Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

đọc thêm (2) : " nhà thơ Mai Văn Phấn lần đầu thăm Thụy Điển ... "/ Lê Thị Sớm Mai -- source : https://vietbao.com/ author/po...

 21 4:46 SA

Nhà Thơ Mai Văn Phấn Lần Đầu Thăm Thụy Điển -- Giới thiệu Thời Tái Chế, Một Trường Ca Mới Lạ


05/03/2019
IMG-874b806cac24a074580b54b265f815be-V (1)
Hình từ trái: Eva Lindskog, nhà nghiên cứu vãn hóa và dân tộc; Sớm Mai, Mai Văn Phấn; Hai dịch giả thơ: Maja Thrane, Erik Bergqvist và Elias Hillstrưm, phó giám đốc thư viện. 


Tháng Mười 2018, lần đầu tiên, nhà thơ miền Bắc Việt Nam Mai Văn Phấn đã có dịp viếng thăm Thụy Điển, sau khi trở thành người Việt thứ hai nhận giải thi ca Cikada. Người đầu tiên nhận giải Cikada năm 2015 là nhà thơ Ý Nhi, cư trú tại miền Nam.

Cikada (có nghĩa Con Ve) là giải thưởng văn học được thành lập năm 2004 dành cho các thi sĩ Đông Á, theo sáng kiến của Đại sứ Lars Vargo, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Thụy điển Harry Martinson (1904-1978), người đoạt giải Nobel năm 1974.

Phát biểu khi nhận giải Cikada 2017, nhà thơ cho biết "Tôi kết nối được với thế giới và biết được từng cơn dư chấn bên ngoài chủ yếu thông qua chiếc máy tính cá nhân. Từng đợt sóng của những dư chấn ấy đã dội vào tôi, thôi thúc tôi không ngừng sáng tạo.”

Là thi sĩ Việt Nam có thơ được dịch sang nhiều ngôn ngữ, Mai Văn Phấn cũng là tác giả thi tập tiếng Thụy Điển “Hostens Hastighet / Nhịp Điệu Mùa Thu”, do Maja Thrane và Erik Bergqvisk chuyển dịch.

Trong 10 ngày viếng thăm Stockholm, từ 16 tới 26 tháng Mười, (theo lời mời của Ủy ban Thụy Điển vì Việt Nam, Lào và Campuchia do nhà nghiên cứu văn hoá & dân tộc học Eva Lindskog làm Chủ tịch), nhà thơ Mai Văn Phấn đã có nhiều dịp gặp gỡ, sinh hoạt với văn giới Thụy Điển.

Trong buổi hội thảo tại Hội Nhà Văn ngày 19 tháng 10, bài thơ “Chuyện Còn Dài” viết về những con dán và bài thơ “Những Người Đạo Mạo” là đề tài được nói tới. Nhà thơ cho biết tại Việt Nam, dán là loài sinh vật bị coi là dơ bẩn và những người đạo mạo là loại người nói một đằng làm một nẻo. “Hai thứ này đầy dẫy mọi nơi trên quê hương tôi, ông nói, và dù muốn hay không, tôi vẫn đang tiếp tục sống với họ.”

alice thorburn đọc thơ mvp
Alice Thorburn đọc thơ.



Trong buổi hội thảo và đọc thơ tại Thư viện thành phố chiều 22/10, khi trả lời các câu hỏi, nhà thơ Mai Văn Phấn cho biết ông đã tới với thi ca bằng niềm đam mê từ bé và nhấn mạnh “Cái chính yếu làm tôi viết là khi nhìn thấy nỗi u uẩn của gia đình tôi, dân tộc tôi và bản thân tôi.”

Trên trang web [www. Maivanphan.com] sau chuyến đi, nhà thơ có viết: “Xin được bầy tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất của tôi tới các bạn Erik Bergkvist, Maja Thrane, Mimmi Diệu Hường Bergstrom, Tobias Theander, Lê Thị Sớm Mai - những dịch giả tài năng, giàu kinh nghiệm đã dành thời gian và tâm huyết dịch thơ tôi sang tiếng Thụy Điển!”

Nhà thơ cũng trân trọng cảm ơn hai nhà văn Styrbjorn Gustafsson Johannes Svensson - Giám đốc và Tổng biên tập Nhà xuất bản Tranan - đã tổ chức ấn hành tập thơ rất đẹp.

Mời đọc trang bên các trích đoạn từ “Thời Tái Chế” tác phẩm mới nhất của nhà thơ Mai Văn Phấn vừa được xuất bản từ Việt Nam.

I. ĐIỂM NHÌN

Mỗi sáng tôi thức dậy trong mạng lưới thông tin dầy đặc, ngỡ bị mắc vào mớ bòng bong, ổ con nhện khổng lồ. Có ngày quanh quẩn với tin tức quên cả ăn sáng. Tôi hình dung vùng đất này đang lồng như ngựa vía. Bụi tung mù mịt khắp nơi, không nhận ra đâu là bãi hoang, đâu là lối ngõ. Tôi tỉnh hay mê và đang ngồi ở đâu? Rồi lại nghĩ dớ dẩn không biết mảnh đất có bao nhiêu chân? Chẳng lẽ đất quê hương chỉ là ngọn đồi, tảng đá, vườn tược, bờ bãi, kênh rạch. Hay mắm muối, tro than, rơm rạ nằm ì. Có lúc ngỡ đất không có chân, mặc cho bọn ngu dốt lôi đi. Giờ đây chúng đã bất lực, vừa la ó vừa vấy bẩn lên mặt đất.
. . .

II. THẪM ĐỎ

Ngọn đèn ngủ héo rũ đánh thức dòng sông máu. Máu hòa máu, tanh nồng, nhễu dài. Một ám ảnh đỏ.
. . .

Máu từng chảy loang từng vũng giữa sân đình sau những lần đấu tố trong cải cách ruộng đất. Người con dâu từng tố điêu bị bố chồng ép buộc làm nô lệ tình dục, giờ cũng yên nghỉ trong cùng nghĩa trang. Vong hồn chị ta thường sang gõ nắp quan tài xin lỗi ông cụ cuối mỗi hoàng hôn. Ông cụ đã về báo mộng cho những người còn sống, hãy chọn một ngày thanh minh trong sáng nhất để nói lại chuyện đau buồn ấy một lần. Rồi sau đấy không bao giờ nhắc nữa.


I. SÂN KHẤU

Cảnh 1

Giấc mơ sân khấu trống rỗng. Có tiếng nói vọng từ cánh gà. Mỗi khán giả dựa vào kinh nghiệm bản thân để đoán biết nội dung vở diễn. Đây là một cuộc họp, đợt chỉnh huấn, buổi hội thảo, phổ biến nghị quyết, phân công nhiệm vụ, một vụ ăn chia, cuộc đấu tố, ngày đọc quyết định, nói chuyện thời sự, cuộc thanh trừng, chào đón đại biểu cấp trên, ca trực cấp cứu, cuộc bỏ phiếu kín…

Vẫn cơn mơ ấy. Sân khấu tiếp tục trống vắng. Âm thanh tiếp tục vọng từ hai bên cánh gà, nghe không rõ. Loa đài rất kém. Bên dưới khán giả vẫn im lặng.

Lại vọng từ trong cánh gà. Có tiếng gằn giọng. Tiếng van xin. Cãi cọ. Tiếng đập bàn. Phân bua thành khẩn. Ai đó nói một câu rất dài không muốn nghỉ. Tiếng ném một vật cứng xuống đất. Tiếng cao giọng ở cuối câu. Tiếng đạn lách cách lên nòng nhưng không có tiếng súng. Tiếng khóc thút thít của một phụ nữ. Tiếng quát đanh thép. Giọng nói giật cục. Tiếng va đập kim loại. Giọng một người đàn ông run run. Người tiếp theo cũng run.

Tin lan truyền ra bên ngoài sân khấu. Tất cả cùng nhất trí. Thành công rực rỡ. Một cái kết có hậu.

Cảnh 2

Sân khấu chia đôi, bên này cõi âm, bên kia dương thế. Những diễn viên vào vai linh hồn bôi mặt trắng, bên cõi dương tô mặt hồng. Một diễn viên diễn cảnh người mới qua đời. Bắt đầu thủ tục chôn cất, mọi người khiêng anh ta từ bên này tấm màn sân khấu sang phía bên kia. Sau khi được bôi mặt trắng, anh ta nhìn sang trần gian bỗng toát mồ hôi. Sao ở bên đó bao nhiêu năm mà nhiều lẽ giản đơn, tự nhiên anh ta không biết.

Kìa con đường thẳng tắp. Con đường quanh co. Con đường gấp khúc... Những dấu chân lầm lạc chồng chất lên nhau, bôi xóa, rồi tiếp tục lầm lạc. Rồi lại bôi xóa. Những cuộc cách mạng lật đổ áp bức, cường quyền. Một vài người làm cách mạng thành công đứng ra cai trị vương quốc quá lâu lại thành kẻ độc tài, tha hóa. Con người phải hy sinh biết bao máu xương để giành lấy tự do, nhưng lại quên đi bài học từ một cây xanh. Tự do quang hợp, tự do đơm hoa, tự do kết trái.

Mấy linh hồn mặt trắng bỗng xúm lại và bắt đầu chỉ trỏ. Sân khấu âm và sân khấu dương có hai người nhắc vở.

lars vargö, mvp (2)
Nhà thơ Mai Văn Phấn nhận giải Cikada do Đại sứ Lars Vargo trao tặng tại Sứ Quán Thụy Điển tại Hà Nội ngày 1/12/2017.


IV. LỐI RẼ

Người con gái ấy chờ đợi người con trai ra đi và mãi không về. Chị đã thành một bà lão già nua, run rẩy. Đêm nay dòng sông tươi đỏ bỗng tràn vào giấc ngủ của bà. Nước dịu dàng kéo những cơ lưng, cơ tay, phả vào miệng bà hơi thở của hừng đông, sương sớm. Vỗ vào eo lưng vào vai bà từng làn nước từ con thuyền đang lướt trong mơ. Dòng sông đã dìu bà lão về tuổi thanh xuân và bất ngờ gặp được người tình. Màu tươi đỏ khi ấy mở ra trước mắt đôi trai gái rất nhiều ngã rẽ. Và họ đã chọn một lối khác để băng nhanh về đích phía chân trời.

Tiếng họ vang lên khát khao trong nung nấu của dòng sông máu:

- Đã xa dần nanh vuốt của cái ác, em ơi đừng sợ!

- Có ai đuổi theo ta không?

- Mình đang đi trên con đường của máu đã chọn.

- Con người sao quá nhiều sai lầm.

- Đám đông thường bị dẫn dắt bởi những kẻ tham lam, ác hiểm.

- Chúng nhân danh lý tưởng, dân tộc, nhân danh cả lẽ phải.

- Họ nói lẽ phải nằm trong khuôn khổ.

- Mọi thứ đều bị biến dạng, bóp méo trong một cái khuôn.

- Phải tìm cách phá hủy nó.

- Anh tin có lẽ phải không?

- Tin. Nhưng không tin lẽ phải trên miệng kẻ xấu.

- Lẽ phải có thay đổi không?

- Luôn thay đổi.

- Bao giờ?

- Khi tự do của con người bị chiếm đoạt.

- Biến con người thành nô lệ, bầy đàn.

- Kẻ đó là ai?

- Những tên độc tài, những kẻ cơ hội, lái súng.

- Hình như phía sau có tiếng nổ? Cố chạy nhanh hơn đi!

- Không sợ, đôi ta đã ở bên ngoài tầm đạn.

- Hình như có kẻ bám theo?

- Không, máu đông kết và đã cắt đuôi.

- Ta dừng lại quỳ xuống tạ ơn máu!

- Không thể trả ơn được máu.

- Máu vô giá và bất tử.

- Chúng ta sẽ sinh những đứa con để tạ ơn.

- Khi con cái chúng ta lớn lên có biết được lối rẽ này không?

- Có thể không biết. Và lúc ấy chúng ta sẽ không còn, hoặc đã lú lẫn.

- Vậy viết sẵn hai chữ TỰ DO và dặn người đặt lên mồ.

- Có tiếng sóng và hơi nước mát.

- Mình trút bỏ và cùng xuống tắm gội.

Sóng to và gió lớn đã biến đôi trai gái thành con thuyền lật úp. Cột buồm chao đảo vươn xa cắm vào lòng biển đội con thuyền lơ lửng lên không. Mạn thuyền dãn căng, mở rộng như muốn vỡ. Từng đợt sóng hung dữ chồm lên đáy con thuyền lật úp bám rêu trơn nhẵn nhấp nhô trong ánh nắng. Bọt nước trắng xóa êm ái vỗ từng đợt, từng đợt vào thân thể con thuyền. Họ muốn vỡ ra cho thuyền vững chãi hơn là thuyền và biển còn rộng hơn là biển. Họ muốn thành cá tôm, phù du, san hô, biến hóa thành muôn loài sinh vật biển. Để không kẻ nào có thể đuổi bắt được họ, chia lìa, đầu độc được họ. Mũi thuyền và cả bánh lái lần lượt ngập trong sóng lớn. Cột buồm dựng ngược gắn chặt vào lòng con thuyền trụ vững lắc lư.
. . .

V. ĐỒ TỂ

Đồ tể 1

Hắn còn sống, nhưng ngọn lửa Địa ngục đã lùa đến trước mặt. Hắn cúi gục xin ngọn lửa tha tội nhưng đã muộn. Dòng máu chúng sinh từng chảy qua tay hắn giờ đã biến thành con quái vật khổng lồ cuộn chặt, mút xương tủy hắn. Bỗng con quái vật buông tay. Tên đồ tể lảo đảo đập mặt xuống đất tái hiện giờ phút cuối cùng của những con vật bị hắn làm thịt. Mắt con vật trợn ngược, đỏ quạch khi bị chiếc búa tạ của tên đồ tể lạnh lùng đập xuống. Bốn chân con vật sóng xoãi, khẽ run khi thùng nước xôi dội xuống từng phần cơ thể. Lưỡi dao sắc trong tay gã đồ tể lia mạnh, trắng ởn những lỗ chân lông. Đầu con vật được cắt rời, xẻ ra từng miếng. Vai, xương sườn, móng chân con vật được xếp ngay ngắn. Tên đồ tể ngã vật. Đôi mắt vô hồn của hắn lồi ra, bất động, chấp nhận để vong linh những con vật đã chết quay về hành hạ. Đây là phản thịt, là cuộc chơi sòng phẳng. Đây là diễn đàn tự do, nơi phán xét công bằng.

Đồ tể 2

Những gã đồ tể mang gương mặt lương thiện có mặt khắp nơi, trong bếp ăn, khu vườn, phiên chợ, gánh hàng rong, nhà hàng, trên cánh đồng... Chúng gieo rắc, ủ mọi mầm bệnh từ khi con người lựa chọn con giống, mầm cây. Dùng hoá chất kích thích sinh trưởng, chúng ngâm tẩm, tiêm chích chất độc hại vào hoa quả, đồ uống, thực phẩm… Cái chết có hình miếng thịt bò đỏ au, hồng đậm mỡ màng. Hình những con tôm con mực căng mọng, thân mềm. Những đọt rau xanh, trái cây mởn mơ để lâu không thối rữa… Không ai có thể biết những tên đồ tể vung lưỡi dao ở đâu, khi nào. Chỉ bất chợt vọng lên giữa phố xá, làng quê tiếng kèn trống não nề tiễn đưa những người chết trẻ vì những căn bệnh lạ, hiểm nghèo. Những lưỡi rìu tàn nhẫn, lạnh lùng thường xuyên bổ xuống đâu đó dưới mặt trời, trong bóng tối. Đâu đó có người lên cơn quặn đau, nôn mửa, vật vã, hấp hối. Hóa chất và các loại thuốc tân dược thử nghiệm đã làm những tử thi khô quánh lại trong những cỗ áo quan, đến khi đoạn tang vẫn không thể phân hủy. Những người thân phải dùng dao cạo sạch, róc những khúc xương trước khi xếp vào chiếc tiểu sành. Những gã đồ tể khi ấy vẫn nhởn nhơ, thản nhiên ngồi bên mâm cơm. Chúng lại ăn phải những nọc độc từ bàn tay tội lỗi của những đồ tể khác.


Đồ tể 6

Những gã đồ tể của tư tưởng bắt chúng ta đi đường thẳng không bao giờ được rẽ. Nhưng thế giới tự nhiên với bao nhiêu biển hồ, núi non, ghềnh thác. Không thể tồn tại một con đường thẳng tắp bất tận chạy trên mặt đất. Sự tiến hóa của con người nhiều khi nằm ở những khúc cua, những nền văn minh được khởi sinh thường ở ngã rẽ. Những tên đồ tể đã biết và phục sẵn ở đó. Chúng nhanh chóng thủ tiêu những ai chúng coi là mờ ám, lầm lạc. Tôi nhìn thấy những gã đồ tể cởi trần được đánh số trên con đường thẳng tắp. Chúng an tâm đứng đó bất động thay cho những cột mốc.

Đồ tể 7

Hắn đã thuộc về thế giới bên kia. Dấu tích duy nhất hắn nhô lên trên thế gian là bức ảnh bán thân khắc trên bia mộ. Khuôn mặt trực diện, cặp mắt khó đoán giấu sau gọng kính, mái tóc chải lật. Chiếc áo véc chỉ để lộ hết hàng cúc thứ hai. Bàn tay vấy máu từ lâu đã chui sâu vào lòng đất. Người con út của hắn hiện còn giữ một trang bí mật trong bản di chúc, căn dặn đến đời thứ ba mới được mở ra. Đó là tiểu sử người nằm dưới mộ đã đến lúc hậu thế được tự do thêu dệt. Lúc ấy xã hội văn minh không còn đồ tể. Từ thế hệ thứ ba sẽ thay nhau truyền tụng công đức ông cụ. Lúc sinh thời ông cụ là người từ bi, đức độ, biết thương yêu tất cả chúng sinh.

VI. ĐỐI THOẠI

Đối thoại 2

- Tôi, hạ sỹ nhất, thuộc Sư đoàn 25 Tia Chớp Nhiệt Đới, Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tử thương ngày 28/4/1975 tại căn cứ Đồng Dù.

- Tôi, trung sỹ, thuộc C5, Sư đoàn 320A, Quân đội Nhân dân Việt Nam, bị trúng đạn khi lái chiếc xe tăng T54 tiến vào mở cửa căn cứ.

- Lại gần đây, vũ khí chúng ta đã để lại trần gian.

- Hãy nhìn những người còn sống đang cùng nhau ăn cơm, đi cấy đi cày.

- Họ đã sống sót khi cùng chúng ta băng qua con đường máu.

- Gần 5 triệu người Việt cả hai phía đã chết, biết bao thương vong, chia lìa từ đầu cuộc chiến.

- Một nửa diện tích rừng bị phá hủy. Hàng vạn nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

- Chúng ta mất đi cả những giá trị vô giá không thể nhìn thấy.

- Vậy có cần đi qua con đường máu này không?

- Vậy có cần đi qua?

- Vậy có cần?

- Vậy có.

- . . . . . . .

Đối thoại 3

- Tháng 2 năm 1979, tôi bị lùa sang đây, gục ngã ngay trên cầu Bắc Luân này.

- Chúng tôi nhìn thấy viên chỉ huy của ông ra lệnh hất xác ông xuống sông Ka Long để rộng đường cho quân Trung Quốc tiến sang đất Việt.

- Vong linh tôi lúc ấy cũng nhìn thấy đôi mắt tôi trợn lên nhìn tên chỉ huy.

- Dân quân Việt Nam đã vớt xác ông tại bãi Chắn Coóng Pha và chôn cất.

- Ông còn căm thù Việt Nam?

- Trước khi sang đây tôi được tuyên truyền như vậy.

- Bằng sách vở, tài liệu, phim ảnh?

- Không, các chính ủy Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã phổ biến trực tiếp. Người lính chúng tôi thường ít được đọc sách.

- Thời nào chúng tôi cũng phải lấy máu xương xây chiến lũy ngăn chặn các ông.

- Khi chết đi tôi mới tỉnh táo hơn.

- Các ông là kẻ thù nham hiểm và thâm độc suốt bốn ngàn năm lịch sử của chúng tôi.

- Các vương triều chúng tôi ăn thịt người như vậy.

- Khi các ông hùng cường thường đi gieo tai họa cho người khác.

- Ông có phải đảng viên cộng sản không?

- Không cần hỏi thế! Các ông chỉ tôn sùng quyền lợi dân tộc hẹp hòi.

- …

Đối thoại 4

- Không thể có một mô hình cho mọi xã hội.

- Mỗi thời đại một lý tưởng.

- Chúng ta đang ở điểm cực tiểu của hình Sin.

- Không, đã bắt đầu một chu kỳ khác.

- Cần định nghĩa khác về độc lập, tự do, hạnh phúc?

- Dòng chảy cuộc sống đang lý giải.

- Bạn có thể nói rõ hơn về tự do không?

- Là bản năng sống còn của con người luôn trỗi dậy.

- Con người luôn có ý thức chống lại sự nô dịch của kẻ khác.

- Vậy tự do chính là cội nguồn sinh ra ý thức nhân quyền và thể chế dân chủ?

- Đúng. Hình như nó phụ thuộc vào sự cởi mở của thể chế?

- Không phải, chính sự khao khát tự do của mỗi con người sinh ra nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền.

- Vậy thế nào là độc lập và hạnh phúc?

- Là hướng mở của tự do. Là chuỗi quan hệ mang tính hệ quả.

- Độc lập là cái giá phải trả đắt nhất?

- Chúng ta đã phải hy sinh mấy thế hệ để có được khái niệm này.

- Hình như nó lại lung lay khi toàn cầu hóa.

- Cần thêm một lần đổi mới khái niệm.

- Bạn có thấy mình được tự do?

- Không có tự do ngay cả quyền kêu đau.

Đối thoại 5

- Tôi là một giọt nước.

- Chúng ta hòa vào nhau thành giọt nước lớn.

- Không. Chúng ta hòa thuận bên nhau và luôntách rời.

- Vậy trí tuệ và tâm hồn chúng ta có biên giới?

- Xã hội văn minh là tổng hòa những con người có cái tôi khác nhau và tâm hồn khác biệt.

- Đó phải chăng là nền tảng của nhân quyền?

- Mỗi giọt nước đều có quyền cất tiếng.

- Đều được bình đẳng, tự do.

- Tôi tồn tại bằng hồng ân thiên chúa.

- Tôi được soi sáng bằng nhiệm màu Đức Phật.

- Người khác hầu đồng trước cửa Mẫu linh thiêng.

- Tôi trân trọng mọi sự lựa chọn!

Cover Thoi tai che, MVP (1)
Một phần hình bìa sách “Thời Tái Chế”



VII. MÔ HÌNH

Mô hình 3

Để giữ trật tự, an toàn xã hội, chúng tôi được phân công người này theo dõi người kia. Tất nhiên tôi không thể biết ai đang theo dõi mình. Tôi có trách nhiệm theo dõi một người hàng xóm. Buổi sáng ông ấy thường đi xe máy đến chỗ làm, đến chiều thì ngược lại. Tôi đã bám theo ông ta và ghi chép từng cử động nhỏ. Nhưng điên tiết nhất là lúc ông ấy đóng cửa đi ngủ. Không biết ông đã trao đổi với người nhà ra sao và thực hiện thêm những cử động gì trong bóng tối? Đến khi họp tổ dân phố, tôi đã tự giác đứng lên kiểm điểm thành khẩn, tự nhận mình sai, thiếu sắc bén, duy ý chí. Để giữ nguyên tắc bí mật cho hoạt động lâu dài, tôi không nói tên đối tượng được phân công theo dõi và công việc cụ thể, chỉ chọn phát ngôn những tính từ hào sảng chung chung.

Mô hình 6

Quầng sáng trong giấc mơ mờ ảo phía xa, muốn đến đó phải vượt qua một chiếc cổng lửa. Nhiều người đã lao vào thử sức, nhưng không ai có thể vượt qua. Riêng tôi quyết tâm đến đó. Trước khi lao qua tôi đã xác định tư tưởng, luyện rèn ý chí. Cuối cùng tôi cũng đã vượt qua được chiếc vòng lửa kia. Nhưng thân thể tôi bị cháy thui, râu tóc không còn. Phía sau quầng sáng ấy hóa ra chỉ là một bãi đất hoang. Những con chuột từng bị thui, may mắn sống sót chạy ra mừng rỡ đón tôi. Từ đấy tôi làm vua trong vương quốc chuột.


VIII. GIẤC MƠ

Mọi người vội vã nép vào bóng tối quan sát dòng sông đỏ tươi chảy về chậm chạp hiền hòa. Trống ngực họ đập dồn, lo âu, khấp khởi. Những câu hỏi hoài nghi nhanh chóng lan đi trong đêm như mật lệnh chuẩn bị cho trận đánh lớn. Phải chăng đây là cuộc tắm máu báo thù? Đời sống chúng ta chắc sẽ bị nhấn chìm trong biển đỏ?

Máu điềm nhiên từng bước khoan dung, bình an tựa hơi thở của bé thơ đang ngủ. Máu chạm vào khoảng không, vào địa danh lịch sử, như con trăn khổng lồ nhẹ nhàng trườn qua phiến đá. Tựa trái bóng tròn lăn trên sân cỏ. Hạt mưa gọi nhau tụ lại chảy vào đất trũng.

Viên phấn vừa mới đặt bên tấm bảng. Máu đã đến khai mở nhãn quan, đánh thức vùng não suy tư mẫn tiệp, để mỗi người tự mình nhận biết, tự tay cầm lấy viên phấn viết lại từng nét chữ. Tập đọc một câu giản đơn cho tròn vành rõ chữ. Biết viết hoa tên Tổ quốc, tên mình.

Máu tìm về mùa màng khai hoa kết nhụy. Lúa trĩu bông. Khoai to củ. Ngô mẩy hạt. Gia súc, gia cầm lông mượt. Cá nhảy lao xao sông suối, ao hồ. Máu đưa những ngón tay gieo từng cây mạ, tra lại hạt ngô trên đất mỡ mầu.

Máu dịu dàng chảy qua thềm rêu, lay động từng thân cỏ dại. Làm mặt đất rùng mình, tựa những con lươn, con trạch bị sát muối trước khi làm thịt. Máu bình thản lan đi, mang quyền uy và linh thiêng của giấc mơ. Những trung đội, tiểu đội từng bị pháo cối, hỏa tiễn vùi lấp. Giờ các anh đang đội đất đứng dậy như binh chủng đặc biệt hóa trang. Các anh vẫn đi theo hàng ngũ về làng, tìm về từng căn nhà cũ. Diệu kỳ thay người thân yêu cùng hàng xóm của các anh không thiếu một ai. Mâm cơm dọn ra đón các anh không phải những đồ tế lễ trong ngày cúng giỗ, mà thức ăn đạm bạc quê nhà, có canh cua rau đay và đĩa cà pháo.

Dòng máu đổ dồn diệp lục vào tán cây, đu giật, rũ sạch. Mọi trạng thái bắt đầu đảo lộn, những cơn đồng thiếp tự vỗ vào mặt mình tỉnh lại, mọi thói quen trơ lỳ bỗng chốc được say mê. Tiếng con chim lạ cất lên báo hiệu chuyển động lạ kỳ trong đất. Con giun cố đào thêm tầng nữa cho lòng đất xốp. Con ếch cốm tìm thấy ánh trăng cất tiếng gọi mẹ dịu dàng. Con nhạn biển rủ bạn tình vượt qua đại dương.

Những trái non từng bị hái lượm giờ đây được tái hiện trong vòm cây chờ ngày thơm ngọt. Những bông hoa trái chín từng bị sâu đục, chim khoét đang rùng mình vì được tái sinh. Những thân cây từng bị cưa ngang đã tự nhiên nối lại. Nhựa cây cuộn chảy xuyên qua những thân gỗ mục, dâng tỏa trong không gian mùi lá mới và rễ cây quen thuộc cay nồng. Mỗi thân cây được tôn trọng, bảo vệ như một sinh thể. Mỗi con người được hưởng tự do, nhân quyền, danh dự. Cây lá và con người vì nhau quấn quýt tốt tươi.

Lũ chim chóc, muông thú còn sống sót dìu nhau về nhận máu, như nhận họ hàng thân thuộc sau cơn tao loạn, chia lìa. Chúng mang theo những khấu đuôi, chiếc mỏ, cặp sừng, răng nanh, móng vuốt của đồng loại từng bị săn bắt, từng bị giết hại đặt bên lối đi của những dòng sông, rồi quỳ mọp phủ phục đợi chờ. Máu đã đến hân hoan tái sinh từng lớp lông mao, lông vũ. Làm ấm nóng từng tế bào, tuyến mồ hôi, những lớp biểu bì.

Máu buông tay cho muông thú tự do chạy về nơi hoang dã, cho chim chóc vỗ cánh lên trời rộng. Thả vào đại dương những con giống thủy sản, rong rêu, thực vật phù du. Cho cả lũ gia cầm thi nhau đẻ trứng, tìm mồi, bơi lội phởn phơ.

Mọi người và tôi bắt đầu thở mạnh, không còn sợ hãi. Chúng tôi bỗng chốc có cùng nhóm máu, cùng nằm yên cho dòng sông đỏ tươi ấm nóng đi qua. Vẫn là tôi nhưng đêm nay đã khác. Độc lập, tự do như côn trùng, muông thú. Hạnh phúc như cá bơi trong biển hồ và chim chóc trên không.


IX. KẾT NỐI

Nước bắt đầu chảy vào miệng mỗi người mang theo hồn vía tổ tiên, linh khí đất đai. Mỗi cá thể hợp lưu dòng chảy, sắc màu tương phản hòa vào thủy triều dâng lên phù sa ứ nghẹn.

Dòng chảy mới tái sinh những mùa giao phối, đẻ trứng và cấy ghép. Máu hồng nuôi dưỡng bào thai, ấp ủ mầm hạt. Cho cây cối đơm hoa, nảy lộc cùng muôn loài động vật sinh sôi.

Tâm linh và cơ điện vi mô. Kinh mạch và kiến trúc phần mềm. Những dữ liệu cấu trúc và phi cấu trúc tâm linh, vật chất. Những mặt người, muông thú, cỏ cây được liên thông suốt chiều dài lịch đại và khoảng không đồng đại.

Những vong linh dữ liệu chờ được giải nén, giục giã người đương thời không nên chậm trễ, loay hoay một chỗ.

Các nhân vật hiện trên cửa sổ giao diện trỗi dậy tái sinh, chọn lại những giá trị khác. Con đường khác. Triết thuyết khác. Lối rẽ khác. Thần tượng khác. Mô hình khác. Độc lập khác. Tự do khác. Hạnh phúc khác. Ý chí khác. Cảm xúc khác.

Bông cỏ may im lặng đã lâu, nay bỗng nhiên xuất hiện ở góc trái màn hình. Nó cất tiếng ngân dài giống tín hiệu cảnh báo máy tính đã bị nhiễm virus: Chúng ta đã qua một thời tái chế! Tín hiệu ấy không làm mọi người tức giận hay choáng váng, bởi giờ đây ai cũng biết mình không phải vật liệu cơ bản, nguyên liệu thô.

Bông cỏ may vô danh đã tạo được hiệu ứng domino, đẩy hàng loạt quân cờ sụp đổ. Một nhân vật không rõ mặt vừa đứng lên tự nhận mình là con dao cùn. Rồi đến nhân vật thứ hai, thứ ba, và tiếp nữa. Như những tiếng xưng danh trong hàng quân bất tận lan đi. Mọi người lần lượt tự thú từng là giẻ lau, chổi cùn, hót rác, quyển sách long gáy, chiếc ghế gãy một chân, bàn là chập điện. Tự nhận mình là tấm chăn đã rách, đôi giày há mõm, bộ quần áo lỗi thời, chiếc hộp nhựa lâu năm dính đầy bụi bẩn. Giờ tất cả đang tự giác đến nơi tập kết để được phân loại, bị tiêu hủy, hoặc đợi tái sinh.

Những vong linh nhọ nhem vừa khó nhọc chui qua ống khói đài hóa thân hoàn vũ, lò sát sinh, những nhà máy xử lý rác thải. Họ mang theo cả lý tưởng dở dang, mơ ước dở dang. Gặp cơn mưa đầu mùa đổ xuống. Những vong linh lao xao hòa vào từng giọt nước trong lành tưới lên đất mẹ. Thả hy vọng vào giấc mơ người sống/ Rửa mặt cỏ cây/ Thau rửa không gian.

Những cây rau răm, thài lài, dương xỉ bên bờ giậu cùng lũ đòng đong, cung quăng trong ao tù bỗng nhiên phát sáng. Chúng khao khát sống tự do và được bảo toàn danh dự. Được kết nối với những đại thụ và mãnh thú để có được tầm nhìn xa, tinh thần dũng mãnh, và lòng can đảm.

Chúng học được cách tự lột xác kiêu hãnh đớn đau của con đại bàng. Khi không thể bay cao bay xa, con đại bàng tự đập mỏ mình vào mỏm đá cho đến khi đứt gãy để tái sinh móng vuốt. Dám nhìn thẳng vào mặt trời không chớp mắt, không sợ bị đốt mù.

Đại bàng bay lên đỉnh núi chờ bão tới. Những trận cuồng phong hung dữ nâng nó lên đỉnh bão. Bộ móng vuốt sắc nhọn của nó quặp vào lưng bão thành biểu tượng kiêu hãnh, linh thiêng.

Hải Phòng – Hà Nội, 25/8/2018

Mai Văn Phấn



Trích tuyển: Lê Thị Sớm Mai

Ghi chú: “Thời Tái Chế” được ghi là “Trường Ca” do Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn tại Việt Nam ấn hành. Trên đây là một số trích đoạn nguyên văn từ 9 chương sách điện tử do tác giả gửi và cho phép. Trân trọng cám ơn nhà thơ Mai Văn Phấn


===============



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ