Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2022

" thi ca & thi nhân : CUNG TRẦM TƯỞNG [ 1932- 2022 ] / Cao Thế Dung [ 1933- chết ) -- tản mạn văn chương / thế phong - 21/ 01/ 2012 .

 


Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Thi ca & Thi nhân: CUNG TRẦM TƯỞNG / CAO THẾ DUNG viết.

Thi ca & Thi nhân:


                                                C U N G   T R Ầ  M  T Ư Ở N G

                                                     CAO THẾ DUNG.


      Tên thực : Cung  Thức Cần, sinh năm 1932 tại  Hà Nội.
      Sĩ quan Không Quân, từng du học tại Pháp.
      Ông là một trong mấy nhà thơ thuộc lớp tiền đạo của phong trào
     vận động văn học nghệ  mới 1956 .
      Đã cộng tác với: tạp chí Sáng Tạo, Nghệ Thuật, Khởi Hành..
      Đã xuất bản : ' Tình ca ' ( thơ Cung trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy,
      họa Ngy Cao Uyên - 1959)....

            Dù đã bao năm qua , người ta vẫn còn nhớ cái từ điệu mênh mang và hàm dưỡng trong khúc Tình Ca của Cung trầm Tưởng.   Ông là một trong số rất ít những nhà thơ, bằng cung bậc của hồn, bằng tiếng nói của tim.    Cung trầm Tưởng có một giọng đài các lạ thường, bi hoài như một  Bà huyện Thanh Quan.   Ông lại có cái phiêu du của Lưu trọng Lư.   Thơ ông là thơ tình ái, nhưng thứ tình ái vân du trong khắp ngả tâm linh vời vợi, lên cao vời tìm thân phận, cùng vơi sự nổ trôi về dĩ vãng xa xưa nao !   Lời thơ Cung trầm Tưởng bao giờ cũng trân trọng, ý thơ đài trang, và hình ảnh, là những hình ảnh tuyệt đẹp.   Ta hãy lắng nghe :

                             Lên xe tiễn em đi
                             Chưa bao giờ buồn thế !
                             Trời mùa đông Paris
                             Suốt đời lam chia ly
                             Tiễn em về xứ mẹ
                             Anh nói bằng tiếng hôn
                             Không còn gì lâu hơn
                             Một trăm ngày xa cách
                             Ga Lyon đèn vàng
                             Tuyết rơi buồn mênh mang
                             Cầm tay em muốn khóc
                             Nói chi cũng muộn màng
                             Hôn nhau phút này
                             Rồi chia ly tức khắc
                             Khóc đi em, khóc đi em
                             Để luồn qua tóc rối
                             Những vì sao rụng ướt vai mềm
                             Khóc đi em, khóc đi em
                             Hỡi người yêu xóm nhỏ
                             Để sương thấm bờ đêm
                             Đường anh đi tràn ngập lệ buồn em.
                                  ( Chưa bao giờ buồn thế !  -  Tình ca ).

                Ta thấy rằng tiếng thơ Cung trầm Tưởng bát ngát thương yêu qua hình ảnh, qua từ điệu.   Thật  là một bài  thơ xinh xắn, mang cái yêu dấu của Xuân Diệu, mang cái chất thanh cao trong tiếng  thơ tình Verlaine.   Yêu là nhớ thương, vì trong yêu đã có xa cách.   Nỗi buồn xa cách trongt hơ Cung trầm Tưởng đa mang theo cái say sưa, cái ngơ ngẩn trong tâm thần trước phút cách xa.   Ta có thể nói, Cung trầm Tưởng là thơ của  Tình  Ái. và lòng Nhớ Nhung.  Hình như bao giờ ông cũng say sưa với dĩ vãng, ôm ấp trái sầu tâm tư của một lần yêu, một lần cách trở, một lần đợi chờ :
                
                                  Mùa thu  Paris
                                  Trời buốt ra đi
                                   Hẹn em quán nhỏ
                                   Rưng rưng rượu đổ tràn ly
                                   Mùa thu đêm mưa
                                   Phố cù hè xưa
                                   Công trường  lá đổ
                                   Ngóng em kiên khổ  phút giờ
                                   Mùa thu âm thầm
                                   Bên vướn Lục- Xâm'
                                    Ngồi quen ghế đá
                                    Không em buốt giá từ  tâm...
                                       (...................)
                                    Mua thu mùa thu
                                    Thôi sầu hoang vu
                                    Yêu em độ lượng
                                    Trong em tâm tưởng giam tù
                                    Mùa thu... trời ơi... mùa thu.
                                              ( Mùa thu Paris ).
                Tự ngàn xưa, mùa thu đã có duyên nợ với thi nhân.   Tiếng thu đìi hiu nhẹ , đi vào tâm thể thi nhân   tự muôn đời, tư muôn thê hệ.   Verlaine bất tử với một Chanson d'Automne.   Cũng không ai có thể quên  Lưu trọng Lư  với Tiếng thu.   Nói đến thu là nói đến cỏ cây vàng úa cùng vơi tâm thức hao mòn trong một nhịp sầu nhớ bâng khuâng.   Mùa Thu đã trở thành người tình  từ thiên cổ của thi nhân.   Khi mùa Thu đến, ai mà không cảm thấy men say của thu... Mùa Thu từ khung trời cao vợi đi len lén vào tâm hồn người, mà ngân lên những cung bậc mây cao của hiu hắt, của chập chùng.   Nhất là thuở ở  nơi đất lạ của một người yêu giữa công trường lá đổ  và tượng đá  hoang liêu, thì khung cảnh ấy tự nó đã  rất nên thơ mà lại được Cung trầm Tưởng vẽ lên cùng với hơi thu Paris, thì nhất định nó phải là bản tình ca diễm tuyệt của Thu  trong cách xa vời vợi và đợi chờ.   Vì vậy, ta hãy đọc đi, đọc lại' Thu Paris' mà không  cảm thấy chán !   Tiếng thu ấy như Tiếng thu của Lưu trọng Lư- ngân rất dài, tưởng như bất tuyệt, đi thẳng  vào  trái tim ta, in đậm trong cân não.   Đọc xong Thu Paris, ta ao ước  một lần đến vườn Luxembourg để chờ đợi một nguời yêu nào đó.   Mùa thu Paris quả là sự cám dỗ mơn man, và chưa hết, Cung trầm Tưởng còn  thêm nhiều những cám dỗ mơn man khác, cao điệu hơn, đẹp mà đài trang - lạnh lùng trong thiên cổ :

                                 Xanh  thau ớn lạnh hồn chiều
                                 Hoang sơ lá cỏ, tiêu điều quán không
                                 Vang dội núi sông 
                                  Chiêng ai  rùng rú 
                                  Khua đời lính thú 
                                 Cho trời mênh mông
                                 Đơn côi ai hú đồi  thông
                                 Cây mơ nhắc nhở gió đông nhớ chiều
                                 Thuyền nan một mái xiêu xiêu
                                 Con sông tới giấc mắc chiều lên nhanh,
                                                     (Chiều ).

                Khúc thơ  Chiều của Cung Trầm Tưởng không khác gì tiếng nhạc Chiều của Hồ Dzếnh.   Thật khó lòng mà dùng ngòi bút để bày tỏ cho hết những' hoang sơ lá cỏ' những' ớn lạnh hồn chiều'.   Thật thế, ta chỉ có thể cảm thấy cái chất nhớ chiều của gió Đông, hoang vu trong quán vắng.   ta cảm bằng hồn, bắng cả trái tim, thì mới thầm cảm đước cái giọng thơ cao kỳ này :
                              
                                   Con sông tới giấc mắc chiều lên nhanh

                Phải là một nhà thơ có biệt tài như Cung trầm Tưởng mới đưa buổi chiều vào tiếng ngân trong lặng lẽ mơ màng như thế !.   Người ta bảo thơ Cung trầm Tưởng mang dấu tích thơ Bà huyện Thanh Quan.   Nhận xét như thế không  phải là sai.   Cung trầm Tưởng như đồng điệu với Bà huyện Thanh Quan trong nỗi bi hoài dĩ vãng, trong một ngôn ngữ trân trọng, đài trang :

                                     Bù em một tháng trời gần
                                     Đem hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi
                                     Bù em góp núi chung đồi
                                     Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
                                     Bù em xuôi có ngàn thơ
                                     Vẫn nghe trắc trở bên bờ sông Thương
                                          (   Kiếp sau - Tình ca )

               Gần như toàn bộ thơ Cung trầm Tưởng đều mênh mang nỗi tang thương, đơn lạnh.   Không một bài thơ nào của ông mà không có cái từ điệu hoang sơ, cô tịch.   Ông đi trên con đường thật riêng rẽ - con đường của người trẻ tuổi hôm nay - day dứt với dĩ vãng, bơ vơ trước ngả tương lai.   Con đương của ông thì chỉ một mình ông làm- kẻ đ8ang trình trong sót thương ơ hờ, khép kín một nỗi hàn ôn.
                Người ta còn nói rằng :  Cung trầm Tưởng là một thứ Huy Cận hôm nay.   Điều này thì không thể đúng  !.   Cung trầm Tưởng chi giống Huy Cận ở cái giọng cao kỳ -  mang niềm kiêu hãnh của đẳng cấp vong thân- và 2 nhà thơ này  không phải là thi nhân đi lên từ quần chúng - Cũng như Huy Cận, Cung trầm Tưởng là thi nhân của một số người chọn lọc.   Điều có thể làm ta dễ ngộ nhận Cung trầm Tưởng là chịu ảnh hưởng Huy Cận qua thơ lục bát của ông và của Huy Cận  có nhiều nét hao hao.   Giọng thơ lục bát Huy Cận như thế này :
                                          Giữa trời hình lá con con
                                          Trời xa sắc biến lá thon mình thuyền
                                           Gió qua lá ngọn triều lên
                                           Hiu hiu gió thổi thuyền trên biển trời
                                                  ( Lửa thiêng  /  Huy Cận ).

             Đây là giọng thơ lục bát Cung trầm Tưởng :
                                        
                                          Chiều đông tuyết phủ âm u
                                          Bâng khuâng chều đến tiếp thu trời buồn
                                          Nhớ ngày tàu cũng đi luôn
                                          Ga thôn trơ nỗi băng nguồn héo hon ...
                                                ( Khoác kín / Cung Trầm Tưởng )

              Ta có thể nhận  ra rõ ràng bản sắc của mỗi người một khác, thể chất thơ mỗi người môt vẻ.   hai nhà thơ có 2 nét giống nhau, qua giọng thơ nhịp 6 và 8.   Lục bát Huy Cận trau chuốt hơn, nhưng thiếu đằm thắm, bình dị, trong sáng.   Lục bát Cung trầm Tưởng thì lại hội được cái tình ý  phiêu du mà đơn sơ của ca dao, thêm nét đài các Bà huyện Thanh Quan, nỗi bi thương Đoạn trường tân thanh, và cả cái phiêu bồng qua thơ Lưu trọng Lư:

                                           Mưa rơi  đêm lành Saigon
                                          Mưa hay trời khóc đêm tròn tuổi tôi
                                           Mưa bay trời cũng thế thôi
                                           Đời nao biển lạnh mưa bồi đất hoang
                                           Hồn tu kín xứ đa man
                                           Chóng hao thân thể sớm vàng lượng xuân
                                            Niềm tin tay trắng cơ bần
                                           Cuối hoàng hôn lịm bóng thần tượng xưa
                                            Đêm nay trời khóc, trời mưa
                                            Gió lùa ẩm đục trời đưa thu về
                                            Trời hay thu khóc ủ ê
                                            Cổ cao áo kín đi về hồn tôi.
                                                    ( Đêm sinh nhật )

                 Thơ lục bát  mà đạt được một nghệ thuật như vậy đã là tân kỳ.   Không thể so sánh  với lục bát Nguyễn Du, cũng không thể so sánh với lục bát Huy Cận.   Lục bát hôm nay- với Cung trầm Tưởng là một chứng tích thời đại qua ngôn ngữ, hình ảnh, thi âm.   Một sự thoát xác để vươn lên cao, nhưng vẫn giữ lại cái tinh tự muôn thuở trong tâm hồn quê hương.   Lục bát Cung trầm Tưởng đủ khả năng tiêu biểu cho sự lớn mạnh, qua đổi thay của lục bát hôm nay.    Song có một sự thực mà ai cũng nhận ra; lục bát Cung trầm Tơởng nhiều khi cố ý lập dị, vì nhà thơ quá chú trọng đến ngôn từ - và  như cố tình muốn nói lên điều gì thật cao, thật khó hiểu cho nên nhiều chỗ tình ý không  được thực.   Tuy vậy, lục bát Cung trầm Tưởng không thể lẫn lộn với bất cứ lục bát của ai khác, bởi ông là nhà thơ có bản sắc riêng rẽ, đậm đà.   Ông  sở trường về thơ lục bát, 5 hoặc 4 chữ, còn thơ 8 chữ thì Cung trầm Tưởng rất tưoờng.   Ông cũng không thể thành công ở những đề tài bày tỏ thái độ   hay suy tư của ông về quê hương xứ sở.   chẳng hạn :

                                           Con sông chảy  gieo diêu niềm xúc động
                                           Thụ cuồng si của thái mẹ non cha 
                                            Máu Yên  Bình máu chợ Ngọc trào pha 
                                           Cho chan chứa giòng yêu thương lịch sử  
                                                                (   trích' Không đề ' -  tạp chí' Đất Đứng;). 

                    Cung trầm Tưởng vốn là thi nhân quá trân trọng ngôn ngữ lại trau chuốt từ điệu, nên ông dễ dàng thất bại, qua những đề tài không thích hợp với tâm hồn ông.   Hồn thơ CTT là thơ của kẻ bi hoài như vị hoàng tử mất ngôi, vì luyến tiếc dĩ vãng, để rồi thức giấc trong bi hoài !   Ông chỉ sở đắc thơ tình tự  mà thôi:
                      
                                            Chiều đông tuyết phủ âm u
                                             Bâng khuâng trời đến tiếp thu trời buồn
                                             Nhớ ngày tàu cũng đi luôn 
                                             Ga thôn trơ nỗi băng nguồn héo hon 
                                             Phương xa nhịp sắt bon bon
                                             Tàu như dưới tỉnh núi còn vọng âm
                                             Sân ga mái giọt âm thầm   
                                              Máu đi có nhớ hồi tâm đêm nào 
                                              Mình tôi với tuyết non cao  
                                              Với cồn pôố tỉnh buốt vào xương da
                                              Với mây trên nhợt ánh tà
                                              Với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu
                                              Tôi về bước bước đăm chiêu
                                              Tâm tư khép kín sợ chiều al5nh thêm.
                                                            ( Khoác kín ).

             Với thơ lục bát hôm nay , thì chưa một nhà thơ nào vượt qua được giọng thơ Cung trầm Tưởng.   cái giọng thơ trong tình tự nhạc, qua ánh sáng của hình ảnh.
              Cung trầm Tưởng là một thi nhân có biệt tài - vì ông có riêng bản sắc.   Hồn thơ đi theo cá biệt của tâm hồn ông, và ông  thực muốn làm sống lại những huy hoàng của mộng ảo, trong qúa vãng, trong nhớ thương.   Ông là nhà thơ của một tình yêu lý tưởng, của hoài niệm, xao xuyến trong tình yêu vô biên.   Và Tình Ca  là một điềm son của Thi ca hiện đại - một vùng ánh sáng thơ mộng trên Quê hương - một tình tự đậm đà của thời đại.
       
CAO THẾ DUNG.

( trích' Văn Học Hiện Đại - Thi ca & Thi nhân / Cao Thế Dung/
   Nxb Xây dựng, Saigon 1969- tr. 49- 56)


                            ------------------------------------------------------------
                                                  - bài đăng lại -- tưởng nhớ 
                               CUNG TRẦM TƯỞNG qua đời [ 1932- 2022 ]
                            ------------------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ