bài đọc thêm (2) : " Nguyễn Đạt, trái tim nhà văn " / bài viết: Đông Dương -- nguồn: https://thanhnien.vn>
Nguyễn Đạt, trái tim nhà văn
Tôi có gọi điện cho anh Chánh hỏi thăm tình hình. Anh cho biết vừa đi thăm anh Đạt ở bệnh viện Chợ Rẫy về. Anh Đạt bị tim đột xuất. Nghẽn mạch tim. May mà gia đình đưa vào viện kịp. Bây giờ thì qua tình thế hiểm nghèo rồi. Chúng tôi hẹn nhau có thể cùng đi thăm anh Đạt vài ngày tới. Anh Đạt là nhà văn chuyên viết về đồi núi Đơn Dương - Đà Lạt. Truyện anh viết không nhiều như cá tính. Những cuốn Kỷ niệm Dã quỳ, Cơn mộng Cẩm Giang do nhà xuất bản Trẻ phát hành đủ làm bạn đọc nhớ một hiệp sĩ đi "giày ống" trên sườn núi. Nói thế để xác định tính chất nghệ sĩ, yêu cái đẹp, thi thoảng thích làm dáng của anh. Thực ra nghệ sĩ VN thường ăn mặc không đẹp hay chỉ đẹp trong văn chương. Còn bên ngoài họ rất luộm thuộm. Riêng Nguyễn Đạt thì khác.
Bao giờ tôi cũng thấy anh trau chuốt gọn ghẽ cho mình. Anh là người thích chủ nghĩa hình thức. Nguyễn Đạt làm thơ cũng thế. Một lần trong bài thơ viết tặng nhà thơ Ý Nhi, anh dùng hình ảnh rất ấn tượng "Váy chị xòe ra như một cây dù". Tôi luôn nhớ hình ảnh đó trong những cơn mưa muộn đang bắt đầu ở Sài Gòn. Còn hình ảnh nào lãng mạn hơn khi một thiếu nữ mặc váy, cầm ô đi trong mưa. Nhưng cũng phải công nhận đây là hình ảnh cổ điển. Phải chăng tình yêu và cái đẹp đã được chuẩn mực từ cổ điển? Nguyễn Đạt thường nói với tôi các bạn làm văn trẻ hôm nay hồ đồ, ít tương kính nhau như ngày xưa.
Thời của các anh, thấy ai viết hay, xuất sắc hơn mình là tâm phục khẩu phục lắm. Bởi ý thức được như thế mới tìm cách vượt qua thị phi, ganh tỵ để sáng tạo tác phẩm. Bởi một nhà văn cuối cùng định đoạt giá trị cuối vẫn phải là tác phẩm. Tôi nhiều lần chứng kiến anh cung kính trước các bậc tiền bối mới hay văn sao là người vậy. Anh xem dịch giả Huỳnh Phan Anh là thầy. "Ngày xưa, tôi học triết với thầy Huỳnh Phan Anh. Sau này viết văn, thỉnh thoảng cùng in bài chung trong một tập chí văn chương và tôi vẫn thấy sung sướng khi được ở bên thầy". Điều này giới giang hồ chữ nghĩa càng kính cẩn trước một giai thoại không biết có thật không là trong một bữa tiệc, Nguyễn Đạt phát ngôn một điều gì đó không được Huỳnh vừa ý. Thế là Huỳnh đứng dậy cho anh một bạt tai. Nguyễn Đạt chịu phép. Ngồi im như phỗng. Năm đó Nguyễn Đạt đã bước vào tuổi 60. Chao ôi! Một đứa học trò sương gió sáu mươi năm cuộc đời vẫn trọng thầy như thế! Một lần khác tôi tận mắt chứng kiến Nguyễn Đạt khiêm cung trước họa sĩ Thái Tuấn.
Với họa sĩ bậc thầy này, chính anh đã viết giới thiệu rất nhiều lần trên báo chí nhưng thái độ giữa họ vẫn giữ kẽ như chưa bao giờ là bạn ngang hàng phải lứa. Một nhà văn phải biết học - một lần anh nói với tôi - Không phải nhơn nhơn ngang sức bằng tài "tôi viết" mà phải sung sướng "tôi được viết". Câu chuyện trà dư tửu hậu với anh tôi nhận ra chính mình đôi khi thiếu lễ độ và văn hóa đã bất cẩn trong một vài giao tiếp bởi cho rằng làm báo, viết bài và kẻ khác phải mang ơn mình. "Kẻ khác" đó nhiều lúc lớn tuổi hơn. Sự tự phụ đó khác nào biến bản thân thành dây leo ăn vào bóng người khác. Anh Đạt vẫn thế. Sang trọng. Lang thang "đi về vùng đồi núi Đơn Dương" với cõi văn riêng.
Để rồi bất ngờ nghe tin anh đau tim phải nhập viện. Bỗng thấy những ngày qua được chơi với anh là điều hạnh phúc. Và những trang văn dù hay dù dở đã chắt lọc từ trái tim nhân hậu của anh. Trái tim nhiều đam mê, khát vọng nhưng vẫn có một ngăn dành cho "tiên học lễ, hậu học văn". Vâng, nghề văn có thể học cả đời nhưng chữ lễ nếu không kịp hành hôm nay, đôi khi ngày mai đã không còn kịp nữa! Mong rằng trái tim đó sau cơn đau sẽ trở về với những nhịp bình thường với tình yêu cuộc sống. ./.
Đông Dương
===============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ