" mày biết đời là gì "/ Hồ Đình Nghiêm ( Canada) -- source : gio-o.com> ( Mỹ )
HỒ ĐÌNH NGHIÊM
MÀY BIẾT ĐỜI LÀ GÌ
* Viết, sau khi nghe bài hát chẳng mấy hay “Bonjour Viet Nam” của Marc Lavoine.
chuyện ngắn
1.
Quán cà phê Mèo Đen. Cả bốn con mắt cùng nhìn thấy bảng hiệu. Xe gắn máy tấp sát lề đường, thắng đứng. Gã trung niên trả về số không, chống một chân xuống đất. Người đàn bà ngồi phía sau nhích mông rời ghế xe.
- Đứng yên chỗ này, đừng dời đổi.
- Bà chị yên tâm. Tôi vẫn để máy nổ?
- Ừa, cao tay chỉ mất năm phút là cùng.
Bà sửa lại khẩu trang, đeo xách ny lông ở nách, ngó trước trông sau và xăm xăm đi vào quán. Gã điều khiển xe nhìn theo. Nắng làm hoa mắt, ô cửa đen ngòm nuốt vội chiếc áo màu vàng của người đàn bà. Nhạc kích động ùa ra thềm. Chát chúa tiếng đàn tiếng trống. Buổi trưa mà quán cà phê không vắng. Chẳng phải cuối tuần mà có lắm kẻ ngồi tụ đàn đấu hót.
Phục vụ viên, lo phần tiếp khách đều là con gái. Áo quần hở hang theo quy định, “điện nước đầy đủ”, che bớt da thịt thì sẽ sập tiệm vì chẳng còn khách lai vãng. Mèo đen. Đứa nào đặt tên thật có ý nghĩa. Mèo ưa nũng nịu cạ thân vào, lim dim mắt khi được vuốt ve. Tuy đen nhưng người đàn bà vẫn nhìn ra mục tiêu. Vừa đi vừa thò tay vào túi ny lông. Con dao Thái lan mang theo hàn khí khi rời chỗ ẩn. Dao vung lên, lạnh lùng, tàn nhẫn.
- Con đĩ mẹ mày, tao chém cho mày biết đời là gì.
Nhiều tiếng rú cất lên. Tiếng ly tách rơi vỡ. Những bàn chân chạy, hoảng loạn.
Máu đã đổ. Không một ai can thiệp. Tất cả đều đứng một góc, trương mắt ra ngó. Lực lưỡng có, ốm o có, tóc dài có, đầu trọc có. Tai đeo khoen có, mũi đục lỗ có, thun ba lỗ khoe mình đầy vết xâm cũng có. Nam nhi cả tá nhưng không hề là đại trượng phu.
- Mả cha mày. Chừa cái thói đi hại đời con gái nhà lành , nghe con.
Người đàn bà tuyên bố câu cuối cùng. Bà quay lưng, đi bước dài. Gã trung niên làm nghề chạy xe ôm vẫn đen đúa đội nắng chờ khách trở ra. Khách đeo khẩu
trang nên chẳng trông được nhan sắc. Khách ôm eo. Đôi tay còn run.
- Thăng.
Chiếc xe phóng chạy theo mệnh lệnh.
- Về hướng ngoại ô nghen.
- Dạ được.
Người đàn bà ngó lui. Mọi thứ đều bình thường. Cây vẫn xanh lá. Đường vẫn lắm xe. Bụi bặm và khói xăng. Nóng bức và đứng gió. Chẳng có gì lạ.
- Anh hành nghề này đã bao lâu?
- Có hơn sáu năm nay.
- Ngon cơm không?
- Chị nói sao?
- Sống thong thả hay chật vật?
- Trời! Thong thả nghĩa là sao hở chị? Tôi và chiếc xe này giống nhau, lật đật chạy ngoài đường cả ngày. Bỏng khét, bá thở chỉ hòng nuôi hai miệng ăn qua bữa.
- Tới nghĩa trang thì anh quẹo phải.
Chiếc xe nấc lên, rùng mình mỗi khi sang số. Người đàn bà sẽ cạ thân vào lưng gã mỗi khi hắn đạp thắng. Nhưng nói chung, với sáu năm lèo lái, có thể nói hắn điệu nghệ. Lòn lách giỏi, biết chạy lắc léo, chưa từng bị ùn tắc khựng đứng. Đen đúa, bẩn thỉu như đa số bọn hành nghề chạy xe ôm.
- Nuôi hai miệng ăn? Nghĩa là chỉ hai vợ chồng đùm bọc? Con cái thì sao? Chúng tự lập thân?
- Không. Tôi chẳng có vợ con. Tôi nuôi mẹ già.
Hỏi, trả lời. Cả hai phải dụng sức gần như hét. Đường luôn chan tiếng động, ngay cả chiếc xe đang lao, máy nổ cũng rầm rộ góp tiếng. Tên lái xe la toáng lên:
- Chị đòi được nợ chưa?
- Rồi.
- Nó chồng đủ tiền hay sao mà mau dữ dậy?
- Chồng đủ.
- Má tôi thiệt thà, cho người bà con vay hai chỉ vàng, ngày một ngày hai nó lặn mất tiêu. Tôi chạy xe bay tóc trán tìm không ra tăm hơi đứa quỵt nợ. Khốn kiếp!
- Thôi, bỏ tôi xuống đây.
Xe thắng gần một bãi rác. Vắng người, vì chẳng còn gì để bới móc thu hoạch. Tan hoang. Kể cả ruồi, chúng cũng tìm nơi bốc mùi mà tụ họp, ở đây chả còn hương vị gì. Người đàn bà trả tiền cuốc xe.
- Đời có vay có trả, nó chạy không khỏi đâu. Tin tôi đi.
- Tôi cũng nói câu đó với má tôi. Chỉ nhằm an ủi bả.
Gã trung niên đếm những tờ giấy bạc, cất vào túi áo. Hình như có thừa một tờ năm ngàn nhưng gã không nói. Lặng yên quay xe trở ra.
2.
Người đàn bà cầm bó tiền được cột bằng sợi giây thun. Bà không đếm, như thể với trọng lượng đó, với bề dày đó, là đủ, chẳng thiếu. Hoặc giả bà tin cậy tới kẻ trao tiền. Bà nói:
- Tôi đi.
- Vội thế. Làm miếng nước đã.
Người đàn bà ngần ngừ, sau cùng ném cái khẩu trang xuống bàn gỗ và ngồi lên mặt ghế nhựa. Ly nước nằm trước mặt. Nước màu đen, có thể xá xị, có thể Coke, có thể là cà phê Trung nguyên. Bà ngó lên gã đàn ông. Đã lâu rồi, họ quen nhau ở chợ trời. Ông ta bán thuốc Tây, còn bà là kẻ chuyên đi đòi nợ. Một thứ nghề cần nhiều máu lạnh, vô cảm trước những than khóc đớn đau. Có lẽ ông ta cũng vậy, thuốc ông bán đa phần là trụ sinh, dùng để cứu người; đôi khi cũng có thể giết người. Trường hợp ngoài ý muốn. Ông ta sẽ nói thế. Và dong đôi tay lên trời, miệng chửi rủa: Mẹ kiếp, chúng nó trao thuốc giả, có thánh mới biết! Nó chết là bởi cái tuối thọ của nó chỉ trường tồn tới ngang đó thôi. Làm sao hơn?
Chuyện ngày xưa. Nó giống một trang sách liêu trai đã lật qua. Bây giờ khác, rất chí dị trong thay đổi và rõ nét nhất là ở người đàn ông. Chẳng biết hắn làm chuyện gì mà tiến bạc rủng rỉnh? Áo xống tử tế, diện mạo tươi nhuận, đỏ da thắm thịt. Hắn ngồi xuống ghế. Cách bề rộng của chiếc bàn, người đàn bà ngửi được mùi dầu thơm từ phiá kẻ đối diện lùa qua. Một thứ mùi dễ làm nhột mũi, ưa hắt hơi. Thoang thoảng chút gợi dục.
- Có lẽ tôi lại nhờ chị một lần nữa.
Người đàn bà đón lấy điếu thuốc. Hơi chồm người qua để dí mặt vào ngọn lửa vừa được thắp lên.
Khói thuốc thơm. Ai bảo thế? Nó hôi và độc hại. Biết vậy, nhưng đôi khi người ta cần nó. Để tính toan. Để cứng rắn. Để mơ mòng. Để hoài nghi. Để tỉnh thức. Mặt người đàn bà phủ màn ngờ vực. Bà từ tốn đưa ra câu hỏi, hơi e dè:
- Lại chém người?
- Không. Lần này nhờ chị dắt nó đi phá thai.
- Chuyện nhỏ.
- Tìm chỗ đáng tin cậy. Làm ăn vén khéo. Chớ quan hoài chuyện tiền bạc.
- Nó đã mang thai rồi sao? Chóng thế? Làm sao biết?
Người đàn ông cười. Tiếng cười khô, sặc; nghe tựa tiếng ho.
- Có những niềm riêng người ta dấu kín như thứ bí mật quốc phòng. Như mèo dấu cứt. Nhưng mang thai. Trời, nó lộ liễu quá, chị không thấy sao?
Trên bàn chẳng có gạt tàn, người đàn bà ném điếu thuốc hút dở xuống đất rồi dí dép nhựa lên trên, đay nghiếng, chà đạp. Giọng người đàn ông tuôn đều đều, như tụng kinh:
- Phải làm sớm. Có thể dăm bữa nửa tháng nó sẽ đi mất đất sang Đài loan.
Uống hết ly nước. Người đàn bà đứng lên.
- Chị có gì để hỏi không?
Người đàn bà ngó quanh, bước tới mở vòi nước để rửa tay. Trên vách có treo tấm gương soi, bà nhìn vào đó và trông thấy mặt con mẹ nào thật lạ lẫm. Bà để những ngón ướt nước vuốt tóc con mẹ ấy. Nước mát lạnh thật dễ chịu, làm trán bớt cau có. Bất thần vuông gương hứng thêm khuôn mặt mày râu nhẵn nhụi của gã đàn ông.
- Cỡ như tôi muốn sang Đài loan đổi đời có dễ không?
Bà nói mà không quay mặt lại. Nhìn cái môi dầy trong gương nhóp nhép:
- Chị thật biết nói đùa.
- Sao?
- Con bé ấy mới có mười bảy tuổi. Nó mới thất thân lần đầu và tương lai sáng lạng hẳn còn rộng mở. Tụi đàn ông Đài loan không phải đứa nào cũng đui chột. Vả lại chị đi rồi tôi biết trông cậy vào ai? Rách việc mất.
Người đàn bà tắt vòi nước. Chùi hai tay vào vạt áo.
- Quan trọng vậy sao?
- Phải. Ngày mai nhé. Khoảng tám chín giờ cho đất trời mát mẻ. Tôi biểu nó chờ chị ở đây.
- Tôi đã già chưa?
- Chị phải biết điều đó hơn ai cả. Sao lại đè tôi mà hỏi?
- Giả như anh đè tôi ra giờ này chắc tôi sẽ không có phản ứng gì ráo.
- Là sao?
- Trên người tôi chẳng có thứ gì hấp dẫn cả, phải không?
- Đừng nói vậy. Đàn ông xứ này còn tệ hơn bọn Đài loan Hàn quốc nhiều. Không tin hả? Đêm hôm chị đi lơ ngơ một mình, chúng hiếp cho nát người ra.
- Thôi, tôi đi. Mất thì giờ!
- Vậy nhé. Trăm sự nhờ chị. Lo chuyện này xong, thưởng công, chúng ta tắm táp sạch sẽ cùng nhau ôm ấp làm việc đại sự. Để chứng minh: Với tôi, chị còn hấp dẫn chán. Tiền bạc không thành vấn đề, đúng không?
Người đàn bà bước qua ngạch cửa. Nhà hàng xóm có ai đốt vàng bạc, hứng trong thau nhôm, đặt ở sân đất. Khói mù mịt, che bít lối đi.
- Đéo mẹ!
Người đàn bà chửi vào khoảng không.
3.
- Tôi chạy xe ôm đã sáu năm. Có nghĩa là cô nên tin tôi. Tôi tựa như thổ địa vậy. Biết thổ địa là gì không? Là ma xó đó. Địa chỉ nào, đường phố nào, hẻm hóc nào mà tôi hổng rành!
- Có xa không chú?
- Cô sốt ruột rồi sao? Ngồi chưa nóng đít! Ừ, mà tôi hiểu. Ai cũng thế cả, tâm trạng chung. Ở phương xa về thăm lại quê cũ mà, ắt phải nóng lòng.
- Nhà cửa ngỗn ngang… Trước đây có đông đúc vậy không chú?
- Trước đây là bao giờ? Mà thời nào cũng thế, phố phường thì lúc nào cũng chộn rộn. Ở bển chắc dữ dằn hơn nhiều, phải không cô?
- Chú có thân nhân sống ở nước ngoài không?
- Làm gì có. Vô phước là ở chỗ đó. Tôi sống với mẹ già, mình bỏ trốn, lấy ai nuôi bả. Người có tình cảm thường cực thân. Không bì được với bọn vô tâm, chúng hơi bị vô tư thoải mái ở đời thường!
- Đời thường là gỉ?
- Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Chắc cô quên tiếng Việt đương đại đã bộn bề?
- Đương đại là gì?
Chú lái xe ôm đã không trả lời. Cô gái ngồi sau bấu cứng chéo áo nhìn cảnh vật hoang đường vất chạy lui sau. Xe gắn máy giã từ phố thị, chạy qua cầu xi măng, rẽ xuống đường đất, song song với con lạch cạn nước. Nước màu đen. Cắm xuống thân nó là những cọc gỗ xiêu vẹo, hứng đỡ bên trên thứ nhà cửa rách nát vá víu bằng nhiều tấm bià cứng. Mì ăn liền hiệu Mamy. Sữa đặc hiệu Hột xoàn… Xe chạy bên này và mùi hôi rượt đuổi bên kia. Mùi bùn, mùi rác và mùi quen thuộc của loài người: Cứt! Có người đang ngồi ỉa, đưa cái đít sần sùi ra và vật bị thải đang chực rơi xuống vũng bùn. Con lạch, cái mương, cái ao này trước đây hẳn nhiều cá? Uổng! Cá không còn mà quây quần đớp hít động đậy dưới chân bèo. Cá đã bỏ chốn cũ để ngơ ngác ra hoà nhập với sông hồ nước cao sóng lớn biển mặn dâng tràn tai ương.
- Chỗ này sao xác xơ vắng lặng vậy chú? Có đi nhầm nơi không?
- Không. Đến rồi. Xuống đi.
Xe dừng trước cái chòi lá nằm khuất sau bụi cây. Gã cúi mặt sửa lại vành nón tai bèo như không muốn cô gái nhận diện. Chân sang số, vặn tay ga. Xe gầm gừ quay một vòng, tìm đường cũ mà truy phong. Cô gái đứng một mình, gần như đồng không mông quạnh. Bụi cây ra hoa, ngầy ngật tỏa ngát hương thơm. Không. Hoa vô hương vô sắc. Mùi thơm kia vốn từ cơ thể cô mà phát sanh. Chanel hay Gucci? Làm sao biết được? Hương đồng cỏ nội đã cúi rạp mình mà say khướt trong gió thoảng ngất ngây. Cô nắm chặt sợi dây da ở cái xách đeo vai. Hoang mang, hối hận. Lạ! Sao chú kia lật đật quày quả đến nỗi quên nhận tiền cô trao. Thơ ngây! Cô không hề tưởng tượng được gã ấy đã run tay nhận nửa triệu trước khi sà tới đón cô ở cổng khách sạn. Túi cộm tiền. Im re và đứng cúi đầu. Đù má, mày cà chớn ông thịt bà già mày cú một. Hiểu không? Hiểu. Thà bất nhơn chứ chẳng thể bất hiếu. Gã rồ máy xe, ồn ào để khỏa lấp những lo toan. Và sau đó tuân thủ một cách đúng bài bản, phép tắc. Hợp quy định, đạt chỉ tiêu của mấy ổng đề ra. Vất cô gái xuống điểm X đánh dấu mực đỏ trên bản đồ bỏ túi.
Cô gái thò tay vào túi xách sờ nắn, lôi ra được cái điện thoại di động. Đã trễ. Hai thằng đàn ông đưa cả bốn tay bịt mồm ôm cứng cô ta. Mùi hương của cô, nước da trắng ngần không tì vết của cô vô tình trao cho chúng tất cả sức mạnh, vượt ngoài mức đòi hỏi khi muốn khống chế một kẻ chân yếu tay mềm. Hồ hỡi phấn khởi là thứ phương ngữ nghèo nàn, chẳng nói hết nổi mừng vui đại thắng của chúng.
Buổi chiều ở đấy thật êm ả. Hoàng hôn chưa về, mây trắng còn bay hững hờ trên nền trời xanh. Chẳng một cánh chim đảo qua. Tịch lặng. Nước mắt cô gái chảy đầy, ướt cả bàn tay hung bạo. Cho hay có khi, có nơi, ban ngày ban mặt mà quỉ dữ vẫn lộng hành!
4.
Người đàn ông đứng tần ngần, mặt lộ vẻ hốt hoảng pha chút phiền muộn, mệt mỏi. Chỗ ông đang đứng, thú thật chẳng mấy ai ưa đặt để đôi chân. Trụ sở ấy, tự bản thân, nó toát ra cái gì đấy, ngầm đe dọa. Nó là đường ranh mong manh chia cắt giữa nhất nhật và thiên thu. Tạm trú và thường trú. Nhà cửa và chấn song ngục tù.
- Vào đi.
Cánh cửa khép hờ. Tiếng nói từ bên trong vọng ra, nhắm tới ông. Ông xô cửa, mỏi gối chồn chân, đá cứng chân mềm. Nền gạch hoa đen trắng vuông tròn đánh lừa nhãn quang rối bời hai con mắt mông lung. Đồ vật trang trí trong phòng đa phần nhuộm sắc đỏ. Băng-rôn, biểu ngữ, cờ xí, huy hiệu, sơ đồ, biểu đồ ngành nghề thảy đều đồng phục. Nóng. Màu cách mạng. Ngộp thở.
- Ngồi đấy.
Ông ngó xuống chiếc ghế trống. Cái bàn gỗ tiệp màu và đàng sau gã công an mặt cau có vừa ban phát mệnh lệnh.
Ông ngồi. Ở một chiếc ghế kê sát vách, lùi sâu góc phòng có đứa con gái ôm mặt khóc nấc. Đầu tóc rối và lụa là nhăn nhàu, sắc diện áo quần thảy lấm lem bất thường.
- Ông là Trần văn đại Gia?
- Dạ phải.
- Hừ. Tên nghe oách nhỉ? Giấy chứng minh nhân dân đâu?
Người đàn ông trình tấm thẻ căn cước bọc nhựa, vói người đưa bằng cánh tay run.
- Quan hệ thế nào với cô Minh Đài?
- Thưa nó là cháu tôi, gọi bằng cậu.
- Là thế nào? Phải nói cho rõ.
- Là tôi có bà chị ruột. Lập gia đình rồi chỉ mang thai, chỉ đẻ ra đứa con gái duy nhất, đặt tên là Nguyễn thị Minh Đài. Tôi là cậu nó, là em má nó.
- Được. Lần gặp gỡ mới nhất của hai người?
- Dạ… dạ e đã có hơn mười năm. Má nó làm giấy tờ bảo lãnh, rồi thì biền biệt cách chia.
- Rườm lời! Có nghĩa là từ khi cô ấy về thăm lại quê hương giàu mạnh ông chưa hề gặp mặt?
- Chưa hề.
Người đàn ông nhìn tới hướng cô gái. Giọng ông òa vỡ cốt cho cô ấy nghe ra:
- Tại sao vậy cháu? Chớ tội tình chi mà cháu phải chịu đọa đày! Đột xuất. gây nên sự cố bất ngờ mà làm gì? Muốn cậu ngạc nhiên mà làm chi. Cậu đã già, tim mong manh lắm Đài à. Đường Yên Đỗ không bước lại nhắm chốn đoạn trường mà đi!
Ông ca cẩm, ông càm ràm mà như đang đọc thơ Kiều. Lời lẽ tuồng như oán trách số phận. Hồng nhan đa truân. Người bạn dân tỏ vẻ khó chịu khi nghe qua. Đưa tay ra dấu cho một tên công an còn trẻ lại gần:
- Sang phòng bên xem thử đã thu hoạch được gì?
Phòng bên cách ngăn bằng tường vôi viết đầy khẩu hiệu ca tụng sự chí công vô tư. Cửa gương mờ đục được mở ra.
- Chuyện gì?
- Anh Năm bảo diễn tiến vụ việc đến ngang đâu?
- Đấy. Cái túi xách của cô ta chứa đựng toàn những thứ linh tinh. Son phấn mỹ phẩm. Một cuốn sổ ghi địa chỉ, số điện thoại. Mười lăm ngàn tiền Việt nam kẹp bên trong. Hai thỏi kẹo cao su. Một đĩa CD. Một miếng băng dùng khi có tháng. Hết. Không có đô la, chẳng có tài liệu gì sất.
- CD à? Nghe thử chưa?
Dưới chân dung Hồ chủ tịch, dưới hàng chữ “Không có gì qúy hơn độc lập tự do”, ở trên cái tủ sắt sơn xám có đặt để chiếc máy màu đen. Một trong ba gã công an cầm dĩa nhạc tới, mở Power, bấm Play, sờ nút Volume: “… Un jour, j’irai là bas, un jour dire bonjour à mon âme…”
- Nhạc gì thế? Tiếng Mỹ hay tiếng Liên xô thế?
- Tiếng Đan mạch đấy. Việt kiều từ Đan mạch về mà lị.
- Ừ nhỉ. Đan mạch là chốn nao? Chúng mày biết nó rêu rao những gì bên trong?
- Im coi nào. Nó có nhắc tới Việt nam nữa cơ. Lại tuyên truyền cái gì đấy phỏng?
- Bố khỉ! Cơ quan mình có đồng chí nào am tường tiếng nước ngoài không?
Câu hỏi chẳng có trả lời. “…images de la guerre. Un film de Coppola, des helicopters…”
- Bực cả mình. Thu cất cái này làm tang chứng vật chứng. Có khi nhờ nó mà ta điều tra được cả một chuỗi âm mưu thâm độc chăng?
- Bắt buộc rồi. Thưa với anh Năm là bảo cô ấy nghiêm chỉnh viết bản tự khai, dịch minh bạch lời bài hát là rõ.
- Nhất trí.
5.
Người đàn bà chận gã mặc đồng phục bệnh viện ở hành lang thắp sáng dãy đèn xanh mướt.
- Sao rồi?
- Tiền bồi dưỡng đâu? Con bé đang nằm nghỉ. Khoảng nửa giờ thì có thể về nhà.
Người đàn bà bắt tay thằng đàn ông. Trong hai bàn tay nắm ơ hờ kia là khoảng tiền trà nước buộc phải có, bất thành văn tự. Cả hai bàn tay từng thấm nhiều máu. Bên chém người và bên cứu người, moi từ cửa mình chật hẹp ra cục máu chưa tượng hình. Rồi cái cửa mình lắm chuyện ấy sẽ rặn đẻ, vất ngoài cõi đời những đứa con lai Đài loan. Nhưng đó là chuyện mai hậu. Hiện tại, đứa con gái nhắm hờ đôi mắt, dang tay dạng chân nằm trên giường với nước da tái.
- Đau không?
Con bé mở bừng mắt ra. Mắt long lanh, mắt như biết cười khi nhìn thấy người đàn bà.
- Đau chớ. Thằng bác sĩ nó vọc rõ lâu. Nó còn đòi cạo lông cắt tỉa nghệ thuật cho em nữa cơ. Khiếp! Bàn tay nó nóng một cách lạ lùng. Bận sau lỡ có vào cô nhớ tìm cho em bà bác sĩ thì tốt hơn. Đàn bà với nhau… Cô hiểu không?
- Biết đau đớn ê chề thì tại sao còn nói tới bận sau?
- Bao lâu thì về hả cô? Chân đang còn run.
- Không gấp. Hồi nào cưng nghe khỏe hẳn tính.
- Mồm miệng đắng chát. Dắt em đi ăn tô phở cao cấp hả cô. Tự dưng sao thèm quá mạng!
Phòng có hai giường, ngăn chia bằng tấm màn vải màu xanh vấy bẩn ở đường biên. Chỗ vấy bẩn đang có bàn tay kéo nó sang bên. Tiếng những khoen sắt móc trên màn chạy xô về một phía nghe ê răng.
- Cậu đưa cháu về khách sạn đi. Cháu hãi chỗ này quá.
- Thì mình cũng nên làm đúng thủ tục. Xem kết quả vết thương có bị nhiễm trùng không đã. Bịnh ết, bịnh xi-đa, giang mai lậu mủ các thứ.
- Họ đòi bao nhiêu hở cậu?
- Trước mắt là ba triệu. Sau đó thì linh động gia giảm tùy theo mức độ khám nghiệm thuốc men.
- Gì mà dữ thế?
- Ai biểu cháu làm Việt kiều. Cháu nổi bật giữa đám đông mà cháu không hay biết.
Người ta thèm khát, người ta ganh tị, người ta đố kị những thứ mà cháu có.
- Mai mốt cháu lấy vé máy bay. Cháu về lại bên ấy sớm. Cậu đừng buồn nhé. Chuyến đi thăm quê hương vỏn vẹn đúng ba ngày.
- Cậu không buồn. Cậu trách mình lúc nào cũng bó tay trước nghịch cảnh. Cậu bất lực, cháu đừng giận, xin thông cảm. Mình người Việt với nhau mà sao…
Người đàn ông bỏ lửng câu nói. Mắt đỏ hoe. Hai tay xoắn xít với nhau, bức rức, rối rắm.
- Chuyện gì đã xẩy ra?
Người đàn bà ngồi giường bên cạnh hỏi vọng sang.
- Chuyện đau buồn cá nhân giòng họ. Chị hỏi làm gì?
- Chỉ mặt thằng nào đã hại cô này. Tôi cam kết với ông là sẽ chém nó theo yêu cầu. Từ chết tới bị thương…
- Cám ơn tấm lòng nghĩa hiệp của chị. Lúc này đây người tôi đang bị bằm vụn ra. Tôi đang là kẻ u mê ám chướng. Nhưng mà chém, biết chém chừng nào mới thôi? Bọn gian ác lúc nào cũng hằng hà sa số. Chị không thấy mỏi tay sao?
Người đàn bà ngậm câm. In tuồng sát thủ đã nhìn ra chân lý, vỡ lẽ mọi căn nguyên.
- Cháu nằm xuống một tẹo, đắp chăn lên. Cậu ra ngoài tranh thủ hút điếu thuốc và gọi một chiếc taxi.
Người đàn ông kéo lại tấm màn vải. Bước ra hành lang, đi xiêu lạc. Ông xô cửa, bóng tối đổ ập xuống thành phố. Đèn đường bừng sáng và những con thiêu thân bắt đầu lao vào với tất cả sự mù lòa.
- Oan nghiệt!
Người đàn ông nói một mình. Ông đốt lửa điếu thuốc và hút nó với điệu bộ của một con nghiện đang lên cơn.
- Chị Sáu ơi! Đớn đau quá chị Sáu ơi! Ngày xưa vượt biển chị bị bọn hải tặc Thái lan hãm hiếp đến khờ khạo, giờ này đứa con duy nhất lá ngọc cành vàng của chị cũng bị bọn đầu trâu mặt ngựa Việt nam thay phiên làm nhục ở cố hương. Nó về thăm em mà làm gì? Thăm thằng cậu tật nguyền này mà được cái chi? Ta về ta tắm ao ta… Mả cha cuộc đời quá vô hậu!
Hồ Đình Nghiêm
Tháng Tư, 06
© gio-o.com 2008
==============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ