(1) : " nữ sĩ HẰNG PHƯƠNG [ i.e. Lê Hằng Phương 1908 - 1983 ] / La Nguyễn Hữu Sơn -- trích : vanhocsaigon - 29/10/ 2022 .
Nữ sĩ Hằng Phương và thủ pháp danh gia vọng tộc
(Kỷ niệm 90 năm Phong trào Thơ mới, 1932-2022)
Được xếp hạng nhà thơ trí thức lớp trên, nữ sĩ Hằng Phương thể hiện sắc nét tình cảm người phụ nữ thị thành trong thời đại mới.
Nữ sĩ Hằng Phương (9.9.1908 – 2.2.1983), họ tên đầy đủ Lê Hằng Phương, sinh tại làng Nông Sơn, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), là con gái nhà Hán học Lê Dư (bút hiệu Sở Cuồng), có học giả Phan Khôi là bác ruột bên ngoại. Năm 1922, bà theo cha mẹ sống tại Hà Nội, được học chữ Hán và trường Pháp đến hết lớp nhất (tiểu học), sau kết hôn cùng nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan (1925) và cùng chồng tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 – 1939).
Đương thời bà có thơ đăng trên các báo Phụ nữ tân văn, Ngày nay, Hà Nội tân văn, Trung Bắc tân văn, Trung lập, Đàn bà, Tri Tân tạp chí và cùng Vân Đài, Mộng Tuyết, Anh Thơ xuất bản tập thơ Hương xuân (NXB Nguyễn Du, Hà Nội, 1943)…
Sau thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp và hòa bình lập lại (1954), các tập thơ của bà xuất bản dưới chế độ mới hầu như không có phần Thơ mới viết trước 1945…
So với nhiều tác giả khác, thơ Hằng Phương đặt cược nhiều về tình cảm gia đình, mẹ con, chị em, vợ chồng. Chẳng hạn, bài thơ Nhớ mẹ lại được tác giả ký tên Mme Vũ Ngọc Phan (Bà Vũ Ngọc Phan), chính danh nữ sĩ Hằng Phương.
Bài thơ xếp trong mục “Văn chương”, có 28 câu, các câu thơ đều 5 chữ với bốn câu kết: Ngày nay bên khóc trúc,/Em thơ khóc rưng rức,/ Tìm mẹ biết tìm đâu? Trời xanh, xanh một màu (Ngày nay, số 110, ra ngày 15.5.1938, tr.17); sau được Hoài Thanh – Hoài Chân giới thiệu, trích đoạn và bình luận trong Thi nhân Việt Nam (1942) và được tác giả tuyển in trong tập Hương xuân (1943)…
Trong phần tổng luận Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh – Hoài Chân xác định đặc tính dân tộc trong thơ Hằng Phương: “Ngoài Lưu Trọng Lư, Phan Văn Dật, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Nguyễn Đình Thư, Vũ Hoàng Chương, trong dòng Việt cơ hồ không còn ai. Hoặc cũng có thể tìm thấy ở đây: Đông Hồ, Nguyễn Xuân Huy, Thúc Tề, Nguyễn Vỹ, T.T.Kh., Hằng Phương, Mộng Huyền, Trần Huyền Trân. Nhưng không lấy gì làm rõ lắm”…
Đến phần giới thiệu tác giả, tác phẩm, hai ông Hoài Thanh – Hoài Chân phân tích, bình luận ngắn gọn, chừng mực:
“Thơ Hằng Phương cùng một giọng êm dịu, ngọt ngào như thơ Vân Đài. Nhưng ít dấu tích thơ Đường và thành thực hơn. Như đoạn cuối trong bài Lòng quê trích theo đây, lời thơ thực yểu điệu, dễ thương. Hằng Phương mượn lời chim để nói nỗi lòng mình. Nhưng thực ta không còn biết đây là lời người hay lời chim. Bởi mối tình ở đây nhẹ nhàng quá, trong trẻo quá. Người thơ tưởng chừng đã biến thành chim…
Tình quê còn đưa thi hứng cho Hằng Phương nhiều lần nữa. Có khi nó lẫn với lòng thương người mẹ đã khuất:
Ngày nay bên khóm trúc,
Em thơ khóc rưng rức;
Tìm mẹ biết tìm đâu?
Trời xanh, xanh một màu…
Có khi nó chỉ là tình lưu luyến cảnh quê hương:
Ai về cố quận cho ta nhắn,
Gửi chút lòng thương nhớ núi sông.
Hằng Phương rất mến cảnh. Người âu yếm nhìn những lúc trăng lên:
Sáng trưng mái ngói nhà ai,
Đôi chim ngỡ buổi ban mai giật mình.
Những lúc bình minh:
Sương đêm còn đọng trên cành,
Rưng rưng hạt ngọc,
long lanh nhìn trời…
Và:
Nách tường đôi lứa chim sâu,
Nằm trong tổ ấm, thò đầu nhởn nhơ…
Những bức tranh nho nhỏ ấy đơn sơ mà xinh tươi làm sao! Hồn thi nhân âu cũng thế”.
Trong phần tuyển thơ, hai ông xếp Hằng Phương là một trong số 9 thi nhân chỉ được tuyển có một bài duy nhất (đồng hạng với Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Mộng Huyền, T.T.Kh. và Trần Huyền Trân) với nhan đề Lòng quê (rút từ báo Hà Nội tân văn), có thêm đề tà “Tặng V.N.P”:
Xưa kia em ở bên trời,
Ngây thơ chưa rõ cuộc đời là chi.
Mặc cho ngày tháng trôi đi,
Tóc mây nào biết có khi bạc đầu!
Chim non ở chốn rừng sâu,
Quanh mình chỉ thấy một màu
xanh xanh.
Bình minh buổi ấy gặp anh,
Rủ em ra chốn đô thành xa khơi.
Yêu anh, em hóa yêu đời,
Theo anh chắp cánh tung trời bay cao.
Anh đưa em đến vườn đào,
Màu tươi, sắc thắm, em nào dám chê.
Nhưng em luống nặng lòng quê,
Nhớ thương cảnh cũ bốn bề núi non.
Nhớ nơi làng xóm con con,
Nhớ hương cây quế chon von trên đồi.
Bạn xưa, nhớ yến tha mồi,
Cành xưa, em đỗ trong hồi còn thơ…
Ðường xa ngoảnh lại ngẩn ngơ,
Trông theo mây trắng thẫn thờ
mắt xanh…
Ngay sau khi Hoài Thanh – Hoài Chân xuất bản công trình đại thành tổng kết một chặng đường phong trào Thơ mới, Diệu Anh (Đinh Gia Trinh) thẳng thắn nhận xét, so sánh và xác định: “Mặc dầu tôi giở nhiều tập thơ đọc với một trạng thái tinh thần bình tĩnh và không có chút thành kiến gì về nghệ thuật, tôi cũng không khỏi thấy cái nhạt nhẽo và nghèo nàn của thi hứng trong thơ của Mộng Tuyết, của Thu Hồng, của Hằng Phương… và đến cả của Phan Văn Dật và Nguyễn Bính nữa.
Và khi đọc bài Giận nhau và bài Em đương thêu của Nguyễn Xuân Huy, tôi không khỏi nghĩ đến cái loại thơ nhí nhảnh của học trò, cái loại thơ của một nàng (hay chàng?) Janine Lệ Thủy gớm ghiếc nào thường viết trên mấy tờ báo rẻ tiền ở Hà Nội!” (Thanh nghị, số 19, ra ngày 16.8.1942, tr.7). Đương nhiên đây chỉ là một cách cảm thụ, tiếp nhận, đánh giá của Diệu Anh Đinh Gia Trinh.
Trong mục Đọc sách mới trên báo Thanh nghị (số 38, ra ngày 1.6.1943, tr.40), L. H. V (Lê Huy Vân) đã giới thiệu tập thơ Hương xuân (1943) của bốn nhà thơ nữ và ghi nhận đặc điểm thơ Hằng Phương: “Cho nên khi đọc Hương xuân – là một cuốn sách nhỏ góp nhật thơ của mấy nữ sĩ Vân Đài, Hằng Phương, Mộng Tuyết, Anh Thơ – thì tôi thấy “như đi vào chỗ đất quen”… Hằng Phương vẫn còn những cảm động dễ dàng và nhẹ nhàng:
Xanh xanh một dải tràng sơn,
Hồn quê sực tỉnh, cô đơn ngàn trùng”…
Cũng trong năm này, sau khi điểm danh và so sánh “những thi sĩ dùng lời thật cũ, thỉnh thoảng điểm một vài ý thật mới như Đái Đức Tuấn (Tchya), Nguyễn Bính” hoặc lối thơ Nguyễn Nhược Pháp “thi sĩ nửa cũ nửa mới cả về ý lẫn lời… Nhược Pháp là nhà thơ gợi đến thời xưa nhiều hơn cả”, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhấn mạnh: “Người ta lại có thể kể Hằng Phương (Thơ đăng trong Phụ nữ tân văn, Ngày nay, Hà Nội tân văn, Đàn bà (Hà Nội) và trong tập Hương xuân (Nguyễn Du – Hà Nội, 1943) vào số những nhà thơ nửa cũ nửa mới cả về ý lẫn lời. Nhà thơ này diễn rặt những nỗi nhớ nhung quê hương và ca tụng những cảnh yên vui của gia đình” (Nhà văn hiện đại, Quyển Ba, 1943).
***
Được xếp hạng nhà thơ trí thức lớp trên, nữ sĩ Hằng Phương thể hiện sắc nét tình cảm người phụ nữ thị thành trong thời đại mới. Người đương thời ghi nhận ở Hằng Phương một tiếng thơ trong trẻo, hồn hậu, giàu tình người và các giá trị nhân văn.
Trên phương diện văn bản, tương đồng với trường hợp Vân Đài, thơ Hằng Phương trong phong trào Thơ mới vẫn còn thất lạc, cần tiếp tục sưu tập và xuất bản, góp phần bù lấp khoảng trống thi sử và văn hóa – văn hóa sử giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
LA NGUYỄN HỮU SƠN
báo Giáo Dục và Thời Đạ
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ