đọc thêm (3) : " NGHIÊM giữa bè bạn "/ Song Thao ( Canada ) - source: sangtao.org> ( Mỹ )
Song Thao
Nghiêm là tên anh bạn văn nhỏ tuổi của tôi. Cái tên nghe như một khẩu lệnh không được ưa chuộng trong quân đội. Tên không phải là người. Nghiêm không…nghiêm, nhưng kín. Anh rất thiếu thoải mái trong giao tiếp. Cũng như anh bạn xứ Quảng Luân Hoán của chúng tôi. Cả hai rất e dè trong tiếp xúc.
Chẳng phải hai người bạn miền Trung của tôi chỉ giống nhau có vậy. Họ còn nhiều điểm tương đồng. Cả hai cùng không ăn cá, không ăn chim. Loài chim bị chê này còn mở rộng tới…gà, vịt, ngan, ngỗng. Cứ có cánh là không chơi, chắc hai ông này sợ bị bay lên trời mất tiêu! Cá và chim trên bàn nhậu được hai ông này nhìn với cặp mắt lơ là. Nhưng hai ông bạn này, một trẻ, một sắp già, cũng có điểm khác biệt. Ông Luân Hoán không hảo chất cay. Ông chỉ nhấm nháp chút đỉnh rượu vang rồi ăn phở. Muôn đời ăn phở chỉ vì thịt trong phở là thịt bò, không gà không cá. Phở có lạt thì ông coi như “nơ-pa” vì ông không bao giờ nhúng miệng vào nước mắm. Chẳng lẽ mang tội giết chết phở bằng …xì dầu! Có lúc nhìn ông Luân Hoán xích hũ nước mắm trước mặt ông ra chỗ khác vì cái mùi đặc trưng của nó, tôi thắc mắc không biết ông này có phải là con dân xứ nước mắm không. Nhưng khi tới nhà ông, thấy hộp thư trước cửa sơn hình cờ vàng, thắc mắc này lại nguội mất tiêu! Ông Nghiêm thì khác. Ông không bao giờ nhấp rượu vang, dù chỉ chút đỉnh. Anh em đi nhậu thường xách theo rượu vang. Ông chê. Ông thủ theo hai lon bia. Ông chỉ uống bia. Khác với một ông Huế khác là ông Hoàng Xuân Sơn. Ông này uống…thập cẩm. Cứ chất chi có tí cay là ông đổ vào miệng, không phân biệt…chủng tộc.
Tôi gán hai ông Luân Hoán và Hồ Đình Nghiêm, một thơ một văn, này vào với nhau còn vì một lý do khác. Ông Luân Hoán bỏ mất chân trái trên chiến trường Quảng Ngãi từ những ngày mịt mù khói súng năm xưa. Sau khi bị cho giải ngũ vì thương tích, ông làm việc cho ngân hàng. Vậy nên ông đếm rất giỏi. Mất một chân mà ông đếm vẫn còn hai chân! Nếu nhìn ông đi đứng thì thấy hình như ông còn đủ hai chân thiệt. Vậy ông có hai hay ba chân, đó là một thắc mắc tôi sẽ phải hỏi chị Lý, phu nhân của ông. Ông Nghiêm, sau cú té, có ba chân thiệt. Anh em đã đếm rành rọt. Vậy mà rượu vào, có ông đếm thấy có tới bốn chân. Chuyện này lại phải hỏi Ngọc Bích, hiền thê của Nghiêm! Chuyện tôi muốn nói ở đây không phải chỉ là số chân mà là chuyện tréo ngoe. Ông Luân Hoán mất chân rõ ràng mà đi đứng đố ai biết ông thiếu chân. Ông Nghiêm còn đủ hai chân, chỉ vỡ cái xương chậu, mà đi đứng phải dựa vào cái ba-toong. Từ đó có thể rút ra kết luận: xương chậu quan trọng hơn cái chân. Mần chuyện chi cũng vậy!
Đừng có đợi điện thoại của Nghiêm. Sẽ không bao giờ có tiếng chuông, trừ khi khẩn cấp. Mà với Nghiêm chẳng có chi khẩn cấp, ngay cả việc leo lên bàn mổ. Gọi phone cho Nghiêm nản lắm. Hỏi chi nói đó, chẳng bao giờ có vẻ muốn bắt chuyện. Nhưng khi chống gậy tới ăn nhậu thì lại khác. Ba hoa chẳng kém ai, chọc cười không biết mệt bằng cái giọng ngang phè phè, nhẩn nha nhẩn nhơ. Này, tên mình là Nghiêm nhưng cái tên không vận vào mình mà lại vào hai thằng con, chúng nghiêm hơn mình xa chừng!
Tôi nghĩ mình là người đã và đang ăn ngủ với Huế nên có chút thẩm quyền nói về mấy anh Huế. Hình như có hai loại Huế: một tẩm ngẩm ít khi mở miệng, một ba hoa thiên địa mà dân Huế gọi là “phách tấu”. Nói như vậy vì tôi đang viết về một anh Huế, chứ dân nào cũng có người này người kia. Mấy anh Bắc kỳ hay Nam kỳ, khi cho súng nổ thì mảnh cũng vung đầy đường. Vậy thì Nghiêm thuộc vào loại Huế nào? Hình như hắn chẳng xếp hàng. Cũng như ông Huế Hoàng Xuân Sơn. Cả hai đều nói chuyện tinh quái chẳng ra cái sông Hương núi Ngự chi cả!
Nghiêm có cái rủi là chơi toàn với những ông bạn văn trên 65 tuổi. Mấy ông này đã đổi giống thành thứ quí tộc tháng tháng rong chơi mà vẫn có check của chính phủ đều đều. Bạn bè rong chơi đàn đúm trong khi mình vẫn phải ngày ngày kéo cày. Bữa nào mấy ông quý tộc nổi hứng rủ đi nhậu vào buổi tối một ngày trong tuần là chịu chết. Uống rồi bữa sau sao mà mò dậy đi mần? Thấy lỗ trước mắt. Không biết có phải niềm tỵ hiềm này đã mang tới cú té vào một mùa đông trước đây không. Một buổi sáng Chủ Nhật, chàng bước ra khỏi cửa nhà, đụng ngay một đám tuyết, liền chơi trò giơ tay với thử trời cao thấp / xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài. Theo “biên bản” chính thức thì cú ngã này là vì nàng tuyết chơi khăm nhưng những ông bạn ưa thích truyện trinh thám lại tỏ vẻ nghi ngờ. Phải chăng đây là một âm mưu để được bình đẳng với bạn bè? Nếu đúng vậy thì âm mưu này thành công. Chàng được cho về hưu sớm. Vậy là cứ ới một cái là chàng vác gậy lên đường liền một khi.
Cú té mang lại hậu quả hai mặt. Mặt tốt là trả lại cái cầy cho con trâu. Mặt không tốt là khi không biến thành Kha Trấn Ác, đi đâu cũng lỉnh kỉnh gậy gộc. Thứ gậy gộc tự thân thì không răng nhưng thứ gậy gộc dư này rất bất tiện. Không rình rập chi được ai. Tiếng gậy lóc cóc làm lộ hết mục tiêu. Bất tiện thứ hai là cái xương chậu bị bể đã được vá víu lại nhưng di chuyển vẫn đau. Mỗi bước đi là một cái nhăn mặt, vừa xí trai vừa mất…nghiêm. Vì bất tiện như vậy nên lại phải banh da xẻ thịt chịu cảnh máu đổ bãi Thượng Hải lần thứ hai. Nghiêm kể lại vụ đổ máu này trong một truyện ngắn mang tên “Bóng Ma”. “Bệnh nhân nằm lim dim, dát chân mỏng dính xuống mặt nệm bắt đầu nghe lạnh. Trong đầu óc trống hoác tự dưng lộ ra câu của Bulowski: “Tôi mang cái chết trong túi áo trái. Đôi khi tôi lấy nó ra và hỏi han: chào cưng, dạo này cưng sao rồi? Hồi nào thì cưng đến với ta? Ta sẽ sẵn sàng”. Một bóng người toàn thân màu xanh lục lướt êm tới đứng cạnh giường. Xin chào. Bạn muốn tôi dùng tiếng Anh hay Pháp ngữ? Tôi là bác sĩ Hunk, phụ bác sĩ Zukor, chịu trách nhiệm ca phẫu thuật này. Bạn thấy sao rồi? Nón trùm đầu, khẩu trang đã móc sợi dây vào một bên tai, đôi mắt linh hoạt sau cặp kính cận nhìn xuống. Mức độ gây hiểm nguy chỉ lên tới 9% thôi. Chúng tôi sẽ chích một liều thuốc tê vào sau lưng bạn và dự trù thời gian sẽ kéo dài trong hai giờ. Với năm ngón to khỏe của một người quen sử dụng dao kéo, bác sĩ Hulk bắt tay “thân chủ”. Chiếc găng cao su mỏng chẳng ngăn được nhiệt lượng từ bàn tay ấy lan tỏa ra. Trấn an, vỗ về và tự hứa sẽ làm tốt với khả năng mình có…Một, hai, ba. Họ cùng đếm số để động tác có được sự ăn ý. Bốn người ở bốn góc đã nhấc hỏng tấm chăn lên và đặt nhẹ nhàng con bệnh qua một chiếc giường khác. Trước đó họ đã tháo những chiếc dây nhợ cột cứng cái thây bất động để tiện cho việc mổ xẻ. Họ liền tay đắp lên ba tấm chăn vừa hấp nóng vào cơ thể lạnh như một tảng băng, khói bốc mờ cùng lần với ý thức vụt hiện tới. Mình vừa trôi qua dòng nước đen, được tấp vào bờ sinh tồn”.
Dao kéo đụng vào thịt xương đâu phải chuyện giỡn, vậy mà anh chàng Huế không nhiều can đảm này đã thuật lại như một chuyện giỡn chơi. Những con chữ lạnh sắc, lơ là, và… nghiêm. Lần mổ này, để cho xương chậu không quấy rầy bước đi, bác sĩ lắp vào những viên bi cho việc di chuyển mát ngót hơn. Những viên bi (chắc cũng dư!) này quả đã lăn rất nhuần nhuyễn, chàng đang tính chuyện bỏ gậy lấy lại oai phong cũ.
Bây giờ chàng ngon như những lão bè bạn. Chơi tới đâu tớ cũng theo. Đã vậy còn chơi trội. Nằm nhà ôm chân, chàng viết nhiều hơn ai hết. Trang mạng nào chàng cũng vung vít. Nghề chàng được học tới nơi tới chốn là nghề vẽ. Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế trước khi xuống tàu vượt biên nhưng đố ai kiếm được một bức vẽ có ký tên Nghiêm. Chàng lơ là cầm cọ, mạnh tay cầm bút. Nghề của chàng là viết truyện. Sau khi mổ chân cẳng, bỗng có biến chứng. Chàng vọc thơ!
Kể cũng lạ, ông Đinh Cường, tay vẽ nhuần nhuyễn nhưng những năm cuối đời cũng thơ thẩn vung vít. Chỉ có ông Dương Nghiễm Mậu viết văn chứ không thấy mần thơ, dù là thơ cuối đời. Hai ông khét tiếng, một ông họa một ông văn này, là hai ông anh rể của Nghiêm. Cả một nhà…văn học. Tiếc rằng Nghiêm chỉ có hai bà chị, nếu không toàn gia có thể thành lập được nguyên một…văn đoàn!
Nghiêm có khiếu về chuyện nhớ thơ Bút Tre và thơ Bảo Sinh. Thỉnh thoảng chàng lại phun ra vài câu nghiêng ngả cả bàn nhậu. Đại khái như: Vợ là cửa cái / Bạn gái là cửa sổ / Càng nhiều cửa sổ càng sang / Cửa cái anh vẫn đàng hoàng vào ra / Vợ là cửa cái nhà ta / Lại là cửa sổ thằng cha láng giềng”. Thích thì thích thơ ngẳng của hai nhà thơ không giống ai nhưng khi làm thơ cũng bài bản như bất cứ nhà thơ nào khác.
trăng lên rồi đó anh tề
noái chi thì noái (cho) em về (cả) mạ la
ở đây xa bãi tha ma
chạng vạng mẹ duyệt bài ca quy trình
trăng lên hay nguyệt đứng rình
bụi môn không thấy bóp tình sướng sung
hở áo tiếp rượu anh hun
nhiệm vụ chính trị lum khum phút này
giáo viên ưu tú làm đày
nhân thân tốt đẹp quả dày công tu
ba đời vô sản chim cu
hôm nay xổ toẹt chỉnh chu hang hùm.
Chắc mọi người đều biết là thơ của nhà văn muốn nói tới chuyện các nữ giáo viên ở Việt Nam bị ép buộc đi tiếp rượu các quan lớn. Nghiêm luôn quan tâm tới chuyện non nước, thích quân phục, thích hình tượng cờ vàng. Đây là một điểm giống ông Luân Hoán. Nhưng cũng không giống hẳn. Một ông chưa hề mặc áo lính và một ông đã mòn mất mấy chiếc áo ka-ki. Nhưng cả hai đều có lòng với gia tài tiền nhân để lại cho chúng ta.
Hỏi Nghiêm sao không làm thơ như ông Sử Mặc, biến thân của ông Hoàng Xuân Sơn, chàng lắc đầu quầy quậy. Cùng tắm sông Hương nhưng người lên bến ni kẻ lên bến tê. Hai bến hình như ngàn dặm cách trở. Một bến nằm ở trần gian sát sàn sạt mặt đất, một bến nằm trong mung lung của vũ trụ. Vậy mà hai anh Huế này đi đâu cũng có nhau. Tình Huế keo sơn như tình nhân. “Huế mình” mà!
Một tay văn thơ bộn bề chữ nghĩa, còn một tay nay tạm nắm cây gậy, mai mốt buông được cây gậy, anh chàng Nghiêm sẽ nắm cái chi, câu trả lời là một ẩn số. Sinh nhật năm ni, chẵn 60 năm cuộc đời, tròn một hoa giáp, chàng còn…thanh xuân, ngày tháng còn dài, biết chàng nắm cái chi? Đời thiếu chi cái đáng nắm!
Song Thao
10/2017
Nguồn: Tác giả gửi
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ