bài đáng đọc: " Mãnh lực văn chương "/ Quỳnh Giao -- trích: https://dutule.com/auth... > -- 23 Tháng Bảy 2022 .
Mãnh lực Văn chương
Trước khi biết ăn (và nấu) cơm hay phở, chúng ta đã nghe (và nói) tiếng Việt. Lời ăn tiếng nói ấy khiến ta là người Việt, khác với người Hoa hay người Mỹ. Chuyện ăn là quy luật sinh lý khiến cho thiếu ăn thì người ta có thể chết, chứ chưa nghe nói thấy ai chết vì thiếu đọc cả.
Đọc là một sự chọn lựa, một quyền tự nhiên.
Nhưng, đọc chuyện quốc cấm hay viết điều trái đạo thì có khi vào tù, hoặc bị chôn sống. Vì thế, quyền tự nhiên, là quyền đọc và viết, có thể bị giới hạn bởi luật lệ chính trị. Nhưng quy luật chính trị nào thì cũng đổi thay, khác với quy luật vật lý, như sức hút của trái đất, hay quy luật sinh lý, như ăn để mà sống…
Thế thì tại sao văn chương vẫn tồn tại và vượt qua được các quy luật chính trị của một thời? Cũng như vì sao mà ngôn ngữ Việt Nam ngày nay không còn những từ như “xưởng đẻ”, “Cục đường biển” hay “Cục phân bón”? Đó là nhờ khả năng đãi lọc của ngôn ngữ, của chúng ta qua ngôn ngữ.
Khả năng ấy tồn tại là nhờ… văn chương.
Văn chương thật ra chẳng có quyền lực gì cả và nói cho cùng, cũng chẳng giúp ích gì cho sự nghiệp vật chất của người đọc. Nó là một sự phù phiếm cần thiết, khiến chúng ta khác nhiều sinh vật hai chân.
Nó góp phần xây dựng nên tinh thần hợp quần của một cộng đồng cùng chia sẻ một ngôn ngữ. Chẳng vậy mà có học giả đã mạnh bạo tuyên bố “Truyện Kiều còn thì nước ta còn”. Còn là vì còn chung sống và đối thoại trong cùng một ngôn ngữ. Mọi áp lực sử dụng ngôn từ với một nội dung nhất định đều thất bại nếu người ta còn đọc và qua đó còn khả năng đãi lọc. Văn chương có ích và thật ra cần thiết chính là nhờ thống nhất được một cộng đồng qua ngôn ngữ một cách tự nhiên chứ chẳng nhờ bất cứ một tuyên ngôn văn học hay ngữ học nào.
Văn chương còn giúp cho cộng đồng ấy sống và tự thay đổi vì ghi nhận những đổi thay của đời sống qua ngôn ngữ.
Chúng ta đang có một “sinh ngữ” là tiếng Việt mà mình gọi là quốc ngữ, chứ không còn loại “tử ngữ” Hán hay Nôm, chính là nhờ văn chương, từ thế hệ các học giả tân học đầu tiên thời Pháp thuộc cho đến Tự lực Văn đoàn và những cây bút về sau. Chúng ta không còn nói hay viết như các cụ Phan Kế Bính hay Hồ Biểu Chánh cũng là nhờ văn chương, nhờ các tác phẩm văn học xuất hiện sau mấy vị ấy. Nhờ những người như Bình Nguyên Lộc hay Võ Phiến và rất đông đảo tác giả khác.
Điều thích thú nhất trong văn chương là người đọc vẫn có quyền tự do.
Khi buông hòn sỏi thì ta biết quy luật vật lý của từ trường khiến hòn sỏi sẽ rơi xuống đất. Chứ khi đã dựng lên nàng Thúy Kiều hay Loan và Dũng thì Nguyễn Du và Nhất Linh đã trao cho người đọc một quyền tự do khác.
Đó là tự do tưởng tượng. Các nhân vật ấy đều ra khỏi tầm kiểm soát của hai tác giả mà tự do bay bổng trong trí tưởng tượng của chúng ta, của người đọc. Ngay cả trong loại văn chương giải trí là truyện trinh thám, khi nạn nhân bị giết vào giờ ấy phút ấy ở nơi ấy, chúng ta vẫn có quyền suy đoán và diễn giải khác với cốt truyện. Hãy xem các phim trinh thám lấy cốt truyện từ tiểu thuyết thì biết.
Một thí dụ gần với chúng ta hơn, đó là nhân vật Doanh Doanh trong Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung. Nhân dáng hay nhan sắc của nàng thật ra muôn hình muôn vẻ vì tùy vào trí tưởng tượng của chúng ta, đến độ xem phim về Doanh Doanh ta còn cho là hay hoặc dở vì hình ảnh của Thánh cô Doanh Doanh trong tâm trí “nguyên thủy” của mình.
Các tác phẩm văn chương được xem là “hay” đều có nhiều độc giả, nhưng quan trọng nhất là đều cho độc giả nhiều tầm suy tưởng khác nhau, tùy người, tùy nơi và cũng tùy thời. Đâm ra văn học lại là tấm gương phản chiếu tâm tư chính mình, phản chiếu những tầm suy tưởng của độc giả, mà tác giả chẳng thể làm gì được!
Những nhân vật tiểu thuyết hay văn chương ấy, như Thúy Kiều hay Tú Bà, hay cô Tư Hồng của Tam Nguyên Yên Đổ, chàng Vô Kỵ của Kim Dung, nàng Natasha của Tolstoy, hoặc cả Ulysses của Homer, v.v… đã từ một thế giới không thực – fiction – len lén chui vào cuộc sống rất thật của độc giả, có khi còn chi phối cả quan niệm sống của hậu thế nữa.
Mãnh lực của chất ảo trong văn chương là gây ảnh hưởng đến cái thật của đời thường. Đến độ nhiều người đã đội mũ lệch, phì phà điếu thuốc trên môi hay cài hoa trà lên tóc để được giống như người trong truyện!
Có những trường hợp mà nhân vật ảo của văn chương lại bị đóng khung trong cách giã từ cuộc đời, hoặc trong một khuôn khổ lịch sử không thể đảo ngược. Thí dụ như Kiều Phong trong Thiên Long Bát Bộ hoặc Trương Quỳnh Như trong mối tình của Tiêu Sơn Tráng Sĩ. Chúng ta không thể suy diễn sai rằng Kiều Phong vẫn sống hoặc nàng Quỳnh Như sau đó làm lễ vu quy với Phạm Thái và hai người mãi mãi hạnh phúc bên con cháu đầy đàn! Kim Dung và Khái Hưng đóng khung nhân vật của mình vào cõi tịch liêu ấy.
Nhưng, người đọc thuộc loại ngoan cố vẫn có thể luận tiếp rằng nếu sống thì sống cho hào, đã chết thì hãy chết cho hùng như Kiều Phong. Hoặc người lãng mạn vẫn có quyền mơ tưởng đến một mối tình cao khiết như của nàng Quỳnh Như. Và còn sự tù hãm nào ghê gớm hơn một tật bẩm sinh? Người bị tật mà vẫn có con tim nức nở thì có thể tìm sự giải thoát trong văn chương với sự suy tưởng về anh gù nhà thờ Đức Bà Quasimodo của Victor Hugo. Dù cực xấu ở ngoại hình thì vẫn rất đẹp trong nội tâm.
Khi viết bản Giao hưởng số Năm (Fifth Symphony), Beethoven đóng khung âm thanh trong khuông nhạc và mở đầu bằng bốn tiếng gõ của định mệnh (G, G, G, E flat). Người trình diễn không thể chạy ra ngoài bằng những sáng tạo hiện đại, nếu như muốn giữ nguyên giá trị của tác phẩm.
Người viết văn lại khác. Tác giả mở cho độc giả một không gian viễn mơ tự do, và nếu có đóng chốt cốt truyện bằng sự thật mười mươi thì lại gián tiếp dạy ta cách sống hay cả cách chết. Văn chương vì vậy chẳng những khuyên ta nên sống ra sao mà còn khiến ta mong ước là nên chết như thế nào. Ngoài văn chương, phải chăng chỉ có đấng siêu phàm mới có tham vọng ấy? Đó là Thượng Đế, là Phật, là Chúa!
Hèn chi, nhiều người thích viết văn...
QUỲNH GIAO
==========
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ