một truyện ngắn mới nhất TRẦN THỊ BÔNG GIẤY : " Đau Lòng, Ngán Ngẩm" -- forwarded tới Thanh, Thanh, tôi (July 27, 2022 )
Hangouts
ĐAU LÒNG, NGÁN NGẨM!Hộp thư đến
ĐAU LÒNG, NGÁN NGẨM! (Tâm Bút TRẦN THỊ BÔNG GIẤY) []
Đôi khi chỉ một câu nói đầy chân tình cứng rắn cũng đủ kéo tôi đứng dậy từ hố sâu rục rã. Ví dụ, tháng 6/1996, một người học trò cũ ở Quốc Gia Nghĩa Tử Sàigòn năm 1971, ghé đến thăm; thấy vẻ mặt u buồn của tôi, đã nói: “Ngày trước hễ nói tên TNH là luôn kèm theo sau cái tên TTBG. Tại sao bây giờ không chính cô tạo cho mình cái tên riêng biệt, cứ gì phải cần có tên TNH đi cạnh?”
Vậy là “đứng dậy” liền! TTBG lầm lũi bước đi một mình trên con đường chữ nghĩa cô đơn, từ đó.
Một ví dụ khác: Chiều thứ Sáu hôm kia, chán, vì thấy học trò lúc này học hành ủ ê, tôi viết chung cho cả ba người cái thư ngắn:
“July 22/2022 Vani và Tường Vy đợi đầu tháng 8 cùng đi học (nếu vẫn muốn học). Còn Chris, ngày mai sau giờ đàn, (nếu thích) cứ ngồi lại với cô cho tới hết giờ solfège. Cô muốn ôn lại các bài thật nhuyễn cho Chris. Một lần, lớp học chỉ hai thầy trò, xem sao? Không, thì cũng OK. Tất cả đều là tự ý. Cô không còn sức khỏe và thì giờ để làm và bắt kẻ khác làm điều gì “miễn cưỡng”. Chúc vui. Cô BG.
Chris hồi âm ngay: Hi Cô, Yes, ngày mai con vẫn đi học piano bình thường và ở lại học thêm hòa âm với Cô. Chị Vani thì có chuyện buồn gia đình, còn chị Tường Vy có cháu bị bệnh nên xin nghỉ để khỏi lây bệnh cho Cô. Cô thông cảm cho hai chị. (Chris.)
Vài giòng ngắn ngủi vẽ hình cậu học trò đứng đắn ham học đã đẩy tôi ngồi vào piano suốt ba tiếng đồng hồ đêm thứ Sáu; thứ Bảy hôm sau sau khi tan lớp, lại tiếp tục ngồi 5 tiếng quên cả ăn uống; rồi, sẽ còn mỗi ngày từ nay không mang ý nghĩ rời bỏ âm nhạc nữa.
Tôi âm thầm cảm ơn Chris.
Cho dù có là kẻ cứng cỏi đến đâu cũng không thể nói rằng “không cần kẻ khác” (mà, theo như Dostoievski là “Tài năng cần được đồng tình, thông cảm…”). Chỉ một điểm khác: “Cái tôi cần phải có tính tự ý trao tặng, không là bắt buộc hoặc xin xỏ.”
Đôi lời Chris gửi còn bao gồm “sự hiểu biết nói vào của kẻ thứ ba”, điều tôi luôn đề cao trong các buổi học khi lan man các mẩu chuyện đời với học trò. * * * Huyền diệu làm sao khi khám phá ra Âm nhạc vẫn còn ở cạnh để chỉ trong khoảnh khắc, đẩy xa hết giùm tôi những lo buồn, nghĩ ngợi. Với Beethoven, mỗi lần tâm hồn đi vào tuyệt lộ mà (chỉ mới) nghe, (khoan nói là nắm được gấu áo nhà soạn nhạc vĩ đại) thì tự dưng như có một dòng sinh lực lan tỏa khắp người. Vừa uy nghi sang cả, vừa dịu dàng ấm áp, âm nhạc Beethoven như bàn tay người cha giơ ra cho đứa con đi hoang níu lấy; hoặc, như ngọn hải đăng soi đường cho con tàu lạc lối đêm khuya trên biển cả mênh mông. * * * Vừa lúc nãy, San đi làm về, cần ngủ, nên tôi phải rời đàn, tôi ngồi vào laptop. Lan man thấy ai đó đăng trên Internet cái ảnh tựa đề “Thư viện của Bill Gates”, tôi “ngứa” tay ghi xuống bên dưới: “Bill Gates is a billionaire, so it’s not strange with the massive image of building above. And Tran Thi Bong Giay is just a poor Vietnamese writer, the number of books is not less than Bill Gates’s, but it must accupy all the places to eat, sleep, and take up all aspects of the TTBG’s daily activities. So what?”
(Tạm dịch: Bill Gates là tỷ phú, nên không lạ với hình ảnh đồ sộ phòng ốc ở trên. Còn Trần Thị Bông Giấy chỉ là một nhà văn VN nghèo, số lượng sách nhiều không thua Bill Gates nhưng phải chiếm hết các chỗ ăn, chỗ ngủ, chiếm tất cả mọi góc cạnh sinh hoạt thường ngày của TTBG. Thì sao?) * * * Từ lâu rút vào tháp ngà văn-chương-âm-nhạc, tôi không hề “nhìn ngang ngó ngửa” theo cái Literary Market hải ngoại dù cũng biết trong đó có biết bao cành hoa ướm mùi tanh cá thịt! (Thế mới gọi là CHỢ!) Cố lòng né tránh bằng mọi giá cái nhìn riêng; vậy mà khi cái mùi tanh ấy lỡ dính đến những đứa con tinh thần của mình thì tôi ngó lơ cũng không được, mà giữ trong người sự khó chịu cũng chẳng nên, vì vậy viết ra.
Để tôi kể cho bạn nghe:
Tôi có cô học trò đã lớn tuổi. Ngay từ khi cô đến làm học trò tôi cách đây hơn 10 năm, tôi đã nhận biết ra cô là mẫu người “chỉ muốn đi đường tắt” đến đài danh vọng văn chương âm nhạc. Sách cô viết, được ông chồng in chừng chục cuốn, đưa chùa cho các tờ báo lá cải đói chữ ở San Jose đăng, nên tên cô nổi lên cũng khá.
Trên đời, đom đóm quá nhiều trong khi ngọn đèn sáng thật sự, có rất ít. Đâu ai nỡ trách đom đóm bay vo ve chung quanh làm rối mắt kẻ nhìn đèn, mà, người ta chỉ “lạy Trời” sao cho ngọn đèn đừng bị cạn dầu giữa lòng vây rối mù của đom đóm.
Nếu chuyện chỉ vậy thì chẳng có gì để nói. (“Phổ nhạc cũng là niềm vui của cô ấy”, như lời dễ dãi Chris nhận xét). Đàng này, “nó” dính đến tôi mới là phiền!
Bài thơ Tài Hoa Giữa Chợ xuất hiện trong Nước Chảy Qua Cầu năm 1989, là lời tâm sự của (từ) cha tôi (ở 8 câu đầu) qua đến tôi (tới hết bài), được tôi quý trọng nhất trong các bài đã viết.
Tại một lớp hòa âm (có cả cô này), tôi đem bài thơ đã được TTBG phổ nhạc, điệu Boston, Ré trưởng, làm mẫu dạy. Xong, in thành bản bằng máy photocopy, mỗi người giữ một bản làm kỷ niệm. Khi ấy Chris bảo: “Cô nên ký tên và ghi ngày tháng vào!”
Bây giờ, đột nhiên được cô học trò gửi cho nghe cái clip Youtube làm tại VN, theo dạng Karaoké, (tựa: Thời Gian; lời TTBG, nhạc Tôn Nữ Mặc Giao, điệu Boléro, ca sĩ Hồng Nhiên) tôi đâm ngơ ngẩn. Gửi email nói cho cô nghe điều này thì cô trả lời bằng một chữ “Sorry!”
Dễ dàng quá! Đứa con sinh ra bằng tâm huyết, trang phục lịch sự, nâng niu trong tay, lâu lâu nhìn ngắm, bây giờ bị kẻ khác khoác cho cái áo hoa hòe hoa sói, dẫn đi diễu phố hát rong hát bụi điệu Boléro rẻ tiền, hỏi, đứa như tôi làm sao không đau lòng cho được?
Ngán ngẩm, thật là ngán ngẩm!
Năm 2010, em gái Kiều Mỵ vì nghe lời tán tụng của một cô “chị dâu hờ” gốc gác Việt Cộng, gửi nguyên một tác phẩm văn chương về cho cô này in. Sách đâu chẳng thấy, cô kia im luôn; Kiều Mỵ tâm thần bất định dẫu tha thiết trông chờ sự xuất hiện của đứa con tinh thần, cũng im. Đùng một cái, em tôi đọc được đâu đó tác phẩm mình dưới tên tác giả một người nữ khác, in ở Hà Nội, nói cho tôi nghe. Tôi bật kêu liền: “Cái trò gian lận chữ nghĩa này chị từng quá biết!”, rồi cũng đành ngậm bồ hòn thương em mà im luôn! * * * Tôi tốt nghiệp violon nhạc cổ điển Tây Phương, trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn, năm 1967. Đến năm 1971 thì đã trở thành quen thuộc trước ba cái trò gian lận của giới “giang hồ gió tanh mưa máu âm nhạc” Sàigòn.
-Ông Phạm Duy lấy bài thơ Thà Như Giọt Mưa của Nguyễn Tất Nhiên, bài thơ Còn Một Chút Gì của Vũ Hữu Định, tự ý phổ nhạc, lăng xê trên thương trường âm nhạc. Kiện tụng tùm lum, kết quả, ông Phạm Duy… thua!
Đó là vào thời VNCH, con người còn có liêm sỉ, biết quý trọng âm nhạc. Cũng là “may” cho hai nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên & Vũ Hữu Định, bởi, những con chữ của họ được phổ TỪ một nhạc sĩ tên tuổi, tài hoa.
-Còn thời đại công nghệ bây giờ, con người vốn ưa chuộng sự tự phô trương mình bằng cách thức xảo trá, lừa bịp. Thêm nữa, người phổ nhạc bài Tài Hoa Giữa Chợ lại là “học trò hạng bét” trong các lớp dạy của TTBG! * * * Hôm nay, không ngồi vào đàn lâu; giấc ngủ đứa con trai cần thiết hơn niềm đam mê của chính mình. Lạ thay, câu thơ Cao Bá Quát “Ba hồi trống giục đù cha kiếp, một nhát gươm bay bỏ mẹ đời” sao lẩn quẩn hoài trong óc? Có phải tôi đang bị lây cái tánh bất mãn của Cao Bá Quát? “Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng” chính là tâm trạng bứt rứt hiện thời của một nhà văn yêu sự chân thật hàng đầu trong tôi.
Ở một bài trước, tôi có ghi: “Con chữ viết ra rồi là của chung thiên hạ. Ai muốn nghĩ sao thì nghĩ, phê bình sao thì phê bình…” Nhưng bạn ạ, chữ CHUNG này không hàm ý nghĩa ngang xương BỊ TƯỚC ĐOẠT!
Độc giả Nguyễn Văn Hùng Hà Nội đọc xong bài Trăng 20 Tháng Sáu đăng trên Facebook tuần trước, gửi thư xin tôi:
July 20, 2022 Xin Cô cho con chuyển bài này ra Audio nhé! Nếu được phép cô, con dự định nói với Thảo Linh giới thiệu và đọc, rồi ghép bài Trăng Rằm của nhạc sĩ Lê Văn Khoa do dàn nhạc giao hưởng Ukraine trình diễn vào, thì tuyệt cô ạ.
-TTBG. Con làm gì cũng được, miễn đừng cắt bỏ chữ nào và không phá cái ý chính cô muốn trao gửi: "Sự cô đơn miên tuyệt của một nhà văn mà chỉ Trăng mới được chọn làm người bạn".
-Nguyễn Văn Hùng: “Dạ. Điều này cô hoàn toàn yên tâm. Các bài cô viết, con luôn giữ nguyên chứ không hề bỏ dù chỉ là một dấu chấm hay phết nào cô ạ. Khi có sản phẩm, con phải gửi cô nghe trước xem có hợp lý không thì sau đó mới gửi tặng bạn bè.” * * * Để tôi viết lại bài thơ Tài Hoa Giữa Chợ cho bạn đọc:
Những sợi tóc bạc đầu tiên Đã nhuốm bao nỗi ưu phiền Như những chiếc lá thu rơi Ôi! Nhắc cho ta cảnh tả tơi!
Những nếp nhăn nheo đầu tiên Như giọt mưa thu ngoài hiên Đem đến cho ta một mối phiền không bờ bến Trong cảnh thu tàn, đông sắp đến.
Bao mối hy vọng dần tan Như tuổi thanh xuân chóng tàn Như những hôm trời không nắng Mơ ước một đời còn dở dang.
Năm tháng không tồn niềm vui Cuộc đời trôi nổi tả tơi Hạnh phúc nào không cay đắng? Hồng nhan nào chẳng vướng sầu đau?
Đôi mắt vương hàng lệ cay Trái tim không còn mê say Giòng đời biết đâu là bến? Tài hoa giữa chợ chẳng ai hay!
Tâm sự u uẩn thế này mà bị rêu rao giữa đường giữa chợ bằng điệu Boléro hát rong đang phồn thịnh tại VN thì kể là quá phí! []
Trần Thị Bông Giấy
(Những lời ghi vội trong tâm trạng buồn phiền sáng thứ Hai July 25, 2022.
*/ Đứa con trai vừa ra khỏi nhà, nên, chấm dứt bài viết, ngồi ngay vào đàn, tìm sự cứu rỗi từ âm nhạc Beethoven. 2:55 trưa) [] |
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 14:23 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ