' một vài ghi nhận về Mai Thảo "/ Nguyễn Hưng Quốc / Australia ) -- trích VOA Tiếng Việt - 11/ 01/ 2011 ).
Tìm
Mai Thảo mất ngày 10 tháng 1 năm 1998. Nhân ngày giỗ của ông, tôi xin đăng lại một bài viết cũ, xem như một nén nhang tưởng niệm một người bạn văn mà tôi hết sức yêu mến và kính trọng.
Xin nhắc lại một vài chi tiết về tiểu sử của Mai Thảo:
Tên thật Nguyễn Đăng Quý, Mai Thảo sinh ngày 8 tháng 6 năm 1927 tại Nam Định; di cư vào Nam từ năm 1954; chủ trương tạp chí Sáng Tạo từ năm 1956; sau, viết cho nhiều báo tại Sài Gòn, và từ năm 1974, trông coi bài vở cho tạp chí Văn. Cuối năm 1977, Mai Thảo vượt biển đến Mã Lai, và từ đầu năm 1979, được định cư tại Hoa Kỳ, nơi ông tục bản tạp chí Văn, một trong những tạp chí văn học nổi tiếng và sống lâu nhất ở hải ngoại (1982-2007; trong đó, hơn 10 năm sau cùng, từ 1996 đến lúc đình bản, chủ biên là Nguyễn Xuân Hoàng).
Mai Thảo xuất bản khoảng 50 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại khác nhau, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết và thơ. Nổi bật nhất là Đêm giã từ Hà-nội (1955), Tháng giêng cỏ non (1956), Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời (1963), Người thầy học cũ (1969), Chuyến tàu trên sông Hồng (1969), Mưa núi (1970), Tùy bút (1970), Chân dung mười lăm nhà văn, nhà thơ Việt Nam (1985), và tập thơ Ta thấy hình ta những miếu đền (1989), v.v...
Một số tác phẩm của Mai Thảo có thể đọc trên trang Tủ Sách của Talawas (http://talawas.org).
***
Có một bữa, tại California, Mai Thảo ngồi bên lề đường chờ xe bus. Mùa đông, trời lạnh. Chờ cả nửa tiếng đồng hồ. Ngồi không, mắt bâng quơ ngó quanh, tình cờ dừng lại ở những bảng tên đường trước mặt, tất cả đều mang những cái tên ngoại quốc lạ hoắc vừa khó đọc vừa khó nhớ, Mai Thảo bỗng nảy ra một ý nghĩ nghịch: tại sao những con đường ấy không mang tên mình nhỉ? Sẽ dễ đọc và dễ nhớ biết mấy. Cái tứ của bài thơ ‘Ta thấy hình ta những miếu đền’ bắt đầu bằng câu ‘Ta thấy tên ta những bảng đường’, hình thành từ lúc ấy. “Đùa thôi”, Mai Thảo nói, “Văn chương là chuyện đùa nghịch mà!” Cười, nhấp một ngụm rượu, Mai Thảo nói tiếp, giọng sôi nổi hẳn: “Đặc điểm nổi bật nhất của văn học Việt Nam từ xưa đến nay là sự đùa nghịch. Tất cả những kiệt tác đều là những sự đùa nghịch. Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tản Đà là những người đùa nghịch. Nguyễn Du cũng đùa nghịch khi viết Truyện Kiều. Ngay cả Cung oán ngâm khúc cũng thấp thoáng rất nhiều sự đùa nghịch. Các nhà văn nhà thơ Việt Nam chỉ viết hay khi đùa nghịch.” Nghe Mai Thảo nói như thế tại tiệm ăn Tố Lan, quận 13 Paris, nhân chuyến ông qua Pháp chơi, tối ngày 9.10.1990, tôi chỉ ngồi cười. Ừ, thì đùa.
Nhưng tôi có cảm tưởng trong cuộc sống, Mai Thảo ít biết đùa. Trong mấy lần gặp ông, chuyện trò khá thân mật với ông, hiếm khi nào tôi nghe Mai Thảo nói một câu khôi hài. Hơn nữa, ông còn dễ nổi cáu khi nghe người khác bông phèng. Ông chỉ biết có mỗi một trò đùa: đùa nghịch với chữ nghĩa, với văn chương. Đùa riết thành mê. Ông là một trong những người Việt Nam hiếm hoi không làm bất cứ nghề nào khác ngoài cái nghề cầm bút. Cho đến tận sau này, khi đã trải qua bao nhiêu bẽ bàng và cay đắng của cuộc đổi đời, nỗi đam mê của ông vẫn không hề phôi pha chút nào cả. Chỉ cách đây không lâu, hàng tháng, trên tạp chí Văn tục bản tại California, ở mục ‘Sổ tay’, bao giờ cũng có mấy trang viết mượt mà của ông. Những trang văn, nhiều lúc, đọc cứ ngỡ như thơ.
Dù sao, cũng phải gặp Mai Thảo, nghe Mai Thảo nói chuyện về thơ, người ta mới hiểu được lòng yêu thơ của ông sâu sắc đến độ nào.
Lần đầu tiên tôi gặp Mai Thảo là vào tối Chủ nhật, ngày 19 tháng 3 năm 1989, tại nhà riêng của ông - đúng hơn là phòng riêng trong một chung cư dành cho người già - ở California. Anh Nguyễn Mộng Giác chở tới. Mai Thảo mở cửa, gật chào, rồi nói chuyện tiếp với ai đó qua điện thoại. Giọng Mai Thảo trầm, ấm và ngọt ngào lạ lùng. Dần dần, tôi cũng đoán được người bên kia đầu dây là Kiều Chinh. Lúc ấy, tôi hơi ngạc nhiên, nhưng sau này, gặp Mai Thảo vài lần, dần dần tôi hiểu ra là hình như với người phụ nữ nào Mai Thảo cũng nói chuyện bằng cái giọng trầm, ấm và ngọt ngào như vậy.
Trong lúc ông nói chuyện, tôi đảo mắt nhìn quanh. Một kệ sách. Một cái bàn. Một cái giường chiếc phủ nệm trắng. Một cái Tivi nhỏ và năm bảy chai rượu nằm trong góc. Là hết. Lúc ấy, tôi nghĩ ngay đến một câu thơ của Nguyễn Bính: ‘Quán trọ nhà thơ như chiêm bao’.
Khoảng năm, bảy phút sau, gác điện thoại xuống, Mai Thảo quay lại tôi, gật gật: “Quốc đấy hả? Trẻ ghê nhỉ?”
Rồi thôi. Đứng, tay cầm ly rượu, Mai Thảo nói: “Đọc thơ thích thật. Tôi vẫn ân hận mãi mình không phải là nhà thơ toàn phần như các bạn tôi. Như Vũ Hoàng Chương. Như Thanh Tâm Tuyền. Các anh ấy làm thơ hay quá. Thèm quá.”
Cứ thế. Tiếp tục đứng, tiếp tục cầm ly rượu trên tay, Mai Thảo nói về thơ. Say sưa. Tôi đến, lần đầu tiên, không một chút khách sáo, ông nói, như là tiếp tục một câu chuyện dở dang từ trước. Với một người đã quen và thân lắm. Tôi cũng có cảm giác tương tự như vậy khi lần đầu tiên gặp Nguyễn Mộng Giác, tại Chicago, trong một cuộc hội nghị mấy ngày trước đó. Gặp nhau, bắt tay nhau, cười rồi nhập ngay vào chuyện văn, chuyện thơ, lâu lâu tạt sang chuyện đời. Một lát. Rồi lại vẫn văn vẫn thơ. Rất thoải mái. Rất tri kỷ. Không phải cực lòng với những chuyện nắng chuyện mưa. Khỏi phải chịu đựng những phút bối rối nhìn trời, nhìn đất.
Khác với Nguyễn Mộng Giác, Mai Thảo ít nói chuyện đời và cũng hiếm khi nói chuyện văn. Ông chỉ nói về thơ. Dường như, trong chuyện trò, Mai Thảo chỉ tâm đắc với một đề tài: thơ. Không nói chuyện về thơ được, ông im lặng, lầm lì, hầu như chỉ chực gây sự. Tôi chưa thấy ai say thơ đến như vậy. Say đến đắm: tay cầm ly rượu, mắt lim dim, vừa đọc vừa bình, giọng lúc trầm lúc bổng, dường như cả tâm hồn ông cũng bập bềnh theo những sóng chữ dập dìu. Đắm đến mê: ông nói chuyện mà cứ như độc thoại. Tôi ngờ là ông không cần biết là người khác có nghe hay không. Ông nói thao thao. Những lúc ấy chỉ cần một tiếng cười, một câu nói đùa lỗi nhịp là ông nổi giận, đâm ra bẳn gắt, cáu kỉnh tức khắc. Tôi có cảm giác Mai Thảo coi đó là một sự xúc phạm đối với thơ, đối với cái Đẹp.
Đáng lẽ Mai Thảo phải là một thi sĩ, một “thi sĩ toàn phần”, như chữ ông thường dùng. Những tác phẩm đầu tay của ông là thơ. Ngay cái bút hiệu của ông hiện nay cũng nảy sinh từ một mối tình đối với thơ. Ông kể với tôi trong một bữa cơm tối tại nhà riêng của tôi ngày 10.10.1990 nhân chuyến ông sang Paris chơi:
“Sở dĩ tôi lấy bút hiệu Mai thảo là vì hồi nhỏ, khi đi học, ở trong trường, tôi có một thằng bạn làm thơ với bút hiệu Mai Luân. Thơ cũng vừa thôi, nhưng hồi đó, chẳng hiểu tại sao, tôi mê thơ hắn lạ lùng. Coi hắn như thần tượng. Nên mới đặt cho mình bút hiệu Mai Thảo. Cùng là Mai cả. Mai Luân. Mai Thảo. Năm đó, tôi khoảng mười lăm tuổi.”
Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Mai Thảo đã có hẳn một tập thơ, chép tay, nắn nót cẩn thận, trong một quyển vở, sau, bị rơi mất trên sông Mã, dòng sông nổi danh trong bài “Tây tiến” của Quang Dũng: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Tập thơ đầu tay ấy, tôi ngờ lắm, chưa chắc đã hay, song dù vậy, mỗi lần nhắc lại, giọng Mai Thảo cũng chùng xuống, bùi ngùi.
Vào Miền Nam, suốt mấy chục năm, Mai Thảo chủ yếu chỉ viết truyện và tuỳ bút. Thơ, nếu viết, chỉ viết thật hoạ hoằn. Lâu, lâu lắm mới được vài bài. Nhưng hình như không lúc nào Mai Thảo thực sự xa thơ. Những câu văn xuôi của ông, hơn bất cứ người nào khác, thấm đẫm chất thơ: chúng mất đi khá nhiều góc cạnh để cứ chơi vơi như là sương là khói. Những trang hay nhất của Mai Thảo là những trang tả cảnh và những cảnh Mai Thảo tả hay nhất là những cảnh tịch mịch, quạnh vắng, đìu hiu: một thành phố nhỏ, một căn nhà nhỏ, một con đường nhỏ, những chiều mưa và những buổi tối, những đêm khuya đã lặng tiếng người, chỉ còn ánh trăng lẻ loi trên cao và chỉ còn tiếng gió thầm thì trong lá; tức những cảnh rất gần với khí hậu của Thơ Mới.
Mai Thảo thành công trong truyện ngắn hơn là trong tiểu thuyết. Những truyện ngắn thành công của ông là những truyện ngắn pha nhiều, thật nhiều chất tuỳ bút: dường như, ở đó, Mai Thảo có điều kiện thuận lợi để ngoại tình với thơ hơn; ở đó, cái hay cái đẹp không còn lệ thuộc quá nhiều vào nhân vật, vào kết cấu câu chuyện nữa mà chủ yếu ở lời văn, ở giọng văn. Về phương diện này, Mai Thảo rất gần với Nguyễn Tuân. Khác một điều: trong lúc Nguyễn Tuân mài chữ cho thật sắc, như một cành gai; Mai Thảo trau chữ cho thật mềm, như một đài hoa. Chữ của Nguyễn Tuân quánh lại; chữ của Mai Thảo loãng ra. Đọc Nguyễn Tuân, có cảm giác như đi trên ghềnh trên thác, cứ hay giật mình, phấp phỏng; đọc Mai Thảo, có cảm giác như đi trên dòng sông, thấy phơi phới, thấy êm ả lạ lùng. Nguyễn Tuân bắt người ta nhớ; Mai Thảo làm người ta quên.
Đáng lẽ Mai Thảo là một thi sĩ, một “thi sĩ toàn phần”, như chữ ông thường dùng. Nói chuyện với ông, tôi để ý thấy một điều: những người Mai Thảo phục nhất, thích nhất, nhắc nhở đến nhiều nhất đều là các nhà thơ: đó là Xuân Diệu và Huy Cận thời 1930-45; Chế Lan Viên và Nguyễn Đình Thi thời 1945-54; Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thuỳ Yên ở miền Nam, sau năm 1954. Ông chê Chế Lan Viên ở tập Điêu tàn nhưng lại rất phục Chế ở giai đoạn Vàng sao và mấy năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Theo ông, trong phong trào Thơ Mới, nhiều người làm thơ hay, song nhìn chung, người có tầm vóc hơn cả là Xuân Diệu. Ông khoe với tôi, lúc trẻ, ông thuộc hầu hết các bài thơ trong tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Những bài thơ ông thích nhất là: “Nguyệt cầm”, “Nhị hồ”, “Lời kỹ nữ”, ... Tính theo đơn vị câu, câu thơ Xuân Diệu ông thích nhất là:
Phất phơ hồn của bông hường
Nghe trong phiêu bạt còn vương máu hồng.
Cũng tại nhà tôi, trong bữa cơm tối nhắc ở trên, sau khi đọc hai câu thơ vừa dẫn của Xuân Diệu, ông gật gù: “Hay và lạ vô cùng. Đọc, mình chẳng hiểu tại sao cả. Nhưng cái mầu nhiệm của thơ là ở đó. Thơ hay phải có chút mơ hồ, hàm hồ. Rõ ràng quá, nó sẽ là văn xuôi.”
Liên quan đến luận điểm thơ phải có chút mơ hồ, chút tối tăm, một lần khác, Mai Thảo kể bài thơ “Đợi bạn” của ông in trong tập Ta thấy hình ta những miếu đền thoạt đầu như sau:
Nửa khuya đợi bạn từ xa tới
Cửa mở cầu thang để sáng đèn
Bạn tới lúc nào không biết nữa
Co quắp người trong giấc ngủ đen.
Sau, vẫn giữ nguyên ba câu đầu, ông sửa câu cuối lại thành:
Mưa thả đều trên giấc ngủ đen.
Ông tự nhận xét: “câu sửa lại mơ hồ hơn, nhưng hay hơn nhiều. Nó để lại nhiều dư vang hơn.”
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ