Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

đọc thêm (3) : " ... duyên tiền định của học giả Nguyễn Hiến Lê " / Lê Minh Quốc [1959- / tphcm ] -- trích: thanhnien.vn>

 

Chuyện tình người nổi tiếng: Duyên tiền định của học giả Nguyễn Hiến Lê

   5 THANH NIÊN

Học giả, nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984) đã xuất bản khoảng 100 đầu sách ở nhiều lĩnh vực. Ông từng tin rằng hôn nhân là chuyện may rủi, bất ngờ, như có duyên tiền định.

Nguyễn Hiến Lê và bà Tuệ (trái), bà Liệp (phải)  /// Ảnh: T.L
Nguyễn Hiến Lê và bà Tuệ (trái), bà Liệp (phải)
ẢNH: T.L

Dù sinh trưởng ở ngoài Bắc, quê Sơn Tây nhưng thời trẻ Nguyễn Hiến Lê đã sống ở miền Nam. Năm 1935, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Công chính Hà Nội, ông được bổ nhiệm làm việc ở Sở Thủy lợi miền Tây Nam bộ. Trong những ngày nghỉ, ông thường về làng Tân Thạnh, bên kia sông Tiền Giang, để thăm người bác ruột. Những lần bác cháu gặp nhau, cả hai đều trò chuyện vui vẻ. Ông bác bắt đầu để ý tìm chỗ mai mối cho cháu mình...

Sau này, trong hồi ký, ông Lê nhớ lại: “Một người bạn tôi mới quen ở Rạch Giá, cũng do bác tôi giới thiệu, đưa tôi đi coi mặt một thiếu nữ, con một ông phủ ở Giồng Riềng, nhân một bữa tiệc buổi tối. Đi coi về, tôi viết thư cho bác tôi, giọng hơi dí dỏm bảo: “Trong ánh đèn măng xông chỉ thấy một làn xanh xanh rực rỡ và thơm phức xẹt qua như một vì sao đổi ngôi”.

Ông bác hiểu ý nên lại giới thiệu một chỗ khác, vì biết tử vi của cháu mình ở cung thê có các sao “Văn xương, Văn khúc, Hóa khoa” nên đoán rằng cô vợ phải là người có học.

Người được giới thiệu tiếp là cô Nguyễn Thị Liệp, giáo viên dạy Trường nữ Long Xuyên. Ông Lê nhận xét: “Mới tiếp xúc lần đầu, tôi thấy nét mặt cô dễ coi, mà tính tình cũng dễ thương vì tự nhiên, giản dị, nhũn nhặn, thành thực”. Nhưng rồi cũng chỉ dừng lại ở đó thôi. Sau đó, khi ông nhờ cô Liệp giới thiệu cho cô H. cũng dạy Trường nữ Long Xuyên, cô Liệp nhận lời liền, “sai một đứa cháu đem một bức thơ hỏi ý cô bạn trước, rồi rất nhậm lẹ bận thêm chiếc áo dài thâm, đưa tôi đi”. Hai người đi song song, mỗi người một lề đường. Khi gặp được cô H., ông thấy cô trắng trẻo, nhỏ nhắn, thanh tú, hiền từ không có gì để chê trách cả.

Nhưng có một điều lạ lùng là sau lần gặp gỡ này, ông có viết thư kể lại với ông bác và muốn hỏi cưới... cô Liệp! Ông bác cũng ngạc nhiên, viết thư hồi âm và nhận xét: “Về đức hạnh thì đáng quý, nhưng nhà nghèo và lớn tuổi hơn cháu”. Độ một tháng sau, ông Lê tìm gặp cô Liệp và trao lá thư cầu hôn.

Ông kể tiếp: “Cô không trả lời thẳng cho tôi mà viết thư cho bác tôi, đại ý rằng: cô cảm động vì bức thư của tôi, nhưng nhà chỉ có một mẹ và một con, nên muốn được ở vậy phụng dưỡng mẹ và xin “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”. Thật ra, gia đình cô Liệp không đồng ý vì ngại “tôi còn mẹ già ở Bắc, nếu mẹ tôi muốn cho tôi về làm việc ngoài đó thì khó xử cho cả hai bên: cô không thể bỏ mẹ già mà theo tôi ra ngoài đó, mà tôi cũng không thể bỏ mẹ mà ở với cô trong này. Giá cô nói thẳng việc đó thì dễ giải quyết, mẹ tôi đã muốn cho tôi ở hẳn trong Nam”.

Từ đó, ông Lê không nghĩ đến việc tìm vợ nữa, cứ thủng thẳng rồi hãy hay. Sau này, ông ngẫm nghĩ: “Phương Đông ta có chuyện ông Tơ bà Nguyệt, chuyện duyên nợ ba sinh, không biết các dân tộc khác có không, nhưng tôi chắc không dân tộc nào không tin rằng hôn nhân là một chuyện may rủi, bất ngờ, như có tiền định”.

Mùa thu năm 1936, Nguyễn Hiến Lê đi công tác xuống vùng Bạc Liêu. Trong nhiều lần ngang qua Giá Rai, vào tiểu khu của Sở Thủy lợi thì ông làm quen với gia đình ông đốc công Trịnh Đình Huyến. “Mới gặp tôi vài lần mà ông bà có lòng mến tôi rồi và bà đánh tiếng muốn gả trưởng nữ là cô Trịnh Thị Tuệ cho tôi. Tôi quý tính tình của ông, lại được biết cô Tuệ học giỏi, sớm đậu tiểu học, học tới năm thứ ba cao đẳng tiểu học rồi thôi, về giúp việc nhà, nữ công khéo, biết chăm sóc các em, được cả nhà quý mến, các em nể, nghe lời, nên tôi có ý muốn nhận lời viết thư hỏi bác tôi, rồi thưa với mẹ tôi”. Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Vào dịp lễ Phục sinh năm 1937, Nguyễn Hiến Lê và cô Trịnh Thị Tuệ thành hôn.

Còn số phận của cô Liệp thì sao?

Sau khi cưới nhau, ông vẫn kể cho vợ biết tình bạn giữa mình với cô Liệp. Từ đó, vợ chồng ông và cô Liệp cùng tạo mối quan hệ thân thiết. Hình ảnh của người bạn gái mà mình từng cầu hôn vẫn còn nguyên trong tâm trí của ông. Do đó, “năm 1956, bà cụ thân sinh của cô Liệp quy tiên được 9 năm rồi, tôi lặp lại cầu hôn từ hai chục năm trước, cô vì chiều lòng tôi mà miễn cưỡng nhận lời. Tôi hỏi ý nhà tôi, nhà tôi không do dự, chấp nhận liền, mặc dầu ráng nén sự miễn cưỡng. Hôn lễ cử hành ở Long Xuyên, rất đơn giản, bác Ba tôi làm chủ hôn bên nhà trai”.

Mọi việc diễn ra như ý nguyện của ông, nhưng “trong ba người chỉ có tôi là đóng vai trò không đẹp, ích kỷ, khiến cho hai người kia đều buồn. May là hai người đều có học, đều dạy học để tự túc được mà mỗi người lại ở một nơi, nên buồn vài năm rồi cũng quen, và từ năm 1972, hai người thân nhau như hai chị em; bây giờ thì ai cũng công nhận rằng việc mà hai người năm 1956 đành phải chấp nhận như một số phận”.

Trong những ngày cuối đời, Nguyễn Hiến Lê về sống hẳn ở Long Xuyên với bà Liệp, lúc này bà Tuệ đã sống ở Pháp từ năm 1972.

* Tài liệu tham khảo: Hồi ký Nguyễn Hiến Lê (NXB Văn học - 1988)

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ