T hế là tác giả "Phấn Hương Rừng" đã đi xa, về cõi vĩnh hằng với thi sĩ Đông Hồ (1). Nữ sĩ Mộng Tuyết tên thật là Lâm Thái Út, sinh ngày 9-1-1914 tại làng Mỹ Đức (Hà Tiên), trau giồi quốc văn tại Trí Đức học xá do Đông Hồ thành lập năm 1926. Lúc ấy Mộng Tuyết mới 12 tuổi, đã bắt đầu sáng tác thơ văn, sau này tập hợp dưới nhan đề "Bông hoa đua nở" đăng trên báo Nam Phong tạp chí (1930) của Phạm Quỳnh. Nhà thơ Đông Hồ đã có công dìu dắt nữ sĩ từ ấu thơ cho đến lúc trưởng thành :
Từ thuở quỳnh hoa hé ý trinh,
Tay cầm tay đếm bước đăng trình.
Khi viết văn, viết báo, nữ sĩ ký nhiều bút hiệu khác nhau : Hà Tiên cô, Nàng Út, Bách Thảo Sương, Bân Bân nữ sĩ, Mộng Tuyết thất tiểu muội.
Năm 1939, Mộng Tuyết được bằng khen về thơ của Tự Lực Văn Đoàn với thi phầm "Phấn hương rừng". Bà bắt đầu nổi tiếng từ đó. Năm 1943 bà in chung với Anh Thơ, Vân Đài, Hằng Phương tập thơ "Hương Xuân" là tuyển tập thơ nữ đầu tiên ở nước ta.
Sau khi tạp chí Nam Phong đình bản (1934) bà viết tùy bút, truyện ngắn, làm thơ gửi đăng trên các báo Tiểu Thuyết Thứ Năm, Hà Nội báo, Con Ong, Đông Tây, Trung Bắc chủ nhật, Tri Tân ở Hà Nội và các báo Sống, Gió Mùa, Ánh Sáng, Nhân Loại ở Sài Gòn. Sau năm 1954 bà chuyên viết ký sự lịch sử, tùy bút và khảo cứu đăng trên Bách Khoa, Văn, Văn Học ờ Sài Gòn. Ngoài ra, bà còn dịch thơ Baudelaire (Pháp). Các tác phẩm của Mộng Tuyết gồm có :
- Mười khúc đoạn trường – Thơ cứu đói đồng bào miền Bắc (1945)
- Đường về Hà Tiên – Tùy bút (1960)
- Nàng Ái cơ trong chậu úp – Lịch sử ký sự (1961)
- Truyện cổ Đông Tây (1969)
- Dưới mái trăng non (1969)
- Gầy hoa cúc – Thơ (1974)
- Hà Tiên thập cảnh – Viết chung với Đông Hồ (1996)
- Hà Tiên xưa và nay (1997)
- Núi mộng gương hồ – Hồi ký 3 tập (1998)
Sau ngày 30-4-1975, nhiều tác phẩm trên đây đã được tái bản.
Dù viết nhiều thể loại văn chương, nhưng dưới mắt độc giả, bao giờ Mộng Tuyết cũng vẫn là một nhà thơ. Thơ bà có nhiều cung bậc, lúc bàng bạc mênh mang như trong Dương liễu tân thanh, khi hồn nhiên, nhí nhảnh với Làm cô gái Huế, Em xấu hổ, Em trả thù, lúc êm đềm, dịu dàng như trong Chữ thập hồng, Mười bài tương tư…"Lời thơ tuy bình dị mà có một vẻ yêu kiều riêng, tưởng ngòi bút đàn ông khó có thể viết ra được (Hoài Thanh).
Năm 1945, phát xít Nhật đốt thóc thay than để chạy máy, gây ra nạn đói khủng khiếp ở miền Bắc làm chết hai triệu đồng bào ta, bà viết Mười khúc đoạn trường kêu gọi cứu đói cho đồng bào miền Bắc. Trong bài thơ Giá gạo Tràng An gửi Vân muội, cô hàng hoa vườn Trí Đức, bà viết :
Cấp báo về đây tự nẻo xa,
Người đang ngắc ngoải đợi chờ ta.
Vốn nghèo biết giúp gì em nhỉ !
"Ngã mại kỳ văn, nhĩ mại hoa" (2).
Năm 1948, Đông Hồ chủ trương "Phụ trang văn chương" trên tờ nhật báo SỐNG ở Sài Gòn. Một hôm, trên trang văn chương số 159 ngày 18-9-1948 bỗng xuất hiện bài thơ Chiếc lá thị thành, dưới ký Mộng Tuyết thất tiểu muội, trong đó có mấy câu :
Đây một tờ thư của thị thành
Thả về thăm hỏi chiến khu xanh.
Hỡi anh chiến sĩ mùa thu trước,
Hơn một mùa thu bận chiến tranh.
Lẫm liệt rừng thu gió tải về
Bao tờ lá đỏ chiến công ghi.
Bao tờ lá đỏ đề lời máu,
Thề quyết thành công một chuyến đi…
Thật không ngờ, hai tuần sau, cũng trên trang văn chương ấy có bài thơ trả lời nhan đề Lá thơ rừng, dưới ký tên Huỳnh Văn Nghệ, trong đó có mấy câu :
Trời ! Cảm động đọc bức thư thành thị
Gởi về thăm và an ủi chiến khu
Dấu lệ rơi trên nét chữ đã mờ,
Lời êm ả, dịu dàng và tha thiết.
… Ngày phục thù lưỡi kiếm cứ lăm le,
Và mỗi buổi trỏ gươm về hướng ấy :
Thề lấy lại thủ đô và thành thị
Để ngàn thu dân Việt nhẹ căm hờn…
Còn nhớ năm 1999 nữ sĩ Mộng Tuyết có nhờ tôi tuyển chọn, chú thích và đề tựa tuyển thơ "Thiên địa gian", lấy 100 bài thơ và phú trong năm tập thơ của thi sĩ Đông Hồ đưa vào tuyển tập. Sách in xong, bà đặt một quyển lên bàn thờ Đông Hồ, thắp hương và lâm râm khấn vái, vẻ thành kính và hài lòng như đã làm xong bổn phận.
Về tình bạn thì nữ sĩ Anh Thơ là một trong những người bạn thân nhất của Mộng Tuyết. Sau khi hai nữ sĩ cùng được giải thưởng về thơ của Tự Lực Văn Đoàn năm 1939, Anh Thơ viết thư làm quen với Mộng Tuyết và mời bà ra Bắc Giang chơi. (Bắc Giang là quê hương của Anh Thơ). Bấy giờ Mộng Tuyết rất bận, không đi được nên làm bài thơ Đợi gió để phúc đáp :
Gởi Anh Thơ
Mấy vần thơ đợi gió.
Lòng xuân thắm đỏ
Lòng thuyền nho nhỏ
Đợi nước triều lên…
Mặt nước hồ nằm say giấc mơ,
Lòng gương không vướng gợn mây mờ.
Khói chiều đứng thẳng trên quan tái,
Hương tỏa hồn hoa ướp cỏ bờ.
…Khi xuân thắm đượm khắp nơi nơi,
Vạn vật đem xuân trả lại đời
Mà chẳng trả cho thuyền tí gió
Để thuyền thương nhớ những phương trời…
Ở Hà Nội, Anh Thơ có một vườn cây nho nhỏ trồng toàn cây của Mộng Tuyết tặng. Khi Anh Thơ vào Sài Gòn sống với chồng (Bác sĩ Bùi Viên Dinh) thì những cây hoa sứ, sói, phát tài trồng ở đây. Sau khi chồng mất, Anh Thơ đem chúng ra Bắc trồng trước nhà mình. Lúc Anh Thơ đổi nhà, dời lên lầu để có thêm ít tiền chi dụng thì bà đem chúng theo. Năm 2002, nhân mừng thọ Mộng Tuyết 90 tuổi (3), Anh Thơ cũng lặn lội từ Hà Nội vào Hà Tiên để chúc mừng mặc dù năm ấy Anh Thơ cũng đã 84 tuổi và không được khoẻ. Thật hiếm có tình bạn nào cao đẹp đến thế.
Năm 1969 thi sĩ Đông Hồ từ trần, Mộng Tuyết vô cùng đau xót vì Đông Hồ là người thầy, người anh, người bạn đời mà Mộng Tuyết vô cùng yêu quí. Đông Hồ được an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi Sài Gòn (nay là công viên Lê Văn Tám), đến ngày 30-6-1983 thì di quan về Hà Tiên, cải táng trên núi Tô Châu . Năm 1996, sau khi xây xong Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường ở Hà Tiên trên nền nhà Trí Đức học xá cũ, Mộng Tuyết bán ngôi biệt thự ở đường Nguyễn Trọng Tuyển (Phú Nhuận) trở về Hà Tiên, sống ở đấy để ngày đêm hương khói cho Đông Hồ. Khi có bạn bè đến thăm, bà thường chỉ vào ngọn núi Tô Châu trước mặt, nơi có mộ của nhà thơ Đông Hồ và nói :
- Tôi sẽ về ở đó với anh Đông Hồ mãi mãi.
Nay thì bà đã toại nguyện. Thọ đến 94 tuổi, nữ sĩ Mộng Tuyết có một cuộc đời đẹp như mơ và trong ngần như tuyết. Những vần thơ réo rắt, du dương, êm đềm, truyền cảm của bà sẽ còn ghi một dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.
Xin vĩnh biệt người bạn thơ vong niên thân quí, nữ sĩ Mộng Tuyết thất tiểu muội.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ