' Đành Thôi I " / tâm bút TRẦN THỊ BÔNG GIẤY [ 1950- / San José ] -- trích : TRẦN THỊ BÔNG GIẤY đến tôi ... Chủ Nhật April 9, 2023.
no subjectHộp thư đến
ĐÀNH THÔI! (Tâm Bút TTBG)
San Jose, Chủ nhật April 9, 2023. I. Đêm qua mưa, trời lạnh. Sáng thức giậy thấy những giọt nước đọng trên lá cây. Mây xám mịt mù. Mùa xuân chưa đến mà mùa thu đã thấy trở lại. Cả tháng qua chẳng ngồi vào bàn: Một hiện tượng rất đáng ngại. Văn Chương bay biến; nỗi chán chường phủ đầy tâm thức; tôi chỉ bước tới bước lui nhiều giờ trong phòng, hoặc, nằm dài trong chăn, lắng tai theo các lời giảng của đức cha Nguyễn Văn Khảm. Lớp học 100 tuần Thánh Kinh trước nhiều giáo dân sống động, rốt lại tôi được học một mình vài tuần qua Youtube tại một không gian buồn rầu, bé nhỏ. Tôi hiểu, hiểu hết từng lời Cha một cách sâu sắc để có lúc nghĩ rằng Chúa Jésus đang “mượn” tay Cha để cứu vớt một kẻ cùng đường trong hiện tại. Nghe thật quen, tưởng như những lời giảng tôi đã học thuộc từ lâu lắm. Nhưng rồi, lúc khác lại ngẩn ngơ, chạnh hồn nhớ thế giới Văn Chương. Sáng nay vùng dậy, ngồi vào bàn chỉnh sửa 7 tập Người-Âm-Nhạc Dịu Dàng viết từ tháng 8, 2022 kéo dài trong hai tháng mùa đông ở Nha Trang. Rốt cuộc, mất cả ngày, chỉ in được 2 tập. Tôi tự biết mình đang đi xuống, hoặc, nói cách khác, không còn muốn gượng dậy. Ngày tháng càng trôi, Âu Cơ càng xa, tình cảm gia đình càng lạnh thì nỗi muốn sống trong tôi càng cạn. Ngôi nhà ảm đạm; những cuốn sách cô đơn trên giá; hai cây piano và các bức tượng đồng phủ bụi; các con chữ trên bàn viết buồn rầu nhìn tôi, tôi nhìn trả lại chúng, lòng cũng buồn rầu!
Mười ngày trước, nhờ con dâu nhuộm mái tóc dài hoe hoe thành ra bạc trắng, tôi nói với nó: “Làm điều này tức là mẹ đang bước hẳn vào giai đoạn cuối, chẳng màng lưu tâm bề ngoài gì nữa.” Nó bảo: “Mẹ dẫu tóc đen hay trắng thì nơi mẹ cũng toát ra cái buồn đặc biệt. Nhìn vào, chẳng ai không tự nhủ ‘Người này ngày xưa chẳng phải tầm thường!’” Tôi ngạc nhiên. Nó kể: “Lần đầu gặp mẹ vào mùa hè 2016 tại một khách sạn ở Sàigòn, dẫu mẹ nói năng vui vẻ, nhưng khi nhìn mẹ đứng ngoài balcon hút thuốc, con bỗng nhận ra cái buồn rất đặc biệt bao trùm trọn con người mẹ.” Tôi cả cười: “Thật sao?” Nó gật: “Lúc đó trông mẹ xa vời, bí mật, đến phát ngại.” (Cũng những lời tương tự, nhiều người đã nhận xét về tôi.) * * * II. Những đêm nghe giảng Thánh Kinh, tôi càng nhận ra nỗi cô đơn dầy đặc của cuộc đời mình. Trên con đường (tưởng là được) cứu rỗi từ Chúa Jésus, tôi mang cảm giác bơ vơ hoàn toàn. (Tâm trạng y hệt chàng sĩ quan Đức trẻ tuổi trong Le Silence de la Mer -của Vercors- khi nói về tình yêu dành cho nước Pháp). Tôi đã từng, thì nay càng thêm yêu mến hình ảnh Chúa Jésus qua lời đức cha Khảm giảng. Nhưng, chỉ thoáng tưởng tượng mình là một trong những giáo dân vô tư trong các buổi lễ chầu Chủ Nhật, các mùa lễ Noel, lễ Phục Sinh ở các giáo đường (đặc biệt nhà thờ Đức Bà Sàigòn), tôi đủ thấy mình muôn đời vẫn là đứa con lạc lõng của Chúa.
Cho dẫu với lời viết của độc giả Nguyễn Quý Vinh ở Seattle: “Một người trở về với Thiên Chúa, cả triều thần Thiên Quốc vui mừng”. Cho dẫu lời viết của độc giả Nguyễn Văn Hùng Hà Nội: “Con vui quá cô ạ. Từ đây đến Chúa nhật là tuần Thánh. Nghĩa là dựng dậy biến cố Chúa bị bắt, bị đóng đinh và sống lại. Con vui vì cô con mình cùng một Đức Tin. Con đang khóc vui mừng và sung sướng vì cô đã có được niềm hạnh phúc ít ỏi sau bao năm đau khổ rồi!”
Cho dẫu… thì phải nhận, tôi vẫn thấy bơ vơ theo mặc cảm chàng Lazarơ nghèo kiết trong Kinh Thánh; hoặc, như đứa con nít mồ côi cha mẹ, đứng nấp bên hè đường, nhìn trộm vào ngôi nhà to lớn ấm áp tình thương của một gia đình giàu sang. Dù vậy, có chút gì đó tự sâu thẳm trái tim giúp tôi tin được lời Nguyễn Văn Hùng: “Chỉ con người bỏ Chúa chứ Chúa không bỏ rơi ai hết, cô à.” Hình ảnh Chúa Jésus bị đóng đinh trên thánh giá vẫn là điều ăn sâu tâm thức tôi từ xa lắc. Chúa của tình yêu, Chúa của sự cho đi vô điều kiện, Chúa của những người cùng khổ. Tôi là một trong những kẻ ấy nên chắc cũng sẽ nhận được lòng đoái hoài thương xót của Chúa Jésus. * * * III. Một đêm trong tuần trước, tôi nằm nghe tới sáng (trên Youtube) những cuộc biểu diễn của người nữ dương cầm thủ lừng danh Martha Argeric 84 tuổi gốc Argentina đăng trên YouTube. Kinh khủng thật! Mười ngón mạnh mẽ chạy thoăn thoắt, những hợp âm bát độ nhảy lên nhảy xuống chắc nịch trên hàng phím. Tôi cũng tìm xem lại cuộc biểu diễn đoạt giải nhất dương cầm Pháp khi bà 19 tuổi trong bản Concerto No. 1 en Mi mineur, Op. 11 của Frédéric Chopin. Không tưởng tượng được một phong cách biểu diễn có nhiều điểm giống và khác trên cùng một con người ở hai thời điểm cách xa nhau đến 60 năm. -Khi 19 tuổi, ngồi trước đàn dương cầm là một cô thiếu nữ xinh đẹp, tóc đen, hai bàn tay mướt, khuôn mặt còn vẻ rụt rè; ở tuổi 83 là một phụ nữ tóc bạc, không còn đẹp, hai tay gân guốc, nhưng phong thái nghệ sĩ bao trùm dáng dấp và tiếng đàn nghe truyền cảm dầy dặn hơn khi 19 tuổi. -Thời gian 60 năm làm hư hao hiện tượng bề ngoài của Martha Argeric nhưng làm tăng thêm nơi bà một sức mạnh thật là âm nhạc rất đáng ngưỡng mộ! * * * IV. Thời gian! Phải rồi! Tôi đã sống trọn thời gian của cuộc đời mình, chẳng chút lãng phí, dù xấu dù đẹp, dù gai góc dù êm ái. Bây giờ là lúc phải chuẩn bị cất tiếng chào vĩnh biệt. Cũng nghĩ đến một sự sắp xếp… Điều tiên quyết là không nên làm phiền ai theo sự ra đi của mình. Ngày trẻ đã không muốn ai đưa tiễn, hà huống bây giờ. Hình ảnh một sân ga đìu hiu đèn vàng khuya vắng buồn tênh sau khi đoàn tàu cất bánh vẫn được tôi yêu mến suốt cuộc đời. Trong gian phòng rộng, hai gian (của Âu Cơ) phía sau vườn, đêm đêm, sau khi con chó Seasea và con mèo vàng đã vào, nhìn chúng nằm ngủ mỗi con một góc, tôi thường pha một ly café, châm điếu thuốc lá, ngồi ngó vu vơ khung cảnh, lòng lặng lờ lãnh đạm. Cây violon không còn đủ sức cầm lên, chữ nghĩa bị bỏ rơi, các mẩu chuyện Thủy Hử đọc dang dở… Chỉ những khuya thứ Sáu ngồi vào dương cầm soạn các bài dạy cho học trò sớm thứ Bảy, tôi mới nghe vu vơ rung động. Nỗi cô đơn đầy ắp, hay cũng là hạnh phúc ít oi làm ấm trái tim?
Trong tác phẩm Ngôi Làng Kế Cận của Kafka, có một đoạn văn vẫn ám ảnh tôi từ khi còn trẻ: “Ông nội tôi thường nói: Cuộc đời ngắn một cách đáng ngạc nhiên. Tôi thường ngẫm nghĩ về điều ấy. Cuộc sống xem ra quá rút gọn đến nỗi tôi khó thể hiểu làm thế nào một chàng tuổi trẻ cỡi ngựa đi qua làng kế bên mà không cần e dè –không phải tai nạn—một rủi ro nào đó có thể rơi xuống trên khoảnh khắc cần thiết cho một cuộc cỡi ngựa như vậy.” Ở tập Nhật Ký, Kafka viết: “Trong một thế giới dối trá, kẻ dối trá không thể bị tàn diệt ngay cả bởi kẻ đối nghịch của hắn, mà chỉ có thể bị tàn diệt bởi Sự Thật”. Nhưng rồi, cũng Kafka dạy tôi điều: “Cách duy nhất để an ủi là hãy tự nhủ: -Điều gì xảy ra sẽ phải xảy ra, dù muốn hay không. Và hơn mọi nỗi an ủi, điều muốn ấy chỉ cần một vũ khí ủng hộ rất tinh tế từ trong chính bạn: Đó là ý chí của bạn”. Chỉ tiếc rằng, cái ý chí ấy không còn trong tôi, hay nói cách khác là tôi chẳng màng tha thiết giữ.
Một lời Túy Tâm hát một chiều trong năm 2017 vẫn đeo mang giấc ngủ: “Đêm lo sợ đợi ngày Lo sợ từng giờ đợi chờ mất nhau.”
Chờ làm chi, đợi làm chi? Cái gì cũng có hồi chung cuộc. Tình yêu, tình bạn, tình người, ngay cả tình mẹ con đều giống. Cũng thế, trang đời tôi đang được ghi trên những giòng viết cuối.
Hôm mồng một Tết ở Nha Trang, sáng sớm đi lễ nhà thờ với Thúy Kiều; buổi chiều muộn gặp lại con cháu Nguyệt Đức, ăn bữa cơm rau với nó, nhìn nó nói cười vui vẻ. Thì, y như rằng, thời gian đầu của năm 2023, tôi bỗng nghe giảng Thánh Kinh. Không biết thời gian cuối năm nay, tôi có được gặp lại con gái Âu Cơ nói cười vui vẻ? Không thể biết! Điều gì xảy ra hẳn sẽ xảy ra, bằng không, đành thôi, khi không còn ý chí để trông mong hy vọng! []
Trần Thị Bông Giấy (Bài viết tại San Jose, kết thúc lúc 1:41 khuya thứ Hai April 10, 2023) |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ