" Gặt đầu non "/ Phan Văn Thạnh / tphcm -- trích: www.vanchuongviet.org> -- 12/10/ 2022.
Ký | |
Gặt đầu non Phan Văn Thạnh | |
Thời điểm 1984 trong điều kiện đi lại khó khăn, du lịch nội địa còn là khoảng trắng bóc, thực hiện một chuyến tham quan Huế dừng chân trên đèo Hải Vân hoặc xa hơn nữa về phía Bắc với tôi, là điều mơ ước viễn du – viển vông ! - (bây giờ du lịch nội địa hay bay đi khắp năm châu bốn bể khá thoải mái). Và, đã đặt chân đến Hải Vân rồi thì rất khó có dịp trở lại lần hai, do vậy tôi đã tranh thủ ghi lại khá nhiều hình ảnh đen trắng (lúc bấy giờ làm gì có màu mè), hiểm địa khét tiếng một thời hùm beo,thảo khấu :“Đi bộ thì khiếp Hải Vân/Đi thủy thì sợ sóng thần hang Dơi”. Mười chín năm sau đó một đường hầm xuyên núi được khai thông(ngày 28/10/2003) - thay thế đèo cao đá dốc, phá thế độc đạo hơn hai trăm năm qua (tính từ 1886) của Hải Vân. Đường ra lối vào khá an toàn tạo điều kiện thuận tiện để không chỉ “Học trò trong Quảng ra thi/ thấy cô gái Huế chân đi không đành” mà cả khách nhàn du cũng cảm thấy dễ dàng đến với vẻ đẹp thâm trầm sâu lắng của sông Hương, núi Ngự, của Hoàng thành rêu phong cổ kính… Trường Sơn - thế đứng vững chãi, oai phong lẫm liệt trông ra Biển Đông xanh thẳm – Riêng lòng du khách ngất ngây choáng ngợp trước tòa kiến trúc hùng vĩ của tạo hóa . Ở thế kỷ XVIII, Ngô Thì Chí (1753-1788) đã viết : “Ngọn núi này khí át sông Ngân, thế nuốt bờ biển, tảng đá trập trùng khó vịn ,cây cối sum sê rợp bóng, sóng vỗ ầm ầm như tiếng sấm vang trời, suối chảy rào rào như tuôn nước từ lưng chừng trời đổ xuống”. Tôi đứng trên đỉnh trời mênh mang kỳ thú, xa xa phía Phú Lộc-Huế, bãi Lăng Cô phẳng mịn, sóng bạc đầu hóa thân thành đàn ngựa “mã đáo” tung bờm trắng xóa từ muôn trùng khơi sải vó vào bờ. Đẹp tuyệt! Xe qua những cua dốc hiểm trở vặn mình răng rắc. Con đường ngoằn ngoèo, mỗi centimet dưới vòng bánh lăn của chiếc xe Bus Karosa là mồ hôi, máu của tiền nhân đi mở bờ, mở cõi.Tôi thầm kính bái tri ân và vô cùng hạnh phúc sảng khoái khi lần đầu được đăng sơn chiêm ngắm, thưởng lãm danh thắng hùng vĩ vào bậc nhất nước ta : Hải Vân - Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Đầm mình vào thiên nhiên, gió thổi từ thời hồng hoang nguyên thủy như xé nhỏ người tôi ra từng mảnh rắc khắp non ngàn. Tôi theo cánh én bay liệng dưới lòng thung. Hải Vân ngấm như rượu, tôi chếnh choáng thả hồn vào cõi thơ:
-Phiêu du nhẹ gót thời gian Nhạt nhòa nắng núi,mưa ngàn tạm khuây Thung sâu lạc dấu chim bay Vèo thu đi trớt tháng ngày an nhiên -Lên non ngắm ánh tà huy Thoáng trông thấy bóng chim di bạt ngàn Cuối đèo xa hút không gian Chân mây vọng tưởng lan man đầu nguồn.(PVT)
2-Bà Nà - chạm vào mây viễn xứ !
Ngày nắng đẹp tôi lên Bà Nà gặp một thoáng hồn liêu xiêu. Anh tài trẻ vui tính dí dỏm nhiều năm lên xuống cung đường hiểm trở này nói với mọi người trong khoang xe về hàng chục cái “cánh gà”- (cua cùi chõ) đếm từ dưới lên đỉnh núi Chúa (cao 1487m). Bạn tôi ngồi bên cạnh cứ gợi ý bắt chuyện, giọng Quảng của anh rất có duyên, miệng nói tay vòng vô lăng cứ vừa ra khỏi gấp khúc này là đánh tay lái bọc hướng li tâm vào gấp khúc nối tiếp, tôi phải huých cùi chõ anh bạn nói nhỏ: “Thôi để yên cho ổng tập trung lái, đừng hỏi han gì nữa”. Dân Saigon quen đường sá như ô bàn cờ giờ ngồi xe leo trèo ngoặt ngoẹo đèo dốc – (26km) làm xiếc, tôi muốn nín thở ! Núi Bà Nà thuộc xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng- lưng dựa vào dãy Trường Sơn, cách trung tâm thành phố 28km tính theo đường chim bay, nhưng đi theo đường ôtô lên tới đỉnh 45km, trong đó có 26km đường đèo dốc quanh co. Núi cao 1.487m so với mặt nước biển, được hình thành trên các loại đá cứng như granit, permatit và đá bazan biến chất. Trên các triền núi phủ đất đỏ và xám là những rừng cây với nhiều loại gỗ quý như kiền kiền, chò chỉ, gõ đỏ, sến, mây, song, phong lan, dương xỉ. Ở độ cao trên 1.000m có nhiều thông mọc. Các cuộc điều tra ở đây cho biết về thực vật có 136 họ, 379 chi và hơn 453 loài, có 251 cây thuốc; về động vật có 266 loài thuộc 3 lớp động vật có xương sống, có 61 loài thú, 178 loài chim, 17 loài bò sát. Điều làm nên giá trị tự nhiên của núi Bà Nà là ở chỗ trên đỉnh cao nhất lại bằng phẳng như một cao nguyên nhỏ, khí hậu mát quanh năm, nhiệt độ trung bình 18,3oC, cao nhất cũng chỉ đến 25oC. Điều kỳ thú ở đây là vào mùa hè khi ở đồng bằng nhiệt độ lên tới 32oC-35oC thì ở đỉnh Bà Nà chỉ có 17oC-20oC. Khí hậu trong ngày có cả 4 mùa: sáng xuân, trưa hạ, chiều thu, tối đông. Đặc biệt, đứng từ trên đỉnh có thể quan sát cảnh mưa rơi xung quanh sườn núi bên dưới, như có cảm giác đứng giữa mưa mà vẫn khô ráo như thường. Theo tài liệu lưu trữ, khu nghỉ dưỡng Bà Nà do người Pháp phát hiện vào năm 1898 và cho đến những năm 30 của thế kỷ trước, chính quyền thực dân đã cho xây dựng ở đây hơn 250 ngôi biệt thự và những khách sạn, bệnh xá, nhà băng, nhà bưu điện, trạm thuế, nhà trẻ… với nhiều dạng kiến trúc khác nhau để làm nơi nghỉ dưỡng cho quan chức, sĩ quan, nhân viên cao cấp của Pháp. Ngày xưa, ôtô chưa thể chạy đến đỉnh đèo ở độ dốc từ 25-30o, mà chỉ dừng ở chân đèo, rồi đi bằng kiệu, cáng do phu người Việt khiêng. Ngày nay cùng với đường ôtô chạy tới đỉnh, lại có cả hệ thống cáp treo đạt hai kỷ lục thế giới (cáp treo một dây dài nhất 15.042 mét - độ cao chênh lệch 1.291 mét). Chỉ cần đến ga Suối Mơ, rồi lên ngồi trong cabin, sau 17 phút là có thể bước vào một vùng khí hậu ôn đới, trong lành, giữa một khung cảnh thiên nhiên vô cùng thơ mộng. Cái độc đáo của Bà Nà là một khu du lịch, nghỉ dưỡng nằm ngay trong địa phận thành phố lớn Đà Nẵng, lại cách biển chỉ 15km.(*) Lần theo những rãnh đường qua khe núi tĩnh lặng,đỉnh trời mở ra cô đơn trống trải,trước và sau tôi im vắng, giọt lệ nào rơi từ mênh mông …- vẳng nghe cái tứ thơ của Trần Tử Ngang (651-702)- Đăng U Châu đài ca Tiền bất kiến cổ nhân, Hậu bất kiến lai giả. Niệm thiên địa chi du du, Độc sảng nhiên nhi thế há.
Bài hát trên đài ở thành U Châu Trước chẳng thấy người xưa Sau chẳng thấy ai cả Ngẫm trời đất rộng mênh mông Lòng đau xót, lệ tầm tã (Trần Trọng Kim dịch) Tôi lần bước theo chân Thiền sư Huyền Quang (1254-1334)- vị Tổ thứ ba trong phái Trúc Lâm vào giấc ngủ trưa trên núi: Ngọ Thụy
Vũ quá khê sơn tịnh Phong lâm nhất mộng lương Phản quan trần thế giới Khai nhãn túy mang mang. Ngủ trưa Mưa tạnh, khe núi tĩnh Ngủ mát dưới rừng phong Nhìn lại cõi nhân thế Mắt mở vẫn say nồng .
Sư thầy Nhất Hạnh giảng: Mắt mở vẫn say nồng - Mắt mở nhưng vẫn say như thường. “Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!”. Lối sống đó người ta gọi là : sống say chết mộng (túy sinh mộng tử) – Theo đạo lý nhà Phật sống tỉnh thức.Phải mở mắt.Mở con mắt tuệ,con mắt chánh niệm chứ không phải con mắt thịt.Mở con mắt thịt có thể vẫn còn mê.Mở con mắt chánh niệm thì lúc đó mình thật sự tiếp xúc được những mầu nhiệm của sự sống…Ngày Bụt nhâp diệt có một số các thầy khóc.Trong những lời khóc than có câu :Đức Thế Tôn không còn nữa! Con mắt của thế gian không còn nữa ! (The eye of the world is no longer there.)…Bụt được diễn tả như con mắt của cuộc đời,tức là cái thấy tỉnh thức của cuộc đời.Nếu có con mắt đó thì mới không “túy mang mang”,không mê ngủ nữa... (Thả một bè lau – Nhất Hạnh - NXB Tôn Giáo,Hà Nội- 2005,tr.375). Vâng, con nghe lời thầy dạy, nhưng lúng túng chẳng biết mình nhìn bằng con mắt nào, bỗng thấy từ núi hiện ra một Eva :
Em ngồi hong tóc sơn nguyên Hương từ lập địa khai thiên nõn nà. (PVT) Rồi thử nhìn bằng con mắt chánh niệm bỗng dưng mọi phiền ưu như hạt sương lả tả bay trắng đại ngàn sơn cước Bà Nà : Thôi em ngần ấy muộn phiền Đem xâu kết lại thành vòng tràng đeo Lần tay mỗi hạt rơi vèo Hạt sa sơn cước,hạt gieo cõi ngoài ! (PVT)
Rời non cao về lại thị thành,trôi giữa phố xá Saigon,len lỏi giữa những dòng xe đủ loại,ngụp lặn thân phàm khó nhọc,tôi chợt ngộ ra thái độ sống xuất- nhập tại thế ! Nhìn lại chặng đường lên non - nẻo về thanh tịnh hư không, tâm trí tôi như sáng ra, như được tiếp thêm năng lượng.Tôi thấy mình dường như có đôi chút tinh tấn hơn - nhân bản hơn - an nhiên tĩnh tại hơn giữa dòng đời trong đục đan cài ! (Saigon,29/3/2012 – bổ sung 18/9/2022 ) (*)Bà Nà Hills ngày nay nhìn không ra với Hệ thống cáp treo 5 tuyến,12 ga: Suối Mơ - Bà Nà;Debay - Morin;L’Indochine - Thác Tóc Tiên;Hội An - Marseille;Bordeaux – Louvre. Nhiều công trình mới được xây dựng, khu vui chơi giải trí rộng 21.000m2 Fantasy Park; Cầu Vàng ,Làng Pháp, Vườn Hoa Le Jardin D’Amour, Bảo Tàng Tượng Sáp hay Hầm Rượu Debay đều là những không gian lộng lẫy, sang trọng mang đậm kiến trúc châu Âu. Cầu vàng độc đáo | |
Phan Văn Thạnh ------------------------------ |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ