" Mai Văn Phấn [ 1955 - ] : Nhìn đời bằng đôi mắt bé thơ " / phỏng vấn : Kiều Bích Hậu -- nguồn : tuổi trẻ (tphcm)
Mai Văn Phấn: Nhìn đời bằng đôi mắt bé thơ
TTO - Trong nỗi bế tắc của những người tâm huyết muốn quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, Mai Văn Phấn và thơ của ông quả là một hiện tượng.
Mùa xuân năm 2019, khi tôi lang thang vô định ở châu Âu và được một nhà thơ địa phương giúp đỡ, đột ngột nhà thơ này hỏi tôi có biết Mai Văn Phấn hay không. Tôi xấu hổ lắc đầu, tôi chỉ nghe tên mà chưa hề biết ông, một nhà thơ đồng hương mà danh tiếng đã vượt qua biên giới. Tôi tự nhủ sẽ tìm gặp Mai Văn Phấn để hiểu thêm về ông. Rồi bất ngờ, nhờ công việc mà tôi tiếp cận với thi nhân đất Cảng...
“Mai Văn Phấn đang mơ về một thế giới con người hoàn hảo. Ông sử dụng ngôn ngữ đời sống sinh động để tạo dựng những hư cấu mới và tái lập hiện thực trong dung mạo khác.
Dịch giả
Raed Anis Al-Jishi
Đầu xuân 2020, nhà thơ Mai Văn Phấn có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.
Không đọc nhiều, không trường sức để đi xa
* Đọc thơ ông thấy một nguồn năng lượng kỳ lạ tuôn chảy, mỗi lần tiếp cận văn bản lại như được tiếp thêm nguồn ý tưởng mới. Vậy thì nguồn sống hay nguồn yêu, nguồn bí ẩn nào khiến nhà thơ Mai Văn Phấn hết sức nhạy bén mà lại luôn đầy cảm hứng?
- Giữ được cảm xúc sáng tạo là việc khó khăn nhất với một nghệ sĩ, nhất là sáng tạo thơ ca. Các nhà thơ hay nói với nhau thôi thì nỗ lực hết mình, chịu khó tích lũy kiến thức và sống chân thành, còn viết được hay không lại phải nhờ "giời". Ông "giời" ở đây chính là cái duyên văn chương, Ngài không cho cũng đành chịu. Tuy vậy, tôi sẽ cố lý giải phần nào câu hỏi rất gợi mở của chị.
Thi tứ và cảm xúc thường đến với người viết trong mọi hoàn cảnh, bất ngờ và cả chủ ý. Giai đoạn sáng tác đã qua cho tôi thấy những bài thành công thường đẩy người viết vào một không gian đặc biệt. Không gian ấy mở ra từ trái tim người viết với mọi chiều kích.
Mỗi người viết dĩ nhiên có đường hướng riêng, như mỗi bài thơ là một định nghĩa về thơ vậy. Tôi cũng từng dò dẫm nhiều ngả đường, nhưng hướng đi tốt nhất với tôi là trở về tuổi thơ. Trẻ lại là một hành trình đầy khó khăn và cách trở. Đến giai đoạn viết được dễ dàng, tự/hồn nhiên, tôi cảm thấy như mình đang nhìn đời sống bằng đôi mắt của một bé thơ, biết run rẩy và ngỡ ngàng trước mọi hiện hữu trong đời sống.
Để vượt qua giai đoạn bản năng, làm chủ hoạt động sáng tạo, có ý thức hướng đến tính chuyên nghiệp, kẻ sáng tạo không ngừng tích lũy kiến thức và có trải nghiệm phong phú. Sách vở luôn là người bạn, người thầy của người viết. Nếu không đọc nhiều, chắc chắn người viết không trường sức để có thể đi xa.
Cần một chiến lược quốc gia cho vấn đề quảng bá văn học
* Tham dự các sự kiện giao lưu, thảo luận về văn học ở nước ngoài khá nhiều, theo ông, vì sao thơ văn Việt Nam không nghèo lắm mà trong mắt thế giới thì hạn hẹp?
- Nói chung bạn đọc ở bên ngoài không đủ hình dung về diện mạo văn học chúng ta, cả xưa và nay. Đây là một vấn đề khó và khá phức tạp ngay đối với bạn đọc trong nước.
Như chị đã biết, dòng văn học chủ lưu xuất hiện trên văn đàn và được dạy trong nhà trường hiện nay vẫn là các cây bút xuất hiện trong chiến tranh. Các nhà quản lý, phê bình nói chung vẫn giữ thái độ dè dặt khi đánh giá các trào lưu văn học đổi mới, cách tân.
Thực trạng ấy tác động trực tiếp đến việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài. Một số tác phẩm được coi là tiêu biểu trong nước khi dịch ra nước ngoài có thể bị coi là lạc hậu, cũ kỹ.
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta chưa có một kế hoạch mang tính chiến lược cấp quốc gia cho vấn đề quảng bá văn học. Xin đưa ra con số thống kê để làm sáng tỏ vấn đề này. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Vân (khoa ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc), từ năm 2010 - 2019 có 86 tác phẩm văn học của Hàn Quốc được dịch và phát hành tại Việt Nam bằng các nguồn tài trợ từ phía bạn.
Cũng trong thời gian đó, chỉ có hơn 10 tác phẩm của các nhà văn Việt Nam được dịch và ấn hành tại Hàn Quốc bằng uy tín cá nhân nhà văn, hoặc cũng từ nguồn vốn phía Hàn Quốc.
* Trong tình hình dịch văn thơ Việt Nam như vậy, cơ duyên nào khiến thơ Mai Văn Phấn được dịch ra 30 ngôn ngữ? Ông có bí quyết nào chia sẻ với bạn văn?
- Trước hết, tôi đã có bản dịch tốt trong ba ngôn ngữ mạnh là tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Các bản dịch đều sát với nguyên tác tiếng Việt và truyền tải được đầy đủ tinh thần và vẻ đẹp thơ ca. Tôi đã gặp được những dịch giả tài năng và có nhiều kinh nghiệm, họ đồng thời là nhà thơ, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa nên việc dịch thuật khá dễ dàng và có chất lượng.
Sự khởi đầu quan trọng cần ghi nhận là NXB Page Addie Press của Anh quốc đã xuất bản và phát hành thành công các tập thơ của tôi bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Nhà thơ Susan Blanshard (đại diện NXB Page Addie Press) đã vô tình đọc được tập thơ song ngữ Việt - Anh của tôi Bầu trời không mái che - Firmament Without Roof Cover khi bà đến Hà Nội. Ngay sau đó, Susan đã viết thư cho tôi đề nghị được "kinh doanh" bản tiếng Anh tập thơ này và trả tôi 10% giá bìa. Cuối năm 2012, Firmament Without Roof Cover trở thành 1 trong 100 tập thơ bán chạy nhất của Amazon.
Tiếp đến, giữa năm 2014 tôi có 3 tập thơ vào top 10 trong 100 tập thơ châu Á bán chạy nhất trên Amazon gồm: 2 tập thơ song ngữ Việt - Anh (Ra vườn chùa xem cắt cỏ/Grass Cutting in a Temple Garden; Những hạt giống của đêm và ngày/Seeds of Night and Day) và 1 tập thơ song ngữ Việt - Pháp (Bầu trời không mái che/A Ciel Ouvert). Sau đó, nhiều NXB ở các nước tiếp tục đăng ký dịch và ấn hành tác phẩm của tôi.
* Đã có tấm "thẻ xanh thơ" để đi khắp thế gian đọc thơ và thể hiện tâm hồn Việt Nam với bạn bè quốc tế, ông có thực sự hạnh phúc với những thành tựu thơ của mình? Có còn điều gì ông mong muốn thực hiện trong tương lai?
- Tôi hài lòng với mỗi giai đoạn thơ mà mình đã đi. Nhìn lại hành trình cho thấy tôi đã ra đi từ truyền thống, tích hợp có chọn lọc tinh hoa của các khuynh hướng thơ bên ngoài, mong tạo một phong cách thơ Việt hiện đại mang đậm căn tính Việt.
Tôi nhớ nhà thơ Thụy Điển Lars Vargo - chủ tịch Ủy ban giải Cikada - đã hỏi vào cuối năm 2017 rằng tôi có ước mơ gì cho nền thơ Việt. Tôi có nói với ông ấy đại ý từ đầu thế kỷ 20 các nhà thơ Việt Nam chịu ảnh hưởng các trào lưu hiện đại phương Tây, ngưỡng vọng các nhà thơ phương Tây. Tôi mơ ước đến lúc nào đó bạn đọc phương Tây nhìn các nhà thơ Việt như chúng ta từng nhìn họ.
Thơ Mai Văn Phấn được dịch sang 30 ngôn ngữ
Nhà thơ Mai Văn Phấn sinh năm 1955 tại Kim Sơn, Ninh Bình, hiện sống và sáng tác tại thành phố Hải Phòng.
Ông đoạt một số giải thưởng văn học Việt Nam và quốc tế, trong đó có Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2010, Giải văn học Cikada của Thụy Điển 2017, Giải thưởng của Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật hoàng gia Cộng hòa Serbia 2019.
Đã xuất bản 16 tập thơ và 1 tập phê bình - tiểu luận tại Việt Nam; 17 tập thơ và trường ca phát hành ở nước ngoài và trên mạng Amazon.
Thơ Mai Văn Phấn được dịch sang 30 ngôn ngữ như Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Serbia, Macedonia, Montenegro, Slovakia, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Nepal...
Mới đây nhất, ngày 20-12-2019, tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia đã diễn ra buổi ra mắt tập thơ bằng tiếng Ả Rập (Nơi trời rộng). Tập thơ gồm 110 bài thơ do dịch giả - nhà thơ Raed Anis Al-Jishi tuyển chọn từ các tập thơ tiếng Anh của Mai Văn Phấn.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ