đọc thêm (1) : " ..." Chương trình ngâm thơ Tao Đàn "/ Phạm Công Luận ( tphcm) -- nguồn: https://mthanhnien.vn>
... Chương trình ngâm thơ Tao Đàn
Đó là những buổi tối năm 1970. Lúc đó, trong nhà đã dùng đèn ống sáng sủa chứ không dùng bóng đèn vàng ệch âm u treo lơ lửng giữa nhà nữa. Nhưng tiếng ngâm thơ trong cái radio Philips vọng ra vẫn cứ buồn nẫu ruột đối với tôi. Ba tôi mê thơ Nguyễn Bính nên ông luôn nhắc bài Hành Phương Nam do Tô Kiều Ngân ngâm. Những lúc đó, ông bảo nhớ quê hương, nhất là những ngày cận Tết. Ông nhớ con sông Đồng Nai mùa nước lớn ở cù lao Phố xinh đẹp và những đình, chùa ở đó. Riêng tôi chỉ thấy cải lương nghe ban đêm đã buồn, ngâm thơ nghe càng buồn da diết.
Đến năm 13, 14 tuổi, tôi bắt đầu mê đọc sách, hay nghĩ vẩn vơ. Trong một đêm cúp điện tối thứ sáu, tôi nằm kê đầu lên thành giường thấp mà nghe lồng lộng tiếng ngâm thơ giọng Bắc của một nam nghệ sĩ đầy cảm xúc, mạnh mẽ mà rất ngọt ngào. Người ngâm là Nguyễn Thanh, với một bài thơ về Hà Nội của Tạ Tỵ, một họa sĩ có làm thơ, viết sách:
Hà Nội, chao ôi Hà Nội/Hà Nội với những con đường đọng tím/Những con đường câm nín/Những con đường chết lịm ở tim tôi.
Tuổi hoa niên từng hát khúc yêu đời/Và nhảy múa khắp nẻo đường Hà Nội/Bao thương mến với bao nhiêu bối rối/Trôi về đây tàn phá cõi tâm linh/Trắng đêm thâu, trắng cả khối chân tình/Từng xác lá thu về vàng lối cỏ/Mùa úa héo dâng đầy đôi mắt nhỏ/Em ơi em! Có biết thuở nào khuây…
Giọng ngâm của Nguyễn Thanh quá cuốn hút, bài thơ hay đến nhức nhối, gọi về cả một trời mơ mộng của đứa con nít nhạy cảm.
Đinh Hùng, nổi danh từ khi còn ở ngoài Bắc, có các tập thơ nổi tiếng như Mê hồn ca, Truyện lòng, các vở kịch như Tiên và tục, Phan Thanh Giản... Vào Sài Gòn, ông cùng bạn bè lập ra chương trình Tao Đàn năm 1955 trên Đài phát thanh Sài Gòn. Hẳn khi dựng chương trình, ông không nghĩ nó được đón nhận nồng nhiệt ở một thành phố sôi động nhất cả nước như vậy. Mỗi tối thứ hai, tư và sáu trong tuần, từ 9 giờ 15 đến 10 giờ, thính giả Sài Gòn lại chìm đắm trong thế giới của thơ ca. Tao Đàn trở thành diễn đàn chung của thơ ca kim lẫn cổ. Ông được sự hỗ trợ của nhà văn, nhà thơ Thanh Nam, Tô Kiều Ngân, Huy Quang, Thái Thủy trong ban biên tập và diễn đọc.
Về giọng ca ngâm, theo báo Trẻ số 7 tập I năm 1960, phía nam thì nổi tiếng là Hoàng Thư. Ông có mặt từ buổi phát đầu tiên của Tao Đàn, giọng khỏe và ấm, có biệt tài ngâm diễn những vở kịch thơ và những bài thơ tự do như vào vai Phạm Thái trong vở kịch Quỳnh Như của Thanh Nam, hoặc Bài ca Ngư phủ của Vũ Hoàng Chương. Thanh Hùng, tức là Nguyễn Thanh, giọng thổ pha kim hợp các bài bi hùng. Tô Lang tức Tô Kiều Ngân thổi sáo giỏi, ngâm thơ giọng Trung hay giọng Bắc đều hay. Quách Đàm nổi bật với các bài thơ thất ngôn và lục bát.
Về nữ, thường trực là Hồ Điệp, Thái Hằng và Giáng Hương. Giáng Hương kỳ cựu nhất với sở trường thơ mới (tám chữ và tự do) và kịch thơ. Khi trình bày kịch thơ, bà đọc nhiều hơn ngâm nhưng giọng đọc của bà lột tả được những nội dung buồn thảm, khiến nhiều người thích. Hồ Điệp có giọng mang phong cách cổ điển âm hưởng ca trù, thành công với các bài thất ngôn và lục bát, nhất là các đoạn thơ trong truyện Kiều, thơ thất ngôn của Bà Huyện Thanh Quan, thơ T.T.Kh, rất được thính giả gốc miền Bắc hâm mộ. Thái Hằng có giọng ngâm hiều dịu và vô cùng thiết tha, ngâm được hầu hết các loại thơ... Bên cạnh đó, giọng Đàm Mộng Hoàn được gọi là “giọng ngâm đổ hột đặc sắc”. Hoàng Oanh tham gia giai đoạn sau được xem là giọng ngâm “như sương như khói”.
Ngoài các giọng ngâm trên, có các nghệ sĩ tham gia chơi đàn phụ họa trong chương trình như Ngọc Bích, Phạm Đình Chương chơi dương cầm; Vĩnh Phan, Bửu Lộc chơi đàn thập lục đệm cho phần thơ cổ.
Chương trình Tao Đàn từ khi hình thành năm 1955 có ba người điều hành thay nhau. Nhà thơ Đinh Hùng phụ trách từ 1955 đến 1967 thì mất, chương trình chuyển cho nhà thơ Tô Kiều Ngân phụ trách trong hai năm 1967 - 1969. Sau đó, từ 1969 đến 1975 là nhạc sĩ Thục Vũ. Trong cuốn Ngâm thơ và nghe ngâm thơ Việt Nam nghệ sĩ Thạch Cầm bổ sung thêm các giọng ngâm tham gia Tao Đàn sau này như Đoàn Yên Linh, Hoàng Hương Trang, Vân Khanh, Hà Linh Bảo, Hồ Bảo Thanh, Mai Hiên, Huyền Trân, Hồng Vân...
Năm 1971, nhạc sĩ Thục Vũ có sáng kiến phối hợp ngâm thơ với trình bày ca khúc tân nhạc, đặt tên là chương trình Thi nhạc giao duyên. Đó là sự khởi đầu mới mẻ và thu hút người nghe trẻ trung hơn. Các giọng ca tham gia chương trình cùng các giọng ngâm được tuyển chọn phù hợp với chương trình như Thái Thanh, Duy Trác, Châu Hà, Mai Hương và ca sĩ Thanh Lan. Thơ và nhạc bổ sung, hỗ trợ cho nhau.
PHẠM CÔNG LUẬN
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ