Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

đọc thêm (1) : " Phan Khôi & sự chôn vùi Phan Khôi "/ Thụy Khuê ( Paris ) -- source: https://www.rfi.fr>

 

Phần XVI : Phan Khôi - 

Bài 1: Phan Khôi và sự chôn vùi Phan Khôi

Phan Khôi
Phan Khôi DR

Phan Khôi là khuôn mặt học giả phản biện duy nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX. Là lãnh đạo tinh thần của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, Phan Khôi đã bị bôi nhọ trong "sử sách", qua từ điển, qua những bài của các học giả, nhà văn, nhà báo lão thành như Hồng Quảng, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Công Hoan, Phùng Bảo Thạch.


Sau Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Khôi tiếp tục xây dựng những nền móng mới cho Việt học, bằng phương pháp độc đáo:phân tích, phê bình và phản biện, mà những người trước và sau ông cho tới nay chưa mấy ai đạt được: Phải viết lịch sử cho đúng, kể cả các chi tiết nhỏ. Phải viết tiếng Việt cho đúng từng câu, từng chữ, từng chữ cái, từng chấm, phẩy. Phải dùng từ Việt và từ Hán Việt cho thích hợp. Phải hiểu Khổng học cho đúng. Sự tìm hiểu nguồn gốc ngôn ngữ và triết học Tây phương đi từ Thánh Kinh. Nữ quyền bắt đầu với Võ Tắc Thiên. Phan Khôi luôn luôn tìm đến nguồn cội để giải thích vấn đề. Là một nhà báo, nhưng không phải nhà báo bình thường. Là một học giả, nhưng không phải học giả cổ điển chỉ biết nghiên cứu. Phan Khôi là khuôn mặt học giả phản biện duy nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX.
 
Tạ Trọng Hiệp là người đầu tiên, tại hải ngoại, đặt vấn đề nghiên cứu lại Phan Khôi trong buổi trả lời phỏng vấn RFI năm 1996. Chỉ vào tập ronéo cao vài thước, ông nói: "Tôi đã xin được của Thanh Lãng, lúc đó còn là giáo sư đại học văn khoa Sài Gòn đã sưu tầm những bài viết trên báo xưa, bỏ tiền thuê người đánh máy, cho sinh viên học, trong đó có khoảng 5, 6 trăm trang của Phan Khôi viết trên Phụ Nữ Tân Văn. Thế nào chúng ta cũng phải đọc và giới thiệu Phan Khôi với giới trẻ ngày nay trong nước, vì họ chẳng biết gì về ông này cả!". Về tiểu sử Phan Khôi, Tạ Trọng Hiệp xác nhận: Bản đầy đủ nhất về tiểu sử Phan Khôi là bản của Hoàng Văn Chí viết trong Trăm Hoa đua nở trên đất Bắc. Đó là tình trạng năm 1996.

Năm 2010, nhà thơ Lê Hoài Nguyên (tên thật Thái Kế Toại, nguyên Đại Tá công an, trực thuộc A 25, đặc trách về NVGP) cho biết tình trạng chung hiện nay như sau:
 "Tại miền Bắc cuốn Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà án dư luận là tài liệu duy nhất tập hợp các bài tổng kết phê phán chính thống về NVGP. Một số người nghiên cứu do không có tư liệu, thường dựa viết theo cuốn này khi phải nói về giai đoạn 1954-1960(...) Như vậy trong nước chưa có một cơ quan nghiên cứu nào, một nhà nghiên cứu nào thực sự bắt tay nghiên cứu về NVGP. Hầu như toàn bộ các thế hệ sau không biết mặt mũi các ấn phẩm NVGP là thế nào, người ta chỉ lặp lại các luận điệu chính thống mỗi khi nói về nó. (...) Ở một số cuốn hồi kí khi đến giai đoạn này người ta chỉ lướt qua một vài dòng, kể cả hồi kí của Đào Duy Anh, Vũ Đình Hoè, Gia đình Phan Khôi, Vũ Ngọc Phan, Tố Hữu... Nghĩa là việc nói lại một cách rành mạch về NVGP vẫn còn là một việc cấm kỵ hoặc ít ra là khó nói!

Trong phần kết luận, Lê Hoài Nguyên viết:
"Trong một xã hội đã kéo dài hơn nửa thế kỷ về sự mê muội dân trí, về sự độc tài về chính trị, sự lừa dối, sự đầu độc để có sự đồng thuận về vụ NVGP và các nhân vật của nó thật khó như đáy bể mò kim… Nhưng trong đêm tối không phải không có những người đã nhìn thấy ánh sáng của chân lý. Sẽ có nhiều người phản đối tôi. Nhưng chẳng lẽ cứ im lặng mãi. Mỗi người chỉ là một góc của thế giới, và người ta bị thôi miên nữa, người ta cả tin. Tôi nghĩ đau khổ nhất của con người là đánh mất lý trí, là không hiểu, không thấy được thế giới thật đang ở bên mình. Họ đã sống và tàn sát đồng loại và tự biện minh bằng một cái mục đích hão huyền vô nhân tính. Vào những năm đầu đổi mới, tôi đã viết trong bài thơ "Thế giới đang tồn tại""Bi kịch thay cho những dân tộc chỉ tin vào những thần tượng, những tín điều."
(Lê Hoài Nguyên, Vụ Nhân Văn- Giai Phẩm từ góc nhìn một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành, mạng nguyentrongtao tháng 8/2010).
 
Đây là bài viết công khai đầu tiên của một người trong ngành công an, đã từng có trách nhiệm trong hơn 20 năm về hồ sơ NVGP. Một bài viết can đảm. Không những cho chúng ta những thông tin mới, những nhận định ngay thẳng, mà còn đòi hỏi sự sòng phẳng với quá khứ về mặt văn học và lịch sử.

Hoạ sĩ Trần Duy, trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 120 năm sinh Phan Khôi (6/10/1887-6/10/2007), không được đọc trong buổi lễ, viết:
"Ông Phan Khôi không còn nữa, nỗi oan khuất của đời ông vẫn chưa có người giải!
"Nỗi oan của nàng Đậu Nga" trong Kinh kịch nổi tiếng của Trung Quốc đã được minh oan. Nỗi oan trái của gia đình Nguyễn Trãi − Thị Lộ đã được minh giải. Nguyễn Du chưa đến ba trăm năm sau đã được đồng bào của mình thấu hiểu. Riêng nỗi oan của Phan Khôi, cái mà ông quý nhất, gìn giữ nhất là phẩm giá, thì đã bị bôi nhọ, bị chà đạp. Ai là người minh giải?
Tiếng thở dài và tiếng chép miệng của ông trong những ngày cuối cùng như còn vọng lại. Sinh thời, mỗi lần ông nói đến một nỗi oan khuất nào đó của người đời, ông vẫn thường nhắc đến tiếng cóc kêu với trời! Gió mưa là do chuyển hoá Đông - Tây của thời tiết, nhưng vẫn có người tốt bụng tin rằng: Trời mưa nhờ có cóc kêu." 
(Trần Duy, Tưởng niệm về Phan Khôi đăng trên Talawas ngày 18/6/2008)

Công trình sưu tập của Lại Nguyên Ân
 
Từ giữa năm 2000, Lại Nguyên Ân bắt đầu sưu tầm tác phẩm Phan Khôi. Đến nay đã ra được 4 tập Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo, từ 1929 đến 1932 và cuốn Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn, do các nhà Đà Nẵng, Hội Nhà Văn và Tri Thức in. Tổng cộng: 4706 trang, không kể sưu tập năm 1932, khổ lớn (16x24). Các sách này đều có  trên website của Lại Nguyên Ân: lainguyenan.free.fr. Bản điện tử có vài chỗ sửa lại chữ của Phan Khôi, ví dụ tấn sĩ thành tiến sĩ, có lẽ không nên. Những công trình này, cho giới nghiên cứu, là bước đầu cơ bản tiến tới  một tuyển tập Phan Khôi, ngắn gọn hơn cho mọi từng lớp độc giả.

Sưu tập của Thanh Lãng trước 75, cũng được xuất bản, dưới tiêu đề 13 năm tranh luận văn học 1932-1945, 3 tập (Văn Học, tp Hồ Chí Minh, 1995). Bộ sách này so với bản ronéo của Thanh Lãng có chỗ bị cắt, không hoàn toàn trung thành với bản chính như việc làm của Lại Nguyên Ân. Ngoài ra, còn có sưu tập Sông Hương (1/8/1936-27/3/1937) của Phạm Hồng Toàn (Lao Động và Đông Tây, 2009). Hiệnhững bài viết của Phan Khôi trong khoảng 1918-1928 và 1933-1942, chưa được sưu tầm.

Tác phẩm đã in: Chương dân thi thoại (Đắc Lập, Huế, 1936), Tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra [Phổ thông bán nguyệt san số 41; (16/8/1939), Hà Nội], Việt ngữ nghiên cứu (Văn Nghệ, Hà Nội, 1955). Về dịch thuật, ngoài bộ Lỗ Tấn, tác phẩm đồ sộ nhất của Phan Khôi là Bộ Kinh Tân Ước và 1/3 Kinh Cựu Ước của Hội Tin Lành. Đây là cuốn sách tiếng Việt được quảng bá rộng rãi nhất từ 1926 đến ngày nay nhưng không mấy ai biết là công trình của Phan Khôi.

Tạ Trọng Hiệp: Phan Khôi, người xa lạ

 Trong buổi nói chuyện trên RFI, thu thanh ngày 10/7/1996, phát trên RFI tháng 12/96 sau khi ông qua đời về bệnh ung thư ngày 25/10/1996 tại Paris, Tạ Trọng Hiệp nói:
"Nếu tôi có can đảm viết, có thì giờ, và tôi không đau ốm quá, thì tôi sẽ viết về Phan Khôi, và sẽ đặt nhan đề là Phan Khôi: Người Xa Lạ. (...)
Tôi gọi Phan Khôi là Người xa lạ, là vì từ những năm 56, 57 trở đi, qua hiện tượng đấu tranh của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, thì sau đó có một cuộc đàn áp ghê gớm của nhà cầm quyền Hà Nội. Và từ đó đến nay, đã có rất nhiều thay đổi về tình hình trong nước (...) đã gần như không còn chỉ thị cấm kỵ gì nữa. Nhưng hình như với riêng một số người -chứ không phải toàn bộ- cứng đầu nhất trong Nhân Văn Giai Phẩm, trong đó có Phan Khôi, thì những cấm kỵ ấy vẫn còn, còn dưới nhiều hình thức lắm.

Thứ nhất là không nói đến Phan Khôi. Không nói đến Phan Khôi, làm như là không có hiện tượng Phan Khôi. Phan Khôi không xuất hiện ở trên trái đất này.
Nhưng tìm nhiều thì thấy có một vài trường hợp không thể tránh khỏi, nên miễn cưỡng, họ phải làm ra một tiểu sử về Phan Khôi. Trong một cuốn sách ra cũng lâu lắm rồi, từ năm 1972, tập 2 của bộ Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam, thì ở mục số 50, có một trang rưỡi dành cho Phan Khôi. Nội dung bài viết và phong cách câu văn làm ta sống lại những năm chung quanh vụ đàn áp Nhân Văn Giai Phẩm, mà đỉnh cao là về sau, xuất hiện dưới hình thức một cuốn gọi là Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà án dư luận, in năm 1959 (...) Người nào có cuốn ấy thì thấy trong đó có ba, bốn bài gì đó, tập trung nện cụ Phan Khôi bằng đủ mọi cách, bằng những bịa đặt rất là bẩn thỉu, để chứng minh rằng ngay từ khi còn thiếu niên, Phan Khôi đã là người không ra gì. Và người viết không phải là người lơ tơ mơ đâu, đây là những người nổi tiếng có cá tính bướng bỉnh và có tinh thần phê phán rất ghê gớm như Nguyễn Công Hoan. Nếu tôi là con cháu Nguyễn Công Hoan, thì có lẽ lúc này tôi sẽ tìm những nơi nào có cuốn sách đó, đốt đi, để xóa một giai đoạn không tốt cho Nguyễn Công Hoan.

Còn riêng cá nhân tôi, Tạ Trọng Hiệp, thì tôi lại chủ trương ngược lại: Nhân dịp ta ra 1 hay 2 đặc san về Phan Khôi, thì cũng nên in lại vài bài, kiểu bài của Nguyễn Công Hoan hay là của một vài người khác đã viết về Phan Khôi, để ta nhớ lại, nhất là để giáo dục thanh niên ngày hôm nay, là đã có những thời gian mà trình độ văn hóa và đạo đức trong nước nó sa đọa đến một cái mức thấp mà không ai có thể ngờ được. Đây có tính cách giáo dục, mở đường cho tương lai. Ngày hôm nay thì những cấm kỵ, phần lớn đã được bỏ rồi. Nhưng mà người ta vừa bỏ cấm kỵ, vừa muốn cho chúng mình nghĩ rằng trong quá khứ có một vài sự hiểu lầm chứ chẳng bao giờ sa đọa đến nỗi bẩn thỉu như thế.
Đấy là chuyện nó cắt nghĩa tại sao tôi muốn gọi cụ Phan Khôi là người xa lạ. (...)
Tôi tiếp tục cái ý Phan Khôi, người xa lạ là người ta hình như cố tình xóa dấu vết về Phan Khôi .
 
 Để chứng minh luận điểm này, Tạ Trọng Hiệp đưa ra những bằng chứng:
1- Sự cố tình xoá tên Phan Khôi:
"Tôi cho một bằng chứng rất gần đây là Phan Khôi trong những năm 30 có một số bài tranh biện với cụ Trần Trọng Kim, sau khi cuốn Nho Giáo tập I, tập II của cụ Kim được in ra. Những bài của cụ Kim đáp lại Phan Khôi được nhà xuất bản Tân Việt, khi in cuốn Nho Giáo lần thứ 3, cho vào phần Phụ lục.(...) Bây giờ, muốn xóa dấu vết Phan Khôi cho tốt, thà là ta bỏ phắt cái phụ lục đi. Và quả nhiên, năm 1991, khi tái bản Nho Giáo ở Sài Gòn, người ta bỏ hẳn phần phụ lục ấy. Ta có thể đọc hết cuốn Nho Giáo mà vẫn không biết là Phan Khôi đã giới thiệu, đã có công rất lớn để giúp cho cuốn Nho Giáo của Trần Trọng Kim được giới có học, tạm gọi là trí thức hồi đó, tìm đọc. Và nhờ những biện luận của Phan Khôi mà có một số điểm sai lầm trong Nho Giáo được sửa lại. Như vậy là riêng về một tác phẩm mà Phan Khôi có công, và cái công đó đã hoàn toàn bị xoá bỏ, khi người ta tước cái phần phụ lục ấy đi".
 
2- Về nhà văn Sở Cuồng Lê Dư, em rể Phan Khôi:
"Ông Vũ Ngọc Phan, tác giả bất hủ của bộ Nhà Văn Hiện Đại, mà tôi cũng như mọi người, mang ơn rất nhiều trong thời còn trẻ (...) Những năm cuối đời, có đủ thì giờ, ông viết hồi ký rất tường tận. Đặc biệt ông dành riêng gần 100 trang để tả lại cái buổi ban đầu lưu luyến ấy, ông được gặp người yêu của ông và sau ông cưới làm vợ. Đó là cô Hằng Phương, người có quan hệ gia đình với Phan Khôi.
Tại sao tôi nhớ đến Vũ Ngọc Phan khi nói về Phan Khôi? Tôi muốn đưa ra một minh họa, đố ai chối cãi, rằng người ta cố ý, hay là quá sợ, người ta không dám nói đến Phan Khôi:
Ông Vũ Ngọc Phan, nhà anh hùng văn hóa này, ông anh hùng đến nỗi kể về cô gái đẹp như tiên, ông tả Hằng Phương tóc dài mượt. Cái gì cũng đẹp cả. Thế thì bố cô Hằng Phương là ai? Đọc hết cả tập hồi ký của Vũ Ngọc Phan  nhan đề Những Năm Tháng Ấy (...) cả thẩy 423 trang (...) vẫn không biết ông ấy tên là gì!
 
Ông bố của Hằng Phương là nhà văn Sở Cuồng, tên thật là Lê Dư!
Lê Dư, hồi trẻ, có một giai đoạn bồng bột, nghe theo tiếng gọi của nhiệt huyết yêu nước, xuất ngoại Đông du. Có sang Tầu, sang Nhật. Về sau ông ấy học khá giỏi tiếng Nhật. Nhưng sau một thời gian -mà tôi chưa nghiên cứu rõ, tôi chưa biết là bao lâu- ông ấy trôi giạt ở Thượng Hải. Vì đói quá, ông chuồn về Việt Nam. Và lại gặp lúc mật thám Pháp đang tìm cách dụ những người trí thức chống đối, về làm việc với nó, vì nó đang muốn mở ra một lối thoát cho trí thức nho học duy tân: Các anh đi con đường chống chúng tôi thì chết; nhưng nếu các anh đừng chống chúng tôi, mà lại có một hoạt động văn hóa, có lợi cho cả các anh lẫn chúng tôi, thì các anh sống được. Tức là bằng sự mở tờ Nam Phong. Một người có tư tưởng ôn hòa như Phạm Quỳnh đứng chủ trương.
Cụ Lê Dư về được bổ nhiệm làm chủ bút, giữ phần Hán văn của Nam Phong[thực ra Nguyễn Bá Trác làm chủ bút phần Hán Văn, Lê Dư cộng tác sau]. Thì chỉ vì những năm đó mà về sau Lê Dư bị mang một nhãn hiệu -sau khi Cộng Sản lên cầm quyền- gần như là một người phản cách mạng.

Cho nên Lê Dư cũng bị một số phận -tuy không nặng bằng Phan Khôi, nhưng cũng gần như thế- là trong bộ sách quý báu mà tôi hay dùng, Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam, tập II, ở mục số 19, có một tiểu sử Lê Dư, mà người cán bộ viết sách đó, lúc đó đang sống ở Hà Nội, có con gái cụ Lê Dư là bà Hằng Phương, con rể cụ Lê Dư là ông Vũ Ngọc Phan, con gái út cụ Lê Dư là vợ tướng Nguyễn Sơn, còn đang sống lúc bấy giờ ở giữa Hà Nội, mà họ dám viết tiểu sử Lê Dư bằng hai câu đầu như thế này: Không biết năm sinh và năm mất ở đâu. Lúc đó, cụ Lê Dư đang sống phây phây ở giữa Hà Nội (...) Vợ ông Lê Dư là em ruột Phan Khôi (...) tôi rất bất mãn khi ghi chép tiểu sử người ta, mà cứ giấu cái này, giấu cái kia. Nhất là cuốn hồi ký của Vũ Ngọc Phan, là người tôi mến trọng ngày xưa bao nhiêu, thì sau khi đọc cuốn hồi ký, tôi mất đi nhiều thiện cảm với ông ấy, chỉ vì cái chuyện hèn nhát của ông ấy: Tên bố vợ không dám nói, chỉ nói ông cụ làm ở Bác Cổ (...) Suốt mấy chục trang nói về ông bố của người mà mình sắp đến xin cưới con gái, không dám nói đến tên ông cụ là Lê Dư!
 
3- Về cụ Phan Trân, cha Phan Khôi:
"Điểm thứ ba, khi nói về tên ông ngoại của vợ mình là cụ Phan Trân. Trong suốt cả cuốn hồi ký đó, mỗi lần nhắc đến cụ thì cứ gọi cụ là cụ Phan Trần.(...) Ai có cuốn sách Những Năm Tháng Ấy của Vũ Ngọc Phan: Tên cụ là Phan Trân chứ không phải Phan Trần..
Và qua sự chắp nối với một vài điều đọc ở chỗ khác, thì dần dần tôi thử phác họa Phan Khôi là con cái nhà ai, sinh năm nào? Ở đâu? Đấy, cái này đã bắt tôi bỏ ra nhiều thời gian tìm kiếm, nó là khía cạnh khiến tôi đi đến một quyết định là nếu viết bài, thì tôi đề tựa: Phan Khôi: Người xa lạ? Với một dấu hỏi rất lớn vì quả thật là gốc gác, lý lịch và dấu vết về đời cụ Phan Khôi ngày nay gần như bị xoá hết cả rồi. (Tạ Trọng Hiệp trả lời phỏng vấn RFI, phát thanh những ngày 15, 22 và 29/12/1996).

Tạ Trọng Hiệp qua đời ba tháng sau khi nói những lời "thịnh nộ" này.

Đánh Phan Khôi, những văn bản ô nhục của trí thức :  Các học giả

Cuốn Lược truyện các tác gia Việt nam, quyển II, của Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Phú, Tạ Phong Châu, mục từ số 50, có đoạn như sau:

" 50. Phan Khôi (... -1960) (...) Phan Khôi đã được Mác-ty (Marty) gọi ra làm việc cạnh nó và viết báo Nam Phong. Trong phòng kín, Phan đã bí mật tố giác một số nhân sĩ yêu nước và bí mật hiến mưu dập tắt phong trào cách mạng"... Trong tạp chí Nam Phong, Phan đã viết những bài văn và bài thơ lừa dối (...) Phan đã tuyên truyền rầm rộ cho giặc dưới cái nhãn hiệu phỉnh nịnh là "Rồng Nam phun bạc".

Những việc làm của Phan Khôi "đã đẹp lòng bọn mật thám Mác-ty nhưng chỉ đem lại cho sĩ phu hồi đó sự căm giận khinh bỉ. Phan Khôi là một nhà Nho không những không có sĩ khí văn phong gì, mà đã tụt xuống bại vong quốc nô vô sỉ" (Xem bài Một nhà nho "tiết tháo" Phan Khôi của Phùng Bảo Thạch, đăng trong tập Bọn Nhân Văn - Giai Phẩm trước toà án dư luận, Nhà xuất bản Sự Thật, 1969, trang 76, 78). (...) Nhóm phá hoại Nhân Văn - Giai Phẩm đã bị vạch mặt và bị dư luận phê phán nghiêm khắc. Cuộc đời nhơ nhớp, phản bội cách mạng của Phan Khôi lần này được phơi bày ra ánh sáng. Hai năm sau, 1960, Phan Khôi chết ở Hà Nội." (mục từ Phan Khôi, sđd, trang 141).

Các "học giả" đã chép lại những đoạn vu khống nhơ bẩn nhất của Phùng Bảo Thạch để viết văn học sử, đại loại: "trong phòng kín, Phan đã bí mật tố giác" (nếu xẩy ra trong phòng kín, tại sao các "học giả" biết được?). Chúng tôi đọc tất cả những bài Phan Khôi (Chương Dân) viết trên Nam Phong, tuyệt nhiên không thấy chữ nào là "Rồng Nam phun bạc". Phùng Bảo Thạch, Hoàng Tích Chu và Tạ Đình Bính (cha của Tạ Trọng Hiệp) là những người sáng lập báo Đông Tây (1929-1932)màPhan Khôi cộng tác năm 1930-1931.
Trong cuốn sách này, có ba học giả bị kết án nặng nhất: nhưng Nguyễn Văn Vĩnh (mục từ 24) chỉ bị coi là thân Pháp. Phạm Quỳnh (mục từ 48), dù bị thủ tiêu, cũng chỉ bị coi là "tay sai đắc lực của đế quốc Pháp trong lãnh vực văn hoá và một tên Việt gian lợi hại chống cách mạng". Đặc biệt Phan Khôi bị bôi nhọ một cách bỉ ổi hơn cả.

Sự bôi nhọ Phan Khôi được chuẩn bị một cách hệ thống, chắc chắn phải do lệnh từ trên cao nhất của lãnh đạo, bởi Trường Chinh, Tố Hữu không đủ thẩm quyền để đánh Phan Khôi và họ cũng không có hiềm khích gì với Phan Khôi, và phải dùng những học giả, nhà văn, nhà báo lão thành như Hồng Quảng, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Công Hoan, Phùng Bảo Thạch.

1- Hồng Quảng
Hồng Quảng làtên giả của một trong những học giả hàng đầu, là người chủ chốt. Bài Tính chất Phan Khôi hay ngựa quen đường cũ ký tên Hồng Quảng đăng trên Văn Nghệ số 11 tháng 4/1958, là bài chỉ đạo: Trầm tĩnh, lịch sự tối thiểu, không mày tao, chi tớ, có lúc còn gọi Phan Khôi là tiên sinh (dù trong nghiã mỉa mai), nhưng dần dần tiệm tiến "chứng minh" Phan Khôi là kẻ "phản quốc". Lập luận chính: "Phan Khôi chỉ học mót của Hồ Thích chứ không có tư tưởng gì cả". Hồng Quảng là "thủ trưởng" vụ đánh Phan Khôi, nhưng viết bài mà không dám ký tên thật luôn luôn là một hành động phức tạp: ở những kẻ có "tên tuổi", đây là hành động "kẻ cả", tỏ mình là "bề trên", không nhúng tay vào những việc nhỏ mọn. Nhưng đồng thời cũng chứng tỏ tác giả không tin vào điều mình viết, thậm chí còn xấu hổ nữa, nên không dám ký tên thật. Là ai chăng nữa, thì việc ký tên giả luôn luôn chứng tỏ người viết là kẻ tráo trở hai mặt, ném đá giấu tay. Tên giả thường chỉ xuất hiện một lần trong một "vụ việc" nào đó, rồi hết. Khác với việc nhà văn dùng nhiều bút hiệu để phân biệt lối viết và cách trình bày tư tưởng khác nhau của mình trên mặt báo.

Sự chỉ đạo của Hồng Quảng được Nguyễn Đổng Chi gián tiếp nói ra:
"Khi viết bài này, bạn Hồng Quảng ở tạp chí Văn nghệ (số 11) đã vạch cho ta thấy Phan Khôi “không phải độc lập sáng tạo” mà chỉ học mót lại những cái Hồ Thích đã nói từ lâu. Đúng thế. Phan Khôi là một tên học trò vụng về của Hồ Thích, mà Hồ Thích thì là một tên lính xung phong của thực nghiệm chủ nghĩa hay thực dụng chủ nghĩa của giai cấp tư sản phản động của đế quốc Mỹ do bọn Đi-uy (Dewey), Ram (James) và Mát (Mach) v.v… sáng tạo" (Nguyễn Đổng Chi, Quan điểm phản động, phản khoa học của Phan Khôi phải chăng là học mót của Hồ Thích? Tập san nghiên cứu Văn Sử Địa, Hà nội, số 41, tháng 6/1958, tài liệu Talawas).

Nguyễn Đổng Chi chỉ lập lại hai ý chính của Hồng Quảng: "Phan Khôi học mót của Hồ Thích" và "Phan Khôi có bộ óc dương nô" (nô lệ Tây Phương), để buộc Phan vào tội "vong bản, phản dân tộc". Ngày nay, nếu có phương tiện, cũng nên xác định Hồng Quảng, kẻ chỉ đạo việc đánh Phan Khôi trong giới học giả là ai, để hoàn lại cho người viết, cái trách nhiệm văn bản của mình. Bởi người cầm bút luôn luôn phải chịu trách nhiệm về những điều mình đã viết ra

2- Phan Khôi có "học mót" của Hồ Thích không?
Theo các "học giả" nói trên, thì những chủ đề Phan Khôi đưa ra trên báo, từ thời Phụ Nữ Tân Văn (1929) đến Sông Hương (1936) đều là "học mót" của Hồ Thích cả.
Vậy chúng ta thử xem Phan Khôi viết gì về người thày quý hoá này?

1- Trong bài "Lý với thế: Hồ Thích với Quốc dân đảng", năm 1929, Phan Khôi viết:
"Trong thời cuộc nước Tàu độ mười lăm năm trở lại đây, phải kể Hồ Thích là một người quan hệ lắm, quan hệ cả về mặt văn hóa và về mặt chánh trị. Thế mà mới ba năm gần đây, Hồ trở nên một người không hợp với thời cuộc, trái với dư luận, ấy là tại va gặp cái thế của Quốc Dân Đảng.
Độ Dân Quốc gây dựng được năm bảy năm chi đó, Hồ Thích bắt đầu xướng ra cái thuyết dùng bạch thoại thế cho văn ngôn, làm cho văn thể nước Tàu biến đổi ngay và từ đó tư tưởng người Tàu cũng phát đạt mau. Hồ là một tay Hán học uyên thâm mà lại đậu Tấn sĩ văn khoa nước Mỹ, bấy giờ vachỉ viết báo mà cổ động sự cải cách văn thể chớ đích thân va thì còn ở bên nước Mỹ chưa về. Lúc đó bọn thanh niên nước Tàu trông va về lắm, trông va về để làm người lãnh tụ dìu dắt bọn thanh niên lên trong đường cải cách.
Khi va về, trường Đại học Bắc Kinh liền rước làm thầy giáo (professeur) dạy khoa triết học. Ở đó vài năm, va làm được một cuốn "Trung Quốc triết học sử đại cương" là sách rất có giá trị trong học giới Tàu ngày nay". ("Lý với thế: Hồ Thích với Quốc dân đảng, Đông Pháp thời báo, Sàigòn, số 807 (18/12/1928, Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1928, trang 123-124)".

Bài viết có giọng của một người đàn anh (Phan hơn Hồ 4 tuổi) khen người đàn em, tuy trẻ tuổi mà đã nổi đình đám lắm, nhưng cũng chê Hồ không ít. Phan viết về một bữa tiệc ở Thượng Hải: "Hồ, chừng như cho mình là nhà triết học ngôn luận phải khác chúng mới được, bèn đứng lên nói một cách sỗ sàng. Đại lược va nói rằng thành phố phải độc lập về đường chánh trị (...) Va nói như vậy có gì lạ đâu, chẳng qua theo cái phép đô thị tự trị thì phải như vậy. Mới rồi các ông hội đồng quản hạt ta nói về việc tự trị của thành phố Vũng Tàu cũng nói như vậy mà có ai cãi? Cho nên khi Hồ nói xong thì có ý tự đắc".

Phan Khôi gọi Hồ Thích bằng vaVa là có ý coi thường. Không ai gọi thầy mình là va cả, nhất là một người dùng tiếng Việt như Phan Khôi, và cũng không ai "nhận định" về "người thầy tư tưởng" bằng một bài viết như thế. Phan Khôi gọi Trần Quý Cáp là thầy tôi; Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của là đại sư; gọi Lương Khải Siêu, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh (kém Phan 5 tuổi), là tiên sanh.

2- Việc Phan Khôi viết văn tự nhiên và rành mạch, không phải do ông học mót của Hồ Thích việc dùng bạch thoại. Trong bài trả lời phỏng vấn Phan Thị Nga (vợ Hoài Thanh) trên Hà Nội báo (11/3/1936), Phan Khôi cho biết: nhờ nghiên cứu cái logique trong tiếng Pháp (do Phạm Quỳnh chỉ) nên từ khi viết cho Đông Pháp thời báo, tức là từ 1925 trở đi, ông viết theo lối này. Có lẽ còn những lẽ khác nữa: Từ 1922 trở đi, Phan giao du và chịu ảnh hưởng của nhóm trẻ Nguyễn An Ninh (kém Phan 13 tuổi) Dejean de la Bâtie (dạy Phan tiếng Pháp), Bùi Thế Mỹ (cùng quê)... là những người bạn làm báo, học trường Tây. Về nguyên nhân sâu xa, Phan đã học được lối viết hài đàm trong sáng của Nguyễn Văn Vĩnh trên Đăng Cổ Tùng Báo, và đã áp dụng lối văn trong sáng này trong bản dịch Kinh Thánh từ 1920-1925, chúng tôi sẽ phân tích văn bản Kinh Thánh trong một kỳ tới.

 
3- Tại sao các "học giả" lại chọn Hồ Thích để gán cho Phan Khôi? - Vì lý do chính trị:
 Hồ Thích (1891-1962) là người được đào tạo ở Mỹ, du học năm 1910, đậu Ph.D (tiến sĩ) rồi về nước năm 1918. 1938, làm đại sứ cho Tưởng Giới Thạch tại Mỹ. Gán cho Phan Khôi "học mót" Hồ Thích, để dễ đi đến kết luận: Phan Khôi phản quốc, trước làm bồi Tây, sau bồi Mỹ.
Việc triệt hạ Phan Khôi ở các học giả, nếu dùng chữ của Phan Khôi, thì đó là cách hạ độc thủ của "các bạn đồng chí, những người quân tử". Về việc này, vẫn trong bài báo đã dẫn ở trên, khi nói đến việc Hồ Thích bị bọn đồng chí trong Quốc Dân Đảng hạ thủ, Phan Khôi viết: "Thà chịu cái độc thủ của kẻ cường quyền, của bọn tiểu nhân; không thà chịu cái chó má của bạn đồng chí, của người quân tử!"

Ba mươi năm sau, Phan Khôi bị rơi vào đúng trường hợp của Hồ Thích.

 
Các nhà văn nhà thơ

Tế Hanh

Chiến dịch đánh Phan Khôi được tổ chức khá quy mô, sử dụng những người có tiếng hiền lành như Nguyễn Đổng Chi, Tế Hanh, vừa dễ sai bảo, vừa được quần chúng tin cậy. Tế Hanh là người đi cùng với Phan Khôi sang Tàu nhân dịp kỷ niệm Lỗ Tấn, 1956.

Tế Hanh đã làm những câu thơ như sau:
Chống Pháp lại đi ôm đít Pháp
Chửi vua rút cuộc liếm giầy vua
Há mồm lại nói nền dân chủ
Đạo đức ba que quả trái mùa (Thơ họa "Con rùa đá” của Tế Hanh - 1957).

Trong bài "tường trình" về chuyến đi Trung quốc, Tế Hanh kể rặt tội của Phan Khôi trong suốt chuyến đi: lúc nào cũng tìm cách nói xấu đảng. Nhưng còn một việc tệ hơn nữa: Phan Khôi đặt tên con trai út là Phan Lang Sa. Trong bài tự trào, gửi cho gia đình từ Việt Bắc năm 1949, ông viết:
Hai nhà cộng lại có mười con
Năm gái năm trai nhắm cũng giòn.
Gả cưới tạm yên nguyền một nửa
Sữa măng riêng mũi máu ba hòn
Tư trào thôi hẳn đành chia rẽ
Nhân cách còn mong được vẹn tròn
Bé nhất Lang Sa mới ba tuổi
Tên mầy ghi cái nhục sông non.
(Phan Thị Mỹ Khanh, Nhớ cha tôi, trang 161)

Bài này nói lên gia cảnh và ý chí của Phan Khôi: Hai vợ, mười con. Một nửa đã lập gia đình. Ba con vợ hai còn nhỏ. Vì theo tư trào (chỉ cách mạng), mà phải chia lìa. Mong giữ vẹn toàn nhân cách. Con bé nhất ba tuổi, đặt tên là Lang Sa (Pháp) để ghi cái nhục sông núi (mất nước). Tinh thần bài thơ đi đôi với lời Phan thường chỉ trích những hạng người "vong bổn", mới đi Tây vài năm mà đã khoe là quên hết tiếng Việt; hoặc không biết tiếng Tây mà cũng đặt tên con là Trần thị Tờ roiTrần văn Xết. [Cái thói nói tiếng Lang Sa, Đông Pháp thời báo, số 733 (19/6/1928)]

Nhưng Tế Hanh đã "thuật" lại rằng nhân dịp ghé Nam Ninh thăm người con học ở đây tên Phan Lang Sa, Phan Khôi "nói" như sau: "Thằng này sinh ngày 9 tháng 3 năm 1945. Ngày Nhật đảo chính Pháp. Tôi đặt tên nó để cho những người nào vui mừng việc Nhật lật Pháp biết là Pháp sẽ trở lại cho coi". Và Tế Hanhkết tội: "Phan Khôi đã đáp lại lòng thù ghét của nhân dân ta đối với thực dân Pháp như thế. (...) Chỉ có một tâm hồn vong bản loại Phan Khôi mới mong Pháp trở lại mà thôi". [Độc Lập số 357 (1/5/1958, in lại trong Bọn NVGP trước toà án dư luận, trang 138-139].

Như vậy đủ biết sự xuyên tạc và vu khống, từ những ngòi bút có tiếng hiền lành, chân thực có tác động nguy hiểm như thế nào. Bao nhiêu kẻ khác đã chép lại giai thoại bịa ấy mà buộc Phan vào tội "phản quốc". Đến con ông, cũng phải đổi tên mình thành Phan An Sa.

Nguyễn Công Hoan
 
Nguyễn Công Hoan làm thơ:
Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi
Thọ mi mi chúc chớ hòng ai
Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc
Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài
Lô-gích, trước cam làm kiếp chó
Nhân văn, nay lại hít gì voi
Sống dai thêm tuổi cho thêm nhục
Thêm nhục cơm trời chẳng biết gai. (Thơ họa của Nguyễn Công Hoan - 1957)

Những lời lỗ mãng luôn luôn là thứ gậy ông đập lưng ông, chỉ hại đến tư cách tác giả. Nguy hiểm hơn là bài Hành động và tư tưởng phản động của Phan Khôi, đăng trên Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958, bản điện tử trên Talawas, mà Tạ Trọng Hiệp đã nói đến ở trên.
Nguyễn Công Hoan là người biết nhiều về Phan Khôi hơn cả. Bài viết của ông có những chi tiết về ngày tháng khá rõ, có thể dùng được trong tiểu sử Phan Khôi. Nhưng dựa vào những sự kiện mình biết, Nguyễn Công Hoan thêm thắt, xuyên tạc, để "chứng minh" Phan Khôi là người bán nước, đã làm "chỉ điểm" cho Pháp trong suốt cuộc đời. Bài này vói bài Phùng Bảo Thạch là hai "kiệt tác" về sự ô nhục của trí thức. Ở đây chỉ nhắc đến vụ Nam Phong.

Về việc Phan Khôi cộng tác với Nam Phong, Nguyễn Công Hoan viết: "Làm chỉ điểm cho Pháp, cố nhiên Phan Khôi được sở mật thám Pháp tin dùng. Báo Nam Phong của tên chùm mật thám Đông dương Lu-y Mác-ty sáng lập, cho hai tên phản cách mạng phụ trách, Phạm Quỳnh làm chủ bút phần quốc văn, Nguyễn Bá Trác làm chủ bút phần Hán văn. Nguyễn Bá Trác được lệnh của Mác Ty dùng Phan Khôi.
Từ đó, đời Phan Khôi xoay ra làm báo để reo rắc những tư tưởng phản động, có lợi cho thực dân hơn nghề làm chỉ điểm cho chúng".

Những lời trên đây tiêu biểu cho lối buộc tội Nam Phong, thường được dùng để đánh Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác, đặc biệt với Phan Khôi, Nguyễn Công Hoan đi đến đỉnh cao xuyên tạc. Lập luận xoáy vào 3 điểm chính:
- Báo Nam Phong do Pháp bảo trợ.
- Do trùm mật thám Louis Marty và Nguyễn Bá Trác điều hành chung với Phạm Quỳnh.
- Phan Khôi, "vốn nghề chỉ điểm" nên được Marty tin dùng.

1- Về điểm đầu tiên, không chỉ Nam Phong mà hầu hết các báo quốc ngữ, từ khởi thuỷ đều do người Pháp sáng lập: Gia Định báo (1865): Ernest Potteaux sáng lập-Trương Vĩnh Ký chủ bút. Nông cổ mín đàm (1901): Canavaggio-Lương Khắc Ninh. Đại Việt tân báo (1905): Ernest Babut-Đào Nguyên Phổ. Lục tỉnh Tân văn (1909): Pierre Jeantet-Trần Nhất Thăng. Đăng cổ tùng báo (1907-1908) và Đông Dương tạp chí (1913): Schneider-Nguyễn Văn Vĩnh... Vậy việc Nam Phong do Marty sáng lập cũng chỉ nằm trong chủ trương của chính quyền thuộc địa lúc bấy giờ: thúc đẩy trí thức hoạt động văn hoá để họ không chống đối chính quyền. Việc người trí thức lợi dụng lại khí giới này để truyền bá quốc ngữ và văn hoá Tây phương, là mặt trái của mề đai.

2- Nguyễn Bá Trác:
Phan Khôi và Nguyễn Bá Trác đều theo phong trào Duy Tân từ 1906 và được gửi ra Hà Nội học tiếng Pháp năm 1908. Khi phong trào bị đàn áp, Phan Khôi bị bắt ở Nam Định. Nguyễn Bá Trác trốn ở trong nước, rồi sang Xiêm, sang Nhật, sang Tầu.
Lược truyện các tác gia Việt Nammục từ 59, ghi: "... Trác được vào học lớp cán bộ quân sự ở Quảng Tây cùng với Trần Huy Lực (xem Phan Bội Châu niên biểu, trang 111). Nhưng rồi Trác làm mật thám cho Pháp, vào làm phòng báo chí của phủ toàn quyền. Lúc đầu, Trác được giao cho việc làm tờ Công thị báo bằng chữ Hán. Năm 1917, khi tên trùm mật thám Mác-ty (Marty) sai Phạm Quỳnh làm chủ bút tờ Nam Phong thì Trác được giữ gìn phần chữ Hán của tạp chí đó. Vì có công lao ấy, Trác được bổ ra làm Tá lý bộ Học ở Huế rồi làm Tuần phủ Quảng Ngãi, y đã đàn áp nhân dân và tàn sát nhiều nhà cách mạng."

Những "thông tin" trên đây vừa lộn xộn vừa đáng ngờ: Nguyễn Bá Trác làm mật thám lúc nào? Ở Quảng Tây hay ở Hà Nội? Vì làm mật thám nên được vào phủ toàn quyền hay vào phủ toàn quyền rồi làm mật thám? Ở Quảng Ngãi, Nguyễn Bá Trác đã giết những ai? Tên họ các nạn nhân là gì? Mà bảo là "tàn sát nhiều nhà cách mạng"? Chúng tôi chỉ nhắc đến cuốn Lược truyện các tác gia Việt Nam, vì đây là cuốn sách chính mà những người đi sau, thường sao chép lại. Từ điển văn học thì loại hẳn tên ông ra ngoài.

Phần lớn khi người ta nhắc đến Nguyễn Bá Trác, thường có ý úp mở như thể ông là Việt gian. Sau này, Nguyễn Văn Xuân trong Phong Trào Duy Tân có nói đến việc Mai Dị "gởi cho Nguyễn Bá Trác một bức thư chửi rủa thậm tệ, được nhiều người truyền tụng" (Phong Trào Duy Tân. Là Bối, Sài gòn, 1970, trang 213). Điều này cũng chẳng chứng tỏ được gì.

Điểm đáng chú ý là Huỳnh Thúc Kháng khi viết tiểu sử Trần Quý Cáp, năm 1938, có câu: "Về thi văn của Tiên sinh không lưu bản cảo, chỉ có đồng nhân cùng tôi còn nhớ đôi bài lượm lặt chép thành tập, gửi nơi Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác". [Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu sử Trần Quý Cáp, in lại trong Trần Quý Cáp của Lam Giang, Đông A, Sài Gòn, 1971, trang 10-16)]. Vậy Nguyễn Bá Trác vẫn được các bạn đồng hành tín nhiệm, trao giữ tác phẩm của thầy Trần Quý Cáp.

Chúng ta biết chắc: Nguyễn Bá Trác (con rể Nguyễn Bá Học) và Lê Dư là những thanh niên theo phong trào Duy Tân từ đầu. Khi bị lùng bắt, họ chạy sang Nhật, Nhật đuổi, chạy sang Tàu, rồi không chịu được kham khổ và nhớ nước, họ trở về đầu thú. Vì vậy, Sở Cuồng Lê Dư (cha của Hằng Phương) bị coi là phản cách mạng, Vũ Ngọc Phan trong hồi ký không dám nhắc đến tên bố vợ.  
 

Nguyễn Bá Trác (1881-1945), làm báo Nam Phong từ tháng 7/1917 đến khoảng tháng 9/1919, thì được vời vào Huế làm quan, đến chức tổng đốc, sau bị Việt Minh xử bắn năm 1945. Theo Phạm Thị Ngoạn (con Phạm Quỳnh) trong cuốn Introduction au Nam Phong (Tìm hiểu tạp chí Nam Phong): Nguyễn Bá Trác là đàn anh của Phạm Quỳnh về cả tuổi tác (hơn Phạm Quỳnh 11 tuổi), lẫn danh vị (đỗ cử nhân), và nhờ "uy tín của một quá khứ mạo hiểm đã khiến ông nổi danh lịch duyệt".

Những trước tác trên Nam Phong, chứng tỏ ông là một người thơ văn lỗi lạc, tác giả bản dịch Hồ Trường (thơ Nguyên Quân, Trung Hoa), một trong những kiệt tác dịch thơ. Khi kết cho người ta cái tội tầy đình: làm mật thám, hoặc phản quốc, phải có chứng cớ rõ ràng. Nếu không thì xin miễn.

3- Về trùm mật thám Louis Marty:
- Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại ghi Marty là một ông quan cai trị Pháp.
Phạm Thế Ngũ cho biết: 1907, Marty vào nghạch tham sự hành chánh, làm việc tại phủ Thống sứ Bắc kỳ. 1914, làm phụ tá trưởng phòng chính trị phủ toàn quyền, được đặc phái qua Bắc Kinh. 1915, thăng trưởng phòng chính trị, phụ trách việc lấy tin để đối phó với âm mưu tấn công vào Đông Dương do Đức cầm đầu. Cơ quan gián điệp ấy sau trở thành Tổng cục an ninh Đông Dương. 1934, Marty bị toàn quyền Robin đẩy đi Khâm sứ Ai Lao. (Theo Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, Đại Nam in lại tại Mỹ, chú thích trang 128).

- Hoàng Văn Chí viết:
"Mai [Đặng Thai Mai] và Giáp [Võ Nguyên Giáp] đều là “con nuôi” của Louis Marty, giám đốc phòng chính trị của phủ toàn quyền. Marty kiếm việc cho Mai dạy học ở trường Gia Long mà giám đốc là Bailey, một người Pháp, và giao Giáp, hãy còn là sinh viên, cho Mai trông coi. Trong khi những đảng viên Tân Việt khác bị tù đày hoặc cầm cố thì hai người ung dung sống ở Hà Nội cho đến ngày Giáp được Pháp đưa sang Tầu theo Việt Minh chống Nhật. Giáp có theo học lớp “chiến tranh du kích” do Mỹ mở ở Tĩnh Tây, nhưng không bao giờ lên Diên An." (Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản, chương IV, chú thích trang 83, Chân trời mới, 1962, bản điện tử lưu trữ trên Talawas).

- Đặng Thai Mai viết: "Tôi tham gia đảng Phục Việt, tiền thân của đảng Tân Việt (...) Khoảng 1928, tôi vào dạy trường Quốc học Huế. Ở đây tin tức không có bao nhiêu. Năm 1930-1931 tôi bị tù. Năm 1932 tôi ra Hà Nội dạy học trường Gia Long, sau dạy ở trường Thăng Long. (...) Ở trường Thăng Long lúc đó có đồng chí Phan Thanh [em họ Phan Khôi], Võ Nguyên Giáp và tôi. Tôi được giao một vài công tác góp phần vào việc mở Hội truyền bá quốc ngữ, viết báo đảng bằng quốc ngữ và tiếng Pháp" (Hồi ký Đặng Thai Mai, Tác Phẩm Mới, 1985, trang 355-356).

- Nguyễn Vỹ, trong Tuấn chàng trai nước Việt, dành chương 39, quyển II, (trang 381- 394) để viết về Đặng Thai Mai và Võ Nguyên Giáp, thời kỳ 1932- 1940 mà ông có dịp gặp gỡ thường xuyên, nhất là về người vợ đầu của ông Giáp và người con gái của Đặng Thai Mai sau này trở thành vợ thứ nhì của ông Giáp. Đáng chú ý là đoạn này :

"Võ Nguyên Giáp, sinh viên cao đẳng luật khoa, Hà Nội, vừa thi đỗ chứng chỉ 2, cấp bằng cử nhân Luật, tháng 6 năm 1937. Nhưng năm sau, 1938, anh lại thi rớt cấp bằng Luật pháp Hành chánh. Số đông sinh viên Luật Hà nội thi đậu chứng chỉ cử nhân Luật liền học một năm về "Droit administratif (Hành chánh Luật), thi đậu cấp bằng này được bổ ra làm Tri huyện, theo Hành Chánh Nam triều, hoặc "commis" [tham tá] làm tại phủ toàn quyền, hoặc các toà Thống sứ, Khâm sứ, Thống Đốc, nếu phục vụ cho chính quyền thuộc địa.
Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ có ước vọng làm commis, nhưng thi rớt nên bỏ học luôn, và tiếp tục làm giáo sư sử địa trường trung học Thăng Long" (Nguyễn Vỹ, Tuấn chàng trai nước Việt, quyển II, trang 381-382).

Những thông tin trên đây cho thấy:
- Marty là một nhân vật khôn khéo: liên lạc và giúp đỡ tất cả những thanh niên "có đầu óc" không phân biệt chính kiến.
- Tình trạng thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ không đơn giản. Chống Pháp hay ra làm quan với Pháp chỉ cách nhau một bước: Nếu Võ Nguyên Giáp thi đỗ, cuộc đời ông có thể đã thay đổi hoàn toàn.
- Việc phân biệt chính, tà, là một vấn đề hết sức phức tạp. Không nên thần thánh hoá bất cứ một nhân vật lịch sử nào. Sự bôi nhọ Phan Khôi trong hơn nửa thế kỷ. Sự kết tội Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác, về việc làm báo Nam Phong, nếu giúp chúng ta rút ra được một bài học nào, là trong cái nghiã đó.

Kỳ tới: Phan Khôi- Thời thanh niên.


==============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ