THI CA & THI NHÂN: HUY TRÂM / CAO THẾ DUNG viết.
H U Y T R Â M
CAO THẾ DUNG viết.
Tên thực: Nguyễn Hồng Nhuận Tam, sinh 1936 tại Thái Bình.
Tốt nghiệp Cử nhân Luật khoa và làm công chức.
Đã có thơ và văn đăng trên:" Bách Khoa, Thời Nay, Bông Lúa, Văn Học ".
Đã xuất bản: " Chiều quê hương" ( tập truyện ngắn), "Lòng chưa dâu biển" ( thơ, 1968)
" Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại" ( nhận định, Nxb Văn Học, 1969) v.v...
Thơ Huy Trâm xuất hiện như tiếng nói vang tỏa từ một không trung tươi mát và trong lành. Thơ ông - xét toàn bộ - trong sáng một cách mơ say. Giữ những xáo trộn của thời thế, thơ Huy Trâm tìm về sự an nghỉ. Giữa những xáo trộn của thời thế, thơ Huy Trâm tìm về an nghỉ. Không phải như một an nghỉ thoải mái, tiếng thơ ông dật dờ trong lặng lẽ cùng với nỗi buồn, bay bổng phù du. Một chiếc lá rụng, môt điệu ru buồn một đêm mưa, phố vắng cũng đủ làm rung động ngất ngây tâm hồn Huy Trâm, và đi vào thơ ông như tình tự cuộc đời một cách nên thơ, trong trinh. - thơ Huy Trâm thoạt nhìn có vẻ cổ mà càng đi sâu vào thi thể, chất thơ càng vang tỏa, thuần nhất, bộc lộ đủ một tâm hồn ước ao bay xa - vượt trên tầm thước nhàm chán của thực tại. Hình ảnh và ngôn ngữ tuy chưa chọn lựa đắn đo, song vẫn chan chứa tình ý thơ - và thơ đối với ông như một viễn ảnh nhiệm mầu. Bài Về quê em là một tiêu biểu:
Anh một gói giang hồ đường bụi gió
Dừng quê em trưa nắng mới thu vàng
Đường đi thơm ngỏ mát thoáng hoa thơm
Giữa trưa vắng điệu ru buồn lên tiếng
Từng mái lá bâng khuâng như hò hẹn
Đón anh về hoa lá khẽ rung rinh
Hàng cau nghiêng ru mộng đẹp thanh bình
Lòng đất mát chứa chan niềm quyến luyến
Mây lờ lững khói buồn lên gió quyện
Lòng thôn say thiêm thiếp giấc mơ trưa
Dòng sông xinh cầu vắt vẻo đôi bờ
Gió hiu hắt ngây ngây hơi đất mới
Nghe trong gió lời quê em réo gọi
Về quê em cho bớt nỗi tang du
Về quê em nghe lắng mộng sông hồ
Đất cũng biết đời anh buồn quá lắm
Từng mê mải nơi thành đô bụi bặm
Lòng nhân gian tình đếm được bao nhiêu?
Đường ngược xuôi nắng sớm với mưa chiều
Tim lạnh giá những đêm không lửa ấm
Thôi giã biệt bao ngả đường thăm thẳm
Anh dừng chân tìm lại một quê hương
Trời trong xanh mấy nước lắng u buồn
Sông ngọt nước vươn xanh tươi biếc lá
Rồi sẽ cùng quên phồn hoa xảo trá
Nhưng xe xua nhung lụa dám khinh nhau
Này quê hương ôi phép lạ nhiệm mầu
Vang tiếng sáo một trời thu bát ngát
Hồn rộng mở nghe tình quê rào rạt
Nguồn thương yêu chan chứa tự bao giờ?
Hỡi người em thôn xóm bé ngây thơ !
Thơ Huy Trâm có cái giọng nhẹ bỗng như thế. Hơi thơ trong nhẹ vẫn ẩn giấu một nỗi niềm tha thiết. Ông tha thiết với cả tiếng sáo, tưng sợ tơ trời và ngọn lá bay. Thơ Huy Trâm là thơ tình - Giản dị môt chữ Tình cùng với thương nhớ. Mà tình của ông dỹ nhiên là một tình buồn - phảng phất hơi thơ Nguyễn Khuyến, lại bàng bạc cái chất men chiều của Thạch Lam. Nỗi buồn đó từ tình yêu mà lan nhẹ trong tâm thể nhà thơ và từ đó nỗi buồn nâng lên thật cao:
Phố buồn mưa
Anh lại một mình đi dưới đêm mưa
để thấy thành phố về khuya từng mái nhà ngủ thiếp
Ru nỗi buồn yêu đương
Ôi tháng năm dài bao la anh mang mối hờn gửi loài cây cỏ
Cùng phố vắng đêm mưa
Anh sợ một giòng đời qua mau cuốn cả xuân hồng
mùa màng hoa trái
Anh không về phố buồn xưa
để thấy ngôi nhà hoang trong mưa vết cũ và bóng em bên lửa đỏ
Xin đừng hỏi vì sao ?
Người ta chỉ tôn vinh môt Tình Thương rộng lớn
Em không là Ngôi Cao
Nên những đêm mưa vẫn buồn mênh mông
Anh đi một mình đường khuya phố vắng
Nghe sầu tự ngàn thu.
Thơ Huy Trâm không có ý mới - nếu quan niệm theo cái mới theo thời đại bây giờ. Thơ ông dăng mắc trong thế giới vàng son của xưa cũ. Cho nên, từ cách cấu tạo thơ ( structure) đến giai âm qua sự phát điệu của ngôn ngữ để hình thành một tiết điệu thơ - Huy Trâm chịu ảnh hưởng sâu xa của các nhà thơ trong trường phái lãng mạn Pháp ( Victor Hugo , Lamartine ) - cùng với những nhà thơ ta, như Huy Cận, Vũ hòang Chương. Xin lắng nghe:
Lá thư rụng mấy phương trời
Tình thu bàng bạc mấy người quên yêu ?
Vàng dâng úa ngập tiêu điều
Ngõ đầy rêu nhạt lối nhiều lá khô
Tình thu ướt cả sông hồ
Thương em mắt biếc nằm mơ áo hồng
Mộng đời chở dọc dòng sông
Bướm vàng trong nắng vòng trong vẫn về
Thu buồn phai cả lòng quê
Người tha phương vẫn chưa về đất xưa
Trời chiều đan bóng mây thưa
Đời vui chi ? mối duyên hờ mấy năm
Bao nhiêu thương nhớ âm thầm
Bấy nhiêu mộng mị về trong đêm trơờng
Đìu hiu tiếng gió se buồn tiếng Thu
( Tình thu)
Lục bát Huy Trâm có cái giọng cô đơn và tình thơ như thế. Hợp điệu trong thơ lục bát Huy Trâm rất gần với Nguyễn Du và Huy Cận. Nhưng thể chất của nó thì nhẹ và thoảng như ca dao. Ngôn ngữ Huy Trâm là một ngôn ngữ chon lựa trau chuốt. Cũng vì quá trân trọng ngôn ngữ cho nên thơ ông - cạnh những bài, những câu rất thơ - ta lại gặp những bài, những câu thơ thật đẽo gọt kỳ khu - bởi vậy cơ hồ chất thơ bị ma chiết đi. Chẳng hạn:
Đêm giáng thế - đêm nguyện cầu thống hối
Cho tôi nghe chuông đổ vỡ đêm dầy
Có tia đẹp từ mù sa chiếu rọi
Này người ơi xin chắp lại đôi tay .
( Dâng người hằng sống )
Nhưng phải thừa nhận rằng, thơ Huy Trâm có hồn. Mà cái hồn thơ đó như lúc nào cũng lãng đãng trôi theo từng sợi tơ mây. Hồn thơ ông là hồn của một người lấy nỗi cô đơn làm sinh thú - Nỗi cô đơn kia lại cũng chỉ như một bóng mờ thấp thoáng bên cuộc đời thực tại- Cái bóng ấy theo dấu chân nhà thơ không thôi:
Vút xa còn bóng sao mờ
Đêm sương cỏ lạnh gió đùa quanh em
Lời ru biển nặng nỗi niềm
Trùng dương sóng vỗ gọi thuyền ra khơi
Hãy lau khô mắt hỡi người
Sá chi tuổi một giữa trời sao sa
Một ngôi rụng khóc tình ta
Hai ngôi rơi rớt buồn xa vắng đời.
( Sao rơi)
Thơ Huy Trâm nhẹ nhàng và sáng. Âm vận trong thơ ông trở thành cái chốt của dòng ý thơ và luôn luôn trôi theo giòng tiết điệu của từng âm giai, thơ phát tiết trong nhạc tinh của ngôn ngữ thơ. Cách cấu tạo trong mỗi câu và toàn bài được niêm kín trong một bố cục ẩn giấu.
Huy Trâm làm thơ rất sớm. Nhưng ông không phải là người miệt mài thơ. Thơ đối với ông trở thành thú phong lưu cao nhã. Cho nên tìm đến thơ ông, ta cũng sẽ có một thú vui cao nhã .[] C.T.D.
( trích - Văn học hiện đại / Thi ca & Thi nhân / Cao Thế Dung
( tr. 65-69)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ