" Hoàng Thư & " Trấn Thủ Lưu Đồn" / Lê Đình La ( sưu tập) - ( Hà Nội) -- source : Internet
Hoàng Thư và " Trấn thủ lưu đồn "
Sưu tầm - tổng hợp - audio : NGV.
Vài dòng về Hoàng Thư
Hoàng Thư, một trong những bạn thiếu thời Phạm Duy - bộ ba tắm sông với nhau từ hồi nhỏ , Thư không biết bơi trước con sông nước đỏ ngầu , vừa sợ chết đuối - nên dễ nghe lời Cẩn (tên tục Phạm Duy ) cho chú chuồn ngô mắt bi ve cắn rốn. Chẳng hiểu câu chuyện tầm phào này có làm nghệ sĩ tài danh Hoàng Thư sau này bơi giỏi hay không? . Nhưng một điều chắc chắn nhất, ba chú bé tắm sông kia; nay hai đã thành danh. (Phạm Duy và Hoàng Thư) .
Hoàng Thư (1921- 1999)
Hoàng Thư, nghệ sĩ múa trấn thủ lưu đồn có một không hai ở miền Nam trước 1975, vang danh qua nhiều buổi trình diễn trên thế giới: Nhật Bản, Pháp, Đài Loan, Hong Kong, Lào, Campuchia, Thái Lan vv...
Từ 1946, Hoàng Thư đã có một giọng hát tốt, ngâm thơ dài hơi vang danh từ ngày đầu kháng chiến bùng nổ. Tiếng hát thời kỳ ấy khiến chính Phạm Duy tin cậy tiếng hát Hoàng Thư hơn chính bản thân một Phạm Duy sáng tác . Và Hoàng Thư hát Bên Cầu biên giới (ca khúc đầu tay Phạm Duy ) , trái lại tiếng hát Phạm Duy lại được lòng Văn Cao. Và ca sĩ Phạm Duy đem tiếng nhạc Văn Cao đi khắp muôn phương, hát vang vang trong rừng sâu, từ đèo cao đến đồng bằng , từ khu Ba qua khu Bốn lặn lội đến tận miền đất đỏ miền Đông Nam bộ.
Sau 1975, tôi thật ngạc nhiên được biết Hoàng Thư sáng tác bài hát thơ (lieder) lồng trong khúc giao hưởng tự sự. Càng ngạc nhiên hơn ,Hoàng Thư viết bằng tiếng Pháp bài hát thơ ấy trong rừng thông, phố núi thông reo Đà Lạt - rồi sau này anh cùng nhạc sĩ Y Vân dạo lại khúc giao hưởng rồi sau cùng Y Vân viết tổng phổ.
Hoàng Thư có một chuỗi đời dài phía trước lưu lạc khi tóc còn xanh, nay đã bạc- nhưng vẫn là một Hoàng Thư tài hoa nghệ sĩ trong điệu múa trấn thủ lưu đồn, giọng ngâm thơ dài hơi ấm áp, nổi tiếng ngâm thơ hay trong ban Tao Đàn Đinh Hùng từ năm 1954 trên Đài Phát thanh Saigon.
Và trước nữa, năm 1946 phương danh nghệ sĩ Hoàng Thư đã nổi đình đám trong Hội Văn hóa Kháng chiến tỉnh Hưng Yên :
"...nhiều người nổi tiếng như kịch sĩ Hoàng Thư, nhạc sĩ Lê Cao Khoa, nhạc sĩ Lê Vy, nữ thi sĩ Chu thị Tuyết Anh (cháu thi hào Chu Mạnh Trinh), nhà kiến trúc Phạm Tích .." (Hồi ức và suy nghĩ/Hoàng Như Mai , Nxb Giáo dục, Hà Nội 1998 ).
Và tác phẩm ấy là: Voute Azurée/Vòm Trời Xanh/ Blue Firmanent
Thế Phong
(Saigon, tháng 10 năm 1998)
***
Thế là 'Trấn thủ lưu đồn' chẳng còn ' lưu đồn' được nữa. Hoàng Thư đã vĩnh viễn ôm ''Vòm trời xanh' cùng tinh cầu phiêu lãng.
80 năm sống, trải dài trên quê hương lầm than, vì binh lửa. Ngược Bắc xuôi Nam chán chê rồi, Hoàng Thư trụ lại Saigon, ở con đường Bạc Má Hồng ( nay, đường Nam kỳ khởi nghĩa.) Tên đường nghe có vẻ ngộ nghĩnh này do Tây đặt " Mac Mahon." Chẳng biết đó là đại danh của ông Tây, bà Tàu nào; vị đó có đóng góp đại công vào việc xâm lăng và bình định xưa, để Nam việt biến thánh Nam kỳ thuộc địa hay không? Tên đường này đã nhiều lần thay đổi ; nhưng người Saigon cũ vẫn quen thói hí hước, cứ gọi là Bạc Má Hồng.
Anh Hoàng Thư đã được cấp nhà ở đường này; và, trong cư xá cũng có tên Tây là De Gaulle.
Tôi biết (tiếng) anh từ ngày còn bé.
Chương trình Thi vănTao Đàn của đài Phát thanh Saigon, không thể thiếu 2 giọng “nam ngâm” Quách Đàm, Hoàng Thư, ở lúc khởi đầu. Quách Đàm diễn ngâm, đúng “cung bậc bằng trắc” của từng thể loại thơ ca. Hoàng Thư trái lại, không tuân thủ tuyệt đối. Khi thấy cần phải phá cách, cứ đưa ngôn ngữ lên đỉnh cao cho thi ca thêm tuyệt vời. Thi sĩ Đinh Hùng là người biết chọn mặt gởi vàng, khi ông chấp chưởng Tao Đàn Thi Văn.
Hoàng Thư bẩm sinh đã có tài trình diễn “thi ca vũ nhạc kịch”. Ở bộ môn nào, anh cũng vươn tới đỉnh cao. Hoàng Thư sáng giá nhất là việc : (lấy) ca dao tục ngữ Việt nam đưa vào biên diễn, dàn dựng được những vũ điệu kỳ tuyệt. Đáng kể nhất là “Trấn thủ lưu đồn” và “Con đĩ đánh bồng”. Đích thân anh, vừa là đạo diễn vừa là nghệ sĩ múa chính. ( khi không có người nhập vai phù hợp).
Hoàng Thư phải là người bạo phổi lắm, mới dám mong lại 2 sự kiện trái ngược nhau, như 2 vế của một đôi câu đối rất chỉnh chu; 'Trấn thủ lưu đồn, ngoài biên cương trấn ải/Con đĩ đánh bồng, tụi phố thị nhởn nhơ'.
Tôi kính mến anh Hoàng Thư ở những điều kể trên; chứ không phải : "Hoàng Thư thành danh từ nghệ sĩ múa'Trấn thủ lưu đồn' có một không hai ở miền Nam trước 75, sáng danh ở nhiều buổi trình diễn , qua nhiều nước trên thế giới : Nhật, Pháp, Đài Loan, Philippines, Hồng Kông, Campuchia, Thái lan v.v ..."
(trích từ Thằng Phải Gió (*) giới thiệu Hoàng Thư trong" Thư viết ở Saigon / Thế Phong " Văn Uyển Cali. (USA) xb năm 2000 ).
----------
(*) - một bút danh khá c của Thế Phong ( Bt)
Hoàng Vũ Đông Sơn
( Bạn của thơ, thơ của bạn)
***
Hai ca khúc "Trấn Thủ Lưu Đồn " và "Phụng Mệnh Quân Vương"
Hai ca khúc "Trấn Thủ Lưu Đồn " và "Phụng Mệnh Quân Vương" của cố nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát viết (phổ) theo lối hát chèo cổ hồi xưa và hai bài này gần như đã thất truyền. Hai ca khúc này là hai hoạt cảnh, gọi là huyền ca, được Hoàng Thư biên soạn dựa vào nhiều sáng tác của nhiều tác giả khác nhau.
Tiểu sử của ca khúc Trần Thủ Lưu Đồn
Nguyên Trấn Thủ Lưu Đồn là một bài thơ khuyết danh. Lưu đồn ở đây là thôn Lưu Đồn, xã Thuỵ Hồng, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, là nơi tướng quân nhà vua canh trấn. Sau này bài thơ đã mở rộng ra nghĩa lưu đồn, nói về việc người đi canh giữ vùng đất xa.
- Phần đầu của ca khúc là hoạt cảnh do ca sĩ Bích Thủy hát theo điệu Trống Quân.
- Phần hai của ca khúc do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ khuyết danh nói trên. Giọng hát của Hoàng Thư
- Lời giới thiệu của Nhã Ca
Tiểu sử của ca khúc Phụng Mệnh Quân Vương
- Phần đầu của ca khúc do ca sĩ Hồ Điệp ngâm là trích đoạn của bài thơ Chinh Phụ Ngâm nổi tiếng của cụ Đặng Trần Côn (chữ Hán) và được nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm dịch lại (chữ Nôm)
- Phần hai của ca khúc qua giọng hát chèo cổ của Hoàng Thư
- Lời giới thiệu của Nhã Ca
- Giọng ngâm thơ của nữ ca sĩ Hồ Điệp , Quang Minh,
Audio :
* Phụng Mệnh Quân Vương - Hoàng Thư - Quang Minh - Hồ Điệp
* Trấn Thủ Lưu Đồn - Bích Thủy & Hoàng Thư
* Trấn Thủ Lưu Đồn - Hoàng Thư
* Trấn Thủ Lưu Đồn - Ban AVT
* Trấn Thủ Lưu Đồn - Thanh Hải
* Trấn Thủ Lưu Đồn - Phạm Duy
Ðất ngài đây thanh lịch (.. thanh lịch…)
Ðất có hữu tình (.. đất có hữu tình…)
Có đường vô sảnh (ơ) tới dinh quan lưu đồn
Ba năm bác còn đương trấn thủ
Tình dẫu cái mà tình ơi ! Ơi ờ ơi !
Trấn thủ lưu đồn (Ứ ừ ư ứ ừ ứ …Ứ ừ ư ứ ừ ứ)
Trấn thủ lưu đồn ngày thời canh điếm, sớm tối dồn việc quan
Anh chém cành tre còn như ngả gỗ
Tình dẫu mà tình ơi…ơi ờ ơi …
Ngả gỗ trên ngàn (Ứ ừ ư ứ ừ ứ …Ứ ừ ư ứ ừ ứ)
Ngả gỗ trên ngàn than thân rằng khổ, biết phàn nàn cùng ai
Anh hãy phàn nàn những trúc cùng mai
Có cái cây măng nứa, có cái cây ngô đồng
Xót xót xa còn như muối đổ.
Tình dẫu mà tình ơi ! Ơi ờ ơi !
Muối đổ trong lòng (Ứ ừ ư ứ ừ ứ …Ứ ừ ư ứ ừ ứ)
Muối đổ trong lòng đồ ăn kham khổ, biết lấy gì làm ngon
Kìa mi khoe còn như mi đẹp
Tình dẫu mà tình ơi ! Ơi ờ ơi !
Mi đẹp mi dòn (Ứ ừ ư ứ ừ ứ …Ứ ừ ư ứ ừ ứ)
Mi đẹp mi dòn so cái bề nhan sắc, mi hãy còn kém xa
Thì anh muốn cho còn như đó vợ
Tình dẫu mà tình ơi ! Ơi ờ ơi !
Ðó vợ đây chồng (Ứ ừ ư ứ ừ ứ …Ứ ừ ư ứ ừ ứ)
Ðó vợ đây chồng
Ðó bế con gái để tôi tôi bồng con trai
Kìa con xinh còn như vợ đẹp
Tình dẫu mà tình ơi ! Ơi ờ ơi !
Vợ đẹp nhất ở trên đời
(Vợ đẹp nhất ở trên đời)
Trên đời …
Bài đọc thêm
Có hai bài thơ "Trấn thủ lưu đồn"?
Có lẽ rất nhiều thế hệ người Việt Nam-nhất là những người từ lứa tuổi 60-70 trở lên-đã rất quen và nhớ bài thơ Trấn Thủ Lưu Đồn bài thơ được cho là khuyết danh không rõ xuất xứ thời gian xuất hiện nói về thân phận về cuộc sống cực nhọc buồn chán của người lính thú khi lên trấn thủ ở miền biên viễn xa xôi với nhiệm kỳ 3 năm:
Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng.
(từ đây xin gọi bản này là bản A)
Trong dân gian không thiếu gì các bà mẹ ru con bằng bài thơ này, kèm thêm mấy câu mở đầu:
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa...
Bài thơ được bình giảng đây là nỗi buồn thảm của anh lính thú chia tay gia đình vợ con để đi đồn trú ở vùng biên viễn với kỳ hạn ba năm. Trong thời gian ấy, biết bao nhiêu điều bất ưng, tai họa đang chờ đợi, rình rập anh ta. Nào là ma thiêng nước độc, lam sơn chướng khí... Nào là hùm beo rắn rết, giặc giã... Nào là lao dịch (chém tre, đẵn gỗ, canh điếm, việc quan...). Không biết có còn sống mà trở về được nữa hay không. Vì thế mà cả kẻ ở lẫn người đi đều "...nước mắt như mưa", chia tay trong tiếng trống ngũ liên giục giã. Câu thơ cuối cùng "Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng" được cho là khát vọng tự do của những người lính thú...
Bài thơ học thế biết thế, chứ ngoài ra nào mấy ai được biết gì hơn? Kể cả các thầy cô giáo lên lớp giảng cho học sinh cũng chỉ phân tích về nội dung thôi. Văn học dân gian truyền miệng mà.
Giữa năm 2010, tôi có một chuyến điền dã về thôn Lưu Đồn, xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Sau khi hoàn thành chương trình làm việc, trong lúc chờ đợi anh chị em tập trung đủ để lên xe về Hà Nội, tôi lang thang, tản bộ quanh khu vực đình làng. Thấy có một "cụ Rùa" đắp bằng xi măng, cõng trên lưng một tấm bia đá lớn, đặt ở bên trái sân đình, tôi tò mò đến xem.
Bia khắc bài thơ "Trấn thủ Lưu Đồn" ở thôn Lưu Đồn, xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Chữ Nho tôi biết không nhiều, chỉ lõm bõm được dăm ba chữ. Đọc đến phần dịch ra chữ Quốc ngữ, tôi ngỡ ngàng vì đây chính là bài "Trấn thủ lưu đồn" vừa nói ở trên, chỉ khác nhau ở câu đầu tiên:
Bài kia là "Ba năm trấn thủ lưu đồn". Bài này là "Ba mươi năm trấn thủ Lưu Đồn".
Đang băn khoăn suy nghĩ, định tìm người hỏi thì có một cụ già chừng trên dưới tám mươi tuổi đi qua. Tôi lễ phép chào cụ và hỏi xem cụ có thể giúp tôi đọc phần chữ Nho kia không.
Cụ gật đầu, chậm rãi chỉ vào từng dòng, từng chữ đọc cho tôi ghi:
Tam thập niên trấn thủ Lưu Đồn (cụ còn nhắc cả hai chữ Lưu Đồn viết hoa):
Nhật tuần điếm, dạ hành sự quan
Trảm trúc, cứ mộc thượng lâm
Hữu thân, hữu khổ bình đàm đồng ai
Khẩu thực duẩn trúc, duẩn mai
Chư mai, chư trúc dĩ ai hữu bằng
Thủy tỉnh trạm ngư đắc cung thân thượng hạ hoành.
Bài dịch ra chữ Quốc ngữ, khắc ở phần dưới tấm bia là giống y chang bài thơ mà tôi thuộc lòng từ hồi còn đi học (chỉ khác mấy chữ "ba mươi năm" như đã nói ở trên).
Ba mươi năm trấn thủ Lưu Đồn
Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Có thân có khổ nói bàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng. ( Từ nay về sau xin gọi bản này là bản B)
So sánh ba bài thơ trên ( bản A bài chữ Hán phiên âm và bản B) ta có thể rút ra những nhận xét sau :
Về thể loại : Bản A và bản B cơ bản là thể lục bát . Hai câu cuối cùng là hai câu tám. Đây là sự thất luật cố ý trong phạm vi cho phép có thể chấp nhận được. Riêng câu đầu của bản A là sáu chữ ( Ba năm trấn thủ lưu đồn) trong khi đó câu đầu của bản B là bảy chữ ( Ba mươi năm trấn thủ Lưu Đồn) . Bản chữ Hán nguyên văn và được phiên âm ra chữ quốc ngữ thì không rõ thể loại. Không hẳn là song thất lục bát không hẳn là lục bát và câu cuối lại có đến mười chữ.
Về nội dung : Bản A và bản B cơ bản là giống nhau. Sự khác nhau ở câu thứ tư chỉ là cách dùng từ khi dịch từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ. Coi như giống nhau có thể chấp nhận được. Sự khác nhau duy nhất nhưng lại là lớn nhất cơ bản nhất là ở câu thứ nhất : bản A: Ba năm trấn thủ lưu đồn bản B : Ba mươi năm trấn thủ Lưu Đồn . chữ lưu đồn ở bản A là động từ Chữ Lưu Đồn ở bản B là danh từ riêng chỉ địa danh.
Về tác giả và nguồn gốc xuất xứ :
Bản A từ trước đến bây giờ được cho là khuyết danh không rõ tác giả và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Còn bản nguyên văn chữ Hán qua tìm hiểu ở địa phương (nơi có đặt tấm bia) chúng tôi được biết bản này được chép nguyên văn từ trong Thần phả của làng có tên là: Thần phả ký Lưu Đồn.
Thần Phả Ký Lưu Đồn
Người khởi ghi Thần phả ký Lưu Đồn là Tướng quân Nguyễn Phúc Hiền ( Sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ ba ông đươc cử làm Phó sứ trong đoàn sứ bộ đi giao hòa với nhà Nguyên và sau này ông được phong đến Quốc Sư) là một vị quan văn võ toàn tài . Ông bắt đầu viết Thần phả từ năm 1258 khi ông cùng cha và một số vị quan khác phụng mệnh triều đình về xây dựng một căn cứ bí mật ở ấp Vạn An(* ) làm nơi thủ hiểm đề phòng mọi cơ sự có thể xảy ra. Từ đó ấp Vạn An được đổi tên thành Lưu Đồn
Khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288) xảy ra ông được giao nhiệm vụ chỉ huy đội Long binh Hổ binh coi bốn tiền đồn bảo vệ căn cứ Lưu Đồn đảm bảo an ninh cho triều đình và bộ máy chỉ đạo kháng chiến chống quân Nguyên.
Như thế Nguyễn Phúc Hiền là một trong những vị quan chỉ huy xây dựng và ở căn cứ Lưu Đồn từ sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất đến hết cuộc kháng chiến lần thứ ba (1258 – 1288) Tròn ba mươi năm. Phải chăng vì thế mà ông mở đầu bài thơ bằng câu Ba mươi năm trấn thủ Lưu Đồn?
Một trang trong Thần Phả Ký Lưu Đồn
Chúng tôi nghĩ đây là lời tự bạch của ông! Bằng hình tượng văn học ông đã lồng cuộc đời “Trấn thủ Lưu Đồn” của ông và những binh lính dưới quyền vào việc tổng kết một giai đoạn gian nan vất vả nhưng rất hào hùng của dân tộc: giai đoạn chống quân xâm lược Nguyên Mông . Ông đã không nhìn thắng lợi của cuộc chiến theo chiều thuận bề ngoài mà ông nhìn sâu vào cuộc chiến với những nỗi gian nan vất vả của toàn dân và cái khó của riêng ông với cương vị là người chỉ huy nhận trọng trách trước Vua và triều đình….
Ba mươi năm trấn thủ Lưu Đồn được ghi chép trong Thần phả ký Lưu Đồn người viết Thần phả là Tướng quân Nguyễn Phúc Hiền. Theo Thần phả bài thơ đã được khắc vào đá để ở đình làng từ xa xưa (Thạch biển tại đình Lưu Đồn). Đã từng là niềm tự hào của thôn dân bao đời. Do những biến động của lịch sử tấm bia cũ đã bị tàn phá mai một. Tấm bia hiện đặt ở sân đình bây giờ là bia mới được phục dựng tân tạo năm Đinh Sửu 1997 do Nguyễn Duy Thếp – một con dân của làng – cung tiến. Do đó thiết nghĩ rằng về tác giả của bản này không còn gì phải bàn.
Vấn đề đặt ra :
Một là : Trong hai bản ấy một bản là khuyết danh không rõ nguồn gốc xuất xứ thời điểm xuất hiện. Một bản có nguồn gốc xuất xứ thời điểm ra đời có tên tác giả .Vậy bản nào là bản chính bản nào là dị bản.? Bản nào có trước bản nào có sau ?
Hai là : Tại sao bản A và bản dịch từ nguyên văn chữ Hán ra (bản B) lại giống nhau đến thế chỉ khác nhau Ba năm … và Ba mươi năm…
Ba là : Con em nhân dân Lưu Đồn có rất nhiều người học hành đỗ đạt cao chắc họ cũng được học về bài “Ba năm trấn thủ lưu đồn” nhưng tại sao không ai tranh luận hé lộ gì về bài thơ được lưu truyền trong làng trong xã mình cả?
Nếu bài ” Trấn thủ Lưu Đồn “ (bản B) của Nguyễn Phúc Hiền là bản tổng kết ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông bằng hình tượng văn học thì ta cần phải có cách nhìn khác cách hiểu khác cách lý giải khác cho nội dung bài thơ chứ không thể giữ cách nhìn cách hiểu cách lý giải vốn có như đối với bài Trấn thủ lưu đồn (bản A khuyết danh ) về thân phận anh lính thú được. Việc này xin nhường lại các nhà giáo các nhà bình giảng nghiên cứu văn học.
Nghiên cứu Lịch sử và Văn học sử vốn không phải là chuyên ngành của kẻ viết bài này nên không có đủ kiến thức và phương pháp luận để lý giải nhiều khi còn sa đà vào cảm tính ngộ nhận. Những điều trình bày trên nếu có gì sa đà sai sót xin được miễn chấp!
Xin nêu vấn đề để rộng đường dư luận. Rất mong có được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và các nhà nghiên cứu để bài thơ không còn bị coi là khuyết danh không còn là bài thơ nói về thân phận buồn thảm vất vả của người lính thú.
Cần trả lại vị trí xứng đáng cho một bài thơ ra đời vào một trong những thời kỳ hào hùng nhất của dân tộc : Thời kỳ hào khí Đông A!
Kẻ viết bài này xin sẵn sàng trao đổi chia xẻ thông tin với Quý bạn đọc.
Hà Nội - Xuân Tân Mão – 21/2/2011
Lê Đình La
==========
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ