Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

về văn nhân, thi sĩ nguyễn đạt [1945- ] -- blog phan nguyên

Monday, 11 April 2011


Nguyễn Đạt (1945-  )









nguyển đạt [i.e. nguyễn tiến đạt 1945-  ]
(ảnh: saungon.net)
nguyễn đạt ngồi uống cà phê tại quán  BÀ LÊ CHÂN-TÂN ĐỊNH
(ảnh: Tp. / 2016)



Nguyễn Đạt

- tên thật: Nguyễn tiến Đạt
(1945 - ......) Vĩnh Yên/ Bắc bộ
- nhà văn , nhà thơ, nhà báo





                                                                                                                           

- dấu tay sau khi ăn sáng ở nhà chị Nguyệt Hồng 19.IV.2010
(ấn bản do Trần Thị NgH thực hiện)







*






- học tiểu học ở Hà Nội. Di cư vào Nam năm 54. Đi lính VNCH từ 1968 đến 1975. 
- viết truyện ngắn từ năm 1971.
- từ năm 2000, viết cho nhật báo Người Việt (Mỹ).
- truyện ngắn trước 30/4 đăng trên các báo: Nghệ Thuật, Khởi Hành, Thời Tập, Vấn Đề, Văn, Tập San Văn Chương.









sau 30/4/75 đã xuất bản:








Nơi Giá Băng  
(thơ. nxb Hội nhà văn. 1991)







Kỷ Niệm Dã Quỳ 
 (tập truyện ngắn. nxb Trẻ. 1996)







Cơn Mộng Cẩm Giàng  
(tập truyện ngắn. nxb Trẻ )





















- là tác giả khoảng hơn 100 bài thơ và  hơn 100 truyện ngắn.
Rất nhiều tác phẩm đã đăng báo internet Tiền Vệ (Úc), tuyển tập, tạp chí trong và ngoài nước.







đơn cử vài truyện / tùy bút 






Trưa Rừng



Tôi không ngờ đẩy cái xe chở nước nặng hết sức. Con dốc, nhìn không ghê gớm bao nhiêu, lúc này nó ghê gớm khủng khiếp. Bà chủ quán nói: “Cám ơn ông”. Tôi không thể thấy gương mặt bà chủ quán khi bà cố tình tránh không để tôi nhìn. Nhưng tất nhiên tôi biết bà là một nhan sắc.
Hai chàng trai thì tôi chỉ mới thấy lần đầu, một chàng phục sức lôi thôi, chàng kia phục sức công tử con nhà giàu. Chàng phục sức công tử con nhà giàu nói: “Ông già còn gân dữ”.
Tôi duỗi đôi chân đau thấp khớp, lúc này đau mỏi gấp một ngàn lần. Ly cà phê sữa đá đặt trên mặt bàn. Tôi nhìn phía sau lưng bà chủ quán, nhớ một khoảng cách của gần hai mươi năm dĩ vãng, lưng em rắn chắc như thân cây ổi… Chàng phục sức công tử con nhà giàu lại nhìn qua tôi, nói: “Uống cà phê sữa đá cho khoẻ, bố già”.
Những trưa rừng cao như chưa bao giờ trông thấy. [1] Rừng thông ngút ngàn, nắng trong suốt cõi mênh mông. Liệu đã có ai đặt chân trên ngọn núi phía rất xa kia? Ông bỏ đi từng ấy năm, tôi nghĩ ông không nên trở lại đây làm gì nữa. Trở lại cùng ảo tưởng? Tất cả những gì ông nghĩ, chỉ là ảo tưởng mà thôi. Cả thằng bé nữa, nó cũng không thuộc về ông để ông nghĩ ngợi, hiểu theo bất cứ nghĩa nào…
Tôi không nên trở lại đây, đúng vậy. Ảo tưởng thì… Không chừng cả người nghĩ rằng mình không ảo tưởng, cũng có thể chỉ là ảo tưởng rằng mình không ảo tưởng. Không chừng ngọn núi phía rất xa kia cũng là ảo tưởng của kẻ phiêu lưu.
“Hồi sáng sớm tôi thấy ba cậu ăn điểm tâm trong tiệm mì bác Xá Xíu”.
“Ông già tớ về Sài Gòn ấy mà. Tớ sẽ xài cái Nokia mô-đen mới nhất, có cả chức năng chụp hình nữa. Ông già sẽ vào mua ở chỗ đại diện chính thức của hãng Nokia Nhật Bản”.
Nói xong, chàng công tử lấy ra trong túi quần cái điện thoại di động nhỏ xíu, mở ngó như cô gái soi gương, “Không có một miếng sóng”.
“Chỗ này núi rừng, không có sóng. Cái mô-đen mới nhất cũng vậy thôi. Mà dùng điện thoại để nói chuyện chứ cần gì chụp hình”.
Chàng công tử cười lớn tiếng, “Ông già tớ đề nghị vậy đấy chứ, không xài thì uổng”.
“Thì cậu là cục cưng mà. Cưng thì phải đi đôi với chiều. Chiều như chiều vong”.
Chàng công tử ngó bạn, cái nhìn tiếc rẻ, “Tớ mà đạt giải học sinh giỏi văn toàn quốc như cậu, ông già tớ ấy à, lấy ngay một cái xế hộp cho tớ”.
“Tuổi bọn mình mà đi xe hơi làm gì?”
“Cậu giỏi văn, nhưng ngố thấy mẹ. Tuổi nào mà không biết hưởng thụ. Cơm dâng tận miệng mà chê, chỉ là thằng ngố”.
“Cái cậu nói không phải là cơm. Mà cậu sao không bao giờ chịu hiểu ai khác, kể cả thằng ngố? Khi cậu chịu tìm hiểu thằng ngố, cậu sẽ thấy nó không ngố đâu”.
Chàng công tử lại cười lớn tiếng, “Tớ hiểu chứ, tớ rất hiểu bạn mình, bạn mình nghèo đành phải an phận, phải học cho giỏi để thoát kiếp nghèo”.
Tôi có cảm tưởng chàng công tử sắp ăn quả đấm của bạn, nhưng chỉ có cái nhìn ngao ngán của chàng trai phục sức lôi thôi.
Tôi cũng ngao ngán hết sức. Cái ông nào mà là cha của chàng công tử, hiển nhiên giàu có và xuẩn ngốc.
“Ông già cậu, tớ nghe nói là nhà văn, đúng không?”.
Chàng trai phục sức lôi thôi lắc đầu, “Ba tôi thỉnh thoảng có dịch sách chứ không phải nhà văn. Nói chung thì ba tôi làm nghề tự do, nghĩa là làm bất cứ công việc gì, khi không có ai đặt dịch sách”.
“À, tớ có thấy ông già cậu một lần, ở hiệu sách. Trông ông già cậu bụi bụi, giống bố già bên kia. Tớ có thấy mấy ông nhà văn, nhà thơ, trông đều bụi bụi như vậy. Nhà văn, nhà thơ, nhà nghèo đều ở chung một nhà”.
Chàng trai phục sức lôi thôi không nói gì, cái nhìn mênh mông hướng về phía rừng thông ngút ngàn.
Chàng công tử lại cười lớn tiếng, và nói:
“Cả nhà báo nữa, tớ quên mất. Nhà văn, nhà báo song sinh chứ gì. À, hỏi cậu: cái nhà ở cũng như quần áo mặc chứ gì. Thế có phải là y phục xứng kỳ đức không?”
“Đúng mà cũng không đúng. Có thể mấy ông ấy thích phục sức như vậy mà thôi, còn chẳng phải ý nghĩa câu đó phải hiểu như vậy”.
“Cậu nói khó hiểu quá. Nghèo thì ăn mặc xuềnh xoàng, giàu thì áo quần bảnh bao, chẳng phải đúng là y phục xứng kỳ đức à?”
“Tất nhiên là không phải. Cậu cũng không rành nữa: nhà văn, nhà thơ có thể nghèo, nhưng nhà báo không nghèo đâu. Với lại, nhà văn, nhà thơ là nghiệp, họ vẫn có thể có nghề khác trong việc mưu sinh. Nghề và nghiệp không chỉ là từ kép đâu. Nghĩa là cũng có nhiều nhà văn, nhà thơ không nghèo tí nào cả. Mà sao cậu cứ đèo queo cái vụ giàu nghèo vậy?”
Chàng công tử lại cười lớn tiếng, và nói:
“Chứ còn gì khác ở đời này: người giàu và kẻ nghèo. Danh phận và số kiếp, cũng quy ra có vậy mà thôi”.
“Vậy thì, ta hình dung thế này cho có ấn tượng: Người giàu ở thế cúi xuống, bắt tay ban phúc cho kẻ nghèo ở thế ngước lên. Vì thế tôi sẽ mỏi cổ để gặp cậu”.
Chàng công tử vẫn lại cười lớn tiếng, và nói:
“Không dám đâu, vì tớ nể cậu. Dĩ nhiên tớ nể cậu vì cậu học giỏi, và dĩ nhiên cậu sẽ đứng vào hàng ngũ người giàu”.
“Cho tôi thêm vào: người giàu cũng học giỏi!”
Có tiếng bà chủ quán gọi một trong hai chàng trai:
“Hưng ơi, mẹ nhờ một tí này”.
Tôi xin thú nhận, vô cùng hồi hộp.
Chào bà chủ quán, tôi nói:
“Bà nói đúng, tôi không nên trở lại đây làm gì nữa. Ấy tuy nhiên chỉ đúng vào đúng lúc này, lúc tôi đã gặp thằng Hưng. Nghĩa là, ảo tưởng cuối cùng của tôi vừa rớt xuống”.
Ngọn núi phía rất xa kia hiển nhiên có thật, như chàng trai phục sức lôi thôi đang uống cà phê ở quán trên đồi. Tôi muốn gặp hai cha con chàng trai, ngồi uống cà phê hay rượu hay bất cứ gì đấy, trên ngọn đồi này, nhìn ngọn núi phía rất xa kia. Rừng thông ngút ngàn, nắng trong suốt cõi mênh mông, sao quá đẹp như một nỗi buồn không gì có thể an ủi.





11-9-2004
nguyễn đạt



[1] thơ Nguyễn đức Sơn.





























                                                                        (...)

                                                     -----------------------------------
                                                      trích từ blog phan nguyên
                                                     ------------------------------------




0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ