Nhà thương từ thuở Đông Dương/ Xây trên mảnh đất địa phuơng Biên Hòa
Tình người gió táp mưa sa/ Tinh thần lộn xộn gọi là thần kinh
Vào đây cười khóc một mình/ Quên quên nhớ nhớ một mình với ta
Nhà thương điên Biên Hòa được chính quyền Đông dương khởi công xây dựng 17-3-1915. Nằm trên địa bàn của ấp Bầu Hang, xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa.
Bệnh viện này trôi nổi thăng trầm theo vận nước. Đã đổi qua nhiều tên như: Dưỡng trí viện Nam Kỳ. Dưỡng trí đường Biên Hòa. Bệnh viện tâm trí Biên Hòa. Dưỡng trí viện bác sĩ Nguyễn Văn Hoài. Bệnh viện tâm thần Biên Hòa. Nhà thương điên Biên Hòa...Nhưng trong thâm tâm của người Biên Hòa thuộc thế hệ thời đó thường gọi một tên thông dụng nhất Nhà thương Biên Hòa.
Chỉ gọi nhà thương Biên Hòa/ Là ai cũng biết toàn là thần kinh/
Nghe tên đã thấy tượng hình/ Ngẩn ngơ ngơ ngẩn bệnh tình lao xao
Người xứ Biên Hòa có thói quen gọi tên mang tính bình dân, dân gian , hơn là những tên đặt một cách chính thức. Ví dụ cầu Hòa An gọi là Cầu Mới. Cầu Tân Hiệp gọi là Cầu Đúc. Đường Phan Đình Phùng gọi là đường Dốc Sỏi. Rồi chùa Con Ngựa. hẻm Cây Keo. Ngã ba Vườn Mít...vv
Hay những cây cầu có tên bình dân ở miền tây, liên quan nhiều đến gà như:
Cầu Mống Gà ở huyện Cần Giuộc tỉnh Long An.
Cầu Cựa Gà nằm trên quốc lộ 1A, từ thị trấn Cái Nước về huyện Năm Căn tỉnh Cà Mau. Cầu Cái Da, dài 2027 m, quốc lộ 1A. Cấu Cái Xe.
Cầu Cái Sơn. Cái Răng. Cái Nước. Cái Bè.
Cầu Lòng Tong ở vùng Dồng bằng sông Cửu Long, Cà mau trên quốc lộ 1A.
Cầu Chắc Cà Đao. Cầu Ông U. Cầu chữ S. Cầu Xẻo Xu.
Cầu Xếp Bà Vải trên đường từ Long Xuyên về Cần Thơ dài 3 km.
Người Việt nói chung, nhất là người miền nam thích gọi tên theo tính địa phuơng thân thương gần gũi qua những biểu tuợng dân dã bất thành văn, nhưng vẫn đi vào sách vở. Và họ nhắc lại với nhau thật dung dị trong cuộc đời thường.
Và ngừơi Biên Hòa khá quen thuộc với tên bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, người thầy thuốc hiến trọn đời cho những mảnh đời bạc phuớc, không may.
Người ta cho rằng nói đến dưỡng trí viện mà không nhắc đến bác sĩ Nguyễn văn Hoài là chưa đầy đủ, là thiếu sót về cả lý và tình.
Bị tâm thần có bạc phước không/ Luẩn quẩn loanh quanh cõi trời hồng /
Tỉnh mê, mê tỉnh nào ai biết/ Khóc khoc cười cười cũng là không /
Tâm thần trôi nổi đầy hoang dại/ Ôi cuộc đời sắc sắc không không
Vài tâm sự của người khách thăm nhà thương Biên Hòa đã viết như sau :
"Tôi đến đó vào một buổi sáng đẹp trời nhằm vào dịp cuối năm. Nắng vừa đủ để giữa lại chút lạnh ban mai. Trong không khí còn vương cái bình yên của khu nghĩa địa. Và dưới hàng cây cổ thụ, phần mộ của người bác sĩ giám đốc Việt Nam đầu tiên của bệnh viện như tươi cười với lớp vườn tươi mới. Lòng tôi vui khi ngắm bức hình bán thân của người quá ngắn số gắn trên phần mộ. Nét mặt đướng môi tỏa ra niềm thanh thản lâng lâng - Với người an nghỉ nơi đây, đúng là sống ở thác về - Ông đã sống và ở với những người xấu số để chăm sóc, vỗ về những bất hạnh của ngưới khác., bầu bạn với bệnh nhân tứ cố vô thân hiu quạnh, , hoặc sống xa quê hương rồi gửi thân lại chốn này.
Bầu bạn với người điên/ Chia sẻ mọi nỗi ưu phiền thế gian/
Hy sinh vô lượng vô vàn/ Rồi nằm ở nắm đất thênh thang cuối đời/
Trăm năm đổi một cuộc chơi/ Của người bác sỹ một trời thiện tâm
Và lời của vị bác sĩ giám đốc hiện tại trở lại trong trí nhớ mà rằng :
"Nếu quí báo nói đến dưỡng trí viện mà không nhắc đến bác sĩ Nguyễn Văn Hoài là một điều chưa đầy đủ. Nếu ông không cương quyết và kiên nhẫn. Dù cả lý và tình để thuyết phục người đại diện của Ủy ban nhân dân tỉnh Biên Hòa, thì Dưỡng trí viện này đã chịu chung số phận với Dưỡng trí viện Vôi ở ngoài Bắc - Đêm cuối tháng 10 năm 1945 ấy, Dưỡng trí viện là chỉ mành treo chuông, là một đống gạch vụn u buồn".
Tranh đấu cuơng quyết giúp đời/ Cưu mang những kẻ một đời bi thương/
Thần kinh đảo lộn chán chường/ Không làm gì được trên đường mình đi/
Bị đời ruồng bỏ khinh khi/ Gom vào đây để cùng đi hết đường
Nói về bệnh thần kinh thì thời nào cũng có, nhưng mỗi thời đại, mỗi thế hệ, người bị bệnh tâm thần thể hiện khác nhau. Chưa hẳn thời nào bệnh tâm thần mộc mạc hay thông minh hơn thế hệ nào. Họ không cùng mẫu số.
Bệnh tâm thần muôn hình vạn trạng, không phân biệt đẳng cấp, giới tính và chẳng ai thể hiện giống ai, nó tùy theo biến cố và cá tính của người mang tâm bệnh.
Có người tâm thần vì chiến tranh, có người vì tai nạn, có người vì gia đình, có người vì tình cảm chung chung, có người vì thất tình... Ai quan trọng điều gì thần kinh sẽ bị thương tổn vì điều ấy. Ở mỗi người là một thế giới tưởng dễ hiểu nhưng khó hiểu
Nguyên nhân nào cũng có thể khiến những bộ thần kinh yếu đuối khi bị dồn nén quá mức chịu đựng, đều dẫn đến tổn thương tinh thần và khởi phát tâm thần phân liệt.
Tinh thần yếu đuối dễ tổn thương/ Tinh thần mạnh mẽ cương cường sẽ qua/
Cuộc đời khủng hoảng bao la/ Hay quan trọng hoá thì là dễ điên/
Có điên dữ, có điên hiền/ Điên nào cũng bởi ngả nghiêng tâm hồn.
Khi tâm thần phân liệt hoặc sự chi phối thần kinh mất thăng bằng, hệ thống thần kinh mất sự điều hòa, đưa đến sắp xếp lộn xộn trong tư tưởng - Họ đang có một thế giới riêng , họ đi vào đó, nhập vào đó, không tuân theo cái gọi là qui định chung, mà tuân thủ lý lẽ riêng của chính họ. Đôi khi họ không thể hoặc không muốn điều khiển chính bản thân họ - Họ chỉ còn một thân xác mang một linh hồn vơ vẩn, một thần trí lơ mơ ảo vọng vui buồn bất định vô căn cứ
Thế giới bên ngoài trở thành vô nghĩa, họ không cần có lý hay vô lý, vui buồn cười khóc theo thế giới nhỏ hẹp riêng mình.
Bên ngoài không hiểu họ, chính họ cũng chẳng cần hiểu điều gì nơi họ, chỉ sống theo bản năng nhất thời, vì đó là nhu cầu tâm hồn họ. Ở họ có khi tất cả chỉ là một điều đơn giản, không chạy theo qui luật của số đông, của người trong xã hội cho là bình thường.
Điên không giả dối điêu ngoa/ Điên là dũng cảm thật thà trong bản năng/
Cái tâm lộn xộn lăng xăng/ Không cần phân biệt ông trăng ông trời/
Không cần suy nghĩ lôi thồi / Bất cần say tỉnh cuộc đời giản đơn.
Những bác sĩ chữa trị về khoa tâm thần, hòa nhập vào thế giới của người tâm thần để tìm hiểu và chữa trị họ, lâu dần cũng phần nào ảnh hưởng lối suy nghĩ của thân chủ bệnh nhân và tách dần xã hội bình thường. Đó là một hy sinh trong cõi đời rất hoang mang và vô cùng phức tạp ẩm ương này.
Người theo khoa chữa trị tâm thần, trước hết là kẻ có lòng, mang nghiệp dĩ trong kiếp vô thường, hảo tâm và trăn trở. Nhưng có tư tưởng và tâm tư mạnh mẽ đi trọn con đường nghề nghiệp của mình, vì cuộc đời chỉ là những phù phiếm phù du hỗn độn.
Chưa chắc người đời tỉnh hay mê/ Vì chân hạnh phúc não nề đắng cay/
Gặp nhau trong cõi đời này/ Cuộc đời vay trả trả vay hiện tiến
Người tỉnh thì giống người điên/ Cứ tưởng mình tỉnh, hóa điên đâu ngờ//
Chuyện điên thì bao la bất tận như câu hò không có đầu đuôi. Thế giới người điên đơn giản hay phức tạp tùy mỗi ngưới thẩm định. Vì thế giới này tách ra khỏi thế giới những người tự cho là bình thường. Điên không phải là không biết gì, mà là biết theo kiểu riêng của họ, để họ đắm chìm trong một thế giới bất thường không đơn giản.
Người bệnh tâm thần cũng cần được vỗ về mỗi khi thấy bị tổn thương. Họ cần được người chung quanh thông cảm, hiểu và chia sẻ vui buồn. Họ biết đói biết no và có nhu cầu cả về vật chất và tinh thần trong sinh hoạt đời sống con người.
Thế giới người điên cũng rộn ràng/ Buồn vui theo cả dọc và ngang/
Ngẩn ngơ thơ thẩn mơ màng/ Nhưng không thoát khỏi bàng hoàng phù du
---> Nhà thương Biên Hòa có diện tích khá lớn - Dọc phía đông giáp quốc lộ 1A, có dòng suối máu chảy qua, được kè đá xanh với 4 cây cầu bắc ngang, hai cầu sắt và hai cầu đúc.. Phía hạ nguồn có đập chắn để làm hồ bơi. Hai bên bờ có bậc thềm đi xuống.
Nhà thương Biên Hòa được xây như một công viên rộng lớn theo hình bàn cờ, có mây xanh, có thảm cỏ mượt mà. Có cả thảy 20 khoa điều trị.
Suối Máu là một địa danh/ Sau 1975 mới nổi danh vì có nhà tù/
Cải tạo viên mút mùa thu/ Chính quyền Bắc Việt lập trại tù nơi đây
TRước 30-4-1975 không mấy người biết đến địa danh Suối máu, trừ dân địa phương. Sau 1975, những sĩ quan miền nam bị đưa vào trai tù gọi là cải tạo. Những gia đình, vợ con đi thăm nuôi nhiều năm, riết rồi nhiều người bắt đầu biết đến địa danh Suối Máu Biên Hòa. Vợ những tù cải tạo theo chân chồng đi khắp miền đất nước, nơi đâu có tù cải tạo, nơi đó có bước chân vợ tù đi thăm và nuôi chồng suốt quãng thời gian dài.
Trước 1975 nhà thương Biên Hòa, được gọi là trại, đặt tên theo số thứ tự: số chẵn dành cho nam, số lẻ dành cho nữ. Không có trại 1 và 2, thay vào đó là trại quan sát nữ và nam. Từ 1974, đổi thành trại quân y, mang tên trại Phượng và trại Dũng, tên hai người con của cố giám đốc Tô Dương Hiệp. Không có trại 17 và 18, gọi là trại nữ trại nam.
Nữ nam phân biệt theo chẵn lẻ/ Phân biệt tâm tư mộng chán chường/
Dù nữ hay nam thì cũng vậy/ Dồn ép thần kinh bị tổn thương/
Một kiếp nhân sinh là huyễn mộng/ Oan oan tương báo cuộc hoang đường
Các trại hầu hết có dây kẽm gai bên trên, cổng vào chật hẹp bít kín. Bên trong trại có nhiều song sắt. Nơi đây giam cầm bệnh án của những bệnh nhân đã từng giết người hoặc dự định giết người.
Ngày xưa ai giả điên trốn lính, đưa vào đây hết điên ngay.
Trại nhi đồng rộng hơn những trại khác: có sân chơi, có cầu tuột, có đánh đu, bàn quay. Bệnh nhân nhi đồng hay khóc nhè.
Người trại nam, người trại nữ, gọi là khu phục hồi chức năng, bao gồm nhiều căn nhà nhỏ lẻ nằm rời rạc, xung quanh có vườn tược. Bệnh nhân được tự do đi lại. Hàng ngày trồng trọt vui thú điền viên.
Sau khi điều trị bớt thần kinh/ Vui với cỏ cây thật thanh bình/
Lấy lại tinh thần không dồn nén/ Con đường chữa trị đã thành công/
Trở về thế giới không hư ảo/ Nhập cuộc trần gian bớt u tình
- Trại 5, trại 6 dành cho nhà giàu hoặc người nước ngoài, ở đây tươm tất sạch sẽ.
- Trại 20 dành cho bệnh lao, để cách ly khỏi lây lan.
- Trại 3, trại 10 được xây cất giống nhau.
- Các trại được xây theo nét đặc thù của từng tâm trạng, bệnh trạng.
- Ngoài khoa điều trị còn có khoa xét nghiệm, khoa dược, nhà bếp, công xa, thủ môn.
- Đặc biệt khu hoạt động liệu pháp, xây hình chữ U khép kín, giữa sân có một đền nhỏ, không vách. Bốn chân cột hình rồng phượng, bốn mái ngói nghiêng tựa mái chùa, nền cao, có thềm đi lên từ 4 phía, trước đền là hồ sen nhỏ, dưới là tượng Phật Quan Âm
Nghiên cứu hình tượng kỹ càng/ Vẽ vời tâm lý sẵn sàng trị liệu khoa/
Vây quanh của những tòa nhà/ Cho người bệnh được chan hòa ấm êm/
Tổn thương sẽ được đáp đền/ Để mau hồi phục mà nên việc đời
Trước những dãy nhà ngang là sân khấu tổ chức văn nghệ vào dịp lễ lạc. Trong khu này có nhiều xưởng thủ công như may, vẽ điêu khắc, dệt, thêu, đan, mộc...
Những bệnh nhân có năng khiếu hay tay nghề, dù tâm thần được gửi gấm, thêu khăn bằng cả tâm thần tỉnh táo lồng trong đó, không thua nghệ nhân chuyên nghịệp.
Người điên cũng có những giây phút bất ngờ sống lại quá khứ. Đó là phút giây tỉnh thức bất chợt thoáng qua. Nếu may mắn gợi đúng vào những phút giây ấy, và kiên nhẫn, sẽ giúp nguời điên dần được gợi lại những điều tưởng đã không còn trong ký ức.
Sâu thẳm từ tâm hồn/ Qua đôi mắt của chuyên môn
Phút dây tỉnh thức hoàng hôn bất ngờ/ Tỉnh rồi như một giấc mơ
Sâu vào phía trong là trại chăn nuôi, có hai dãy chuồng trại nuôi heo, gà, vịt, bò.
Bên ngoài là đồng ruộng rộng khoảng ba hecta, trồng lúa, rau muống, khoai mì, khoai lang và các loại rau khác. Các bệnh nhân làm việc đồng áng theo hướng dẫn của kỹ sư nông nghiệp người Mỹ.
Mặt tiền bên phải là khu cư xá. Gồm 7 dãy nhà, mỗi dãy 10 căn chia làm hai hàng.
Hai dãy tiền chế, mài vòm cong, dành cho người độc thân, được người Mỹ xây 1971.
Đó là khát quát về bối cảnh nhà thuơng điên Biên Hòa. Một mô hình được nghiên cứu có tâm ý để chữa trị cho những bệnh nhân không may, bị dồn nén, bị ức chế, trong một phút không chống cự được phút yếu lòng, thần kinh bị tổn thương mà thành bệnh.
Tinh thần thương tổn trong phút giây/ Cũng là đau khổ đời này trầm luân/
Cố quên đi cảnh hồng trần/ Cũng là thoát tục phù vân kiếp người
Chẳng biết khi mất ký ức như vậy, thần kinh lộn xộn như đi trên mê lộ ấy, họ là người đau khổ, hay người thân của họ mới là người đau khổ.
Chữa trị là điều phải thực hiện để trả họ về thế giới đời thường ... Nhưng ở một mặt nào đó khi ý thức sự quay cuồng của đời thật, có hẳn đó là điều hạnh phúc hay không.
Nền tảng cơ cấu xã hội ngày trước của chế độ VNCH, mọi thứ đã thành hình đâu vào đấy. Nhà thương Biên Hòa một thời nổi tiếng với địa danh Biên Hòa
Chỉ còn loáng thoáng hai câu thơ của Phạm Hoài Nhân đã viết :
"Chưa đi chưa biết Biên Hòa/ Đi rồi mới biết có nhà thương điên".
Nhà thương điên Biên Hòa về sau Bộ y tế Việt Nam dổi tên là bệnh viện tâm thần trung ương 2, và hai chữ Biên hòa không còn hiện diện nữa.
Chẳng riêng nhà thương Biên Hòa, cái gì của chế độ cũ dù đã đâu vào đó, chế độ mới khi tiếp quản, chưa nghĩ làm sao để tiếp tục lưu giữ phát triển cho tốt, mà nghĩ ngay đến đổi tên để mong xóa đi cái cũ - Một hình thức háo thắng, mặc cảm, vô ơn của tự ái, thiếu khả năng... Để sau bao nhiêu năm tiếp quản, đã kéo đất nước đi ngược thời gian bằng những bước chân thụt lùi tội nghiệp - Âu cũng là mệnh nước.
Mệnh nước nổi trôi thật não lòng/ Chỉ vì nghĩ đến cái hồng hơn chuyên/
Đất nước không được bình yên/ Dân trí u tối con thuyền ngoại lai/
Rước voi dẫm mộ dài dài/ Như đang trong cỗ quan tài u mê .
NGUYỄN THỊ MẮT NÂU
==========
lời cảm ơn:
- cảm ơn CHIM VIỆT CÀNH NAM gửi .
T.P.
Saigon 12/4/ 2023.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ