Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

đọc thêm (2) : " chân dung của Nhất Linh được thời gian trả về sống động "/ Vinh Nguyen -- nguồn: Nét Quảng (VN)

 

Chân dung của Nhất Linh được thời gian trả về sống động

 VINH NGUYEN 

“Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả!” – nhà văn, chính trị gia Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam. Đã đến lúc bức chân dung của Nhất Linh được thời gian trả về sống động, chi tiết và đầy đủ hơn qua cuốn sách này.

Nhất Linh, cha tôi – tập hồi ký của Nguyễn Tường Thiết được công bố lần đầu năm 2006 ở Hoa Kỳ, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn, chính trị gia Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam. Đây là cuốn sách có giá trị về phương diện tư liệu lẫn văn chương; phác họa chân dung Nhất Linh, một nhân vật lịch sử lớn trong văn chương và chính trị Việt Nam hiện đại nhiều biến động.

Cuốn sách dày 290 trang, tập hợp các bài viết của tác giả trong suốt nhiều năm từ 1964 đến 2006. Đó là ký ức của con trai Nguyễn Tường Thiết về người cha mà đến năm 10 tuổi ông mới được gặp. Những góc khuất trong cuộc đời chính trị và văn chương đầy sóng gió của Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam được thể hiện rõ nét, chi tiết. Đặc biệt là những năm cuối đời, cánh chim đầu đàn của Tự lực văn đoàn vào Nam, sống ẩn dật, những phản kháng và chủ động chọn lựa cái chết, để lại câu nói đầy khí chất trí thức: “Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả!”

Cuốn sách còn là hành trình tìm về nguồn cội khai sinh Tự lực văn đoàn, về cố xứ, gặp lại những chân dung văn chương, trí thức một thời, soi rọi vào thế sống của những người có ảnh hưởng trong lịch sử cho đến những người lặng lẽ hy sinh trong gia đình tác giả. Trong đó, sẽ có nhiều chi tiết lần đầu được công bố, chắc chắn sẽ nhiều tranh cãi…

Được sự thuận tình của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, lần đầu tiên hồi ký “Nhất Linh, cha tôi” ấn hành trong nước, với hy vọng giúp độc giả hình dung rõ hơn bức chân dung Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam vượt trên mọi định kiến, thêu dệt tùy tiện bấy lâu; cũng là thấy được không khí trí thức đầy ngổn ngang của một thời kỳ.

Sinh năm 1940 tại Hà Nội. Ông là con trai út của nhà văn Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam. Trước 1975, ông là giáo sư Toán Lý Hóa; phụ trách nhà xuất bản Phượng Giang. Ông định cư Mỹ từ sau 1975.

“Những tiếng gõ “cạch! Cạch!” của Vũ Hoàng Chương trên quan tài Nhất Linh.

Những tiếng bí mật của định mệnh, của một cái chết, của nhiều cái chết, trong dòng lịch sử.

Dường như anh đã ghi lại được tất cả những âm thanh vô nghĩa mà lại có khả năng dội vào tâm khảm người đọc như một định nghĩa.

Định nghĩa của bí mật.

Đọc anh [Nguyễn Tường Thiết], “chúng tôi” đã “biết hết” về cái chết của cha anh và hai chú anh, để rồi kết luận rằng: Họ đã mang theo tất cả bí mật của đời mình, khiến “chúng tôi” ngơ ngác, không hiểu.

Nhất Linh có mặt hay vắng mặt? Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, đã một lần thật sự hiện hữu?”

(Nhà phê bình Thụy Khuê)

Vinh Nguyen

Theo DoanhNhân+

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ