Xuân Xưa, Người Cũ – Đào Trường Phúc

Xuân Xưa, Người Cũ – Đào Trường Phúc

Giữa cái lạnh buốt xương đi kèm với từng cơn tuyết đổ mịt mùng của một ngày mùa Đông năm 1990, tôi đọc những mẩu quảng cáo về “báo Xuân Tân Mùi” trong hầu như mỗi tờ tạp chí, bán nguyệt san, tuần báo phát hành vào cuối tháng chạp và đầu tháng giêng dương lịch. “Báo Xuân”! Như vậy là lại thêm một cái Tết, một “mùa Xuân” nữa sắp trở về với những lòng người xa xứ, trong sự chênh lệch oái oăm của thời tiết giữa hai bán cầu. Mười mấy năm qua, bao nhiêu người Việt Nam vẫn đón “Xuân” trong gió lạnh mùa Đông, và dường như vì “hương xuân” càng vắng bóng trong cái thời tiết khắc nghiệt nơi đất khách cho nên lòng người lại càng được nhắc nhở một cách chua chát hơn, xót xa hơn, để mênh mang hoài niệm những mùa Xuân cũ trên quê hương…

Năm hết và Tết đến giữa trời mùa Đông đất khách, sáng sớm thức dậy nhìn ra vườn chỉ thấy những cành cây khô trụi lá đứng trơ vơ trong gió rét, làm sao không ngậm ngùi nhớ lại những bông hoa rực rỡ khoe màu trong hơi nắng ấm giãi trên mảnh vườn xưa vào một buổi sáng đầu năm?… Chao ôi, “chẳng biết bây giờ nơi mảnh vườn xưa ấy, có ai đang quét dùm ta những cánh hoa mỏng manh rơi rụng đêm qua?”

Tri bất tri hề tang hải khách
Cố viên thùy tảo dạ lai hoa?

Hai câu thơ chữ Hán trên đây trở lại trong ký ức cùng với hình ảnh thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Đó là hai câu thơ đầu tiên của ông mà tôi được biết trong đời, nhiều năm trước khi tôi đủ lớn để biết yêu thương và ngâm nga đến thuộc lòng những bài thơ bất hủ trong các thi tập “Thơ Say”, “Mây”, “Rừng Phong”, “Hoa Đăng”, “Trời Một Phương”… Hai câu thơ chữ Hán chứa chan niềm hoài hương ấy, mang thủ bút của ông với những nét chữ tung hoành bay bướm, thật ra đã được trích từ một bài thơ Đường luật nào đó, hay chỉ là hai câu thơ khẩu chiếm mà ông thuận tay viết thành hai vế đối tặng người học trò trường Chu Văn An trong một buổi sáng của mùa Xuân miền Nam, ít năm sau cuộc di cư 1954? Tôi chỉ nhớ rằng hai khoanh giấy đỏ ấy được anh tôi trân trọng mang về để dán trên tường phòng khách giữa nhà, đúng vào hôm mồng một Tết, và ngự trị ở đó suốt nhiều năm trời, cho đến khi màu đỏ đã bạc hẳn, và chỉ được tạm gỡ xuống khi gia đình tôi rời bỏ căn nhà ở đường Công Lý để dọn đi nơi khác.

Đó là những năm tháng tôi lớn lên, học xong bậc Trung học đệ nhất cấp, trôi dạt qua hai ba ngôi trường trước khi được cha mẹ chiều ý xin cho vào trường Chu Văn An để học lớp Đệ Tam ban C. Theo học ban C của Chu Văn An là một trong những ước nguyện lớn nhất của tôi lúc bấy giờ, vì một lý do rất đơn giản: điều đó có nghĩa là một năm sau tôi sẽ theo gót anh tôi, trở thành học sinh lớp Đệ Nhị C, lớp duy nhất của bậc Trung học – tại Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung – được học Việt văn với giáo sư Vũ Hoàng Chương.

Ngót ba chục năm sau, mỗi khi gặp lại những bạn đồng song và cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm dưới mái trường xưa, tôi đều nghiệm ra rằng hình ảnh của “thầy Chương” là một trong những hình ảnh được tất cả học trò ban C Chu Văn An ghi nhớ một cách thuần nhất hơn cả, bền bỉ hơn cả. Có lẽ vì suốt trong những năm ông đi dạy học, từ niên khóa này sang niên khóa khác, thi sĩ Vũ Hoàng Chương lúc nào cũng giữ nguyên vẹn một trang phục, một phong thái như thế, không thay đổi. Từ giờ học đầu năm cho đến giờ học cuối năm, ông vẫn là ông trong bộ complet xám, với chiếc cặp da cũ kỹ, với khuôn mặt xương xương hơi nghiêng nghiêng ngước lên trời, với những bước chân lững thững, khoan thai trên sân trường hay dọc theo hành lang, với giọng nói nhỏ nhẹ, chậm rãi, và một nụ cười nhẹ nhàng thường xuyên nở trên môi.

Trong hai năm Đệ Tam và Đệ Nhị, tôi trốn học khá nhiều giờ để đi “bát phố” hay để ngồi nhâm nhi những ly cà phê với bạn bè, nhưng riêng những giờ Việt văn thì không bao giờ tôi vắng mặt. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ, và tôi biết tôi sẽ nhớ mãi mãi, cái cảm giác lâng lâng sung sướng của chính mình trong từng giờ học, mỗi khi nghe thầy Chương giảng về thơ Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ…, hay khi nghe ông ngâm nga những câu Kiều, và thú vị hơn nữa là khi nghe ông bất chợt xen giữa những bài giảng, kể lại vài mẩu “giai thoại văn chương”, nhắc lại dăm ba kỷ niệm với những khuôn mặt văn hữu thân thiết của ông như Lê Văn Trương, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Bính v.v…

Có hôm bước chân vào lớp học, thầy Chương đi đi lại lại trên bục, không mở cặp, không bắt đầu bài giảng, không nói năng gì, chỉ trầm ngâm và trầm ngâm rất lâu, như quên hẳn mình đang ở đâu, và cũng không hề nghe thấy tiếng nói chuyện rì rầm mỗi lúc một lớn hơn của đám học trò bên dưới. Rồi ông thủng thẳng cầm viên phấn, viết lên giữa tấm bảng màu xanh, một chữ duy nhất: “Rêu”, sau đó một lúc lại tự tay xóa đi. Cuối giờ học, khi nghe học trò hỏi lại về cái chữ bí mật ấy, ông cười và chỉ vắn tắt cho biết đó là tựa đề một bài thơ chưa viết xong.

Nhưng cũng có lần, vào một ngày cuối năm, khi không khí của lớp học “ơ hờ” hẳn lại như để chuẩn bị cho những ngày nghỉ Tết sắp đến, thầy Chương cho học trò cất sách đóng vở sớm hơn thường lệ, rồi ông chậm rãi đọc nguyên văn một bài thơ tứ tuyệt mà ông cho biết vừa sáng tác để “gửi về một người con gái mang tên Isabel” ở một phương trời rất xa:

Ai gạt dùm ta trục địa cầu
Xoay về bên trái của châu Âu
Cho ta chung một vòng kinh tuyến
Khỏi sợ thời gian chia cách nhau…

vu-hoang-chuong-rung-phong

oOo

Gần mười năm sau khi rời khỏi mái trường Chu Văn An, tôi được nghe thi sĩ Vũ Hoàng Chương nhắc lại về người con gái mang tên Isabel trong bài thơ trên đây, nhân dịp một số thi phẩm của ông được tuyển lựa và dịch sang ngoại ngữ. Ông ký tặng cho tôi tập thơ vừa xuất bản ấy, mang tựa đề “Tân Thi” (Nouveaux Poèmes). Đó là món quà văn nghệ đầu tiên tôi nhận được từ tay vị thầy học cũ. Ba năm sau đó, tôi lại nhận tiếp một món quà nữa: “Ta Đợi Em Từ Ba Mươi Năm”, tuyển tập những bài thơ tình mà ông chọn lọc từ các thi tập đã ra đời trong hai thập niên 40 và 50. Chiều hôm ấy, một buổi chiều tháng Tư, ông mở cho tôi nghe cuốn băng thâu âm một bài thơ chưa bao giờ được xuất bản mà ông bảo có thể là “đoạn kết” cho bài “Mười Hai Tháng Sáu” bất hủ của thi tập “Mây” (1943). Bài thơ mang 4 câu kết mà tôi nghĩ bất cứ ai dù chỉ nghe một lần cũng sẽ không thể nào quên:

Mười hai tháng Sáu, cung hồ xế,
Một mối tình si, một mối thù.
Ngọc đá cũng tan thành huyết lệ,
Trả cho cát bụi nhé Kiều Thu
“.

vu-hoang-chuong-ta-doi-em-tu-ba-muoi-nam

Trong thời gian làm việc cho các chương trình của Đài Phát thanh Sài Gòn, tôi đến thăm thầy Vũ Hoàng Chương nhiều lần tại ngôi nhà trên đường Nguyễn Minh Chiếu của thi sĩ Đông Hồ (mà tôi cũng có được cái may mắn để gọi là “thầy Đông Hồ” vì ông là một trong các giáo sư dạy chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm tại Đại học Văn Khoa). Khoảng cách gần mười năm từ một niên học cũ cho tôi cảm nhận tất cả những dấu vết của thời gian trên khuôn mặt và dáng dấp của thầy Chương. Tôi hiểu sức khỏe ông đã kém đi nhiều, ông hay mệt và đôi khi không nói chuyện được lâu. Nhưng giọng ông vẫn vui mỗi khi ân cần hỏi thăm và nhắn tôi chuyển lời đến một người bạn của tôi và cũng là học trò cũ của ông, là Du Tử Lê, hoặc những người bạn cùng làm với tôi trong Đài Phát thanh… “Mấy hôm nay con có gặp Phổ Đức, Hồ Trường An, Hoàng Hương Trang… không nhỉ? Vẫn thường cả chứ?… Thầy nghĩ, đến tối thứ Bảy tuần sau, chắc hoa quỳnh sẽ nở đấy con ạ. Mấy anh em rủ nhau đến chơi xem hoa nở nhé…”

Và từng giờ, từng phút, trong khi nghe những lời ông nói, nghe những câu thơ ông đọc, tôi bắt gặp trở lại niềm sung sướng và xúc động của ngày xưa, khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường và ngước mắt nhìn dáng dấp ông trên bục giảng. Trong lòng tôi của thời gian ấy, không phải chỉ có sự ngưỡng mộ thi sĩ Vũ Hoàng Chương như thời tôi mới lớn, mê thơ ông và ước ao được trở thành học trò của ông. Phải nói là tôi yêu thương ông cũng như yêu thương từng vần thơ của ông, những câu thơ đẹp đẽ và sâu thẳm mà không một nhà thơ nào khác của Việt Nam có thể viết ra. Thế giới thơ của Vũ Hoàng Chương có lẽ là thế giới thơ biệt lập nhất trong vũ trụ thi ca Việt Nam. Thơ của ông trau chuốt và trang trọng ngay cả trong những lời tình yêu nồng nàn nhất hay đau đớn nhất, và dường như chính vì cái chất tinh luyện trong ngôn ngữ ấy cho nên những bài thơ tình của ông, tự chúng, đã gạn lọc độc giả nhiều hơn những bài thơ tình của các thi sĩ khác cùng thời với ông. Mỗi khi ngâm nga một bài thơ của Vũ Hoàng Chương rồi nghe một ca khúc phổ nhạc từ thơ của Đinh Hùng hay của Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, Huy Cận…, tôi vẫn băn khoăn suy nghĩ về sự khác biệt trong cái mức độ “gần gũi” giữa thơ và người yêu thơ của những tác giả đó, một sự khác biệt dường như không liên quan gì đến sự kiện “nhạc tính” chứa đựng nhiều hay ít trong những vần thơ. Nếu tôi không lầm, bài thơ duy nhất của Vũ Hoàng Chương được (nhạc sĩ Cung Tiến) phổ nhạc, lại chỉ là một bài thơ ông đã dịch “thoát” từ Đường thi, bài “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu:

Xưa hạc vàng bay vút bóng người
Đây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi.
Vàng tung cánh hạc đi đi mãi,
Trắng một màu mây vạn vạn đời.
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu,
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi.
Gần xa chiều xuống, đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi
“.

vu-hoang-chuong-hoa-dang-rung-phong-troi-mot-phuong

oOo

Mùa Xuân nơi xứ lạ, khi màu tuyết trắng mênh mông phủ kín những mảnh vườn bỗng dưng gợi nhớ lại hình ảnh những cánh hoa rơi rụng trong một câu thơ chữ Hán ngày xưa của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, tôi chỉ muốn đưa ký ức của mình trở về với những kỷ niệm thật dịu ngọt, thật êm đềm, dễ thương. Nhưng tiếc thay, ký ức tôi không chịu ngừng lại ở những kỷ niệm hiền lành ấy, với mái trường cũ và người thầy học cũ, hay với một khu vườn trang nhã nơi hai thầy trò tản bộ và và nói chuyện thơ văn trong một đêm cuối năm của Sài Gòn… Bởi vì, chỉ mấy năm sau đó, khi cả mảnh đất quê hương đã biến thành một trại giam khổng lồ, tôi nghe những tin tức mới về thi sĩ Vũ Hoàng Chương, thì chỉ toàn là tin dữ: Tin ông bị bắt, chỉ ít lâu sau ngày quân cộng sản Bắc Việt tràn vào cưỡng chiếm miền Nam. Và một năm sau đó nữa, là tin ông hấp hối trong tù để rồi từ trần ngay sau khi bọn chúng tha ông về nhà. Một buổi tối tháng Chín, trong một cuộc gặp gỡ “chui” để bàn tính chuyện vượt biên, tôi ngồi lắng nghe, và mặc dù không cầm được nước mắt, vẫn gắng gượng tự bảo mình trấn tĩnh để lẩm nhẩm đọc đi đọc lại nhiều lần, rán sức “in” vào trí nhớ bài thơ tuyệt mệnh của Vũ Hoàng Chương viết trong tù cộng sản, được truyền khẩu giữa mấy người bạn đang tìm đường vượt biên:

Từ độ vào đây tháng đã tròn,
Lông hồng gieo xuống nhẹ dường non.
Một manh chiếu lỉa, hồn ngây ngất,
Ba chén cơm rau, xác mỏi mòn.
Ngày đến bữa ăn càng nhớ vợ,
Đêm về giấc ngủ lại thương con.
Bao nhiêu nước chảy qua cầu nữa
Chẳng dễ gì phai được tấc son
“.

oOo

Thế rồi lại hơn mười năm trôi qua… Đã rất nhiều lần tôi suy nghĩ và cố gắng tưởng tượng ra một lý do có tính cách “bình thường” và có tối thiểu chất “người”, để giải thích tại sao những kẻ cầm quyền cộng sản, sau khi cưỡng chiếm xong miền Nam, phải bắt và phải giam cầm cho đến chết nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Tôi không thể tìm được bất cứ lý do nào, ngay cả khi cố gắng ghi nhận một giả thuyết rằng những kẻ xâm lăng ấy lo ngại và muốn đề phòng cái “ảnh hưởng quần chúng” mà thi bá họ Vũ có thể gây ra bằng những vần thơ của ông, như trong trường hợp bài thơ “Lửa Từ Bi” mà ông sáng tác vào thời pháp nạn 1962 – một cách nào đó – đã góp phần đưa đến cuộc cách mạng lật đổ một chế độ.

Giả thuyết vừa nói có liên quan gì hay chăng đến một sáng tác khác của Vũ Hoàng Chương được truyền khẩu sau tháng Tư 1975, một bài thất ngôn bát cú chứa đầy ẩn dụ, dựa trên một đề tài ngụ ý phúng thích, mà dư luận cho rằng ngay sau khi bài thơ bị tiết lộ thì tác giả lập tức bị công an ập đến nhà bắt đi (?) Cho đến bây giờ tôi vẫn còn như nghe thấy văng vẳng bên tai những tiếng gằn giọng của Mai Thảo khi ông đọc cho tôi nghe bài thơ “Vịnh Tranh Gà Lợn” – khoảng một năm sau khi tôi vượt biển qua được tới Mã Lai rồi gặp lại ông ở Quận Cam California. Không ai có thể nói về thơ Vũ Hoàng Chương với những nhận xét tinh tế và sâu sắc cho bằng nhà văn Mai Thảo. Buổi tối hôm ấy, hai anh em đi ăn khuya ở quán phở “Ngon”. Trong hơi rượu say, Mai Thảo nhắc lại những kỷ niệm u ám của Sài Gòn khi thành phố vừa bị đổi tên, những trại tù trải rộng khắp nước và những vụ bắt bớ diễn ra từng ngày từng giờ. Ông ngậm ngùi nhắc chuyện “Vũ Hoàng Chương bị chúng nó giam cầm đầy đọa đến chết”. Ông nói về chỗ đứng của Vũ Hoàng Chương trong thế giới thi ca từ thời tiền chiến cho đến giai đoạn huy hoàng nhất của văn học miền Nam. Ông nói về cái giá mà một thiên tài phải trả mỗi khi vận mệnh đất nước đổi thay. Và ông lập lại một câu ông đã viết, lời nhận định hàm súc và trang trọng nhất về Vũ Hoàng Chương mà tôi tin rằng chỉ có Mai Thảo mới có thể viết ra được: “Mọi người là thi sĩ. Riêng ông là thi bá“.

Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ “Vịnh Tranh Gà Lợn” của Vũ Hoàng Chương:

Tối chưa tối hẳn, sáng sao đành,
Gà lợn om xòm cả bức tranh.
Rằng vách có tai, thơ có họa,
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh?
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng,
Lòng lợn âm dương một tấc thành.
Thôi hãy im đi đừng ủn ỉn,
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh
“.

Trong đời Vũ Hoàng Chương, hình như chưa khi nào ông sử dụng nhiều lộng ngữ tuyệt diệu đến như trong bài thơ trên đây. Nhất là bốn câu Thực và Luận, hầu như câu nào cũng chứa đựng một thành ngữ Nôm hoặc Hán được chuyển hóa tài tình để gửi đi những ý nghĩa ẩn dụ.

Thơ có họa“, nhưng chữ “họa” trong bài thơ tù của Vũ Hoàng Chương phải hiểu là tai họa, không phải là tranh vẽ như lời Tô Đông Pha xưng tụng Vương Duy “thi trung hữu họa”. “Thơ có họa“: Ba chữ chua chát và đau đớn, như một lời tiên tri cuối cùng của thi sĩ về số phận của chính mình. Có thể rằng chỉ riêng ông, ông đoán trước được cách phản ứng của tập đoàn lãnh đạo cộng sản, những kẻ sẵn sàng quyết định một bản án tử hình chỉ cần căn cứ trên mối lo sợ giả định từ một bài thơ – hay thật ra chỉ cần mượn mối lo sợ đó như một cái cớ?

Nhưng dù giải thích thế nào đi nữa, một phản ứng man rợ đến như vậy cũng khó có thể được coi là phản ứng “bình thường” và có tối thiểu chất “người”.

Hơn hai mươi năm trước đó, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã đau đớn lìa bỏ những phố phường Hà Nội mà ông yêu dấu thiết tha, để “gắng gượng làm thân con chim bằng vỗ cánh dời sang Nam minh” (lời tựa “Ta Đợi Em Từ Ba Mươi Năm”, chỉ vì ông muốn được tiếp tục sống với thơ, và sống giữa những con người. Vậy mà ông cũng không được sống nốt cuộc đời còn lại của ông trong niềm ước mơ đơn giản ấy. Sáu mươi tuổi, ông từ giã trần gian dưới móng vuốt của những con thú.

Cuối năm Canh Ngọ 1990, chọn cái tựa đề đầy ngậm ngùi “Xuân Xưa, Người Cũ” để viết một tùy bút nho nhỏ về người thầy học của lớp Đệ Nhị C Chu Văn An, tôi đã cố gắng mở đầu bằng một niềm hoài cảm thật dịu dàng, nhưng rồi cũng phải kết thúc bằng một niềm bi phẫn. Có phải vì không khí của mùa Xuân đang được gọi về giữa vùng tuyết giá của trời Đông nơi đất khách, nói cho cùng, vẫn chỉ là một không khí gắng gượng nên chẳng đủ và chẳng bao giờ đủ để giúp cho lòng nguôi ngoai?  ./.


Đào Trường Phúc

(12-1990)


===========