họa sĩ dương bich liên , như tôi đã biết / bài viết: nguyễn anh thi
họa sĩ dương bích liên , như tôi đã biết ...*
bài viết : nguyễn anh thi
Lời dẫn .- Ông sinh 1924 mất 1998, sinh viên khóa cuối cùng Trường Mỹ thuật
Đông Dương. Một trong số ít ỏi những nghệ sĩ lãng mạn còn sót lại
của thế kỷ XX. Ông luôn luôn đi đến sự lãng mạn trữ tình trong đời sống
riêng tư của họa sĩ, và cả trong tác phẩm nghệ thuật. ...
Năm 18 tuổi , Dương Bích Liên được gửi gấm học họa với thầy Hoàng Lập Ngôn . Và sự dun rủi ấy đã đưa họa sĩ vào cuộc phiêu luu nghệ thuật đầu tiên. Nhà lăn mê ly, cái nhà Mê Ly ấy đến nay vẫn làm các nghệ sĩ kính phục. Một con ngựa kéo, một cỗ xe đóng 2 tầng, trên chép đầy thơ và chữ ký lưiu niệm các thi sĩ bè bạn.
Xe khởi hành từ bờ hồ Hòan kiếm với 5 người: họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, Song Văn, Dương Bích Liên, vợ ông Ngôn và cô con gái Mê Ly. Hô quyết định làm một cuộc phiêu du vào Sài Gòn, hết tiền thì kiếm sống, bằng cách diễn kịch ở dọc đường.
Dương Bích Liên ít nói, trầm tính, đã đi theo cái nhà lăn có 1 không 2 ấy - bỗng nhiên đột ngột giã từ để về theo học Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Sau, ông chuyên vẽ tranh phong cảnh và chân dung thiếu nữ. Ông ít khi đi xa, song cũng có đôi lần đáng nhớ, ấy là một lần ở những năm đầu Kháng chiến chống Pháp , ông được cử vẽ Bác Hồ. Ông hoàn thành bức sơn dầu nổi tiếng " Hồ Chủ tịch đi công tác ", một bức tranh được mọi người nhớ đến vì chất trữ tình của nó, thêm vào đó, quan trọng hơn là sự hiểu biết của họa sĩ vì mối quan hệ giữa cá nhân và thiên nhiên. Tuy nhiên, cũng có một dự định sáng tác mà họa sĩ chưa làm được. Trước lúc mất, ông trối trăng:
" Những ngày sống cạnh Bác Hồ, một hình ảnh mà tôi không quên và đã nhiều lần dự định đưa lên toile . Đó là mùa đông, chiều về , Bác thường ra ngồi hút thuốc trên một thân cây đổ, khoác chiếc áo blouson trên vai, vun những chiếc lá khô, rồi châm lửa đốt từng cái một, cho đến hết ngồi sưởi, dưới làn khói lam chiều và suy tưởng bên núi rừng Việt Bắc. Ngoài những sư vĩ đại toát lên từ con người Bác, có một điều khác nữa; đó là sự cô đơn. Một sự cô đơn hết sức lớn lao. Tôi bị xúc động mạnh ở khía cạnh này. Chính Bác Hồ rất artiste ( nghệ sĩ ) . Đó là ý nghĩ của riêng tôi và tôi sẽ làm tranh với xúc cảm đó "
Tiếc rằng ông đã mất trước lúc vẽ lại được cảnh một con người ngồi vun lá khô rồi đốt từng chiếc một cho tới hết để sưởi ấm vào một chiều đông ...
Chuyến đi thứ 2 của Dương Bích Liên là chuyến đi thực tế sáng tác. Họa sĩ được cử đi Quảng Ninh cùng một đoàn đông đảo các văn nghệ sĩ có tên tuổi. Trong lúc mọi người thay đồ công nhân, mang đèn, xách choòng đào than lên mỏ hòa nhập với thực tế cuộc sống, thì Dương Bích Liên leo lên đồi đi chơi, nằm nghỉ. Sau này, khi các họa sĩ, nhà thơ cùng đi về, đều sáng tác hàng loạt tác phẩm phản ánh thực tế mỏ than, thì Dương Bích Liên chỉ vẽ được 1 bức tranh duy nhất. Đó là bức NHÀNH LAU BẠC, tranh vẽ một nhánh lau bạc bạc xám bay phơ phất trong gió chiều trên đồi vắng. Về sau, ông vẽ lại bức NHÀNH LAU BẠC bằng sơn mài , thêm vào một mái lều chông chênh hoang vắng. Tranh có tựa
LỀU HOANG, cả 2 bức đều là những bức tranh khiến người xem không sao có thể quên ! Nỗi buồn xa vắng, sự cô đơn của con người, nỗi niềm suy tư sâu sắc về thân phận con người ...những gì mà hoạ sĩ muốn vẽ trong tranh.
Sau vài cuộc phiêu du nho nhỏ ấy, Dương Bích Liên ít khi có cơ hội đi xa. Ông ở Hànội, sống như 1 người Hànội chính cống. Ông vẽ cây, bầu trời, gương mặt thiếu nữ, trẻ em. Ông ít giao du với giới nghệ sĩ ( ngoại trừ bạn bè thân thiết ) và các nhà phê bình. Ông cũng chưa từng triển lãm riêng hay bán tranh cho ai. Họa sĩ được cấp phát mấy chục đồng lương và không bao giờ ông đi họp. Nhiều người khó chịu về ông, họ gọi ông là họa sĩ lười . Chỉ có bè bạn thân , các người mẫu và lũ trẻ con vẫn thích lân la cạnh bên họa sĩ . Những chiều đông đầy lạnh giá, Dương Bích Liên thường được mấy cháu bé hàng xóm, ở cùng dãy nhà số 55 Bà Triệu tới thăm. Ông hay mua quà cho các em , song có 1 hôm hết tiền, tìm quanh quất khắp nhà, chỉ còn vụn bánh mì, ông bèn bẻ nhỏ, rắc trên cửa sổ cho lũ chim bồ câu nhặt. Có khi chim không ăn hết, ông nhặt nhạnh lại, rửa sạch, đem trộn đường, chiên lên; món quà thời bao cấp ấy vô cùng quý giá đối với các chú bé con.
Bọn trẻ ở 4 xóm Hạ Hồi , nơi họa sĩ từng ở 1 thời gian, chúng gọi ông là Hôxê-Mácty . Bởi ôngt ừng chơi trò đóng kịch với lũ trẻ, chúng trói ông lại ( giả làm Hôxê-Mácty) vào cột nhà bằng khăn tay. Rồi các tay súng phun nước xếp thành hàng xung quanh, chĩa miệng súng vào ngực ông . " Bắn đi, các chú lính, đừng hèn nhát như thế ! ". Các tay súng phun nước ... với đám người Dương Bích Liên , ông từ từ ngã người xuống như Hôxê Mácty đã hy sinh một cách dũng cảm.
Dương Bích Liên đã mất 5 năm nay , giã từ cuộc đời khi tuổi vừa 64. Họa sĩ không muốn mình xuống tàu ở ga cuối cùng. Ông không muôn sự già nua, bệnh tật, làm hỏng đi trí tuệ và bàn tay tài năng.
Bức tranh cuối cùng còn dang dở ông để lai, có tựa đề NGÕ CỤT, tranh vẽ một người đi lang thang trên đường, đang mải tìm cái gì đó, không thấy nẻo về ... Ông sống trầm lặng, vẽ một cách lặng lẽ. Dương Bích Liên để lại cho đới cái đẹp, ông luôn đi từ cái lõi, chiều sâu suy tư, cảm xúc, rung động thật sự, nỗi khát vọng say mê ... để xây dưng tác phẩm với đường nét sắc sảo nhất, bố cục tối ưu nhất, mầu sắc tinh tế nhất ... để thể hiện trong tranh .
Xem tranh Dương Bích Liên ,. như được nghỉ ngơi, yên ả thưởng thức, như thấy niềm yêu thương dạt dào, nhưng đôi khi đượm chút buồn còn lại. Và những tình cảm lành mạnh, trong sáng, đầy tình người trong tranh của ông làm chúng ta muốn xa lánh, trút bỏ những điều ÁC để hướng về cái THIỆN.
Tôi vẫn nhớ Dương Bích Liên , và tôi biết, có rất nhiều người còn nhớ tới ông, nhất là lũ trẻ con và các thiếu nữ Hànội. Ông là Dương Bích Liên , người đủ sức tưởng tượng ra đám tang của mình, trước khi giã từ cõi dời :
" Tôi sẽ chết vào ngày cuối cùng của năm. Đám tang của tôi, có lẽ chỉ có vài bạn bè, và có khi cũng chẳng có ai cả - chỉ một cậu bé trên 10 tuổi, ăn mặc rất tơ-nuy ( tenue: chỉnh tề, chững chạc), mặc complet, đi giày, thắt nơ, theo sau quan tài đưa tôi ra khỏi thành phố vào một buổi sáng." []
NGUYỄN ANH THI
--------------
* kèm ảnh tác giả đi guốc mộc, ngồi trên chiếc ghế đẩu, 2 tay đặt trên đầu gối, vẻ mặt thẫn thờ.
( Biên tập chú thích )
--------------
nguồn: báo nguyệt san VĂN HÓA -
số 1- 1994, Hànội - tr. 53 )
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ