ tình và những bản hùng ca đã được lưu truyền ngay từ thuở đầu tiên ấy!
Có một yếu tính hiển nhiên của Thi ca (không ai có thể phủ nhận) là nó luôn song hành cùng Tình Yêu! Con Người sống không thể không có Tình Yêu. Cũng vậy, Thi ca sống cũng không thể không có Tình Yêu. Không có Tình Yêu thì cả hai đều không thể tồn tại! Từ xưa, chúng ta đã được đọc hằng vạn, hằng chục vạn những bài thơ tình trên khắp thế giới, nhưng có bao giờ hết đâu? Tình Yêu vẫn luôn mới, được tiếp tục sống rực rỡ trong tâm hồn người nghệ sĩ; và đã làm tươi xanh đời sống của nhân loại!
Có lẽ bởi vậy, nhiều thế kỷ qua, Thơ Tình đã được ngưỡng mộ, tiếp nối - không ngưng nghỉ, mà mỗi thập kỷ trôi qua còn “ào ạt” hơn trên thi đàn. Có điều, chữ “Thơ Tình” tôi đang tạm dùng ở đây, phải được hiểu đúng nghĩa là Thơ Tình - nghĩa là chúng phải được bắt nguồn từ cội nguồn của Trái Tim Yêu thương, từ tấm chân tình như nhiên rộng mở, từ khối óc tinh nguyên dâng hiến, và cả từ cuộc đời thăng trầm bao nỗi gian truân; chứ không phải những trang chữ khô cứng, ước lệ, tùy tiện được “sắp xếp” bởi những kỷ thuật thô thiển, lập dị, hay “mưu cầu”! Một bài thơ được hình thành, được viết lên trang giấy, phải là một đóa hoa đúng giờ phải nở - tự nó tỏa ngát hương thơm….
Nơi đây, tôi tự giới hạn cho mình về Thơ Tình (từ những thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21) mà nghĩ rằng, trên 50 năm qua, những bài Thơ Tình đựơc giữ lại bên đời sống, được khắc ghi trong trái tim mỗi người - thật không nhiều! Thậm chí có thể đếm trên đầu ngón tay (trong muôn vạn bài thơ “đồng phục” đã được in, được “ngợi ca”, giới thiệu bằng mọi phương tiện!). Thơ tình dễ làm… Cho nên người người, nhà nhà (…) đều làm thơ tình! Nhiều năm qua, tôi rất “ngại” đọc thơ tình, bởi rất “sợ” sự ủy mị, du dương của thời cũ trăm năm trước, hay được khoát lên cái vỏ triết lý hiện đại kỳ quặt hôm nay (…). Do vậy, khó tìm ra thơ để đọc - cho dầu từ rất lâu, tôi vẫn xem những trang thơ tình hay, là một nhu cầu cần thiết cho đời sống tình cảm của mình! May mắn thay, thỉnh thoảng - tôi đã “gặp” được những bài thơ tình “như đùa, mà sự thật là như vậy” của Hồ Chí Bửu! Một phong cách thơ rất mới, rất hồn nhiên. Đọc bài thơ này:
Khi chán đời ta nằm quay qua phải
Cho buồng hơi đầy ắp những sân si
Khi nhớ em ta nằm quay qua trái
Cho buồng tim rung động thuở xuân thì
Khi tĩnh tâm ta nằm ngay ra giữa
Nhìn lên trần tìm kiếm một hào quang
Tìm không thấy ta quay ra nằm sấp
Đếm ngón tay cuộc tình phớt vội vàng
Đếm không hết ta bật mình ngồi dậy
Đấm ngực mình cho tim vỡ làm đôi
Tim chẳng vỡ - có cái gì động đậy
Quay bên nào thì cũng nhớ em thôi…
(Không Ngủ Được)
Chỉ nói đến bốn cách nằm thôi, tác giả đã cho người đọc thấy rõ những đêm trăn trở nhớ thương, không sao chợp mắt được, rất thật!. “Quay bên nào thì cũng nhớ em thôi” - một tình yêu mênh mang, sâu đậm. Hay ở bài “Độc Ẩm Chiều Cuối Năm” - đúng là “như đùa mà sự thật là như vậy” :
“Ta dụ ta, chiều nay ngồi uống rượu
Vì ngày qua đã xỉn tới mây xanh
Ta hư đốn chiều nay còn uống rượu
Bởi vì ngồi mông đít đã tê xanh.
Em có biết mấy đại gia làm toán
Cộng tới cộng lui lòi một villa
Ta dốt nát nên không thèm làm toán
Cứ yêu đời và yêu hết người ta
Em thấy không? Chiều cuối năm độc ẩm
Cũng quẩn quanh một gác nhỏ quạnh hiu
Cũng nhớ em, cũng thèm vòng tay ấm
Cũng lẽ loi và buồn hết buổi chiều
Nếu giả sử tình yêu là ly rượu
Tay cầm ly - chưa uống đã say rồi
Bởi tình yêu thì đâu cần giá thú
Vừa chạm vào đã cay xé bờ môi
Và cứ thế, trượt dài theo số phận
Ta nhủ thầm lần cuối nữa rồi thôi
Vì bất tài hay vì lưng quá cứng
Nên con đường hoạn lộ ngắm mà chơi
Chiều cuối năm, ừ thì sắp qua năm mới
Tống cựu nghênh tân say hoắc cần câu
Thiên hạ hả hê chờ giờ đại lợi
Ta chỉ nhớ em, uống rượu quên sầu
Chiều cuối năm và sắp qua năm mới
Tự dỗ mình còn dài lắm cuộc chơi
Tự dặn mình thôi đừng đùa với lửa
Một chút thôi - rượu lạt cũng quên đời..
”Đó là những lời tâm sự chí tình thốt lên một cách hồn nhiên, mà thâm sâu: Ta dốt nát nên không thèm làm toán/ Cứ yêu đời và yêu hết người ta. Và cứ mặc nhiên để cho “Thiên hạ hả hê chờ giờ đại lợi/ Ta chỉ nhớ em, uống rượu quên sầu…”.
Trong “Quà Đầu Năm Cho Em” - tác giả đã tự nhủ, rất “dễ thương”: “(…)
Ta biết em thích dòng thơ nồng cháy
Vừa ngọt ngào vừa sâu lắng yêu thương
Vừa thơ mộng nhưng cũng vừa hiện đại
Em không ưa dùng ngôn ngữ đời thường
Tưởng rất dễ nhưng mà không phải dễ
Tặng em phải từ máu của trái tim
Ta gom hết những tinh hoa trần thế
Kết vần thơ khi hoa nở bên thềm (…)
”Tình Yêu thương trong thơ hầu như luôn được thể hiện một cách chân thực, cụ thể, giản dị, mà thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc:
“Sợi tóc em rơi trên áo gối
Sợi tóc nào cột chặt hồn ta
Đêm tháng giêng sao qua rất vội
Gối vẫn còn giữ một mùi hoa
Nằm bên em đêm qua rất ngắn
Mộng chưa đầy ngày đã đến nhanh
Những giấc mơ êm đềm tĩnh lặng
Những thăng trầm lẫn chút hư danh
Sáng rửa mặt biết mình còn sống
Còn bon chen - kênh kiệu với đời
Cũng cái tật chịu chơi - hiếu động
Ngồi một mình hồn muốn ra khơi..”
( Nằm Bên Em Đêm Qua Rất Ngắn)
Tình yêu trong thơ Hồ Chí Bửu không hề thấy có bóng của sự đỏm dáng, kiểu cách, hay xưng tụng réo rắc - mà chỉ là những lời “trần tình” chơn chất, hay lời rỉ rã tâm sự của kẻ giang hồ khí cốt bị sa cơ “vì bất tài hay vì lưng quá cứng”- rất hồn nhiên:
“Em rủ ta vào chân 'hụi tháng'
Tức cười – ta đâu biết kinh doanh
Rồi mai mốt tiền đâu mà đóng
Tiền uống bia..còn phải để dành.
Em dụ ta vào chân hụi ngắn
Một tuần thôi - chỉ đóng một lần
Hụi mới khui, cho ta hốt trước
Sao tự nhiên túi lắm kim ngân
Ta chịu chơi nên hay liều mạng
Có tiền rồi nhậu líp ba ga
Có khi nhậu từ chiều tới sáng
Karaoke ôm ta cũng chẳng tha
Nhậu vài tháng tiền bay đâu mất
Mà mỗi tuần mỗi đóng. Hụt hơi
Tại ham chơi nên thành cố tật
Gã làm thơ chơi sém quên đời
Chắc biết ta là dân bạt mạng
Em bảo rằng tiền bạc phù du
Không có tiền - trả bằng cách khác
Giờ yêu em hay chịu đi tù ??”
(Chơi Hụi)
Bên cạnh hình bóng “Em” còn có hình ảnh cuộc đời; bên cạnh Tình Yêu em, còn có Tình Thương con người, bằng hữu, quê nhà. Bởi vậy, thơ tình Hồ Chí Bửu có cách hấp dẫn rất riêng: tuy mộc mạc mà lôi cuốn, giản dị mà chân tình, đọc không thấy chán!
“1. Hai đứa mình cùng bằng tuổi nhau
Ông thường nhìn xoáy những vết đau
Còn ta chó sói trong lồng sắt
Vươn móng nằm xem những vết cào (…)
2.…” Uống chay dưới ánh trăng suông vậy
Nhậu rắn lòng sao bỗng nhớ rùa
Thương đất thương người đâu dám quậy
Ly rượu vơi đầy với nắng mưa”(*) (…) ”
(*) thơ Trần Mạnh Hảo)
(Thơ Tặng Bạn Rượu)
Chất “rượu” trong thơ Hồ Chí Bửu như một chất xúc tác cho Tình Yêu Thương thăng hoa chứ tuyệt nhiên không thấy lộ liễu quá đáng như một số người làm thơ tự xưng là hiện đại, hay hậu - hiện - đại. Thơ tự nó là vậy, đâu cần khoát lên cho nó một cái nhãn hiệu triết lý cao siêu?
“Rượu cay nhưng giải được sầu
Cạn ly là bước qua cầu thiên thai
Ngoảnh nhìn mây trắng còn bay
Rượu vơi đáy cốc ta đày đọa ta
Bên kia vách núi triền hoa
Bên trong danh lợi người ta thấy gì ?
Bẫy mìn nhưng vẫn bước đi
Thì ra chưa diệt sân, si, kiếp, nàn .
Ô hay là chuyện thế gian
Mềm môi rượu cạn lại càng buồn thêm
Dường như giờ mới nửa đêm
Ngước nhìn sân rộng bên thềm lá rơi…”
(Đêm Rượu Một Mình)
Tôi lại nghĩ, để có một “phong cách riêng”, (mà không phải gắng gượng chắp vá, hay phủ lên dòng chữ những gì không phải nó để ngụy tạo) là một sự tiềm ẩn tự nhiên, là “bản chất” được hình thành và nuôi dưỡng lâu xa từ “bên trong” người nghệ sĩ. Nó phải là đời sống, là hơi thở từ Trái tim muôn đời vẫn vậy! Chúng ta luôn bắt gặp “cái riêng” ấy, trong từng bài thơ của Hồ Chí Bửu, cho dù điều chia sẻ là với một “chiến hữu” :
“Bạn tôi. Lính sư đoàn Bộ binh
Hai cánh tay đã bỏ nơi chiến trường Xuân Lộc
Hai cánh tay đã rơi trong đêm tháng 4 tàn khốc
Máu chan hòa nhuộm đỏ cả vùng quê
Thương phế binh nên cải tạo vài hôm thì cho về
Thu xếp cùng gia đình lên vùng kinh tế mới
Lên vùng kinh tế mới ngóng cổ lên mà đợi
Mua gạo xếp hàng mua thuốc được vài viên
Bệnh mẹ gì thì cũng chỉ có xuyên tâm liên
Uống riết vàng răng giống khỉ ngồi bàn độc
Có những đêm buồn ra rừng ngồi khóc
Khóc chán rồi lấy rượu thay cơm
Hơn một năm quần áo rách hết trơn
Bữa đói bữa no bữa lo sốt rét
Tàn đời rồi lo cái con kẹt
Dẫn vợ con về sống ở vỉa hè
Bởi người hiền nên trời phật chở che
Rốt cuộc anh cũng có mái nhà tranh để ở
Đi bán vé số dạo chẳng còn gì mà sợ
Hào khí hết rồi một gã tàn binh
Sáng nay gặp anh tôi thoáng giật mình
Trung úy Phan Văn Tài đây hả
Ôm chặt anh nước mắt tôi rơi lã chã
Tàn cuộc rồi ta ở phía bên thua…”
Hay là lời tâm tình cùng bằng hữu, người yêu, làng quê xưa:
“Mai tôi sẽ trở về thăm Sa Đéc
Thăm khu vườn lúc nhỏ của tôi xưa
Chiếc cầu khỉ mỗi chiều qua kẽo kẹt
Cánh diều bay - Thương biết mấy cho vừa
Mai tôi sẽ trở về thăm Sa Đéc
Mái trường xưa và kỷ niệm tinh khôi
Bạn bè cũ – Chắc đứa còn đứa mất
Ông giáo già ..biết còn nhận ra tôi..?
Tìm sự sống..tôi mất dần bản sắc
Và biến thành một người Việt lưu vong
Tìm sự sống..nghĩa là tôi đánh mất
Làm lục bình trôi dạt ở ven sông..
Nơi đất khách nhiều đêm tôi thức trắng
Đời lữ hành chừ hoài niệm cố hương
Nơi đất khách nhiều đêm tôi ngồi khóc
Quê hương ơi ! Tôi chừng đã cuối đường
Mai tôi sẽ trở về thăm Sa Đéc
Thăm một thời tuổi nhỏ đã lên ngôi
Mai tôi sẽ trở về thăm Sa Đéc
Người yêu ơi ! Mưa rớt hột bên đời..
Tôi sẽ về .. sẽ về thăm Sa Đéc
Gió chiều rơi mang hơi lúa nồng nàn
Tôi quỳ xuống nâng niu từng hạt lúa
Và tình tôi..hạnh phúc đã sang trang…”
(Như Một Nỗi Niềm)
Sau cùng - tôi nghĩ, Hồ Chí Bửu làm thơ tình không phải chỉ dành riêng cho người yêu, mà còn dành cho chính thân phận mình, bằng hữu, và cho số phận của một Quê hương buồn bã nữa!
Quê nhà, Trung tuần tháng 1.2017
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ