Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

đọc thêm (2) : " cha tôi - Phan Khôi / Phan Nam Sinh (Việt Nam) -- nguồn: https://tuoitre.vn>

 

Cha tôi - ông Phan Khôi


PHAN NAM SINH

17/03/2013 11:13 GMT+7

TTCT - Cha tôi là nhà báo - nhà văn Phan Khôi. Ông sinh ngày 6-10-1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) và mất tại Hà Nội ngày 16-1-1959, thọ 72 tuổi.

CqyyW4GC.jpg
nhà báo - nhà văn Phan Khôi - ảnh tư liệu

Hồi đó, phương tiện liên lạc chưa hiện đại như bây giờ nên mãi gần một ngày sau tôi mới nhận được tin. Tôi lẽo đẽo cuốc bộ từ Trường Học sinh miền Nam số 24 ở Hải Phòng, nơi tôi đang theo học, tới Trường Học sinh miền Nam số 6 cách đó hơn một cây số để báo tin cho em gái. Hai anh em tôi leo lên một chiếc xe con màu đen, chẳng biết hiệu gì, chỉ nhớ nó thấp lè tè, dè nhô ra. Ngồi trên xe, em tôi nghĩ gì không biết, chỉ nghe tiếng thút thít, thỉnh thoảng lại nấc lên. Còn tôi có lẽ vì là con trai và nhiều tuổi hơn, vả lại điều mất mát vừa xảy ra cho gia đình tôi tuy quá lớn nhưng không hẳn là bất ngờ nên tôi chỉ âm thầm chịu đựng và chua xót. Chua xót cho thân phận một con người, cho cuộc đời đầy sóng gió của cha tôi. <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Những câu đối dâng cha

"Rồi đây những góc khuất trong cuộc đời cha tôi sẽ được trở ra ánh sáng. Những gì mà một thời người ta viết về ông, làm cho con người và văn nghiệp của ông bị xô lệch, méo mó đi sẽ được nhìn nhận lại một cách khách quan và công bằng hơn"

PHAN NAM SINH

Lúc bấy giờ, không hiểu sao mọi suy nghĩ của tôi cứ đổ dồn về cuộc đời hơn bốn mươi năm bôn ba làm báo, viết văn của ông. Thật ra cho tới lúc ấy, tôi chưa biết gì nhiều về đời tư của cha ngoài tính nghiêm khắc mà mẹ và các anh chị tôi thường kể, bởi tuy đã 19 tuổi nhưng tôi chỉ sống với ông chưa đến bốn năm, mà mỗi năm cha con chỉ gặp nhau chừng nửa tháng vào mỗi dịp hè hoặc tết.

Hoạt động báo chí của ông, tôi cũng mới biết qua mấy bài báo ông viết trước cách mạng mà mỗi dịp hè tôi được đọc từ bản chép tay do ông sao lại từ báo chí mượn ở các thư viện lớn của Hà Nội. Đó là các bài: Dân quạ đìnhcôngTình giàMột lối Thơ mớitrình chánh giữa làng thơChuyện bà cố tôi, Xóa một cái án trong lịch sử: Thân oan cho Võ Hậu, Đọc cuốn Nho giáo của ông Trần Trọng Kim...

Chỉ với chừng ấy thôi, chưa phải nhiều nhặn gì so với hàng ngàn bài báo mà ông đã viết nhưng trong tôi đã hình thành một nhận xét về cha, có vẻ như vượt quá tuổi tác và trình độ học vấn của tôi lúc ấy. Đó là cha tôi tuy xuất thân Nho học nhưng tư tưởng rất mới, điều quan trọng hơn là ông đã dũng cảm đấu tranh với bất kỳ ai, với bất kỳ thế lực nào để bảo vệ lẽ phải và tiến bộ.

Vượt qua đoạn đường dài hơn 100 cây số từ Hải Phòng về Hà Nội, rồi từ bến xe Long Biên về 73 phố Thuốc Bắc, nơi cha tôi trút hơi thở cuối cùng trong căn phòng chưa đầy 10 mét vuông lúc nào cũng thiếu ánh sáng, nước mắt tôi trào ra, không cách gì ngăn được. Câu đối đầu tiên của đời tôi, buồn thay lại là câu đối khóc cha:

Lúc xã hội nhố nhăng, cúi chẳng cúi, luồn chẳng luồn, há chịu phép vú to lấp miệng

Khi văn chương nhập nhoạng, tranh ra tranh, cãi ra cãi, đâu đành lòng mũ nỉ che tai

Hồi ấy, cuộc đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm mà cha tôi được coi là thủ lĩnh tuy đã hầu tàn nhưng dư chấn của nó vẫn còn rất mạnh, có lẽ chẳng thua gì một trận động đất mà cha tôi phải hứng chịu. Mọi lời nói hay luận bàn về ông trở thành điều cấm kỵ. Vì vậy, tôi tuy rất ưng ý với câu đối viếng ông mà mình vừa làm nhưng chẳng dám hé môi đọc cho ai nghe, kể cả với các anh chị tôi.

Vào ngày Trùng Cửu (9-9 âm lịch) năm Kỷ Mão (1999), tôi được một anh bạn đồng hương gửi tặng cuốn "Bảo An - đất và người" của Nhà xuất bản Đà Nẵng, do tập thể tác giả Phan Nam, Lương Ngọc Châu, Phan Văn Hường, Phan On biên soạn cùng với sự cộng tác của nhiều người là con cháu tộc Phan - Bảo An đang công tác ở mọi miền đất nước. Bên cạnh một số người thuộc hàng em hoặc con ông được vinh danh như các nhà cách mạng Phan Thanh, Phan Bôi, Phan Triêm, nhà báo Phan Thao; cuốn sách cũng đã dành một số trang giới thiệu tiểu sử và văn nghiệp của cha tôi, xem ông là nhà văn, nhà thơ, nhà trí thức lớn của quê hương mình. Đó là điều mà hơn bốn mươi năm về trước những ai từng đọc các bài phê phán ông không thể ngờ tới.

Tôi nhận ra tên tuổi, sự nghiệp cha tôi vẫn sống và sẽ còn ở lại lâu dài với quê hương, sông núi, với họ hàng, con cháu dù đã nhiều năm người ta cố lờ đi như ông chưa từng hiện diện trên đời. Tôi lại nhớ tới câu đối viết hồi ông qua đời và thế là đúng bốn mươi năm sau, tôi lại có thêm một câu đối khác cũng viết về ông. Lần này tôi viết bằng chữ Hán, với tâm trạng vui hơn nhưng vẫn thắc thỏm lo không chắc sẽ được số đông chấp nhận. Câu đối ấy như sau:

Phan công quyến tộc sơn hà tại

Việt quốc chương dân thế đại tồn

Dịch:

Cụ Phan gia quyến lưu sông núi

Non Việt dân văn tục vạn đời

Viết xong, tự tôi thấy còn non nớt, nhưng hai chữ Chương Dân, bút hiệu của cha tôi mà tôi dịch là Dân Văn vào câu đối là hình dung của tôi về ông như một nông phu, ngày đêm cặm cụi trên cánh đồng văn bút mà không chắc đã gặt hái được gì bởi quyền năng đâu phải lúc nào cũng thuộc về ông.

Năm 2011 tôi 71 tuổi, ngấp nghé cái tuổi ông qua đời, tôi lại có thêm một câu đối khác viết về ông. So với hồi năm 1959, lúc này tôi đã hiểu ông nhiều hơn vì không chỉ được đọc sách của người khác viết về ông như Nhớ cha tôi: ông Phan Khôi của Phan Thị Mỹ Khanh - chị gái tôi, Phan Khôi - tiếng Việt, Báo chí và thơ mới của Vu Gia, Quảng Nam - đất nước & nhân vật của Nguyễn Q. Thắng mà còn được đọc hàng ngàn bài báo của chính ông trong công trình Phan Khôi - tác phẩm đăngbáo của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.

Tôi thật sự choáng ngợp và thán phục trước kho tri thức uyên bác, vừa có chiều rộng lại có chiều sâu mà ông sở hữu. Càng khâm phục hơn khi tôi biết kho tri thức đồ sộ ấy là do ông tự học, tự tích lũy gần như cả đời mà có. Tôi lại nhớ tới hai câu 5-6: Đầy bụng báng nhau trăm bộ sách, Còng lưng thồ nặng chín triều vua trong bàithơluật Đường ông viết hồi năm 1957, năm ông 70 tuổi, có tên là Bảy mươi tự thọ mà từ lâu tôi đã thuộc lòng. Thế là câu đối cứ tự nhiên mà ra, chẳng gặp bất cứ khó khăn nào, cứ như có ai đó cầm tay tôi mà viết giúp vậy:

Dẫu tự học, chỉ tự rèn cũng đầy bụng báng nhau trăm bộ sáchLo dân sinh, vì dân chủ mà còng lưng thồ nặng chính triều vua

Sao lại là chín triều vua? Ngay từ hồi 1957, lần đầu tiên đọc bài thơ này tôi đã lấy làm lạ, tiếc là không dám hỏi thẳng ông. Vì như tôi biết, ông sinh năm 1887, cho tới khi chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam, cha tôi từ Quảng Nam ra Hà Nội rồi đi kháng chiến trên chiến khu Việt Bắc cũng chỉ mới qua năm đời vua là Đồng Khánh (1885-1888), Thành Thái (1889-1907), Duy Tân (1907-1916), Khải Định (1916-1925), Bảo Đại (1926-1945). Mãi tới năm 1965, khi làm thư mục cho số sách vở, tài liệu, di cảo của ông để lại, tôi mới thôi không thắc mắc nữa.

Ấy là nhờ tôi đọc bài Những con số không nhất định trongtừ ngữ trong số di cảo của ông viết gần một năm trước khi mất. Trong bài khảo cứu này, ông cho biết số chín trong từ ngữ nào có số chín không nhất định là để chỉ "số rất nhiềutrong các số cơ bản", như "chín tầng trờichín nghìn anh em" là để chỉ rấtnhiều tầng trờirấtnhiều anhem. Nó khác hẳn với số chín nhất định như nói thiều quang chín chục là chỉ chín chụcngày mùa xuân, đi bốn biển chín châu là đi cả bốn biển chín châu theo cách người Trung Quốc xưa phân chia đơn vị hành chính của nước họ. Vì vậy mà chín triều vua trong còng lưng thồ nặng chín triều vua là đểchỉ ông đã phải sống qua rất nhiều triều vua, không có ý gì khác, cũng chẳng định ám chỉ ai hoặc bất cứ điều gì.

Ấy vậy mà hồi ấy người ta bảo ông muốn ám chỉ chế độ dân chủ cộng hòa cũng chẳng khác gì chế độ quân chủ chuyên chế của các triều đại phong kiến ngày trước (!). Hai câu kết bài thơ Giật mình trước mắt nền dân chủ, Hất cái bia đi kẻo trái mùa vì thếcũng chẳng hề có ý định lật đổ hay gì gì đó như hồi ấy người ta gán cho ông. Có chăng đó chỉ là thiện chí muốn gột rửa ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, thực dân; tự đổi mới mình cho hợp với thời đại mới, thời đại tândân chủ dự bị đi lên chủ nghĩa xã hội như cách ông gọi trong bản Tự kiểm thảo ở đợt chỉnh huấn tại Việt Bắc hồi năm 1953 mà gia đình còn giữ được.

Vậy mà một vị nhà văn nọ đã họa bài thơ với những từ ngữ hết sức khó nghe mà người đọc có chút lương tri chắc chắn phải xấu hổ thay. Đây chẳng phải là lần đầu ông bị nghi ngờ. Trước đó cũng đã vài lần ông bị nghi oan đến nỗi phải kêu lên: Tôi sao lại có tâm địa xỏ lá đến nỗi mỗi khi nói phải có ám chỉ ai mới được? Hóa ra câu cửa miệng muốn nói oan... lưu truyền trong dân gian bao đời nay thời nào cũng đúng vậy!

FBDqNr4Y.jpg

"Nắng được thì cứ nắng"

Đầu năm 2013, tôi nhận được tin vui. Bản thảo Nắng được thì cứ nắng của Phan An Sa, em trai tôi, kể lại cuộc hành trình 23 năm cuối đời của cha tôi, từ lúc là chủ nhiệm báo Sông Hương, qua chủ nhiệm báo Nhân Văn do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành sẽ ra mắt độc giả. Cuốn sách dày gần 700 trang, khổ 16 x 24cm này tôi đã được đọc từ khi nó còn là bản thảo. Rồi đây những góc khuất trong cuộc đời cha tôi sẽ được trở ra ánh sáng. Những gì mà một thời người ta viết về ông, làm cho con người và văn nghiệp của ông bị xô lệch, méo mó đi sẽ được nhìn nhận lại một cách khách quan và công bằng hơn.

Mấy ngày sau, tôi lại được xem tập phim tư liệu Con mắt còn có đuôi trên trang Phóng sự - tài liệu của Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng. Những điều mà bộ phim nói tới là sự khẳng định rất có ý nghĩa tên tuổi và những đóng góp của ông cho quê hương, đất nước; thể hiện cách nhìn, cách đánh giá mới của nhân dân, trong đó có giới trí thức, nhà văn, nghệ sĩ đối với con người và sự nghiệp văn chương của cha tôi.

Càng vui, tôi lại càng ngậm ngùi khi có thời gian nhìn lại và suy ngẫm về cuộc đời ông. Sao lại có người như cha tôi, suốt một đời đi tìm cái mới cho đất nước, cho khoa học, có khi dấn thân vào cả chốn hiểm nguy, lại một thời gian dài chẳng được ai hiểu cho, mãi tận cuối đời vẫn phải sống trong cô đơn, cô đơn ngay trong chính gia đình của mình? Phải chăng cuộc đời này đã không công bằng, đã quá nghiệt ngã với ông? Hỏi ông còn biết sống với ai, hay cái chết mới chính là sự giải thoát? Năm nay, vào dịp 54 năm ngày ông qua đời, tôi viết câu đối thứ tư dâng lên hương hồn ông:

Đi kháng chiến, đuổi thực dân, tội phản động về cùng chín suối

Đón văn minh, khai dân trí, gương duy tân ở với trời xanh!

PHAN NAM SINH

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ